Chi tiết tin tức Myanmar: Nhóm Phật Giáo Cực Đoan Bị Phản Đối 20:18:00 - 22/07/2016
(PGNĐ) - Nhóm Phật giáo dân tộc Myanmar hay còn gọi là Ủy ban Bảo vệ Dân tộc và Tôn giáo (Ma Ba Tha) đột nhiên mất sự ủng hộ của các quan chức chính phủ cũng như cộng đồng trực tuyến.
(Nguồn: Stefano Ember/Shutterstock.com) Đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (CM) khu vực Yangon, U Phyo Min Thein mạnh dạn tuyên bố rằng Ma Ba Tha là “không cần thiết và thừa thãi” vì đã có một cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ giám sát các hoạt động của Phật giáo ở đất nước này. Đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ đã dám lên tiếng chống lại nhóm Phật giáo có ảnh hưởng này. Phát ngôn của CMkhu vực Yangon đã được Tăng đoàn Maha Nayaka (Ma Ha Na) – cơ quan Phật giáo nhà nước – xác nhận. Họ còn cho biết thêm rằng, Ma Ba Tha không phải là một nhóm Phật giáo được công nhận. Tuy nhiên, không ai trong số 47 thành viên ủy ban Ma Ha Na dám xuất hiện công khai để tranh luận về tiết lộ bất ngờ này. Trước khi thông tin này được đưa ra, nhiều người ở Myanmar đều cho rằng Ma Ba Tha được tổ chức với sự cho phép của nhà nước. Sau đó, Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo, Thura U Aung Ko đã cảnh báo các lãnh đạo của Ma Ba Tha rằng họ nên ngừng ủng hộ những phát ngôn thù hận nếu không sẽ bị truy tố theo pháp luật. Kể từ khi được thành lập năm 2014, Ma Ba Tha đã được biết đến là một tổ chức Phật giáo chủ nghĩa dân tộc và cực đoan, tổ chức nhiều hoạt động chống lại những người theo đạo Hồi, làm tăng hận thù tôn giáo khắp Myanmar. Tuy nhiên không hề có nhà chính trị hay cơ quan nào lên án sự phân biệt chủng tộc và đức tin mù quáng của Ma Ba Tha. Điều này cho phép lãnh đạo ưa tranh cãi của Ma Ba Tha, U Wirathu, truyền bá thông tin sai lệch về người Hồi giáo – chủ yếuthông qua Facebook – trong hội đồng nhà nước. Đáp lại những phát ngôn chống lại Ma Ba Tha của một số quan chức chính phủ, Wirathu kêu gọi các đảng cầm quyền, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ phải có động thái và khiển trách những quan chức của mình. Tuy vậy, phát ngôn viên Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), U Win Htein đã phớt lờ yêu cầu của Wirathu. “Tôn giáo và chính trị phải được phân tách. Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc sử dụng tôn giáo cho mục đích chính trị, cũng như trộn lẫn tôn giáo và chính trị dưới bất cứ hình thức nào. Bởi vậy, chúng tôi sẽ không tuân theo bất cứ yêu cầu nào của họ”, phát ngôn viên khẳng định. Ma Ba Tha thậm chí đã đe dọa tổ chức một loạt các cuộc biểu tình trên toàn quốc nếu chính phủ không khiển trách CM Yangon. Cộng đồng trực tuyến Myanmar đã tràn ngập không gian mạng với từ khóa #NoMaBaTha biểu thị sự khước từ rộng rãi nhóm Phật giáo cực đoan này. Nhiều người thậm chí còn đoán trước sự thất bại “không thể tránh khỏi” của nhóm Phật giáo này. Ma Ba Tha cuối cùng đã phải hủy bỏ các hành động phản đối của mình bằng cách tuyên bố rằng suy nghĩ của CM Yangon không đại diện cho quan điểm chính thức của chính phủ. Họ vẫn khăng khăng nhấn mạnh rằng Ma Ba Tha “được tổ chức dưới thẩm quyền của Ma Ha Na, đã được phê duyệt và cho phép bởi Hội nghị Tăng đoàn Mọi giáo phẩm năm 2013”. Nhưng những tai ương pháp lý của Ma Ba Tha vẫn còn tiếp diễn. Một nhóm từ thiện có tên Thet Daw Saunt (Bodyguard – Vệ sĩ) đã đệ đơn kiện chống lại Wirathu vì ông này đã sỉ nhục một quan chức Liên hiệp quốc. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền ở Myanmar đơn thuần chỉ nêu bật hoàn cảnh khốn cùng của những người Rohingya bị đàn áp tuy nhiên Wirathu đã gọi báo cáo viên này là “con điếm” trong một cuộc họp. Do đó, Ma Ba Tha và Wirathu sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã cổ vũ những phát ngôn thù hận không thể tưởng tượng được cách đây một năm. Nhóm này là một khối quyền lực trong chính phủ do quân đội hậu thuẫn đã vận động thành công để thông qua một số đạo luật được nhiều chuyên gia miêu tả là phân biệt đối xử với người thiểu số Hồi giáo. Ma Ba Tha cũng là nhóm đã tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Hoa Kỳ vì một tuyên bố của Đại sứ quán bày tỏ sự thông cảm đối với các gia đình những người tị nạn Rohingya bị chết đuối trong một tai nạn. Có phải chúng ta đang nhìn thấy những ngày tàn của Ma Ba Tha? Câu trả lời có lẽ là quá sớm. Nhưng rốt cuộc, quan điểm chống lại người Rohingya cũng đã bị lên án bởi một quan chức của đảng NLD. Điều chắc chắn là Ma Ba Tha sẽ vẫn còn rất mạnh trong chiến dịch ngăn chặn cái gọi là âm mưu Hồi giáo thống trị Phật giáo Myanmar. Và Wirathu sẽ không còn là Wirathu nếu ông ta không quăng ra những lời công kích chống lại những kẻ thù tự bịa ra của mình. Tuần trước, ông này thậm chí đã gọi lãnh đạo đảng NLD – Nobel hòa bình – Aung San Suu Kyi là “người đàn bà độc tài”. Chính phủ mới của Myanmar đã có nhiều phen đáng thất vọng trong 100 ngày đầu cầm quyền. Tuy nhiên, sáng kiến của một số quan chức nhằm kiềm chế phát ngôn thù hận và bao dung tôn giáo bằng cách bác bỏ những người ủng hộ Phật giáo cực đoan là đáng khen ngợi. Dân Nguyễn (Dịch từ The Diplomat) Pháp bảo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |