Chi tiết tin tức Tìm Phật trong Tam tạng Thánh giáo & tìm Phật ngoài Thánh giáo 17:15:00 - 27/05/2017
(PGNĐ) - Từ Phật giáo Nguyên thủy có hướng nhìn về Phật giáo Đại thừa và đứng ở lập trường Đại thừa để quan sát toàn thể Pháp giới.
Trên bước đường tu hành, chúng ta lên đến đỉnh cao là “Không”. Thế giới chúng ta sống là thế giới hữu, tức thế giới của muôn hình vạn trạng sai biệt về nghiệp thức của con người, nên mỗi người đều thấy khác nhau. Vì vậy, Phật nói chúng ta mang cặp kính màu nên có cái thấy khác nhau và mỗi người lại mang cặp kính nghiệp của riêng mình, thì lại thấy khác nữa là thấy theo nghiệp. Và tất nhiên cái thấy theo nghiệp chỉ đúng theo nghiệp của họ mà thôi, không đúng theo chân lý. Chính vì cái thấy sai lầm của nghiệp, Phật dạy phải cởi bỏ nghiệp. Thực chất tu hành là cởi bỏ nghiệp, vì nghiệp là khổ.
Thời Phật tại thế, ngoại đạo chủ trương có một thượng đế toàn năng, hay Brahma nắm quyền sáng tạo và an bài số phận cho con người và vũ trụ. Ý tưởng này của ngoại đạo dẫn đến việc sùng bái thần linh và đó là nguyên nhân các tôn giáo ở Ấn Độ ra đời. Nhưng Đức Phật nghi ngờ sự hiện hữu của thần linh, Ngài không chấp nhận cuộc sống khổ đau hay hạnh phúc của con người do thần linh tạo ra, nên Ngài mới đi tìm đạo. Ý này nhà Thiền gọi là có nghi tình mới có ngộ. Đầu tiên Phật tìm đạo, học đạo với các nhà tu khổ hạnh, xem họ nghĩ thế nào, thấy thế nào và chấp nhận được điều nào của họ. Có thể thấy rằng từ ý tưởng Phật nghi ngờ truyền thống của ngoại đạo mà Ngài đi tìm hiểu thực chất khổ đau của con người là gì, phát xuất từ đâu. Và trên lộ trình tìm đạo, đến điểm cuối là Phật ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng phá ma quân, thành bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người mê tín nghĩ Bồ Đề Đạo Tràng là cây bồ-đề ở tiểu bang Bihar ngày nay mà người hành hương thường đến đây chiêm bái. Bồ-đề tiêu biểu cho đỉnh cao là trí giác vô thượng của Phật, chứ không phải là cây. Đừng nhận lầm trí giác là cây. Sự thật Đức Gotama đã tọa thiền ở cây bồ-đề và Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy, đã có một bậc Thánh nhân đắc đạo ở cây bồ-đề, tức nơi đây ghi dấu ấn sự thành đạo của Phật Thích Ca. Tu theo Phật là học pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Phật, nên chúng ta không chấp vào cây bồ-đề, không chấp vào chỗ đó, chúng ta không tới cây bồ-đề đó lễ lạy để cầu thành Phật, vì như vậy là mê tín. Chúng ta thật tu ở Việt Nam, ở Học viện này là thực hành lời Phật dạy trong kinh điển, thì từng bước, chúng ta cởi bỏ được phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Và bỏ được ba thứ này xuống là nhập Không môn, hay cửa Không, thấy tất cả sự vật là Không, không có thật, chỉ do con người tưởng tượng, do con người tạo ra nó. Lý này được kinh Hoa nghiêm khẳng định rằng “Nhứt thiết duy tâm tạo”. Tạo thiên đường, địa ngục, khổ đau, hạnh phúc, thượng đế, thần linh… tất cả những thứ này đều do con người tạo. Thật vậy, đến được thế giới Không, trí giác chúng ta bừng sáng, kinh Lăng nghiêm gọi là Không sanh đại giác trung, thì nhận chân được rằng không có gì thật, vì tất cả muôn sự muôn vật đều do nghiệp thức của con người tạo nên. Chúng ta cởi bỏ nghiệp là phá được ngũ ấm ma mà gốc là Thức ấm ma. Vì lúc mới tu, chúng ta còn mang bốn ấm một cách nặng nề là sắc, thọ, tưởng và hành. Nhưng tu được, chúng ta không còn kẹt bốn ấm này, mà còn Thức ấm ma. Vì vậy, chúng ta vận dụng Thức để thấy tất cả và cuối cùng, phá luôn Thức ấm ma là hàng phục được chúng ma, trong đó Thức ấm ma quan trọng nhất. Phiền não ma, Thiên ma, tử ma không ăn thua gì. Phá Thức ấm ma thì thế giới này là Không. Cho nên nói rằng chưa tu thấy núi là núi, sông là sông; nhưng tu được thì núi không còn là núi, sông không còn là sông. Ban đầu, chúng ta thấy ánh sáng lập lòe, nhưng khi trí giác bừng sáng, chúng ta thấy Không. Tuy nhiên, trí giác mất, thì lại thấy sự vật đầy đủ. Vì khi nhập định, trí chúng ta sáng, nhưng xả định, chúng ta trở lại đời thường. Tôi đã trải qua kinh nghiệm này, nhập định vào thế giới Không, nhưng xả định, trở lại thực tế cuộc sống. Trên bước đường tu, có người nhập định, không ăn và hưởng được niềm vui kỳ diệu, mà chỉ trong Thiền định mới có. Nhưng người không thật tu, không vào thế giới này, thì dù học Phật pháp cũng thành vô nghĩa. Vào định thì tất cả đều Không và xả định, ta trở lại thực tế, ta cũng phải ăn uống, sinh hoạt bình thường. Rồi một khoảng thời gian sau, lại nhập định, chúng ta vào cửa Không, nhưng chúng ta không ở luôn trong thế giới Không được. Trong khi các vị A-la-hán vào thế giới Không thì các Ngài quên luôn mọi việc trên hiện tượng giới và trụ trong thế giới Không ấy cho đến chết. Đó là các vị Thánh tăng ở trong định và đi luôn, nhưng không biết họ về đâu. Ta nghĩ rằng họ lên Niết-bàn hay về Cực lạc. Còn chúng ta không vào cửa này giống các vị La-hán được. Như kinh Lăng nghiêm nói Không sanh ra từ đại giác thì chỉ có Phật được như vậy, nên xây tháp Đại giác để đánh dấu kỷ niệm này mà thôi, không phải Đại giác thật. Tu hành, chúng ta đi tìm Phật, nghĩ Phật bây giờ ở đâu. 50 năm trước, tôi tu học ở Nhật, Hòa thượng Nhất Hạnh qua Nhật gặp tôi, Ngài nói rằng anh em mình đi tìm Phật. Nghe giống như nói chơi, nhưng ý này quan trọng. Hòa thượng Nhất Hạnh chắp tay nói một câu dễ thương: “Bạch Thế Tôn, bây giờ Ngài đang ở đâu”. Tất cả người tu chúng ta đi tìm Phật, Ngài không phải ở Bồ Đề Đạo Tràng. Đối với tôi là đi tìm đấng Đại giác, nhưng chúng ta Thiền trải qua 20, 30 năm mà không thấy Phật thì chúng ta phải thay đổi, vì tu lâu nhưng không được gì. Thay đổi là quay về tìm Phật trong giáo pháp. Hòa thượng Nhất Hạnh tìm Phật trong Thiền định. Tôi tìm Phật trong Tam tạng Thánh giáo và thực tập Tam tạng Thánh giáo mà kinh Pháp hoa gọi là tủ thuốc do vị đại lương y là Phật để lại. Tôi bắt đầu tìm Phật theo cách này. Sự thật chúng ta lang thang trong vạn nẻo luân hồi không thấy Phật, nhưng ngồi yên đọc từng trang kinh, thấy được Phật trong lời dạy của Ngài, trong suy nghĩ, trong trí tuệ của chúng ta từng bước phát sinh. Tôi bắt đầu tìm Phật trong kinh điển, nói rõ hơn là đi tìm Phật ngay trong Tứ niệm xứ. Vì gác tất cả mọi việc một bên, trí chúng ta mới bừng sáng, mặc dù chưa đến đích, nhưng đi tới được bờ mé sinh tử, thì tia sáng cuối đường hầm mở ra cho tôi. Còn học giáo lý mà không thực hành, chắc chắn không tới chỗ này được. Quán Tứ niệm xứ; quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, để phá ngũ ấm ma của chúng ta. Ngũ ấm ma là vật cản trở lớn nhất đối với chúng ta đi vào con đường Vô thượng Chánh đẳng giác của Thế Tôn. Bài pháp Tứ niệm xứ quán đầu tiên Phật dạy rất quan trọng mà không thực tập, lo nghĩ cái gì cao siêu hơn là rớt vào ảo tưởng. Tôi đi tìm Phật ngay trong giáo lý Nguyên thủy. Có người bạn tu theo Nguyên thủy nói rằng suốt đời tu trên 50 năm, họ vẫn tiếp tục tìm Phật trong Tứ niệm xứ quán để thoát ly phiền não, nghiệp chướng, trần lao. Và thoát ly được những thứ này, chúng ta không còn lệ thuộc thần linh, nhưng được tự do ở bốn việc là hàn, nhiệt, cơ, khát. Dù còn thân tứ đại ngũ ấm, nhưng không bị ngũ ấm ngăn che, không bị tứ đại đòi hỏi. Vì vậy, có thực tập Tứ niệm xứ quán mới được sở đắc như vậy; chỉ học lý thuyết, không thể nào có được sự giải thoát này. Tới chặng đường này, nhập được Không môn là vào hàng Dự lưu, tức vào dòng Thánh. Người được đạo quả như vậy, hiện tướng giải thoát; vì không còn buồn, giận, lo, sợ, nên bước đi của họ nhẹ nhàng, dễ thương, đó là thành quả của bước đầu gặt hái được. Có thể khẳng định rằng đệ tử Phật đầu tiên phải bước qua cửa Tứ niệm xứ. Nếu không, ở thế giới trần tục, không phải là đệ tử của Sa-môn Cù Đàm. Và vào cửa Tứ niệm xứ, không bị hàn, nhiệt, cơ, khát chi phối. Tôi thấy một số thầy trước khi an cư, mua đồ để an cư có xài. Chiều không ăn thì trưa ăn cho thật no và để dành thức ăn phòng hờ tối đói. Đó là phàm tăng còn bị nghiệp đói chi phối. Có người chuẩn bị bánh, hay cái gì đó để ăn. Tôi thấy tội nghiệp họ. Có thầy nói không được ăn chiều, nhưng được uống, không nhai là không phạm lỗi, như vậy là không qua cửa Không, nên kẹt ăn uống suốt ngày, khổ sở thật. Bước qua cửa Không không nặng nề việc ăn uống. Nhịn một ngày không sao. Một ngày ăn một bữa là thấp nhất trong nhà đạo. Hai, ba ngày không ăn cũng được, ngoại đạo còn làm được, huống chi đệ tử của Sa-môn Cù Đàm. Chỉ tại tưởng tượng phải ăn cái này cho bổ, phải ăn cái kia mới ngon, đó là vọng tưởng của phàm tăng. Tu hành cố gắng vượt qua nghiệp này để lên Hiền, Thánh. Quý vị hãy tập ăn ít, ngủ ít. Có người tu ăn ít thì lại sợ lao động, sợ lễ bái, sợ tụng niệm; như vậy tu để trở thành lười biếng. Hòa thượng Itò nói đơn giản nhưng rất thấm, rằng Đức Phật không đào tạo người lười biếng, người ăn hại. Phải nhớ mình không thể thành người lười biếng, người ăn hại, người vô dụng. Phải làm Hiền Thánh, đó là thực chất tu, vì Phật đào tạo người thay Phật cứu người, giúp đời. Chúng ta không làm như vậy, bị ngoại đạo chê cười và xã hội bỏ rơi chúng ta. Từ thực tập cho được Tứ niệm xứ, chúng ta từng bước vào đạo theo Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần và cuối cùng lên đỉnh cao là Bát Thánh đạo. Và chúng ta sống trọn vẹn Bát Thánh đạo, Phật mới cho vào làng khất thực, độ sanh; không phải vì ăn mà đi xin. Thật vậy, ở Lộc Uyển. Phật đã xác định điều này. Một mình Phật khất thực, năm Tỳ-kheo ở yên một chỗ tu. Và khi Kiều Trần Như đắc La-hán, thành tựu Bát Thánh đạo là ba nghiệp thanh tịnh, thì Phật và Kiều Trần Như cùng đi khất thực. Kế tiếp, có Mã Thắng đắc La-hán, ba Thầy trò vào làng khất thực, ai cũng muốn cúng dường. Ở xa thấy các Ngài đẹp, tới gần thấy hình bóng giải thoát của Sa-môn đẹp hơn và được sống gần các Ngài, họ cảm thấy hạnh phúc. Thật vậy, 50 thanh niên dòng Da Xá đến Lộc Uyển thấy Phật và các vị Thánh Tăng này, tâm họ được an lạc, nên họ quyết định ở lại tu, không về nhà. Điều này thế hiện rõ nét Đức Phật đào tạo người mà ai cũng thương, cũng muốn gần gũi, vì họ được an. Đến khi ông bà cha mẹ của 50 thanh niên Da Xá đến tìm con, cũng xin tu theo Phật; nhưng Phật nói họ chưa tu được. Các thầy nên suy nghĩ ý này, không phải ai xin xuất gia cũng cho. Phải quán nhân duyên thấy họ chưa tu được thì không cho tu, vì Phật dạy rằng trái non không ăn được. Phật cho ông bà dòng họ Da Xá thọ tam quy, ngũ giới, về nhà tu, chờ đủ duyên mới được xuất gia làm Sa-môn đúng nghĩa mới đắc La-hán. Còn Sa-môn hủy giới phá trai coi như bỏ. Đắc Thánh quả là họ đi đến cuối đường hầm sinh tử, đi bằng tâm, bằng trí, tức phát sinh trí tuệ là Nhứt thiết trí của La-hán, nên họ có Chánh giác, thấy đúng, không sai lầm. Còn các vị Hiền thì thấy có đúng, có sai, nhưng đúng nhiều, sai ít. Thánh La-hán biết không sai lầm, nên biết người đáng độ, người nên tránh, lúc làm được, lúc phải ẩn cư. Chúng ta chưa thấy rõ mà làm đạo, thì theo kinh nghiệm của tôi là Giáo hội giao việc, tôi phải làm, nhưng tôi chưa đắc đạo thì có hai điều. Điều thứ nhất, chắc chắn chúng ta phải nhờ lực của chư Tăng. Vì vậy, chúng ta làm những gì mà chư Tăng muốn, là ta làm theo ý của chư Tăng. Điều thứ hai, chưa đắc đạo, chưa thấy đúng, nhưng tôi tin rằng phải nhờ chư Thiên, chư thần mách bảo; tuy nhiên như vậy có khi được, cũng có khi mất, đó là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Tuy việc khó, nhưng được chư Thiên mách bảo trong Thiền định, hay trong giấc mơ là lúc đó, chúng ta tạm thời gia nhập vào thế giới của chư Thiên, chư Thiên mới mách bảo. Như vậy, một là đắc định, vô định, chúng ta sẽ thấy giải pháp cho vấn đề. Hai là chưa đắc định thì chờ ngủ, trong chiêm bao, chư Thiên cho thấy. Thực tế nhiều vị Hòa thượng cũng cho biết rằng các ngài làm đạo thành công nhờ chư Thiên, chư thần mách bảo, nên việc khó tưởng không làm được, nhưng làm được và cũng nhờ đại chúng muốn ta làm. Vì vậy, các thầy cô đừng làm việc mà chư Tăng không chấp nhận, tự ý làm là chuốc họa vào thân. Từ Phật giáo Nguyên thủy, ta đi lần lên đỉnh cao Bát Thánh đạo. Bát Thánh đạo có được do thành tựu Thất Bồ-đề phần trước đó. Trong Thất Bồ-đề phần, quan trọng nhất là chánh niệm, chánh định. An trụ chánh niệm, nghĩa là chỉ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng. Cuộc đời tu của tôi luôn suy nghĩ về ba điều này. Đại Tăng muốn giao thì chúng ta làm; chư Tăng không muốn, ta đừng làm, chỉ lo giữ chánh niệm. Và đi vào chánh định, đi xa, huệ sanh thì thấy được và làm được. Từ đây tiến lên cánh cửa Đại thừa mở ra là trí giác đã sanh, vào cửa Không, không bị buồn vui, vinh nhục tác động. Tôi luôn kiểm tra điều này, không còn vui buồn, vinh nhục, chỉ có mục tiêu đi tới. Thực tập được pháp này, bên kia cửa Không sẽ có những điều tốt lành chào đón chúng ta. Tổ Huệ Năng nói: “Bản lai vô nhất vật”, tức cảnh vật không có gì, chỉ một lòng vì đạo mà tuệ giác sanh, nên Ngài nói như vậy. Nhưng vào thế giới Không rồi, nhìn lại thấy cảnh vật hiện lên đẹp hơn nhiều, tất cả những gì không muốn lại tới với mình, kinh Pháp hoa diễn tả là tới Bảo sở. Hãy nghĩ xem chúng ta mới đi được 300 do tuần đường hiểm, hay đã tới Bảo sở. Tới Bảo sở thì ôm được vô tận tạng công đức của Phật vào lòng, nghĩa là có đầy đủ những gì cho chúng ta làm đạo, cần gì cũng có. Vô tận tạng quán triệt từ đỉnh Hy Mã Lạp Sơn xuống trần thế gọi là nhập Pháp giới, nói cách khác, ta học và tu Đại thừa khởi đầu từ ngũ ấm tiến đến đỉnh cao Vô thượng Đẳng giác, hay Bồ-đề và từ Bồ-đề chứng được các pháp thì tất cả pháp biến thành Phật pháp. Lý này được kinh Hoa nghiêm dạy rằng không có gì không là Phật pháp, mới là Phật pháp. Thấu đạt như vậy, tà giáo ngoại đạo biến mất với ta, vì ta không còn buồn giận, lo sợ, tranh giành, chống đối… thì ngoại đạo trở thành tốt với mình. Đối với tôi, phá được một phần phiền não, một phần tốt tương ưng sẽ tự đến; còn chống đối là tự cô lập mình, làm sao sống yên ổn, thậm chí bị đọa. Có thể khẳng định rằng tầm nhìn chúng ta rộng mở được là thực chất của đạo Phật; vì thế, nếu giác ngộ sẽ thấy khác. Thấy Không, nhưng không thiếu gì, là vô tận tạng. Khi đó, tới với ngoại đạo, chúng ta hài hòa với họ, những gì họ không biết, ta biết và chia sẻ cho họ, họ phải thương ta. Phật đã thể hiện lý này, khi Ngài gặp người lễ bái sáu phương, Ngài khai ngộ cho anh ta biết rõ ý nghĩa của lễ bái, nên anh phải thương Phật. Còn chúng ta gặp như vậy, liền nói anh sai rồi, phải dẹp cách cúng bái này và phải thỉnh Phật về thờ mới được. Hậu quả thê thảm chắc chắn sẽ đến với ta. Cái nhìn của người giác ngộ khác với cái nhìn của người cố chấp. Khi tu học ở Nhật, tôi gặp giáo sư dạy kinh Pháp hoa. Ông dạy tôi những điều không thấy trong kinh điển. Ông bảo nên suy nghĩ về Tam đại bí pháp của Nhật Liên. Những gì có trong sách vở, ta đã biết. Ta cố tìm những gì trong sách không ghi, Thiền gọi là giáo ngoại biệt truyền, nghĩa là chúng ta tìm ngoài Thánh giáo. Còn trước kia, cái thấy còn rất mù mờ, phải tìm trong Thánh giáo. Tìm ngoài Thánh giáo, giáo sư dạy đến vô tướng đạo tràng để nghe pháp là nghe cái không nghe, thì con đường này quả thật là gian nan. Một vị khác nói khó hiểu hơn: “Nghe được tiếng vỗ của một bàn tay”, là nghe pháp giáo ngoại biệt truyền, hay vô tướng đạo tràng. Còn hữu tướng đạo tràng, chúng ta đã tu rồi, phải vào vô tướng đạo tràng được thì sẽ thấy Phật Thích Ca thật là Bổn tôn, tức Phật không có nhập diệt, Phật hằng hữu. Vào vô tướng đạo tràng sẽ đảnh lễ được Đức Phật Bổn tôn (Tỳ Lô Giá Na). Ngài Nhật Liên dạy rằng Phật giáo theo lịch sử phát xuất từ Phật Thích Ca thành đạo ở cội bồ-đề, thuyết pháp ở Ba La Nại và được truyền khắp năm châu bốn biển, đó là hữu tướng đạo tràng của Đức Phật lịch sử. Nhưng thâm nhập vô tướng đạo tràng, không phải Phật Thích Ca thành đạo ở cội bồ-đề, mà Phật Thích Ca là trí giác Vô thượng Bồ-đề. Vì vậy, chúng ta học trí giác này, không phải theo sanh thân Phật Thích Ca. Nhật Liên nói rằng Phật Bổn tôn hiện thân vào Thái tử Sĩ Đạt Ta, nên Ngài mới trở thành đấng “Năng nhân” nghĩa là biết đúng và làm được tất cả những việc khó mà mọi người không ai làm được. Rõ ràng bên trong Sĩ Đạt Ta đã hàm chứa Phật Thích Ca. Nhận thức sâu sắc lý này, chúng ta theo Phật trí giác, không theo Phật bằng xương thịt. Ta đi theo hiểu biết của Phật và thực tập pháp Ngài dạy và làm lợi ích cho đời, không phải sống nhờ người. Gặp Đức Phật Bổn tôn, Phật thật thì tâm chúng ta được an lạc, tâm chúng ta bừng sáng lên, mọi sinh hoạt của chúng ta trên cuộc đời này đều trở thành lợi ích cho nhiều người, dù ta không có ý muốn đó. Còn chưa vào đạo tràng vô tướng, chưa diện kiến Đức Phật Bổn tôn thì làm vừa lòng người này sẽ làm mất lòng người kia và gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế các thầy trụ trì thường than rằng phải làm dâu trăm họ là vậy. Nhưng không làm dâu, không lệ thuộc bất cứ ai, bất cứ thứ gì trong vũ trụ này, mà làm Thầy của trời người, chuyển hóa mọi việc hoàn toàn tự tại, là con đường Phật đã đi, đã thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề và Phật vẽ bản đồ cho chúng ta đi theo. Đi hay không tùy ở ta.
HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |