Chi tiết tin tức

Tìm hiểu ý nghĩa, giá trị tư tưởng nhân bản của đạo Phật qua quá trình giác ngộ Phật quả của Thái tử Tất Đạt Đa

22:20:00 - 20/04/2022
(PGNĐ) -  Có thể thấy, tư tưởng nhân bản của đạo Phật được xem là điểm khác biệt nổi bật giữa các tôn giáo cũng như những nền tư tưởng triết học khác, một hệ tư tưởng luôn đề cao con người và đặt niềm tin vào con người, có thể đạt đến sự thánh thiện, an lạc tuyệt đối ngay trong hiện đời này.

Nội dung

A. DẪN NHẬP

Đọc lại lịch sử cuộc đời đức Phật Thích Ca mới nhận ra rằng Ngài là một con người lịch sử có thật, hiện hữu bằng da bằng thịt ngay trên cuộc đời này, nhờ vào công phu tu tập bản thân, mà Ngài đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc Thánh ngay giữa thế gian này. Đặc biệt qua những sự kiện quan liên quan đến con đường tìm đạo và giác ngộ của Ngài, dường như có một thông điệp mà đức Phật muốn để lại chúng ta, đó là bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể đạt đến vị trí cao nhất của sự giác ngộ và giải thoát, như chính đức Phật đã từng như vậy.

Giải thoát hay Niết Bàn không phải là món quà do một lực lượng siêu nhiên hay đấng tối cao nào đó đem lại cho con người. Vì thế, đức Phật không phải là người cứu rỗi, phán xét tội lỗi hay ban ơn cho một ai đó. Đức Phật chỉ là một người bình thường như bao người khác, một chúng sinh “giác ngộ”. Giải thoát cũng có thể được thực hiện ngay chính ở cuộc đời này, không cần mơ tưởng đến một ảo vọng hạnh phúc, an lạc xa xôi, mà chỉ cần chấp nhận và nhìn thẳng vào cuộc đời bằng “trí huệ vô ngã” để thấu hiểu mọi lẽ và sống an nhiên tự tại. Có thể thấy, tư tưởng nhân bản của đạo Phật được xem là điểm khác biệt nổi bật giữa các tôn giáo cũng như những nền tư tưởng triết học khác, một hệ tư tưởng luôn đề cao con người và đặt niềm tin vào con người, có thể đạt đến sự thánh thiện, an lạc tuyệt đối ngay trong hiện đời này.

B. NỘI DUNG

I. Khái quát về tư tưởng nhân bản của đạo Phật

1. Khái lược về tư tưởng nhân bản

Chắc chắn ai cũng biết “nhân” là người, con người; “bản” là cái gốc, cái nền tảng. “Nhân bản” là cái gốc của con người từ khi mới hình thành từ lúc trong bụng mẹ đến lúc chào đời. Bên cạnh đó “nhân bản” còn có nghĩa là lấy con người làm gốc, là trung tâm của mọi quyết định. Và “chủ nghĩa nhân bản” cũng dựa trên nền tảng tư tưởng này nên đã rất coi trọng con người và xem đó như là một thực thể hiện hữu sống động, trong đó bao gồm cả bản năng vốn có và những giá trị khác gắn liền với nó. Do đó khi đề cập tới những giá trị nhân bản cũng chính là nhấn mạnh đến khía cạnh bản thể của con người.

“Tư tưởng nhân bản” có thể hiểu đó là sự phản ánh hiện thực trong ý thức con người về con người, hay những suy niệm của con người về con người. Từ đó, để định hình được tư tưởng ấy một cách có hệ thống người ta đã xây dựng nên một lý thuyết đầy đủ đó là “chủ nghĩa nhân bản”. “Chủ nghĩa nhân bản” hay “hệ thống tư tưởng nhân bản” (人本主义) được phiên dịch từ tiếng Đức là  “Anthropologismus”, cũng được gọi là “nhân bản học” (人本学). Nguyên gốc có trong tiếng  Hy Lạp cổ đại là “Antropos” và “logo”, có nghĩa là con người và học thuyết. Thông thường khi nói đến “nhân bản học” đó là một loại lý thuyết siêu hình giải thích con người từ góc độ sinh vật học. Người đại diện cho học thuyết này là Ludwig Andreas Feuerbach (1804-1872) ở Đức vào thế kỷ 19 và Nikolay Gavrilovich Chernyshevsky (1828 – 1889) ở Nga. L.Feuerbach là người đã quyết liệt bác bỏ chủ nghĩa duy vật, tránh sử dụng hoặc thậm chí không chấp nhận thuật ngữ chủ nghĩa duy vật, do đó ông gọi triết học của mình là “chủ nghĩa nhân bản” hay “nguyên tắc nhân bản trong triết học” (哲学中的人本主义原则).[1]

“Chủ nghĩa nhân bản” được xem là một nhánh triết học luân lý lớn cũng như một thế giới quan chuyên chú vào lợi ích, giá trị và phẩm cách của con người, cổ vũ giáo dục nhân văn, tôn trọng giá trị con người. “Chủ nghĩa nhân bản” nhấn mạnh sự thống nhất giữa con người với tự nhiên, phê phán những quan điểm duy tâm, huyền bí về con người, được xem là bước tiến lớn trong cách đặt vấn đề và nghiên cứu về con người.  Theo “chủ nghĩa nhân bản”, sự bao dung, bất bạo động và tự do lương tâm là những nguyên tắc quan trọng cho sự cộng sinh của nhân loại. “Chủ nghĩa nhân bản” xem việc đi tìm chân lý và đạo đức bằng những phương tiện của con người để phục vụ lợi ích của con người. Trong khi chú trọng đến khả năng tự quyết định của loài người, “chủ nghĩa nhân bản” bác bỏ những biện hộ tiên nghiệm như sự hệ thuộc vào tín ngưỡng, vào cái siêu tự nhiên hoặc những văn bản được xem là thiên khải. Những người theo chủ trương nhân bản tán đồng việc nhận thức được một đạo đức phổ cập lập cơ sở trên tính công cộng của bản chất loài người.

chuabavang.com .vn Images Gallery chuabavang Gallery full 07502012 0850198

“Tư tưởng nhân bản” được dựa trên những niềm tin cơ bản dưới đây:

1. Hạnh phúc và phúc lợi của mỗi người riêng biệt và của xã hội cộng lại là những tiêu chuẩn tối ưu, những hành động phải dựa vào đó mà xét đoán.
2. Nhân phẩm của con người, và những đặc tính cá nhân của họ phải được tôn trọng.
3. Mỗi người đều có khả năng, để học hỏi và phát triển.
4. Tính sáng tạo của mỗi người phải có được cơ hội để bộc phát.
5. Xã hội Nhân bản càng phát triển lên cao càng phải đảm bảo được nhân phẩm và tự do của mỗi người.[2]

Về sau dựa trên những nền tảng “tư tưởng nhân bản” này đã sản sinh ra nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lí học – một ngành học chuyên nghiên cứu về khám phá về mọi trạng thái tâm lí của con người. Tiêu biểu đó là Calvin S. Hall và Gardner Lindzey, trong tập sách nhan đề “Các Lý Thuyết Nhân bản” ông cho rằng: “Ðịnh nghĩa sinh – xã hội chỉ ra nghĩa rất sát với nghĩa dùng phổ biến của ‘từ ngữ’ vốn xem “Nhân bản” tương đương với “giá trị kích thích thuộc xã hội” của cá nhân. Chính phản ứng của các cá nhân khác đối với chủ thể định nghĩa “Nhân bản” của chủ thể. Chúng ta có thể khẳng định rằng cá nhân không có “Nhân Tính” nào cả ngoài ra cái do phản ứng của những người khác cung cấp. Allport, … gợi ý rằng cái định nghĩa sinh – vật lý mà cho là “Nhân bản” bám chặt vào các đặt tính hay các phẩm chất của chủ thể thì được ưa thích nhiều hơn…Các định nghĩa khác thì nhấn mạnh vào chức năng hợp nhất hay tổ chức của “Nhân bản”. Ở một số định nghĩa khác nữa thì “Nhân bản” được xem là các khía cạnh độc đáo hay cá nhân của tính hạnh… Allport cho rằng “Nhân bản là con người như thật” sẽ minh họa loại định nghĩa này”[3].

Bên cạnh đó còn có nhà Tâm lí học Sigmud Freud (1856-1939) cũng đưa ra một quan điểm “tư tưởng nhân bản” khi nghiên cứu những vấn đề về tâm lí của con người, ông cho rằng: “Tâm con người hiện ra như một khối băng hà mà phần nhỏ băng hà ở trên mặt nước thì biểu tượng cho vùng hoạt động của ý thức, và phần rất lớn của băng hà chìm ở dưới mặt nước thì biểu tượng cho vùng hiện diện của vô thức, nơi mà các ham muốn mạnh mẽ, các dục vọng, các cảm xúc dồn nén và ý tưởng ảnh hưởng mạnh đến tư duy và hành động của cá nhân hiện diện.” Với S.Freud toàn bộ cấu trúc nhân bản của con người gồm ba phần: bản năng (id), tự ngã (ego) và siêu ngã (superego).[4] Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi vấn đề của con người đều xuất phát từ dục năng (libido).

Kế thừa và phát triển hơn học thuyết của S.Freud, Carl Gustav Jung (1875 – 1961) đã không chấp nhận quan điểm mọi thứ đều bị chi phối hoàn toàn bởi “dục năng” (libido) của Freud, và tự mình xây dựng một lí thuyết, phương pháp trị liệu tâm lí riêng cho mình. Với Carl Jung ông cho rằng đằng sau những lớp vỏ về vô thức có tồn tại một lớp tiềm thức, nơi đó chứa đựng mọi kinh nghiệm kiến thức được kế thừa từ tổ tiên từ thời tiền sử đến nay, lớp tiềm thức ấy ông gọi là Vô thức tập thể (The Collective Unconscious) và ông cho rằng đây là “tư tưởng nhân bản” ban sơ của toàn nhân loại.

Trái ngược với Freud và Jung, Alfred Adler (1870 – 1937) cho rằng “tư tưởng nhân bản” của con người “chủ yếu bị kích động bởi các thúc đẩy xã hội. Con người tự mình liên hệ với những người khác, dấn thân vào các hoạt động có tính cách hợp tác và xã hội, đặt sự an lạc của xã hội lên trên cái lợi của cá thể ích kỷ, và có một nếp sống nổi bật sắc thái xã hội”[5]. Nếu như Freud nhấn mạnh đến dục năng chi phối mọi vấn đề của con người, từ suy nghĩ, tình cảm cho đến cả giấc mơ hay Carl Jung đề cập đến mẫu tư tưởng ban sơ của loài người là gốc rễ của mọi tư tưởng nhân bản con người, thì khi đến Adler lại nhấn mạnh vào lợi ích xã hội, cái “hữu ngã” sáng tạo và ý thức là trung tâm của “tư tưởng nhân bản”.

Từ những quan điểm trên, có thể thấy “tư tưởng nhân bản” theo các nhà Tâm lý học phương Tây nhấn mạnh đến đó là sự quan trọng của cá tính hay nét đặc thù, biểu hiện các nét đặc thù ấy, là cái làm cho bản thân khác biệt với những người khác. Không chỉ thế “tư tưởng nhân bản” còn được xây dựng trên cơ sở các suy luận trừu tượng dựa vào sự quan sát về phẩm hạnh và đạo đức; nó biểu hiện một quá trình tự phát triển lệ thuộc vào nhiều ảnh hưởng bên trong và bên ngoài của con người, bao gồm các thiên hướng di truyền và sinh lý, các kinh nghiệm xã hội, và các điều kiện thay đổi của môi sinh. Các quan điểm “tư tưởng nhân bản” còn cho thấy rằng sự khác nhau giữa các nhà lý thuyết, mặc dù hầu hết các quan điểm “tư tưởng nhân bản” ấy không cần thiết là đúng hay sai, miễn là có hữu ích hay không cho các nhà tâm lý trong việc tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và giải thích về các giá trị con người hay bản chất thực sự của con người.[6]

Có thể thấy mỗi quan điểm hay mỗi lý thuyết về bàn về “tư tưởng nhân bản” đều đưa ra một nét đặc trưng của loại tư tưởng này. Điều đó cho thấy rằng các nhà tâm lý, các nhà tâm lý trị liệu hay các nhà lý thuyết về “tư tưởng nhân bản” đã khai thác nhiều khía cạnh riêng biệt về tính “nhân bản” của con người theo những góc độ và kinh nghiệm chuyên môn riêng biệt của họ. Càng thấy rằng bản tính chân thật của con người, hay “tư tưởng nhân bản”, thật sự là “vô ngã”, vì nhờ có sự có mặt của vô ngã mà bản chất nhân bản của con người mới có thể xuất hiện dưới dạng nhiều bộ mặt khác nhau trên nền tảng của nhận thức. Và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người đã phát hiện ra điều cốt lõi này một cách toàn diện nhất, “con người” tự nó thị hiện ra như một thực thể hiển nhiên của vũ trụ, cứ trôi chảy mãi mà các nét đặc trưng về nhân bản con người như vừa đề cập đến chỉ là một vài khía cạnh mà dòng sinh mệnh ấy đi qua.

2. Tư tưởng nhân bản theo quan điểm của đạo Phật

Trước đây, khi nói đến Phật giáo trong tâm thức của mọi người thường mặc định rằng đó là hình ảnh những nhà sư mặc áo cà sa màu vàng hoặc nâu, lo công việc hoặc tụng kinh trong chùa, hoặc làm những công việc khác chú trọng đến đời sống tinh thần của quần chúng. Từ đó đạo Phật được xem là một tôn giáo tín ngưỡng chỉ tập trung vào đời sống của chính mình và không bao giờ đề cập đến mọi thứ xung quanh, ngay cả khi nó liên quan đến những vấn đề của con người, nhưng nếu chúng ta nhìn Phật giáo theo cách này thì thật là thiếu sót và thiển cận. Thật ra, Phật giáo không chỉ chăm lo đời sống tu tập nội tâm của bản thân mà còn rất chú trọng đến những vấn đề xung quanh, đặc biệt đó là những vấn đề liên quan đến con người.

Phật giáo đề cao sự tự do cá nhân, tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến một cách dân chủ. Điều đó được thể hiện việc Đức Phật cho phép mỗi người có quyền tự do để lựa chọn phương pháp tu luyện, giác ngộ và Ngài không hạn chế điều gì về sự tự do lựa chọn đó. Do vậy, các hàng đệ tử có quyền đề ra một phương pháp tu tập riêng cho mình, và được phép giải thích các giáo lý nhà Phật theo cách thức riêng sao cho phù hợp với chân lí giác ngộ giải thoát. Các hàng đệ tử nếu nhận thấy sự hữu dụng và mang lại lợi ích cho việc tu tập của bản thân thì thực hành theo phương pháp ấy, đồng thời dựa theo tư tưởng đó và dần dần phát triển thành một tông phái riêng biệt. Điều này để giải thích tại sao đạo Phật lại có nhiều tông phái khác nhau, tuy nhiên các tông phái này đều không tách rời khỏi đạo Phật mà lại tồn tại dựa trên những nguyên lý cơ bản mà đức Phật đã giác ngộ.

Bên cạnh đó, Phật giáo cũng chủ trương sự công bằng trong xã hội. Điểm căn bản nhất mà chúng ta nhận thấy được ở chân lý Phật giáo là, Vị giáo chủ không phải là một thần linh, không phải là một thượng đế đầy quyền uy thưởng phạt, mà là một con người thật sự như bao nhiêu con người khác tên là Tất Đạt Đa, ngài thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, dòng dõi vua chúa, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Điều đó càng cho thấy rằng Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo hữu thần, mà là một trường phái triết học vô thần, bác bỏ sự hiện hữu “Brahman” và không thừa nhận “atman”, xem thế giới là tồn tại khách quan, không do vị thần nào sáng tạo ra. Phật giáo không chủ trương tin tưởng vào thần quyền hay đấng sáng tạo nào làm chủ điều khiển con người và vũ trụ; cũng không tin vào một truyền thống hay một tập tục lâu đời nào. Thứ hai, Đức Phật hoan nghênh dân chúng thuộc mọi tầng lớp xã hội, không kể nguồn gốc xuất thân gia nhập tăng đoàn, thiết lập mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội dựa trên sự thân thiện, lòng khoan dung và tình thương.

Chứng kiến sự phân chia giai cấp bất bình đẳng của xã hội Ấn Độ, ngài đã từng dạy: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau”[7]. Điều này dường như đã tạo ra một cuộc cách mạng phản đối các hệ thống giai cấp đang thịnh hành trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Có thể thấy rằng chỉ có con người mới tạo ra sự phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội chứ quan điểm Phật giáo không thay đổi cho dù có truyền bá vào một đất nước nào đi nữa thì Phật giáo cũng vẫn không thay đổi tư tưởng cốt lõi. Đê thấy được Phật giáo là đạo của mọi người, từ người lao động bần cùng đến người giàu sang. Minh chứng đó là những bài giảng của đức Phật Thích Ca đã khơi dậy mối đồng cảm từ những tầng lớp quyền quý như vua chúa, quý tộc, thương gia, đến tầng lớp bình dân, bần cùng như hành khất, gánh phân, trộm cắp và mại dâm.

Về bình đẳng, đức Phật coi chúng sinh ngang hàng với mình khi Ngài nói: “Ta là Phât đã thành, các người là Phật sẽ thành”[8] vì Ngài nhận thấy rằng tất cả chúng sinh đều có bản tính giác ngộ ở trong người, bản tính đó là Phật tính, là cái khả năng vốn có của con người có thể thành Phật trong tương lai. Ngài còn dạy rằng chúng sinh không nên tự nhiên tin vào giáo lý của Ngài, cho phép chúng sinh nghi ngờ các giáo lý hay lời dạy. Ngài cho rằng: “Nghi ngờ lớn thì giác ngộ lớn, nghi ngờ nhỏ thì giác ngộ nhỏ, chẳng nghi ngờ thì chẳng bao giờ giác ngộ”. Nghi ngờ để có được sự hiểu biết khách quan, phá trừ chấp kiến, có niềm tin vào chính mình để đi tới thấy, hiểu và thực hành để đi đến sự giác ngộ. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để tu tâm dưỡng tính. Vì thế, đạo Phật không có chủ trương dụ dỗ, lôi kéo hay cưỡng ép ai theo đạo.

Khi đức Phật không còn tại thế nữa Ngài dặn các hàng đệ tử của mình cần lấy giới luật làm khuôn phép, quy chuẩn, thước đo để nương tựa vào đó mà tu tập, trong đó một trong những điều nhắc nhở mà Ngài chú trọng nhất đó là giới “không nên sát sinh” nên ban rải tình thương, tôn trọng sinh mạng con người và tất cả chúng sinh. Để thấy được tư tưởng nhân bản của Phật giáo cũng chính là lòng “từ bi”, yêu thương với tất cả mọi người. Bên cạnh đó, Phật giáo còn khuyên răn con người nên bao dung, độ lượng với kẻ thù, Đức Phật từng dạy: “Hận thù không dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương yêu mới dập tắt được hận thù, đó là định luật của ngàn xưa”.[9]

chuabavang.com .vn Images Gallery chuabavang Gallery full 07082012 090824

Con đường nhân bản của Phật pháp là giúp con người giải thoát khỏi bể khổ cuộc đời. Giải thoát là phạm trù triết học tôn giáo Ấn Độ dùng để chỉ trạng thái tinh thần, tâm lý, đạo đức của con người thoát khỏi sự ràng buộc của thế giới trần tục và nỗi khổ của cuộc đời. Giáo lý nhà Phật lấy con người làm tâm điểm để giúp họ giải thoát khổ đau. Để giải thoát, chúng sinh cần phải hiểu được nguồn gốc của nỗi khổ. Theo Khổ đế, con người có tám cái khổ chính “Bát khổ”, trong đó, bốn cái khổ lớn: sinh, lão, bệnh, tử; tiếp theo là “Ai biệt ly khổ”: người thân yêu bị xa cách, “Oán tắng hội khổ”: kẻ oán thù lại thường hay gặp; “Cầu bất đắc khổ”: điều mong cầu lại không toại nguyện; “Ngũ ấm thịnh khổ”: chấp trước vào 5 yếu tố Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, bị nó nung nấu làm cho khổ sở. Để giải thích nguyên nhân nỗi khổ, theo Tập đế, có 12 nguyên nhân chính tức là “Thập nhị nhân duyên”. Theo kinh Duyên Khởi[10], mười hai nhân duyên đã gây ra nghiệp luân hồi cụ thể như sau:

1. Vô minh: mê muội, không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống;
2. Vô minh sinh Hành: hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý;
3. Hành sinh Thức: làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định;
4. Thức sinh Danh sắc: là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ uẩn tạo thành;
5. Danh sắc sinh Lục căn là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu);
6. Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc
7. Xúc sinh Thụ là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
8. Thụ sinh Ái: tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;
9. Ái sinh Thủ là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;
10. Thủ dẫn đến Hữu là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới;
11. Hữu dẫn đến Sinh một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi;
12. Sinh sinh ra Lão tử vì có Sinh nên có hoại diệt.

Khi tìm ra được nguyên nhân của nỗi khổ, con người có thể tiêu diệt cái khổ. Theo Diệt đế, một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt. Con đường để diệt khổ là Bát Chính Đạo (trong Đạo đế)[11], bao gồm:

1. Chính kiến: Gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lí vô ngã.
2. Chính tư duy: Suy nghĩ hay có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm.
3. Chính ngữ: Không nói dối hay không nói phù phiếm.
4. Chính nghiệp: Tránh phạm giới luật.
5. Chính mệnh: Tránh các nghề nghiệp liên quan đến sát sinh (giết hại sinh vật) như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện.
6. Chính tinh tiến: Phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu.
7. Chính niệm: Tỉnh giác trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý;
8. Chính định: Tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian.

Đức Phật đã tu tập và giác ngộ ra, dựa vào kinh nghiệm của bản thân Ngài, Ngài đã khuyên tất cả chúng sinh nên thiền định, tu tập đạo đức, trí tuệ, ý thức thế nào là tổn hại, là lợi ích cho mình và cho người khác, loại bỏ lòng tham, ích kỷ, phiền não  khổ đau, để đạt tới trạng thái hạnh phúc nhất đó là Niết bàn.

Theo giáo lí nhà Phật, giải thoát hay Niết Bàn không phải là món quà do một lực lượng siêu nhiên hay đấng tối cao nào đó đem lại cho con người. Vì thế, đức Phật không phải là người cứu rỗi, phán xét tội lỗi hay ban ơn cho một ai đó. Đức Phật chỉ là một người bình thường như bao người khác, một chúng sinh “giác ngộ”. Nếu người nào đó chưa giác ngộ ra mọi vấn đề khiến cho họ khổ sở, phiền muộn thì họ vẫn đang chìm trong cơn “mê”, chưa giải thoát được.

Giải thoát cũng có thể được thực hiện chính ngay trên đời này, không cần phải lên núi hay tịnh xá yên tĩnh để tu mà là chấp nhận và nhìn thẳng vào cuộc đời bằng “trí huệ vô ngã” để thông hiểu mọi lẽ và sống an nhiên tự tại. Quá khứ là những việc đã qua, tương lai thì chưa đến, chỉ có hiện tại là những gì đang hiện hữu cùng với chúng sinh. Họ tu tập, rèn luyện hướng tới mục đích là Niết Bàn, là biến đổi những gì đang hiện hữu ở hiện tại trở nên tốt đẹp hơn trong một tương lai rất gần. Bằng sự trui rèn của mình, chúng sinh sẽ thiết lập được sự cân bằng giữa bên trong và bên ngoài, giữa ý thức tinh thần tâm linh và thiên nhiên, thế giới xung quanh, chế ngự được lòng tham, tính ích kỉ và tự ngã.

Tư tưởng nhân bản của Phật giáo là kêu gọi con người hãy nhận rõ những gì ảo vọng, tạm bợ, chóng suy tàn, tự vượt qua nỗi sợ hãi sinh – lão – bệnh – tử, vươn lên hoàn thiện chính mình. Con người thường cho rằng mình gặp những điều không may mắn, đau khổ, bất hạnh, không được mãn nguyện là vì có một đấng tối thượng nào đó ấn định số phận cho họ như thế. Họ vẫn thường than vãn rằng tại sao họ lại được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhiều anh chị em, tại sao họ luôn gặp nghịch cảnh trớ trêu. Thế nhưng chính tâm thức sai lệch ấy đã làm cho họ không thấy cái đúng (chính kiến) mà luôn theo đuổi những điều vọng tưởng, ý kiến chủ quan và sự ghen tị. Nhiều người hay mơ tưởng đến những cái ngoài tầm tay, những cái ở đâu đâu, không bên cạnh họ để rồi khi có được nó, họ cũng không cảm thấy hài lòng vì nó không đúng như họ từng mong ước, mơ tưởng. Giống như khi ta mải chạy theo một cái gì đó, mà ta không chú ý đến những thứ bên cạnh đang có, những cái ấy đôi khi nó lại là những điều hạnh phúc chân thật.

II. Ý nghĩa và giá trị tư tưởng nhân bản của Phật Giáo qua quá trình tìm đạo và giác ngộ của thái tử Tất Đạt Đa

1. Khái quát về quá trình tìm đạo và giác ngộ của thái tử Tất Đạt Đa

Theo sử sách để lại thì Đức Phật Thích Ca là một con người lịch sử có thật trong văn hoá nhân loại. Thái tử sinh năm 624 trước Tây lịch, tại vườn ngự Lâm-Tỳ-Ni (Lumbini) thuộc xứ Népal ngày nay. Thân phụ của Thái tử là vua Tịnh Phạn (Suddhodana), giai cấp Sát-đế-lợi (Khattiya), dòng Thích Ca, xứ Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu). Thân mẫu của Người là Hoàng hậu Ma-Da (Màya) thác sinh về cõi trời Dục Giới một tuần sau khi sinh Thái tử. Sau ngày sinh, nhà hiền trí A-Tư-Ðà (Asita) xem tướng Thái tử và đoán rằng: ba mươi hai tướng quý trên thân Thái tử nói lên rằng Thái tử sẽ xuất gia và sẽ thành Phật, bậc đạo sư của Trời và Người., mang ánh sáng từ bi và trí tuệ soi sáng khắp hang cùng ngỏ hẹp, giúp con người có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc, ít khổ đau. Kinh Nàlaka thuộc Kinh Tập (Tiểu Bộ Kinh) ghi lại ca ngợi ấy như sau: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc.”[12]

Thái tử lớn lên trở thành một người thanh niên tuyệt vời, với học vấn giỏi, tinh tường trong các môn thể thao và quân sự, ngoại hình rất đẹp và đạo đức. Thái tử cưới Công chúa Da-du-đà-la (Yasodharà), một “tuyệ sắc giai nhân” dưới thời Thái tử, lúc Thái tử vừa mười tám tuổi. Năm hai mươi chín tuổi, Công chúa sinh được Hoàng tử La-hầu-la (Rahula), người con trai độc nhất. Thái tử đã mở bốn cuộc du hành ra khỏi hoàng thành, những cuộc du hành định mệnh. Lần du hành thứ nhất, gặp một cụ già; lần thứ hai, gặp một người bệnh; lần thứ ba chứng kiến một thi thể đang thiêu cháy trên giàn hỏa; lần thứ tư gặp một tu sĩ thánh thiện. Qua bốn cuộc du hành, tư tưởng Thái đã dao động và đi đến một quyết định quan trọng nhất của đời mình: Rời bỏ ngai báu và sống đời sống xuất gia tìm kiếm chân lý. Bấy giờ Thái tử vừa hai mươi chín tuổi và quá trình tìm đạo bắt đầu từ đây. Thái tử đến học đạo dưới sự hướng dẫn của hai vị thầy nổi tiếng nhất đương thời Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Alàra Kàlàma đã giúp Thái tử chứng đắc định “Vô sở hữu”; còn Uddaka giúp ngài chứng đắc định “Phi tưởng phi phi tưởng”. Với chỉ trong khoảng một thời gian ngắn Thái tử đã thành tựu một cách trọn vẹn với những gì hai vị thầy đã chỉ dạy, nhưng vẫn không thỏa mãn với sự chứng đắc ấy nên ngài đã tiếp tục ra đi tiếp tục tìm đạo.

Thái tử đi đến một khu rừng rậm gần Uruvelà hành khổ hạnh nơi tu tập của các hành giả Kiều Trần Như (Kodanna) với bốn người bạn của ngài. Trải qua sáu năm sống khổ hạnh ở bên trong khu rừng sâu cô tịch, chịu đựng hết thảy mọi thử thách của thiên nhiên dành cho thân thể cho đến khi sức cùng lực kiệt. Bấy giờ, trong thời gian khổ hạnh, Thái tử nhận thấy ba tư tưởng khởi lên trong tâm thức mình mà chưa bao giờ nghe trước đây, ngài lấy mô tả hình ảnh một khúc cây ướt đẫm đề trong nước rồi một người đến dùng nó để lấy lửa, hình ảnh thứ hai là một khúc cây ướt đẫm được lấy ra khỏi nước và đặt lên chỗ đất khô và hình ảnh thứ ba đó là một khúc cây khô, được lấy ra khỏi nước và đặt trên chỗ đất khô.[13] Thái tử ví con người giống như một khúc cây, sự ướt đẫm của nước giống như nước tham dục và khát ái bên trong con người, ngài nhận định rằng các hàng Sa–môn hay Bà-la-môn nếu không xa rời các dục lạc,  các cảm thọ thuộc thân thể nếu không chủ động loại trừ thì dù cho có khổ hạnh ép xác hay chịu đựng sự dày vò thân thể do thiên nhiên tác động thì cũng không thể nào đạt đến chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ đau, cũng như khúc cây kia ướt đẫm thì không thể dùng để làm lửa đốt cháy được.

Ngài bắt đầu dồn hết nỗ lực vào việc tu tập Thiền định, dùng hết sức chế ngự tâm của mình. Nỗ lực tu tập quá mức, thân Thái tử bị đau đớn khiến cho tâm Ngài dao động. Sau đó Thái tử chuyển sang phương pháp tập nín thở đến thời gian lâu nhất có thể nín được, lại càng nghe thấy sự đau đớn bất an trong tâm không chấm dứt. Nỗ thêm nhiều lần nữa, Thái tử vẫn không thấy được ánh sáng giải thoát của đạo. Bỗng nhiên, Ngài nhớ lại kinh nghiệm khi vào Sơ thiền trong dịp lễ Xuống ruộng (Hạ điền), lòng tràn đầy niềm hân hoan và Ngài tin rằng đây là cửa ngõ để đi đến quả vị giác ngộ giải thoát. Và rồi Thái tử đã đi đến nước Ma-kiệt-đà (Magadha) tụ lạc Ưu-lâu-tần-loa (Uruvelà), nơi có một khóm rừng xinh đẹp, có con sông trong trẻo, êm ả chạy gần, có làng mạc rất dễ khất thực. Ngài dừng chân và chọn đây làm cứ điểm tìm đạo sau cùng. Ngài giữ chính niệm, tỉnh giác hành Thiền, ly dục và lần lượt vào Tứ sắc định, hướng tâm đến Tam minh, Ngài thấy rõ nguyên lý Duyên khởi và sự thật Duyên khởi ấy được mô tả trong kinh Kinh Tương Ưng II như sau: “Này các Tỷ kheo, rồi Ta suy nghĩ: “Do cái gì có mặt mà già, chết có mặt? Cái gì duyên sinh ra già, chết? Bấy giờ đối với Ta, tư duy đúng theo sự thật của các pháp dẫn đến cái thấy biết với trí tuệ rằng, sinh có mặt, nên già, chết có mặt. Già, chết do “sinh” mà sinh…; vô minh có mặt nên Hành có mặt; Hành do Vô minh mà sinh. Như vậy sự thật là “Hành do Vô minh mà sinh”, v.v…. Như vậy là sự sinh khởi của hết thảy khổ đau. Này các Tỷ kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: ‘do cái gì không có mặt thì già chết không có mặt? do cái chấm dứt thì già chết chấm dứt?.

Rồi đối với Ta suy nghĩ đúng theo sự thật của các pháp dẫn đến cái thấy biết với trí tuệ rằng: Do Sinh không có mặt nên Già, Chết không có mặt. Do Sinh diệt, nên Già Chết diệt.

Và như thế đối với Ta cái thấy biết với trí tuệ về Sinh, Hữu, Thủ, Ái, Thọ, Xúc, Lục nhập, Danh sắc, Thức, Hành, Vô minh sinh khởi. Như vậy sự thật là: “do Vô minh diệt nên Hành diệt, do Hành diệt nên Thức diệt,… Như vậy là sự diệt tận của hết thảy khổ đau”[14].

Vào lúc ấy, sao mai mọc, Thái tử chứng đắc Vô thượng Chính Ðẳng Giác. Ngài là vị A-la-hán Chính Ðẳng Giác đầu tiên trong hiện kiếp. Về sau, Thái tử được xưng tán là Thế Tôn, đầy đủ mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.[15]

Kinh “Thánh Cầu” còn ghi lại sự chứng ngộ chân lý ấy như sau: “Này các Tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau: ‘Pháp này do ta chứng đắc sâu xa, là khó thấy, khó hiểu, tịch lặng, tuyệt vời, siêu lý luận, vi diệu, chỉ những người trí mới hiểu thấu. Nhưng chúng sinh này thì thích thú trong dục lạc, ưa thích dục lạc, ham thích dục lạc, nên thật khó thấy được sự thật của các pháp là do duyên mà khởi sinh. Cũng thật là khó thấy sự tịch tịnh của tất cả “Hành”, sự xả bỏ sạch “chấp thủ”, sự diệt tận “Ái”, không tham muốn, sự diệt tận, Niết bàn”[16].

Như vậy, sự kiện đức Phật chứng ngộ nguyên lý Duyên Khởi điều mà chưa từng nghe trước đây ở đất nước Ấn Độ, đó được xem là giáo lý tạo nên sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo bạn cũng như các nền tư tưởng triết học khác. Chính giáo lý ấy, đã nói lên sự thật bản chất của con người với xã hội, thiên nhiên cũng như sự thật về khổ và con đường diệt khổ. Bên cạnh đó, yếu tố “danh sắc” một trong 12 chi phần của nguyên lý Duyên Khởi được xem là “năm uẩn” hình thành nên con người, vì thế sự vận hành  của “năm uẩn” cũng chính là sự vận hành và thể nhận của con người. Đức Phật từng nói con người là sự tập hợp bởi các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý (vật chất và tinh thần) mà hình thành. Nên mỗi cá nhân đều có sự liên hệ mật thiết đến mọi người, xã hội và thiên nhiên, mà không bao giờ tự bản thân cá thể ấy có thể tồn tại được. Do vậy, qua lăng kính Duyên Khởi của đạo Phật có thể thấy bản chất con người là “vô ngã”, và đây là một trong những nền tảng tạo nên những giá trị nhân bản của đạo Phật.

2. Con đường tìm đạo là con đường giải thoát sự trói buộc của dục vọng con người

“Dục vọng” từ lâu được xem là điều cốt lõi để tạo nên con người, S.Freud từng nhấn mạnh mọi hành động cư xử của con người ở hiện thực hay ngay những hình ảnh, biểu tượng trong giấc mơ đó đều bị chi phối bởi “dục năng” (libido). Nó hầu như có ảnh hưởng đến mọi hoạt động của con người kể cả hành động đó là điều tốt đẹp. Thế nhưng ngang qua lăng kính giác ngộ của đức Phật, để đi đến sự an lạc, hạnh phúc tuyệt đối thì cần phải chấm dứt, chủ động rời xa những điều này. Đức Phật ví mọi dục vọng của con người như những sợi giây trói buộc, cản trở con đường đi đến sự giác ngộ giải thoát, trên con đường giác ngộ ấy không bao giờ có bóng dáng của “dục vọng” và nếu có sự tồn tại của “dục vọng” thì không thể nào giác ngộ, cũng như một khúc cây ướt đẫm thì không thể nào dùng nó để làm nên lửa được, chính vì thế Ngài đã quyết định ra đi tìm đạo, tìm con đường giải thoát khỏi sự trói buộc bởi những sợi giây xiềng xích này.

Trong xã hội ngày nay, không biết từ khi nào người ta xem “dục vọng” như là một nhu cầu rất thiết yếu trong cuộc sống, nó kiểm soát hầu hết tất cả các hoạt động suy nghĩ, tâm thức của con người và hình thành nên một “văn hóa dục”. Văn hóa này, có ảnh hưởng lớn đến tư duy cũng như cảm xúc của con người. Mặc khác, các “dục vọng” con người chưa bao giờ làm thỏa mãn được lòng ham muốn mãnh liệt của con người, vì thế càng cảm thấy không thỏa mãn các dục lạc, con người càng khát vọng chúng và dần dần trở thành các bản năng mà không thể tìm thấy được lối thoát ra. Đức Phật từng dạy:

“Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông. Ta không thấy một tiếng nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như tiếng người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, tiếng người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông. Ta không thấy một hương… một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông, như hương… vị… xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông. Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà. Ta không thấy một tiếng… một hương… một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như tiếng… hương… vị… xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà.”[17]

Để thấy được nguyên nhân chính sinh khởi các ham muốn về dục vọng của con người đó là những người đàn ông và đàn bà. Các ham muốn ấy hiện hữu trong điều kiện vô thường gây ra lạc thú và khổ đau cho con người. Chính tư duy hữu ngã đã khiến chi con người luôn sinh khởi những ý muốn  “tôi sẽ là”, “tôi nên là”, “tôi phải là” v.v…  Để rồi đánh mất đi con người vốn lương thiện không tham lam của mình, trở thành con người bất thiện với đầy dẫy những ý niệm ham muốn.

Lòng tham, như chúng ta đã biết đó là kết quả của sự vận hành của những ý niệm tà kiến và tà tư duy. Con người đã xem dục vọng là của chính mình và bị nhận chìm trong sự ham muốn và khổ đau. Ðức Phật đã từng dạy, “dục vọng không phải là con người, không phải của con người, và cũng không phải là tự ngã của con người”, chính vì thế con người cần phải rời khỏi dục vọng, chấm dứt dục vọng, để trở về với sự an lạc, hạnh phúc của tâm thức. Có một học giả đã từng nói ““muốn được bình an, hạnh phúc thì người ta cần phải làm chủ lòng dục, hạn chế lòng dục, kiềm chế lòng dục và cuối cùng phải đoạn trừ lòng dục”[18].

Sự từ bỏ sục vọng cần phải trải qua một quá trình, trước tiên chúng ta cần biết được lòng ham muốn nào cần được đáp ứng và mức độ đáp ứng như thế nào. Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức rõ rằng để con người có thể chế ngự được tâm mình tránh khỏi sự tràn ngập ưu não và  sự thỏa mãn dục vọng của bản thân là hai vấn đề riêng biệt. Đức Phật từng dạy đối với sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần và xúc trần chúng cũng rất cần thiết, có thể đem đến cho con người “vị ngọt” làm bốc cháy khát vọng các dục vọng; nhưng đằng sau ấy là “sự nguy hiểm” do sự ngắn ngủi, vô thường gây ra và sẽ dẫn dắt đến các hệ lụy sầu, bi, khổ, ưu, não cho con người. Và hơn hết con người cần thoát ra khỏi sự chấp thủ này bằng con đường “Bát thánh đạo” do Chính kiến và Chính tư duy dẫn đầu với một tuệ giác vô ngã sẽ thấy rõ sự thật của Duyên Khởi có mặt khắp tất cả vạn vật. Từ đó, con người sẽ nhận ra: Tư duy hữu ngã vốn không có thật; dục vọng con người là từ tư duy hữu ngã mà ra và khi nhận ra mọi thứ vốn không thật như vậy con người sẽ được giải thoát khỏi trói buộc của chúng.

3. Tư duy vô ngã, một định hướng cho giáo dục

Khi Thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ được lý Duyên Khởi, Ngài nhận thấy rằng mọi vấn đề của con người trong cuộc sống cũng không nằm ngoài quy luật này, nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của khổ đau, vấn đề giải quyết khổ đau đều xuất phát từ sự chấp thủ của con người, chấp đó là ta, của ta là tự ngã của ta mà sản sinh ra mọi vấn đề. Trong khi bản chất thực sự của các pháp từ vật lý cho đến tâm lý đều là “Duyên sinh” tức cái này có mặt thì chắc chắn sẽ xuất hiện cái kia tương tự như thế khi mất đi, bản thân các pháp tự nó không thể nào tự nhiên mà hiện hữu một cách độc lập được, phải nương tựa vào nhau mà hình thành và tồn tại. Để nhận biết rõ được những điều này đức Phật dạy cho chúng ta cần thực tập với một “tư duy vô ngã”.

Từ lâu tư duy hữu ngã đã tạo cho con người một sự nhìn nhận về sự vật luôn luôn tồn tại một tự ngã tưởng tượng, lấy đó làm phương tiện để dẫn dắt con người đi chinh phục và khám phá thế giới để mang về cho mình. Với tư duy hữu ngã ấy, con người đã chấp thủ nó và tạo ra một thế giới đầy dẫy các mâu thuẫn và hỗn loạn.

Giáo dục “Tư duy vô ngã” sẽ mang lại tình yêu thương cho nhân loại, tình yêu cho quê hương, tình yêu thương cho bố mẹ, tình yêu thương cho vợ chồng, tình yêu thương cho con cái, bà con, láng giềng… Tình yêu thương này được trí tuệ vô ngã dẫn dắt với phương pháp Chính kiến, Chính tư duy thấy rõ được sự thật vô ngã của tất cả vạn vật.  Tư duy vô ngã sẽ dẫn đến hạnh phúc của cá nhân, tập thể và văn hóa – truyền thống của một xứ sở luôn gắn liền nhau, nếu như một nền văn hóa và truyền thống nào không đem lại hạnh phúc cho cá nhân và tập thể, văn hóa và truyền thống ấy cần phải được nhìn lại và thay đổi. Tư duy vô ngã giúp con người thấy rõ sự tồn tại của con người và môi sinh là không thể tách rời, thế nên con người phải bảo vệ môi trường xung quanh thoát khỏi ô nhiễm và thoát khỏi chiến tranh gây ra tàn phá. Tư duy vô ngã còn mở ra hướng tư duy mới, với con người, tạo ra các giá trị mới cho nghệ thuật, kiến trúc, hội họa v.v… phục vụ hạnh phúc cho con người.

Cần hiểu rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo tín ngưỡng hữu thần, mà đạo Phật là một con đường sống, một nếp sống mang lại bình an và hạnh phúc cho các cá nhân và cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, việc lấy những tư tưởng nhân bản của đạo Phật làm triết lý cho ngành giáo dục được xem là một hướng đi mới. Ngành giáo dục mới này sẽ cống hiến cho con người một cái nhìn mới mẻ về giá trị và thái độ sống đưa tới sự lắng dịu thân tâm, đoạn trừ các dục vọng của bản thân, đoạn diệt những tà tri tà kiến, những suy tưởng về hữu ngã, để đưa tới sự thanh bình ngay trong nội tâm của con người. Định hướng giáo dục này còn sẽ giúp các cá nhân phân tích tâm lý dễ dàng nhận ra các giá trị phẩm hạnh và phiền não của mình để tìm thấy được con đường sống chân chính, “con người sẽ thể nhận ra rằng hạnh phúc không có đòi hỏi con người làm bất cứ điều gì khác hơn là sự dừng lại các ham muốn, và thể nhận rằng giờ phút hiện sinh của hiện tại và tại đây là thời điểm con người thực sự giải thoát khỏi các phiền não, bởi vì nó luôn luôn hoàn toàn mới mẻ”[19].

Một đường hướng giáo dục con người tốt là không lúc nào rời khỏi mục tiêu đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho con người. Con đường tư duy hữu ngã và thỏa mãn dục vọng bản thân đã đem lại nhiều phiền não và khủng hoảng cho con người.  Vì thế, định hướng giáo dục với một nền tư duy vô ngã sẽ là cái nhìn trí tuệ, chỉ rõ con đường sống và chấp nhận sự kiểm soát dục vọng của bản thân, là phương tiện dẫn đến hạnh phúc của con người ngay trong hiện tại, dù có gặp những vấn đề khó khăn, thách thức lớn lao vẫn không khiến cho lòng ta dao động. Con đường giáo dục đích thực và nhân bản không phải chỉ là con đường lý thuyết, mà là con đường sống, con đường đó cần chỉ ra rằng để có sự an lạc hạnh phúc cho mình và tất cả mọi người, thì con người cần trở về chính mình và làm chủ chính mình.

chuabavang.com .vn Images Gallery chuabavang Gallery full 07482012 0948342

4. Trí tuệ vô ngã, giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề tâm lí đương đại

Suy nghĩ sẽ dẫn đến hành động, những suy nghĩ chấp thủ của hữu ngã là tác nhân chính gây ra các rối loạn và khủng hoảng trong tâm thức con người và xã hội ngày nay. Chúng ta đã không quá ngạc nhiên khi thấy rằng trong những hình thái kinh tế- xã hội được coi là cực kỳ tiến bộ và văn mình, kể cả ở phương Tây lẫn phương Đông, đều đang bị sự ngự trị của lòng tham lam, sợ hãi và sân hận hủy hoại, con số những người gặp phải những tình trạng tâm lý bất an, thất vọng, ganh tỵ và thù hằn đang ngày một gia tăng. Đối diện với những vấn nạn này Phật giáo bằng trí tuệ vô ngã sẽ là phương thuốc hữu hiệu chữa trị cho những vấn nạn về tâm lý của con người.

Như chúng ta đã biết, con người thường phải rơi vào những tình trạng chán nản, căng thẳng, bất an và tức giận. Phần lớn là do sự lệ thuộc vào những biến động thay đổi liên tục của nền kinh tế-xã hội và khoa học kỹ thuật, để thích nghi với điều ấy con người đã phải không ngừng nỗ lực chạy theo để thích ứng với nó. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, mấu chốt dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý này là do chính sự chi phối bởi lòng khát khao, sở thích và dục vọng của con người.

Có một nghịch lý rằng khi con người sống giữa những thay đổi và sự sung túc vật chất của một xã hội phát triển, lại luôn cảm thấy cô đơn, lạc lõng và chán chường. Và khi tình trạng chán nản càng bám sâu vào trong tâm thức con người sẽ phát sinh ra những hành động bạo lực, tính không khoan dung và lạm dụng ma-túy gia tăng trong xã hội ngày nay. Có những người vì thấy cuộc sống của mình như thể rỗng không, quanh đi quẩn lại với những công việc hàng ngày và không có một ý thức gì về mục đích sống. Họ cố gắng vượt qua cảm giác cô đơn, chán nản của mình bằng cách làm những điều khác thường như ăn mặc những loại quần áo lôi cuốn sự chú ý hay làm những kiểu tóc gây sửng sốt cho mọi người. Họ lao vào bài bạc, can dự vào những vụ trộm cắp vặt vãnh hay đánh chửi nhau nói chung bất cứ việc gì, chỉ để tạo ra một sự náo động nào đó trong cuộc sống của họ. Nghiêm trọng hơn, đó là khi không được thỏa mãn những nhu cầu, khao khát, sở thích này sẽ dẫn đến tình trạng nhàm chán cảm xúc, nhàm chán bản thân, nhàm chán sự sống và đi đến quyết định tự kết thúc sự sống của mình. Theo số liệu thống kê hằng năm của Liên Hiệp Quốc, vấn nạn tự tử do trầm cảm thường được xuất hiện ở những quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển,… không chỉ thế nó còn diễn ra ở các quốc gia châu Âu và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Như vậy, những vấn đề liên quan đến tâm lý con người đương đại, phần lớn là do nhận thức sai lầm trong cái thấy và cách suy nghĩ (đạo Phật gọi đó là tà kiến và tà tư duy) nên con người đã bế tắt và gục ngã khi đối diện với những thách thức, khó khăn cũng như sự đau khổ và bất như ý của cuộc đời. Thái tử Tất Đạt Đa khi giác ngộ dưới cội cây bồ đề, Ngài từng khẳng định rằng cuộc đời là vô thường, nó là tập hợp những yếu tố và năng lượng luôn luôn thay đổi; hiển nhiên sẽ không có một trạng thái nào luôn tồn tại vĩnh viễn theo sự mong muốn của chúng ta. Bên cạnh đó, các vấn nạn tâm lí con người được hình thành bởi do sự khao khát dục vọng của bản thân, nó là kết quả của tư duy chấp thủ và lòng tham ái của con người; chúng ta mong muốn có được sự bình an, tự tại thì nên rời xa nó, vì nó không phải là ta, của ta và cũng không nên nuôi dưỡng nó, mà thay vào đó hãy nghĩ đến trách nhiệm, bổn phận của chính mình đối với mọi người thì sẽ thoát ly được sự trói buộc ấy và chạm đến niềm hạnh phúc, an vui tuyệt đối.

C. KẾT LUẬN

“Tư tưởng nhân bản” đó là những suy niệm của con người về con người, cũng thế “tư tưởng nhân bản Phật giáo” là góc nhìn của  đạo Phật về con người. Phật giáo lấy nền tảng “trí tuệ Vô ngã” và sự thật “lý Duyên khởi” làm cơ sở cho những giá trị tư tưởng nhân bản. Phật giáo luôn xem con người và những vấn đề liên quan đến con người làm đối tượng để hướng đến những giá trị an lạc hạnh phúc đích thực. Vì vậy, Phật giáo là con đường đưa con người đến sự thánh thiện và diệt khổ.

Khi nhắc đến vấn đề con người, thì yếu tố đầu tiên cần đề cập đến đó chính là  “dục vọng” hay còn gọi là “tham ái”, đây là nguồn cơn khởi sinh mọi vấn đề khủng hoảng của con người. Mặc khác, những suy nghĩ chấp thủ của một tư duy hữu ngã cũng là nhân tố quan trọng để dẫn dắt cho lòng tham và khái ái của con người đi đến sự rối loạn và đau khổ cho con người.

Sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa ra đi tìm đạo giác ngộ chân lí giải thoát được xem là cột mốc đánh dấu cho sự khác biệt giữa Phật giáo với các nền tư tưởng triết học, tôn giáo khác khi đánh giá về con người. Mở ra một con đường mới mẻ và giải pháp hữu hiệu cho những vấn nạn mà con người luôn phải đối diện trong cuộc sống, đó là những nỗi khổ niềm đau do chính “dục vọng” bản thân mình gây ra.

Phật giáo hướng tới một nền văn hóa giáo dục nhân bản mới mẻ, với cái nhìn mới là Vô ngã, vị tha. Bằng sự nhìn nhận này, sẽ giúp cho con người có được sự đánh giá thật khách quan về thế giới vạn vật, cũng như sự thành thật khi tự đánh giá chính mình, bên cạnh đó cũng giúp con người tự hiểu mình hơn, tự có trách nhiệm hơn với bản thân, với cộng đồng và xã hội. Có thể thấy dù đức Phật dù đã nhập Niết Bàn cách đây cả hàng ngàn năm, nhưng những giá trị tư tưởng, đặt biệt là tư tưởng nhân bản của Ngài vẫn luôn là hướng đi, thước đo chuẩn mực để đánh giá cho những giá trị phẩm hạnh, đạo đức của con người.

 

Tác giả: Đại đức Thích Hữu Đạt/TCNCPH
 

***

CHÚ THÍCH

[1]https://baike.baidu.com/item/%E4%BA%BA%E6%9C%AC%E4%B8%BB%E4%B9%89/1460818?fr=aladdin (Ngày truy cập: 19/02/2022).
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_nh%C3%A2n_v%C4%83n (Ngày truy cập: 19/02/2022).
[3] Calvin S.Hall and Gardner Lindzey, “Theories of Personality” Wiley Eastern Limited, New Delhi, 110002, 1991, pp. 8-9.
[4] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, III.1: Chương 1: Các Lý Thuyết Nhân Tính Đương Thời, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, Trang 117.
[5] Sđd, Tr. 126.
[6] Adapted from “Personality Theories”, by Larry A.Jelle and Daniel J.Ziegler, Mc Graw – Hill, Inc., New York,1992,p.5.
[7] Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý (Trọn bộ), Quyển 7: Chữ Hòa của Đạo Phật, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1992, Trang 557.
[8] Kinh Đại Bát Niết Bàn- Trường Bộ Kinh 1và Kinh Du Hành- Trường A Hàm 1
[9] Phật giáo và cuộc sống hiện đại, www.buddhismtoday.com
[10] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3, Số 124- Kinh Duyên Khởi, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Trang 1014.
[11] Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận, Tiết IX: Bát Thánh Đạo, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, Trang 344.
[12] Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập I, Chương Ba: Đại Phẩm, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Trang 435.
[13] “Mahàsaccakasuttam”,MiddleLengthSayings,Vol.I,PTS,London,1987,pp.295-296.
[14] “Kindred Sayings” , Vol. II, PTS , London , 1990, pp.6-7.
[15] Sđd, Trang 22.
[16] “Discourse on Ariyapariyesana”,…, pp. 211-212.
[17] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp I. Phẩm Sắc, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996, Trang 9, 10.
[18] Viên Trí, Phật giáo qua lăng kính xã hội, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018, Tr. 86.
[19] Sđd, Tr. 245.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Đại Bát Niết Bàn- Trường Bộ Kinh 1và Kinh Du Hành- Trường A Hàm 1.
2. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 7 – Bộ A-Hàm VII – Kinh Tạp A-Hàm Số 3, Số 124- Kinh Duyên Khởi, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000.
3. Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 2015 – Tập I, Chương Ba: Đại Phẩm, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.
4. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp I. Phẩm Sắc, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1996.
5. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết Nhân tính qua tạng Kinh Pàli, III.1: Chương 1: Các Lý Thuyết Nhân Tính Đương Thời, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
6. Thích Thiện Hoa, Tám quyển sách quý (Trọn bộ), Quyển 7: Chữ Hòa của Đạo Phật, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1992.
7. Viên Trí, Phật giáo qua lăng kính xã hội, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2018.
8. Calvin S.Hall and Gardner Lindzey, “Theories of Personality” Wiley Eastern Limited, New Delhi, 110002, 1991, pp. 8-9.
9. Adapted from “Personality Theories”, by Larry A.Jelle and Daniel J.Ziegler, Mc Graw – Hill, Inc., New York,1992,p.5.
10. “Mahàsaccakasuttam”,MiddleLengthSayings,Vol.I,PTS,London,1987,pp.295-296.
11. “Kindred Sayings” , Vol. II, PTS , London , 1990, pp.6-7.
12. Phật giáo và cuộc sống hiện đại, http://buddhismtoday.com/english/buddha/Teachings/presentlife.htm (Ngày truy cập: 19/02/2022).
13. https://baike.baidu.com/item/%E4%BA%BA%E6%9C%AC%E4%B8%BB%E4%B9%89/1460818?fr=aladdin (Ngày truy cập: 19/02/2022).
14. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_nh%C3%A2n_v%C4%83n (Ngày truy cập: 19/02/2022).

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin