Chi tiết tin tức Ứng dụng tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh của ngài Tịch Thiên (Śāntideva) trong một số lĩnh vực 20:50:00 - 06/05/2023
(PGNĐ) - Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh của ngài Tịch Thiên (Śāntideva) gồm nhiều lớp nghĩa sâu sắc và phương pháp thực hành thực tiễn. Những lời lẽ sâu sắc giàu tính văn học của tác phẩm đã truyền tải những ý nghĩa cao quý. Từ việc xây dựng một mẫu người lý tưởng với sự hoàn thiện trọn vẹn về nhân cách đạo đức và cử chỉ hành vi. Cho đến việc tu tập giải thoát giác ngộ và dấn thân giúp ích cho cuộc đời, cho chúng sanh không giới hạn. Với Bồ đề tâm kiên cố, Bồ tát thực hiện trọn vẹn lý tưởng của mình để hoàn thiện hai phương diện tự giác, giác tha hay tự lợi, lợi tha. Trên nền tảng đó, Bồ tát hướng tới sự hoàn thành viên mãn giác hạnh, thành tựu quả vị Phật. Bên cạnh mục tiêu tu tập giải thoát cao cả kể trên, tác phẩm còn diệu dụng trong một số lĩnh vực của xã hội. Bằng phương pháp đối chiếu, so sánh và phân tích trên nền tảng tư tưởng của tác phẩm, người viết nêu lên một vài ứng dụng của tác phẩm trong một số lĩnh vực: Chuyển hóa nội tâm và trị liệu tâm lý, chuyển hóa môi trường xung quanh và giáo dục nhân cách đạo đức.
DẪN NHẬP Đức Phật thuyết pháp luôn tùy căn cơ người nghe, Phật pháp cũng đối với mỗi người mà có cách nhìn nhận, thực hành khác nhau, như ví dụ về nước mưa tưới xuống cỏ cây trong phẩm Dược Thảo Dụ của Kinh Pháp Hoa. Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh của ngài Tịch Thiên (Śāntideva) cũng tương tự, bao gồm nhiều lớp nghĩa sâu sắc và phương pháp thực hành thực tiễn. Mỗi người đều có thể tiếp nhận rồi ứng dụng theo mức độ hiểu và căn tính của bản thân. Từ đó thay đổi chính mình từ nhận thức, tư duy cho đến hành động trên bước đường giải thoát khỏi khổ đau. SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ TỊCH THIÊN VÀ TÁC PHẨM NHẬP BỒ TÁT HẠNH. Tịch Thiên (寂天, Śāntideva), là một cao tăng, triết gia, thi sĩ, ngài sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ VII đến giữa thế thứ VIII. Các tác phẩm của ngài mang tư tưởng Phật giáo ứng dụng đặc trưng riêng, nhấn mạnh tính thiết thực của giáo pháp Phật dạy. Những tác phẩm này có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Phật giáo Tây Tạng nói riêng và giới nghiên cứu, ứng dụng Phật học trên toàn thế giới nói chung. Tuy nhiên, có rất ít thông tin lịch sử đáng tin cậy về cuộc đời của Tịch Thiên. Người ta thường biết về ngài qua hai tác phẩm quý báu ngài để lại cho đời là Śikṣāsamuccaya và Bodhicaryāvatāra. Trong đó, Śikṣāsamuccaya là một tuyển tập các trích dẫn từ Kinh điển Đại Thừa với lời bình của Śāntideva, tác phẩm này có giá trị phong phú về mặt trí tuệ. Bodhicaryāvatāra là tác phẩm nổi tiếng hơn của ngài đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới và là công trình triết học vĩ đại của Śāntideva. Tác phẩm Bodhicaryāvatāra được dịch ra ba bản Việt ngữ bao gồm: 1. Nhập hạnh Bồ tát của Nguyên Hiển dịch, 2. Bồ tát Hạnh của Thích Trí Siêu dịch và 3. Nhập Bồ tát Hạnh của Thích Nữ Trí Hải dịch từ bản Hoa ngữ của Trần Ngọc Giao. Trong đó, bản dịch của Thích Trí Siêu là có giọng văn gần gũi, súc tích, dễ đọc hiểu và giàu cảm xúc nhất, cũng là bản dịch được sử dụng trích dẫn chính trong bài viết này. Gắn liền với sự nổi tiếng của tác phẩm Bodhicaryāvatāra là câu chuyện lịch sử và huyền thoại về nguyên nhân Śāntideva viết tác phẩm. Câu chuyện trên có nhiều phiên bản khác nhau, mang cả màu sắc huyễn hoặc nhằm nâng cao giá trị của tác phẩm. Những đặc điểm xuyên suốt được lặp đi lặp lại về Śāntideva và tác phẩm được tổng hợp như sau: Ngài thường bị coi thường trước khi tiết lộ thân phận trong một hoàn cảnh kịch tính. Khi còn là học Tăng ở trường Nalanda, do người ta chỉ thấy ngài làm ba việc duy nhất là ăn, ngủ và đi vệ sinh nên ngài được đặt tên là Bhusuku, chỉ cho đặc điểm trên của ngài với sự coi thường của mọi người. Hay khi ngài lấy tên là Acalasena vào phục vụ cho nhà vua và luôn mang theo một thanh kiếm gỗ. Những người khác ghen tỵ với ngài nên đã nói với nhà vua thanh kiếm gỗ làm gì có ích lợi. Nhà vua cũng tin vậy cho tới khi ngài tiết lộ thần lực. Tiếp theo là việc Śāntideva từ bỏ ngai vị để tìm cầu giải thoát và có một người phụ nữ giúp ngài từ bỏ con đường khổ hạnh bằng cách dâng nước và thực phẩm. Ngài rất sùng mộ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, vị Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ. Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh cũng được ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi mà hội chúng cố ý làm bẽ mặt ngài nên đã yêu cầu ngài tuyên thuyết Phật pháp. Ngài hỏi hội chúng là muốn nghe những điều đã được nói ra trước đây hay những điều chưa từng nói. Hội chúng yêu cầu những điều chưa từng nói và chuẩn bị cho ngài một tòa sư tử rất cao – tòa thuyết giảng cao quý vinh dự. Ai cũng tưởng rằng ngài không thể lên được nhưng ngài đã bay lên tòa cao và tuyên tụng một tác phẩm thơ ca vĩ đại nhất từng được sáng tác bằng tiếng Phạn. Tác phẩm Bodhicaryāvatāra gồm mười chương chứa đựng thơ văn tuyệt diệu, giàu cảm xúc và lý luận cùng phương pháp thực hành sâu sắc. Bắt đầu từ việc xưng tán Bồ đề tâm cho đến sám hối chuẩn bị hành trang phát nguyện và thực hành Bồ đề tâm. Sau đó là hành trì Ba-la-mật thành tựu lý tưởng Bồ tát và cuối cùng là hồi hướng công đức. Bồ tát hạnh còn ẩn chứa một triết lý đạo đức xã hội với nhiều ý nghĩa quý báu, có giá trị thiết thực để xây dựng một con người vĩ đại, một thánh nhân, một bậc giải thoát, là nền tảng cho xã hội đạo đức lý tưởng với niềm hạnh phúc ngập tràn. Từ nền tảng những triết lý của tác phẩm, người viết xin trình bày một vài ứng dụng có tính khả thi trong vài lĩnh vực xã hội trong các phần tiếp theo của bài viết. CHUYỂN HOÁ NỘI TÂM VÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ Đối với ngành tâm lý học Tây phương, nếu loại trừ phương pháp trị liệu bằng thuốc, liên quan tới y học thần kinh nhằm ức chế hoặc kích hoạt một số nội tiết tố tương ứng để giải quyết các vấn đề cấp bách như trầm cảm nặng, ý định tự tử, tâm thần… thì việc trị liệu tâm lý của Tây phương so với sự tu tập chuyển hóa nội tâm có phần nào đó tương ứng. Thế nhưng, việc tu tập chuyển hóa nội tâm của Phật giáo mang ý nghĩa sâu sắc với các hạt giống phiền não sâu cạn khác nhau, giải quyết các vấn đề gốc rễ hơn. Tâm lý học Tây phương có sự giải thích nguyên lý bệnh sinh và phương pháp điều trị có điểm khác biệt. Nhưng đối với các trường phái trị liệu có quan điểm mấu chốt là thay đổi nhận thức để dẫn đến thay đổi hành vi và khơi dậy những điểm tốt đẹp vốn có bên trong mỗi con người. Điều này có nét tương đồng đối với trị liệu tâm lý học Phật giáo. Vậy tác phẩm Bồ tát hạnh có thể áp dụng cho việc tu tập chuyển hóa nội tâm đối với Phật giáo nói riêng và trị liệu tâm lý con người nói chung như thế nào? Đầu tiên, tác phẩm Bồ tát hạnh là một con đường hoàn thiện nhân cách con người trọn vẹn, cao tột vượt ra ngoài tư duy thường tình, dựa trên lý tưởng của một Bồ tát. Điều này giải quyết ngay từ gốc rễ của nguyên nhân xảy ra các vấn đề tâm lý. Bởi lẽ nếu xét theo nguyên lý bệnh sinh của một số trường phái Tâm lý học Tây phương có thể dễ dàng nhận ra rằng, mọi trường phái đều xây dựng cho mình một cấu trúc nhân cách, phương thức hoàn thiện cấu trúc nhân cách và những thiếu sót của cấu trúc nhân cách sẽ tạo ra những vấn đề tâm lý (loại trừ những nguyên nhân sinh học và gen di truyền). Thứ hai, tác phẩm còn nói đến phương pháp kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người cùng với niềm tin vào chư Phật, chư Bồ tát ba đời. Nhờ vào việc kích hoạt các năng lượng của tự lực và tha lực này, việc tu tập trở nên dễ dàng hơn, hoàn thiện việc chuyển hóa thân tâm trở thành bậc thánh nhân, huống hồ chỉ vài vấn đề tâm lý thường nhật thì việc chữa lành cũng không thành vấn đề. Những sức mạnh tiềm ẩn của con người cũng được các trường phái tâm lý Tây phương coi trọng. Thứ ba, chuyển hóa năng lượng của khổ đau thành động lực, các câu kệ từ 38 đến 40 của chương 4, tác giả đã so sánh việc một chiến sĩ chịu những vết thương và coi đó là vinh quang hay một con người chài lưới hay nông phu cũng có thể chịu đựng khổ cực. Chẳng lẽ là một người thực hành đại sự của Bồ tát lại không biết chịu đựng chút khổ cực để hoàn thành mục tiêu cao cả hay sao? [1]. Đây là một phương pháp hữu hiệu trong trị liệu tâm lý. Khi mà người bệnh đang trong tình trạng thiếu hụt năng lượng yên bình do một nguyên nhân nào đó. Những năng lượng khổ đau khi người bệnh gánh chịu được chuyển hóa thành động lực để cố gắng thì khả năng chữa lành của vấn đề được tăng lên nhiều lần. Thứ tư, mọi hoàn cảnh đối với Bồ tát đều là tốt đẹp, ta phải nhìn hoàn cảnh theo góc độ hợp lý để tìm ra điều tốt đẹp đó. Kể cả đau khổ cũng có điều tốt đẹp, bởi “đau khổ nhiều khi cũng đem lại lợi ích: Nó đẹp trừ kiêu mạn, khai mở lòng thương người (đau khổ), ghê sợ tội lỗi và tăng trưởng đức tin nơi chư Phật”[2]. Đó là một nguồn lực quan trọng trong việc trị liệu trầm cảm và stress – hai vấn đề tâm lý của thời đại. Điều này giúp người bệnh nhận thức được mặt tốt đẹp của vấn đề. Trong khi nguyên lý bệnh sinh của hai chứng này chủ yếu là thái độ tiêu cực và cái nhìn thiếu đúng đắn khi một sự kiện xảy ra. Việc này cũng khá tương đồng với phương pháp trị liệu trầm cảm, stress của trường phái Nhận thức hành vi [3]. Thứ năm, phương pháp tự kỷ ám thị. Trong quá trình tu tập và cuộc sống, có rất nhiều yếu tố chi phối bản thân, đặc biệt là những niềm vui trước mắt. Những niềm vui này làm cho hành giả si mê, xao lãng, có tâm lý so sánh với con đường mình đang di. Họ cho rằng con đường mình đang đi là khổ đau, còn niềm vui trước mắt là thực sự, từ đó mà chuyển đổi thiện tâm ban đầu, rồi gặp các vấn đề. Vì vậy, phải tích cực tự tạo động lực cho bản thân, bằng cách quán tưởng niềm vui của việc từ bỏ si mê hay hạnh phúc khi chúng sanh hạnh phúc. Khi từ bỏ si mê tới đâu thì niềm vui xuất hiện tới đó và khi si mê bị nhổ bỏ hoàn toàn, nó sẽ không quay trở lại. Việc trị liệu này không chỉ dừng lại ở việc tự ám thị về những niềm vui chân thật mà từ đó có thể tạo ra năng lượng hạnh phúc chân thật bằng trải nghiệm thực tế, thay thế những niềm vui bền vững vào những niềm vui trước mắt. Thứ sáu, tỉ lệ tự tử do các vấn đề tâm lý ngày nay ở con người là rất cao. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử, kết thúc sinh mạng. Tác phẩm xây dựng niềm tin vào sự quý báu của thân người. Thân người có được là do sự hội tụ của nhiều nhân lành trong những kiếp quá khứ, không phải dễ dàng mà có được thân người, có được thân người đã khó, có thân người đầy đủ các căn, trí tuệ đầy đủ lại càng khó hơn nữa. Một câu cảm thán giàu cảm xúc trong tác phẩm diễn tả ý nghĩa này: “Ôi! Từ đây cuộc đời ta đầy ý nghĩa, ta không được bỏ lỡ cơ hội làm người. Ngay ngày hôm nay đây, ta được sinh ra trong gia đình của Phật và làm con trai của Phật” [4]. Vì nếu từ bỏ, không biết tận dụng cơ hội này thì: “Biết đến bao giờ ta mới có lại được những duyên lành hy hữu như: mang thân người, gặp được Phật, có lòng tin, đầy đủ các căn để tu hành?” [5]. Niềm tin vào chính bản thân, vào thân người quý giá trong tác phẩm cũng tương đồng với lời dạy của Phật trong Kinh Tương Ưng: “Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỳ kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại” [6]. Khi xây dựng được niềm tin vào sự quý giá của thân người như trên thì việc tự tử từ bỏ thân mạng sẽ khó mà xảy ra. Thứ bảy, nhìn nhận về khổ đau và hạnh phúc. Cuộc sống luôn tồn tại hai mặt của vấn đề, khổ đau và hạnh phúc cũng là hai khái niệm tương tức. Mỗi người, mỗi sự kiện xung quanh chúng ta cũng vậy, cho nên nếu muốn sống trong đời vây quanh bởi những điều tích cực, tâm ta cần phải hướng đến những điều ấy. Mặt khác, tác phẩm cho thấy niềm vui của Bồ tát cũng chính là niềm vui của chúng sanh. Nếu chỉ biết vui với chính mình, niềm vui ấy nhỏ bé và ít ỏi biết bao, nhưng nếu đem niềm vui của chúng sanh làm niềm vui của mình, chẳng phải số lượng niềm vui là không thể tính kể bởi chúng sanh cũng vô số lượng hay sao? Như vậy thì cuộc sống luôn tràn đầy năng lượng tích cực, hỷ lạc, làm sao có thể khổ đau bởi sự chi phối của các vấn đề tâm lý thường tình. Cuối cùng, một vấn đề tâm lý quan trọng mà con người của thời hiện đại, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên dễ gặp phải đó là sự chênh vênh, hoài nghi về cuộc sống và bản thân. Những suy nghĩ định hình nhân cách, lý tưởng sống, giá trị sống, sự suy tư về hình ảnh cá nhân và giá trị tôn thờ. Tất cả những điều này được tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh giải quyết bằng việc đưa ra một lý tưởng “vị nhân sinh” hoàn hảo, dâng hiến bản thân, dâng hiến đời mình cho lý tưởng phụng sự. Từ đó, hoàn thiện lý tưởng và nhân cách cao thượng, trở thành một nhân tố cao đẹp xây dựng xã hội. Trên đây là những nguồn lực, những phương pháp mà tác phẩm Bồ tát hạnh có thể đem lại đối với việc trị liệu tâm lý, giải quyết các bệnh tâm lý của thời đại hay những vấn đề tâm lý thường ngày hay gặp phải. Không những mang giá trị cho riêng mỗi cá nhân, tác phẩm hướng đến vô lượng chúng sanh, hướng đến cộng đồng. Cũng vì vậy, ngoài việc chuyển hóa nội tâm và trị liệu tâm lý, tác phẩm còn có khả năng ứng dụng để chuyển hóa môi trường xung quanh. CHUYỂN HOÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH Xu hướng sống chinh phục thế giới tự nhiên để thỏa mãn nhu cầu của con người thời đại ngày nay dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường xung quanh. Trên con đường chinh phục thế giới và phát triển vật chất, đời sống con người ngày càng bị vật chất và máy móc hóa. Có thể dễ dàng nhận thấy môi trường sống đang ô nhiễm ở mức báo động trên nhiều phương diện. Đời sống vật chất thăng hoa, công nghệ phát triển vượt bậc nhưng ngược lại, đạo đức xã hội và tâm lý con người lại gặp nhiều tha hóa. Ngày càng có nhiều vấn đề tâm lý xuất hiện với mức độ ngày càng nghiêm trọng, các vấn đề vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội cũng ngày càng nhiều hơn. Chung quy lại, con người của thời đại đang quá tập trung xây dựng phát triển đời sống vật chất mà đời sống bị ô nhiễm từ thế giới xung quanh cho đến tâm lý, nhân cách con người. Khi đã định hướng xây dựng được một nhân cách cao đẹp, một con người hướng thiện, bản thân người đó là một dòng suối mát, một nơi chứa đựng những gì thanh tịnh tốt đẹp. Khi gần những người như vậy, tha nhân sẽ cảm nhận được năng lượng yên bình tỏa ra một cách chân thật. Đó mới chỉ là sự tiếp xúc hay ở gần với cá nhân người sống và tu tập theo Bồ tát hạnh, huống hồ người này còn đem đại nguyện phụng sự nhân sinh thì những ích lợi vô cùng vô tận. Cũng như ý nghĩa nhan đề của tác phẩm Một tia sáng chớp trong đêm tối [7] của đức Đạt-lai-đạt-ma khi giảng về tác phẩm Bồ tát hạnh, giữa thế gian tối tăm của vô minh, nóng bức của sân hận, tác phẩm xuất hiện như một tia sáng lóe lên xua tan mọi âm u, nóng bức của thế gian. Ánh sáng dịu ngọt và năng lượng thanh lương đó xuất phát từ trái tim và khối óc vĩ đại, quý báu của một vị Bồ tát khi dấn thân vào cuộc đời. Tác giả cho rằng có sự chuyển hóa và lợi lạc thông giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội con người. Đối với môi trường tự nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng gần gũi nhất để chúng ta biết rằng, thế giới tự nhiên đang lên tiếng cho những hành động tàn phá quá độ của con người. Bên cạnh đó, những năm trở lại đây các con số báo động về dịch bệnh, thiên tai trên toàn cầu đều không ngừng tăng lên. Nếu chúng ta cứ tiếp tục nuông chiều tham vọng chinh phục tự nhiên, phục vụ nhu cầu con người một cách vô tội vạ, phải chăng là đang tự hủy diệt chính mình? Thế nhưng, không phải thế giới không nhận ra vấn đề, có một bộ phận người đã lên tiếng và ngày càng cố gắng hơn để thay đổi vấn đề trên, và họ tìm thấy một điểm sáng trong giáo lý nhà Phật nói riêng và các tôn giáo nói chung trong việc giải quyết các vấn đề, sự thành lập ngành khoa học Sinh thái học – tôn giáo là minh chứng cho việc này. Tác phẩm Bồ tát hạnh cũng mang trong mình nhiều yếu tố để khai thác trong việc xử lý vấn nạn môi trường tự nhiên bị tàn phá. Năng lượng của vị Bồ tát lan tỏa đến khắp nơi, kể cả cây cối, ngọn cỏ, côn trùng. Với quan điểm của tác phẩm về mối tương quan nhân duyên của con người với vạn pháp, xâm hại môi trường tự nhiên cũng chính là phá hoại đời sống của con người. Bồ tát với trái tim và hành động bất hại dấn thân vào cuộc đời sẽ mở ra một hướng giải quyết vấn đề đầy tiềm năng. Đối với môi trường xã hội, chỉ có một người đem lý tưởng Bồ tát mà phụng sự nhân sinh thôi, kết quả đã vô cùng tốt đẹp rồi. Thử tưởng tượng một xã hội lý tưởng với toàn những con người thực hành theo Bồ tát hạnh, xã hội con người có khác gì cảnh giới Tây phương cực lạc hay Thanh tịnh lưu ly của Phật Dược Sư. Tại sao không xây dựng một Tịnh Độ nơi hiện tiền mà còn phải trông chờ tương lai xa vời chi nữa? Điều này nói ra có phần bị chê trách là mộng mơ, là lý tưởng hóa, là huyễn cảnh xa vời. Nhưng những gì cần làm đã được chỉ dạy, nếu bản thân mỗi con người quyết tâm thực hiện thì mỗi đời sống của cá nhân là một tiểu quốc Tịnh Độ, mỗi gia đình là một gia đình Tịnh Độ, mỗi quốc gia và cả thế giới đều là Tịnh Độ trần gian. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH ĐẠO ĐỨC Tổng quan toàn bộ tác phẩm như một giáo án chi tiết trong việc giáo dục nhân cách con người. Trải qua các bước rõ ràng, tác phẩm trình bày phương pháp gạn lọc thân tâm của một người bình thường rồi dần trở nên thánh nhân, giải thoát. Phương pháp này hoàn thiện nhân cách từ sâu bên trong tâm thức cho đến những hành động lời nói bên ngoài. Đây là một giáo án tuyệt diệu cho việc giáo dục con người từ nhận thức, tư duy đến hành động với mục tiêu không những đem lại một con người lý tưởng có ích cho xã hội trọn vẹn mà còn là đào tạo một thánh nhân, một bậc giải thoát. Tác phẩm nhấn mạnh thực hành ứng dụng, bao gồm những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để hiện thực hóa những lý tưởng cao quý. Nó còn bao gồm nhiều hướng dẫn về nghệ thuật và nguyên lý sống cao đẹp. Đối với tổng thể, tác phẩm thông qua các chương sắp xếp một cách logic để giáo dục theo trình tự, và trong mỗi bước lại nêu lên chi tiết phương pháp thực hành của bước đó: Đầu tiên là xưng tán Bồ đề tâm, xưng tán chư Phật chư Bồ tát nhằm đem lại niềm tin mãnh liệt vào những gì tốt đẹp và chấp nhận tìm tòi, nghiên cứu con đường lý tưởng của một Bồ tát. Để chứa đựng những gì tốt đẹp trong sạch, hành giả chuẩn bị cho mình một bể chứa thanh tịnh từ thân đến tâm. Vì vậy, tiếp theo là thực hành sám hối nhằm tiêu trừ mọi tội chướng, thanh thịnh thân tâm. Sau khi sám hối thanh tịnh rồi, hành giả đem tâm thanh tịnh đó ngẫm nghĩ sâu sắc những ý nghĩa của Bồ đề tâm để rồi dõng mãnh phát những đại nguyện về tâm Bồ đề. Những lời phát nguyện sâu sắc của tác phẩm thay đổi nhận thức của hành giả từ sâu bên trong, làm nền tảng cho sự thực hành Bồ đề tâm và vượt qua mọi trở ngại trên con đường thực hành đó. Khi đã phát tâm dõng mãnh xây dựng niềm tin và phát triển hạt giống Bồ đề tâm, hành giả phải thực hành Bồ đề tâm hạnh. Tới đây, tác phẩm giáo dục hoàn thiện dựa trên tiến trình niềm tin – nhận thức – hành động, mang lại giá trị thực tiễn bằng những hành động thiết thực. Không những vậy, hành giả còn phải thực hành các Ba-la-mật được nhắc đến trong các chương sau của tác phẩm, như những viên gạch xây nên tòa thành Bồ đề vững chắc. Tác phẩm còn là phương cách hoàn thiện nhân cách đạo đức từ đạo đức giới luật tới đạo đức vị tha khi luôn hướng đến lợi ích của vô lượng chúng sanh và hồi hướng công đức lành đến chúng sanh ở chương cuối của tác phẩm. Thông qua sự sắp xếp kết cấu của tác phẩm và sự lý luận logic, đầy tính văn học và ứng dụng thực hành của tác giả trong toàn bộ tác phẩm. Việc sử dụng Bồ tát hạnh như một giáo án giáo dục nhân cách đạo đức nhằm hoàn thiện một nhân cách lý tưởng, xây dựng nền đạo đức xã hội tốt đẹp là hoàn toàn phù hợp. KẾT LUẬN Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh là một giáo án hoàn thiện cho con đường học tập và thực hành để trở thành một nhân cách cao thượng, giải thoát ngay giữa đời thường. Những chương được xây dựng, những lời lẽ được sắp xếp khoa học không những đưa ra những lý thuyết suy luận mà còn trình bày con đường thực tiễn mà mỗi người hướng tới. Bắt đầu từ việc thanh lọc thân tâm, hành giả bắt đầu phát Bồ đề tâm nguyện rồi hành Bồ đề tâm hạnh và Ba-la-mật cho đến khi hoàn thiện lý tưởng Bồ tát đạt quả vị Phật. Bên cạnh những ứng dụng trong việc tu tập hướng tới giải thoát, người viết dưới góc độ ứng dụng tác phẩm vào tâm lý trị liệu cũng đã nêu lên vài điểm tương đồng trong tư tưởng của các phẩm đối với nguyên lý bệnh sinh và hướng điều trị. Từ đó trình bày một số ích lợi, tiềm năng của tác phẩm trong áp dụng vào việc trị liệu tâm lý. Tác phẩm là một phương tiện tuyệt vời cho mọi trường hợp trị liệu nếu biết khai thác ứng dụng nhằm giải quyết gốc rễ của các vấn đề, dựa trên việc hoàn thiện cấu trúc nhân cách với niềm tin và trách nhiệm với bản thân được chú trọng và phương pháp tư duy hướng tới lợi ích của tha nhân, hạn chế tư duy hữu ngã. Cùng với đó là khả năng khơi dậy, nuôi dưỡng những tiềm năng tích cực trong tự lực và tha lực, tận dụng triệt để trước tiên là khả năng trị liệu những vấn đề tâm lý và sau đó là thực hành hướng tới giải thoát. Người viết mong rằng sẽ có những thực nghiệm trong tương lai cho những phương pháp trên đối với bản thân và xã hội nhằm đem lại lợi ích thực tế. Từ đó có thể hệ thống hóa và đưa ra phương thức chặt chẽ hơn cho việc trị liệu chứ không đơn thuần là những phát hiện và suy luận như trên. Như vậy, tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh đã mở ra hướng xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người với những phẩm chất tốt đẹp thông qua một giáo án giáo dục hoàn thiện từ nhận thức, tư duy và chú trọng thực hành. Trị liệu gốc rễ các vấn đề tâm lý, sai lệch đạo đức với những phương pháp kích hoạt năng lượng tích cực tiềm ẩn và phương pháp tư duy và sự huấn luyện tâm thích hợp. Từ việc xây dựng nhân cách đạo đức, trị liệu tâm lý, tác phẩm mở ra con đường hoàn thiện một con người lý tưởng, một nguồn năng lượng tích cực giữa cuộc đời, góp phần chuyển hóa môi trường xung quanh từ tự nhiên đến xã hội. Người viết xin nhắc lại lời chỉ dẫn sử dụng tác phẩm rất ý nghĩa của TT. Thích Nhật Từ, trong lời giới thiệu tác phẩm dịch của dịch giả Thích Trí Siêu để kết thúc cho bài viết này: “Tôi đề nghị người đọc không nên đọc tác phẩm này với thói quen cầu phước mà hãy tập trung vào nội dung, nghiền ngẫm các khái niệm, câu chữ và triết lý trong từng câu… Mỗi khi rơi vào chán nản, thất vọng, tuyệt vọng, lo âu, sợ hãi, mất phương hướng, hoang mang, nói chung các tâm lý tiêu cực và hủy diệt thì hãy chịu khó nghiền ngẫm các thi kệ thích hợp, chắc chắn người đọc sẽ tìm ra giải pháp giúp mình vượt qua nỗi khổ niềm đau” [8]. Mong rằng bài viết phần nào giúp ích trong việc thực hành hằng ngày cho chính bản thân người viết và những ai có dịp tham khảo.
Tịnh Đạo/TCVHPG408Chú thích và tài liệu tham khảo: [1] Śāntideva, Thích Trí Siêu (dịch), Bồ tát hạnh, chương 4, câu 38 đến câu 40, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr.23. (Bài viết trích dẫn chủ yếu từ tác phẩm này, cho nên duy nhất tác phẩm được nhắc đến dưới dạng sách đã dẫn (Sđd) trong toàn bộ bài viết) [2] Sđd, chương 6, câu 21, tr.39. [3] Nhận thức hành vi là một trong những trường phái lớn của Tâm lý học phương Tây. Họ giải thích nguyên nhân gây bệnh là những lỗi trong nhận thức khi đối mặt với vấn đề tạo ra “sự kiện gây stress” và phương pháp của họ cũng là từng bước thay đổi nhận thức cho bệnh nhân để dần chấp nhận và tìm ra cái nhìn đúng đắn trong vấn đề đang gặp phải rồi thay đổi thái độ dần dần. (tổng hợp từ tài liệu bài giảng của Lê Nguyễn Anh Khôi trong học phần Stress & cách ứng phó tại khoa Tâm lý học trường Đại học Văn Hiến, bài giảng được biên soạn từ: A Clinical Guide to the Treatment of the Human Stress Response (George Everly & Jeffrey Lating, 2013, Springer Pub.) [4] Sđd, chương 3, câu 25, tr.17. [5] Sđd, chương 4, câu 15, tr.21. [6] Nguyên bản: Pali – Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập II, V. Phẩm Vực Thẳm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, tr.811. [7] Anh dịch: Hội Padmakara, A Flash Of Lightning In The Dark Of Night, Đoàn Phụng Mệnh (Việt dịch), Một tia sấm chớp sáng trong đêm tối, Nxb Thiện Tri Thức, 1999. [8] Sđd, trích phần lời giới thiệu đầu sách.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |