Chi tiết tin tức

Hiến chương và quyền sử dụng đất ở các cơ sở thờ tự Phật giáo

20:33:00 - 18/10/2016
(PGNĐ) -  Bài viết này nhằm mục tiêu làm sao chùa chiền, qua các thế hệ người tu hành, không bị rơi vào tình cảnh bị đem bán toàn phần, bán một phần, bị chiếm giữ, cắt xẻ, thu hẹp.

Đây là một vấn đề lớn của Phật giáo chưa được nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ, chưa có giải pháp, chưa có quy trình giải quyết hiệu quả theo đúng luật pháp.

 

Trong thực tế tại TP.HCM, một số chùa sau năm 1981 vẫn bị chuyển đổi chức năng sử dụng, thành nhà riêng, cơ sở thương mại, thành cơ sở sản xuất, chuyển đổi chủ sở hữu, bị cắt xẻ chiếm dụng để sử dụng một phần vào các mục đích như trên, chuyển đổi chủ sở hữu ở phần bị cắt xẻ (chủ sở hữu khác đã được gấp giấy phép xây dựng, đã xây dựng thành nhà riêng).
 

Tăng, ni, phật tử Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp không thể không thấy được vấn đề. Hiện trạng các ngôi chùa trước đây rộng lớn, diện tích đất mặt tiền, nay chỉ còn một khoảnh nhỏ trong hẻm, lối vào nhỏ hẹp, là một điều nhắc nhở để Phật giáo Việt Nam quan tâm nhiều đến vấn đề quyền sở hữu tài sản là chùa chiền và quyền sử dụng đất.

 

1. Các giải pháp đã có, vấn đề là áp dụng vào thực tế
 

Về tài sản là các tự viện: Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề cập ở “Chương X – Tự viện và thành viên” và “Chương XI – Tài chính và tài sản”.
 

“Điều 57: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội. Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

 Điều 63: Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp:

 

1. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp.

 

2. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước.

 

Nội dung các phần đề cập trên quá sơ sài và lỏng lẻo, không căn cứ vào thực tiễn cụ thể pháp luật, chỉ nói đến sở hữu bất động sản mà không nói đến quyền sử dụng đất là không đầy đủ. Thiếu sót như vậy sẽ dễ dàng dẫn đến tranh chấp và bất lợi nếu xảy ra tố tụng.

 

Mới đây, thông tư của Hội đồng Trị sự “Hướng dẫn thi hành một số điều Nội quy Ban Tăng sự Trung ương số 005/2016/TT HĐSĐ, Trường trực HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 15/1/2016 ở phần “V – Sở hữu tự viện” có cố gắng đề cập chi tiết như sau: 
 

“V. Sở hữu tự viện:
 

1. Sở hữu tự viện:
 

a. Quyền sở hữu tự viện theo Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V:
 

- Tự viện là giáo sản của GHPGVN;
 

- Tự viện dưới sự quản lý của GHPGVN.
 

b. Quyền sở hữu tự viện theo pháp luật:
 

- Tự viện hình thành và phát triển có sự đóng góp của nhiều người hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng, nên tự viện thuộc sở hữu chung.
 

- Các cấp Giáo hội quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của tự viện theo truyền thống, tập quán của Phật giáo Việt Nam, tông môn, hệ phái để phục vụ lợi ích chung của Tự viện, nhưng không được vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
 

- Tài sản của tự viện là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Hình chỉ mang tính chất minh họa

c. Các từ ngữ liên quan đến sở hữu được hiểu như sau:
 

- Tài sản:
 

+ Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản;
 

+ Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
 

- Bất động sản:
 

+ Đất đai;
 

+ Tự viện, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
 

+ Tài sản khác gắn liền với đất đai, tự viện, công trình xây dựng;
 

+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
 

- Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
 

- Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
 

+ Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể Giáo hội đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập công nhận Trụ trì.
 

+ Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể Giáo hội xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm công nhận Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có trụ trì).
 

2. Quản lý tài sản tự viện:
 

a. Tự viện là giáo sản, sở hữu chung của cộng đồng do GHPGVN đại diện làm chủ sở hữu duy nhất để quản lý, định đoạt.
 

b. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) là người được GHPGVN giao quyền sử dụng, quản lý tự viện theo Hiến chương GHPGVN và pháp luật.
 

c. Quyền định đoạt tài sản tự viện do Giáo hội nắm giữ.
 

3. Sử dụng tài sản tự viện:
 

a. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của Tăng Ni; phục vụ lợi ích chung của của Giáo hội và cộng đồng.
 

b. Không được sử dụng tài sản tự viện vào việc lợi ích cá nhân.
 

3. Định đoạt tài sản Tự viện:
 

a. Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của tự viện.
 

b. Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản tự viện.
 

c. Các tài sản tự viện do cá nhân trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh, những tài sản đó vẫn thuộc tài sản của tự viện.
 

d. Các tài sản khác do cá nhân trụ trì sản xuất, kinh doanh, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật, không bị chi phối bởi quy định của khoản 3 phần IV của thông tư này.
 

4. Quyền hưởng dụng tài sản Tự viện của Trụ trì:
 

a. Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký theo quy định của Giáo hội và pháp luật.
 

b. Khai thác tài sản tự viện phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.
 

c. Giữ gìn, bảo quản tài sản như tài sản của cá nhân.
 

d. Trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản tự viện theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản tự viện do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.
 

e. Hoàn trả tài sản tự viện cho chủ sở hữu là Giáo hội, khi bị Giáo hội truất quyền trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có trụ trì) và các quy định khác của pháp luật.
 

5. Quyền định đoạt tài sản Tự viện của Giáo hội:
 

a. Giáo hội định đoạt tài sản tự viện nhưng không được làm thay đổi quyền hưởng dụng của trụ trì đã được xác lập.
 

b. Không được cản trở, thực hiện hành vi khác gây khó khăn hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp hưởng dụng của Trụ trì.
 

c. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đề nghị Cơ quan pháp luật truất quyền hưởng dụng trong trường hợp Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (tự viện chưa có Trụ trì) là người hưởng dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình.
 

d. Thực hiện việc chỉ đạo trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản tự viện để bảo đảm không bị suy giảm đáng kể dẫn tới tài sản không thể sử dụng được hoặc mất toàn bộ công dụng, giá trị của tài sản tự viện.
 

6. Di chúc:
 

a. Các tài sản do cá nhân sản xuất, kinh doanh, được người khác tặng, cho hợp pháp theo quy định của pháp luật, trụ trì được quyền lập di chúc theo pháp luật.
 

b. Các tài sản tự viện đã được xác lập là giáo sản, sở hữu chung, trụ trì không được quyền lập di chúc cho người thân của mình.
 

c. Theo tập quán kế thừa của Phật giáo Việt Nam, trụ trì hiện tại được quyền xác lập việc kế thừa cho đệ tử xuất gia. Việc xác lập này chỉ có giá trị để BTS GHPGVN tỉnh tham khảo, cân nhắc, xem xét, quyết định bổ nhiệm trụ trì Tự viện trong tương lai theo quy định của khoản 12 điều 32 chương VI Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V.”
 

2. Giáo hội có sở hữu bất động sản không?

Chúng ta đều biết rằng tại Việt Nam, đất đai được xác định thuộc sở hữu toàn dân, người dân chỉ có quyền sử dụng.

 

Tuy nhiên, trong các văn bản của Giáo hội, từ Hiến chương đến thông tư 005, đều không hề đề cập đến khái niệm quyền sử dụng đất.
 

Kiểu tư duy bất động sản là tài sản của Giáo hội là kiểu tư duy của giáo hội Ca tô La Mã. Trong kiểu tư duy đó, Giáo hội Ca tô La Mã vẫn cho rằng có quyền sở hữu đối với đất đai, tức là phủ nhận quyền sử dụng đất. Một số nhà thờ từ chối nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản như một cách không chấp nhận việc chỉ giới hạn có quyền sử dụng đất.
 

Việc làm như trên tất nhiên không phù hợp đối với Giáo hội Phât giáo Việt Nam. Như thế thì làm sao vận dụng được trong thực tế. Tình huống này dễ tạo tranh chấp và rất khó xử lý khi có tranh chấp.
 

Từ lâu, nhà nước đã xác định quyền sử dụng đất nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam không xác định quyền này khi đề cập đến bất động sản mà chỉ nói đến quyền sở hữu. Khiếm khuyết này, trước hết, là việc không bám sát, không tuân tủ pháp luật, không đúng với tình hình thực tế. 
 

Hiện nay, nói chung sở hữu bất động sản là không rõ ràng hay nói sở hữu đất đai đai là không phù hợp với luật pháp. 
 

Để chính xác, đối với số đất thuộc về chùa thì phải nói đến quyền sử dụng đất, xác lập quyền sử dụng đất. Khi xảy ra những vấn đề có liên hệ, nếu quyền sử dụng đất được đề cập rõ ràng trong các văn bản của giáo hội, thì những người có trách nhiệm, người có quyền và lợi ích để có liên quan sẽ có cơ sở giải quyết. 

Còn nếu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nói tới, các văn bản liên hệ cũng không nói tới, thì căn cứ vào đâu để giải quyết, trong khi thực tế lưu hành rất rộng rãi  “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, trong đó có cấp cho nhà chùa.
 

Vì vậy, kết thúc bài này trong loạt bài nhằm mục tiêu tránh tranh chấp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và trụ trì, thân nhân trụ trì, kính đề nghị tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đưa vào đó khái niệm quyền sử dụng đất ứng với đất đai mà Giáo hội đang sử dụng, cũng như đưa khái niệm quyền sử dụng đất vào các văn bản quan trọng liện hệ đến lãnh vực trên.

Minh Thạnh còn tiếp...

 

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin