Chi tiết tin tức

Khảo cứu con đường hiếu đạo trong lộ trình giải thoát

19:24:00 - 29/06/2022
(PGNĐ) -  Hiếu hạnh là một phẩm chất cao đẹp của mỗi con người, Phẩm chất ấy từ xưa tới nay đều được người Á Đông nói riêng và nhân loại nói chung đề cao và thực hiện.

Trong lời tựa trùng san của bộ “Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” có nói: “大哉乾元亨利貞始扵一氣,仁禮義智信 本乎一心. 元氣混沌孝在 其 中…” – (đại tai càn nguyên hanh lợi trinh thủy ư nhất khí, Nhân lễ nghĩa trí tín bản hồ nhất tâm, nguyên khí hỗn độn hiếu tại kỳ trung…) – nghĩa là: nói về quẻ Càn (Càn, Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh) vốn đầu tiên ở một khí mà sinh ra, Nói về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín gốc ở một tâm, từ khi nguyên khí còn hỗn độn thì đã có Hiếu ở trong đó rồi… Hiếu là gốc của muôn đức, đứng đầu vạn hạnh “Bách đức hiếu vi tiên”.

Hiếu đạo không chỉ là bổn phận, mà còn là con đường tu thân lập hạnh. Hiếu chỉ thể hiện ở hai phương diện: một là cung dưỡng về vật chất, hai là chăm sóc tinh thần. Người xuất gia cạo bỏ râu tóc khoác mặc cà sa từ bỏ lục thân, quyến thuộc thực hành cuộc sống tự lợi, lợi tha. Thế nên, thế gian đã hình thành quan điểm người xuất gia là người bất hiếu, điều này cho tới xã hội ngày nay vẫn còn không ít người nghi vấn, tin là như vậy.

Tư tưởng hiếu đạo của Phật giáo là con đường tối hậu, vị giáo chủ lại được tôn xưng là bậc đại hiếu (đại hiếu Thích Ca văn) – “Như lai khi còn phải ở trong đường sinh tử, ở trong tất cả các loài chúng sinh, cũng đã phải chịu đủ mọi thân hình nhiều như những hạt bụi không thể lấy lời nói cho hết, miệng bàn cho xiết …. Tâm không biết mỏi mệt hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn trả ơn, nên mau chóng thành Vô thượng chính đẳng chính giác.”[1]. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng nói: “Phật thị tri ân năng báo ân giả”. Cho nên, tư tưởng hiếu đạo còn được nhắc tới rất nhiều ở trong Kinh tạng cả Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo.

Trong Phật giáo tinh thần hiếu đạo được đề cao. Bâc cổ đức dạy: “Thiên kinh vạn quyển hiếu vi tiên”-  (Dù đọc nghìn quyển kinh sách, cũng phải lấy hiếu làm đầu ), hay “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”trong kho tàng Tam tạng kinh điển Đại thừa có 3 bộ kinh tiêu biểu cho tinh thần Hiếu đạo đó là: 1, Kinh Địa Tạng, 2. Kinh Vu Lan. 3, Kinh Đại phương tiện Phật báo ân.

Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh cũng gọi là Báo Ân Kinh, hoặc Đại Phương Tiện Báo Ân Kinh là một trong những bộ kinh của Phật giáo Đại thừa tiêu biểu cho hiếu đạo.

Bộ kinh này gồm 7 quyển, triển khai nội dung tư tưởng tri ân- báo ân; trên là ân Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng) thứ là ân các bậc quân vương, ân của chúng sinh, đặc biệt là ân phụ mẫu. Bản kinh này mất tên người dịch; Bộ kinh gồm có: Quyển thứ nhất: Phẩm tựa, Phẩm hiếu dưỡng. Quyển thứ hai: Phẩm đối trị, Phẩm phát tâm bồ đề. Quyển thứ 3: Phẩm luận nghĩa. Quyển thứ 4: Phẩm ác hữu. Quyển thứ 5: Phẩm từ bi. Quyển thứ 6: Phẩm ưu ba ly. Quyển thứ 7: Phẩm thân cận. Kinh này lấy Pháp – Nhân – Dụ để lập tên, tên Kinh gồm bẩy chữ “Đại Phương Tiện” là Pháp, “Phật” là nhân, “Báo Ân” cũng là Pháp. Theo Ngũ trùng huyền nghĩa Kinh này lấy chân như bình đẳng làm thể, từ nhẫn làm tông, tồi tà hiển chính là dụng, đại thừa báo ân là giáo tướng. Theo Phán giáo thì kinh này được đức Phật thuyết giảng vào khoảng thời gian sau Pháp hoa trước Niết bàn, cùng thời kỳ đức Phật thuyết Kinh Địa Tạng.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Khao cuu con duong Hieu dao trong lo trinh giai thoat 1

Bản Kinh này bị mất tên người phiên dịch, duyên khởi Đức Phật thuyết Đại Phương Tiên Phật Báo Ân Kinh là do: một thời bấy giờ Ngài A – Nan vào trong thành Vương Xá khất thực gặp người con dòng dõi Bà La Môn có tâm hiếu đạo, Ngài A – Nan sinh tâm vui mừng khen ngợi. Lúc đó lại có một người Phạm Chí thuộc đồ đảng lục sư hủy báng Phật là người vô ơn bất hiếu, nghe vậy ngài A – Nan sinh tâm buồn chán và trở về Tịnh Xá đến trước đức Phật thuật hết sự tình đó. Đức Phật vì đại chúng giảng nói về việc hiếu sự của Thái tử Tu Xà Đề ở quá khứ nhiều đời, Ngài cũng lên cung trời đao lợi vì Mẫu thân Ma Da thuyết Pháp. Do vậy nội dung Kinh chủ yếu giảng thuyết về các việc hiếu đạo.

Phẩm Tựa: là duyên khởi kinh. Thuật lại việc A Nan trên đường gặp người Bà La Môn khất thực cúng dàng cha mẹ nên sinh lòng kính ngưỡng và cũng bị người Phạm chí của Lục sư báng Phật, chúng Tăng là người bất hiếu…. Phẩm này nêu nên lục chủng thành tựu của bộ Kinh.

Phẩm Hiếu Dưỡng: giảng nói về việc nhân địa của Phật là Thái tử Tu Xà Đề ở nhiều đời quá khứ, vì phụ mẫu mà xả thân cúng dàng, vì chúng sinh thực hành những khổ hạnh khó làm báo ân hết thảy. Phát bồ đề tâm, chúng hội ở phẩm này có 70 vị đại Bồ tát nghe pháp mà phát sinh tâm đại thừa, tán thán đức Phật phát nguyện hoằng dương pháp này, để rộng độ chúng sinh, nếu có chúng sinh nào nghe được danh hiệu của 70 vị đại Bồ tát này, liền phát sinh vô thượng Bồ đề tâm và thực hành tâm Đại bi trong tính bình đẳng mình người không khác. Trừ bỏ hết những xấu ác nơi tâm, đối với người thường khiến cho an vui cho tới xả bỏ cả thân mệnh huống là lại đâu dám làm các việc lão hại.

Phẩm Đối Trị: Nói về vị chuyển luân vương dùng thân để cung cấp cho chim Khổng tước, dùng thân này thắp nên hàng nghìn ngọn đèn để cầu giáo pháp cầu chính giác.

Phẩm Phát Bồ Đề Tâm: Phẩm này tiếp nối ý của phẩm trước, đức Phật dạy việc tri ân báo ân. Cho nên phẩm này Hỷ Vương bồ tát vấn hỏi đức Phật: làm sao để Tri ân báo ân. Đức Phật dạy; Bồ tát phát tâm vô thượng Bồ đề thì gọi là tri ân, lại chỉ dạy hết thảy chúng sinh cũng phát Bồ đề tâm gọi là báo ân. Cho nên phẩm này có tên là Phát Bồ đề tâm phẩm. Nội dung giảng nói về việc Phật ở nhiều đời quá khứ do thất tình lục dục mà đọa địa ngục, sau phát tâm bồ đề mà thoát khỏi địa ngục thành Chính giác.

Luận Nghĩa Phẩm: Phật tại trên cõi trời Đao Lợi vì mẫu vương thuyết pháp. Khi ấy ở cõi Diêm Phù Đề này vua Ưu Điền thương nhớ đức Như Lai sinh sầu muộn, liền nhờ lục sư ngoại đạo bói xem đức Phật đang ở đâu. Lục sư liền bàn luận bảo rằng Phật là người “huyễn nhân” chẳng phải người chân thực… hủy báng Phật. Đức Phật liền từ cung trời Đao Lợi trở về cõi Diêm Phù Đề thuyết pháp giảng nói về các việc Hiếu, cùng luận thuyết các việc thiện ác, nhân quả, báo ứng. Nội dung những câu chuyện của Nhẫn Nhục thái tử khoét mắt, lấy tủy để cứu bệnh cho vua cha và các sự việc liên quan tới Lộc Mẫu phu nhân.

Ác Hữu Phẩm: Ở những phẩm trước đã nói việc ngoại đạo dùng những lời nói ác ngôn, hủy báng đức Phật; là người bất hiếu, vô ân, là người ác… Đức Phật liền phóng ánh sáng quang minh triệu tập đại chúng có duyên, rồi tiếp tục giảng nói về các việc hiếu đối với phụ mẫu ở nhiều đời lâu xa. Cũng dạy về những người ác khẩu, hủy mạ cha mẹ, thánh hiền tự mình chịu nhận tội quả ác báo vô lượng, như thế thì ngoại đạo hủy Phật lẽ nào lại không mang tội?. Phẩm này chỉ bày về những tội báo ác hạnh. Cho nên, đức Phật đã dẫn thuyết về Đề Bà Đạt Đa, đời trước là kẻ Ác hữu thái tử đoạt bảo châu của Thiện Hữu thái tử, cũng chỉ rõ đời hiện tại, quá khứ Đề Bà Đạt Đa thường hủy hại đức Phật, cho nên bị đọa vào A Tỳ Địa Ngục.

Phẩm từ: Phẩm trước là tà sư ngoại đạo, cũng như Đề Bà Đạt Đa do tham ái ngũ dục và lợi dưỡng mà hủy báng dục hại Như Lai. Như Lai lại dùng tâm từ bi, oán thân bình đẳng mà độ thoát cho hết thảy, cho đến mọi nhân duyên đã hoàn tất, Ngài cho biết sẽ nhập Niết Bàn. Ngài Xá Lợi Phất nghe Phật sắp nhập Niết bàn, bèn xin diệt độ trước, đại chúng ưu sầu, mất đi chính niệm. Đức Phật dùng tâm Từ bi hóa hiện Ngài Xá Lợi Phất ở ngay trong đại chúng, khiến cho đại chúng hoan hỷ phát tâm Bồ đề. Sau đó, Ngài lại giảng nói nhiều kiếp thực hành từ lực bố thí, tài bảo thân mệnh khắp cả vì lợi ích cho chúng sinh, cho tới ngày nay, từ bi cứu độ muôn loài chúng sinh đều khiến cho thành Phật. Ở phẩm này nói về các mẩu truyện như lấy đầu dâng cho nước thù địch, một vị đại thần thấy như vậy mà không chịu được đã tự đâm mình, cho tới năm trăm vị manh tặc và những chuyện về Liên Hoa Sắc…

Phẩm Ưu Ba Li: Phẩm này liên quan tới giới luật. Đức Phật độ cho Ưu Ba Li xuất gia, đại chúng đều có sự nghi ngờ. Vì Ưu Ba Li là người hạ tiện, cớ sao Phật lại cho xuất gia, khiến cho ngoại đạo hủy nhục Phật pháp. Đức Phật bèn tán dương tôn giả là người đệ nhất hiệu hạnh trì luật ở nơi các đức Phật. cho đến những nội dung Phật và Tôn giả vấn đáp về Luật và Pháp..v..v làm sáng tỏ đức hạnh Ba la mật thù thắng của ngài Ưu Ba Li.

Thân Cận Phẩm: Ý của phẩm này là; nếu người nào có thể thân cận các bậc thiện tri thức, mà lại biết tri ân báo ân, thì được lợi ích sâu rộng, thường sinh nơi cõi trời cõi người hưởng an lạc phúc thiện vô biên, cho đến sớm thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Phẩm này nói về việc Kim mao Sư Tử phát thệ nguyện giữ gìn hộ trì… .Đây là Phẩm cuối của bộ kinh, thường gọi là phần phó chúc lưu thông, cũng gọi là phần chúc lụy.

Toàn bộ kinh gồm bẩy quyển chín phẩm, nội dung chú trọng giảng nói về con đường hiếu đạo và lộ trình tu tập. Bên cạnh đó là phương pháp tri ân báo ân như là: trì giới, phát tâm Bồ đề…. Ban đầu quyển nhất; là nêu nên lý do duyên khởi, sau đó là  nói rõ về sự hiếu dưỡng. Kế tiếp quyển 2 là phương pháp báo ân đó là Phẩm đối trị- trì giới và phát tâm Bồ đề, các phẩm còn lại lý giải, những nhân quả, thiện ác, phát khởi lòng từ bi …

Trì giới tinh tiến tu tập đó là hiếu vậy, “đối với chúng sinh, tâm đối trị: “Như tôi không muốn chết, tất cả ba cõi, loài có hình không hình, loài bốn chân nhiều chân, mãi đến loài bé nhỏ như loài kiến… phàm loài nào có tính mạng đều không muốn chết như tôi. Cho nên Bồ tát, cho đến phải tán thân thất mạng, trọn không cướp đoạt thân mạng của kẻ khác”[2], Cho đến các việc như không cướp đoạt của cải, y phục, thức ăn của chúng sinh, không khởi ý nghi tà vạy, tâm nhiễm ô đối với sắc đẹp của người khác..v..v. ấy là những pháp đối trị, tức cũng là trì giới.

Trong Phạm Võng Bồ tát giới kinh cũng có nói rằng: “Bấy giờ đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây bồ đề, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi bắt đầu quy định về bồ tát giới, rằng sự hiếu thuận đối với cha mẹ, sự sư, chư tăng, đối với tam bảo- sự hiếu thuận phù hợp với chính pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự đình chỉ mọi sự tội lỗi”[3]. Giới luật là căn bản của Phật pháp. Hiếu tức là sự đoan nghiêm cuả Giới, Giới là sự vân tập của hiếu. Giới pháp được thành tựu thanh bạch, ấy là Hiếu đạo chân đế.

Trong Hiếu luận có nói: “Đại giới dĩ hiếu vi tiên, chúng thiện do Giới nhi sinh, nhược vô hiếu, Giới vô sở y”– có nghĩa là: Giới luật lấy hiếu làm đầu, mọi điều thiện đều do giới mà sinh, nếu không có hiếu thì giới cũng không do đầu mà có chỗ y cứ. Giới Phạn ngữ đọc là Sila, có nghĩa là thanh lương có công năng “phòng phi – chỉ ác”.Giới có khả năng sinh Định, do Định mà phát Tuệ và có trí tuệ thì mới có thể đoạn trừ phiền não, do đó mà có được giải thoát. Đây là nhân tố căn bản của hết thảy pháp môn tu hành. Giới còn là những điều căn bản đạo đức như Ngũ giới, Thập giới, Bát quan trai giới, Tỷ khiêu giới, Bồ tát giới. Cho nên, Hiếu là hết thảy những điều căn bản của đạo đức, người bất hiếu chẳng thể trọn vẹn được đạo đức. Trong Bồ tát Giới kinh cũng nói: “Thị Bồ tát ưng khởi thường trụ từ bi, hiếu thuận tâm, phương tiện cứu độ nhất thiết chúng sinh…..”. Từ bi tâm, hiếu thuận tâm là tâm bình đẳng vô phân biệt, ban vui cứu khổ cho muôn loài. Giáo lý Phật giáo đã cho rằng hết thảy người nam là cha ta, người nữ là mẹ ta, đối với chúng sinh muôn loài trải qua vô lượng kiếp đã từng đắp đổi là phụ mẫu, huynh đệ, thân bằng quyến thuộc. Đối với người thực hành hiếu đạo, hiếu thuân tâm chẳng thể nào có thể tùy tiện vui sướng mà sát hại muôn loài. Bên cạnh đó còn phải thường thực hành tâm từ bi cứu độ.

Từ bi không làm tổn hại tới muôn loài như chính làm tổn hại cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của mình, như vậy vẫn chưa đủ mà cần phải phát tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm trên cầu Phật đạo dưới cứu độ chúng sinh.

Trong Kinh Hoa nghiêm nói: “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện căn, thị danh ma nghiệp”– có nghĩa là: mất đi cái tâm Bồ đề, dù thực hành các việc thiện, đó cũng là ma nghiệp. Trong Bồ đề Tâm Nghĩa cũng dạy rằng: “Bồ đề chi tâm Bồ đề chi bản”. Trong phẩm Phát Tâm Bồ Đề chỉ rõ rõ: Bồ tát Hỷ Vương Hỏi Phật; “Nếu Phát tâm Bồ đề, sẽ phải phát như thế nào? Và nhân đâu mà có thể phát được? Phật nói:

Thiện nam tử! Bồ tát ma ha tát, khi thoạt mới phát tâm bồ đề phải lập đại nguyện, và nói như thế này: Nếu tôi chứng được đạo vô thượng Chính đẳng Chính giác, tôi sẽ làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, khiến cho chúng sinh được an trú trong cảnh đại Niết bàn, lại sẽ giao hóa tất cả chúng sinh, thảy đều được đầy đủ Bát Nhã Ba la mật. Như thế gọi là tự lợi cũng gọi là lợi tha”[4]. Như vậy, tâm Bồ đề là tâm lập đại nguyện thành chính giác làm lợi ích cho hết thảy chúng sinh cũng đều được an vui giải thoát như minh không khác, tức là tự lợi và lợi tha viên mãn. Nếu chẳng phát tâm Bồ đề thì đạo quả không do đâu y cứ sinh ra được kinh nói: “Nếu không phát tâm quyết không thể nào thành được, cho nên phát tâm, là cội gốc của quả vị Vô Thượng Chính Đẳng Chính giác”, cũng do phát tâm mới thực hanh được Bồ tát hạnh, bởi vậy, phát tâm là gốc, gọi là nhân. Phát tâm có bốn thứ;

1. Luôn có tâm cung kính nhớ nghĩ về đạo Bồ đề, phát tâm vô thượng bồ đề.
2. Luôn sinh tâm tín tưởng nơi đạo vô thượng bồ đề.
3. Luôn giữ gìn Phật pháp được trường tồn mãi ở thế gian.
4. Dạy bảo cho tất cả chúng sinh đều Phát tâm Bồ đề.

Có thể thấy đại từ đại bi cùng với tâm Bồ đề là chỗ để cho việc báo ân y cứ. Do vậy bản kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân có ý nghĩa lực dụng hết sức to lớn. Vì thế, đặc biệt là những năm có các bậc long tượng của Giáo hội thành phố viên tịch, thì bộ kinh này đều được chư tôn đức Tăng già trọn để giảng dạy vào những ngày an cư của năm đó, nhằm tri ân tới các Hòa thượng cũng là để nhắc nhở hàng hậu học chúng con. Trong khoảng 30 năm trở lại đây bộ kinh này đã được đọc giảng 4 lần:

– Lần thứ nhất vào năm cố Hòa thượng Thích Thanh Viên – tổ đình Võ Lăng viên tịch (1993).
– Lần thứ hai là năm cố Hòa thượng Thích Viên Thành – tổ đình sơn môn Hương Tích viên tịch (2002).
– Lần thứ ba bộ kinh này được giảng năm cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích – chốn tổ Hội Xá viên tịch (2013).
– Lần thứ tư bộ kinh này được giảng dạy vào mùa An cư năm nay để tưởng nhớ tri ân tới cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – tổ đình chùa Ráng viên tịch (2022).

Đây là cơ hội cho hàng hâu học chúng con được hiểu rõ, thực hành bổn phận hiếu đạo, noi gương đức Phật, chư Tổ và các bậc Thầy đi trước. Thực hiện bổn phận hiếu đạo tức là tu tập tinh tiến, phát Bồ đề tâm hầu mong báo đáp thâm ân trong muôn một. Như trong Khuyến phát Bồ đề tâm văn đã chỉ dạy: phải luôn nhớ nghĩ tới ân của Phật, ân của phụ mẫu, ân của sư trưởng, ân của thí chủ, ân của chúng sinh, ân sinh tử khổ. Tổ dạy: “Niệm niệm thường cầu Phật đạo, tâm tâm hạ hóa chúng sinh, văn Phật đạo trường viễn, bất sinh thoái khiếp, quán chúng sinh nan độ, bất sinh yếm quyện, như đăng vạn đao chi sơn tất cùng kỳ đỉnh…”

Phật giáo lấy tứ trọng ân cần phải báo đáp đó là:

Một là: Ân che trở nâng đỡ của trời đất (Thiên địa phú tái chi ân)
Hai là: Ân đất nước xã hội (Quốc gia xã hội chi ân)
Ba là: Ân thầy tổ, cha mẹ (Sư trưởng phụ mẫu chi ân).
Bốn là: Ân thập phương tín thí (Thập phương tín thí chi ân)

Ngày nay nếu như mỗi người có thể biết và báo đáp bốn ân thì sẽ thiết lập được một xã hội nhân sinh tốt đẹp.

Ân trời đất nâng đỡ che chở: xã hội ngày nay được thừa hưởng những thành tựu công nghệ khoa học, đã sản xuất và tạo ra muôn vàn của cải vật chất trong các ngành công kỹ mỹ… Nhưng bên cạnh đó là những hệ lụy môi trường khí hậu toàn cầu thiên nhiên đang bị tổn hại như: sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm toàn cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm… nếu mỗi người chúng ta biết tôn trọng và cải tạo tự nhiên có chừng mực thì đó là đã biết ân che chở của trời đất. Bởi vì chúng ta đều hít chung một bầu không khí, muôn loài đều nương tựa vào mặt đất để sinh trưởng và xây dựng cuộc sống. Bên cạnh đó xây dựng bảo vệ tôn trọng thiên nhiên cũng tức là báo ân.

Ân quốc gia xã hội: mỗi dân tộc từ thủa xây dựng đất nước, kiến lập địa giới vùng trời vùng biển… thì các bậc tiền bối đã phải hi sinh muôn vàn tổn thất để có được cuộc sống bình yên thịnh vượng. Người học Phật làm lành tránh ác, giữ gìn giới luật, hoằng pháp lợi sinh cũng là góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước của quốc gia mình. Như vậy cũng là báo ân quốc gia xã hội.

Ân sư trưởng phụ mẫu: nếu như cha mẹ là người cho ta cuộc sống và thân thể này, thì người tác thành cho ta chính là thầy và bạn. Thầy ở đây bao hàm không chỉ là những người xuất gia hướng đạo, mà còn chỉ cho những bậc thầy thế gian như thầy giáo, thầy dạy nghề… Mỗi người đệ tử Phật trên bước đường tu tập, hay trên cuộc đời để thành tựu chẳng thể thiếu thầy bạn, ân đức ấy khó có thể nghĩ bàn. Mỗi người chỉ có thể bằng phương pháp nỗ lực tinh tiến tu tập mới có thể báo đáp thâm ân.

Ân thập phương tín thí: Phật giáo với lý Duyên sinh Duyên khởi tức là do cái này sinh thì cái kia sinh cái này diệt thì cái kia diệt. Mỗi người chẳng thể sinh sống tồn tại độc lập ngoài mối tương tác, hỗ trợ của mọi nhân duyên. Người nông dân thì phải nhờ vào người thợ may mới có áo mặc, kỹ sư thì lại nhờ vào người nông dân sản xuất thực phẩm mới có lương thực để sử dụng… hết thảy đều là mối tương quan nhân duyên sinh. Do vậy chúng ta không thể chủ quan cho rằng mình không cần nương tựa vào ai, vào các mối duyên có thể tồn tại độc lập. Do vậy có thể hiểu rộng ra rằng mỗi người ở trong mọi tầng lớp xã hội đều có giá trị và tầm quan trọng, đáng được tôn trọng như nhau. Đó là giá trị nhân văn của xã hội đương đại.

Tứ trọng ân được Phật giáo đề cập nói riêng hay tinh thần hiếu đạo nói chung. Trải qua hơn hai nghìn năm lịch sử vẫn chưa bao giờ mất đi giá trị hiện thực về ý nghĩa cho tới ngày nay vẫn mang lại những lợi ích thiết thực. Nếu moi người đều biết và thực hành. Mỗi đệ tử muốn đền ân Phật thì phải nghĩ nhớ tới hết thảy chúng sinh – tức là “Phục vụ chúng sinh tức là thiết thực cúng dàng chư Phật”, cũng như Phẩm Thân cận Phật dạy: “Phật Bảo ngai A Nan rằng: Bồ tát siêng tu tinh tiến, muốn trang nghiêm đạo Bồ đề, muốn đền đáp ân Phật, thì phải nghi nhớ tới hết thảy chúng sinh …”[5] và “Phật bảo ngai A Nan rằng: nếu người thiện nam thiện nữ biết ơn, muốn báo ơn, thì phải làm bốn việc sau đây:

– Phải gần gũi bạn hiền.

– Phải dốc lòng nghe pháp.

– Phải suy nghĩ nghĩa lý.

– Phải đúng như pháp tu hành….

Nếu lại làm theo tám pháp sau đây mà không nhiễm trước gọi là báo ân: Lợi – Suy – Hủy – Khen – Tán Thán – Chê Bai – Khổ – Vui. Lại nữa, nếu làm theo bốn việc sau đây thì gọi là biết ơn vào báo ơn:

– Thấy những kẻ độc ác, lòng sinh thương xót, để khởi lòng từ.

– Thấy những người đau khổ, mắt không thể rời, để khởi tâm thương.

– Thấy sư trưởng, cha mẹ và những bậc có đức, tâm tính vui vẻ, để khởi lòng kính mến.

– Thấy những người thù oán, lòng không giận tức, để tu phép hỷ xả…”[6]

Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh là một bộ kinh với nội dung tư tưởng chủ đạo không chỉ là hiếu đạo; tri ân – báo ân và con đường thực hành hiếu đạo. Đó là không gì ngoài trì giới tu tập, phát Bồ đề tâm, hành Bồ tát hạnh, không chỉ là hiếu đạo với phụ mẫu lục thân, quyến thuộc, rút gọn lại còn là đền đáp trong Tứ trọng ân. Do bản kinh này được thuyết giảng vào thời sau Pháp hoa, nên bộ kinh còn mang tư tưởng Nhất thừa – tức là Phật thừa, là pháp duy nhất đạt đến sự giải thoát rốt ráo. Tiếp nối tư tưởng “Hội tam quy nhất”– quy tam thừa về nhất thừa. Trong bộ kinh này tư tưởng ấy được thể hiện rất rõ ở phẩm Ác Hữu: với hình ảnh của viên “Ma ni bảo châu” thể hiện cho Phật trí, Phật thừa, hình ảnh người mù hai mắt  thể hiện họ nhị thừa, vẫn nhận rõ thực tướng của các pháp, nhưng chưa thực sự là rốt ráo. Với ý nghĩa như vậy, trên lộ trình tu tập đi đến giải thoát thì không thể không thực hành hạnh hiếu, mỗi người thực hành được hiếu đạo, hiếu hạnh tức là thực hành Bồ tát hạnh, cũng là đã góp phần kiến lập xã hội an vui hạnh phúc, bước đến bậc thang giải thoát niết bàn.

 

Tác giả: Thích Đạo Tâm

***

CHÚ THÍCH
[1]. Thích Chính Tiến (dịch). Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 2022, tr50.
[2]. Thích Chính Tiến (dịch). Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 2022, tr89.
[3]. Phạn Võng Bồ Tát Giới Bổn, HT Thích Trí Quang dịch (tr8)
https://thuvienhoasen.org/images/file/022ugJ1G0QgQABVe/phamvongbotatgioibon-thichtriquang.pdf
[4]. sdd. Tr 139.
[5]. sdd. Tr 446
[6]. sdd. Tr 452 -453

Tài liệu tham khảo.
1. 报恩經註義。
2. Phạn Võng Bồ Tát Giới Bổn, HT Thích Trí Quang dịch (tr8)
https://thuvienhoasen.org/images/file/022ugJ1G0QgQABVe/phamvongbotatgioibon-thichtriquang.pdf
3. Thích Chính Tiến (dịch). Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, 2022. 
4. Ht Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, Nxb Tôn giáo, 2006.
5. 编辑:性恩行者. 佛教孝亲观浅探.
https://www.lingyinsi.com/detail_458_5992.html.
6. https://cbetaonline.cn/search/?q=%E4%BD%9B%E5%A0%B1%E6%81%A9%E7%B6%93&lang=zh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin