Chi tiết tin tức

Cảm hứng Bản thể giải thoát và suối nguồn tịnh độ của Thiền sư Toàn Nhật trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn

21:04:00 - 04/06/2022
(PGNĐ) -  Cảm hứng bản thể giải thoát khi đi vào tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” trở nên tự nhiên, nó như là một bức tranh hiện thực của cuộc sống có nhiều màu sắc khác nhau.

DẪN NHẬP

Cho đi là một pháp môn hạnh phúc, mở lòng với những điều nhỏ bé khiến chúng ta dần bỏ đi những thành kiến chấp ngã, nâng cao giá trị bản thân, biết yêu thương mọi người. Đối với vạn vật tâm không còn phân biệt thì thế giới an lành rộng mở, tâm không còn vướng bận điều gì. Đôi khi, chúng ta sống luôn hướng về tương lai mà quên mất hiện tại chính là cánh cửa của hạnh phúc, tìm cầu hạnh phúc xa hoa bên ngoài mà dần quên mất bản tánh bên trong.

BẢN THỂ GIẢI THOÁT

Thơ văn của các tác giả Thiền phái trước tác khá hấp dẫn về thế giới bản thể giải thoát đối với người đọc. Việc quy định các thể loại luận thuyết tôn giáo, thơ Thiền để trước tác, cũng phản ánh sự cảm thức sâu lắng trong tiến trình tu tập giải thoát tâm qua nguyên lý duyên sinh vô ngã. Do đó, các thiền giả, Thiền sư nhìn nhận các pháp, con người là duyên sinh vô ngã, vô thường. Việc hiểu được các pháp và chứng ngộ giải thoát được giải trình qua các thể loại sáng tác nói trên không chỉ dành cho người xuất gia mà nó phổ biến đến tất cả đối tượng tiếp nhận.

Cảm hứng sáng tác theo tác giả Võ Gia Trị là “Một dạng năng lượng của trí tuệ con người, cái sức mạnh được tập trung cao độ đó giúp họ vượt qua được những khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, giải phóng họ vượt qua những ràng buộc, đem lại cho người nghệ sĩ cái cảm giác tự do tuyệt vời nhất trong sáng tạo nghệ thuật” [1]. Có thể nói cảm hứng sáng tác là cái đẹp của người nghệ sĩ thì cảm hứng chứng ngộ là tính tất yếu trong quá trình tìm cầu chân lý. Trong tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” của Thiền sư Toàn Nhật đã nêu lên hai nguồn cảm hứng bản thể giải thoát và cảm hứng suối nguồn Tịnh độ nhằm mang lại giá trị trực cảm tâm linh thực thụ của vị Thiền sư chứng ngộ để hướng dẫn chúng sinh quy về bản tính tự tâm.

Các vị Thiền sư thời Lý – Trần đã diễn tả quá trình tu tập chứng ngộ, sự vận hành thế giới tự chứng qua thơ văn. Điều đặc biệt là chúng được trình bày bằng những hình ảnh sinh động giàu sắc thái nghệ thuật. Lê Văn Siêu nhận xét: “Người thời Lý đã dùng một loại thơ trầm lặng và trang nghiêm (không vui, không buồn, không sợ, không đau, không yêu, không ghét)”[2]. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp các tác giả đời Lý nói về bản thể giải thoát có hương vị hữu tình, nhưng là những hình ảnh nguyên bản trong kinh điển Đại thừa của thế giới chân tâm, duyên sinh vô ngã… trong nguyên lý vạn vật nhất thể. Trong khi đó, sở trường các tác giả Thiền phái thời Trần thì hình tượng hóa vấn đề bản thể giải thoát luận bởi các trước tác kinh điển là vô tận. Bên cạnh đó: “Ngoài giá trị gợi ý khuynh hướng sáng tác, các trước tác kinh điển còn để lại cho văn học đời sau một số hình tượng nghệ thuật trở thành nguồn thi liệu giúp cho nhà thơ, nhà văn sáng tác” [3].

“Chẳng phải cầu ta mà thành
Phật ở trong mình nào nhọc tìm đâu
Có ta mà người lạy cầu
Xưa kia ta thấy Phật đâu mà tìm
Có ta mà chê thầy phàm
Thuở trước ta làm cầu Phật ở đâu”.

Cảm hứng bản thể giải thoát khi đi vào tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” trở nên tự nhiên, nó như là một bức tranh hiện thực của cuộc sống có nhiều màu sắc khác nhau. Hành trình quay về bản thể giải thoát được diễn tả mang tính nghệ thuật cao qua các hình ảnh sống động, huyền ảo và đôi khi rất gần gũi giản dị quen thuộc. Từ hình ảnh ánh trăng, con thuyền, gương soi, đá kia ngọc nọ… tạo nguồn cảm hứng mới chiếu soi bản thể giải thoát khiến người đọc sâu lắng suy ngẫm.

Hình ảnh ánh trăng xuất hiện trở thành suối nguồn bản thể giải thoát. Trăng gợi lên sự  trong sáng tịch tịnh, chiếu rọi tất cả. Trăng trở thành hình tượng nghệ thuật gợi cảm đầy sinh động, không những chỉ là cái đẹp ngoại cảnh mà còn ví như triết lý nhiệm mầu:

“Tánh thiêng sạch tợ trăng thu

Muôn phương soi tỏ chẳng lu chút nào”.

Hình ảnh con thuyền Bát nhã thường được biểu đạt người mê đến bến bờ giải thoát. Khi đi vào tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” nó trở thành hình ảnh chiếc thuyền lướt sóng nước:

“Độ mình sau mới độ người

Như ngồi thuyền chắc lướt vời phong ba

Mênh mông ác hải hiểm hà

Mình cùng chúng bạn vượt qua tới ngàn”.

Chỉ những người trần tục gặp nhau giữa bờ sanh tử nhưng tâm họ luôn khao khát được đến bến cảnh an lành. Hình ảnh chiếc thuyền là con thuyền vừa thực, vừa ảo vẫn tự tại lướt sóng đi qua cõi “sắc không” nhiệm mầu của trần thế mà không bị ngăn trở bởi một chướng ngại vật nào:

“Vốn đà ngộ chữ sắc không

Trả lời thề trước ra công độ đời”.

Nguyễn Lang nhận định: “Không những đứng về phương diện tư tưởng mà đứng về phương diện văn học, hình ảnh một chiếc thuyền trống không, lặng lẽ vượt biển dưới ánh trăng tịch tĩnh Lăng Già là một hình ảnh mầu nhiệm” [4]. Sự nhiệm mầu ở thế giới thực tại để sống với thế giới bao la của vũ trụ. Vì vậy, cảm thức giải thoát của Thiền sư Toàn Nhật với những hình ảnh an nhiên tự tại đó mang chất an nhiên tự tại nhưng không kém phần sinh động.

Vấn đề sanh tử và Niết bàn là hai mặt của một bàn tay có, sự đối nghịch là do cái nhìn vọng kiến, nhưng nếu chúng ta diễn bày được cái nhìn chánh kiến thì vô minh không còn, Niết bàn hiện hữu:

“Chúng sanh khế ngộ chân như

Nhất thiết tề chứng vô dư Niết bàn”.

Sở dĩ các pháp tồn tại là do sự hòa hợp các duyên làm nhân hỗ trợ cho nhau tạo thành, không vật nào trên thế gian chỉ có một duyên một nhân mà hình thành. Theo quan điểm Phật giáo, chúng hữu tình đều dựa vào sự tổ hợp của năm uẩn nhưng mỗi một uẩn đều có tự ngã riêng biệt, đều là duyên sinh. Và ngay cái vô thường ta thấy được cái vô ngã, đoạn trừ tà kiến khổ đau được chấm dứt, chánh kiến được phát sinh, chúng ta có thể nhận thức được: “Niết bàn hiện hữu nó có thể nhận thức được bằng ý; với tâm ý thanh tịnh, tịch tĩnh, thù diệu, chánh trực, không bị che lấp, phi vật chất… khẳng định Niết bàn không phải là một vật thể riêng biệt, mà đơn giản là sự vắng mặt của vật thể” [5]. Vấn đề ngộ và chứng ngộ giải thoát từ giáo lý giúp chúng ta hiển bày tính sáng suốt, thường hằng, vắng lặng của chơn tâm. Từ đó, cuộc sống sẽ chan hòa tình thương, thế giới an lành hạnh phúc.

Thiền sư Toàn Nhật từ trong chính cuộc sống tạo ra những đoạn văn, bài thơ với những cung bậc tiếng nói chứa nhiều hàm nghĩa khác nhau. Đó là cách diễn đạt bản thể giải thoát bằng hình tượng, có khi tỏ ra thận trọng nghiêm cẩn, lúc thì trầm lặng lắng sâu, đôi khi tự tại mang những hình ảnh quen thuộc hết sức mộc mạc. Nghĩa là từ cuộc sống hiện thực mà giải thoát tạo ra cảm hứng sáng tác trong tác phẩm vừa mang tính triết lý, vừa có tính đạo đức nhân văn.

SUỐI NGUỒN TỊNH ĐỘ

Tịnh độ là nguồn cảm hứng vô tận cho các tác giả Thiền sư, bởi sáng tác không những giãi bày thế giới tâm thức chứng ngộ mà còn phản ánh thế giới thực tại “Bây giờ và ở đây” của người chứng đạo. Kinh Hoa Nghiêm gọi đó là “trú xứ của những ai mong mỏi bước vào trong vinh dự của gia tộc Như Lai – một dòng sống với động mạch tâm linh bất diệt. Và nó không đơn giản chỉ là một thế giới u huyền như người ta lầm tưởng mà trú xứ ấy vốn hiển hiện trần gian, một trú xứ rất thực” [6]. Với thực tại như thế, Thiền sư Toàn Nhật đã diễn tả thế giới Tịnh độ chính là cõi Phật tại tâm, xuất phát từ trong hiện thực. Vậy nên, chúng ta có thể lý giải những vần thơ của Thiền sư Toàn Nhật từ nguồn cảm hứng nêu trên, Thiền sư đã viết về suối nguồn Tịnh độ, cõi Phật tại tâm:

“Chẳng phải cầu ta mà thành

Phật ở trong mình nào nhọc tìm đâu

Có ta mà người lạy cầu

Xưa kia ta thấy Phật đâu mà tìm

Có ta mà chê thầy phàm

Thuở trước ta làm cầu Phật ở đâu”.

Con người khi trải qua quá trình chuyển hóa tâm thức đều có thể tự nhận ra tâm Phật và tâm chúng sinh, tuy hai thực thể khác nhau nhưng suy cho cùng thì chúng giống nhau về bản chất, bởi tâm Phật nằm trong tâm thức mỗi người đang hiện hữu. Xây dựng suối nguồn Tịnh độ ngay trong cõi đời, kinh Chuyển luân thánh vương tu hành dạy rằng: “Tự hành thập thiện, tu mười công đức; cũng lại khuyên dạy người hành thập thiện, công đức. Thế nào là mười? Tự mình không sát sinh, Tự mình không trộm cắp, Tự mình không dâm dật, Tự mình không nói dối, Tự mình không ỷ ngữ, Tự mình không ganh ghét, Tự mình không tranh tụng, Tự mình chánh ý, Tự mình chánh kiến, lại dạy người khác khiến hành chánh kiến” [7]. Chuyển luân thánh vương thực hiện theo khuôn mẫu: “Thiết lập một đại bảo tràng… cúng thí cho hàng Sa môn, Bà la môn và người nghèo trong nước. Sau đó vua cắt bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, tu vô lượng hạnh, ngay trong pháp hiện tại mà tự thân tác chứng, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa” [8]. Thực hiện những việc làm như thế, vua Trần Nhân Tông mở rộng và phát triển hơn bằng cách: “Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Ngài đi khắp thôn xóm, khuyến hóa dân chúng bỏ dâm từ, đồng thời dạy họ tu thập thiện” [9]. Dâm từ ở đây chỉ việc thờ cúng các thần theo tín ngưỡng dân gian, tức là đưa nhân dân về với giáo lý chân chính của Phật giáo nhấn mạnh mười pháp tu thập thiện, bởi mười điều thiện là sự ghi nhận đầy đủ về những điều đạo đức trong Tam quy Ngũ giới của người Phật tử tại gia. Đề cập đến Tam quy Ngũ giới, tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” nhấn mạnh việc làm cần thiết khi thọ phái quy y để trở thành một con người hoàn thiện hơn trong nếp sống tại gia:

“Mỗi tháng giữ ngày ăn chay

Lục trai cho đến những ngày thập trai

Quy y thọ pháp Như Lai

Vâng truyền năm giới hôm mai giữ gìn

Việc trong Phật pháp kỉnh tin

Thầy như cha mẹ hiện tiền Thích Ca

Chuyên trì sáu chữ Di Đà

Làm lành bỏ dữ phận mà chẳng lơi”.

Người hành trì tu tập giáo lý sẽ được kết quả xứng đáng, lợi ích của việc thực hành đó được ghi nhận:

“Nhân lành ắt đặng quả lành

Ba thân hưởng phước đành rành còn ghi”.

Ngoài việc hướng dẫn con người đến với những giáo điều đạo đức, Thiền sư còn nhấn mạnh các việc làm như bố thí, tạo chùa, làm phước… để trang nghiêm cõi Tịnh độ bởi: “Trang nghiêm Tịnh độ không phải chỉ có Tịnh độ của thế giới Tây phương cực lạc mà còn phải trang nghiêm hiện đời ngũ trược ác thế Ta bà, thế giới này trở thành Tịnh độ” [10], xây dựng những hành động thực tế như thế chính là xây dựng lại thế giới nội tâm chúng ta. Cho đi là một pháp môn hạnh phúc, mở lòng với những điều nhỏ bé khiến chúng ta dần bỏ đi những thành kiến chấp ngã, nâng cao giá trị bản thân, biết yêu thương mọi người. Đối với vạn vật tâm không còn phân biệt thì thế giới an lành rộng mở, tâm không còn vướng bận điều gì. Đôi khi, chúng ta sống luôn hướng về tương lai mà quên mất hiện tại chính là cánh cửa của hạnh phúc, tìm cầu hạnh phúc xa hoa bên ngoài mà dần quên mất bản tánh bên trong. Chính vì thế, Thiền sư Toàn Nhật lấy cảm hứng suối nguồn Tịnh độ Phật hóa từ hiện thực cuộc sống bằng trực cảm tâm linh chứng ngộ chuyển hóa thành suối nguồn Phật quốc:

“Xem trong thế giới muôn đồ

Vật chi phép nấy hóa đua nhiệm mầu

Hư không nhạc nổi thiều tâu

Gió rung tiếng pháp gác lầu đòi nơi

Cỏ cây hoa trái mọi loài

Tự nhiên sinh hóa ở ngoài hư không”.

Rõ ràng, hiện thực chính là Tịnh độ, Tịnh độ chính là hiện thực, là những điều hiện hữu ngay trong đời sống chúng ta rất mong manh giữa ranh giới mê và ngộ. Để mở ra con đường thật sự hạnh phúc trước mặt, Thiền sư đã tô lên những gam màu rực rỡ tạo thành cảnh cõi Tịnh độ cho chúng sinh hướng về:

“Khắp trong quốc độ nhân dân

Những trang bất thối học phần vô vi

Vốn không ngoại đạo Nê lê

Bặt loài quỷ súc tuyệt bầy tu la

Hóa cầm xướng pháp rập hòa

Ca lăng thảnh thót tần già nhặt khoan”.

Lấy cảm hứng từ cảnh giới Tịnh độ để gợi mở cho thế giới thực tại, đây được xem như là một phương pháp đa chiều, đỉnh cao của người đạt ngộ. Sử dụng triết lý nhân sinh Phật giáo làm phương tiện dẫn dắt với mục đích có thể lý giải nguyên nhân khổ đau và hướng đến con đường diệt khổ để đạt được cảnh giới tối cao thì chúng ta cần phải quán được tất cả các pháp đều là Phật pháp: “Như Lai dạy rằng: Hết thảy các pháp đều là Phật pháp. Tu-bồ-đề! Nói là hết thảy các pháp, tức chẳng phải pháp, vì thế gọi là hết thảy các pháp. Tu-bồ-đề! Ví như thân người dài lớn. Tu-bồ-đề nói: Bạch Thế Tôn, Như Lai nói rằng thân người dài lớn tức chẳng phải là thân lớn, gọi là thân lớn. Tu-bồ-đề! Bồ tát cũng lại như vậy. Nếu nói rằng: Ta đang độ cho vô lượng chúng sanh, tức chẳng gọi là Bồ tát. Vì sao vậy? Tu-bồ-đề! Thật không có pháp gọi là Bồ tát. Vì thế Phật thuyết hết thảy các pháp đều không có các tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả” [11].

Với sự khai mở tuệ giác đó chúng ta dễ dàng bước vào khám phá vũ trụ trong cõi sắc mà không có rào cản nào. Chính những thắng cảnh Phật quốc như thế là suối nguồn cảm hứng cho Thiền sư Toàn Nhật khắc họa cảnh giới Phật đài trong chiều hướng tìm cầu giải thoát, tất cả các yếu tố trên tạo thành cảnh cõi Tịnh độ sống động mang đậm sắc màu, âm thanh đa chiều nhưng tĩnh lặng.

TẠM KẾT

Nhìn chung, tác phẩm “Hứa Sử Truyện Vãn” được giải trình qua thi ca chữ Nôm của Thiền sư được bắt nguồn từ cảm hứng bản thể giải thoát, nếu tự thân chúng ta nỗ lực tu trì. Từ thế giới thực tại trở thành cõi Phật trong suối nguồn Tịnh độ qua từng tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật thành những giai điệu kết nối yêu thương chính trong cuộc sống, tất cả không ngoài mục đích chuyển hóa tâm thức con người thành một cuộc sống an lành và giải thoát khổ đau ngay trong giây phút hiện tại.

 

SC. Thích Nữ Chúc Hòa/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 390

 

Chú thích và tài liệu tham khảo

* Thích Nữ Chúc Hòa, Học viên Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Võ Gia Trị ( 2001), Văn chương và nghệ sĩ, Nxb Văn học, tr.131.

[2] Lê Văn Siêu (1957), Văn học Việt Nam thời Lý, Nxb Hướng Dương, Sài Gòn, tr.98.

[3] Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý – Trần: diện mạo và đặc điểm, Nxb. Đại học Quốc gia, TP HCM, tr.166.

[4] Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Lá Bối, tr.126.

[5] Hạnh Viên (2011), Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông, tr.261.

[6] Thích Phước Đạt (2008), Cảm hứng bản thể giải thoát và cảm hứng cõi thiên nhiên Phật nhiệm mầu trong tác phẩm thi ca Hán Nôm của thiền phái Trúc lâm đời Trần, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (89), tr.14.

[7] Thích Tuệ Sỹ dịch và chú thích (2011), Tăng Nhất A- Hàm  Tập 2, 26. Phẩm Bốn Ý Đoạn, Nxb Phương Đông, tr.71.

[8] Thích Tuệ Sỹ dịch và chú thích (2008), Kinh Chuyển luân thánh vương tu hành, Nxb Phương Đông, tr.278-279.

[9] Thích Thanh Từ (2015), Thanh từ toàn tập – Thiền tông Việt Nam, Nxb Tôn giáo, tr.437.

[10] Thích Vạn Lợi (dịch) (2000), Niệm Phật Làm Nền Tảng Để Phát Tâm Bồ Đề, Nxb Phật Đà Giáo Dục, Đài Loan, tr.153.

[11] Đoàn Trung Còn (2010), Chư Kinh Tập Yếu, Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.211.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin