Chi tiết tin tức

Tìm hiểu sự truyền bá và các di tích của Phật giáo tại vùng Andhra Pradesh (miền Nam Ấn)

20:33:00 - 09/03/2022
(PGNĐ) -  Bài viết nhằm góp phần tìm hiểu về lịch sử Phật giáo vùng Andhra Pradesh (Nam Ấn) và các di tích còn sót lại của Phật giáo, đặc biệt là quá trình hưng thịnh và suy tàn của các trung tâm tu học cũng như Tăng đoàn trong thời kỳ đầu.

Dẫn nhập

Bài viết nhằm góp phần tìm hiểu về lịch sử Phật giáo vùng Andhra Pradesh (Nam Ấn) và các di tích còn sót lại của Phật giáo, đặc biệt là quá trình hưng thịnh và suy tàn của các trung tâm tu học cũng như Tăng đoàn trong thời kỳ đầu. Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Nam Ấn từ thế kỷ thứ III và bắt đầu suy yếu khoảng thế kỷ thứ VII vì một số lý do. Andhra Pradesh là trung tâm Phật giáo lớn với nhiều di tích tu viện, bảo tháp được tìm thấy. Căn cứ theo các tài liệu lịch sử của Phật giáo vùng Andhra, Sri Lanka, các ghi chép của nhà chiêm bái Huyền Trang và một số thông tin từ Kinh Tập (Suttanipāta) thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikāya), Phật giáo vùng Nam Ấn đã được truyền bá và phát triển rất sớm. Các bộ phái Phật giáo phổ biến ở khu vực này được biết đến như: Theravadin hay Sthāviravādin (Thượng Tọa Bộ), Madhyamika (Trung Quán Tông), Mahāsāṃghika (Đại Chúng Bộ) là nguồn gốc của Phật giáo phát triển (Mahāyāna). Mặt khác, các tư tưởng chủ đạo, quan trọng của Phật giáo phát triển như: Bát Nhã (Prajñāpāramitā) và Như Lai Tạng (Tathāgatagarbha) hay “Phật tính” được cho là phát xuất từ khu vực này, với sự tồn tại của hơn 100 tu viện, trung tâm Phật giáo vào những thế kỷ đầu công nguyên. Ngày nay, các quần thể di tích Phật giáo đồ sộ được biết đến như: Nagarjunakonda, Amaravati Chatiya, Guntupalli, Adurru, Bavikonda, Bojjanakonda, Thotlakonda, Salihundam,…

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO TẠI ANDHRA PRADESH 

Theo ghi chép của Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII, Ngài có nhắc đến câu chuyện Đức Phật từng viếng thăm Andhra [1], đánh dấu sự liên hệ sớm nhất giữa Phật giáo và vùng đất này. Ngoài ra, trong chương cuối của Kinh Tập (Suttanipāta) thuộc Tiểu Bộ (Khuddaka Nikāya) [2] có kể về câu chuyện của Bà-la-môn Bāvari cùng với 16 người học trò của mình. Họ đều là những vị Phạm Chí uyên bác nên sau khi đến đảnh lễ và cầu pháp với Đức Phật tại Sāvatthī, họ đã chứng quả A la hán. Tỳ kheo Bāvari cùng 16 vị đồng học của mình đã trở về quê hương Andhra truyền bá Phật pháp. Ở một tài liệu khác được Tiến sĩ B.S.L. Hanumantha Rao trích dẫn như sau: Ngài Đại Ca-chiên-diên (Mahākātyayāna), một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật và cũng là người Nam Ấn, Ngài đã hóa độ được đức vua của người Assakas xuất gia; kể từ đó, theo truyền truyết thì các vị tu sĩ đến từ vùng Andhra được gọi Andhakas [3].

Guntupalli Buddhist Caves
Adurru Maha Stupa

Các ghi chép lịch sử của Phật giáo tại vùng Andhra ghi nhận sự phổ biến của Đại Chúng Bộ (Mahāsāṃghika) và được xem là trung tâm của phong trào Phật giáo phát triển (Mahāyāna). Cụ thể hơn, đó là sự ảnh hưởng của Phật giáo phát triển (Mahāyāna) tại Tích Lan (Sri Lanka) và sau hàng loạt các biến cố lịch sử đã được truyền bá ngược lại vào Ấn Độ. Có một mối liên kết lớn và tương tác mạnh mẽ giữa các trung tâm Phật giáo: Anuradhapura (Sri Lanka) – Amaravati – Nagarjunakonda và một số vùng lân cận. Qua đó cho thấy sức ảnh hưởng của cả hai trường phái chính Sthāviravādin và Mahāsāṃghikas là rất lớn ở khu vực Nam Ấn Độ. Tiến sĩ A.K. Warder tin rằng: “Phật giáo phát triển (Mahāyāna) có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và gần như chắc chắn ở khu vực Āndhra” [4]. Vùng đồng bằng Andhra rộng lớn được phù sa bồi đắp bởi hai con sông Krishna và Godavari. Một số học giả đã gợi ý rằng kinh Bát nhã ba la mật đa (Prajñāpāramitā sūtras) của phái Mahāsāṃghika được hình thành và xuất hiện sớm nhất trong văn hóa sinh hoạt của các cộng đồng dân cư sống dọc theo sông Kṛṣṇa (Krishna) [5]. Các kinh điển Mahāyāna xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ I TCN, bao gồm các phiên bản đầu tiên của văn hệ Bát Nhã (Prajñāpāramitā), cùng với các văn bản liên quan đến Đức Phật Akṣobhya (A-súc-bệ Phật hay Bất Động Như Lai) [6]. Nhiều cơ sở, tu viện Phật giáo đã từng phát triển mạnh mẽ trong khu vực màu mỡ của thung lũng sông Krishna và Godavari. Các gương mặt sáng giá có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo phát triển thời kỳ đầu như: Bồ tát Long Thọ (Acharya Nāgārjuna), Thánh Thiên (Āryadeva), Nguyệt Xứng (Candrakīrti), Thanh Biện (Bhāvaviveka), Trần Na (Diṅnāga), Pháp Xứng (Dharmakīrti), Phật Âm (Buddhaghosha),… Theo các ghi chép của ngài Nguyệt Xứng, thông qua bộ Tứ bách luận (Catuḥśataka) của Thánh Thiên thì vào cuối thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ VII, so với Bà la môn giáo và Kỳ na giáo thì Phật giáo không được ưu ái bảo trợ của hoàng gia như trước. Vì vậy, sự xuất hiện của Tứ bách luận đã bác bỏ các niềm tin và thực hành không đúng chánh pháp của ngoại đạo và đồng thời củng cố niềm tin của quảng đại quần chúng đối với đạo Phật. Từ đó, Phật giáo dần lấy lại vị trí của mình. Dưới sự bảo trợ của các vị vua thuộc triều đại Sātavāhana vùng Deccan và sự giác ngộ, thấu triệt của ngài Long Thọ và Thánh Thiên mà trường phái Trung Luận Tông (Madhyamaka) có một sức sống và phát triển mạnh mẽ trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ [7].

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHẬT GIÁO TẠI ANDHRA PRADESH

Trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ III TCN đến thế kỷ IV, phái Mahāsāṃghika có sức ảnh hưởng rất lớn và có thể xem như là tư tưởng chủ đạo trong cộng đồng Phật giáo tại Andhra. Chính vì những tư tưởng tiến bộ trong đời sống tu viện (Vinaya), các quan điểm về bản chất của một vị Phật và việc những tu sĩ trực tiếp tham gia một số thực hành tôn giáo mà ban đầu có thể chỉ dành riêng cho các cư sĩ đã tạo ra sự khác biệt và mâu thuẫn nội bộ. Rất khó để xác định đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự rạn nứt trong Tăng đoàn Phật giáo ở miền Bắc Ấn, sự phân chia tư tưởng, bộ phái hình thành nên những cộng đồng riêng biệt. Theo các nguồn sử liệu văn hệ Pāli chỉ ra rằng, ngay cả trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, cũng đã có những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ giữa các nhóm, cộng đồng tu sĩ. Chính vì thế các qui định về Giới Luật (Vinaya) bao gồm cả Prātimokṣa và Pavārāna được chế định nhằm quy chuẩn những giá trị đạo đức, duy trì sự hòa hợp, đoàn kết và bình đẳng trong Tăng đoàn. Tuy nhiên, sau khi Phật diệt độ, các mâu thuẫn trong Tăng đoàn ngày càng lớn, chủ yếu là sự không thống nhất trong tư tưởng và các quy tắc thực hành đạo đức. Từ đó, đã dẫn đến việc Tăng đoàn tổ chức nhiều kỳ kết tập Tam tạng Thánh điển để xác quyết và giữ gìn những lời dạy, tư tưởng nguyên thủy nhất của Đức Phật.

Sau kì kết tập kinh điển lần thứ ba, một số vấn đề cơ bản không đạt được sự thống nhất, đồng tình của hai cộng đồng lớn Đại chúng bộ (Mahāsāṃghikas) và Thượng tọa bộ (Sthāviravādin) có thể kể đến như: Đại thiên ngũ sự, học thuyết Phật tính (Tathāgatagarbha), thuyết Đức Phật siêu việt (Lokottara), Bồ tát (Bodhisattvas),… [8] Do sự rạn nứt to lớn này, theo ghi nhận của Luận sự (Kathavatthu) thuộc Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka), các Tăng sĩ thuộc Đại chúng bộ (Mahāsāṃghikas) đã di chuyển về phía Nam, đến Andhra và dừng chân tại Amaravati, Nagarjunakonda,… Đây chính là những đạo tràng, trung tâm tu học lớn và phát triển rực rỡ của Đại chúng bộ thu hút rất nhiều Tăng sĩ quốc tế tham học. Từ đó, trong Luận sự (Kathāvatthu) cũng như Đại sử (Mahāvaṃsa) xuất hiện tên gọi chung cho cộng đồng này là Andhakas (những người ở vùng Andhra) hay Caityakas (những người thực hành thờ cúng bảo tháp).

Salihundam Stupa
Bavikonda Buddhist Complex

CÁC DI TÍCH PHẬT GIÁO Ở ANDHRA PRADESH

Minh chứng cụ thể nhất có tính xác quyết về sự phát triển của Phật giáo ở Andhra chính là các quần thể di tích Phật giáo đã được khai quật. Theo các nhà nghiên cứu, có hơn 200 quần thể di tích bằng gạch và đá với qui mô khác nhau phân bố rộng khắp vùng Andhra. Ngày nay, với sự quan tâm của chính phủ Ấn Độ, các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ học và cộng đồng Phật giáo quốc tế các di tích được tu bổ, bảo vệ và trở thành những điểm thu hút khách hành hương và các tín đồ Phật giáo. Dưới đây là một số di tích tiêu biểu:

Nagarjunakonda

Nagarjunakonda nghĩa là “Đồi Long Thọ”, nơi đây còn được biết đến với tên gọi xưa hơn nữa là Vijayapuri. Đây là đạo tràng tu tập của Bồ tát Long Thọ, vì thế người ta đã dùng tên của Ngài để đặt cho ngọn đồi. Dưới sự hộ pháp của vị vua Virapurusadatta, Ehuvula triều đại Ikshavaku, các công trình đầu tiên đã được xây dựng nên vào thế kỷ thứ III. Đồi Long Thọ bao gồm quần thể công trình kiến trúc các bảo tháp (caitya), tu viện (vihara), nơi cư trú của chư Tăng được xây dựng thêm từ khoảng thế kỷ thứ VI – VIII [9]. Đây là trung tâm tu học lớn có sức ảnh hưởng ở khu vực miền Nam. Vào thời kỳ đỉnh cao, tại đây có hơn 30 tu viện và các học giả Phật giáo đến từ các vương quốc Tamil, Orissa, Kalinga, Gandhara, Bengal, Ceylon (Culadhammagiri) và Trung Quốc. Các nhà chiêm bái nổi tiếng người Trung Quốc như: Pháp Hiển, Huyền Trang cũng đã có những ghi chép thú vị về những hoạt động và quy mô của trung tâm Nagarjunakonda trong chuyến viếng thăm của mình.

Ngày nay, do xây dựng đập thủy điện Nagarjunasagar, phần lớn các di tích cổ bị nhấn chìm trong nước. Phần còn lại ở nơi cao ráo được lưu giữ thành viện bảo tàng. Bên cạnh đó, còn phục hồi một số kiến trúc tu viện và bảo tháp bằng gạch rất công phu mang đậm kiến trúc nghệ thuật Nam Ấn.

Amaravati Chatiya

Còn được biết đến với tên gọi Đại bảo tháp (Mahaceitya) Amaravathi [10], là một di tích Phật giáo được Thiếu tá Colin Mackenzie phát hiện năm 1797. Tháp nằm ở hữu ngạn sông Krishna. Đây là một công trình Phật giáo khổng lồ được xây bằng gạch và bao quanh bằng các phiến đá điêu khắc cuộc đời Đức Phật. Các nhà nghiên cứu đặt giả thuyết ngôi bảo tháp này được xây dựng dưới thời vua Asoka khoảng từ thế kỷ thứ III TCN đến khoảng năm 250 tại làng Amaravati, quận Guntur, Andhra Pradesh. Vào năm 640, Huyền Trang đã chiêm bái và có những ghi chép mô tả về sự thịnh vượng, phát triển của Phật giáo tại nơi đây.

Bojjanakondo Buddha Carve
Maha Stupa of Thotlakonda

Guntupalli

Là một quần thể di tích Phật giáo, gồm hai hang động và các tòa tháp bằng gạch có niên đại sớm nhất khoảng thế kỷ thứ III TCN. Quần thể này có một ngôi tháp đá (cetiya) nguyên khối có đường đi xung quanh (Parikrama), một cetiya bằng gạch và phần còn lại của một hội trường lớn có mái che và tượng Phật bằng đá cẩm thạch cao 6 ft (gần 183 cm) [11], hơn 30 ngôi tháp gạch nhỏ và tàn tích của hai tu viện (vihara).

Adurru

Di tích Phật giáo Adurru là một quần thể di tích bao gồm: các bảo tháp (stupa), nơi thờ tự (cetiya) và khu vực Tăng xá (vihara). Adurru nằm trên một gò đất được người dân địa phương gọi là Dubaraju Gudi hoặc Dubaraju Dibb. Quần thể di tích này có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II và tòa đại tháp (Mahastupa) cao 17 ft (hơn 5 mét) là di tích quan trọng nhất được phát hiện [12].

Bavikonda

Quần thể di tích Phật giáo Bavikonda nằm trên một ngọn đồi cao hơn mực nước biển 130 mét, được phát hiện vào những năm 1982 – 1987. Thuật ngữ Bavikonda trong tiếng Telugu có nghĩa là ngọn đồi của những giếng nước. Mahachaitiya tại Bavikonda phát hiện được các hộp đựng xá lợi, các khu phức hợp của tu viện bằng gạch. Một số phát hiện khảo cổ tại khu vực này như: đồng xu Satavahana, ba đồng bạc La mã, các mảnh bia ký Brahmi, các dấu chân Phật bằng đá (Buddhapada) được trang trí với các biểu tượng Bát kiết tường (Asthamangala) có niên đại từ khoảng giữa thế kỷ thứ III TCN [13].

Bojjanakonda

Ngọn đồi Bojjana tọa lạc ở một ngôi làng nhỏ tên Sankaram. Đây là một quần thể gồm có 6 hang động với những phù điêu Phật giáo và thể hiện sự ảnh hưởng rõ rệt của cả ba trường phái: Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Ngoài ra Bojanakonda còn có một hệ thống các bảo tháp lớn nhỏ khác nhau nằm rải rác khắp ngọn đồi. Di tích Phật giáo này được phát hiện vào năm 1906 bởi Alexander Rea. Nó còn được biết đến với tên gọi khác là Buddhuni Konda, nghĩa là ngọn đồi của Đức Phật. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều hiện vật như: đồ gốm, con dấu, tượng đất nung, và các đồng tiền vàng có niên đại từ thời Gupta. Vì thế, dựa trên các bằng chứng được phát hiện, người ta có thể xác định niên đại của khu quần thể di tích Phật giáo này có niên đại sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ II TCN.

Thotlakonda

Quần thể Thotlakonda được phát hiện và tiến hành khai quật vào năm 1988. Đây là một trung tâm tu học lớn của Trưởng Lão Bộ. Qua các cổ vật được phát hiện, 12 bản khắc văn tự Brahmi cho biết, ngọn đồi này còn có tên gọi là Senagiri, “Sena” trong tiếng Pāli  nghĩa là “Trưởng lão”. Ngoài ra, thông qua các hiện vật được thờ cúng, người ta phát hiện tại đây các vị tu sĩ kính lễ Đức Phật thông qua các biểu tượng như Padukas [14] và các hình thức khác thay vì sử dụng hình tượng. Vào thời hoàng kim của mình, Đại tu viện Thotlakonda có sự hiện diện của hàng trăm vị tu sĩ và là nơi cung cấp thực phẩm, trang phục, thuốc men và phục vụ như một trung tâm học thuật tôn giáo. Do vị trí đắc địa, tu viện Thotlakonda nằm trên một ngọn đồi bên bờ Ấn Độ Dương và được xem như điểm dừng chân của các nhà truyền giáo về phía Nam, các thương nhân, nơi trú ẩn an toàn cho các thuyền nhân, tàu thuyền. Vì vậy, tu viện Thotlakonda có vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo đến Sri Lanka . Thời kỳ đỉnh cao của Thotlakonda từ giữa thế kỷ thứ II TCN đến thế kỷ thứ II và suy yếu dần vào cuối thế kỷ thứ III.

Salihundam

Salihundam còn được biết đến với tên gọi khác là Salivatika hay Salyapetika (hộp đựng xá lợi). Di tích này được phát hiện vào năm 1919 bởi Gidugu Venkata Rama Murthy. Đây là một quần thể tu viện rộng lớn với bốn tòa tháp lớn và các kiến trúc điện thờ (Chaitya). Các tác phẩm điêu khắc được phát hiện có niên đại từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XII, mang màu sắc của cả Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa [15]. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn có vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo đến các quốc gia phương Đông.

Kết luận

Phật giáo từng có sức ảnh hưởng to lớn ở khu vực Andhra Pradesh trong một thời gian dài. Thông qua các di tích khảo cổ học đã một lần nữa khẳng định sự phát triển rực rỡ của Phật giáo, với những trung tâm tu học lớn thu hút nhiều Tăng sĩ từ các nơi và sức ảnh hưởng của Phật giáo tại Andhra Pradesh đối với các quốc gia phía Nam như Sri Lanka  cũng như các quốc gia vùng Đông Nam Á. Sự xuất hiện của Bồ tát Long Thọ (Nagarjunar) và các trung tâm tu học dưới sự hướng dẫn của Ngài đã hưng khởi Phật giáo Đại Thừa và xuất hiện hàng loạt các bậc long tượng như: Thánh Thiên (Āryadeva), Nguyệt Xứng (Candrakīrti), Thanh Biện (Bhāvaviveka), Trần Na (Diṅnāga), Pháp Xứng (Dharmakīrti), Phật Âm (Buddhaghosha),… là một điểm sáng của Phật giáo Andhra.

Phật giáo là tín ngưỡng chủ đạo của người Amaravati, Chandavaram, Bhattiprolu, Guntupalli thuộc quốc gia Telugu trong hơn một thiên niên kỷ. Các di tích Bavikonda và Thotlakonda là xác chứng cho lịch sử phát triển của Phật giáo ở giai đoạn sớm nhất trên vùng đất này. Nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Amaravati đã trở thành văn hóa và là một trường phái nghệ thuật đặc trưng có ảnh hưởng lớn không chỉ trong nước mà còn vươn xa đến các quốc gia Đông Nam Á. Đặc biệt hơn nữa, trong thời kỳ phân chia bộ phái thì một nửa của 18 bộ phái được tách ra có cơ sở tại Andhradesa. Andhra Pradesh đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của cả ba giai đoạn của Phật giáo, đó là Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Ngày nay, Andhra Pradesh có hơn 200 di tích Phật giáo và thông qua đó cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về lịch sử Phật giáo Nam Ấn trong hơn hai thiên niên kỷ.

 

NCS. Thích Nguyên Thế/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 384

 

Chú thích:

* ĐĐ. Thích Nguyên Thế, NCS tại Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Đại thừa, Trường Đại học Acharya Nagarjuna,  Guntur, Bang Andhra Pradesh, Ấn Độ.

[1] Thomas Watters. On Yuan Chwang’s Travels in India. 629-645, 2 vols., ed. by T. W. Rhys Davids and S. W. Bushell (London: Royal Asiatic Society, 1904-1905; reprint Delhi, 1961), p. 209.

[2] HT Thích Minh Châu, Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập – Chương 5: Phẩm con đường đến bờ bên kia, (1) Bài kệ mở đầu (Sn 190); Xem Saddhatissa, trans., The Sutta-Nipata (London: Curzon Press, Ltd., 1985),  pp. 114-133.

[3] Padma, A.W. Barber. Buddhism in the Krishna River Valley of Andhra. State University of New York Press, Albany. USA. 2008.

[4] Warder, A.K. Indian Buddhism. 2000, p. 313.

[5] Guang Xing. The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to the Trikaya Theory. 2004. Pp. 65-66.

[6] “The south (of India) was then vigorously creative in producing Mahāyāna Sutras” – Warder, A.K. Indian Buddhism. 2000. p. 335.

[7] Sukumar Dutt, Buddhist Monks and Monasteries in India. London: George Allen and Unwin, 1962. pp. 80-81.

[8] Charles Prebish and Janice Nattier. Mahāsāṃghika Origins: The Beginnings of Buddhist Sectarianism, History of Religions 16 (Feb., 1977): 237-272.

[9] H. Sarkar and B.N. Misra, (2006). Nagarjunakonda. The Director General Archaeological Survey of India, New Delhi, India. pp.24-25.

[10] Ruchika Sharma, (2016) https://scroll.in/article/807101/forget-the-kohinoor-could-we-have-the-amaravati-stupa-sculptures-back-please.

[11] Envis Centre, Ministry of Environment & Forest, Govt. of India.

http://www.cpreecenvis.nic.in/Database/GuntupalliCaves_2595.aspx?format=Print

[12] Adurru Boudha Stupam, http://wikimapia.org/4701666/te/Adurru-Boudha-Stupam.

[13] https://vizagtourism.org.in/bavikonda-ancient-buddhist-monastery-vizag

[14] Panduka: là một loại dép (guốc) bằng gỗ thường được các vị đạo sư của các tôn giáo cổ ở Ấn Độ dùng. Nó còn được hiểu như là dấu chân của các vị Thánh, một hình thức phổ biến là Buddhapada (dấu chân Phật) làm bằng đá.

[15] Archaeological Survey of India. “Archeological Survey of India”. asihyd.ap.nic.in. Hyderabad Circle. Retrieved 1 August 2017.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin