Chi tiết tin tức

Diễn viên Hồ Bích Trâm: "Đừng đợi già mới học Phật!"

16:25:00 - 26/12/2015
(PGNĐ) -  Cô diễn viên sinh năm 1991 đã quả quyết như vậy - bởi với cô, nếu từ nhỏ, mỗi chúng ta được học Phật, được hành theo lời Phật dạy thì khi lớn lên, lúc trưởng thành, hạt mầm của tình yêu thương, của lòng vị tha sẽ giúp thanh lọc, cũng như thuần hóa được tâm hồn.
Theo Bích Trâm, đó cũng chính là phương thuốc hữu hiệu để chuyển hóa tham-sân-si mà với bất cứ ai, ít nhiều đều có...
 
anh 1, GN 826.jpg
Diễn viên Hồ Bích Trâm - Ảnh: NVCC

Nền tảng của niềm tin

Khi cuộc sống êm ả thì không sao, đến khi gặp phải chuyện không may người ta mới cầu Trời, khấn Phật. Nữ diễn viên trẻ đã bày tỏ quan điểm của mình: “Cuộc sống có lúc này lúc khác, nên không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Do vậy, bản thân mỗi người cần phải vui vẻ để đối mặt, cũng như học chấp nhận và tìm cách vượt qua, còn chuyện cầu Trời, khấn Phật chỉ là việc phản ánh sinh động về niềm tin của mỗi con người”.

Theo Hồ Bích Trâm, niềm tin vào sự tốt đẹp của sự hướng thiện nên áp dụng, củng cố ở mọi lúc, mọi hoàn cảnh chứ không chỉ đến khi gặp chuyện chẳng lành mới cầu xin để hóa rủi thành may. Hồ Bích Trâm cũng cho biết thêm, mọi chuyện không may xảy ra đều có nguyên do của nó, nên chắc chắn đó sẽ là bài học đắt giá để tất cả chúng ta tự nhìn nhận và rèn giũa lại mình. Còn trước những biến cố của cuộc sống, cô luôn một lòng hướng Phật là cách để bản thân vững niềm tin, từ đó bình tĩnh suy nghĩ và tìm phương hướng giải quyết thấu đáo.

“Người Phật tử tại gia, việc giữ 5 giới gồm: không sát sinh, không ăn trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu là bổn phận, là trách nhiệm, là con đường duy nhất để thân tâm được nhẹ nhàng, an lạc, cũng như sáng suốt trong việc phân biệt đúng sai, phải trái” - Hồ Bích Trâm chia sẻ.

Học phải đi đôi với hành

Tự nhận là người chưa hiểu rốt ráo về lời Phật dạy, nhưng với những điều căn bản như việc sám hối, Hồ Bích Trâm luôn áp dụng việc học đi đôi với việc hành. Bởi cô hiểu được rằng, sám hối là cơ hội để nhìn lại bản thân mình, thâu tóm những việc mình đã làm, từ đó phân biệt những việc chưa tốt, chưa đúng hay sai phạm, gây hậu quả không hay cho những người chung quanh. Nhìn nhận được như vậy, thì phải khắc phục, sửa chữa những lỗi lầm đã gây ra, sau đó là quyết tâm để không bao giờ tái phạm.

Nghe cô chia sẻ, chúng tôi hỏi cắc cớ: Vậy, cứ gây ra lỗi rồi sám hối thì có thể hết tội?

Hồ Bích Trâm vững chãi trả lời: “Tôi không nghĩ vậy. Cái khó của việc sám hối chính là biết nhận và sửa lỗi. Cùng với đó phải là việc quyết tâm đoạn tuyệt với cái sai thì mới đúng là người sám hối chân chính. Còn cứ nói sám hối, nhưng cả suy nghĩ và hành động vẫn tiếp diễn những ý niệm xấu ác thì đừng bao giờ mong tiêu nghiệp”. Rồi cô giãi bày: “Nhân vô thập toàn, nên dù có tốt cách mấy đôi khi chúng ta cũng vướng phải những lúc làm chuyện không đúng với chuẩn mực. Khi đã ý thức được sự vụ sự việc, chúng ta phải xem lại chuyện đó xảy ra như thế nào, có tổn hại đến ai hay không và mức tổn hại ra sao. Sau đó, chúng ta phải có đủ bản lĩnh đối mặt để nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi trước những người mà chúng ta làm liên lụy”.

Người trẻ nên học Phật...

Kể về nhân duyên tiếp cận Phật giáo, với giáo lý của Phật, với việc học và hành theo lời Phật dạy, Hồ Bích Trâm cho biết đó là quãng thời gian cô phải trải nhiều thử thách. Nhưng nhờ vậy mà ở hiện tại, sau những va chạm của đời sống thường nhật, những bài học nhân văn và sâu sắc của Đức Phật giúp một người trẻ như cô luôn ý thức được việc bỏ dữ, làm lành.

Khi được hỏi, Trâm nghĩ gì về xu hướng người trẻ ở hiện tại đi sinh hoạt trong các ngôi chùa, nghe quý thầy cô chia sẻ về lời Phật dạy, từ đó thực hành và áp dụng vào cuộc sống, Hồ Bích Trâm nói: “Tôi nghĩ đó là một điều tốt, vì đây là môi trường để các bạn trẻ được học những điều hay, lẽ phải, những đạo lý tốt đẹp trong cả đời sống thường ngày lẫn đời sống tâm linh. Chuyện học là vậy, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc nghe, hiểu rồi đưa vào ứng dụng, thực hành. Điểm cốt lõi nữa là đừng đi theo trào lưu, vì có nhiều bậc phụ huynh thấy con người ta đi chùa, cũng bắt con mình đi theo khi mà bản thân mỗi bạn trẻ chưa có sự tự giác về việc đến chùa học và hành theo lời Phật dạy. Vì vậy, trước khi khuyến khích con cái làm một việc gì đó, thì việc đầu tiên bố mẹ nên giải thích cặn kẽ từng bước, từng bước một”.

Còn với câu hỏi, ở vai trò của một nghệ sĩ trẻ, với công việc Trâm có bao giờ áp dụng lời Phật dạy, nữ diễn viên bày tỏ: “Tôi luôn nhắc nhở bản thân là phải sống sao cho trọn vẹn, có trên dưới, trước sau. Thứ nữa, trong cuộc sống thường nhật và cả công việc, tôi luôn hướng mình đến những điều cơ bản như luôn lắng nghe, chia sẻ, cư xử đúng mực với những người chung quanh”.

“Nhờ giáo lý của Phật, nhờ được học và hành theo lời Phật dạy mà tôi mới đủ niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống. Từ đó tôi nhận ra, tuổi trẻ mà sớm được tiếp cận với Phật giáo thì đó là điều nên khuyến khích và cổ vũ. Cho nên, đừng đợi già mới tin theo Phật” - Hồ Bích Trâm quả quyết.

 

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi - Hồ Bích Trâm luôn cần cù, cố gắng và nỗ lực. Tốt nghiệp THPT, Hồ Bích Trâm một mình lặn lội vào Sài Gòn để theo đuổi ước mơ phim ảnh. Nhờ sở hữu gương mặt ưa nhìn, trước khi thi đậu vào Trường Sân khấu & Điện ảnh, cô đã được biết đến ở vai trò của một người mẫu ảnh. Cũng từ đây, cô sinh viên chuyên ngành diễn xuất được các nhà làm phim, các đạo diễn bắt đầu chú ý.

Khởi nghiệp từ vai Hoa “Thầy bói” trong Hoàng tử xấu trai - một bộ phim về đề tài tuổi teen đã được phát trên kênh HTV9 vào năm 2011; tiếp đến là những vai diễn trong các bộ phim như: Tường Vi của Dây leo hạnh phúc, Huệ của Song hùng kỳ dị, Ân Bình của Mơ hoang, Trân của Hoa cúc xanh, Tố Nữ của Sỏi đá cũng biết yêu, Thắm của Thuyền giấy… Mỗi nhân vật đảm nhận, cho thấy mỗi sự thay đổi của cô diễn viên trẻ tài năng, đam mê và nhiệt huyết này. Vì thế mà đến hôm nay, với phim ảnh Hồ Bích Trâm được xem như một gương mặt triển vọng của điện ảnh Việt Nam.

Viên Quang

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin