Chi tiết tin tức

Lễ Vu Lan qua di sản Mộc bản Triều Nguyễn

21:20:00 - 12/08/2022
(PGNĐ) -  Đại lễ Vu lan là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh lớn của hàng triệu Phật tử trên toàn thế giới. Đây là lễ của nhà Phật được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm. Tại Việt Nam, lễ Vu lan được tổ chức rất sớm và gắn liền với lễ cầu siêu.

Mời quý vị cùng tìm hiểu việc tổ chức lễ Vu lan dưới các triều đại phong kiến Việt Nam qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Về sự tích lễ Vu lan, theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 16 có ghi lại rằng: “Hội Vu lan: Kinh Phật chép rằng Mục Liên có mẹ phải sống trong ngục Ngạ Qủy. Phật bảo Mục Liên làm hội Vu lan bồn vào ngày rằm tháng 7, dùng bách vị ngũ quả đựng trong bồn để cúng dường chư Phật mười phương, rồi sau mẹ của Mục Liên mới ăn uống được. Thích thị yếu lãm chép rằng: “Vu lan, là tiếng Phạn, cũng như Hoa văn nói là cứu đảo huyền”.

Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 11, mặt khắc 13 Ngày 15, mở hội Vu Lan, tha cho 50 tên tù tội nhẹ, ban cho các sư tụng kinh 220 quan tiền.

Lễ Vu lan được du nhập vào Việt Nam từ khi nào, không thấy sử sách nói rõ. Chỉ biết rằng qua ghi chép của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, thì lễ Vu lan ở nước ta được tổ chức lần đầu tiên vào năm Mậu Tuất (1118), dưới triều vua Lý Nhân Tông. Vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, năm đó, vua Lý Nhân Tông đã tổ chức lễ cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu. Dân chúng ở các nơi cũng về dự lễ rất đông. 10 năm sau, tức năm Mậu Thân (1128), vào ngày lễ Vu lan, vua Lý Thần Tông cũng đã cho thực hiện nghi lễ cầu siêu cho vua Lý Nhân Tông, sau đó, vua ban thưởng cho các sư tụng kinh 220 quan tiền. Và kể từ năm Mậu Thân (1128), cứ theo lệ, vào ngày rằm tháng 7, các triều đại đều tổ chức lễ Vu lan.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 176, mặt khắc 6: Chuẩn định: hằng năm, về tết Trung nguyên, ở các miếu và điện Phụng Tiên đều theo lệ tết Nguyên đán, bày mũ đai xiêm, áo bằng đồ mã, vàng giấy, bạc giấy, mâm giấy, hòm giấy, kho giấy; khi lễ xong, đốt mã đi và theo lệ như hai tiết Thượng nguyên, Trung thu, thắp đèn suốt đêm. Làm chay ở lăng Anh Duệ Hoàng thái tử và trước đền hai quận vương Thiệu Hoá, Vĩnh Tường. Sai Tôn nhân phủ, Lễ bộ hội đồng với quản thị vệ trông coi việc ấy. Đến ngày tết Trung nguyên mời các sư đến tụng kinh 7 ngày đêm, đốt nhiều vàng mã tiền giấy để cầu âm phúc

Đến triều Nguyễn, cùng với sự phát triển của Phật giáo, lễ Vu lan rất được các Vua coi trọng. Năm Ất Mùi (1835), để chuẩn bị cho ngày lễ Vu lan, vua Minh Mạng đã sai bộ Lễ sắm vật liệu trước, đến ngày Trung nguyên (tức rằm tháng 7), truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thuỷ lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước... Liền truyền sai triệu tập những nhà sư ở chùa các địa hạt, người nào tinh tiến giữ giới, đến Kinh, cấp cho giới đao độ điệp...”. Ngoài ra, vào các dịp lễ Vu lan khác, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn cho mời thầy sư đến các miếu và điện Phụng Tiên tụng kinh 7 ngày đêm để cầu âm phúc.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 40, mặt khắc 1, 2: “Đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế, sai Thống chế Tôn Thất Nghị, Tham tri Lý Văn Phức đốc công việc này. Vua dụ rằng: “Ta lập lên ngôi chùa, vì dân cầu phúc, nay thợ xây dựng đã xong, gặp ngày tiết “Vu lan”, nên mở một đàn chay to, trên cầu cho Thánh tổ mẫu Nhân tuyên Từ Khánh Thái hoàng hậu ta, sống lâu thêm tuổi, hưởng mãi phúc lành, mạnh trời ban cho, tuổi thọ nhiều phúc; phổ nguyện cho năm được mùa, nước sông thuận, nước thịnh, dân yên, cùng hưởng phúc thái bình; tụng kinh một tuần 7 ngày. Lại đặt đàn phổ độ cho vong nhân để rộng thiện duyên”

Dưới triều vua Thiệu Trị, vào dịp lễ Vu lan, Vua cho đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế. Ngoài ra, vua còn đặt đàn phổ độ để “xá tội cho vong nhân”. Nối tiếp truyền thống của các đời vua trước, các triều vua sau như Tự Đức, Kiến Phúc, Thành Thái,... đều tổ chức lễ Vu lan báo hiếu.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 40, mặt khắc 1, 2: “Đặt đàn chay trọng thể ở chùa Diệu Đế, sai Thống chế Tôn Thất Nghị, Tham tri Lý Văn Phức đốc công việc này. Vua dụ rằng: “Ta lập lên ngôi chùa, vì dân cầu phúc, nay thợ xây dựng đã xong, gặp ngày tiết “Vu lan”, nên mở một đàn chay to, trên cầu cho Thánh tổ mẫu Nhân tuyên Từ Khánh Thái hoàng hậu ta, sống lâu thêm tuổi, hưởng mãi phúc lành, mạnh trời ban cho, tuổi thọ nhiều phúc; phổ nguyện cho năm được mùa, nước sông thuận, nước thịnh, dân yên, cùng hưởng phúc thái bình; tụng kinh một tuần 7 ngày. Lại đặt đàn phổ độ cho vong nhân để rộng thiện duyên”

Qua những ghi chép của nguồn sử liệu, chúng ta có thế thấy lễ Vu lan đã được các triều đại ở Việt Nam tổ chức với ý nghĩa đầy nhân văn. Để rồi từ đó lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của tín đồ Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ báo hiếu của tất cả người dân đất Việt. Và một mùa Vu lan nữa lại về, cầu cho Cha Mẹ một đời bình an!

Tài liệu tham khảo.

1. Hồ sơ H31, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

2. Hồ sơ H60, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

3. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

4. Hồ sơ H22, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

5. Hồ sơ H23, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

6. Hồ sơ H24, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;

7. Hồ sơ H25, Mộc bản Triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV

Khánh Quản

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin