Chi tiết tin tức

Ba nguyên tắc của giáo dục Phật giáo

22:05:00 - 15/09/2018
(PGNĐ) -  Đề tài tham luận Hội thảo Giáo dục Phật giáo Quốc tế 2018 tại Viện Phật Học Bồ Đề Phật Quốc.

Đặt Vấn Đề

Từ lâu, nền giáo dục ở Mỹ luôn đứng hàng đầu Thế Giới. Sở dĩ, nền giáo dục ở Mỹ thành công như vậy vì nó được đặt nền tảng trên ba nguyên tắc. Đó là: (1) Who are my students? (Trình độ của sinh viên như thế nào?)[1], (2) What do they need? (Họ cần gì?), và (3) What do we want them to learn? (Ta nên trang bị cho họ những gì?). Đây chính là ba nguyên tắc đã đưa nền giáo dụcMỹ lên đỉnh cao của thời đại. Vây, nền Giáo Dục Phật Giáo (GDPG) của chúng ta đang trong giai đoạn nào? Có thể nói, chúng ta chưa dám tự tin tuyên bố rằng nền GDPG đã đạt tới đỉnh điểm của thành công. GDPG muốn đạt được kết quả như nền giáo dục của nước Mỹ cũng cần phải bảo đảm những nguyên tắc trên. Trong bài tham luận này, chúng con/tôi sẽ trình bày ba nguyên tắc đem lại sự thành công cho GDPG hiện nay.

Tại sao Ba Nguyên Tắc?

Như đã biết, Đức Phật là một nhà giáo dục vĩ đại nhất trong lịch sử từ xưa đến nay. Sự giáo dục của Ngài là không ngằn mé tức là không có bất kỳ sự phân biệt nào đối với tất cả mọi người trong mọi giai tầng xã hội. Trong Kinh Thành Ấp thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng Ngài đã tìm ra và đi trọn vẹn trên Con Đường Cổ Xưa mà các Đức Phật quá khứ đã từng đi qua. Ngài khẳng định tiếp: Con Đường Cổ Xưa này không bao giờ bị lỗi thời. Nghĩa là: “Quá khứ chư Phật đã dạy như thế, vị lai chư Phật sẽ dạy như thế, và hiện tại Ngài cũng đang dạy như thế.” Rõ ràng, những gì Đức Phật đóng góp cho  nền Giáo Dục ngày nay không khác với những gì nó đã cống hiến cho nhân loại suốt 25 thế kỷ qua. Như vậy, phương pháp và vai trò của GDPG đã khá rõ ràng và đầy đủ, và thiết nghĩ không cần phải bàn thêm. Vậy, chúng ta cần thảo luận gì ở đây để thấy được vai trò của GDPG trong thời đại hiện nay? Theo chúng con/tôi, vấn đề và vai trò cần thảo luận chính là chúng ta. Đơn giản vì chính chúng ta và bối cảnh xã hội hiện tại làm nên một GDPG đương thời. Sau đây, chúng con/tôi sẽ lần lượt trình bày ba nguyên tắc đem lại sự thành công cho nền GDPG.

1. Khía Cạnh Pháp Nào Nên Tuyên Thuyết?

Thực Trạng

Như đã biết, sau khi Thành Đạo, Đức Phật đã do dự không muốn đem “sở ngộ” của mình ra dạy lại cho nhân loại. Lý do đơn giản là Ngài không tìm thấy điểm tương đồng giữa cái “sở ngộ” của Ngài và hướng đi của nhân loại. Nhưng, vì tinh thần Đại Hùng, Đại Lực, và Đại Từ Bi, Ngài đã dấn thân và đã hoàn thành sứ mạng Giáo Dục của mình. Bằng chứng hùng hồn là Giáo Pháp Ngài đã được rộng rãi tuyên thuyết. Ngài cũng đã thành lập Tăng Đoàn với đầy đủ Bốn Chúng trong đó có hàng ngàn hàng vạn vị chứng đắc Thánh Quả.

Thực trạng mà ngày nay chúng ta đang đối mặt cũng không khác gì lúc Đức Phật mới Thành Đạo là mấy. Chúng ta đang sống trong thời kì văn minh, khoa học, và tiến bộ hơn hẳn thời Đức Phật còn tại thế. Chính cuộc sống đô thị văn minh này cùng với những sự cám dỗ đã lấy đi rất nhiều thời gian tu tập. Do đó, thời nay vạn người tu mà một người chứng cũng thật khó tìm thấy. Nhất là tại xã hội Tây Phương, cụ thể là nước Mỹ, con người sống thực tế hơn. Với lối sống này, chân lý của một học thuyếtđược đánh giá bởi thành công thực tế của nó. Cho nên, hành động thực tế không gắn liền với nguyên tắc bất biến.

Niết-bàn là lý tưởng và Thánh Quả là tuyệt đối. Để hướng đại chúng đến được đích Niết-bàn hay để đắc Thánh Quả, chúng ta phải nhấn mạnh đến một nền giáo dục xuất ly thế gian trong đó mọi người phải từ bỏ thân hình giả tạm này hay cần phải dụng công tu tập để chấm dứt vòng Luân Hồi sinh tử vô cùng. Nhưng, ngày nay chúng ta không có bằng chứng thích đáng để chứng minh. Như vậy, nền Giáo DụcXuất Thế Gian này cũng lại dường như đang đi ngược dòng với cuộc sống trong thời đại hiện nay. Tức là, chúng ta cũng không tìm thấy điểm tương đồng giữa giáo lý Đạo Phật và quan điểm xã hội ngày nay.

Giải Pháp

Sau một thời gian tư duy thiền định, Đức Phật đã quyết định dấn thân trên con đường giáo dục. Ngài đã tuỳ cơ thuyết pháp. Tuy nói rằng Giáo Pháp của Ngài thuần một hương vị Giải Thoát nhưng Ngài vẫn luôn hướng nhân loại đến một cuộc sống ấm no hạnh phúc thông thường. Giáo Pháp của Ngài hướng đến ba mục tiêu:

  • Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp
  • Hạnh phúc cho những kiếp sống vị lai
  • Hạnh phúc của Niết-bàn tối hậu

Như chúng ta đã biết, chủ nghĩa thực tế lấy thành công cụ thể để xác minh cho chân lý của một học thuyết. Niết-bàn và Thánh Quả là những kết quả của học thuyết giáo dục của Đức Phật. Những học thuyết này ngày nay chúng ta không chứng minh được. Như vậy, trong ba mục tiêu vừa kể trên, mục tiêu thứ hai và thứ ba (Hạnh phúc cho những kiếp sống vị lai và hạnh phúc của Niết-bàn tối hậu) có lẽ không thích hợp để nhấn mạnh. Vì thế chúng con/tôi cho rằng mục tiêu thứ nhất (Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp) cần được nhấn mạnh hơn bao giờ hết trong GDPG thời kỳ hiện nay.

Chúng con/tôi xin đơn cử ví dụ. Khi nói đến Niết-bàn Giải Thoát, chúng ta nghĩ ngay tới sự tự do và thoát khỏi sự chế ngự của Tham, Sân, Si, Chấp Thủ, Tà Kiến, Tự Ngã, và Sinh Tử Luân Hồi. Con đường tu tập của chúng ta kết thúc với sự chứng ngộ Chân Lý Tối Hậu—Niết-bàn—và ngoài ra không còn gì hơn thế nữa. Tức là, chúng ta đạt đến tri kiến hoàn toàn giải thoát của “Sanh đã tận, Phạm hạnhđã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.”[2]

Con đường tu tập này hoàn toàn đúng nhưng quá lý tưởng trong thời kỳ hiện nay. Nếu chúng ta có thể nhấn mạnh đến những tiềm năng có thể đạt được ngay trong cuộc đời này của Niết-bàn Giải Thoát thì chân lý này sẽ gần gũi và không xa vời quần chúng. Chẳng hạn, chúng ta nỗ lực tu tập là để Giải Thoát. Vì từ Giải Thoát, chúng ta xích lại gần nhau hơn, thương yêu hơn, đùm bọc nhau hơn, và có được cuộc sống hoà bình an ổn không bạo động hơn.

Hơn nữa, theo như định nghĩa về Niết-bàn lý tưởng thì chúng ta cần phải dẹp bỏ Tự Ngã. Nhưng trong GDPG của “Hạnh Phúc Theo Thế Gian Pháp,” chúng ta cần phải chú trọng đến Tự Ngã, ôm ấp, và vỗ về nó. Về mặt này, Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh có thể được coi là một ví dụ. Hoà Thượng đã nhấn mạnh rất nhiều đến khía cạnh Thế Gian Pháp của Giáo Lý Đạo Phật và đã có những sự thành côngnhất định.

Như thế, trong ba phương diện Giáo Lý của Đức Phật, phương diện thứ nhất (Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp) cần được nhấn mạnh cho nền GDPG hiện nay. Đến đây, chúng tasẽ xét đến nguyên tắc thứ hai. Đó là: hiểu được xu hướng người nghe muốn gì.

 

Hình ảnh mang tính chất minh họa

 

2. Hiểu Được Xu Hướng Người Nghe Muốn Gì?

Tham Chiếu

Sau khi xác định được trình độ của sinh viên, tiến thêm một bước nữa, nền giáo dục Mỹ nhắm thẳng đến nhu cầu của họ. Tức là sinh viên muốn gì? (What do they need?). Nhờ xác định được nhu cầu của sinh viên mà nền giáo dục Mỹ không cần rườm rà mà luôn đạt hiệu quả cao.

Liên Hệ

Chúng ta cũng vậy! Đành rằng phương diện thứ nhất (Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp) là Giáo Pháp cần được nhấn mạnh cho nền GDPG hiện nay. Tuy nhiên, không phải những người làm công tác giáo dục muốn nói gì thì nói trong phạm vi này. Chúng ta cũng cần xác định được xu hướng thời đại và người nghe muốn những gì?  Nếu không, sự Giáo Dục của chúng ta sẽ có thể đối mặt với thất bại. Hoặc giả có chút ít thành tựu thì không đáng kể so với công sức chúng ta bỏ ra.

Chúng con/tôi xin được đưa ra ví dụ. Ai trong chúng ta cũng biết Thiền định là phương pháp tu tập rất thiết yếu và phổ biến trong Đạo Phật. Trước khi Đức Phật Thành Đạo, muôn người tu Thiền định, mà chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề thì chỉ một mình Ngài. Nguyên nhân chính cho sự thất bại của “muôn người” này là do họ có mong cầu và tu tập là cho bản ngã của họ. Còn Đức Phật thì từ bỏ bản ngã và dấn thân tu tập vì giải quyết nỗi khổ sinh tử cho toàn nhân loại. Do đó, Đức Phật đã đi trọn vẹn trên con đường Giới-Định-Tuệ của Ngài.

Hoàn cảnh xã hội hiện nay cũng tương tự. Một lối tu tập Thiền định chân chính như Đức Phật sẽ khó được hấp thụ và khó hấp dẫn được mọi người. Tuy nhiên, hãy thử hình dung rằng ở một góc phố nào đó, thậm chí là ở hang cùng ngõ hẻm xa xôi nào đó, có một người tu định đắc được chút ít thần thông. Chẳng hạn, người này có thể đoán được tương lai của chúng ta: hoạ phước như thế nào, con cái ra làm sao, và gia cảnh sẽ như thế nào? Trường hợp này có thể nói khá giống với trường hợp của Ngài Đề-bà-đạt-đa. Và theo như Đức Phật, con đường tu tập này là không phù hợp với Chánh Pháp. Nhưng, không nói chúng ta cũng có thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng con/tôi đảm bảo 100% ai nghe thấy cũng sẽ tới thăm viếng.

Nói đến đây, ý chúng con/tôi không phải là khuyến khích chúng ta hùa theo xu hướng của đại chúng. Như vậy cũng rất nguy hiểm bởi chúng ta đang hướng cho đại chúng hành bất thiện. Mà hành bất thiệnthì sẽ có quả báo như chúng ta đã thấy qua được hình ảnh của Ngài Đề-bà-đạt-đa. Do  đó, nói trúng xu hướng và nhu cầu của đại chúng là quan trọng nhưng phải là có lợi lạc cho họ bây giờ và mai sau. Nói một cách khác, chúng ta thu hút đại chúng bằng những vấn đề họ quan tâm để họ tin tưởng chúng ta. Nhưng, chúng ta phải sử dụng niềm tin đó để tiếp tục hướng đại chúng theo con đường chánh phápnhằm tránh cho cả chúng ta và đại chúng lạc đường.

Trong ví dụ về Thiền định vừa nêu trên, lối tu tập Thiền định chuẩn mực hướng đến Niết-bàn tối hậucũng như lối tu Tà định mê hoặc quần chúng đều không tương thích cho nền GDPG hiện nay. Vậy, chúng ta hướng dẫn môn học Thiền định này như thế nào cho phù hợp đây?

Vẫn một quan điểm như trước, chúng ta nhấn mạnh đến phương diện Giáo Dục Thế Tục của Thiền định. Chẳng hạn, không ai trong chúng ta ngồi đây mà không muốn trẻ lâu và khỏe mạnh. Người già thì muốn được dẻo dai khoẻ mạnh, người trung niên thì mơ ước mình chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi. Những người ở độ tuổi 30 mà được khen trẻ trung như hai mươi thì mặt mày hớn hở. Ai vô tình đoán mình đang ở độ tuổi 40-50 thì không hài lòng ra mặt. Dù có cố gắng giấu đi cảm xúc thì trong lòng vẫn buồn bực, ấm ức, không vui, và cho rằng người nói chuyện với mình thật vô duyên hết mức. Còn những người đang ở độ tuổi trẻ trung của đôi mươi thì mong muốn tuổi thanh xanh sẽ còn mãi. Rằng mình chắc sẽ không thể xuống sắc như những người của độ tuổi 40—50 với nhiều lo âu tính toán. Rõ ràng, xu hướng của đại chúng là muốn được trẻ trung và mạnh khoẻ mãi mãi.

Vậy, thay vì đề xướng lối tu tập Thiền định chuẩn mực hướng đến Niết-bàn tối hậu cũng như lối tu Tà định mê hoặc quần chúng, chúng ta nhấn mạnh tiềm năng có thể đạt được ngay trong cuộc đời này của Thiền định chẳng hạn như nhắm thẳng vào xu thế “muốn trẻ đẹp” của thời đại. Rằng: căng thẳng là một “tên trộm nhan sắc hay tên trộm của sự trẻ trung.” Thiền tập là một phương thuốc đa năng, là chìa khóa để giúp chúng ta—đặc biệt là phụ nữ—đẹp hơn, trẻ hơn, hạnh phúc hơn v.v… Làm được như vậy, chắc chắn Thiền định sẽ thu hút và làm lợi lạc được rất nhiều người. Còn rất nhiều lợi ích thiết thực theo hướng Thế Gian pháp của Thiền định (một phương thức tu tập hướng đến Giải Thoát Giác Ngộ) có thể được nhấn mạnh trong thời đại hiện nay như để xả hay giảm sự căng thẳng, chế ngự trầm cảm, vượt qua khó khăn thử thách, hay chế ngự nóng giận v.v…

Xã hội thì muôn hình muôn vẻ. Do đó, mỗi một khía cạnh của xã hội yêu cầu một lối tu tập hay một khía cạnh về Giáo Pháp khác nhau để có sự tương thích. Phạm vi của một bài tham luận không thể đề cập hết được. Ví dụ cụ thể về Thiền định ở trên chính là thay cho muôn lời cần diễn đạt ở đây.

Tóm lại, nguyên tắc cần quan tâm thứ hai để tạo nên một vai trò đúng đắn đối với GDPG là đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt và cập nhật với thời đại. Nói một cách khác, chúng ta phải khảo sát thị trường để biết được người nghe muốn gì. Chúng ta không thể trao cho thời đại những thứ mà họ không cần. Đến đây, nguyên tắc thứ ba của GDPG cần được làm sáng tỏ. Đó là: Chúng ta muốn trao gì cho cuộc đời.

Chúng ta muốn trao gì?

Tham Chiếu

Sau khi khảo cứu về năng lực và trình độ cũng như nhu cầu thiết thực của sinh viên, nền giáo dục Mỹ tiến thêm một bước quan trọng nữa. Đó là quan sát sự thiếu hụt của sinh viên để trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng để kiện toàn lỗ hổng này. Nói một cách khác, đến đây nền giáo dục Mỹ mới xác định nên cung cấp những kiến thức gì cho sinh viên của mình. Nhờ chú trọng đến ba phương diện này mà nền giáo dục Mỹ đã đạt đến đỉnh điểm của thành công và luôn đứng hàng đầu Thế Giới.

Liên hệ

Cũng cách tư duy như vậy, sau khi chúng ta nhận định rõ được “khía cạnh Pháp nào nên nhấn mạnh” và “biết được người nghe muốn gì” rồi thì chúng ta phải xét xem Pháp được nói ra có nhắm vào những khúc mắc hay những khổ đau mà con người thời nay đang phải đối mặt không? Và GDPG có thể làm được gì để giải quyết những vấn đề này.

Trên thực tế, ba nguyên tắc của nền giáo dục Mỹ hiện nay không phải là mới mẻ. Cách đây hơn 25 thế kỷ, ba nguyên tắc này đã được Đức Phật áp dụng một cách triệt để. Chẳng hạn, trong nguyên tắc thứ ba này, quan điểm của Đức Phật rất rõ ràng rằng Giáo Pháp của Ngài là đi thẳng vào giải quyết khổ đau của con người trong thời đại. Đức Phật tuyên bố rằng suốt chặng đường Giáo Dục, Ngài chỉ dạy Khổ và con đường diệt khổ. Nhưng, cái khổ của con người thời Đức Phật lại rất khác với cái khổ của chúng tangày nay. Một trong những cái khổ của con người Ấn Độ thời Đức Phật là sa đà vào hai cực đoan: (1) sống hưởng thụ buông lung và (2) khổ hạnh ép xác.

Không cần phân tích ở đây, chúng ta đều biết cực đoan thứ nhất thường bị xã hội Ấn Độ thời đó cho là tầm thường thấp kém. Do đó, rất nhiều người thiên về con đường thứ hai là khổ hạnh ép xác. Đây được coi là lối sống lành mạnh và cao quý nhất thời bấy giờ. Chính vì thế, khi đạo sĩ Tất-đạt-đa (Đức Phậttương lai) nhận thấy lối sống khổ hạnh ép xác không đưa đến mục tiêu giải thoát tối hậu, Ngài đã quyết định từ bỏ nó và thọ dụng vật chất lại một cách bình thường. Ngay lập tức, năm người bạn đồng tu—những người đã gắn bó và tôn sùng Ngài như Phạm Thiên—đã trở mặt và coi thường đạo sĩ Tất-đạt-đa không thương tiếc.

Theo như Đức Phật, cả hai cực đoan này cần phải tránh xa. Bởi vì, cực đoan thứ nhất rõ ràng làm mất đi tiềm năng thánh thiện của con người. Cực đoan thứ hai làm tiêu huỷ khả năng tuy duy thiền định và làm tê liệt mầm sống của Thánh Quả. Hai cực đoan này là khổ.

Vậy Giáo Pháp của Ngài đã làm gì để giải quyết khúc mắc này của con người sống trong thời đại Ngài? Ngay trong bài pháp đầu tiên, Ngài đã đi vào giải quyết nỗi khổ Hai Cực Đoan này của con người thời đại Ngài. Như vậy, ta càng thấy rõ rằng hai lối sống cực đoan này có tầm ảnh hưởng rất lớn và rất nổi trội đối với con người trong thời đại khi Đức Phật còn tại thế. Và, Con Đường Trung Đạo (The Middle Way) chính là giải pháp Ngài đã trao cho cuộc đời.

Trên thực tế, nội dung chính của bài pháp đầu tiên Đức Phật dạy cho năm anh em Ngài Kiều-trần-như không phải là Con Đường Trung Đạo mà là Tứ Diệu Đế. “Con Đường Trung Đạo” tuy là một học thuyếtvà phương pháp tu tập quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp Giáo Dục của Đức Phật, nhưng trong bài pháp đầu tiên này nó chỉ đóng vai trò thay đổi nhận thức lối sống tu hành khổ hạnh ép xác đã thâm căn cố đế trong tâm trí con người thời đại Ngài cũng như trong tâm trí năm người bạn đồng tu này. Chính nhờ sự thay đổi nhận thức này mà năm anh em Kiều-trần-như mới sẵn sàng đón nhận Giáo Pháp cao quý Tứ Diệu Đế từ Đức Phật. Kinh điển ghi chép lại rằng, Đức Phật đã thành công bước đầu trong sự nghiệp giáo dục của mình qua bài pháp đầu tiên này với sự kiện Ngài Kiều-trần-như đắc được Pháp Nhãn đầu tiên.

Vậy cái khổ của thời đại hiện nay là gì? Và GDPG hiện thời sẽ làm gì để giải quyết những nỗi khổ này? Tất nhiên, nỗi khổ thời đại nào cũng là vô cùng. Nhưng, một trong những nỗi khổ mà ngay nay chúng ta, cụ thể hơn là cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, đang phải đối mặt là sự khác biệt về văn hoá và khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái.

Sau biến cố năm 1975, người Việt đã và đang di cư sang Hoa Kỳ định cư. Trong khi, những người cha mẹ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên thừa hưởng nền văn hoá Á Châu thì thế hệ con cháu được sinh ra và lớn lên ở Mỹ lại hấp thụ nền văn hoá Tây Phương. Do đó, về mặt văn hoá, cha mẹ và con cái thiếu đi điểm tương đồng.

Hơn nữa, môi trường xã hội hiện đại cũng đã lấy đi hầu hết thời gian ngồi bên nhau của các thành viên trong gia đình. Cha mẹ cần phải đi làm từ sáng đến chập tối mới về. Con cái cũng lo học hành cả ngày. Về đến nhà ăn uống, cơm nước, và sinh hoạt cá nhân xong thì cũng không còn bao nhiêu thời gian bên nhau nữa. Chính vì thế, cha mẹ và con cái không có thời gian để tâm tình, chia sẻ, hiểu biết, và cảm thông cho nhau. Cộng thêm sự khác biệt về tuổi tác và văn hoá đã làm khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng thêm rõ rệt. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời thì nó sẽ trên đà trượt dốc không thể chữa lành được.

Tóm lại, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đang đối diện với nan đề về sự khác biệt văn hoá, lối sống, và tư duy tạo nên khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái. Nên nhớ rằng, ở Việt Nam cũng xảy ra tình trạng khác biệt thế hệ này. Tuy nhiên, nó không quá nặng nề vì cha mẹ và con cái không phải đối mặt với sự khác biệt to lớn về văn hoá. Do đó, để giảm thiểu về khoảng cách thế hệ, cha mẹ ở Hoa Kỳ cũng cần phải trang bị một tri thức nhất định về văn hoá Tây Phương cho mình. Để làm gì? Chính là để tìm tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái. Ở đây, cũng xin lưu ý rằng phạm vi của đề tài này là Giáo DụcPhật Giáo nên những khía cạnh thế gian này không phải là trọng tâm của bài viết. Bây giờ, GDPG có thể làm gì để rút ngắn và hàn gắn nào cho khoảng cách thế hệ này?

“Tứ Nhiếp Pháp”—Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi Hành, và Đồng Sự—là một trong những giải pháp mà GDPG có thể trao cho thời đại để hàn gắn và rút ngắn khoảng cách thế hệ này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi/con sẽ triển khai một khía cạnh “Đồng Sự” trong Tứ Nhiếp Pháp để làm sáng tỏ vấn đề.

“Đồng Sự” hiểu một cách đơn giản tức là cha mẹ sẽ không đóng vai trò cha mẹ nữa mà sẽ là những người cộng sự hay những người bạn luôn sát cánh cùng với con mình. Sở dĩ cần phải đóng vai những người cộng sự hay những người bạn vì không phải điều gì con cái cũng có thể tâm tình và chia sẻ với cha mẹ được. Là những người bạn hay những người cộng sự thì yêu cầu phải bình đẳng, chân thành, và trách nhiệm. Nhưng, ít khi các bậc cha mẹ có thể làm tròn được vai trò này.

Bằng chứng có thể thấy được ngay trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Phần lớn các bậc làm cha mẹđang tự biến mình thành những người lái xe taxi đưa đón con em mình tới GĐPT. Còn nữa, các vị đang biến GĐPT thành những trung tâm giữ trẻ cho mình có gần một ngày tự do mua sắm hay làm những việc mình ưa thích. Con cái thì được các Huynh Trưởng GĐPT nhiệt tình dạy dỗ mọi mặt cả về giáo lýPhật Pháp. Trong khi đó, cha mẹ không hề tham dự và cũng không hiểu biết về Phật Pháp. Rõ ràng, cơ hội tìm tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái thông qua Phật Pháp là có. Nhưng, bậc làm cha mẹ đã và đang đánh lỡ mất cơ hội này.

Chúng tôi thiết nghĩ, nếu các bậc cha mẹ có thể đồng hành (“Đồng Sự”) cùng con mình bằng cách cùng tham gia học Phật Pháp trong ngày sinh hoạt của GĐPT chỉ một tiếng đồng hồ thôi thì về nhà sẽ có thể tìm được những sự đồng cảm và những tiếng nói chung giữa hai thế hệ. Và như vậy, rào cản thế hệ có thể dần được gỡ bỏ.

Đáng lưu ý hơn, nếu cha mẹ có thể tham gia học Phật Pháp trong vòng một tiếng với con mình thì các vị đã làm đúng theo tinh thần “Đồng Sự” của Tứ Nhiếp Pháp. Và không cần nói thêm, chúng ta đang là bạn là những người đang đồng hành cùng với con mình. Lý do cũng thật đơn giản vì chúng ta học cùng một lớp nên lẽ dĩ nhiên là bạn của con mình. Như vậy, “Đồng Sự” chính là một trong những chìa khoá hay một công cụ sắc bén mà GDPG cho thể trao cho thời đại để dỡ bỏ rào cản về khoảng cách thế hệ. Tức là, chúng ta cũng đang đồng hành (“Đồng Sự”) và chia xẻ với con người hiện thời giải quyết những khúc mắc hay những nỗi khổ mà họ đang phải gồng mình gánh chịu.

Ngoài nan đề về khoảng cách về thế hệ, con người hiện thời đang phải đối mặt với nhiều khủng hoảng. Chẳng hạn như chứng bệnh tự kỷ, trầm cảm, cảm giác cuộc đời tẻ nhạt hay vô vị, bạo động, và khủng bố v.v… Đã có rất nhiều trường hợp vì những khủng hoảng trên mà con người thời nay đã tự huỷ hoại mạng sống quý giá của mình. Tất cả những bế tắc và khủng hoảng này vẫn đang chờ sự đóng góp của GDPG của chúng ta.

Tóm lại, cách đây 25 thế kỷ, Đức Phật đã nhạy bén nắm bắt được những khổ đau mà con người thời đại Ngài đang phải đối diện. Ngài đã đi thẳng vào những khổ đau này và trao cho thời đại Ngài những phương hướng cụ thể để vượt qua chúng. Ngài đã thành công! Do đó, chúng ta nên học hỏi theo kinh nghiệm quý báu của Ngài. Chúng ta cũng cần triển khai Giáo Pháp theo chiều hướng có thể giải quyếtđược những khổ đau và khúc mắc của con người trong thời đại hiện nay. Làm được như thế ắt thành công của chúng ta cũng không thua Đức Phật là bao xa.

Kết Thúc Vấn Đề

Đúng như trong kinh có chép: Pháp của Phật là “vượt thời gian.” Pháp Phật luôn đúng và có thể áp dụng được cho mọi thời đại. Cách đây hơn 25 thế kỷ, Giáo Pháp này đã được Đức Phật vận dụng khéo léo để giải quyết những khổ đau của chúng sinh và của con người thời đại Ngài đang phải hứng chịu. Những gì Đạo Phật đóng góp cho Giáo Dục của chúng ta ngày nay cũng không khác với những gì nó đã cống hiến cho nhân loại suốt 25 thế kỉ qua. Tuy nhiên, để sự đóng góp của Đạo Phật trở nên sắc bén và nhạy cảm thì người làm công tác giáo dục Phật Giáo ngày nay cần phải hướng Giáo Pháp này song hành với ba nguyên tắc.

Thứ nhất, do con người thời đại hiện nay sống thực tế nên Giáo Pháp cần nhấn mạnh hay nên tuyên thuyết cũng nghiêng về tính thiết thực đối với thế gian này. Cụ thể là trong ba mục tiêu của Giáo Pháp: (1) Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp, (2) Hạnh phúc cho những kiếp sống vị lai, và (3) Hạnh phúc của Niết-bàn tối hậu, thì chúng ta nên chú trọng và nhấn mạnh đến mục tiêu thứ nhất. Tức là mục tiêu hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiện tại theo thế gian pháp.

Khi đã xác định được “Hạnh phúc ngay trong kiếp sống hiên tại theo thế gian pháp” là khía cạnh của Giáo Pháp nên nhấn mạnh rồi, chúng ta mới chú trọng đến nguyên tắc giáo dục thứ hai. Đó là phải hiểu sơ bộ được xu hướng của đại chúng và của thời đại? Hiểu được đại chúng và thời đại muốn gì chính là nền tảng để chúng ta lựa chọn xem Giáo Pháp nào sẽ thích hợp và giúp ích được cho mọi người. Bằng không sự giáo dục của chúng ta là hoài công vô ích mà đại chúng cũng không được lợi lạc gì.

Cuối cùng, những người làm công tác GDPG hiện nay cần quán xét và định hướng cho xu thế của đại chúng theo đúng chánh pháp. Tức là, chúng ta phải trao những điều lợi lạc và thiết thực cho con ngườicủa thời hiện đại. Giống như nền giáo dục của Mỹ, khi ba nguyên tắc này được đem vào áp dụng triệt để thì nhất định chúng ta sẽ đưa nền GDPG đến đỉnh cao của thời đại.

 

Thích Thanh Nguyên

Chú thích:

1- Ở đây, người viết dịch ý chứ không dịch chữ. Mỹ được gọi là Hiệp Chủng Quốc. Do đó, trong một lớp học, sinh viên gồm nhiều thành phần: người Mỹ, người Á Châu, hay người Âu Châu … với nhiều văn hoá, trình độ, và nhận thức khác nhau. Vì vậy, người Giáo Sư phải biết dung hoà và nắm bắt được trình độ sinh viên của mình để có bài giảng phù hợp chung cho mọi đối tượng.

2- Trung Bộ Kinh—Kinh Ví Dụ Tấm Vải Số 7

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin