Chi tiết tin tức Ảnh hưởng của Phật giáo về quan hệ, ứng xử trong xã hội Việt Nam 08:26:00 - 08/10/2022
(PGNĐ) - Xét về mặt tư tưởng, sự ảnh hưởng rõ nét nhất của tư tưởng nhà Phật đối với tư tưởng người Việt chính là triết lý về “nghiệp báo” hay theo cách gọi thông thường chính là luật nhân quả. Khi quan sát thể giới bên ngoài Phật giáo đã nhìn ra một mối quan hệ phổ biến, cơ bản giữa các sự vật, hiện tượng, đó là mối quan hệ nhân – duyên – quả. Thuyết này là sự phản ánh khái quát, rút ra từ thể giới hiện tượng, đặc biệt là khi xem xét sự phát triển của tự nhiên. Cách nhận thức này phù hợp với quan niệm của người Việt Nam, đã góp phần xây dựng một cách suy nghĩ mang tính chất nhân quả của người Việt, để nhìn con người, cuộc sống, vạn vật: “nhân nào quả nấy”, “gieo gió, gặp bão”, “ở hiền gặp lành”… Có thể nói hầu hết người Việt đều chịu ảnh hưởng của giáo lý này. Điều này được thể hiện qua cách nhìn nhận và đánh giá sự vật, qua cách đối nhân xử thế, ứng xử giữa con người với con người.”
Một điểm mà chúng ta thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo đến tư duy người Việt đó là lối tư duy tĩnh trong triết lý Phật giáo, “dĩ tâm truyền tâm”. Điều này rất gần gũi với lối tư duy hướng nội của dân tộc ta. Khi tiếp xúc với Phật giáo, cách suy nghĩ này lại càng được vận dụng. Do đạo Phật quan niệm “vạn vật đồng nhất thể” nên bản thể vũ trụ cũng tiềm ẩn trong mỗi con người. Vì vậy, khi chúng ta dung hòa sự tồn tại của mỗi cá nhân với cái chung, chúng ta và thế giới trở thành một. Để đạt được điều này cần phải có trí tuệ. Nhưng để đạt được điều đó, mỗi người đều phải mở mang trí óc và “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, mà bước đầu tiên là phải chuyển biến đạo đức theo hướng đúng đắn. Điều này phù hợp với người Việt Nam, những người có truyền thống có xu hướng bồi đắp nhân cách, đạo đức và đạo đức. Điều này cho phép người Việt Nam trong cuộc sống biết trân trọng bằng trái tim và sống tình cảm. Cách nghĩ, cách sống chan chứa tình cảm một mặt giúp nhân dân ta vượt qua khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, sống hướng thiện … Về vấn đề đạo lý, có thể nói giáo lí về đạo đức của nhà Phật và những chuẩn mực đạo đức của người Việt có sự gần gũi với nhau. Trước hết, chúng ta thấy rằng giáo lí “từ bi, hỷ, xả”, tinh thần hiếu hoà, hiếu sinh, lòng vị tha đã ảnh hưởng và thấm nhuần trong tâm hồn, cách hành xử của người Việt. Nguyễn Trãi đã dùng nhân nghĩa đề làm kế sách trị nước của mình: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Hay: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn (Trích “Bình ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi) Khi thắng quân xâm lược, bắt được tù bình nhà Minh, quân ta không những không giết mà còn cho chúng đường thoát thân: “Thần vũ chẳng giết hại (Trích “Bình ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi) Người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu sắc đạo lý tứ ân của Phật giáo, gồm ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân chúng sinh. Đạo lý này được xây dựng theo một trình tự phù hợp với bước phát triển tâm lý, tình cảm của dân tộc Việt. Tình thương ở mọi người bắt đầu từ thân đến xa, từ tình thương cha mẹ, họ hàng lan dẫn đến tình thương trong các mối quan hệ xã hội với thầy bạn đồng bào, quê hương, đất nước và mở rộng đến cuộc sống của nhân loại trên vũ trụ này. Đặc biệt trong đạo lý tứ ân ta thấy ân cha mẹ là nổi bật và ảnh hưởng rất sâu đậm trong tình cảm và đạo lý của người Việt. Là người Việt Nam không thể không hiếu kính cha mẹ, niềm tri ơn và báo ơn ấy đã trở thành bản tính tự nhiên, ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt… Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng này hiện nay vẫn còn rất rõ ở lễ hội Vu Lan vào Rằm (15) tháng Bảy hàng năm. Tuy mức độ cảm nhận của mỗi người là khác nhau nhưng ít nhiều ai cũng hiểu đó là ngày lễ con cái bày tỏ lòng hiếu thảo của mình với cha mẹ. Bên cạnh đạo lý ấy, Phật giáo đề ra những yêu cầu đạo đức đối với con người, cụ thể cho từng loại người là người đời và người phật tử, đối với người đời Phật giáo đề ra bảy quan hệ cơ bản trong cuộc sống đời thường, là quan hệ giữa người con đối với cha mẹ, quan hệ thầy trò, quan hệ vợ chồng, quan hệ bạn bè, quan hệ với bề trên, quan hệ với bề dưới, quan hệ giữa nô bộc với chủ, nó đã ảnh hưởng nhất định đến đạo đức lối sống của người Việt Nam. Nội dung 1. Trong quan hệ giữa con cái đối với cha mẹ, Phật giáo cho rằng: “…có năm cách người con phải phụng dưỡng cha mẹ là: Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời… Được con phụng dưỡng như vậy…cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện dạy con nghề nghiệp; cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của cải thừa tự cho con” [1, tr262]. Quan niệm này của Phật giáo đã ảnh hưởng đến con người Việt Nam, người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình của mình, các phẩm chất đạo đức được hình thành chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ, cha mẹ dạy từ lời ăn tiếng nói, dạy con làm những điều tốt, có ích cho bản thân và xã hội, đồng thời cha mẹ cũng là người ngăn ta làm điều xấu nuôi con ăn học đến khi lớn, giúp con cái có một nghề nghiệp ổn định, dựng vợ gả chồng cho con và thường sau đó cho con một số tài sản để sinh sống, ngược lại con cái biết vâng lời cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ già yếu, sự nuôi dưỡng, kính trọng cha mẹ còn được luật pháp Việt Nam ngày nay quy định. Đến khi cha mẹ mất, người theo đạo Phật ở Việt Nam thường thỉnh các vị sư đến đọc kinh để mong muốn linh hồn cha mẹ được siêu thoát. 2. Trong quan hệ thầy tròTrong quan hệ thầy trò, Phật giáo cho rằng: “…có năm cách đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng… là: Đứng dậy, hầu hạ sư trưởng; hăng hái học tập; tự phục vụ sư trưởng; chú tâm học hỏi nghề nghiệp… Được đệ tử phụng dưỡng, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục mọi loại nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; đảm bảo cho đệ tử nghề nghiệp về mọi mặt” [1, tr263]. Lời Phật dạy đến ngày nay còn ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò ở Việt Nam, trong các trường học ở Việt Nam hiện nay, những người thầy luôn hết lòng vì học trò, truyền đạt hết kiến thức mà mình nắm được, mong muốn học trò của mình lĩnh hội được, và học trò thì luôn kính trọng người thầy, thể hiện ở truyền thống “tôn sư trọng đạo”. 3. Trong quan hệ vợ chồngTrong quan hệ vợ chồng, đức Phật dạy rằng: “…Có năm cách người chồng phải đối xử với vợ… là: Kính trọng vợ; không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ… Được người chồng đối xử như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc” [1, tr264]. Ảnh hưởng của Phật giáo, nhìn chung ở Việt Nam quan hệ vợ chồng là chung thủy, yêu thương, kính trọng nhau không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn được quy định trong luật pháp của Việt Nam, với chế độ hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, phải yêu thương, có trách nhiệm với gia đình. 4. Trong quan hệ bạn bèTrong quan hệ bạn bè, đức Phật dạy: “…bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật” [1, tr265]. Con người ai cũng có những người bạn tốt và xấu, người Việt Nam quan niệm “chọn bạn mà chơi”, “Đã là bạn suốt đời là bạn, đừng như sông lúc cạn lúc đầy” đó là những người bạn biết chia sẻ, giúp đỡ ở bên ta trong mọi hoàn cảnh, ta thấy quan niệm này của người Việt không chỉ là sự đúc kết của cha ông mà còn do ảnh hưởng từ các hệ tư tưởng, tôn giáo bên ngoài, trong đó có Phật giáo. 5. Trong quan hệ với bề trênTrong quan hệ với bề trên (tức các vị sa môn) Phật giáo cho rằng có năm cách quan hệ với bề trên:“Có lòng từ trong hành động về thân, có hành động từ trong hành động về khẩu, có hành động từ trong hành động về ý, mở rộng cửa để đón các vị ấy cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết” [1, tr266]. Người Việt Nam luôn dành sự kính trọng đối với các nhà sư, giúp đỡ các nhà sư bằng khả năng của mình, và hiện nay sự giúp đỡ ấy thể hiện ở việc hưởng ứng quyên góp tiền để xây dựng, sửa chữa, tu bỏ nhà chùa… Sự kính trọng ấy như ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam bởi vì truyền thống dựng nước và giữ nước của Việt Nam có công lao không nhỏ từ những vị sư, hơn nữa trong cuộc sống hàng ngày, những nhà sư luôn mở rộng tấm lòng đón lấy những người sa cơ lỡ bước, những người mà xã hội ruồng bỏ, chê trách. 6. Trong quan hệ với bề dướiTrong quan hệ với bề dưới, Phật giáo quan niệm bề dưới là những người nô bộc, và cho rằng có năm cách ứng xử với họ là: “… Giao việc đúng theo sức của họ; chăm lo cho họ cả về ăn uống và tiền lương; chữa chạy cho họ khi bệnh hoạn; chia sẻ các mỹ vị và thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép” [1, tr267] Hiện nay, bên cạnh một số người đối xử không tốt đối với người ăn kẻ ở, còn đa số đối xử tốt trên cơ sở thỏa thuận làm việc về thời gian, điều kiện mức lương, thời gian một cách rõ ràng, nên giữa người chủ và nô bộc là tự nguyện, bình đẳng. 7. Trong quan hệ của nô bộc đối với chủTrong quan hệ của nô bộc đối với chủ: “Phải yêu thương đối với chủ nhân theo năm cách là: Dậy trước khi chủ dậy, đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp về cho chủ” [1, tr267]. Thời đại ngày nay khác với thời Phật giáo ra đời, nên ảnh hưởng của Phật giáo đối với người Việt Nam trong quan hệ giữa nô bộc với chủ chỉ là hoàn thành tốt công việc đã thỏa thuận, giữ gìn những tài sản của chủ và vui vẻ nhận những món quả mà người chủ cho. Như vậy, quan điểm về luân lý đạo đức đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức lối sống của người Việt Nam, nó thể hiện trong quan hệ hàng ngày giữa cá nhân với những người xung quanh, với cha mẹ, với con, với thầy, với trò… tất cả đều mang đậm quan niệm của Phật giáo về đạo đức, luân lý, từ bi… Nhưng để có được sự ảnh hưởng và phát triển mạnh như vậy không phải chỉ vì quan niệm của Phật giáo, mà do người Việt cũng có truyền thống yêu thương con người, biết kính trên nhường dưới…. vì vậy khi quan niệm về đạo đức luân lý của Phật giáo truyền vào, nó phát triển mạnh tựa như giống lúa tốt được gieo trên mảnh đất phì nhiều, màu mỡ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu dân tộc và con người nói chung, vì vậy luôn đấu tranh vì tự do, bình đăng cho cộng đồng, xã hội, và trong quá trình đó Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, bởi các nhà sư đi tu không phải là trốn tránh những vấn đề đang xảy ra của đời sống xã hội, mà ngược lại, các nhà sư đi tu luôn thực hiện “tốt đời, đẹp đạo”, tu là để cứu đời, không màng danh lợi, họ hy sinh bản thân, gia đình vì xã hội, các nhà sư đi tu, truyền bá Phật giáo với mong muốn giúp con người thoát khỏi nỗi khổ, nhưng không phải chỉ trên giáo lý, họ đã thể hiện bằng những hành động thiết thực, từ khi du nhập Phật giáo đã hòa mình vào tín ngưỡng bản địa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, với tinh thần từ bi, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống và hiếu sinh, Phật giáo đã ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt và Nguyễn Trãi đã thể hiện trong Bình Ngô Đại Cáo, khoan dung với kẻ thù để đem lại nền thái bình cho Đại Việt. Trong các triều đại Đình, Lê, Lý, Trần, đặc biệt là Lý Trần, tinh thần nhập thế của đạo Phật đã thúc đẩy các vị cao tăng Phật giáo đảm trách vai trò cố vấn cho vận mệnh quốc gia tham gia triều chính, như thiền sự Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh… Đời Trần có các thiền sự Đa Bảo, Viên Thông, Tuệ Trung Thượng Sĩ và các tướng lĩnh đại tài của Phật giáo, nổi tiếng nhất là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đường lối đức trị của hai triều đại Lý Trần đạt đến đỉnh cao của tự hào dân tộc, chứng minh sự hội nhập của văn hoá Phật giáo trong văn hoá dân tộc. Truyền thống tri ân và báo ân Tổ quốc đã giúp cho nhiều tăng ni đã mạnh dạn “cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Nhiều Phật tử Việt Nam đã vận động ân xá cho nhà chính trị yêu nước Phan Bội Châu, trong nỗ lực đòi độc lập khỏi ách thống trị của Pháp. Trong thời Mỹ Diệm, tăng ni và phật tử Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào đầu tranh đòi hoà bình và độc lập cho dân tộc. Kết luậnNgày nay, khi đất nước giành được độc lập, các nhà sư không phải chỉ lo việc tu hành, mà vẫn góp phần vào việc xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, luôn thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của người công dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, giúp đỡ người già neo đơn, nuôi dưỡng trẻ tàn tật, mồ côi, người gặp hoàn cảnh khó khăn, với việc làm của mình các nhà sư chỉ muốn giúp đời, không vụ lợi, không vì lợi ích bản thân, chính vì lẽ đó Phật giáo tác động và ăn sâu vào tư tưởng, tình cảm và hành động của con người Việt Nam, và là một phần tất yếu của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài của lịch sử. Thích Giác Huệ – Học viên Cao học khóa II tại Học viện PGVN tại Huế *** TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |