Chi tiết tin tức

Các tuyến du nhập Phật giáo vào nước ta thời đầu Công nguyên

20:27:00 - 23/07/2022
(PGNĐ) -  Ngoài ra, sự truyền bá Phật giáo đến Việt Nam không phải xảy ra trong một lúc mà liên tục từ đầu Công nguyên đến các thế kỷ về sau. Ngoài người bản địa, người Ấn Độ, người Trung Hoa và các dân tộc khác đều có công lao trong quá trình truyền bá và xây dựng nền tảng Phật pháp tại nước ta.

Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương là cầu nối nối địa lý giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa, do đó từ lâu, nước ta chịu ảnh hưởng từ hai nền văn minh này.

Ấn Độ là một tiểu lục địa với dân số đông, sản vật phong phú. Từ thời trước Công nguyên, thương nhân Ấn Độ đã giao thương với các dân tộc trên bán đảo Ả Rập, các nước ven Địa Trung Hải và La Mã. Họ còn ra khơi theo gió mùa Tây Nam đi về phía Đông Nam Á, đến Mã Lai, đến quần đảo Indonesia, qua eo biển Malacca vào Biển Đông, đến Việt Nam (bấy giờ miền Bắc là Giao Chỉ, miền Trung là tiền thân nước Lâm Ấp, miền Nam là nền văn minh Óc Eo) và lên Trung Hoa, Nhật Bản. Khi đi, họ nương theo gió mùa Tây Nam, còn lúc về phải chờ đến sang năm, theo gió mùa Đông Bắc về lại Ấn Độ. Ròng rã một năm ở lại, đủ thời gian để họ buôn bán và dần dà ảnh hưởng sâu đậm đến các dân tộc địa phương về sản xuất, văn hóa, sinh hoạt, tôn giáo. Họ tham gia vào quá trình Ấn Độ hóa các xứ phương Đông một cách hòa bình, bình đẳng. Đó là sự thẩm thấu, truyền bá về văn hóa tốt đẹp. Trong số những người Ấn Độ tham gia đoàn thương buôn cũng có một số người ở lại, sinh cơ lập nghiệp. Đó là nguồn gốc của những gia đình, làng, phố Ấn Độ ở các đảo tại Perak, Célebes, ở Malaysia, Campuchia, Indonesia… Họ mang tôn giáo là đạo Phật và đạo Bà La Môn cùng văn tự Sankrit, Pali đến đây. Quá trình Ấn Độ hóa đã góp phần tạo nên những nhà nước nhỏ học tập văn minh Ấn Độ từ thế kỷ II. Các bi ký cổ nhất khắc văn tự Sanskrit có niên đại thế kỷ IV là chứng nhân cho làn gió Ấn Độ ở Đông Nam Á.

Trên quần đảo Nam Dương (Indonesia), các nhà khảo cổ tìm thấy những dòng chữ Phạn của vua Mulavarman ở vùng Kutei, ở đảo Borneo niên đại thế kỷ V, cũng như của vua Purnavarman ở Tây Java giữa thế kỷ V. Họ cũng tìm thấy dấu tích Phật giáo cổ xưa hơn rất nhiều là các tượng Phật thuộc trường phái Amaravati tại Sampaga, ở Giember (Đông Java), ở Palembang (Samatra). Hậu Hán Thư của Trung Hoa nhắc đến Java với tên gọi Diệp Điều vào năm 132 thời nhà Hán bởi vì người nước Java đã đến triều đình nhà Hán thông thương.

Tình hình trên cho thấy mức độ nhộn nhịp của hoạt động hàng hải Ấn Độ trong vài thế kỷ trước và sau Công nguyên, đặc biệt từ thế kỷ II trở đi. Không thể lý giải tình hình như vậy trong bối cảnh hệ tư tưởng của đạo Bà La Môn vốn lên án mọi tiếp xúc với người ngoại bang là không thanh tịnh. Chỉ có thể lý giải tình hình này trong tương quan tư tưởng Bà La Môn giáo bị lay chuyển tận gốc rễ bởi tư tưởng bình đẳng giai cấp của Phật giáo, nhất là của Phật giáo Đại thừa vào đầu Công nguyên. Tư trào Phật giáo Đại thừa ngoài kế thừa những yếu tố của Phật giáo Nguyên thủy còn nhấn mạnh lý tưởng Bồ tát đạo. Các vị Bồ tát không quản ngại khó khăn khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, đã đặt lên trên hết mục đích cao cả “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Có thể nói, tư tưởng Phật giáo đã giải phóng người dân Ấn Độ, tạo điều kiện cho họ đi khắp mọi phương trời giao thương và giao lưu, học hỏi.

Phật giáo Đại thừa còn khẳng định vai trò gia hộ của các vị Phật và Bồ tát đối với những ai đặt niềm tin và thường niệm danh hiệu của các ngài. Bồ tát Quán Thế Âm là nhân vật được thủy thủ, thương nhân Ấn Độ thời bấy giờ cầu xin gia hộ thường xuyên. Ngài nổi tiếng ở các xứ phương Đông như là vị Bồ tát nghìn mắt nghìn tay, có lòng từ bi và quyền năng lớn lao có thể cứu độ người trong cơn hoạn nạn. Phật Nhiên Đăng (Dipankara) cũng được giới đi biển hết lòng tôn kính vì tên Ngài gợi lên nghĩa của các hòn đảo (dipa, dvipa), gần như trở thành vị Phật bảo hộ cho người đi biển [1]. Việc các thủy thủ và thương nhân Phật tử Ấn Độ mang theo tượng Phật Nhiên Đăng và Bồ tát Quán Thế Âm hằng ngày lễ bái, niệm danh hiệu các Ngài, không tránh khỏi ảnh hưởng đến dân chúng những nơi họ đến và lưu trú tạm thời hay định cư.

Bên cạnh lối giải thích trên, các nhà nghiên cứu còn đề ra một số yếu tố khác góp phần truyền bá Phật giáo đến Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng:

– Việc Hoàng đế Asoka vào thế kỷ III TCN đánh chiếm xứ Kalinga nằm ở bờ biển phía Đông Ấn Độ, có thể là đòn bẩy kích thích phong trào di tản hải ngoại của người dân xứ này;

– Các cuộc xâm lăng của người Kushan vào những năm đầu Công nguyên cũng có thể tạo ra những cuộc di cư mới từ Ấn Độ ra vùng Đông Nam Á.

Phật giáo Đại thừa còn khẳng định vai trò gia hộ của các vị Phật và Bồ tát đối với những ai đặt niềm tin và thường niệm danh hiệu của các ngài.

Theo tác giả G.Coedès, nguyên nhân sâu xa của sự truyền bá văn hóa Ấn Độ và Phật giáo buổi đầu Công nguyên ở Đông Nam Á là thương mại và kinh tế. Sự tiếp xúc giữa Viễn Đông và vùng Địa Trung Hải, tiếp theo là chiến dịch Đông tiến của Alexander Đại đế, sự thành lập vương triều Maurya và sau đó là Kaniskha ở Ấn Độ, sự xuất hiện đế quốc của dòng họ Séleucides và nhất là đế quốc La Mã ở phương Tây đã kích thích mạnh mẽ sự phát triển thương mại hàng xa xỉ, một sự phát triển mà nhiều học giả Latin vào thế kỷ I đã tỏ ra lo ngại [2]. Các mặt hàng xa xỉ ấy là gia vị, hương liệu, nhất là gỗ trầm hương,… có nhiều không phải ở chính trên đất Ấn mà ở các xứ, các đảo hải ngoại, nằm về phía đông Ấn Độ. Các địa danh mang âm hưởng tiếng Phạn như: Takkola (chợ Hạt Tiêu), Karpuradvipa (đảo Long Não), Narikeladvipa (đảo Dừa) gợi ý cho chúng ta về những miền mà thương nhân Ấn Độ thường lui tới. Sylvain Lévi trong tác phẩm Kouen louen et Dvipantara nhắc đến Kanakapuri là “Thị trấn vàng” ở đảo Dvipantara, bởi vì vàng cũng là món hàng mà người Ấn tìm tòi ở hải ngoại, đặc biệt là ở quần đảo Indonesia. Cần nhấn mạnh rằng vào thời điểm trước Công nguyên, người Ấn Độ vẫn mua được vàng ở tận Siberia thông qua con đường xuyên xứ Đại Hạ (Bactrian) nhưng vào khoảng hai thế kỷ trước Công nguyên, các đợt di dân lớn ở Trung Á đã cắt đứt con đường chuyên chở vàng ấy. Họ phải chuyển sang nhập vàng từ đế quốc La Mã và những đồng tiền vàng của Rome được nấu lại, dùng vào các mục đích khác nhau tại Ấn Độ. Ngày nay thi thoảng người ta lại khai quật được những đồng tiền vàng La Mã ở Ấn Độ. Đến thời hoàng đế La Mã Vespasien (69-79), ông cấm hẳn việc xuất khẩu tiền vàng sang Ấn Độ. Do đó, người Ấn buộc phải tìm vàng bằng con đường khác.

Tại vương quốc Chăm-pa ở miền Trung nước ta, các nhà khảo cổ tìm thấy tượng Phật Đồng Dương – một trong những kỷ vật còn lại đẹp nhất của trường phái Amaravati Ấn Độ.

Sau các đợt đi của thủy thủ và thương nhân, có thể là các đợt Tăng sĩ Phật giáo đi truyền bá đạo Phật. Tăng sĩ Phật giáo bấy giờ thường là những người học rộng, biết nhiều, tức là lớp người trí thức. Không có họ thì ảnh hưởng của đạo Phật và văn chương Sanskrit không thể đạt mức độ sâu sắc đến như vậy trong các nền văn minh ở Đông Nam Á. Ở nước ta, nền văn minh Phù Nam ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo Ấn Độ đến mức các vị quan chức trong triều đình Phù Nam đa số đều là người Ấn, ít nhiều chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Tại vương quốc Chăm-pa ở miền Trung nước ta, các nhà khảo cổ tìm thấy tượng Phật Đồng Dương – một trong những kỷ vật còn lại đẹp nhất của trường phái Amaravati Ấn Độ.

Ngoài đường biển, thương nhân và Tăng sĩ Phật giáo có thể kết hợp con đường vừa thủy, vừa bộ để đến Đông Nam Á và Đông Dương. Thay vì đi vòng xuống eo biển Malacca, xa về phía Nam, họ có thể chuyển hàng hóa qua eo đất Kra và bán đảo Mã Lai, theo những tuyến đường bộ tiện lợi, có thể vượt trong vài giờ, nối liền biển nọ với biển kia. Từ Nam Ấn Độ, người Ấn có thể dùng thuyền không lớn vượt thủy đạo hẹp giữa Andaman và Nicobar, hoặc là quá xuống phía Nam, thủy đạo giữa Nicobar và Achin. Tuyến đường thứ hai dẫn tới điểm Kedah. Tại hai điểm này, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều đồ vật cổ thuộc văn minh Ấn Độ [3].

Đối với tuyến đường bộ, các đoàn Ấn Độ có thể xuất phát từ Trung Ấn dùng tuyến đường bộ ngang qua đèo Ba Chùa (Passe des Trois Pagodes, nay là đồi Tenasserim ở biên giới Thái Lan và Myanmar) và dong theo sông Kanburi xuống châu thổ sông Mê-nam. Xa lên phía bắc cũng có thể tới thung lũng châu thổ Mê-nam bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Raheng, nằm trên một nhánh của con sông Mê-nam. Một tuyến khác nối Mê-nam với sông Mê-kông, ngang qua cao nguyên Khorat, Si Thep và thung lũng Mun. Chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassak, ở trung lưu sông Mê-kông, địa bàn của vương quốc Kambujas, vương quốc này có thể là do những di dân Ấn Độ thành lập trước Công nguyên. Rất có thể các Tăng sĩ Ấn Độ đã theo con đường này đến đất Lào rồi vượt dãy Trường Sơn tiến vào Thanh Hóa, Nghệ An [4]. Xa về phía Bắc, là con đường nối Ấn Độ với Nam Trung Hoa ngang qua Assam, Thượng Myanmar và Vân Nam. Tuyến đường này dường như đã được sử dụng từ thế kỷ II.

Tất cả những sự kiện lịch sử và địa lý nêu trên đều bác bỏ giả thuyết cho rằng Phật giáo đầu tiên truyền từ Ấn Độ qua Trung Hoa rồi từ Trung Hoa truyền sang nước ta. Không ai phủ nhận sự giao lưu văn hóa Phật giáo từ Trung Hoa sang Giao Chỉ thời bấy giờ, nhưng có thể nói, Việt Nam từ rất xa xưa được các cao tăng Ấn Độ đến truyền giáo trực tiếp, thời điểm ấy xưa hơn thời điểm Phật giáo truyền vào miền Nam Trung Hoa khá nhiều. Đi theo các tuyến đường thủy hay bộ, đi một mình hay đi thành nhóm riêng, hay ghép vào các đoàn thương nhân, một số Tăng sĩ ngoại quốc chủ yếu là người Ấn Độ và Trung Á đã đến nước ta truyền bá Phật pháp.

Về việc truyền bá Phật giáo đến các nước, có thể lấy một dấu mốc quan trọng là thời đại vua Asoka ở Ấn Độ. Dưới triều vua Thiên Ái Thiện Kiến, nhiều phái đoàn truyền giáo đã được gửi đi khắp các lân bang của Ấn Độ. Một phái đoàn do cao Tăng Uttara và Sona được gửi đến Suvannabhumi- xứ của vàng, trỏ khu vực Đông Nam Á. Cả sử liệu Phật giáo Thái Lan lẫn Myanmar đều nhận hai vị cao Tăng ấy đã đến nước họ truyền giáo. Liệu hai vị cao Tăng ấy có tiếp tục đến nước ta hay không là vấn đề còn bỏ ngỏ. Có học giả dựa vào tài liệu Trung Hoa, nói rằng ở Giao Châu tại thành Lê Nê, có bảo tháp của vua Asoka. Họ xác định thành Lê Nê mà sử liệu Trung Hoa nói đến là thuộc Đồ Sơn hiện nay nhưng do thời gian và binh hỏa mà nền tháp đã phong hóa đến mức không còn xác định được.

Nam Ấn lại chính là vùng đầu tiên kết tập các kinh điển Đại thừa thuộc văn hệ Bát Nhã. Chính dựa vào các bộ kinh Bát Nhã và luận sư Long Thọ đề xướng thuyết Trung luận nổi tiếng, ảnh hưởng sâu rộng đến Phật giáo Đại thừa. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng tương đối sâu sắc của tư tưởng Bát Nhã dẫn đến một giả thuyết cho rằng dòng Đại thừa Bát Nhã đã truyền trực tiếp từ miền Nam Ấn Độ đến nước ta. Ở Trung Hoa, tuy ngài Chi Lâu Ca Sấm đã dịch kinh Bát Nhã ra vào thời Đông Hán nhưng mãi đến khi bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập ra đời vào đầu thế kỷ V thì tư tưởng Bát Nhã mới phổ biến ở Phật giáo Trung Hoa. Còn ở Giao Châu, từ đầu thế kỷ III, ngài Khương Tăng Hội đã dịch Bát thiên tụng Bát Nhã và đây được xem là tác phẩm thuộc văn hệ Bát Nhã xưa nhất. Còn quyển kinh Bát Nhã (Đạo Hành Bát Nhã Kinh) mà ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch thì thuộc thời kỳ thứ hai của văn hệ Bát Nhã [5]. Như vậy vào đầu thế kỷ III, sư Khương Tăng Hội đã có trong tay bộ kinh Bát Nhã sớm nhất của toàn bộ văn hệ Bát Nhã và bộ kinh này gần như có thể khẳng định là do các Tăng sĩ Phật giáo từ Ấn Độ mang sang nước ta và đến trước hơn thời điểm dịch thuật. Tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu hẳn đã có một số tu viện, trường hợp giảng kinh Bát Nhã, trong đó có bộ Bát thiên tụng Bát Nhã.

Ngoài ra, sự truyền bá Phật giáo đến Việt Nam không phải xảy ra trong một lúc mà liên tục từ đầu Công nguyên đến các thế kỷ về sau. Ngoài người bản địa, người Ấn Độ, người Trung Hoa và các dân tộc khác đều có công lao trong quá trình truyền bá và xây dựng nền tảng Phật pháp tại nước ta.

Sử sách còn ghi lại danh tính nhiều nhà sư Trung Hoa trên đường sang Thiên Trúc đã đi tuyến phía Nam và dừng chân ở Giao Châu trước khi đi tiếp như: Vu Pháp Lan, Vu Đạo Thúy ở đầu thế kỷ IV, Minh Viễn cuối thế kỷ IV, sư Huệ Mạng, Vô Hành, Đàm Nhuận, Trí Hoằng, Hội Ninh, Nghĩa Tịnh… trong các thế kỷ V, VI, VII. Họ sang Ấn Độ để tìm thêm Tam tạng Kinh điển và ước vọng dịch sang Hán văn để phổ biến tại Trung Hoa. Ngoài các nhà Sư Trung Hoa còn có các nhà Sư bản địa như: Khuy Xung, Huệ Diệm, Trí Hành, Đại Thặng Đăng…

Sự truyền bá Phật giáo đến Việt Nam diễn ra mãi tới thời kỳ độc lập, chỉ có điều chiều hướng dần thay đổi. Hướng Tây Nam từ Ấn Độ sang dần thay đổi thành hướng Bắc từ Trung Hoa xuống. Do đó, các tông phái Phật giáo Trung Hoa dần xuất hiện ở nước ta. Từ thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, đến sau này là thiền phái Lâm Tế, Tào Động… xã hội Việt Nam hòa nhịp cùng phổ văn minh Đông Á nên Phật giáo Trung Hoa dễ hòa nhịp vào xã hội nước ta hơn. Việc đó xảy ra đồng thời với quá trình suy vong của Phật giáo tại Ấn Độ. Tựu chung, sự đa dạng trong các luồng tiếp nhận Phật giáo đã định hình đặc thù của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

 

Hưng Trung/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 393

Chú thích:

[1] Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, tr.22.

[2] George Coedès (1944), Histoire acienne des état hindouisés d’Extrême-Orient, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, p.23.

[3] H.G.Quaritch Wales (1935), “A newly explored route of ancient Indian cultural expansion”, Indian Art and letters, Vol IX, pp.1-31.

[4] Nguyễn Tài Thư (chủ biên) (2022), Sđd, tr.26.

[5] Jaideva Singh (1978), Introduction to Madhymaka Philosophy, Motilal Publisher, New Delhi, p.09.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin