Chi tiết tin tức

Tìm hiểu tư tưởng “Muốn chứng ngộ là sai lầm” của Thiền sư Sùng Sơn (1)

15:26:00 - 01/06/2022
(PGNĐ) -  Chứng ngộ giải thoát là mục tiêu chân chính và tối thượng của người tu Phật. Theo Tam tạng Thánh điển Phật giáo, cả hai truyền thống Nam truyền lẫn Bắc truyền đều chỉ bày rất nhiều phương pháp tu tập để chứng ngộ. Theo đó, nếu chọn đúng và thực hành phương pháp phù hợp căn tánh, người thực hành không những tự hưởng sự an lạc mà còn giúp ích cho tha nhân, cho cộng đồng xã hội. Thế nhưng, bằng chính tự thân trải nghiệm, tu học, chứng ngộ, Thiền sư Sùng Sơn đã phát biểu rằng “muốn chứng ngộ là sai lầm” (wanting enlightenment is a big mistake). Lời phát biểu của Thiền sư có thể gây hoang mang, ngộ nhận cho những hành giả đã, đang và sẽ học Phật, tu Phật. Bài viết nhắm đến làm sáng rõ tư tưởng của Thiền sư Sùng Sơn trong quá trình tu học, chứng ngộ. Qua đó, củng cố niềm tin sâu chắc cho những ai đang trên con đường thực hành chuyển hóa thân, tâm theo Phật giáo.

1. Thế nào là chứng ngộ

Trong Đại bát Niết bàn kinh nghĩa ký, chứng ngộ được giải thích như sau: “noãn, thai, thấp, hóa là bốn cách sinh. Cõi là ba cõi. Hữu là hai mươi lăm hữu. Đạo là sáu đường. Chứng ngộ là thấy biết kia, đây không chướng ngại”.[2]

Phật Quang đại từ điển định danh thuật ngữ chứng ngộ là pravisṭa theo ngôn ngữ Sanskrit, nghĩa là dùng trí để thấy rõ chân lý như thật.[3]

Theo Từ điển Phật học Tuệ Quang, “chứng ngộ, 證悟, Sakshatkara-sambhodhana (skt) – Attainment – The experience of enlightenment – Mystic insight, conviction by thinking, realization, to prove and ponder.[4] (Người viết tạm dịch: chứng ngộ là dùng chính trí để tự thực chứng chân lý, không do trao truyền).

Phật học Khái luận viết: “chứng, hay chứng ngộ, là đoạn trừ hoàn toàn chấp thủ ngã tướng, chấp có ngã, để chứng đắc thực tại không có tự ngã”.[5]

Như vậy, chứng ngộ được hiểu là thời khắc hành giả thể nhập, thấu triệt chân lý khi đã vượt khỏi mọi sự dính mắc, mọi sự chấp trước vào các pháp, không còn bất kỳ sự ràng buộc nào, cả không – thời gian, cả ngoài thân lẫn trong tâm.

2. Ai chứng ngộ

Theo Kinh Chánh Pháp Hoa, đức Phật dạy: “giáo pháp mà Như Lai đã giảng nhiều không thể tính hết, nhưng Như Lai chỉ lược thuyết mà thôi. Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ là pháp hy hữu, cao tột, khó thể suy lường”.[6]

Tương tự, trong kinh Đại bát Niết bàn, đức Phật cũng khẳng định: “này các Tỳ kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ngươi, các Ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”.[7]

Những đoạn kinh văn trên khẳng định chứng ngộ là một sự thật và bất kỳ ai cũng có khả năng chứng ngộ nếu thực hành theo đúng lời dạy của đức Phật và chư thánh đệ tử của Ngài.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien su Sung Son 1
Thiền sư Sùng Sơn

3. Sự chứng ngộ của đức Phật và các vị đệ tử của Ngài

3.1. Sự chứng ngộ của đức Phật

Kinh Tương Ưng ghi lại lời Phật dạy như sau: “này các Tỳ kheo, với sự đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, Ta chứng ngộ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng đạt và an trú”.[8]

Đức Phật đã chứng ngộ bằng việc hành trì chính tư duy và chính tinh tấn. Ngài tuyên thuyết: “chính nhờ chính tác ý, chính nhờ chính tinh cần. Ta chứng đạt Vô thượng giải thoát. Ta chứng ngộ Vô thượng giải thoát”.[9]

Bằng việc thực hành Bát chính đạo, Ngài cũng đã chứng ngộ. Điều này được ghi lại trong Tiểu bộ kinh:

“Liễu tri mọi đau khổ,
Gột sạch nhân khát ái,
Con đường Thánh tám ngành,
Ðoạn diệt, ta chứng ngộ”.[10]

Ở một bản kinh khác, đức Phật khẳng định sự chứng ngộ của Ngài: “này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố sự liễu tri các dục, Ta tuyên bố sự liễu tri các sắc, ta tuyên bố sự liễu tri các thọ, Ta tuyên bố ngay trong hiện tại sự vô dục, tịch diệt, thanh lương không chấp thủ, Bát niết bàn”. (kinh Tăng Chi, 10 Pháp).

Rõ ràng, bằng việc thực hành, không bằng lý luận hay hý luận, đức Thế Tôn đã chứng ngộ Niết bàn, vô thượng giải thoát. Sự chứng ngộ của Ngài đến bằng nhiều phương pháp thực hành, nhưng không vượt ngoài những pháp môn mà Ngài đã tuyên thuyết trong bài pháp đầu tiên Chuyển pháp luân.[11] Đó là sự rõ biết bốn sự thật hay bốn chân lý luôn tồn tại trong thế gian này: rõ biết sự khổ, rõ biết nguyên nhân gây khổ, rõ biết có sự chấm dứt khổ và rõ biết phương pháp thực hành để chấm dứt khổ.

3.2. Sự chứng ngộ của đệ tử xuất gia

Kinh Trường Trảo[12] ghi nhận rằng, sau một thời pháp của đức Thế Tôn, Tôn giả Sariputta đã suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã thuyết cho chúng ta sự đoạn trừ các pháp ấy nhờ thắng trí. Thiện Thệ đã thuyết cho chúng ta sự tự bỏ các pháp ấy nhờ thắng trí. Khi Tôn giả Sariputta suy nghĩ như vậy, tâm (của Tôn giả) được giải thoát các lậu hoặc, không còn chấp thủ”.[13]

Cũng trong kinh Trường Trảo, du sĩ ngoại đạo Dighanakha[14] đã “thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của đức Bổn sư”.[15]

Về phía các bậc Trưởng lão Ni, Thánh ni Kisā Gotamī và Thánh ni Uppalavannā là hai trong số nhiều bậc danh ni đã chứng ngộ. Một bà Gotamī đau khổ tột cùng vì mất đứa con duy nhất. Một bà Uppalavannā muốn kết liễu thân mạng khi phát hiện mình sống kiếp chồng chung với chính con gái của mình. Hai bà, sau khi được nghe đức Thế Tôn giảng pháp, đã tự thực hành và tự chứng ngộ. Kinh điển ghi lại rằng, Thánh ni Gotamī chứng ngộ bằng việc thực hành Bát chính đạo, còn Thánh ni Uppalavannā đắc Niết bàn an ổn nhờ chuyên tâm thiền quán.[16]

Việc chứng ngộ của chư Thánh đệ tử từ việc thực hành pháp cũng được lưu lại rất nhiều trong những bản kinh theo truyền thống Bắc truyền.

Trong Trường A Hàm có viết: “bấy giờ, Ca-diệp liền ở trong Phật pháp xuất gia thọ Cụ túc giới. Rồi thì, Ca-diệp xuất gia thọ giới chưa bao lâu, bằng tín tâm, tu phạm hạnh vô thượng, ở ngay trong đời này mà tự thân chứng ngộ: sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã đứng vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa; tức thời thành A La Hán”.[17]

Tôn giả Nhị Thập Ức sau khi lắng nghe và ghi nhớ lời đức Phật dạy, “liền sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn. Tôn giả ấy sau khi sống một mình ở nơi xa vắng, tâm không buông lung, tu hành tinh tấn, liền đạt được mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, duy chỉ mong thành tựu phạm hạnh vô thượng, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự thân chứng ngộ, thành tựu và an trụ … cho đến, chứng quả A La Hán”.[18]

Như vậy, chư đệ tử xuất gia của đức Phật, sau khi lãnh thọ giới pháp từ Ngài, đã tự thực hành, thực chứng, đạt được tịch lạc an ổn là điều không thể phủ nhận.

3.3. Sự chứng ngộ của đệ tử tại gia

Nhiều vị cư sĩ tại gia thời Phật tại thế cũng ngộ nhập được pháp, đạt được an lạc, giải thoát thông qua sự thực hành những lời Phật dạy.

Một lần, khi biết tâm tịnh tín của vị gia chủ Meṇḍaka sẵn sàng đón nhận giáo pháp, đức Phật đã khai mở về bốn sự thật thế gian và ngay tại chỗ, bằng sự thiền quán của mình, vị gia chủ ấy chứng đắc pháp nhãn, không còn nhiễm bụi trần, không còn cấu uế.[19]

Bà Visākhā là nữ cư sĩ cũng đã chứng ngộ sau khi thực hành pháp. Bà Visākhā là một phụ nữ giàu có, nhân hậu và hộ trì Tăng đoàn toàn tâm toàn ý. Sau thời pháp đức Phật giảng về sự nguy hiểm của việc yêu mến tự ngã, tín nữ Visākhā quán chiếu sự vô thường và chứng quả.[20]

Rõ ràng, người cư sĩ sống đời tại gia vẫn có đầy đủ cơ hội chứng quả sau khi nghe pháp và ứng dụng thực hành. Điều này khẳng định lần nữa, chứng ngộ là một sự thật và bất kỳ người nào thực hành đúng pháp cũng đều có khả năng chứng ngộ.

Vậy từ nguyên nhân nào, Thiền sư Sùng Sơn cho rằng “muốn chứng ngộ là sai lầm”?

4. Thiền sư Sùng Sơn chỉ dạy những sai lầm

4.1. Sai lầm vì tham chấp vào “ta”

Theo Thiền sư Sùng Sơn, bất kỳ một sự dính mắc, bám víu, ôm khư khư cái tôi, cái ngã, thấy ta là thật có, thấy ta cần phải tu tập để chứng ngộ đều dẫn đến kết quả tiêu cực. Thiền sư Sùng Sơn nhấn mạnh, dù có lưu danh cho hậu thế, hay để lại tài sản vật chất cho đời sau bằng hàng tá viên xá lợi cũng chẳng quan trọng bằng hiểu được chân ngã của chính mình.[21]

Thiền sư khẳng định, chân ngã chỉ hiển hiện khi “thấy Phật bắn chết Phật, thấy Tổ bắn chết Tổ, gặp Thầy bắn chết Thầy, gặp ma bắn chết ma. Khi bắn phá triệt tiêu hết mọi tâm tưởng, sẽ liền thành Phật”.[22] Khi vắng bặt tất cả các hình tướng, biểu tượng, ngôn từ, hành động… thì ánh sáng trí huệ uyên nguyên chiếu rọi.

Câu chuyện “Frog stand” (cửa hàng bán ếch) đã chỉ ra hậu quả của việc dính mắc “ngã” của vị học trò sau khi phát biểu “con đã cứu những con ếch”. Trong khi đang ngập tràn hân hoan vì vừa làm việc thiện lành, người học trò đón nhận liền ngay kết quả mình sẽ đọa thẳng địa ngục, vì đã tự tạo ra cái ngã và tự mãn với việc “tôi đã làm điều tốt”.[23]

Thiền sư cho rằng, một khi không nhận ra sự nguy hiểm của “ta đây”, tốt nhất là dùng “cây kiếm không biết”(don’t-know sword) cắt bỏ luôn bản tâm để tránh tai ương.[24]

Theo Thiền sư, chỉ khi nào trạng thái tâm tĩnh lặng, chỉ khi nào dừng lại những vọng động, phân biệt, chỉ khi nào đừng tạo thêm dính mắc trong suy nghĩ, mới hiểu được “đâu là Phật thật và Thiên Chúa là ai” (where is the Real Buddha and what is God). Một khi thực hành tĩnh lặng, hành giả sẽ tự chứng biết chính ta là Thiên Chúa (be still, and know that I am God)”.[25]

Nhưng làm sao giữ tâm chẳng động? Thiền sư Sùng Sơn cho rằng, “tâm” chỉ là tên gọi do con người tạo ra. Chính do người tạo ra tâm, nên người cứ mãi chạy theo để giữ gìn, để nâng niu chìu chuộng, để ngoan ngoãn làm theo những gì tâm sai khiến. Do vậy, Thiền sư chỉ dạy: đừng khởi tâm (don’t make mind)[26] và chỉ giữ tâm không-biết (only keep a don’t-know mind)[27] thì còn gì đâu mà giữ cho tĩnh lặng?

4.2. Sai lầm khi dính mắc vào “pháp”

Do nhận thức có pháp đức Thế Tôn đã thuyết, và chấp nhất chỉ có pháp Thế Tôn thuyết mới là cao thượng, mới là vi diệu, mới là đưa đến an lạc, giải thoát, khiến người thực hành mắc kẹt từ pháp học cho đến pháp hành.

Thời tại thế, đức Thế Tôn đã khẳng định: “này Đại Tuệ! Chân như mà chính ta và các đức Phật đã chứng ngộ là pháp tánh thường trụ cũng lại như vậy. Thế nên, ta nói rằng: Từ khi Như Lai mới thành Phật cho đến lúc nhập Niết bàn, trong thời gian ấy, Như Lai không nói một chữ và sẽ không tuyên nói, cũng sẽ không tuyên nói một từ nào”.[28]

Tuyên ngôn Thế Tôn không nhằm phủ nhận muôn vàn lời dạy của Ngài, mà nhắm triệt tiêu thái độ tham chấp, bám víu. Khi tâm đã tràn đầy tư tưởng chỉ có Phật là số một, là duy nhất, làm sao có thể mở lòng học thêm gì nữa. Vì vậy, Thiền sư Sùng Sơn chẳng ngại ngùng bảo: ném sách vào thùng rác ngay.

Thiền sư cho rằng, hãy làm mọi điều với tâm thái chuyên nhất, định tĩnh nhất, an bình nhất, không khởi phân biệt. Ví dụ như tụng kinh, chẳng nhất thiết phải là tụng kinh của Phật giáo, tụng kinh của Lão giáo cũng được, Nho giáo cũng được, kinh của Ki tô giáo cũng được, thậm chí tụng Cola Cola, Cola Cola cũng chẳng vấn đề gì. Pháp bên ngoài không gây xáo động nhất tâm sáng suốt bên trong mới là cốt lõi của việc tu luyện.[29]

Do vậy, khi còn cố chấp các pháp là thật hữu, khi còn mắc kẹt có Bồ đề, có gương sáng, khi còn chưa thấy “mỗi hiện tượng trong vũ trụ là huyễn tưởng của các nhân duyên không ngừng biến chuyển, hoặc thuận ứng hoặc phản ứng với nhau mà hiển bày” sẽ mắc sai lầm như Lục Tổ Huệ Năng và Thủ tọa Thần Tú.[30]

Cũng như thế, khi còn móng tâm tìm hiểu Phật ăn gì, ăn rau hay ăn thịt; khi còn mãi cân phân chọn lựa ăn rau là tốt, ăn thịt là phạm giới sát sinh; khi suốt ngày mãi bận rộn bắt lỗi, hơn thua thì còn lâu xa lắm, mới hiểu được thâm ý “con trai của bạn mạnh mẽ hơn cả Phật và đích thật là một đại Thiền sư” (your baby is stronger than Buddha, and is a great Zen master).[31] Thay vào đó, Thiền sư khuyến khích, hành động và hành động trên tinh thần đại từ, đại bi, tất cả hành động chỉ để giúp đỡ nhân sinh là thái độ tu luyện tích cực, có ích.[32]

4.3. Sai lầm vì bám chặt vào cả hai: “ta” và “pháp”

Câu chuyện “Original Clothes” (Trang phục truyền thống) và “Attaining nothing part two” (Không chứng đắc, phần II) mở bung những gì còn âm ủ trong tâm những hành giả đang mắc kẹt trong việc tu tập.

Với người muốn chứng minh mình đã đạt đỉnh cao giác ngộ bằng việc chỉ mở miệng thành âm thanh vũ trụ “wo, wo, wo” hay phát biểu “ta đã chứng vô ngã, ta hoàn toàn giải thoát” (I have attained nothing-I. I am completely free), Thiền sư chẳng ngần ngại gì mà không dùng thiền trượng đánh thật mạnh, thật đau. Chỉ khi tiếng “ui da” (ouch) được bật ra, hành giả mới thức tỉnh cơn mê, mới thấy hết sai lầm tưởng chứng ngộ. [33]

Một nữ thiền sinh người Mỹ theo học pháp với Thiền sư Sùng Sơn khá lâu và nổ lực phấn đấu để trở thành Thiền sư. Cô tin rằng, phụ nữ không thua kém nam giới, phụ nữ có quyền làm Thiền sư bình đẳng như nam giới, nhưng cô sụp đổ hoàn toàn khi Ngài Sùng Sơn đã chỉ thẳng mặt cô và hét lớn: không bao giờ, chắc chắn là không vì cô là phụ nữ.[34]

Rõ ràng, còn thấy có “ta” là sai lầm, mở miệng là sai lầm, khởi tâm là sai lầm, “muốn” chứng ngộ càng sai lầm, chính là tư tưởng Thiền sư Sùng Sơn trong “wanting enlightenment is a big mistake”. Con đường tiến về an lạc giải thoát là thật có, sự giác ngộ giải thoát là thật có và chỉ thật có khi tự thực hành và thực hành, tự chứng ngộ và chứng ngộ. Con đường thực hành và chứng ngộ vắng bặt hoàn toàn bóng dáng của ngôn ngữ.

Thiền sư Sùng Sơn đã thức tỉnh, đã soi sáng cho những hành giả đã, đang và sẽ đi vào con đường tìm kiếm chân lý, giác ngộ, sự thật. Thấy biết sự thật đúng như nó đang là không gì khác hơn là phải tự thực hành.

Lời kết

Tư tưởng Thiền sư Sùng Sơn không đi ngoài toàn bộ Thánh điển mà đức Phật đã truyền giảng: lộ trình pháp học – pháp hành – pháp thành, chắc chắn sẽ thành tựu khi buông bỏ hết mọi sự dính mắc, chấp thủ. Thiền sư khẳng định: “khi thực hành pháp, hãy buông bỏ những rào cản thuộc về đời sống thế tục tầm thường. Hãy thực tập có tai như điếc, có miệng như câm, có mắt như mù. Đừng chạy theo vọng tưởng và tránh xa cám dỗ. Chính ngay khi dừng tạo tác và dứt mong cầu, chân tâm thanh tịnh, trong sáng tức thì hiển lộ”. (as you practice the Way, you have to give up this human route. You must become deaf, dumb, and blind, and refrain from chasing and avoiding things. Don’t make anything. Don’t want anything. Then your true self will be realized naturally).[35]

 

Lương Thị Thu Hường
Giảng viên – Đại học Giao thông Vận tải
Số 66/72 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 21, Quận Bình Thạnh, Tp.HCM

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt
Đại Phẩm Tập 2, Câu chuyện về gia chủ Meṇḍaka, Tỳ khưu Indacanda (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2014.
Đại Tập 134, Đại Bát Niết Bàn Kinh Nghĩa Ký, quyển 8, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Bắc, 2000.
Đại Tập 34, Kinh Chánh Pháp Hoa, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
Đại Tập 64, Kinh Đại Thừa Nhập Lăng-Già, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
Kinh Tiểu Bộ 3, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001.
Kinh Tiểu bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2015.
Kinh Trung A Hàm 2, Kinh Sa-Môn Nhị Thập Ức, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
Kinh Trung bộ tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2016.
Kinh Trường A Hàm, Kinh Lõa Hình Phạm Chí, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000.
Kinh Trường Bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2013.
Kinh Tương Ưng 1, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
Kinh Tương Ưng 2, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991.
Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Con gái Đức Phật, Nxb. Tôn giáo, 2013.
Thích Chơn Thiện, Phật học Khái luận, Nxb. Phương Đông, 2009.
Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, Nxb. Phương Đông, 2008
Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, NXB. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Bắc, 2000.
Thích Thiện Siêu, Tỏa ánh Từ quang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002.
https://thienphatgiao.org/tu-dien-phat-hoc-tue-quang-p10/
Hyon Gak Sunim (comp & ed.), Only Don’t Know: selected teaching letters of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publications, 1999.
Hyon Gak Sunim (comp & ed.), The compass of Zen, Shambhala publications, 1999.
Matthieu Ricard, On the Path to Enlightenment, Shambhala publications, 2013.
Stephen Mitchell (comp), Dropping ashes on the Buddha: the teachings of Zen Master Seung Sahn, Grove press, USA, 1976.
Zen Master Seung Sahn, The whole world id a single flower: 365 Kong-ans for everyday life, Charles E. Tuttle Company, Inc, 1992.

CHÚ THÍCH
[1] Thiền sư Seung Sahn người Hàn Quốc sinh năm 1927, trong gia đình có truyền thống đạo Tin lành. Thầy là Thiền sư Hàn Quốc đầu tiên chia sẻ giáo lý Thiền tông tại phương Tây. Với sự chứng ngộ của mình, Ngài đã hướng dẫn và cảm hóa rất nhiều tín đồ khắp thế giới. Nhiều học trò của Ngài về sau cũng chứng ngộ và tiếp tục sự nghiệp Thiền sư.
[2] Đại Tập 134, Đại Bát Niết Bàn Kinh Nghĩa Ký, quyển 8, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Bắc, 2000, trang 597.
[3] Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Bắc, 2000, trang 1044b.
[4] https://thienphatgiao.org/tu-dien-phat-hoc-tue-quang-p10/.
[5] Thích Chơn Thiện, Phật học Khái luận, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, trang 185.
[6] Đại Tập 34, Kinh Chánh Pháp Hoa, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, trang 316.
[7] Kinh Trường Bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2013, trang 313.
[8] Kinh Tương Ưng 2, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 369.
[9] Kinh Tương Ưng 1, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, trang 233.
[10] Kinh Tiểu Bộ 3, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, trang 621.
[11] Xem thêm bản kinh Chuyển Pháp luân trong kinh Tương Ưng, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam ấn hành 1993.
[12] Bản kinh Trung bộ số 74, tựa Pāli là “Dīghanakha sutta” được Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là kinh “Trường Trảo”.
[13] Kinh Trung bộ tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2016, trang 609-613.
[14] Vị này, sau khi quy y theo Phật, trở thành Thầy Câu-hy-la.
[15] Kinh Trung bộ tập I, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2016, trang 609-613.
[16] Kinh Tiểu bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2015, trang 593-599.
[17] Kinh Trường A Hàm, Kinh Lõa Hình Phạm Chí, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, trang 496.
[18] Kinh Trung A Hàm 2, Kinh Sa-Môn Nhị Thập Ức, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, trang 35.
[19] Đại Phẩm Tập 2, Câu chuyện về gia chủ Meṇḍaka, Tỳ khưu Indacanda (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2014, trang 90.
[20] Thích Thiện Siêu, Tỏa ánh Từ quang, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 2002, trang 86.
[21] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 28.
[22] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 11.
[23] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 21.
[24] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 16.
[25] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 47 và tr. 62-63.
[26] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 68.
[27] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 70.
[28] Đại Tập 64, Kinh Đại Thừa Nhập Lăng-Già, Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (dịch), Nxb. Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, Taiwan, 2000, trang 682.
[29] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 18.
[30] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 44-6
[31] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 84
[32] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 83
[33] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 26-28 và tr. 53.
[34] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 122.
[35] Hyon Gak (comp & ed.), Wanting enlightenment is a big mistake: teachings of Zen Master Seung Sahn, Shambhala publication, 2012, tr. 30.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin