Chi tiết tin tức Góp phần tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo thời đầu nhà Nguyễn 20:33:00 - 18/06/2022
(PGNĐ) - Nhà Nguyễn ra đời sau khi chúa Nguyễn Ánh lật đổ nhà Tây Sơn năm 1802. Triều đại nhà Nguyễn là vương triều phong kiến đầu tiên cai trị trên lãnh thổ rộng lớn chưa từng có, suốt từ Bắc chí Nam. Người đông hơn, đất rộng hơn nhưng khó khăn còn đó không phải là nhỏ. Chính trong lúc này, người đứng đầu vương triều là vua Gia Long phải chọn một hệ tư tưởng là Nho giáo để nhất kết nhân tâm, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển triều đại nhà Nguyễn. Song, bên cạnh Nho giáo, nhân dân đã quen thuộc với một hệ tư tưởng khác từ nghìn xưa là Phật giáo. Dù cố gắng đề cao Nho giáo như hệ tư tưởng chủ đạo, nhà Nguyễn vẫn không thể xem nhẹ những khía cạnh liên quan đến Phật giáo như là tôn giáo gắn bó hữu cơ với nhân dân từ Nam chí Bắc.
1. CHÍNH SÁCH VỀ PHẬT GIÁO CỦA CÁC VUA ĐẦU TRIỀU NGUYỄN Về đại thể, có thể nói chính sách ban đầu của triều Nguyễn là hạn chế sự phát triển của Phật giáo. Triều đình tăng cường quản lý số lượng Tăng, Ni, bắt họ tham gia những công việc xã hội và chủ trương thu hẹp ảnh hưởng của nhà chùa trong nhân dân, cố ý đề ra những quy định ngặt nghèo nhằm giảm bớt việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông và số người theo Đạo Phật. Vua Gia Long sai các đình thần xét hết các chùa trong hạt, từ Hòa thượng cho đến đạo đồng phải ghi hết số người vào sổ để dâng, rồi sai Lại bộ truyền bảo rằng: Phàm Tăng độ tuổi từ 50 trở lên thì vẫn miễn lao dịch, chưa đến 50 thì phải chịu lao dịch như dân. Kẻ nào dám trốn tránh thì bắt tội [1]. Vua còn hạn xây chùa mới, tô tượng, đúc chuông, hạn chế lập đàn chay: “…từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh, quán chỉ đem nộp ở quan trấn để biết rõ số” [2]. Đến đời vua Tự Đức, triều đình vẫn tiếp tục hạn chế việc xây chùa, đúc tượng. Vua ra lệnh tách hoạt động của nhà chùa ra khỏi hoạt động của triều đình. “Tỉnh hạt Bình Định không mưa. Tỉnh thần là Vương Hữu Quang đón sư đọc kinh tại tỉnh lỵ, được mưa tâu lên. Vua nói: […] Từ nay về sau có cầu đảo, hoặc làm chay tụng kinh, phải làm ở đền đài, không được xuất lược làm ở nơi công thực như thế” [3]. Son song với việc ban hành chính sách hạn chế Phật giáo, nhà Nguyễn còn tiến hành phê phán giáo lý của Đạo Phật. Luận điểm của sự bài xích Phật giáo thời kỳ này không mới và cũng đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập, chúng tôi không trích lại trong bài viết này. Hệ quả của việc bài bác Phật giáo từ phía triều đình là lớn lao, khiến cho Đạo Phật bị suy yếu lần hồi, chư Tăng Ni không được coi trọng như giai đoạn trước đó. Thế nhưng khách quan mà nói, Phật giáo hãy còn vững vàng trong lòng dân tộc. Sự hạn chế của triều đình tuy gây hệ quả song không thể ngăn chặn được lòng mến mộ của nhân dân đối với Phật giáo. Sử liệu không còn lưu giữ những phản biện của chư Tăng Ni thời bấy giờ đối với những chính sách hạn chế của triều đình nhà Nguyễn, chỉ biết giáo lý nhà Phật vẫn lặng lẽ thâm nhập vào các tầng lớp trong xã hội, chi phối đời sống tinh thần nhiều người. 2. SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA PHẬT GIÁO Trong nhân dân, những quy định khắt khe của nhà Nguyễn về xây chùa, tô tượng, xuất gia… chỉ có tác dụng tạm thời và trong phạm vi hạn hẹp. Vốn dĩ “phép vua thua lệ làng”, cũng như tính phân tán và sự diễn biến chậm rãi của xã hội cổ truyền đã khiến cho sắc lệnh của triều đình không phát huy hết tác dụng như mong đợi. Như các triều đại trước, người dân vẫn hướng về Phật giáo, vẫn đến chùa vào ngày sóc ngày vọng, kính trọng Tăng đoàn và tìm sự bình an ở chốn thiền môn. Trong lòng họ, niềm tin theo giáo lý Đạo Phật là một nhu cầu tâm linh không gì có thể bài bác được. Sẵn lòng tin ở sức mạnh của thần Phật, người dân xem việc đóng góp cho nhà chùa là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhà chùa cũng rất trân trọng công sức đóng góp của người dân và khắc ghi vào bia, phổ hệ, sắm hương hóa tụng kinh cho họ phút lâm chung. Tấm lòng từ bi công đức của người dân vì thế mà ngày càng tăng lên. Chùa chiền vì thế vẫn là một hệ thống gồm nhiều quy mô: Lớn đi liền với nhỏ, mới đi liền với cũ, chùa nhà đi liền với chùa làng và chùa nước. Đặc biệt, ở kinh đô Huế, nơi tập trung nhân lực và tài lực của cả nước, chùa tháp được tu sửa và xây dựng mới uy nghi. Các chùa như: Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên… là minh chứng đó. Ở Nam bộ, chùa tháp mọc lên hàng loạt, người dân dựng chùa để cầu an, gần gũi, giúp đỡ nhau trong làm ăn, sinh sống [4]. Cũng cần nhắc đến sự bất nhất trong chính sách bài bác Phật giáo của các vua đầu triều Nguyễn. Vua Minh Mệnh và Thiệu Trị vừa duy trì chính sách của Nguyễn Thế Tổ, vừa tiến gần đến Phật giáo. Những thành kiến về Phật giáo như không đề cao quyền lực thiên tử, không nhắc đến tam cương ngũ thường, dần dà được vượt qua. Do đó, chúng ta thấy sự thay đổi dần dần trong lời lẽ của hai vị vua này đối với Phật giáo. Từ chỗ cho tu sửa chùa tháp, đặt đàn chay tế lễ ở chùa là “nối chí người trước”, là để “cho tròn quả phúc”, để “cầu phúc lâu dài”, đến chỗ nhắc lại rằng: “Nho và Phật đều dạy cho người ta làm điều thiện”, “không nên nhất khái cho Phật giáo là dị đoan” [5]. Vua Minh Mệnh đối với Phật giáo hãy còn ngập ngừng, đôi lúc phải thanh minh với triều thần về việc làm của mình, như khi đến thăm chùa Thánh Duyên và đề thơ đã nói: “Trẫm đối với Đạo Phật, cái ý không khen không chê, đã có thể biểu hiện ở một bài thơ này vậy” [6]. Đến đời vua Thiệu Trị, ông đã xem việc chi cấp cho nhà chùa, xây chùa, tô tượng, đúc chuông, lập đàn chay… là việc tất yếu. Vua còn làm thơ ca tụng cảnh chùa. Quan lại triều đình cũng tin vào Phật giáo theo nhiều mức độ khác nhau. Có người là đại thần trong triều, cũng tự xưng mình là người tu tại gia, chăm sóc việc chùa, tạc bia, khắc kinh. Trong giới tông thất, các vị thái hậu, chính cung, công chúa, phi tần… là những người sùng mộ Đạo Phật. Họ theo Phật, thờ Phật để mong tạo được công đức, hay lâm chung được vãng sanh Tịnh độ. Hòa thượng Phúc Điền đã ghi lại: Các vương công xây chùa trong gia thất [7]. Các bà cũng yêu sách phu quân, hoặc nhà vua tổ chức lễ đàn chay và ngày hội chùa. Ngay cả dưới đời vua Gia Long, vua vẫn phải đặt đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ. Điều đó cho thấy sức sống và uy tín của Phật giáo vẫn tỏa sáng ngay cả khi gặp vận hạn chế của triều đình nhà Nguyễn. 3. PHẬT GIÁO NHƯ MỘT TỔNG THỂ TÔN GIÁO VẪN PHÁT TRIỂN RỘNG KHẮP Những điều trên cho thấy Phật giáo đầu triều Nguyễn đã trở thành một giai đoạn riêng, có nhiều nét khác so với trước, mà đặc điểm chính trị – xã hội đương thời đã tạo ra. Một mặt, chính sách của triều đình cố ghép Phật giáo vào khuôn khổ quan niệm của mình. Mặt khác, với tính chất là thế giới quan, là tín ngưỡng truyền thống, có sức mạnh của truyền thống, Phật giáo đã nỗ lực vượt ra ngoài vòng cương tỏa của triều đình phong kiến, tìm lấy cho mình con đường phát triển độc lập và đã chi phối trở lại cách nhìn nhận cũng như thái độ của triều đình. Có thể kể đến những nét lớn của sự vận động Phật giáo giai đoạn này như sau: Về Tăng đoàn, đây vẫn là lực lượng Tu sĩ đông đảo dưới thời Nguyễn. Chùa lớn thì số Tăng chúng đến ba mươi người. Chùa nhỏ cũng dăm bảy người. Mỗi ngày, các vị tụng kinh ba hoặc bốn lần vào các buổi: sáng, trưa, chiều và tối. Họ thường tụng chư kinh Nhật tụng, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, kinh Diệu Pháp Liên Hoa… Triều Nguyễn nhiều lần tổ chức thi Sư Tăng, kiểm tra giáo lý, sự tu trì và đức độ, có nhiều đợt ban phát giới đạo, độ điệp và văn bằng Tăng cương. Trong thời vua Minh Mệnh, có năm sai bộ Lễ sát hạch, chọn 50 người thông thạo giáo lý cấp cho giới đao, độ điệp, có năm chọn người quyết chí tu hành, tinh tiến giữ giới, cũng có năm chọn những người đức hạnh thanh cao, đạo pháp linh diệu cấp cho văn bằng Tăng cương. Việc làm này của triều đình trước hết nhằm giảm số lượng tu sĩ Phật giáo, loại trừ những kẻ trốn tránh lao dịch, lợi dụng cửa Thiền trục lợi. Nhưng về phương diện khách quan, lại là việc sắp xếp lại sự tổ chức Phật giáo. Gắn liền với trú xứ của chư Tăng Ni là các chùa. Một hệ thống chùa tháp hiện hữu vẫn còn và nhóm chùa tháp được trùng tu, xây mới xuất hiện. Ở ngoài Bắc, các chùa như: Chùa Dâu, Bút Tháp, Phật Tích, Vĩnh Nghiêm, Keo, Sài Sơn, Tây Phương… đều được tu bổ, sửa chữa. Ở miền Trung, đặc biệt là tại kinh đô Huế, hàng loạt chùa tháp được xây dựng rất khang trang, mang sắc thái vừa của người Việt vừa tích hợp một phần yếu tố văn hóa Chăm, tạo nên những kiến trúc mới mẻ. Ở miền Nam thì chùa tháp tiếp thu nét kiến trúc của các nước Đông Nam Á. Đối với kinh sách Phật giáo, một hệ thống kinh sách đã ra đời và được khắc in. Có những người có ý thức chuyên làm việc này, có những ngôi chùa chuyên phụ trách việc khắc in và tàng trữ các ván in (chùa Bổ Đà, Từ Quang, Liên Tôn…). Các bộ kinh như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Dược Sư, Địa Tạng, Tam Thiên Phật Danh,… và các bộ ngữ lục được in ấn với số lượng lớn, phục vụ nhu cầu tu học, tìm hiểu của chư tăng ni và nhân dân Tóm lại, chính sách của nhà Nguyễn trước hết là hạn chế sự phát triển của Đạo Phật nhưng Phật giáo không vì thế mà thui chột. Đạo Phật vẫn tìm được vị thế rất riêng, rất cao trọng trong tâm khảm của người dân nước ta.
Hưng Trung/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 391
Chú thích: [1] Đại Nam Thực lục, tập 2, Nxb. Sử học, 1963, tr.289. [2] Đại Nam Thực lục, tập 3, Nxb. Sử học, 1963, tr.167. [3] Đại Nam Thực lục, tập 27, Nxb. KHXH, 1973, tr.376. [4] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, 2006, Nxb. Văn Hóa Sài Gòn. [5] Đại Nam Thực lục, tập 17, Nxb. KHXH, 1966, tr.54. [6] Đại Nam Thực lục, tập 13, Nxb. KHXH, 1966, tr.156. [7] HT. Phúc Điền, Thiền uyển kế đăng lược lục, Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr.45a.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |