Chi tiết tin tức

Ðóng góp của người cư sĩ, trí thức cho các hoạt động chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX

22:00:00 - 20/12/2021
(PGNĐ) -  Vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong làn gió mới chấn hưng Phật giáo ở các nước Tích Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa… PGVN cũng bị tác động và có những bước chuyển biến tích cực, nhằm cải cách tình trạng suy yếu trong nước.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong thời Đức Phật còn tại thế, với sự giáo hóa của Ngài, giáo đoàn Tăng – Ni phát triển nhanh chóng, nhiều vị đã chứng nghiệm giá trị tâm linh qua thực hành chân lý. Chính họ là cây cao bóng mát, cho mọi người nương tựa, chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau nơi tự thân. Trong thời Đức Phật, Tăng đoàn là hình ảnh mô phạm lý tưởng cho đời sống xuất gia. Ngoài ra, Đạo Phật được hưng thịnh cũng nhờ công lao hộ trì Phật pháp của hàng cư sĩ, vua quan, trí thức… Họ đã cúng dường tứ sự vật dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho Tăng đoàn truyền bá chánh pháp. Tên tuổi các vị cư sĩ trong hàng vua chúa như: Bimbisāra, S: Ajātasattu, Pasenadi,… cùng các đại cư sĩ như: Anāthapiṇḍika, ViśākhāMṛgāramāttā, Jīvaka, Ambapālī,… nhiều vị cư sĩ cũng là bậc thông tuệ đứng đầu trong hội chúng được Đức Phật tán thán.

Về sau, khi Đức Phật nhập Niết bàn, Đạo Phật được truyền qua nhiều quốc gia. Bất cứ nơi nào cũng đều có những vị cư sĩ ra sức ủng hộ Phật giáo. Đặc biệt với Phật giáo Việt Nam, từ những năm đầu Công nguyên, khi Đạo Phật du nhập vào cho đến ngày nay, lúc nào cũng có bóng dáng của cư sĩ, Phật tử lo việc giữ gìn và làm cho ánh sáng Phật pháp sáng tỏ. Nhất là trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo Việt Nam (PGVN) đầu thế kỷ XX, cư sĩ, trí thức Phật giáo đóng vị trí nòng cốt cùng với người xuất gia đứng ra xây dựng tổ chức, xuất bản báo chí, biên dịch kinh điển, khắc phục những nguyên nhân yếu kém làm cho Phật giáo được hưng thịnh trở lại. Do vậy, trong bài nghiên cứu này, chúng tôi xin trình bày sơ lược về những đóng góp của cư sĩ, trí thức cho sự phục hưng của PGVN đầu thế kỷ XX.

2. NHỮNG NGUYÊN NHÂN TÁC ĐỘNG ĐẾN PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Từ sau khi thiết lập ách thống trị lên Việt Nam, thực dân Pháp thực hành chính sách chia để trị, Việt Nam bị chia làm ba miền: Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ. Chính sách này cũng tác động mạnh mẽ đến PGVN. Chính sách chia để trị đã tạo sự chia cách địa lý khiến cho sự kết nối giữa các sơn môn pháp phái không được gắn kết. Đề cập vấn đề này, HT. Trí Quang nói: “Một ngôi nhà chung là của ba anh em đồng cha mẹ, nhưng ngăn ra ba gian cho ba người con thì tự nhiên ba anh em phải phân ly và ai lo phần nấy. Ngôi nhà PGVN phải phân ly chỉ vì sự phân chia ba kỳ Trung, Nam, Bắc”[2]. Chính yếu tố này đã làm Phật giáo đi vào con đường suy yếu. Về tôn giáo, thực dân Pháp tiến hành kìm hãm sự phát triển của các tôn giáo đương thời và tạo điều kiện cho sự phát triển của các hình thức văn hóa phụ thuộc vào chế độ của người Pháp. Trong bối cảnh xã hội bất ổn như vậy, PGVN bắt đầu suy yếu dần, hàng Tăng lữ thiếu đi các bậc uy đức lãnh đạo, số lượng người xuất gia tuy nhiều, nhưng có lượng mà thiếu chất. Tăng – tín đồ trong nước dần dần sa vào con đường mê tín, thế tục, số lượng Tăng sĩ thất học khá đông.

Với những nguyên nhân tất yếu như vậy, không còn con đường nào khác, Phật giáo muốn tồn tại cần phải có sự vùng lên, làm cuộc cách mạng cải cách Phật giáo thoát khỏi những nghịch duyên, nhược điểm đeo bám làm trì trệ Phật giáo. Mục đích của phong trào chấn hưng Phật giáo đã được tổ Thanh Hanh nêu ra: “Theo tôi chỗ cốt yếu của Đạo Phật là ở nơi xiển dương giáo lý, tế độ chúng sinh; ngày nào mà Hội còn chưa đạt tới cái mục đích ấy thì chúng tôi cũng còn không khỏi tự thẹn với cái chức Thiền gia Pháp chủ mà Hội tặng cho” [3]. Đây có thể xem như một bản tuyên ngôn của phong trào chấn hưng Phật giáo. Như vậy, công cuộc chấn hưng Phật giáo là phải đổi mới cho phù hợp với thời đại, mà vẫn giữ được bản sắc PGVN.

Những nguyên nhân khách quan và chủ quan nêu trên đã phần nào thôi thúc các bậc tiền bối đưa ra quyết định chấn hưng Phật giáo. PGVN phải trải qua một thời kỳ cải cách để thích hợp với trào lưu mới của xã hội. Dẫu phải chịu nhiều bức bách cùng cực, nhưng có thể nói, chính những nỗi đau đó đã hun đúc nên những con người có trái tim vì đạo pháp và dân tộc, sẵn sàng cống hiến khả năng của mình cho PGVN nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Thành quả đạt được là các Hội Phật giáo lần lượt ra đời ở ba miền, đem đến nguồn động lực mới cho PGVN phát triển và hưng thịnh đến ngày nay.

3. MỘT SỐ ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ, TRÍ THỨC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống tổ chức 

Vào những năm cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, trong làn gió mới chấn hưng Phật giáo ở các nước Tích Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa… PGVN cũng bị tác động và có những bước chuyển biến tích cực, nhằm cải cách tình trạng suy yếu trong nước. Công việc đầu tiên mà chư Tôn đức và các nhân sĩ trí thức muốn thực hiện là thành lập các Hội Phật giáo để ổn định về tổ chức, chủ trương đường lối hành động.

Tại Nam kỳ, sau thời gian lập thủ tục xin phép, ngày 26/8/1931, Thống đốc Nam kỳ Jean Félix Krautheimer đã ký quyết định cho phép thành lập Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội. Đây là giây phút lịch sử của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, lần đầu tiên có một Hội Phật học được chính thức thành lập, có đầy đủ tính pháp nhân, pháp lý. Trong thành phần Ban sáng lập gồm: “Chánh Hội trưởng: Lê Khánh Hoà, Hoà thượng chùa Linh Sơn; Phó Hội trưởng: Trần Nguyên Chấn, Chánh Thừa biện hạng nhất tại Dinh Đốc lý Sài Gòn; Thủ bổn: Trần VăKhuê, Tri huyện tại Phòng 6, Dinh Soái phủ Nam Kỳ, Sài Gòn; Phó Thủ bổn: Lê Văn Phổ, Thơ ký tại Dinh Đốc lý Sài Gòn; Từ hàn: Nguyễn Văn Nhơn, Thơ ký tại Dinh Đốc lý Sài Gòn; Phó Từ hàn: Phạm Ngọc Vinh, Thơ ký tại Ngân hàng Đông PhápSài Gòn; Cố vấn: Huỳnh Văn Quyền, Thông phán thượng hạng tại Dinh Đốc lý Sài Gòn; Nguyễn VăCần, Thừa biện tại Dinh Đốc lý Sài Gòn, hồi hưu phẩm tước Tri huyện” [4]. Trong Ban sáng lập, chúng ta thấy chỉ có một mình HT. Khánh Hòa là người xuất gia, còn lại đều là người tại gia và kinh phí hoạt động của hội có sự đóng góp rất lớn của bà Lê Thị Ngởi – một đại điền chủ ở Bến Tre. Như vậy, cư sĩ đã chiếm số lượng đông đảo và giữ nhiều vị trí quan trọng trong Hội. Sự ra đời của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đã tạo tiền đề cho các Hội Phật giáo sau này, trong đó có Hội An Nam Phật học ở miền Trung.

Ở Trung kỳ, vào những năm 1930, dưới sự khởi xướng của HT. Giác Tiên cùng với chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử đã vận động xin phép Hội Nghiên cứu Phật học. Sau đó, các vị đã đệ đơn lên nhà cầm quyền xin thành lập Hội và đến ngày 17/9/1932, Khâm sứ Trung kỳ Yves Charles Chàtel ký Nghị định 2691 cho phép thành lập Hội An Nam Phật học. Mục đích của Hội là: “Mỗi tháng đếnngày mùng 01 và Rằm thiết lễ, lễ Phật và thỉnh thầy giảng đạo để cho các Hội viên đồng học đồngtu. Cốt để giúp thiện nam, tín nữ được hiểu rõ chánh giáo của Phật” [5]. Ngoài chư Tôn đức Tăng Ni có công lớn trong việc xây dựng điều hành hoạt động của Hội, còn có các vị cư sĩ hữu tâm tiêu biểu như: Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân, Nguyễn Phúc Ưng Bàng, Đinh Văn Chấp, Bửu Bác, Viễn Đệ, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khoa Toàn… Hội An Nam Phật học là nơi đi đầu về công tác đào tạo Tăng tài theo mô hình giáo dục mới. Các trường Phật học Báo Quốc, Phật học Tây Thiên là chiếc nôi đào tạo ra các thế hệ tài năng lãnh đạo giáo hội sau này. Năm 1940, cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã đứng ra sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục, sau đổi tên là Gia đình Phật Hóa Phổ nhằm đào tạo giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên. Trong thời gian này, Lê Đình Thám còn tham gia giảng dạy kinh luận ươm mầm một thế hệ Tăng Ni, Phật tử trẻ làm nền tảng cho Phật giáo. Năm 1947, Gia đình Phật tử ra đời dựa trên nền tảng Gia đình Phật Hóa Phổ. Ban Hướng dẫn Phật tử ở Thừa Thiên-Huế gồm các anh chị như: Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Đặng Tống Tịnh Nhơn, Lê Văn Dũng… Các vị cư sĩ đã đóng góp tích cực cho sự phát triển Phật giáo miền Trung nói riêng và PGVN nói chung.

Ở Bắc kỳ, sau khi thấy miền Nam, miền Trung thành lập các Hội Phật giáo và phát triển rầm rộ, các vị Hòa thượng như: Trí Hải, Tâm Ứng, Tâm Bảo cùng với các cư sĩ: Lê Dư, Nguyễn Năng Quốc, Bùi Kỷ, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Quang Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Cung Đình Bính, Văn Quang Thùy… đã có mặt tại chùa Quán Sứ họp bàn thành lập một Hội Phật giáo. Đến ngày 06/11/1934, Thống sứ Bắc kỳ Auguste Tholance ký Nghị định số 4283 cho phép thành lập Bắc kỳ Phật giáo Hội, Hội quán đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Mục đích chính yếu của Hội là: “Cốt để khuyên rủ nhau, đốc trách nhau hiểu Đạo Phật cho rành, làm Đạo Phật cho đúng để tự độ và độ người” [6]. Ngay khi Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập, công tác giáo dục Tăng Ni được chú trọng đào tạo và đạt được nhiều kết quả khả quan. Hội đã mở các lớp giáo lý, thuyết giảng kinh pháp làm cho nhận thức của tín đồ ngày một nâng cao, các tệ nạn mê tín giảm thiểu.

Ngoài các Hội Phật giáo tiêu biểu trên, chư Tôn thiền đức và các cư sĩ trí thức còn lập thêm nhiều Hội Phật học khác như: Hội Phật giáo Liên hữu, Hội Phật giáo Tương tế, Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu, Tịnh độ cư sĩ Phật học hội, Hội Phật học Kiêm Tế, Hội Phật học Đà Thành, Hội Phật giáo Bắc kỳ Cổ sơn môn…. Với sự ra đời của Hội Phật học, chúng ta đã thấy được sự lớn mạnh của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong các Ban Trị sự, chúng ta có thể thấy sự góp mặt đông đảo thành viên là cư sĩ, Phật tử. Họ không những giữ các vai trò quan trọng điều hành các hoạt động của hội, mà còn đóng góp thời gian công sức, tài sản vật chất cho Hội có điều kiện hoạt động. Điều này khẳng định được tầm quan trọng của cư sĩ trong vấn đề tồn vong của PGVN.

Trong lĩnh vực biên tập và xuất bản báo chí Phật giáo: 

Những năm đầu thế kỷ XX, báo chí Phật giáo ở ba miền Nam, Trung, Bắc phát triển khá sôi nổi. Tạp chí Pháp Âm do HT. Khánh Hòa làm chủ nhiệm và Phật hóa Tân Thanh niên do sư Thiện Chiếu làm chủ nhiệm xuất bản năm 1929. Đây là hai tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ được ấn hành.

Từ Bi Âm là cơ quan ngôn luận Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, đây là tờ báo Phật giáo đầu tiên có giấy phép xuất bản vào năm 1931. Trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Gia Định. Người sáng lập là ông Phạm Ngọc Vinh. Sau đó, ông đã giao lại quyền quản lý lại cho Hội Nam kỳ. Chủ nhiệm đầu tiên là HT. Khánh Hòa, chủ bút là HT. Bích Liên. Tạp chí Từ Bi Âm chủ trương phổ biến Phật pháp, thông tin Phật sự đến với quảng đại quần chúng.

Tạp chí Viên Âm của Hội An Nam Phật học, Huế được Toàn quyền Pháp cho phép xuất bản vào tháng 3/1933, với mong muốn: “Nội dung Viên Âm chỉ giảng giải giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ” [7]. Trụ sở Tòa soạn đặt tại đường Champeau, Huế. Số đầu tiên ra ngày 1/12/1933. Ban biên tập gồm HT. Giác Tiên, HT. Giác Nhiên. Về phía cư sĩ có sự tham gia của Lê Đình Thám, họa sĩ Phi Hùng và Nguyễn Khoa Toàn, cùng sự đóng góp bài vở nghiên cứu của nhiều trí thức Phật tử.

Tạp chí Đuc Tuệ là cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc kỳ cũng được chính quyền thuộc địa cho phép phát hành ngày 10/12/1934. Tòa soạn đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Chủ nhiệm là Nguyễn Năng Quốc, Chủ bút là Phan Trung Thứ, Phó Chủ bút là Dương Văn Hiền.

Tạp chí Bồ Đề là cơ quan ngôn luận của Hội Phật học tương tế (Sóc Trăng) được Toàn quyền Đông Dương René Robin ký quyết định cho phép thành lập ngày 29/4/1935 theo số 2335. Chủ nhiệm là HT. Lê Phước Chí, Quản lý là Trần Phong Ngàn (cựu Hội đồng). Tổng Thư ký là Nguyễn Quang Diệu. Tòa soạn và ty quản lý đặt tại chùa Thiên Phước – Sóc Trăng (Nam kỳ).

Tạp chí Duy Tâm Phật học là cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học được Toàn quyền Đông Dương René Robin ký quyết định số N604-S cho phép xuất bản vào ngày 5/7/1935, Chủ nhiệm là Nguyễn Văn Ân (HT. Huệ Quang), Quản lý là bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe.

Tạp chí Bác (Bát) Nhã Âm là cơ quan ngôn luận của Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu. Tờ báo này do ông Đỗ Phước Tâm tự Minh Chánh (Tri phủ hồi hưu) đứng ra xin phép và được Toàn quyền Đông Dương cấp phép xuất bản ngày 30/12/1935Đỗ Phước Tâm là nhà sáng lập và cũng là Chủ nhiệm của Tạp chí Bát Nhã Âm. Tòa soạn đặt tại chùa Thiên Bửu, làng Hắt Lăng, Bà Rịa. Bát Nhã Âm số 1 phát hành ngày 1/3/1936.

Tạp chí Pháp âm Phật học của Hội Tịnh độ cư sĩ, xuất bản năm 1936. Chủ nhiệm là Lê Văn Hậu, chủ bút là cư sĩ Trần Huỳnh. Trụ sở báo đặt tại chùa Hưng Long (Sài Gòn). Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1/1/1937.

Tạp chí Tam Bảo cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Đà Thành, được Khâm sứ Trung kỳ cho phép ấn hành số đầu tiên ngày 15/01/1937, tòa soạn đặt tại số 59, đường Marc Pourpe. Chủ bút là HT. Trí Hải chùa Bích Liên, Bình Định, Chủ nhiệm là Trần Văn Tuyển, Quản lý tòa soạn là Trần Tư. Nội dung của tạp chí đăng tải các bài dịch thuật, nghiên cứu Phật học, giúp cho quý độc giả xa gần hiểu rõ về giáo lý.

Tạp chí Tiến Hóa là cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Kiêm tế, ra đời đầu năm 1938, do cư sĩ Đỗ Kiết Triệu làm chủ nhiệm và Phan Thanh Hà làm chủ bút, quản lý Lâm Vỏ Dụ. Tòa soạn đặt tại chùa Tam Bảo – Rạch Giá.

Qua thành phần lãnh đạo của các tờ tạp chí, chúng ta thấy vẫn có sự hiện diện của hàng cư sĩ, đa phần đều là những người đứng ra xin phép và giữ vai trò sáng lập, chủ nhiệm các tờ báo. Vì theo luật báo chí lúc bấy giờ quy định chỉ có những người Pháp hoặc viên chức làm việc cho Pháp mới có thể xin được giấy phép. Cho nên, các tờ báo Phật giáo bấy giờ muốn xuất bản đều nhờ các cư sĩ đứng ra xin phép và giao lại cho các Hội Phật học làm phương tiện truyền thông.

Bên cạnh các cây bút chủ lực là chư Tăng Ni, còn có các vị cư sĩ góp phần biên tập, tham gia bài vở, làm cho nội dung chất lượng báo chí Phật giáo phong phú hơn. Có thể kể đến các cây bút là cư sĩ của các tạp chí như Từ Bi Âm có các cộng tác viên Giác Nhựt, Trí Độ, Nhựt Chánh, Trần Nguyên Chấn, Trần Nguyên… Tạp chí Duy Tâm Phật học có Trần Huỳnh, Nguyễn Văn Khỏe, Trung Tín, Thanh Tâm, Việt Liên Tử… Tạp chí Bát Nhã Âm có Đỗ Phước Tâm, Chơn Hạnh và Thiện Nghiêm, Lê Tử, Lê Thanh Tân, Huyền Vân… Tạp chí Pháp âm Phật học có Bạch Vân, Phan Hiển Đạo, Trần Văn Minh, Lý Hữu Dư, Ngộ Pháp, Phạm Đình Vinh… Tạp chí Tiến Hóa có Đỗ Kiết Triệu, Trầm Quân, Lợi Văn, Đại Tỉnh, Thanh Đàm, Thao Phấn… Họ đều là những cây bút xuất sắc đóng góp bài vở, để mỗi ấn phẩm ra đời đều cung cấp cho độc giả những kiến thức bổ ích, nâng cao hơn nhận thức Phật học, rèn luyện bản thân, xây dựng gia đình và xã hội tốt đẹp hơn. Cho nên, đóng góp của giới cư sĩ cho các tạp chí Phật học đã tiếp sức thêm cho các cơ quan truyền thông Phật giáo thực hiện sứ mệnh chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

 

Trong lĩnh vực tổ chức biên dịch, in ấn kinh sách

Đối với Phật giáo, Tam tạng Thánh điển với những lời dạy của Đức Phật, của chư Tổ là cốt tủy Đạo Phật, mỗi người cần phải nghiên cứu, học hiểu và hành trì. Nếu như trước đây Tăng Ni, Phật tử đều phải tụng đọc kinh điển chữ Hán thì trong giai đoạn này chữ Việt – La tinh sử dụng làm ngôn ngữ chính thức trong văn bản hành chính và trở thành chữ Quốc ngữ Việt Nam. Cho nên, biên dịch kinh sách ra chữ Quốc ngữ là một nhiệm vụ trọng yếu, ý thức điều đó các nhà trí thức Phật giáo đã bắt đầu biên dịch kinh sách ra chữ Quốc ngữ để cho mọi người đọc hiểu lời Phật dạy, điều này cũng góp phần thúc đẩy việc học chữ Quốc ngữ trong giới Tăng Ni, tín đồ và quần chúng nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu chung này, các Hội Phật giáo đều tập trung nguồn nhân lực tham gia công tác biên dịch kinh sách và mỗi ấn phẩm tạp chí đều dành một chuyên mục quan trọng đăng các bản Kinh, Luật, Luận được dịch thuật. Trong đó cư sĩ vẫn là những người đóng góp số lượng rất lớn các dịch phẩm, các công trình nghiên cứu Phật học như: Lê Đình Thám, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Hữu Kha, Trần Huỳnh, Trần Nguyên Chấn, Đỗ Phước Tâm… đều là những nhà dịch thuật trước tác nổi tiếng, uyên thâm Phật học.

Ngoài ra còn có một nhân vật rất đặc biệt tự thân đứng ra biên dịch kinh sách và lập nhà xuất bản, như ở Nam kỳ có ông Đoàn Trung Còn. Năm 1932, ông đã lập Phật học Tùng Thơ để xuất bản những kinh điển do ông phiên âm, dịch nghĩa và những sách Phật giáo do chính ông biên soạn. Ông đã xuất bản một số sách như: Truyện Phật Thích Ca (1932), Tăng đồ nhà Phật (1934), Các tông phái Đạo Phật ở Viễn Đông (1935), Diệu pháp Liên hoa kinh (1936)… Song song, ông còn lập Trí Đức Tùng Thơ để xuất bản các sách Nho giáo cũng do ông biên dịch để duy trì nền đạo học chân chính. Trong sự nghiệp trước tác của ông, Phật học Tùng Thơ xuất bản gần 40 tác phẩm và Trí Đức Tùng Thơ có xuất bản khoảng 12 tác phẩm.

Như vậy, công tác biên dịch kinh sách ra chữ Quốc ngữ là một việc làm quan trọng để truyền bá Phật pháp đến với mọi giới trong xã hội, giúp mọi người nhận thức rõ hơn về tư tưởng nhà Phật, chuyển hóa những quan điểm sai lầm, lệch lạc về con đường tu đạo và góp phần chấn hưng nền Phật học Việt Nam. Cùng với chư Tôn đức Tăng Ni, cư sĩ trí thức đã đóng góp công sức mình vào việc biên dịch, sáng tác góp phần đặt nền móng cho sự hình thành Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam ngày nay.

Trong lĩnh vực hoằng pháp và dứt trừ mê tín dị đoan

Một trong những yếu tố làm cho Phật giáo suy yếu trong giai đoạn này là tệ nạn mê tín dị đoan, làm mất đi giá trị thiết thực của Phật giáo. Chư Tôn thiền đức, các nhà trí thức Phật giáo đã cố gắng giảng giải phổ biến giáo lý rộng rãi để mọi người có được nhận thức sáng suốt, dứt trừ mê tín, có được niềm tin chân chánh. Cho nên, nhiệm vụ xóa bỏ nạn mê tín dị đoan là một mục tiêu lớn lao mà các Hội Phật giáo hướng đến chấn chỉnh nền Phật giáo nước nhà.

Báo chí Phật giáo đã có khá nhiều bài viết phân tích cho mọi người hiểu rõ thế nào là chánh tín, thế nào là mê tín như trong bài Luận về những điu chánh tín mê tín, cư sĩ Thanh Liên phân mê tín thành 6 loại:

1/ Mê tín theo dục lạc ích kỷ: Tức có những người nghĩ rằng khi còn sống thì hồn nương theo xác, khi chết rồi thì xác rã hồn tiêu, chớ không có nhơn quả báo ứng gì nên họ cố sức làm thế nào cho thỏa thích lòng dục vọng trong một đời này mà thôi.

2/ Mê tín theo thần quyền: Có những vị tin theo thần quyền, mọi việc vui khổ, thành công thất bại đều do thần sắp đặt nên lúc nào cũng ỷ lại thần thánh để nhờ ban phước trừ họa cho mình.

3/ Mê tín theo đồng xác cơ cọ: Những người mê tín thường hay đi tới cầu đồng hoặc cầu cơ đặng cầu mách bảo việc gia đạo hay xin phép chữa bệnh. Tin vào những hạng người không đủ trí phân biệt chơn giả, lại nghe càng tin bướng.

4/ Mê tín theo thuyết trường sanh bất tử: Có những người tin theo các học thuyết luyện tinh cố khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hườn hư cho đặng trường sanh bất tử như mấy ông tiên.

5/ Mê tín theo thuyết nhơn quả cạnh tranh: Hạng người có xem kinh Phật nhưng không rõ được cái chủ nghĩa Từ bi của Phật, lại sanh tâm chấp thủ phân biệt ta và người, rồi sanh tư tưởng cạnh tranh phấn đấu hơn thua.

6/ Mê tín theo thuyết duy vật: Tức chỉ cho những người có học Phật nhưng tư tưởng thiên chấp, không theo trung đạo lại phủ nhận không có Cực lạc, Thiên đường, Địa ngục. Họ cố chấp vào khoa học, tin vào địa lý… [8].

Đây là những niềm tin, ước muốn mà con người hay thể hiện, vì mong muốn được bình an, sức khỏe, gia đình đầy đủ sung túc, công danh sự nghiệp thành đạt, được siêu thoát sanh về chốn an lành sau khi qua đời. Hay có người gặp cảnh hiếm muộn con cháu mà thường đến chùa cầu Phật trời, nhờ thầy ban phúc để được viên thành sở nguyện. Tất cả những ước muốn này đều xuất phát từ tâm lý chấp “Ngã” của con người. Cư sĩ Thanh Liên còn cho rằng, người có chánh tín là người biết quay về chính mình, tu chỉnh tự tâm, “Ly ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Ai ăn nấy no, ai co nấy ấm, ai tu nấy thành, ai hành nấy đắc, chứ không phải nhờ Thượng đế, thần linh, Phật hay Bồ tát ở đâu đó ban bố phước lành hay tiêu tai giải nạn cho mình được. Đó là nhận thức chánh tín trong Phật giáo.

Quốc có quốc pháp, Gia có gia quy, còn trong nhà Thiền thì có Thanh quy, Giới luật. Để góp phần chấn chỉnh sinh hoạt thiền môn, cư sĩ Nguyễn Thị Ngọc đã đề xuất 5 việc làm cụ thể như sau:

1/ Nếu trong Tăng đồ có điều chi tinh tệ thì trách nhiệm thuộc về Đại sư.

2/ Mỗi tỉnh lựa một ngôi chùa phân biệt cho nam nữ ở học. Học sinh phải có tánh hạnh tốt, có giấy chứng của làng của Bổn sư. Xuất gia là vậy, còn tại gia muốn học cho biết, giới luật đạo lý đặng giữ gìn tu hành thì khỏi giấy tờ chi hết, song vật thực của ai nấy dùng.

3/ Nên chọn một nơi nào cho tiện, làm chỗ thường niên nhóm hội, để trao đổi ý kiến, bàn định chương trình cho thích hợp, chừng đến kỳ thi thì phải có giấy tánh hạnh của thầy dạy học, của làng. Giới hạn ai đậu Sa di thì làm Sa di, Tỳ kheo làm Tỳ kheo, Hòa thượng làm Hòa thượng, chớ không được làm càng như bấy lâu.

4/ Trừng trị nghiêm minh.

5/ Mỗi chùa một tháng thuyết pháp hai lần, ngày 14 và 30 cho người nghe đặng rõ biết đường tà nẻo chánh [9].

Theo tác giả, mỗi vị thầy cần phải có trách nhiệm hơn với đệ tử của mình, phải rèn luyện cho có hạnh kiểm tốt. Các bậc lãnh đạo cần phải lập những ngôi trường dành riêng cho Tăng và Ni, tổ chức giảng dạy Phật pháp cho họ, kể cả Phật tử cũng được phép tham dự. Trong các Đàn kỳ thọ giới Ban giới sư phải tổ chức sát hạch bài vở, vị nào đạt đủ điều kiện mới cho thọ giới xuất gia, tấn phong giáo phẩm. Trong chùa, mỗi tháng hai kỳ tổ chức sinh hoạt Phật pháp cho Phật tử am hiểu để tu tập cho đúng chánh pháp.

Khi mọi người tại gia và xuất gia đều sống đúng theo chánh pháp thì chắc chắn Phật pháp sẽ xương minh, mỗi ngôi chùa sẽ là điểm tựa tinh thần của mọi người: “Nếu người xuất gia đều biết đem tín tâm xu hướng về lẽ chơn chánh, tức là ông Phật từ bi hằng đứng luôn trên đảnh người mà phóng quang thì con ma tà thuyết không thể vào đặng trong tâm người mà nhiễu loạn, cái trình độđạo lý ngày một cao lên mà làm cho nền Phật giáo chắc là chấn hưng. Còn phần tín tâm của người thế gian, nếu đều biết xa tránh con đường tà hoặc, tức là chỗ thê thác đặng phần chánh đáng, sự hành động khỏi phải sai lầm thì cái cơ quan sinh hoạt được một ngày một phát đạt mà làm cho cõi đời chắc là thạnh vượng” [10]. Cho nên, nhiệm vụ xóa bỏ nạn mê tín dị đoan là một mục tiêu lớn lao mà các Hội Phật giáo ở Nam kỳ đều thực hiện, hướng đến chấn chỉnh nền Phật giáo Việt Nam.

4. KẾT LUẬN

Có thể nói, phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, là một trong những dấu mốc lịch sử quan trọng đối với Phật giáo Việt Nam. Phong trào đã chứng minh trong mọi khó khăn thì Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã biết đoàn kết đồng lòng tạo nên sức mạnh nội tại, nhằm khôi phục lại vị thế và giá trị của Phật giáo Việt Nam. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, ngoài vai trò của chư Tăng Ni thì các cư sĩ đã thể hiện được tinh thần hộ trì Phật pháp của mình, cùng với chư Tăng Ni tiến hành vận động kêu gọi ý thức chấn hưng, lập thành các Hội Phật học, xuất bản tạp chí, in kinh dịch sách, phổ biến chánh pháp, giáo dục và đào tạo Tăng tài, dứt trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan. Những việc làm của người cư sĩ có đóng góp rất lớn cho sự phục hưng của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

 

VĂN HÓA PHẬT GIÁO 380

ĐĐ. Thích Minh Nghĩa

 

Chú thích:

*ĐĐ. Thích Minh Nghĩa: Nghiên cứu sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

[2] Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, tập 1, Tổng hội Tăng già Trung Phần, Nxb. Huế, tr.329.

[3] Nguyễn Đại Đồng (2006), Mười năm phát triển, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 01/2006, tr.30.

[4] Trương Thanh Hải (2021), Vai trò người cư sĩ với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập san Ánh đạo Kiên Giang, số 5, tr.35.

[5] An Nam Phật học Hội (1932), Điều lệ và Quy tắc, nhà in Đắc Lập, Huế, tr.1.

 [6] Dương Bá Trạc (1935), Vì sao Hội Phật giáo Bắc kỳ sáng lập, vì sao mà Đuốc Tuệ ra đời, tạp chí Đuốc Tuệ, số 1, tr.5.

[7] Trần Thiều (2006), Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 – 1945, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, tr.28.

[8] Thanh Liên (1937), Mê tín và Chánh tín, Từ Bi Âm, số 147, tr.20.

[9] Nguyễn Thị Ngọc (1935), Cảm tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng và tại gia tín ngưỡng, tạp chí Duy Tâm Phật học, số 7, tr.5

[10] Liên Tôn, Luận về Chánh tín mê tín, Từ Bi Âm, số 180, tr.32.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. 1. An Nam Phật học Hội (1932), Điều lệ và Quy tắc, nhà in Đắc Lập, Huế.
  2. Dương Bá Trạc (1935), Vì sao Hội Phật giáo Bắc kỳ sáng lập, vì sao mà Đuốc Tuệ ra đời, tạp chí Đuốc Tuệ, số 1.
  3. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932 – 1951), Nxb Đà Nẵng.
  4. Lê Tâm Đắc – Nguyễn Đại Đồng (2013), Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX Nhân vật và sự kiện, Nxb Chính trị Quốc gia.
  5. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  6. Liên Tôn, Luận về Chánh tín mê tín, Từ Bi Âm, số 180.
  7. Nguyễn Đại Đồng (2006), Mười năm phát triển, tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 01/2006.
  8. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh.
  9. Nguyễn Thị Ngọc (1935), Cảm tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng và tại gia tín ngưỡng, Duy Tâm Phật học.
  10. Thanh Liên (1937), Mê tín và Chánh tín, Từ Bi Âm, số 147.
  11. Thanh Tâm, Phật giáo để nung đúc tinh thần dũng mãnh cho quốc dân, Duy Tâm Phật học, số 7.
  12. Thích Đồng Bổn (1993), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành.
  13. Thích Trí Quang (1962), Tâm ảnh lục, tập 01, Tổng hội Tăng già Trung Phần, Nxb. Huế.
  14. Trần Thiều (2006), Khái lược sự phát triển của Phật giáo Thừa Thiên Huế giai đoạn 1930 – 1945, Nghiên cứu Tôn giáo, số 04.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin