Chi tiết tin tức

Phật giáo Việt Nam: Những thành tựu và phát triển

20:13:00 - 03/12/2021
(PGNĐ) -  Ngày nay, Phật giáo Việt Nam tùy duyên ứng dụng làm lợi đạo, ích đời trên nhiều phương diện: Giáo dục, văn hóa, chính trị, y tế, kinh tế, xã hội… Qua đó thể hiện tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.

Đặt vấn đề

Phật giáo Việt Nam kể từ khi du nhập đến nay đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bản sắc hoạt động thực tiễn của Phật giáo Việt Nam luôn biểu hiện truyền thống phụng sự nhân sinh, quê hương xứ sở. Mặc dầu trên con đường hoạt động, Phật giáo gặp không ít khó khăn, nhưng với lập trường vững vàng, chư Tăng Ni, Phật tử cả nước đã lèo lái con thuyền Phật giáo từng bước vượt qua sóng gió tiến về phía trước, để có được sự hội nhập và phát triển như hiện tại. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam tùy duyên ứng dụng làm lợi đạo, ích đời trên nhiều phương diện: Giáo dục, văn hóa, chính trị, y tế, kinh tế, xã hội… Qua đó thể hiện tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam.

SỰ RA ĐỜI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Sau ngày 30/4/1975 đất nước hòa bình, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh đất nước độc lập, Tăng Ni, Phật tử có tâm nguyện củng cố lại hệ thống tổ chức Phật giáo, quy tập các hệ phái Phật giáo vào ngôi nhà chung Giáo hội để ổn định phát triển lâu dài. Tháng 02/1980, Ban Vận động thống nhất Phật giáo được thành lập gồm các vị cao Tăng đại diện cho các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên toàn quốc. Ban Vận động đã đi đến các tổ đình, sơn môn và tổ chức các buổi tiếp xúc với Tăng Ni, Phật tử, giới cư sĩ trí thức khắp ba miền để trình bày nguyện vọng và lắng nghe ý kiến của các vị, để đi đến thống nhất quan điểm trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thống nhất Phật giáo là điều kiện tất yếu trong bối cảnh xã hội hiện tại: “Thống nhất PGVN không chỉ là nguyện vọng mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của PGVN, có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước để thực hiện những Phật sự trọng đại của PGVN” [1].

Sau khi thành lập, Ban Vận động làm việc sau gần hai năm, giây phút lịch sử đã đến. Hội nghị Đại biểu thành lập GHPGVN diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 04-07/11/1981 với sự tham dự của 165 vị Giáo phẩm, Tăng Ni, Phật tử đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước. Hội nghị quyết định thống nhất thành lập một tổ chức Phật giáo chung lấy tên: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. GHPGVN được thành lập thể hiện tinh thần đoàn kết hòa hợp, mặc dù có đến 9 tổ chức, hệ phái, với các truyền thống, hình thức khác nhau nhưng trên dưới vẫn nhất trí hợp nhất, thể hiện đặc tính lục hòa của Phật giáo. Trong kỳ Đại hội này, Hiến chương GHPGVN gồm 11 chương, 46 điều, được đại diện lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo thông qua và ấn dấu công nhận. Hiến chương đã đề cập lập trường mục đích của Giáo hội: “Mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới” [2] và xác định phương châm hoạt động của Giáo hội là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

Thống nhất Phật giáo Việt Nam là tâm nguyện của bao thế hệ. Kể từ khi HT. Thích Khánh Hòa vận động phong trào chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX, các vị Tôn túc đã có ý nguyện thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất cả ba miền. Trong đó điển hình với sự ra đời các tổ chức Giáo hội như: Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951); Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (1958); Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (1964) căn bản dựa trên sự hợp nhất 11 giáo phái Phật giáo với số lượng Tăng Ni, Phật tử đông đảo nhất từ trước đến giờ. Tuy nhiên, các tổ chức thống nhất Phật giáo này vẫn chưa được trọn vẹn. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 thể hiện sự thống nhất trọn vẹn, đầy đủ nhất của Phật giáo Việt Nam so với các tổ chức Giáo hội tiền nhiệm.

Kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập từ năm 1981 đến nay, Phật giáo Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống hội nhập và phát triển Phật giáo, với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, GHPGVN từng bước kiện toàn bộ máy hành chính, cơ cấu những vị Tăng sĩ đủ đức đủ tài giữ những vị trí quan trọng trong Giáo hội điều hành công tác Phật sự. Vì vậy, trong thời gian ngắn Phật giáo đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Với tinh thần nhập thế tích cực, nhiều Tăng Ni đã đóng góp cho xã hội trên nhiều phương diện.

MỘT SỐ THÀNH TỰU TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Hoạt động giáo dục của Phật giáo Việt Nam

Theo bản thống kê báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự Phật giáo nhiệm kỳ VII trong cả nước “có 53.941 vị Tăng Ni, và 18.466 ngôi tự viện” [3]. Số lượng người xuất gia và cơ sở thờ tự Phật giáo nhiều như thế cũng đủ nói lên tầm vóc phát triển của Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, cả nước có bốn Học viện Phật giáo ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ đang đào tạo hàng nghìn Tăng Ni có đủ tri thức để kế thừa tương lai Phật giáo. Ngày 04/01/2018, Học viện Phật giáo Việt Nam được Nhà nước chính thức cho phép đào tạo chương trình sau Đại học, mở ra hướng phát triển giáo dục nâng cao của Phật giáo Việt Nam. Việc đào tạo nhân tài được ưu tiên hàng đầu, người có đủ tài năng đức độ, có tri thức tầm nhìn xa trông rộng mới có thể gánh vác những trọng trách của Giáo hội và phát triển Phật giáo ngày một rực rỡ hơn.

Thật vậy, giáo dục Phật giáo có mục tiêu chuyển mê khai ngộ, giúp con người có trí tuệ, có hành động chân chánh đạt đến kết quả hạnh phúc chân thật. Nói cách khác, giáo dục đào tạo của Phật giáo là hướng đến tính đại đồng, hạnh phúc miên viễn cho mọi người trên hành tinh này. Đây được xem là một trọng trách nặng nề của Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương.

Giáo dục được xem là ngành cao quý, vì hướng đến bồi dưỡng nhân cách và tri thức cho thế hệ tương lai. Vậy nên, giáo dục hiện nay đã được xã hội hóa, mọi cá nhân đoàn thể đều chung tay góp sức cho thế hệ con em, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Theo ý nghĩa đó, Phật giáo cũng hướng đến chia sẻ gánh nặng xã hội, tạo điều kiện cho các em cắp sách đến trường, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Pháp Đức Phật chỉ dạy với mục đích hướng con người đến chân, thiện, mỹ, tiến hóa hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

“Về Phật giáo, thống kê chưa được chính xác nhưng tính đến năm 1997, cả nước có 196 lớp học tình thương, 116 cơ sở nuôi trẻ mẫu giáo bán trú, trẻ mồ côi và khuyết tật với trên 6.000 em. Đến năm 2002, số lớp học tình thương đã tăng lên 1.500 lớp. Cả nước hiện có trên 1.000 lớp học tình thương với trên 20.000 em. Tuy nhiên, lực lượng giáo viên chuyên môn do Tăng Ni, Phật tử đảm trách còn hạn chế. Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN đã tổ chức khóa bồi dưỡng nuôi dạy trẻ cho 92 Tăng Ni, Phật tử học viên” [4].

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không đủ điều kiện cho con đến lớp, do vậy việc quan tâm của Phật giáo với lớp học tình thương miễn phí là sự hỗ trợ cần thiết cho gia đình các em. Điển hình như TT.Thích Minh Nhẫn ở tỉnh Kiên Giang từ năm 2000, thầy đã mở trường tình thương Phật Quang nội trú, hỗ trợ 100% cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Trường Mẫu giáo Họa Mi I thuộc chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, Trường mẫu giáo chùa Tịnh Nghiêm tỉnh Tiền Giang… Hiện nay, số lượng trường tình thương và mẫu giáo ngày càng được nhân rộng. Để tạo điều kiện đầy đủ về mặt bằng cấp trong việc quản lý trực tiếp, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã mở khoa Mầm non cho các Ni sinh được đào tạo bài bản theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Giáo dục các em mầm non trong môi trường Phật giáo không những trao truyền về tri thức mà còn rèn luyện đạo đức Phật giáo, để các em không những có tri thức vững vàng mà còn có nhân cách thiện lành tốt đẹp.

Cuộc sống hiện đại nảy sinh nhiều cám dỗ vật chất, đặc biệt với giới trẻ. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm một số vấn nạn tiêu cực trong xã hội như: bạo lực học đường, bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy cô hay người cao tuổi. Đây là một thực trạng đáng báo động. Trước tình hình tiêu cực đó, Tăng Ni cũng quan tâm giáo dục các em trên nhiều phương diện.

Như vậy, hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, nhất là về cuộc sống tâm linh. Vì đó là nền tảng đạo đức, phẩm chất giá trị của con người và sự phát triển theo chiều hướng tốt của xã hội [5]. Để giải quyết thực trạng này cũng như giáo dục đạo đức cho các bạn trẻ, nhiều chương trình sinh hoạt cho giới trẻ trong Phật giáo đã được tổ chức. Với hoạt động Gia đình Phật tử dành cho thanh niên vào chủ nhật hàng tuần, các em sẽ được quý thầy cô, huynh trưởng giảng dạy về giáo lý, cách ứng xử, bổn phận trách nhiệm mình với các mối quan hệ, cũng như rèn luyện tâm lý trở nên thanh tịnh. Khóa tu mùa hè được nhiều đạo tràng nhân rộng, điển hình như chùa Hoằng Pháp mỗi khóa quy tựu hàng ngàn học sinh, sinh viên về tham dự. Hội trại “Phật giáo và tuổi trẻ” của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cũng được tổ chức hàng năm. Việc mở nhiều khóa tu hướng đến đối tượng trẻ với mục đích giáo dục nhân cách lối sống, không những vì hạnh phúc các em mà còn vì an vui cho gia đình tuổi trẻ.

Sa Pa – Lào Cai đón nhận kỷ lục Guinness “Tượng Phật A Di Đà bằng đồng tọa lạc ở độ cao cao nhất châu Á” (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Pháp Đức Phật chỉ dạy với mục đích hướng con người đến chân, thiện, mỹ, tiến hóa hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, để sống theo chuẩn mực đạo đức Phật giáo, chúng ta cần nên tin tưởng và phát nguyện sống đúng theo tiêu chuẩn đạo đức Phật dạy. Như quy y Tam bảo và thọ trì Ngũ giới; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; chung thủy vợ chồng; sống tình nghĩa với bạn bè thân hữu; báo đáp tứ trọng ân; thương yêu giúp đỡ những người bên cạnh; tham gia sinh hoạt tu học tại các đạo tràng; mỗi tháng sám hối hai ngày; sống hướng thiện và hướng thượng. Thực tập như thế là sống đúng theo tinh thần Phật tử và khi một người sống theo giáo pháp thiện lành thì kết quả hạnh phúc, an lạc sẽ đến với chúng ta. Do vậy việc học, hiểu và áp dụng chánh pháp vào đời sống, đặc biệt trong đời sống gia đình là điều cần được thực hành.

Các hoạt động an sinh xã hội của Phật giáo Việt Nam

Từ thiện xã hội được xem là một trong những đóng góp cụ thể nhất của Phật giáo mà Phật tử, quần chúng xa gần nhiệt tâm ủng hộ. Quý Tăng Ni đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tài trợ tịnh tài tịnh vật để gửi đến bà con có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái như: xây nhà tình thương, bếp ăn từ thiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Đặc biệt, trong những lúc thiên tai khiến nhiều tỉnh thành bị thiệt hại nặng nề, Phật giáo là một trong những tổ chức đi đầu về tinh thần từ thiện chia sẻ khó khăn với bà con.

Trong bài phát biểu 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tổng kết: “Đối với công tác từ thiện xã hội…Các Tăng Ni, Phật tử luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tham gia tích cực ủng hộ phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc đối tượng người có công, người yếu thế, tham gia các phong trào thiện nguyện… Ước tính nguồn kinh phí dành cho công tác xã hội của Tăng Ni, Phật tử cả nước trong 35 năm khoảng 7.000 tỷ đồng” [6]. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là những con số biết nói về đóng góp của Phật giáo đối với công tác xã hội, khẳng định vị thế Phật giáo trong việc quan tâm đến đời sống nhân sinh.

Nối tiếp tinh thần Từ bi hạnh nguyện lợi tha trong việc chữa bệnh của Đại danh y Tuệ Tĩnh Thiền sư, Trung ương Giáo hội đã chỉ đạo thành lập các trung tâm Tuệ Tĩnh đường nhằm phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con. Hiện nay trên cả nước có “gần 70 Tuệ Tĩnh đường, 650 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân” [7].

Nhiều Tăng Ni theo tinh thần Dược Vương Bồ tát, đã theo học các trường y để có thể trực tiếp đóng góp nhiều hơn vào việc chữa bệnh cho người dân. Nhiều chuyến từ thiện do cộng đồng Phật tử tổ chức như: khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu vùng xa, tài trợ thẻ bảo hiểm cho người cao tuổi, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho những người không có khả năng thanh toán. Đặc biệt, nhiều trung tâm tư vấn và chăm sóc cho người bị nhiễm HIV/AIDS được thành lập để xoa dịu phần nào nỗi đau cho những người bất hạnh mắc phải căn bệnh thế kỷ. Như ở chùa Pháp Vân, chùa Bồ Đề (Hà Nội), ĐĐ. Thích Thanh Huân và NS. Thích Đàm Lan là những người thành lập trung tâm tư vấn và nuôi dưỡng người nhiễm HIV/AIDS sớm nhất.

Với tinh thần Từ bi của nhà Phật, chúng ta không thể xếp chân tĩnh tọa khi thấy nhiều người do nghiệp duyên mà phải lãnh lấy những quả khổ nặng nề. Chúng ta phải thân cận trợ duyên về vật chất lẫn tinh thần, để họ vơi đi phần nào khổ đau trong cuộc sống và thắp lên những niềm tin hy vọng hướng đến tương lai tươi sáng hơn.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự ở các tỉnh, thành phố, hiện nay các hoạt động từ thiện được mở rộng như: lập các xưởng sản xuất thực phẩm chay, bánh kẹo, nhang đèn… tạo công ăn việc làm cho bà con Phật tử, trao học bổng và các phương tiện học tập cho học sinh nghèo, hộ niệm cho người lâm chung, xây nhà dưỡng lão, nuôi trẻ mồ côi… Những việc làm cụ thể đó giúp gắn kết tinh thần tương ái giữa Phật giáo và dân tộc. Qua đó, chúng ta thấy được sự hội nhập và phát triển Phật giáo một cách toàn diện. Trong bối cảnh xã hội gặp nhiều khó khăn, hình ảnh dấn thân phụng sự của quý Tăng Ni nói  lên tư tưởng Từ bi cứu khổ của đạo Phật thiết thực.

Thể theo tinh thần cao quý đó, trong thông điệp đức Pháp chủ nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam có viết: “Giáo hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”[8]. Như vậy, người xuất gia không phải chán đời yếm thế, xa lánh xã hội mà tích cực tham gia công tác xã hội cũng là mục tiêu lý tưởng tinh thần Bồ tát đạo hướng đến.

Quan hệ quốc tế của Phật giáo Việt Nam

Tháng 5/1950, Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại thủ đô Colombo (Sri Lanka). Đến nay, Phật giáo Việt Nam không ngừng mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin với các nước Phật giáo trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là sự tham dự thường xuyên của phái đoàn Phật giáo Việt Nam tại Hội Nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, các Hội thảo quốc tế, Đại lễ Vesak. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của nhà nước Việt Nam, 3 lần tổ chức Đại lễ Phật Đản Vesak 2008, 2014và 2019 long trọng tổ chức tại Việt Nam, góp phần củng cố vai trò quan trọng của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.

Để tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo trong thời kỳ phát triển, nhiều thế hệ Tăng Ni được sự hỗ trợ của Giáo hội đã du học ở nhiều nước nhằm nâng cao trình độ, tầm nhìn, bắt kịp và đóng góp cho học thuật. Đây cũng là nguồn nhân lực kế thừa và phát triển Giáo hội ngày một phát triển hơn.

Phật giáo ngày nay, không những phát triển ở vùng đồng bằng mà còn xiển dương ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Nơi nào có người con đất Việt, nơi đó có hình bóng ngôi chùa thân thương, hình ảnh quý Tăng Ni lo trợ đạo giúp đời đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với cộng đồng, dân tộc.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập và phát triển, Phật giáo Việt Nam không ngừng đối mặt với thách thức, đặc biệt là sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ sự đoàn kết trong Giáo hội, giữa Phật giáo và dân tộc. Tuy nhiên, với tầm nhìn sáng suốt của các bậc lãnh đạo, sự đoàn kết ý chí hành động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn vững vàng vượt qua phong ba bão táp, giữ vững lập trường ý chí, hội nhập và phát triển phụng sự đạo pháp nhân sinh.

Thế giới ngày nay đang đối diện với các vấn đề toàn cầu như: chiến tranh, khủng bố, kỳ thị tôn giáo, sắc tộc, biến đổi khí hậu… khiến nhân loại điêu đứng. Xét lại các nguyên nhân đó theo lời Phật dạy, căn bản xuất phát từ tâm niệm tham, sân, si bản ngã của con người. Chính vì lòng tham vô độ mà nhiều người đã khai thác tận diệt thiên nhiên, làm hại đồng loại, gieo bao nhiêu đau thương tang tóc. Để giải quyết các vấn nạn này không gì tốt hơn làm theo lời Phật dạy.

Theo tinh thần Phật giáo, dùng sân giận để diệt sân giận là điều không thể xảy ra, chỉ có tình thương mới có thể diệt hận thù và nguyên nhân của mọi khổ đau nằm trong trái tim mọi người.

Theo tinh thần Phật giáo, dùng sân giận để diệt sân giận là điều không thể xảy ra, chỉ có tình thương mới có thể diệt hận thù và nguyên nhân của mọi khổ đau nằm trong trái tim mọi người. Do vậy, để giải quyết khổ đau không gì khác hơn là dùng chất liệu từ, bi, hỷ, xả, làm cho con người thông hiểu nhau hơn mà thay đổi cách nghĩ, tầm nhìn và hiểu biết của mình. “Tinh thần từ bi, hỷ xả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các tổ chức, giữa các quốc gia. Đó là sự tôn trọng mọi hình thái khác biệt, hoan hỷ đối thoại và chấp nhận sự sai khác của nhau để cùng tìm ra một hướng đi chung, củng cố thêm mối quan hệ hỗ tương được lâu dài, cùng được hưởng sự lợi lạc” [9]. Đức Phật dạy các pháp chỉ tồn tại trong các mối tương duyên với nhau “nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất”. Theo hệ quả này, hạnh phúc của mình cũng chính là hạnh phúc của người, làm cho người an vui cũng chính là tạo an vui cho mình.

Thật vậy, tinh thần Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện quan điểm nhập thế tích cực, giúp mọi người, mọi đối tượng chuyển hóa tư duy nhận thức hóa thù thành bạn, chuyển binh đao thành ánh mắt từ hòa, cái bắt tay thân thiện. Trong lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn tích cực đóng góp trí tuệ, năng lực của mình cho cộng đồng thế giới, cho an lạc và hạnh phúc nhân loại.

PHẬT GIÁO VIỆT NAM VỚI TINH THẦN HỘ QUỐC AN DÂN 

Một trong những nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam là tinh thần hộ quốc an dân. Theo quan điểm của Phật tử Việt Nam, giải thoát không có nghĩa là ở trong chùa xa lánh thế sự mà hãy tích cực nhập thế, phụng sự nhân sinh và quê hương xứ sở, như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói: “Mình ngồi thành thị nết dùng sơn lâm” hay “Trần tục mà nên phúc ấy càng yêu hết tấc, Sơn lâm chẳng cốc họa kia thực cả đồ công” [10]. Do vậy, trong lịch sử, nhiều vị Thiền sư đã thể hiện tinh thần nhập thế tích cực, như: vào thời Đinh có Thiền sư Khuông Việt làm tới chức Tăng thống, Ngài Pháp Thuận, Vạn Hạnh cũng tham gia triều chính thời Tiền Lê. Ngài Vạn Hạnh còn có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của Phật giáo triều Lý. Thời Trần có các nhà sư Tuệ Trung, Đa Bảo, Viên Thông và nhiều Phật tử đã cùng với quân dân ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi.

Không riêng thời xưa mà trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo là nơi che giấu cách mạng, nhiều Tăng sĩ cũng gia nhập hàng ngũ Vệ quốc đoàn như: Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long, Hòa thượng Thích Thiện Hào… Đặc biệt, Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ngày 11/6/1963 đã tạo áp lực góp phần khiến chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Trong giai đoạn hiện nay, với tôn chỉ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, chư Tăng Ni, Phật tử vẫn luôn nêu cao tinh thần đồng hành cùng dân tộc, tạo sự gắn kết giữa tôn giáo và dân tộc, giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, thể hiện vai trò thiết thực của Phật giáo với đời sống cộng đồng.

Cho nên, tinh thần người Phật tử Việt Nam không đơn thuần là tay lần tràng hạt, miệng niệm Nam mô, ở trong khuôn viên nhà chùa mà còn nhập thế tích cực dấn thân phụng sự vì hạnh phúc, vì an lạc cho mọi người. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bài phát biểu Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981- 7/11/2016) đã nói: “Trong lịch sử dựng nước và giữ nước rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hoa của dân tộc Việt Nam, nhiều nhân vật lịch sử, nhiều anh hùng dân tộc mà tên tuổi, sự nghiệp gắn liền với nhà Phật và còn mãi với thời gian… Rất nhiều người vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình, vì mọi người, vì lợi ích chung; hy sinh lợi ích, kể cả tuổi trẻ, thậm chí là máu thịt, là tính mạng của mình vì độc lập, tự do vì tương lai tươi sáng của dân tộc… Đó là gì nếu không phải là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là Phật tính trong con người Việt Nam” [11]. Vì vậy, tinh thần đồng hành cùng dân tộc được xem là nét son của Phật giáo Việt Nam. Phật tử không phải là những người an phận với cuộc sống trai lạc, thanh đạm mà luôn tích cực phấn đấu phụng sự đạo pháp quê hương.

Kết luận

Phật giáo kể từ khi du nhập vào nước ta cho đến ngày nay đã hội nhập và phát triển trên nhiều phương diện giáo dục, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị, y tế… đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Lịch sử cũng đã nói lên tinh thần bản sắc và hoạt động thực tiễn của Phật giáo Việt Nam, luôn biểu hiện truyền thống phụng sự nhân sinh, quê hương xứ sở. Kể từ khi GHPGVN được thành lập đến nay, trong 40 năm hoạt động với tinh thần Từ bi, Trí tuệ và phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo đã từng bước tiếp cận đời sống xã hội, sâu sát tình hình thực tế, tùy duyên ứng dụng làm lợi đạo ích đời như thuyết pháp hóa giải nỗi khổ niềm đau cho mọi người, giúp đỡ người dân khi gặp khó khăn qua công tác từ thiện xã hội, giáo dục đạo đức cho thế hệ thanh thiếu niên, kêu gọi tinh thần đoàn kết hòa hợp tôn giáo, dân tộc, giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, xây dựng nền hòa bình cho nhân loại. Như lời Hòa thượng viện trưởng Thích Trí Quảng phát biểu: “Tinh thần Phật giáo hiện nay chính là thái độ sống nhập thế tích cực theo hướng chuyển hoa tư duy và hành động của con người trở thành cao thượng, vì nhân sinh, vì sự phát triển an bình cho xã hội, cho cộng đồng nhân loại, cho ngôi nhà chung toàn cầu” [12].

 

ÐÐ. Thích Minh Nghĩa/ VĂN HÓA PHẬT GIÁO 379

 

Chú thích:

* Đại đức Thích Minh Nghĩa, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

[1] Hoàng Hạ, “Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”, Báo Giác ngộ, truy cập 10/2021, từ www.giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiaovietnam/2016/09/22/7E5293/.

[2] Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1998), Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.5.

[3] Báo cáo tổng kết hoạt động Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012-2017).

[4] Nguyễn Thị Minh Ngọc (3/2014), “Vài nét về hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo tại Việt Nam hiện nay Viện Xã hội học”, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3/2014.

[5] Tâm Thường Định (3/2012), “Ba phương thức giáo dục tuổi trẻ Phật giáo”, Thư viện Hoa Sen, truy cập 10/2021, www. thuvienhoasen.org/a14911/ba-phuong-thuc-giao-duc-tuoi-tre-phat-giao-hay-gieo-ba-hat-giong-lanh-tam-thuong-dinh.

[6], [7], [11] Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981- 7/11/2016), Vietnamnet dẫn lại từ VGP News, www.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/phat-giao-viet-nam-gan-bo-dong-hanh-voi-dan-toc-338413.html.

[8] Đan Khánh (11/2016), “Phật giáo Việt Nam với các hoạt động nhân đạo, từ thiện”, Báo Nhân Dân điện tử, truy cập 10/2021, từ www. nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/phat-giao-viet-nam-voi-cac-hoat-dong-nhan-dao-tu-thien-277237.

[9] Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, tr.280.

[10] Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Văn Hỷ, Trần Thị Băng Thanh, Phạm Tú Châu (1988), Thơ văn Lý Trần tập 2, Quyển thượng, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, tr.505-506.

[12] Sđd, tr.277.

 

Tài liệu tham khảo

1. Kỷ yếu hội thảo (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam 35 năm hình thành và Phát triển, Nxb. Hồng Đức.

2. Nhiều tác giả (1981), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo.

3. Nhiều tác giả (1993), Tuệ Trung Thượng sĩ với Thiền tông Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Hán Nôm – Viện Khoa học xã hội.

4. Nhiều tác giả (1995), Thiền học đời Trần, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

5. Thích Chơn Thiện (1997), Giáo dục Phật giáo, Ban Giáo Dục Tăng Ni ấn hành.

6. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

7. Thích Minh Châu dịch (1999), Kinh Tăng Chi bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

8. Thích Phước Đạt (2000), Giá trị văn học trong thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức.

9. Thích Phước Sơn dịch (1995), Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

10. Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển quyển, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo.

11. Thích Trí Quảng (2015), Hai mươi mùa An cư, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo.

12. Thích Trí Tịnh (2011), Kinh Địa Tạng Bồ tát bổn nguyện, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo.

13. Thích Trí Tịnh dịch (2007), Kinh Diệu pháp Liên hoa, Hà Nội, Nxb.Tôn giáo.

14. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin