Chi tiết tin tức

Quan điểm về ngôn ngữ thời đức Phật

15:59:00 - 25/10/2022
(PGNĐ) -  DẪN NHẬPNgôn ngữ là phương tiện kết nối, giúp truyền tải những thông điệp của người nói đến người nghe. Dù trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, vị trí nào thì ngôn ngữ vẫn được xem là yếu tố chính yếu để vận hành mọi hoạt động. Giáo lý của Đạo Phật cũng vậy, nhờ những ngôn ngữ truyền tải mà hình thành nên một hệ thống giáo pháp vô cùng sâu mầu. Đức Thế Tôn đã đưa ra những triết lý tu tập, trải nghiệm đời sống, thực hành giáo nghĩa bằng những ngôn ngữ đương thời để hướng dẫn Đoàn thể Tăng già và tín đồ trên con đường hướng về sự giác ngộ chân chính. Những ngôn ngữ đó là bài toán cho thực tại về sự nghiên cứu, truy nguyên về nguồn gốc của quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ thời đức Phật.

NỘI DUNG

1. Sự hình thành ngôn ngữ thời đức Phật

Hiện nay, vấn đề tìm hiểu ngôn ngữ thời đức Phật là một bài toán nan giải cho các nhà sử học, triết gia hay các nhà nghiên cứu Phật học. Mỗi cá nhân đều đưa ra những giả thuyết riêng của mình trong vấn đề nhìn nhận về ngôn ngữ được đức Phật sử dụng thời bấy giờ.

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn với nhiều chủng tộc, nhiều tôn giáo, nhiều nhóm văn hoá khác nhau. Vì vậy, vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong một quốc gia như vậy đòi hỏi người hướng Đạo như đức Phật phải tinh thông và hiểu biết kỹ về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Y nghia cac ky ket tap kinh dien 1

Vấn đề đặt ra không nằm ở ngôn ngữ nào là ngôn ngữ chính mà là đức Phật thời bấy giờ am tường bao nhiêu ngôn ngữ trong xã hội bấy giờ của đất nước Ấn Độ. Vấn đề này trong các sử liệu ghi chép lại hoàn toàn không nhắc đến một cách chính xác, có lẽ, cũng vì một trong những yếu tố khách quan là sự xâm lược của các nước Hồi giáo, thực dân Anh đã làm cho lịch sử ghi chép các thông tin của Ấn Độ càng trở nên khó khăn và thiếu sự nhất quán. Đó là lí do cho đến nay, sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học vẫn chưa có sự thống nhất thuyết phục nào mang tính khoa học nhất về ngôn ngữ mà đức Phật đã sử dụng [6, tr.15-17].

Như chúng ta biết, Thái tử Tất Đạt Đa sinh ra và lớn lên Kapilasastu, thuộc miền Đông Bắc Kosala, trong cung vàng điện ngọc, phú quý vinh hoa của cuộc đời vương giả. Ngài đã được giáo dục và xây dựng đời sống tri thức toàn diện về nhiều mặt, tinh thông giáo điển của nhiều tư tưởng, văn hoá ở xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Đây có thể xem là giả thuyết đầu tiên về việc đức Phật sử dụng ngôn ngữ kosalian thông qua đời sống giáo dục của Hoàng cung.

Thứ hai, trải dài theo lịch sử tu đạo và học đạo của Ngài với các vị tiên nhân như: Udraka-rmaputra (Uất-đầu-lam-phất ) cùng với ông Rḍaklma (A-la-la), v.v. Đây là giả thuyết thứ hai để nhìn nhận về sự hiểu biết đa dạng về ngôn ngữ của đức Phật.

Thứ ba, sau khi thành tựu dưới cội Bồ đề thì sự nghiệp hoằng hoá của đức Phật được diễn ra ở nhiều nơi thuộc vương quốc Magadha (sử dụng ngôn ngữ Magadhi), Kosala (sư dụng ngôn ngữ Kosalian), vajji, v.v. Ngài đã thuyết pháp cho nhiều đối tượng, nhiều thành phần xã hội. Lí do này một lần nữa cho thấy, đức Phật rất linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ để phục vụ cho sự nghiệp hoằng pháp của mình [8, tr.78-110].

Từ những giả thuyết trên có thể thấy, đức Phật có thể sử dụng rất nhiều loại ngôn ngữ trong quá trình sinh hoạt và hoằng pháp của mình. Nhưng ngôn ngữ nào là loại ngôn ngữ được đức Phật sử dụng chính yếu lại là một câu hỏi đang được các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, các nhà triết học mất nhiều thời gian và giấy bút nghiên cứu. Chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược về một vài giả thuyết, nhận định mang tính chất cá nhân theo từng nhận thức, từng lĩnh vực nghiên cứu.

2. Quan điểm của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ thời đức Phật

Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) cho rằng: Saka nurutti chính là tiếng Magadhi. Ngôn ngữ được dùng bởi Đức Phật và Ngài không cho phép hàng đệ tử của mình sử dụng phạn ngữ (chandasa) để truyền tải giáo lý. Nhận định trên của Ngài Buddhaghosa căn cứ vào bộ Cullavagga của Luật Tạng Nguyên Thuỷ [5]. Ở đây, Đức Phật đã chỉ dạy các Tỳ kheo tu học bằng ngôn ngữ Saka Nirutti. Cũng đồng thuận với nhận định trên của Buddhaghosa, Geiger và giáo sư Rhys Davids chấp nhận chữ Saka nirutti là chỉ cho ngôn ngữ riêng của đức Phật.

Một nhận định khác ngược lại với Buddhaghosa, B.C.Law cho rằng: Ngài Phật Âm đã thiếu chính xác trong việc xác định không rõ ràng chữ Chandasa đồng nghĩa với tiếng Phạn và Saka nirutti có nghĩa là phương ngữ địa phương Magadhi. Theo ông, đức Phật không cho đệ tử của mình sử dụng ngôn ngữ Phạn Vệ Đà thời đó (ngôn ngữ Bà la môn) để truyền dạy giáo lý của mình, chứ không phải tiếng Phạn được sử dụng thông dụng bấy giờ.

Riêng Mauli Chan Prasad, học giả Ấn Độ lại nhận định rằng: Magadhi chính là phương ngữ hay là tiếng bản xứ thông dụng. Nó được dùng để giao tiếp vào thời của đức Phật. Ông đã dịch chữ Saka nirutti là “ngôn ngữ (riêng) của chúng ta”, là “tiếng địa phương”, “tiếng bản xứ”.

Một quan điểm khác có thể nhìn nhận rộng hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ của Đức Phật thời bấy giờ, Lin Li-kouang và Edgerton cho rằng: sự đa dạng về văn hoá và ngôn ngữ của Ấn Độ cổ đại sẽ là một rào cản trong việc truyền tải ngôn ngữ của đức Phật và của tăng đoàn, cho nên, việc sử dụng một ngôn ngữ để truyền tải giáo pháp của mình là hoàn toàn không thể. Có lẽ, Phật giáo sử dụng nhiều ngôn ngữ và Magadhi là một trong những ngôn ngữ đó. Tuỳ theo từng vùng miền khác nhau mà đức Phật và tăng đoàn đến thì việc sử dụng ngôn ngữ địa phương là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, Edgerton cũng cho rằng: ngôn ngữ Pali, Buddhist Hybrid Sanskrit và Prakrit là các ngôn ngữ phổ biến của địa phương và cũng là ngôn ngữ chính của cộng đồng Phật giáo [3, tr.462-467].

Những quan điểm trên của các nhà nghiên cứu đều căn cứ trên nhận thức riêng của mình về vấn đề sử dụng ngôn ngữ. Những giả thuyết đó, hoặc đúng hoặc không hoàn toàn đúng nhưng cũng không thể phủ nhận được những giá trị thực tại mà đức Phật và tăng đoàn đã đạt được, đó là một giáo lý đồ sộ và một hệ thống tín đồ rộng lớn. Vấn đề sử dụng ngôn ngữ không bị bó buộc và cứng nhắc trong giáo lý của đức Phật, chính vì tính mầu nhiệm, uyển chuyển, mềm mại và thích ứng đã giúp cho Đạo Phật dễ dàng du nhập vào trong đời sống tinh thần của mọi người lúc bấy giờ.

3. Quan điểm của đức Phật về việc sử dụng ngôn ngữ

Nguồn gốc của sự phân biệt ngôn ngữ được ghi lại trong Kinh Tạng Pali: có hai vị Tỳ kheo tên là Yamelu và Tekula là anh em ruột. Họ xuất thân trong dòng dõi Bà-la-môn và muốn thỉnh cầu Đức Phật xin chuyển những lời Phật dạy sang ngôn ngữ của Phạn Vệ Đà (Chandaso). Họ không muốn những người xuất gia trong tăng đoàn là những đẳng cấp thấp trong xã hội bấy giờ làm mất đi sự cao quý của giáo lý của Thế Tôn. Lúc ấy, đức Phật đã bác bỏ đề nghị đó và khuyên các đệ tử nên học lời Phật dạy theo ngôn ngữ địa phương.

“Vào lúc bấy giờ, hai Tỳ-kheo tên Yamelu và Tekula là hai anh em xuất thân dòng dõi Bà-la-môn có lời nói nhã nhặn với âm điệu ngọt ngào. Họ đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy đã nói với Đức Thế Tôn điều này: Bạch Ngài, hiện nay các Tỳ-kheo có tên gọi khác nhau, có dòng dõi khác nhau, có giai cấp khác nhau, có gia tộc khác nhau đã xuất gia. Các vị ấy đang làm hỏng lời dạy của đức Phật bằng tiếng địa phương của chính họ. Bạch Ngài, hãy để chúng con hoán chuyển lời dạy của đức Phật sang dạng có niêm luật” [5].

Một dữ liệu khác trong Luật Tạng của Bộ phái Mahisasaka có ghi lại: Hai vị Tỳ Kheo trên, khi nghe các vị khác trong tăng đoàn tụng đọc đã chế nhạo là không biết từ thuộc nam tính hay nữ tính, số ít hay số nhiều, thì hiện tại hay tương lai, v.v. nên đã đến thỉnh xin đức Phật điều chỉnh. Đức Phật chỉ dạy là ngôn ngữ cần phải sử dụng theo ngôn ngữ địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo chính xác về ý nghĩa và không được làm sai lệch. Điều tối kỵ là chuyển dịch lời Phật dạy sang ngôn ngữ của ngoại đạo.

Qua những lời dạy trên của đức Phật, chúng ta có thể thấy tính khế cơ của Giáo lý Đạo Phật là nhằm hướng đến mục đích cao nhất, tuyệt đối nhất là bất kỳ ai cũng có thể học và hiểu được. Giáo lý không cứng nhắc trong ngôn ngữ vì sự giải thoát cuối cùng là hướng đến vô ngã, nhưng nếu không có cái gọi là khái niệm thì làm cho người nghe mông lung, ngờ vực với những gì Đạo Phật chỉ bày. Vì vậy, cái tối quan trọng ban đầu là khái niệm rõ ràng, là ngôn ngữ phù hợp nhưng không vướng mắc.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Quan diem ve ngon ngu thoi duc Phat 1
Bộ thủ bản thuộc Tam tạng kinh Phật cách đây 2.000 năm – Ảnh: Ông Siam Saenkhat cung cấp. Ảnh: Báo Thanh Niên

4. Nhận định của bản thân về việc sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật

Thông qua những tìm hiểu trên về vấn đề sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật, người viết đưa ra những nhận định riêng mang tính chủ quan để cùng nhìn nhận về vấn đề này:

Thứ nhất, vấn đề ngôn ngữ là vấn đề sử dụng thông dụng của mọi thời đại từ khi con người có mặt. Theo quy luật phát triển tất yếu, nhận thức và đời sống của con người sẽ dần đi theo hướng tiến bộ hơn, ngôn ngữ cũng không vượt ra ngoài định luật đó. Việc sử dụng ngôn ngữ sẽ là phù hợp trong một giai đoạn lịch sử, một giai đoạn văn hoá hay trong một đế chế. Vì vậy, vấn đề ngôn ngữ trong từng giai đoạn sẽ hoàn toàn khác nhau, điều quan trọng là nó được một phần lớn hoặc nhỏ trong xã hội tiếp nhận và sử dụng. Ví như: chúng ta có thể thấy những trào lưu viết tin nhắn hoặc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, họ có thể dùng những ngôn từ mà trong từ điển không hề tồn tại hoặc thậm chí vô nghĩa. Nhưng một phần không nhỏ trong xã hội lại có thể hiểu và sử dụng chúng thông dụng với nhau, bởi vì họ chấp nhận và cho rằng đó là ngôn ngữ của chính mình, ngôn ngữ trào lưu. Cũng vậy, trong thời của đức Phật cũng có nhiều nền văn hoá bản địa khác nhau, những nền tư tưởng khác nhau, những cộng đồng xã hội khác nhau nên vấn đề sử dụng đa ngôn ngữ là vấn đề hoàn toàn hợp lý. Đó cũng được xem là ngôn ngữ của chính mình.

Thứ hai, một giả thuyết khác người viết cũng muốn đưa ra đó là sự vượt ra khỏi ý niệm ngôn ngữ mà đức Phật muốn chỉ dạy thông qua thuật ngữ Saka nurutti, đó là ngôn ngữ của Đạo mà chỉ có những ai tu tập và học tập trong giáo lý mới có thể hiểu được. Đó là ngôn ngữ mà lại vượt ra ngoài ngôn ngữ, đó chính là ngôn ngữ của chính mình. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm “Pháp sư” thứ mười có dạy:

“Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào muốn vì bốn chúng rộng nói Kinh Pháp Hoa này thời phải nói thế nào? Người thiện nam, người thiện nữ đó phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi toà Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói Kinh này. Nhà Như Lai chính là tâm từ lớn đối với trong tất cả chúng sinh; y Như Lai chính là lòng nhu hoà, nhẫn nhục; toà Như Lai chính là nhất thiết pháp không” [1, tr.303].

Chính nhất thiết pháp không này trong giáo pháp của Ngài đưa đến sự không phân biệt, đã không phân biệt sẽ không còn vướng mắc vào trong ngôn ngữ để phân biệt cao-thấp, lớn-nhỏ, địa vị cao-sang, thấp-hèn. Vì thế, giáo Pháp của đức Phật được thẩm thấu một cách uyển chuyển theo khế cơ của tín đồ. Ý nghĩa này cũng được Đức Thế Tôn chỉ bày trong Phẩm tín giải thứ tư của Kinh Pháp Hoa: Như mưa rơi xuống, các cỏ cây theo loại lớn nhỏ mà hấp thụ khác nhau [1, tr.188]. Đây chính là diệu nghĩa mà người viết cảm nhận về thuật ngữ Saka nirutti được Thế Tôn chỉ dạy.

Trở lại với vấn đề được đặt ra của hai vị Tỳ kheo Tekula và Yamelu, vì xuất thân trong gia đình có địa vị trong xã hội và sự phân biệt quá nặng nề của xã hội Ấn Độ cổ đại. Chính vì điều đó đã làm rào cản rất lớn cho họ trong quá trình tu tập và mắc kẹt vào sự chấp chặt ngôn ngữ. Vì vậy, đức Phật đề cao việc sử dụng ngôn ngữ theo ngôn ngữ vùng miền, ngôn ngữ riêng của mình. Ở đây, chúng ta có thể nhìn nhận theo hai khái cạnh:

Thứ nhất, ngôn ngữ vùng miền là ngôn ngữ thông dụng của mỗi người. Ở trong ngôn ngữ ấy, mỗi người sẽ cảm nhận được cái “linh hồn”, “vượt xa ngôn ngữ” để có thể cảm nhận hết những ý nghĩa được truyền tải trong giáo lý mà bản thân được học. Đây gọi là “tự lợi”.

Thứ hai, ngôn ngữ riêng của mình là ngôn ngữ được người bản xứ tiếp nhận một cách mau chóng và phù hợp. Sự phân chia đẳng cấp xã hội quá lớn chính là sự giới hạn cho vấn đề tiếp nhận ngôn ngữ. Người giai cấp thượng đẳng sẽ dùng ngôn ngữ thượng đẳng, kẻ hạ đẳng sẽ dùng ngôn ngữ hạ đẳng. Nếu không có sự uyển chuyển trong ngôn ngữ thì sẽ sinh ra sự phân biệt rõ ràng trong tăng đoàn của Thế Tôn. Chính vì điều đó, sử dụng ngôn ngữ bản xứ sẽ giúp cho việc truyền tải giáo lý của đức Phật và tăng đoàn được đón nhận và mở rộng. Đây chính là “lợi tha”.

Chính hai yếu tố “tự lợi” và “lợi tha” này càng xác quyết chắc chắn về việc sử dụng đa dạng ngôn ngữ trong thời của đức Phật. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 1, Phẩm một người có dạy: “Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chính đẳng giác” [2]. Đức Thế Tôn thị hiện giữa cuộc đời với một chí nguyện cao cả, mở bày cho chúng sinh nhiều phương tiện tu tập để hướng đến Giác ngộ – Giải thoát; và ngôn ngữ dùng để truyền tải Phật pháp cũng như ngôn ngữ trong hành lễ là phương ngữ phổ thông của quần chúng [7, tr.42].

Nói tóm lại, vấn đề sử dụng ngôn ngữ của thời đức Phật vẫn chưa có sự thống nhất về loại ngôn ngữ được sử dụng, tuy nhiên đó không phải là vấn đề quan trọng trong quá trình tiếp nhận và thực hành chúng. Mặc dầu, ngôn ngữ hoặc khái niệm là nền tảng ban đầu cho quá trình tiếp nhận tri thức, thực tại hoá giáo nghĩa nhưng vấn đề tranh luận để đi đến hồi kết không có điểm dừng chỉ tiêu tốn nhiều thời gian và dễ dẫn đến sự chấp chặt vào ngôn ngữ theo triết lý vô ngã của Thế Tôn chỉ dạy. Mỗi sự vật, mỗi hiện tượng đều có nhân duyên hiện hữu và hoại diệt của nó, bản thân mỗi chúng ta cứ mạnh dạn tiếp nhận và chấp nhận những hiện tượng như nó đang là…

KẾT LUẬN

Phân tích về vấn đề sử dụng ngôn ngữ thời đức Phật cho chúng ta thấy được rằng: sự linh hoạt và uyển chuyển trong giáo lý là một vấn đề hết sức quan trọng, để đạt đến mục tiêu cao cả và tuyệt đối nhất có thể trong mối tương quan giữa con người và con người, giữa con người và thế giới. Những nhận định được đưa ra căn cứ trên những lĩnh vực, những kinh nghiệm, những nhận thức của mỗi cá nhân trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về Đạo Phật. Ở đây không có đúng và sai, cái mà họ hiểu chính là cái “ngôn ngữ của mình”(Saka nirutti) mà Thế Tôn chỉ dạy trong Cullavagga. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, chỉ là phạm trù lý thuyết để đưa mỗi người đến để trải nghiệm, đến để thực hành và từ đó chiêm nghiệm được những ẩn ý bên trong mỗi lời dạy. Thấy được như vậy, mỗi chúng ta sẽ không còn nặng nề trong việc chấp chặt ngôn ngữ mà quên đi giá trị cốt lõi của việc truyền đạt giáo nghĩa, trở ngại cho việc lưu giữ và truyền bá chính pháp.

Tác giả: Thích Thiện Hưng
Học viên Cao học Khoá II, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

***

Tài liệu tham khảo
[1]. HT. Thích Trí Tịnh (dịch) (2009), Kinh Diệu pháp Liên hoa, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
[2]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh Tăng chi bộ, Đại Tạng Kinh Việt Nam.
[3]. Lê Kim Kha (dịch) (2012), Giáo trình Phật học, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. Thích Tâm Minh (2008), Khảo cứu về văn học Pāli (Văn học Luật tạng), NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
[5]. Nguyệt Thiên (dịch) (2005), Luật tạng Vinaya Pitaka – tiểu phẩm Cullavagga, NXB Tôn giáo, Hà Nội.
[6]. Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
[7]. Thích Nữ Huệ Đắc, Thích Đồng Lực, Thích Nữ Huệ Vân (dịch) (2021), Lịch sử truyền bá chính pháp và các Bộ phái Phật giáo thời kỳ đầu, NXB Lao động, Hà Nội.
[8]. Thích Thiện Chánh (dịch) (2021), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Lao động, Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin