Chi tiết tin tức Công cuộc hoằng pháp tại Hoa Kỳ và đóng góp của Phật giáo Việt Nam 17:00:00 - 02/11/2016
(PGNĐ) - Tập thơ “Light of Asia” (Ánh sáng Á châu) xuất bản năm 1879 tại Boston, Massachusetts, nói về cuộc đời đức Phật của thi hào người Anh Edwin Arnold bằng những lời thơ trang trọng như một đánh dấu về công cuộc hoằng truyền của đạo Phật vào Tây phương nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Tác phẩm ảnh hưởng mạnh tại Hoa Kỳ và Âu châu, gây nên một phong trào học Phật. Từ đó đến nay tác phẩm đã được tái bản trên 80 lần và tổng cộng trên một triệu cuốn; và cũng đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ Âu châu.
Ở đây chúng ta sẽ bàn về lịch sử hoằng pháp, kinh nghiệm hoằng pháp của các truyền thống Phật giáo có mặt tại Hoa Kỳ và những đóng của giáo đoàn Việt Nam, cũng như tương lai Phật giáo tại Hoa Kỳ.
1. Quá trình hoằng pháp tại Mỹ:
Tìm hiểu lịch sử Phật giáo Mỹ chúng ta có thể tạm thời chia làm ba giai đoạn: giai đoạn du nhập trước năm 1879, giai đoạn hình thành từ năm 1879 đến năm 1963, và giai đoạn phát triển từ năm 1963 đến nay.
1.1 Giai đoạn du nhập trước năm 1879:
Đất nước Hoa Kỳ là một xứ sở trẻ trung, được lập quốc vào năm 1776. Phật Giáo đã có mặt tại đây ngay trong những ngày trước khi người da trắng biết đến đại lục này. Những tư liệu về người đầu tiên đã mang đạo Phật đến Hoa Kỳ không có nhiều. Tuy nhiên có một sự kiện đáng ghi nhớ. Năm 1761, ông M. de Guignes, một học giả người Pháp đã phiên dịch và phổ biến một tài liệu trong văn khố Trung Quốc về một tỳ kheo người Hoa tên là Hwui Shan cùng bốn vị sư khác đến châu Mỹ năm 458. Đến năm 1875, Charles G. Leland xuất bản cuốn “Fu-sang on the Discovery of America by Chinese Buddhist Priests in the Fifth Century” (Fu-sang về việc khám phá châu Mỹ bởi các tăng sĩ Phật giáo người Hoa trong thế kỷ thứ năm) ủng hộ quan điểm của Guignes.
Năm 1885, Edward Payson Vining xuất bản cuốn “An Inglorious Columbus” (Một Columbus không được vinh danh) hay “Evidence that Hwui Shan and a Party of Buddhist Monks from Afghanistan Discovered America in the Fifth Century A.D.” (Bằng chứng về Hwui Shan và các tăng sĩ Phật giáo từ Afghanistan đã khám phá châu Mỹ vào thế kỷ thứ năm sau Công nguyên). Tác giả trích dẫn tài liệu báo cáo của Tỳ kheo Hwui Shan với chi tiết cuộc hành trình đến châu Mỹ, về nếp sống của dân bản xứ, về đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, tập quán, tín ngưỡng và kết luận: “Trước đây quốc độ này không biết gì về Phật giáo, nhưng vào triều nhà Tống năm 458, có năm vị sư từ nước Ki-pin (Kabul, Afghanistan) đã du hành sang nước ấy, mang theo kinh điển, hình tượng và giáo hóa dân chúng quy y theo Phật, từ bỏ thói hư tật xấu”. Vết tích của công cuộc hoằng pháp này được tìm thấy năm 1914 về tảng đá có chạm hình chữ Vạn tại Lakeside Mountains, gần thung lũng San Jacinto, California. Năm 1953, Gordon Ekholm viết bài biên khảo về những tương đồng giữa nghệ thuật Phật giáo, Ấn Độ và Mexico như bệ đá tòa sen, bình bát, mặt trời, rồng, rắn.. Những biểu tượng này xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ năm, thời điểm mà vị sư Trung Hoa có mặt tại Tân Thế Giới.
Năm 1826, Eugene Bournouf soạn cuốn Essai sur le Pali (Văn Phạm Pali), dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa sang tiếng Pháp. H.D. Thoreau (1817-1862) dịch Kinh Pháp Hoa từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Sau đó nhà Ấn Độ học người Hà Lan, ông Kern, đã nghiên cứu và dịch Kinh Pháp Hoa từ nguyên bản tiếng Sanskrit sang tiếng Anh. Ngoài ra những tác phẩm dịch thuật của The Sacred Books of the East (Thánh Thư Phương Đông) do Max Miller chủ biên, đã gây những ảnh hưởng lớn trong giới trí thức trong việc tìm hiểu văn hóa Á Đông.
Vấn đề giao lưu giữa Âu châu và Á châu có thể bắt nguồn từ xa xưa qua những chuyến buôn bán theo đường tơ lụa, cuộc viễn chinh của Alexandre the Great cho đến chuyến du hành của Marco Polo ở thế kỷ thứ mười ba. Phương Đông luôn luôn là thế giới huyền bí hấp dẫn. Nhưng từ thế kỷ thứ mười lăm trở đi người Tây phương đến Á châu thường xuyên hơn. Họ đến với hai mục đích là chiếm thuộc địa và truyền đạo.
Năm 1497, Vasco de Gama đến Ấn Độ. Sau đó là đoàn quân xâm lược, các giáo sĩ, thương gia đến Á châu với huyền thoại “Khai Hóa”. Phật giáo bị xuyên tạc và nhìn như một tôn giáo ma quỷ. Bồ Đào Nha chiếm Tích Lan năm 1501 cùng với các giáo sĩ. Họ chủ trương: “Trước hết dùng hình thức giảng đạo để chuyển hóa, nếu không thành công dùng gươm đao”. Kết quả họ đã chém giết dân Sinhalese dã man, đốt phá các tự viện Phật giáo thành tro bụi. Hà Lan thay thế Bồ Đào Nha ra đạo luật cấm mọi người không được rửa tội, không được sở hữu tài sản đất đai.
Năm 1549, Francis Xavier đến Nhật. Một hôm ông đến chùa gặp Thiền sư Nanjo, một vị sư thông thái và hài hước. Thấy các sư đang thiền, Xavier hỏi: “Các sư đang ngồi nghĩ chuyện gì?” Sư đáp: “Một số đông chúng tôi ngồi tính nhẩm tháng qua nhận được bao nhiêu tiền cúng dường, một số khác tính toán xem mua sắm ở đâu giá rẻ, một số khác nữa tìm kiếm nơi du hí. Nghĩa là họ nghĩ chuyện không đâu!”
Người Pháp cũng đã đưa quân đến Việt Nam năm 1858 với danh nghĩa bảo vệ các nhà truyền giáo Thiên Chúa và đã đô hộ Việt Nam gần cả trăm năm.
Ngoài những động cơ chiếm đất thuộc địa với những tài nguyên phong phú của các nước Á châu, tính cách huyền bí và nền văn minh sáng chói của các xứ này cũng là động lực hấp dẫn. Sau đó họ đã khám phá Phật giáo như một giáo thuyết giác ngộ giải thoát. Những nghiên cứu dịch thuật của các học giả Âu châu đã khiến phương Tây thần tượng nền văn hóa phương Đông. Họ tìm hiểu văn hóa Á châu với ba mục đích:
1. phục vụ cho mục đích cai trị
2. phục vụ cho mục đích truyền đạo
3. đáp ứng nhu cầu tâm linh vì không thỏa mãn với văn hóa Tây phương
Học giả Thomas Rhys Davids là người nổi tiếng về những nghiên cứu dịch thuật văn học Pali. Lúc đầu có mục đích dịch các văn kiện luật lệ phục vụ cho chính quyền thuộc địa, nhưng sau đó ông đã khám phá ra kho tàng kinh điển Pali. Ông ta cũng là người đã sáng lập The Pali Text Society (Hội Nghiên Cứu Pali) năm 1881 và Hội đã phiên dịch toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển Pali sang tiếng Anh. Cho mục đích truyền đạo, chúng ta thấy có những tác phẩm xuyên tạc Phật giáo như “Phép Giảng Tám Ngày” của giáo sĩ dòng Tên Alexandre de Rhodes đã nhục mạ các tôn giáo Đông phương như Phật, Khổng và Lão. Nhưng sau đó cũng có những tác phẩm nghiêm túc như: La Traité de la Grand Sagesse (Đại Trí Độ Luận) do giáo sĩ dòng Tên Etienne Lamotte dịch từ nhiều bản ngôn ngữ khác nhau như tiếng Sanskrit, tiếng Hoa, tiếng Tây Tạng, tiếng Nhật.. sang tiếng Pháp trong vòng ba mươi năm, tập đầu xuất bản năm 1949 và tập cuối cùng năm 1979.
Lúc ban đầu dĩ nhiên giáo sĩ Lamotte nghiên cứu Phật giáo không phải để xiển dương Phật pháp, mục đích là để tìm cách đánh đổ giáo lý nhà Phật và tuyên dương thần học Thiên Chúa. Dần dần những tư tưởng giác ngộ giải thoát của Phật giáo đã chuyển hóa ông ta từ lúc nào. Tác phẩm này được dịch thuật hết sức công phu và chuẩn xác. Ngoài ra ông còn có những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Trong giới nghiên cứu Phật học tôn xưng ông là tái sinh của một vị Bồ Tát.
Những tác phẩm này đã ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức, nhất là trong lãnh vực triết lý. Bắt đầu với Arthur Schopenhauer (1788-1860) chịu ảnh hưởng triết học Phật giáo về Dục. Sau đó là những triết gia khác như Bergson, nhà văn hóa Helena Blavatsky, Rickert, Jaspers, Wittgenstein, Heidegger..
Trong giai đoạn này, Phật giáo được chấp nhận như một tôn giáo của trí tuệ và khoa học mà sự ra đời của thi phẩm Light of Asia (Ánh Sáng Á Châu) năm 1879 đánh dấu sự thành tựu văn học lớn lao khi phương Tây bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo và Phật giáo trở thành nguồn cảm hứng tâm linh phong phú cho người đương thời.
1.2. Giai đoạn hình thành từ 1879 đến 1963:
Dưới đây là những sự kiện ảnh hưởng mạnh đến công cuộc hoằng pháp tại Tây phương: những hoạt động của Đại tá H.Olcott, công trình phiên dịch kinh tạng Pali sang tiếng Anh, nỗ lực Mỹ hóa đạo Phật của Paul Carus và công trình hoằng pháp của Thiền sư D.T.Suzuki.
1.2.1. Những hoạt động của Đại tá Henry Olcott:
Ông sinh năm 1832 tại New Jersey và mất năm 1907 tại Adgar, Ấn Độ. Ông là người có công trong việc hoằng pháp tại Hoa Kỳ, chấn hưng Phật giáo Tích Lan và đóng góp nhiều công sức trong việc phục hưng Phật giáo tại các nước Á châu khác. Năm 1875, ông cùng bà Helena Blavatski thành lập Hội Thông Thiên Học (The Theosophical Society) để học hỏi Phật pháp cùng các tôn giáo khác và khoa học. Ngày nay Hội trở thành một hội quốc tế với chi nhánh trên 60 quốc gia.
Năm 1880, ông cùng bà Blavatski sang Tích Lan. Lúc đó chính quyền thực dân Anh đang tìm cách khống chế Phật giáo và các đoàn truyền giáo ngoại quốc đang tìm cách Thiên Chúa giáo hóa Tích Lan. Trước tình thế đó, cả hai nguyện sẽ làm cái gì để cứu vãn Phật giáo Tích Lan. Năm 1881, ông và bà Blavatski quy y Tam Bảo. Buổi lễ thật cảm động dưới sự chứng minh của hàng ngàn vị tăng. Điều này đã hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ cho dân Tích Lan trong công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Sau đó, hai người đã đi khắp các làng quê kêu gọi thành lập trường học Phật giáo, nhà xuất bản... Ông cũng vận động thành lập các trường học Phật giáo tại các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ... Ông vận động phục hồi lễ rước kiệu Phật trong ngày Phật Đản, trùng tu chùa chiền. Phật giáo Tích Lan nhờ thế đã phục hồi trong thời gian ngắn. Năm 1891, ông cùng Đại Sư Anagarika Dharmapala thành lập hội Mahabodhi để phục hưng Phật giáo Ấn Độ. Với sự hỗ trợ của nhiều trí thức người Anh, trong đó có thi hào Edwin Arnold, vận động với chính quyền để yêu cầu trả lại những Phật tích đang nằm trong sự cai quản của một giáo phái Ấn Độ. Năm 1889, ông cùng Thượng tọa Sumangala, phỏng theo sáu màu hào quang của đức Phật đã phác họa ra cờ Phật giáo. Cờ này được Tích Lan công nhận làm giáo kỳ. Đến năm 1950 tại Đại hội Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhist) lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Columbo, Tích Lan với sự tham dự của 26 nước, lá cờ này được công nhận là cờ Phật giáo Thế giới. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Tố Liên lãnh đạo.
Ông mất năm 1907 tại Adgar, Ấn Độ, hưởng thọ 75 tuổi. Suốt 38 năm ròng rã ông đã bỏ hết thời giờ của mình cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Tích Lan và các nước Á châu khác.
1.2.2. Việc phiên dịch kinh tạng Pali sang tiếng Anh:
Công việc phiên dịch này do Hội Nghiên Cứu Pali (The Pali Text Society) đảm trách. Hội được thành lập năm 1881. Hội trưởng là ông T.W.Davids. Hội đã quy tụ được nhiều học giả Pali và tiến hành công cuộc dịch thuật. Sau khi ông Davids qua đời, vợ ông đảm nhận chức vụ hội trưởng và tiếp tục công cuộc nghiên cứu và dịch thuật. Ngày nay tạng kinh Pali đã được dịch sang Anh ngữ. Những kinh sách bằng tiếng Anh này đã giúp cho giới trí thức phương Tây có phương tiện đi sâu vào giáo lý Phật Đà.
1.2.3. Nỗ lực Mỹ hóa đạo Phật của Paul Carus (1852-1919):
Paul Carus là một phật tử gốc Đức, con của một mục sư Tin Lành. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngôn ngữ học, ông ta thất vọng với truyền thống Cơ Đốc giáo và mất niềm tin. Ông sang Mỹ và sống tại New York, giúp việc cho một tờ báo tiếng Đức. Năm 1893 tại Đại hội Tôn giáo Thế giới (The World Parliament of Religions) tổ chức ở Chicago, Paul Carus có cơ hội tiếp xúc học hỏi với các cao tăng thạc đức Phật giáo, ông ta đã khám phá đạo Phật và từ đó đã phụng sự đạo Phật với tất cả lòng hăng say và nhiệt thành của mình.
Với ông, Phật giáo là con đường đúng đắn để phát triển tâm linh, là tôn giáo dựa vào lý trí, thực nghiệm và khoa học. Năm 1894, Carus sáng tác Gospel of Buddha (Phúc âm của Phật) và Karma (Nghiệp) với mục đích hiện đại hóa đạo Phật và đem đạo Phật hòa vào văn hóa tư tưởng Tây phương. Với 38 tác phẩm, ông đều nhắm đến mục đích chứng minh cho người Tây phương thấy giá trị của đạo Phật trong vấn đề đáp ứng nhu cầu tâm linh mà người Tây phương đang cần đến.
Năm 1899, Paul Carus đã viết cho Daniel C. Beard, giáo sư mỹ thuật tại New York, đề nghị tạc một pho tượng Phật với đức tính từ bi độ lượng của Á đông và với đặc tính giản dị, sống động của nghệ thuật Tây phương. Carus dùng âm nhạc Victorian để soạn kịch, sám nguyện Phật giáo cho các buổi lễ.
Carus đã không ngần ngại sử dụng những hình thức Cơ Đốc giáo quen thuộc với người Tây phương để chuyển tải triết lý và phương pháp tu trì của đạo Phật. Ông nhìn thấy bản tính đức Phật A Di Đà của Tịnh Độ tông có thể thay thế hình ảnh Thượng đế hữu hình: “A Di Đà là trật tự thế giới, là chân lý tuyệt đối có thể điều hành luật tiến hóa..”
Trong ước muốn phổ cập đạo Phật với quần chúng Hoa Kỳ, ông đã bảo trợ cho Đại sư Dharmapala sang Hoa Kỳ hoằng pháp trong nhiều năm, cũng như hỗ trợ công cuộc hoằng pháp của Thiền sư D.T.Suzuki.
1.2.4. Công cuộc hoằng pháp của Thiền sư D.T.Suzuki (1870-1966):
Thiền sư Suzuki đến Mỹ năm 1897, tá túc tại nhà Paul Carus 11 năm. Hai người đã hợp tác phiên dịch nhiều kinh sách sang tiếng Anh và tiếng Nhật. Giới thiệu tư tưởng Đông phương và Phật giáo đến với giới trí thức phương Tây. Năm 1911, Suzuki thành hôn với Beatrice Erskine Lane, hội viên Hội Thông Thiên Học. Hai vợ chồng đã hợp tác cùng nhau xuất bản đặc san The Eastern Buddhist (Phật Tử Phương Đông). Suzuki viết nhiều sách về Thiền, phiên dịch các kinh điển Đại thừa. Những tác phẩm của ông như những luồng gió mát, đem lại những sinh khí mới cho giới trí thức phương Tây. Trong thế kỷ 19, Âu Mỹ biết nhiều đến Phật giáo Nam truyền nhờ sự phiên dịch kinh Pali của Hội Pali Text Society, còn sự hiểu biết về Đại thừa rất khiêm nhường vì chỉ có vài cuốn kinh được dịch ra ngôn ngữ Âu châu mà thôi. Do đó khi những cuốn sách của Suzuki viết về Thiền, cũng như Phật giáo Bắc truyền đã đưa tâm thức Tây phương tiếp xúc với chân trời mênh mông của Đại thừa.
Tinh thần phóng khoáng, tự do, vô chấp, giải thoát của Thiền đã gây hứng thú kinh ngạc cho độc giả Âu Mỹ, giúp họ tìm thấy lối thoát trong sự khủng hoảng của triết học và thần học Tây phương trước sự phát triển của khoa học. Những cuốn sách của Suzuki rất được mọi giới trân trọng và tạo nên một phong trào học Thiền trong những thập niên 50 và 60. Danh từ Zen (Thiền) được Suzuki giới thiệu và trở thành danh từ phổ biến đồng nghĩa với chữ Phật giáo vì người Tây phương khi nói đến Phật giáo người ta chỉ biết đến Thiền.
Suzuki giảng dạy Phật pháp và Thiền tại Đại học Columbia và nhiều trường đại học khác, gây ảnh hưởng rất mạnh với Carl Jung, Kaen Honey, Erich Fromm, Martin Heidegger, Thomas Merten, Allen Watts, Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Gary Snyder. Lynn White Jr... Một sử gia, đã tán dương Suzuki là người đã giúp Tây phương phá vỡ bức thành ngăn cách, vượt qua những hạn hẹp khu vực để phóng tầm nhìn ra chân trời bao la của thế giới.
Trong giai đoạn này, người Tây phương đã tiếp xúc với Phật giáo qua kinh điển. Nhiều kinh sách Nam truyền và Bắc truyền đã được phiên dịch. Những tư tưởng thâm sâu của triết học Phật giáo đã làm cho người Tây phương sững sờ thích thú. Trên phương diện trí thức có thể nói Phật giáo đã ảnh hưởng đến văn hóa Tây phương trên nhiều phương diện từ văn chương đến khoa học nghệ thuật. Ngoài những triết gia chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, chúng ta còn thấy những tác phẩm văn học đã xuất hiện. Sự ra đời của tác phẩm văn học đoạt giải thưởng Nobel Sidhartha của Herman Hesse đánh dấu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo như một nguồn cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật.
Cũng trong giai đoạn này, sự kiện những công nhân Trung Hoa sang làm đường xe hỏa tại Mỹ cho công ty Central Pacific từ những năm 1860 đã góp phần không nhỏ vào công cuộc hoằng pháp tại đây.
1.3. Giai đoạn phát triển từ 1963 đến nay:
Dấu mốc 1963 là một thời điểm quan trọng bắt đầu giai đoạn phát triển của Phật giáo tại Hoa Kỳ. Năm 1963 có một sự kiện làm thế giới bàng hoàng xúc động, đó là sự kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn để cầu nguyện cho hòa bình và công bằng xã hội. Hình ảnh một vị sư ngồi kiết già an nhiên tự tại trong ngọn lửa hồng, đã chứng minh sức mạnh nội tâm của đạo Phật và đã chấn động lương tri nhân loại. Thế giới bắt đầu phản tỉnh.
Cuộc chiến tại Việt Nam càng ngày càng khốc liệt, những hình ảnh tang thương của chiến tranh đã gây nên phong trào phản chiến khắp nơi tại Hoa Kỳ. Kèm vào đó sự khủng hoảng về văn hóa, đạo đức, tâm linh tại Tây phương trước sự phát triển của khoa học với sự nổi loạn của phong trào sinh viên, phong trào hippies trong những thập niên 60 chống đối lại những giá trị cổ điển, chống đối lại quyền lực xã hội đương thời trong ước muốn xây dựng một trật tự xã hội mới. Những cuộc cách mạng của giới trẻ thực hiện trong những cuộc biểu tình phản chiến tại Woodstock, tiểu bang New York cũng như khắp nơi trên nước Mỹ; phong trào nhạc trẻ với ban nhạc Beattles chịu ảnh hưởng đạo học Đông phương đã làm thay đổi tận gốc rễ xã hội Hoa Kỳ. Trước những xáo trộn xã hội, tâm trạng hoang mang cùng cực của con người, những giá trị đạo đức đảo lộn, những giáo điều bị sụp đổ, đạo Phật có mặt như một giải đáp.
1.3.1. Các vị đạo sư:
Cũng trong thời gian đó, đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng đã rời thủ đô Lhasa năm 1959 cùng với mấy trăm ngàn dân Tây Tạng sang tỵ nạn tại Ấn Độ. Sự có mặt của đức Đạt Lai Lạt Ma và chư tăng Tây Tạng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển đạo Phật tại phương Tây.
Chưa bao giờ mà nước Mỹ có nhiều bậc đạo sư phương Đông, nhiều cao tăng thạc đức Phật giáo đến giảng dạy như giai đoạn này. Các vị như: Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hòa thượng Tuyên Hóa, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Sungsan.. Trong giai đoạn này chú tâm nhiều vào sự tu tập. Rất nhiều trung tâm tu tập được thiết lập lên khắp nơi với những khóa tu từ một hai ngày đến hàng tuần, hàng tháng hay nhiều năm liên tục. Nếu trong giai đoạn trước đạo Phật được biết đến trên phương diện kiến thức thì giai đoạn này phật tử Mỹ đã chú trọng vào sự thực tập.
Sự tu tập Phật giáo không những đem lại sự an vui giải thoát cho mai hậu mà còn đem lại an lạc cho cuộc sống hiện tại. Cuộc sống tại Mỹ quá căng thẳng do đó những khóa tu đã đem lại sự thư giản, quân bình cho đời sống tâm lý, con người cảm thấy lạc quan hơn và tỉnh táo hơn sau những khóa tu, cũng như cảm nhận được những niềm vui sâu sắc trong lúc thiền tập. Vì lẽ đó mà những trung tâm tu tập lúc nào cũng đông người tham dự. Những áp dụng thiền tập vào khoa tâm lý trị liệu càng ngày càng phổ biến và đã mang lại những kết quả khả quan. Có những bệnh viện đã áp dụng thiền tập để chữa trị nhưng bác sĩ không nói đó là thiền vì muốn tránh đi những thành kiến tôn giáo trở ngại cho công cuộc điều trị.
1.3.2. Giới trẻ:
Đạo Phật đã hấp dẫn giới trẻ Hoa Kỳ với nhiều lý do:
- Không thỏa mãn với truyền thống tôn giáo cố hữu.
- Tinh thần tự do, phóng khoáng, khoan dung của đạo Phật.
- Các nhạc sĩ đã dùng phương tiện âm nhạc để quảng bá đạo Phật.
- Những phim ảnh của Hollywood đã thực hiện về những đề tài Phật Giáo: Little Buddha, Seven Years in Tibet, Kundun..
- Những ca sĩ nổi danh, các tài tử thượng tặng là những phật tử thuần thành như: Richard Geere, Tina Turner..
- Ảnh hưởng của những vụ loạn dâm của các linh mục.
1.3.3. Từ thiện xã hội:
Đạo Phật Hoa Kỳ đã nhập thế với những hoạt động xã hội như:
- The Buddhist Alliance for Social Engagement (Liên Hội Phật Giáo Phụng Sự Xã Hội): các thiện nguyện viên làm việc trong các bệnh viện, nhà tù, giúp người vô gia cư…
- Greyston Mandala: đuợc thành lập bởi Thiền sư Bernard Glassman tại thành phố New York để giúp những người vô gia cư. Họ có những lò bánh mì để tạo công ăn việc làm, những khu nhà cho người vô gia cư trú ngụ...
- Zen Hospice Project: giúp những người sắp qua đời được chết trong bình an.
1.3.4. Đào tạo:
Ý thức rằng công việc truyền thừa là nhiệm vụ quan trọng trong việc duy trì và phát huy Phật giáo tại Hoa Kỳ. Các truyền thống đều có những chương trình đào tạo, nhưng chỉ có tính cách nội bộ. Có một vài trung tâm có những chương trình đào tạo quy mô:
- Barre Center for Buddhist Studies: tổ chức mỗi năm hai tuần tu học.
- Ngoài ra còn có Đại học Phật giáo Naropa tại Boulder, tiểu bang Colorado; Đại học Phật giáo Tây Lai Tự ở Los Angeles, California; Đại học Phật giáo Dharma Realm University tại Talmage, California; Phật học viện Làng Mai, Pháp. Các đại học lớn của Mỹ như Harvard, Yale, Columbia, Berkeley, Wisconsin… đều có chương trình Phật học.
Trong giai đoạn này đạo Phật thật sự bén rễ vào xã hội Hoa Kỳ. Các truyền thống Phật giáo đều có mặt tại Mỹ với những đóng góp tích cực trong công cuộc hoằng truyền Phật pháp. Ngoài những cộng đồng người Hoa, còn có các cộng đồng Á châu khác của người Nhật, Tây Tạng, Việt, Thái, Lào, Cam Pu Chia, Miến Điện, Tích Lan, Triều Tiên.. với những sinh hoạt cá biệt đã làm cho Phật giáo Mỹ có những màu sắc phong phú.
2. Kinh nghiệm hoằng pháp của các truyền thống Phật giáo tại Hoa Kỳ:
2.1. Truyền thống Theravada:
Nam truyền Phật giáo đã đến Hoa Kỳ rất sớm. Năm 1893, Đại sư Anagarika Dharmapala đã đến Hoa Kỳ hoằng pháp cho đến đầu thế kỷ 20. Tuy có những thuận duyên như kinh tạng Pali đã được dịch sang tiếng Anh, nhưng sau ngài Dharmapala công cuộc hoằng pháp bị gián đoạn vì thiếu các sư thông thạo Anh ngữ sang hoằng hóa.
Mãi đến năm 1966, The Buddhist Vihara Society of Washington được thành lập. Sau đó các chùa Thái, Miến Điện, Tích Lan lần lượt được thành lập. Thiền viện Stillpoint (Tịnh Điểm) do một thanh niên người Mỹ thành lập tại San Jose, California năm 1971.
Thiền Vipassana (Minh Sát) đến Mỹ năm 1980 do những người học trò của Thiền sư Mahasi Sayadaw khởi xướng. Chủ trương không chú trọng nhiều đến hình thức sinh hoạt của Nam tông như: nghi lễ, tụng kinh, giảng dạy, làm phước.. nhưng chú trọng vào hành thiền để giúp người bớt căng thẳng, khổ đau, thêm tự tin, tăng trí tuệ. Nhóm này do những thiền sư cư sĩ chủ trương. Họ thoát ra khỏi hình thức của Phật giáo Nam tông để hoạt động độc lập, chú trọng đến cư sĩ. Có những trung tâm lớn như:
- The Insight Meditation Society (IMS) tại Barre, Massachusetts, do Joseph Goldstein, Jack Kornfield, Sharon Salzberg điều hành. Trung tâm tổ chức những khóa tu quanh năm, muốn tham dự phải ghi tên và đóng lệ phí trước cả nửa năm vì quá đông người tham dư.
- Spirit Rock Meditation Center tại Marin, California: đây là chi nhánh của IMS, do Jack Kornfield, James Baraz, Sylvia Boorstein và Anna Douglas.
- Vipassana Center của S.N. Goenka tại Shelburne Falls, Massachusetts. Trung tâm này thường xuyên tổ chức khóa tu 10 ngày với những kỷ luật khắc khe. Thực tập nhiều hơn giáo lý. Chủ trương không xen lẫn trong sự thực tập với những phương pháp thiền khác.
Sau chiến tranh Việt Nam, những cộng đồng Đông Nam Á di cư đến Mỹ ngày càng nhiều do đó những ngôi chùa đã được thành lập để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng. Trên toàn nước Mỹ có khoảng 100 chùa Nam tông do các phật tử Thái, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Pu Chia thành lập.
Vì những khắt khe trong vấn đề hành trì nên Phật giáo Nam truyền không tồn tại được trong một địa phương không có một cộng đồng Phật giáo hổ trợ. Do đó tuy đến Mỹ rất sớm nhưng không duy trì và phát triển được. Các sư Nam tông cũng rất khó khăn trong vấn đề đi lại vì giới luật Nam tông không cho phép các sư tự nấu ăn, lái xe… Những người như Jack Kornfield vốn là tu sĩ tại Thái Lan trước đây, nhưng khi về lại Hoa Kỳ không thể tiếp tục được cuộc sống xuất gia, đành phải hoàn tục. Ông cùng với những cư sĩ khác hoạt động Phật sự độc lập với truyền thống Nam tông.
2.2. Truyền thống Trung Hoa:
Năm 1848 khi vàng được tìm thấy tại San Francisco, người Trung Hoa đã sang Mỹ để làm phu mỏ. Từ năm 1860 đến cuối thế kỷ có khoảng 63 ngàn công nhân Trung Hoa đến làm việc cho công ty đường sắt. Thế hệ của những người Hoa đầu tiên này vì nhớ quê hương đã thành lập mấy trăm ngôi chùa nhỏ nơi họ sinh sống để làm nơi nương tựa về tâm linh. Những ngôi chùa này sau đó đã không duy trì được. Ngày nay chỉ còn một vài ngôi còn tồn tại ở thành phố San Francisco. Lý do:
- Không có sư trụ trì bảo quản và duy trì - Vì ngôn ngữ bất đồng do đó không có phật tử bản địa tiếp nối - Phật giáo bị kỳ thị - Thế hệ trẻ không được giáo dục về Phật giáo và bị Mỹ hóa - Chùa chỉ chú trọng về tín ngưỡng, thiếu phần tu học
Tuy tín tâm của người Hoa rất mạnh và ý thức về truyền thống vững chãi nhưng thế hệ của đợt di cư đầu tiên của người Hoa không thành công trong việc duy trì văn hóa tín ngưõng của mình. Nhưng từ sau năm 1949, đợt di cư thứ hai gồm những người có tài sản và học thức. Họ xây dựng những ngôi chùa lớn có tăng ni hướng dẫn, tổ chức những khóa tu học cho người lớn và trẻ em. Chùa Tây Lai ở California có Đại học Phật giáo, Vạn Phật Thánh Thành có Đại học Dharma Realm University, Chùa Chuang Yen ở tiểu bang New York đã đưa Đại Tạng Kinh vào CD-ROM.
Bác sĩ Paul Fung thành lập Giáo hội Phật giáo Phổ Đồng (Buddha’s Universal Church) tại San Francisco năm 1963. Chùa dạy giáo lý song ngữ, có ban hợp ca và sinh hoạt thanh thiếu niên.
Charles Luk (1898-1978) đệ tử Ngài Hư Vân, vâng lời chỉ giáo của sư phụ, đã dịch kinh từ tiếng Hoa sang tiếng Anh suốt 20 năm từ 1956 đến 1976.
Các danh tăng đương thời như:
- Hòa thượng Tuyên Hóa (1908-1985): đệ tử Ngài Hư Vân, chủ trương Thiền Tịnh song tu. Thành lập Vạn Phật Thánh Thành, dịch nhiều kinh điển sang tiếng Anh và độ cho nhiều người Mỹ xuất gia.
- Ngoài ra có các ngài khác cũng thường xuyên sang Mỹ hoằng hóa như Hòa thượng Tinh Vân, Hòa thượng Thánh Nghiêm..
- Tổng số người Hoa tại Mỹ khoảng một triệu người với 150 ngôi chùa.
2.3. Truyền thống Nhật:
2.3.1. Thiền:
Thiền sư Soyen Shaku đến Hoa Kỳ năm 1893 dự Hội nghị Tôn giáo tại Chicago và bắt đầu cuộc hoằng hóa. Sau đó có các thiền sư khác tiếp tục như: Shinryu Suzuki, Sogaku Harada... Những nỗ lực của các thiền sư Nhật đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống tín ngưỡng của Hoa Kỳ. Thiền sư D.T.Suzuki với những tác phẩm về Thiền đã chinh phục giới trí thức Mỹ và gây nên phong trào tu học Thiền trong những thập niên 50 và 60. Sau những thế hệ thiền sư Nhật, các đệ tử người Mỹ đã duy trì và phát triển các trung tâm thiền đó. Hiện nay, khắp nước Mỹ có khoảng 150 trung tâm thiền. Thiền sư Taizan Maezumi lãnh đạo trung tâm thiền ở Los Angeles, phương pháp của ông là: “Hoa Kỳ nhưng truyền thống” nghĩa là chặt chẽ trong kỷ luật, cơ cấu tổ chức cũng như hành trì.
Thiền sư Yasutani đến Hoa Kỳ năm 1962. Đệ tử nổi tiếng của Ngài là Phillip Kapleau, kế nghiệp quản nhiệm thiền đường ở Rochester, New York. Kapleau viết cuốn The Three Pillars of Zen (Ba Trụ Thiền) năm 1965 nhấn mạnh về thiền quán và phương pháp ngồi thiền. Ông đã cố gắng Mỹ hóa cách hành trì từ nghi lễ, pháp danh, phục sức…
Đệ tử Mỹ của Thiền sư Shinryu Suzuki là Richard Baker cố gắng đưa thiền vào đời sống Hoa Kỳ, vừa phát triển đời sống khoa học kỹ thuật, vừa phát triển đời sống tâm linh. Baker làm Giám đốc Trung tâm Thiền ở San Francisco (San Francisco Zen Center).
2.3.2. Soka Gakkai:
Phát xuất từ Nhật Liên Tông, do Tsunesaburo Makiguchi và Josei Toda thành lập tại Nhật năm 1937, là một tổ chức cư sĩ lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản. Đặt trọng tâm vào đức tin nơi Pháp bảo: Kinh Pháp Hoa. Sự hành trì đơn giản giống Tịnh Độ tông, nhưng thay vì niệm Phật chỉ niệm danh hiệu Namu Myoho Renge Kyo (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh). Mục tiêu của Soka Gakkai là thực hiện một xã hội phúc lợi, tốt đẹp, hoàn mỹ cho từng cá nhân và cộng đồng. Lúc đầu hội viên của giáo phái này là những người Mỹ gốc Nhật, nhưng hiện nay Soka Gakkai có khoảng 150 ngàn tín đồ hầu hết là người Mỹ. Hội có 70 cơ sở tại Hoa Kỳ.
Sự thành công của Soka Gakkai đặt ở sự thành tâm của tín đồ trong việc thực hiện lý tưởng Phật Hóa toàn nước Nhật và mỗi thành viên đều có nhiệm vụ hoằng pháp. Do đó chỉ trong vòng 70 năm Soka Gakkai đã chinh phục được gần 20 triệu tín đồ tại Nhật.
2.4. Truyền thống Triều Tiên:
Người Triều Tiên bắt đầu đến Mỹ sau chiến tranh kết thúc năm 1951. Những cộng đồng Triều Tiên thành lập những ngôi chùa khắp nơi, hiện nay khắp nước Mỹ có khoảng 90 cơ sở. Năm 1972, Thiền sư Soen-sa-nim đến Mỹ làm việc trong tiệm giặt ở Providence, Rhode Island. Dần dần các sinh viên kéo đến học thiền và Providence Zen Center được thành lập. Hằng ngày, các thiền sinh thực tập lạy 108 lạy và tụng kinh nửa giờ vì phương pháp này giúp hành giả dễ tập trung tư tưởng. Thiền sư Soen-sa-nim hay Seung Sahn sinh năm 1927 trong gia đình theo đạo Tin Lành. Tốt nghiệp đại học Dongguk. Năm 1948, không thỏa mãn với đời sống chính trị xuất gia tu tập. Ngài thành lập nhiều trung tâm thiền khắp nước Mỹ.
2.5. Truyền thống Tây Tạng:
Sau khi Trung Quốc xâm lăng Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma giả dạng làm dân quê, rời kinh thành Lhasa để sang Ấn Độ tỵ nạn cùng với hơn trăm ngàn dân Tây Tạng. Họ định cư tại Dharamsala. Trong số những người tỵ nạn đó có rất nhiều vị là những bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Tây Tạng. Do đó bắt đầu từ những năm 60, các vị Lạt Ma Tây Tạng đã bắt đầu sang hoằng pháp tại các nước Tây phương và đạt được rất nhiều thành tựu to lớn: rất nhiều người Tây phương xuất gia tu học. Hiện nay trên khắp nước Mỹ có trên 200 trung tâm Phật giáo Tây Tạng, gần như tại mỗi thị trấn của 50 tiểu bang của Mỹ đều có những trung tâm tu tập Mật tông. Trong những năm 60, 70 khi nói đến Phật giáo là nói đến Thiền, ngày nay Tây Tạng đã thay thế địa vị đó.
Phật giáo Tây Tạng hành trì Mật tông và phương pháp đó vẫn được duy trì tại Hoa Kỳ. Nếu có chuyển dịch chỉ là những bài tụng xưng tán hạnh đức của Phật, còn các ấn chú vẫn được mật truyền từ thầy qua trò. Phật giáo Tây Tạng sử dụng tất cả hình tượng, màu sắc, âm thanh cho việc tu tập: những pho tượng Phật, Bồ Tát hay hộ pháp với những biểu hiện phong phú, những màu sắc rực rỡ của các tranh thờ, y phục, trang trí, những pháp khí, mùi nhang trầm tinh khiết, những giọng tụng đọc trầm hùng.. làm cho năm giác quan như mở ra và tâm trí như đang tập trung vào bầu khí an lạc, linh thiêng của buổi lễ. Với sự có mặt của nhiều cao tăng, với truyền thống phong phú và vững mạnh, Phật giáo Tây Tạng là giáo đoàn có ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay. Dưới đây là những đại sư danh tiếng của Tây Tạng:
- Chogyam Trungpa Rinpoche (1939-1987) là một trong những đạo sư Tây Tạng đầu tiên mang Phật pháp đến phương Tây. Năm 1963 được học bổng để du học tại Đại học Oxford. Năm 1967 sau khi tốt nghiệp, Ngài thành lập Trung tâm Thiền Samaye-Ling tại Scotland với phương pháp thiền áp dụng vào đời sống hàng ngày. Ngài nhận thấy hình thức cư sĩ thuận tiện hơn trong việc hoằng pháp, sau đó Ngài hoàn tục. Năm 1974, Ngài thành lập Học viện Phật giáo Naropa tại Boulder, Colorado. Khóa đầu tiên có 2000 sinh viên ghi danh. Học viện quy tụ những giáo sư nổi tiếng như: Trungpa (dạy Kim Cang Thừa), Ram Dass (Bhagava Rita), Jack Kornfield (Phật giáo Nguyên thủy), Joseph Goldstein, Mahasi Sayadaw, Anagarika Munindra (Nguyên thủy).
- Đức Karmapa Gyalwa (1923-1981): tổ sư đời thứ 16 phái Karmapa, hoằng pháp tại Âu Mỹ từ 1974 đến 1981. Xây dựng chi nhánh tổ đình tại Woodstock, New York.
- Kalu Rinpoche sinh năm 1905, xuất gia năm 13 tuổi. Năm 25 tuổi nhập thất 12 năm. Năm 1971 thăm viếng nước Pháp thành lập nhiều trung tâm tu học. Năm 1976 hướng dẫn khóa tu nhập thất 3 năm tại trung tâm mới thành lập tại Pháp.
- Dudjom Rinpoche (1904-1987) đến Mỹ năm 1972 dùng phương pháp dĩ độc trị độc, tìm Niết bàn ngay trong sinh tử, tìm giải thoát ngay trong phiền não.
- Tarthang Tulku phái Nyingma, sinh năm 1935, đến Mỹ năm 1968 thành lập Trung tâm Nyingma tại Berkeley, California. Ngài là một học giả uyên thâm về Phật học, Sanskrit. Ngài thành lập Học viện Nyingma và phiên dịch kinh sách thuộc truyền thống Nyingma. Năm 1975 thành lập Trung tâm Văn hóa Odiyan trên khu đất 900 mẫu tây. Xây cất ngôi chùa trong 20 năm với công sức của giáo sư và sinh viên Đại học Berkeley.
- Sakya Tridzin thuộc phái Sakya, thành lập Tu viện Sakya tại Mussoorie năm 1964.
- Sogyal Rinpoche sinh năm 1940, du học Anh. Năm 1975 thành lập Dzogchen Orgyen Choling tại Luân Đôn. Giảng dạy khắp nơi, trước tác nhiều sách trong đó có cuốn The Tibetan Book of Living and Dying (Tạng Thư Sống Chết).
- Yeshe Thubten Lama (1935-1984) thuộc phái Gelugpa, có nhiều ảnh hưởng trong giới môn sinh Âu Mỹ. Năm 1971 thành lập Tu viện Kopan tại Kathmandu, Nepal. Cùng môn đệ thành lập 28 Trung tâm Đại thừa tại 13 quốc gia.
- Lama Osel gốc người Tây Ban Nha, sinh năm 1985 và được công nhận là tái sinh của Lama Yeshe Thubten.
3. Những đóng góp của Phật giáo Việt Nam:
Sau năm 1975 làn sóng người Việt sang định cư tại Hoa Kỳ càng lúc càng nhiều. Tổng số lên đến hai triệu người ở rải rác trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ. Tập trung đông nhất ở hai tiều bang California và Texas. Sau khi cuộc sống đã ổn định, nhu cầu tín ngưỡng là nhu cầu cấp thiết. Phần vì cần điểm tựa cho tinh thần nơi đất khách quê người, phần vì muốn duy trì văn hóa tín ngưỡng dân tộc, phần vì nhớ thân nhân, phần vì nhớ quê hương là những động cơ thúc đẩy người Việt lập chùa. Sau những giờ làm việc cực nhọc đến chùa gặp những người thân quen hàn huyên cho vơi đi nỗi buồn xa xứ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Hoàng Hạc Lâu, thơ Thôi Hiệu - Tản Đà dịch)
Từ năm 1975 đến nay khắp nước Mỹ người Việt đã xây dựng được trên 200 ngôi chùa. Nơi nào có người Việt nơi đó có chùa. Với số lượng chùa nhiều, phật tử đông và chư tăng ni hùng hậu, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể cho việc hoằng pháp tại Hoa Kỳ. Trong số chư tăng có những bậc cao tăng như Hòa thượng Thích Thiên Ân, Hòa thượng Thích Mãn Giác, Hòa thượng Thích Tâm Châu, Hòa thượng Thích Huyền Vi, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh..
3.1 Hòa thượng Thích Thiên Ân (1936-1980):
Là vị sư Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ hoằng pháp. Năm 1966 trong chương trình trao đổi giáo sư giữa Đại Học UCLA và Vạn Hạnh, Hòa thượng đã đến Mỹ và giảng dạy tại đây. Hòa thượng tốt nghiệp học vị tiến sĩ văn chương tại Đại học Waseda, Tokyo năm 1962. Về nước làm Khoa trưởng Văn khoa tại Đại học Vạn Hạnh và giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970 thành lập Quốc tế Thiền viện tại Los Angeles, California. Năm 1973 thành lập Viện Đại học Đông phương tại Los Angeles. Năm 1975, thành lập Chùa Việt Nam, ngôi chùa Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Năm 1976 thành lập Chùa A Di Đà. Năm 1978 cùng với Hòa thượng Mãn Giác tổ chức Đại hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và tiến tới thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và Ngài là vị Hội chủ đầu tiên. Ngoài công việc giảng dạy, Ngài hướng dẫn những khóa thiền. Ngài độ cho những người Mỹ xuất gia. Những đệ tử của Ngài ngày nay đảm nhiện những thiền đường tại vùng California.
3.2 Hòa thượng Thích Nhất Hạnh:
Sinh năm 1926, xuất gia tu học tại Chùa Từ Hiếu, Huế. Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn và du học tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ. Hòa thượng là một thiền sư, nhà văn, nhà thơ. Năm 1966 rời Việt Nam sang Mỹ vận động hòa bình, sau đó bị chính quyền miền Nam cấm không cho hồi hương. Năm 2005, chính phủ Việt Nam mời Hòa thượng về thăm quê hương.
Hòa thượng hoằng pháp tại nhiều quốc gia Âu Mỹ cũng như Á châu. Thành lập Làng Mai (Plum Village Meditation Center) tại Pháp, Lộc Uyển (Deer Park Monastery) tại California và Rừng Phong (Maple Forest Monastery) tại Vermont. Khoảng 100 trung tâm thiền thuộc truyền thống Làng Mai. Hoà thượng trước tác mấy chục cuốn sách về Thiền, Phật giáo, thơ, truyện. Cuốn “Đường xưa mây trắng” đang được dựng thành phim. Tại Tây phương, Hòa thượng cùng đức Đạt Lai Lạt Ma là hai nhà lãnh đạo lớn của Phật giáo có ảnh hưởng mạnh trong vấn đề hoằng pháp tại phương Tây. Sách của Hòa thượng bày bán tại khắp các tiệm sách ở Mỹ và Âu châu. Sách viết giản dị dễ hiểu. Với lối văn trong sáng, nhẹ nhàng, bình dị, Hòa thượng đã giảng giải những khái niệm Phật học phức tạp. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng. Phương pháp tu tập của Hòa thượng đặt căn bản trên các kinh Nam truyền và Bắc truyền, nhưng được đơn giản hóa và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Cách hành trì được đơn giản hóa cũng như Tây hóa và không chú trọng nhiều đến hình thức. Chính vì chủ trương Tây hóa khiến một số phật tử Việt Nam lớn tuổi cảm thấy khó khăn trong việc hành trì. Hòa thượng là người đã có công giới thiệu đạo Phật đến với người Tây phương. Nhờ những sách đó mà nhiều người biết đến đạo Phật, được mệnh danh là phật tử tiệm sách.
3.3. Các chùa Việt Nam:
Đa số các chùa thuộc truyền thống tổng hợp Tịnh Độ và Thiền, một số thuộc truyền thống Thiền, một số thuộc Nam tông và một số thuộc truyền thống Khất sĩ. Phần lớn các chùa đều có tổ chức thanh thiếu niên như Gia đình phật tử và lớp học tiếng Việt. Trên phương diện chăm sóc đời sống tinh thần cho phật tử Việt Nam, các chùa đã có những đóng góp đáng kể, góp phần xây dựng an lạc hạnh phúc cho xã hội. Các sinh hoạt chính đều thực hiện vào cuối tuần vì ngày thường mọi người phải đi làm. Vì thế những ngày lễ lược đề phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh sống.
Về kiến trúc, phần lớn các chùa đều sử dụng căn nhà có sẵn để làm nơi sinh hoạt. Chỉ có một số ít các chùa xây cất theo kiến trúc Á đông. Một số khác mua các nhà thờ cũ để làm chùa.
Nhìn qua chúng ta ai cũng đều có cái nhìn lạc quan về đạo tâm của phật tử trong việc duy trì và phát huy văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt. Tuy thế cũng không tránh khỏi những ưu tư về vấn đề duy trì trong tương lai:
- Hầu hết các chùa chỉ có sinh hoạt bằng ngôn ngữ tiếng Việt cho người Việt. Trong khi đó các em nhỏ thuộc thế hệ thứ hai đã mất dần tiếng mẹ đẻ. Nếu không có những sinh hoạt song ngữ thì chúng ta khó duy trì.
- Hầu hết các chùa không có chương trình tu học cho người Mỹ. Như thế sẽ trở ngại trong vấn đề hội nhập và khó duy trì trong tương lai một khi cộng đồng nói tiếng Việt không còn tồn tại.
- Phần lớn các chùa đều chú trọng nhiều về mặt tín ngưỡng hơn là những sinh hoạt tu tập. Chính sự tu tập sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống và tăng trưởng tín tâm. Gần đây những phong trào tu niệm Phật được phát triển. Đây là điểm son cho Phật giáo Việt Nam.
- Một số chùa vẫn chưa có tăng ni hướng dẫn tu tập. Hy vọng trong tương lai sẽ thỉnh được các vị trụ trì.
- Các chùa vẫn chưa có một đường hướng sinh hoạt chung, hỗ trợ nhau trong việc tu học.
Với những ưu tư trên chúng ta hy vọng trong tương gần sẽ có được những giải đáp. Tình trạng các chùa Việt tại Mỹ ngày nay không ở vào hoàn cảnh cách ly như các chùa của người Hoa trong thế kỷ trước. Do đó không sợ bị rơi vào tình trạng đào thải.
3.3. Chùa Hải Ấn:
Sau đây xin giới thiệu những sinh hoạt tại Chùa Hải Ấn, tiểu bang Connecticut như một tham khảo cho nỗ lực hoằng pháp tại Hoa Kỳ.
- Lớp Thiền: hàng tuần mỗi tối thứ năm từ 6.30 đến 8.30 tối. Chương trình gồm dâng hương, lễ Phật, tụng kinh, toạ thiền, kinh hành, thiền trà và pháp đàm. Thứ năm thứ nhì trong tháng có lễ tụng giới và sau đó chỉ hành thiền, không có pháp đàm.
- Lớp Phật pháp: chương trình ba năm. Năm đầu tiên sẽ học về những tác phẩm hiện đại để trang bị tầm nhìn tổng quát về Phật giáo. Năm thứ hai sẽ học các kinh điển cổ thuộc các tông phái lớn như Nam tông, Bắc tông, và Mật tông . Khóa học không nghiêng riêng về một tông phái nào mà sẽ trang bị kiến thức tổng quát về các khuynh hướng chính như: Nam tông, Mật tông, Thiền, Tịnh Độ, v.v… Năm thứ ba đi sâu vào các tông phái như Duy Thức, Hoa Nghiêm, tìm hiểu những tương quan giữa Phật giáo và Khoa học, Phật giáo với các tôn giáo khác. Khóa học dành một phần thời gian cho những ngày thiền tập nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh thực tập của Phật giáo .
- Đào tạo giáo thọ: Sau khi tốt nghiệp các học viên sẽ tham dự một chương trình đặc biệt cung cấp những kiến thức cần thiết cho một vị giáo thọ. Điều kiện thiết yếu để trở thành một giáo thọ là sự thành tâm và nỗ lực. Sau đó sẽ được thầy viện chủ mời tham dự chương trình đào tạo giáo thọ kéo dài một năm. Sự chọn lựa tùy thuộc vào sự thành tâm và những tiến bộ trên con đường tu tập Phật pháp.
- Phật pháp cho tù nhân: hiện nay Chùa Hải Ấn cộng tác cùng Chuang Yen Monastery trong công tác thực hiện chương trình Phật pháp cho tù nhân. Chương trình này do Giáo thọ Richard Baksa đảm trách. Số ghi danh hiện nay là hơn 300 học viên. Khóa học hàm thụ, chương trình ba năm tương tự như chương trình Lớp Phật pháp.
4. Phật giáo Mỹ:
Với những đạo sư danh tiếng của thế giới đến từ những truyền thống lâu đời, Hoa Kỳ đã có diễm phúc để thâu nhận những tinh hoa đó để dung hợp thành một đạo Phật đặc thù. Sự kiện đó là điều hy vọng có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên trong hiện tại đã có những khuynh hướng đi về nẻo đó:
- Dung hợp: ngày nay trên đất Mỹ, hầu như các truyền thống Phật giáo đều có mặt. Đây là một cơ hội hiếm có để chúng ta có thể học hỏi các truyền thống khác để làm phong phú cho sự hiểu biết và hành trì của mình. Hoàn cảnh Phật giáo tại Mỹ không cho phép tinh thần độc tôn. Phật giáo Việt Nam với tinh thần dung hợp các truyền thống khác nhau như Tịnh Độ, Thiền và Mật tông trên phương diện tu tập sẽ đóng góp tích cực vào việc hình thành một đạo Phật tổng hợp.
- Thực dụng: người Mỹ rất thực tế. Với tôn giáo cũng thế, họ luôn đặt câu hỏi tin theo một tôn giáo để được lợi ích gì? Trước những khổ đau của con người từ thể xác đến tinh thần, tôn giáo giải quyết như thế nào? Đạo Phật với phương pháp ăn chay sẽ giúp con người tránh khỏi những cơn bệnh ngặt nghèo. Với phương pháp thiền định sẽ giúp con người tìm thấy lại sự bình an trong tâm hồn, lạc quan hơn, tự tin hơn và sáng suốt hơn.
- Khoan dung: con người càng có cơ hội tiến xúc với nhiều hoc thuyết khác nhau thì con người càng chấp nhận và kính trọng nhau hơn. Phật giáo với tinh thần khoan dung chấp nhận mọi dị biệt trong quan niệm 84.000 pháp môn chỉ cho chúng ta thấy rằng có rất nhiều con đường để đi đến chân lý.
- Tự lực: dân tộc Mỹ là một dân tộc với tinh thần tự lực rất cao. Tinh thần của đạo Phật cũng nhấn mạnh đến khía cạnh tự lực, con người tự giải thoát mình. Đây là chỗ gặp gỡ giữa Phật giáo và tinh thần của dân tộc Mỹ.
- Thực chứng: những kinh nghiệm bản thân về sự tu tập là những minh chứng hùng hồn cho sự chân thật của lý thuyết. Những đạo sư phải là những người biết đem giáo lý áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
- Tự do: tinh thần yêu chuộng tự do rất cao trong cách hành xử của người Mỹ. Phật giáo là một tôn giáo rất tự do, không bị đóng khung trong tổ chức, không bị vướng mắc vào giáo điều hay hình thức tôn giáo. Mục đích của đạo Phật cũng chỉ để đạt được sự tự do tuyệt đối ngoài sự chi phối của sinh tử.
- Cá nhân: Niềm tin tôn giáo là vấn đề cá nhân. đạo Phật chủ trương con người tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình trong đạo lý Nghiệp và phương pháp tu tập là phát huy khả năng cá nhân để tự giải thoát mình.
- Hình thức: chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy những thiền sư người Mỹ để tóc dài và mặc quần jean. Về hình thức chúng ta không nên quá câu nệ, mỗi quốc độ có mỗi loại y phục khác nhau.
- Vấn đề: những vấn đề khó khăn hiện nay là: phụ nữ, đồng tính, phá thai, nhân bản (cloning), môi sinh.. Đạo Phật với tinh thần bình đẳng, từ bi, trí tuệ sẽ giúp con người tìm thấy những giải đáp thỏa đáng.
Vì những tương đồng trên, đạo Phật đã được đón nhận từ những ngày đầu khi đến Mỹ như một tôn giáo của hoà bình, khoan dung, trí tuệ. Trong giai đoạn đầu đạo Phật được đón nhận như một tôn giáo huyền bí, giai đoạn sau đó giới trí thức được chinh phục bởi những triết lý sâu sắc và nhân bản, và giai đoạn hiện nay đạo Phật được khám phá như trị liệu của hạnh phúc.
Những đạo sư lớn của thời đại như đức Đạt Lai Lạt Ma và Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tiêu biểu cho hai khuynh hướng hoằng pháp: truyền thống và canh tân đáp ứng được những đòi hỏi khác biệt của con người. Với tinh thần vô ngã, vị tha đạo Phật sẽ có mặt trong cuộc sống không phải một thế lực tôn giáo mà là một phương pháp trị liệu giúp con người tìm thấy hòa bình, niềm vui và hạnh phúc. Đạo Phật tại Hoa Kỳ với những giá trị cố hữu sẽ đi sâu vào lĩnh vực thiền quán và đạo Phật Hoa Kỳ sẽ giúp đạo Phật Á châu phục hồi lại giá trị của thiền định.
Thích Trí Hoằng (Hội thảo Phật giáo trong thời đại mới Cơ hội và Thách thức do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức)
Sách tham khảo: 1. Ricks Fields, How the Swans Come to the Lake – A Narrative History od Buddhism in America – Shambhala, Boulder, 1981. 2. Charles S. Prebish and Kenneth K. Tanaka edited, The Faces of Buddhism in America, University of California Press: Berkeley, Los Angeles, London, 1998. 3. Trần Quang Thuận, Phật Giáo Mỹ, Trung Tâm Học Liệu Phật Giáo, 2000.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |