Chi tiết tin tức

Nhật Bản: Nhà chùa thành nơi cho bệnh nhân nặng, gia đình nghèo lưu trú

21:24:00 - 22/01/2018
(PGNĐ) -  Một nhà nghỉ tại ngôi già lam Đông đại cổ tự (Tōdai-ji) được xếp hạng Di sản Thế giới tại cố đô Nara, Nhật Bản đã và đang là nơi dành cho gia đình của các bệnh nhân nặng và tàn tật nghỉ dưỡng.

Mùa hè đầu tháng 06 năm ngoái, Misato Komiyama 26 tuổi, đến từ Maibaara thuộc tỉnh Shiga, phía Tây Nhật Bản và song thân của cô đã ở trong nhà nghỉ của ngôi già lam Đông đại cổ tự, một khu phức hợp Phật giáo được biết đến bởi quần thể kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới, với pho tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng lớn nhất thế giới. Một trong những trung tâm tông phái Hoa Nghiêm Phật giáo Nhật Bản. 

 

Đây là chuyến đi gia đình đầu tiên trong vòng 5 năm đối với thiếu nữ Misato Komiyama, cô bị tê liệt tứ chi và đôi khi cần dùng tới máy thở. Vào ngày đầu tiên của chuyến đi nghỉ qua đêm của gia đình để kỷ niệm sinh nhật của thiếu nữ Misato Komiyama, những tình nguyện viên tại nhà nghỉ đã chuẩn bị một bữa tiệc đặc biệt cho cô. Sau đó, thiếu nữ Misato Komiyama được đưa đến công viên Nara gần đó, nơi cô cho hươu ăn bánh quy. Ngày hôm sau, gia đình viếng Điện Phật lớn của Chùa.

 Misato Komiyama và gia đình cho hươu ăn bánh quy trong chuyến viếng thăm Công viên Nara. Ngày 03/06/2017 (Ảnh: Kydo)

Nhà nghỉ (Boarding house), được thành lập vào tháng 09 năm 2010, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của những người bệnh nặng, đặc biệt là trẻ em khuyết tật nặng, bằng cách hỗ trợ họ và gia đình.

 

Kiyotaka Tomiwa, 67 tuổi, một bác sĩ y khoa đứng đầu Trung tâm Y tế và Giáo dục Tōdai-ji, là người tiên phong trong việc thành lập nhà nghỉ dưỡng này. Bác sĩ Kiyotaka Tomiwa nói: “Bạn nên biết rằng cuộc sống của bạn vẫn có thể có những phút giây tuyệt vời bên gia đình của mình ngay cả khi bạn bị tàn tật hoặc không có nhiều thời gian sống. Tôi hy vọng các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy biết ơn con mình”.

 

Để ở được trong ngôi nhà này một ngày hoặc qua đêm, các gia đình cần được bác sĩ của họ giới thiệu. Hầu hết các dịch vụ đều được cung cấp miễn phí vì nó chủ yếu dựa vào sự đóng góp. Các bác sĩ và y tá luôn sẵn sàng trong mọi trường hợp khẩn cấp. Các tình nguyện viên cộng đồng dọn dẹp nhà nghỉ và nấu các bữa ăn bằng cách sử dụng rau từ vườn của mình và thực phẩm do các nhà hàng địa phương cung cấp.

 

Bác sĩ Kiyotaka Tomiwa nói rằng không có nhiều nhà nghỉ dưỡng như vậy ở Nhật Bản và một số gia đình nói với ông rằng họ được thư giãn thanh thản trong những ngày lưu trú tại đây.

 

Mẫu thân của thiếu nữ Misato Komiyama, bà Keiko, 54 tuổi nói: “Đây là khoảng thời gian quý giá đối với gia đình tôi. Con gái tôi trông rất hạnh phúc và mọi thứ đều mới mẻ với chúng tôi”.

 

Bà Keiko Komiyama nói rằng, bà luôn lo lắng về tình trạng của con gái mình khi máy thở cảnh báo về một sự bất thường. Bà nói rằng bà rất khó có thể ngủ được khi con gái không khỏe. Bà Keiko Komiyama nói: “Thật khó khăn cho chúng tôi nhưng chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn. Misato là người đem tới hạnh phúc cho chúng tôi và con là một kho báu mà chúng tôi không bao giờ muốn mất đi. Tiện nghi không phải là rào cản ở nơi đây bởi phải cần đến 4 người để nhấc xe lăn của Misato Komiyama lên dốc”.

 

Bác sĩ Kiyotaka Tomiwa nói: “Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có rất nhiều rào cản, nhưng xã hội của chúng ta được tạo nên để mỗi thành viên có thể đối đầu với những rào cản đó. Đối với những người khuyết tật, những rào cản có thể làm cho cuộc sống của họ có chút bất tiện, nhưng họ có thể khắc phục được, nếu chúng ta biết hỗ trợ lẫn nhau. Gia đình chỉ có thể sử dụng nhà nghỉ một lần. Trong 7 năm kể từ khi thành lập, hơn 80 gia đình đã ở tại đây. Đối với một số người, đó là chuyến đi gia đình đầu tiên của họ”.

 

Vân Tuyền (Nguồn: The Japan Times)

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin