Chi tiết tin tức Lớp học đi về đâu 22:12:00 - 25/11/2015
(PGNĐ) - Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi… Phấn trắng và bảng đen đã gắn bó với cuộc đời thầy cô giáo từ lâu. Phấn trắng có làm cho tóc thầy bạc hoặc bạc hơn, không sao, đẹp thôi; tuy nhiên, bụi phấn ít nhiều đã đi vào đường hô hấp, làm tổn hại lá phổi của thầy. May thay, điều đó được cải thiện khá nhiều nhờ phấn trắng loại ít bụi; và bảng đen được thay bằng bảng màu xanh lá cây đậm, rồi sau này là bảng chống lóa.
Đến thời đại tin học, phòng học vi tính không thể dùng phấn trắng được vì bụi làm ô nhiễm người dạy, người học và làm dơ máy vi tính; cho nên đã xuất hiện “đứa em” của phấn trắng, bảng xanh, đó là bút xạ và bảng trắng bằng mica. Phấn, bảng cùng với bàn ghế là những thứ đáp ứng nhu cầu cơ bản cho trang bị lớp học; ngoài ra, còn có thể thêm, tùy điều kiện và cấp lớp: bản đồ, tủ sách và dụng cụ, quạt máy, đèn, giá mũ nón, áo mưa… Thế rồi, mấy chục năm gần đây, khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh chóng, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông phát triển như vũ bão, rồi internet ở khắp mọi nơi, đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động của xã hội. Ngành giáo dục vừa thừa hưởng và áp dụng những công nghệ tiên tiến ấy trong công tác dạy và học, vừa đào tạo con người để sử dụng công nghệ và phát huy năng lực của học sinh trong lãnh vực mới. Vậy thì bộ mặt lớp học có gì thay đổi? Nói riêng tại nước ta, những vùng sâu, vùng xa, miền núi có lắm khó khăn, nhà trường đảm bảo điều kiện bình thường là đã khó, nói gì đến công nghệ tiên tiến. Nhưng trải rộng trên nhiều miền đất nước, các trường học ở các nơi xa thành phố lớn vẫn có máy vi tính, máy in, mạng, có phòng trang bị tivi, laptop, đèn chiếu, màn hình, dầu chưa được học sinh sử dụng rộng rãi. Chỉ khởi sắc là ở các đô thị lớn, đặc biệt là tại TPHCM và Hà Nội. Thời gian gần đây, nhằm vào mùa khai giảng năm học mới 2013-2014, rộ lên chuyện trang thiết bị cho các phòng học tại TPHCM mà báo chí phản ánh nhiều. Chuyện không mới là lâu nay, nhiều trường đã trang bị laptop, đèn chiếu, màn hình, giáo án điện tử để cải tiến phương pháp giảng dạy; có trường lại lo lắng về chuyện kiểm tra thầy cô, đánh giá thi đua bằng cách lắp đặt camera theo dõi hoạt động trong lớp (chuyện này gây ra nhiều dư luận trái chiều, nhưng chắc chắn giáo viên buồn lòng vì bị gò bó và tổn thương lòng tự trọng). Đến lúc nhà trường nhận ra đèn chiếu, màn hình không đạt hiệu quả nghe nhìn, liền trang bị tivi 32 inches, tiến đến màn hình LCD 52 inches kết nối với máy tính bàn hoặc laptop. Học sinh ban đầu hào hứng vì của lạ, sinh động, nhiều ứng dụng, nhưng lớp học thì đông, mọi ánh mắt đổ dồn vào màn hình; dầu sao màn hình nhỏ quá so với bảng, lại thêm có phía học sinh không thấy được, chữ lại nhỏ, thế là hiệu quả trên số đông kém đi. Một công cụ mới được các công ty tiếp thị với trường học: “bảng tương tác có màn hình 78 inches, sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng tương tác, phần mềm kiểm tra đánh giá và giáo trình được biên soạn theo sách giáo khoa, tổng trị giá 30 triệu đồng” (theo Tuổi Trẻ, 27/9/2013). “Một công ty tại Hà Nội tiếp thị thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM với chương trình tài trợ cho năm trường tiểu học tại TPHCM giải pháp “lớp học tương tác”. Các sản phẩm tài trợ là bảng tương tác, máy chiếu, laptop, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phần mềm soạn giáo án, hệ thống loa và phụ kiện đi kèm. Tất cả khoảng 60 triệu đồng, mỗi năm công ty sẽ thu phí bản quyền phần mềm sáu triệu/lớp học. Những phòng học trang bị những thiết bị dạy học hiện đại như trên là hướng phấn đấu của nhiều trường ở đô thị. Ngay ở Nha Trang, một trường tiểu học có một “lớp học năm sao”(lớp 7/1 Trường THCS Võ Văn Ký) được trang bị máy lạnh, máy chiếu, laptop, micro không dây, loa, phần mềm giáo án điện tử (Tuổi Trẻ, 27/9/2013). Cũng theo tin của Tuổi Trẻ ngày 7-10-2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định trang cấp cho toàn bộ 187 trường tiểu học và tất cả các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở hệ thống các thiết bị hiện đại theo đề án: “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2020”. Trước đó, UBND TPHCM đã chấp thuận hỗ trợ 50% kinh phí để sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (bảng tương tác) dùng trong các trường mầm non và tiểu học, theo hai đề án: “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố” và “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”(Tuổi Trẻ, 4-10-2013). Quán quân của phòng học hiện đại là phòng học 3D của Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM. Đây là trường đầu tiên trên cả nước ứng dụng giảng phần mềm 3D ở các môn học vật lý, hóa học, địa lý, sinh vật và công nghệ. Học sinh mỗi em đều mang một loại kính đen để xem diễn tiến trên màn hình một cách sinh động và hấp dẫn, giống như ngồi trong rạp xem phim 3D. Chi phí phòng học như thế lên đến 400 triệu đồng. (Theo Tuổi Trẻ online, 30/9/2013). Các trường đang thi đua sắm sửa những phòng học hiện đại với thiết bị hiện đại, và phụ huynh giàu cũng thi đua để con em mình được hưởng những công nghệ hiện đại ấy. Cả hai gặp nhau trong chính sách gọi là xã hội hóa giáo dục, mà cụ thể là phụ huynh đóng góp trên mức bình thường những nhu cầu dạy, học và nhu cầu đa dạng của trường. Những lớp học năm sao, bảng tương tác, phòng học 3D, máy lạnh… đều do phụ huynh học sinh đóng góp. Thế nhưng phụ huynh thì cũng lắm loại phụ huynh: có người đầy đủ vật chất thì đóng góp chục triệu trở lên cũng không sao, có người thì tặc lưỡi, thôi gắng mà đóng, và dĩ nhiên cũng có người toát mồ hôi hột chạy cho ra tiền cho con học với cái hiện đại. Cái hiện đại, chạy cho ra tiền để mua đã khó, mà cho nó vận hành trơn tru và hiệu quả, lại khó hơn, nhất là cái gì gồm cả phần cứng và phần mềm. Chi phí về phần cứng đã cao và dễ hư hỏng, còn chi phí phần mềm thì phải mua, rồi đòi hỏi người giáo viên sử dụng hiệu quả, thạo máy tính, và biết soạn bài dạy trên phần mềm được trang bị. Nhà trường có thể mua giáo án điện tử, nhưng làm sao đạt hiệu quả cao nếu không phải ai cũng sử dụng thành thạo như nhau? Xin dẫn chứng những bài trên Tuổi Trẻ về hiệu quả sử dụng: “Vào lớp, cô giáo loay hoay khởi động máy tính, cắm USB, tải dữ liệu; gặp trục trặc, cô phải gọi điện thoại nhờ người rành công nghệ tới hỗ trợ. Học sinh ngồi chờ, 15 phút sau, bài giảng mới thực sự bắt đầu” (Tuổi Trẻ 24/9/2013). Cô S.T., giáo viên một trường tiểu học tại Gò Vấp, cho biết: “Cả năm nay hầu như các màn hình LCD chỉ để ngắm là chính. Hồi mới lắp đặt thì giáo viên cũng nhiệt tình dạy học bằng giáo án điện tử hoặc chiếu hình ảnh tư liệu, về sau thấy mất thời gian và nguồn tư liệu cũng cạn dần”. Giáo án điện tử chỉ là bộ mặt trên giao diện máy tính và màn hình của công trình soạn bài ở nhà. Thầy nào thì bài đó. Người thầy có thể dạy hay với phấn và bảng, nhưng dạy với giáo án điện tử thì lúng túng. Cho nên ngoài khả năng chuyên môn, thầy còn phải có khả năng thích ứng với công nghệ mới. Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 băn khoăn: “Không phải giáo viên nào cũng rành máy móc và thao tác tốt trên các thiết bị dạy học hiện đại. Khi sử dụng máy móc, giáo viên thường loay hoay với cái máy, vừa mất thời gian vừa thiếu sự gần gũi, giao lưu với học trò. Như vậy hiệu quả giảng dạy sẽ không đạt được” (Tuổi Trẻ, 24/9/2013). Qua việc trang bị những thứ hiện đại cho các phòng học ở các trường lớn, một số vấn đề lớn cần quan tâm: – Tất nhiên, lợi ích của các thiết bị này là thấy rõ: bài giảng hấp dẫn, học trò chú ý, người dạy kiểm tra, đánh giá trong một số trường hợp, học sinh được mở rộng kiến thức bằng những tư liệu, biểu đồ, âm thanh, hình ảnh sinh động, mới mẻ… Nhưng muốn dùng các thiết bị này, cần nghiên cứu kỹ, cần tổ chức thực hiện, cần huấn luyện giáo viên cho thành thục, trên cơ sở kiến thức và thực hành máy tính, kể cả kỹ năng làm giáo án điện tử. Đừng để chi ra không biết bao nhiêu tiền mà cuối cùng thiết bị phải trùm mền. Theo thiển ý, chương trình và sách giáo khoa là dành cho các lớp phổ thông, phấn trắng bảng đen với phòng học đàng hoàng là đủ để cho thầy cô thao tác; có gì hiện đại thêm vào cũng chỉ là hỗ trợ, và không hẳn khi nào cũng xông vào hỗ trợ. Cớ gì mình phải vất vả chạy đua với vật chất như thế, trong khi cái chính phải giải quyết là trình độ giáo viên, đời sống giáo viên, và cho giáo viên thoát khỏi những thứ thi đua thành tích vô bổ, những hồ sơ nặng nề, phản tác dụng? – Phụ huynh tham gia vào việc trang cấp thiết bị lớp học là rất quý, nhưng việc tạo nên lớp học “quý tộc” với những máy lạnh, thiết bị hiện đại dành cho một số học sinh chọn lọc sử dụng, tạo ra ốc đảo phong lưu giữa những phòng học bình thường, liệu có nên không? Bộ, Sở và trường phải cầm chịch bằng quan điểm giáo dục và xã hội đàng hoàng, chứ không phải là lực lượng khác. Lực lượng khác ở đây không chỉ là một số phụ huynh giàu, mà còn là những công ty hăng hái tiếp thị với trường, hứa hẹn bao nhiêu chuyện tốt đẹp, kể cả chiết khấu, quà tặng cho đơn vị mua. Hiện trạng giáo dục đã phơi bày sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa trường nghèo và trường giàu, giữa lớp nghèo và lớp giàu, giữa vùng nghèo và vùng giàu. Trên bức tranh chung, nếu có một số mảng nhỏ sáng sủa, thì mênh mông những mảng màu xám, đó là những trường không ra trường, lớp không ra lớp. Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong một buổi tổ chức lấy ý kiến “Báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo chất lượng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Dân Trí, 16-7-2013): “Chúng tôi thấm thía nhiều khi nghe các ý kiến góp ý là chúng ta chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục. Nói cá biệt thì trong nhiều trường hợp chúng ta chưa đủ điều kiện tối thiểu cho hoạt động của giáo dục chứ chưa phải đảm bảo. Cụ thể, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc vẫn chưa có lớp học, lớp học vẫn là những phòng học tạm tranh tre nứa lá; ngay ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định… cũng không thiếu những phòng học xập xệ và có những phòng học kiên cố hiện nay còn nguy hiểm hơn vì không biết sập lúc nào mà chúng tôi đã đi thăm và kiểm tra”. Thật ra, bức tranh giáo dục đó không chỉ ở nước ta, mà còn phổ biến ở nhiều nước trên thế giớia, nhưng đứng về mặt hưởng thụ tiện ích của công nghệ hiện đại thì những học trò nghèo vẫn có được sự quan tâm đặc biệt, từ cấp vĩ mô. Trước hết, xin nói về nước Chilib. Từ năm 2006, chính phủ đã khai trương đường truyền mạng giáo dục để giúp cho thầy cô giáo và học sinh chuẩn bị làm bài trắc nghiệm tuyển sinh vào đại học. 1,2 triệu học sinh trung học có thể kết nối đường truyền nhờ điện thoại di động hay máy vi tính để học chương trình tùy chọn. Chính phủ đã giảm thiểu bất bình đẳng về giáo dục giữa những học sinh sống ở tỉnh, thường xuất thân từ hoàn cảnh kém may mắn, và những học sinh ở tại những thành phố lớn, bằng cách cung cấp cho học sinh những công cụ như nhau và những cơ hội như nhau để vào đại học. Kết quả là đáng phấn khởi: 62% những người sử dụng sống ở tỉnh; và năm 2011, 20% trong số họ đạt những điểm xuất sắc tại kỳ thi trắc nghiệm quốc gia. Điện thoại di động và máy tính bảng càng ngày càng rẻ, được sử dụng rộng rãi, ngay ở các nước nghèo. Cuối năm 2011, người ta tính sáu tỉ điện thoại di động trên thế giới và 80% những cổng đường truyền mới được thực hiện bởi những nước đang phát triển. Thái Lan hiện công bố tất cả học sinh lớp đầu của bậc tiểu học và bậc trung học đều được trang bị một máy tính bảng, tất cả 1,7 triệu trẻ. Và Ấn Độ đã tung ra sản xuất máy tính bảng giá thành thấp để phục vụ sinh viên. Những kế hoạch tương tự được áp dụng tại Nam Phi, một nước mà 51% hộ gia đình không có một cuốn sách, thì con em họ vẫn được luyện tập trên điện thoại di động để đọc truyện và ngay cả tác phẩm của Shakespeare. Năm 2009, chính quyền đã hợp tác với hãng chế tạo Nokia, và tung ra một áp dụng phần mềm trên điện thoại di động về toán cho những học sinh trung học dưới cái tên dự án MoMaths. Với hơn 10.000 bài tập, chủ yếu dưới dạng câu hỏi-trả lời, học sinh làm bài tập trên điện thoại của chúng và dự thi trên mạng. Năm 2010, học sinh đã cải thiện kết quả đến 14% và cuối năm 2011, chương trình đã được 25.000 người dùng với sự ủng hộ của 500 thầy cô và 172 trường. Kết quả thấy rõ, vì thế dự án đã trải rộng ra ba nước châu Phi khác. Tại Ấn Độ, trong những vùng nông nghiệp phía Bắc bang Utta Pradesh, 43% trẻ không thường xuyên đến trường, vì chúng thường tham gia công việc đồng áng hay chăn nuôi. Điện thoại di động cho phép chúng học ở bất cứ đâu và khi nào mà chúng mong muốn. Nhóm những nhà thiết kế chương trình lấy cảm hứng từ những trò chơi truyền thống ở thôn quê để lập một chương trình Chơi mà luyện Tiếng Anh. “Những trò chơi đó đem lại cho chúng những căn bản của từ vựng, văn phạm và ngữ pháp để trao đổi. Để đi xa hơn, nhất thiết phải có thầy dạy. Nhưng đối với nhà trường có rất ít phương tiện, đó đã là một bước tiến lớn”, một nhà thiết kế trong nhóm đã cho biết như thế. Những thiết bị hiện đại và các phương tiện nghe nhìn đã làm phong phú lớp học, tạo hiệu ứng đa dạng cho người học, không những thế, còn kéo lớp học ra bên ngoài, đến tận từng học sinh đang làm việc đồng áng nơi quê nhà, hoặc những học sinh không thường xuyên đến trường do hoàn cảnh quá khó khăn. Cần nhấn mạnh rằng, các phương tiện nói trên phục vụ cho mọi đối tượng, nhưng lại cần thiết hơn cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, khó theo kịp về chất lượng học tập bằng những học sinh có nền nếp đàng hoàng, có đời sống khá giả. Thực sự, nếu học sinh có đủ trình độ căn bản, thì nếu như không có những bảng tương tác, những giáo án điện tử… mà chỉ có phấn và bảng, thì hiệu quả vẫn tốt như thường, và có thể nhiều khi còn tốt hơn – điều quan trọng nhất vẫn là thầy cô giáo. Dĩ nhiên có những bài học nếu được hỗ trợ của thiết bị hiện đại đưa ra hình ảnh, tư liệu, biểu đồ, video clip, thì học sinh có thể dễ hiểu và thích thú, tuy nhiên những thứ đó phải được sử dụng đúng chỗ và chừng mực. Trở lại phong trào chạy đua trang thiết bị hiện đại của ban giám hiệu các trường lớn cùng phối hợp với hội phụ huynh học sinh, tôi xin trích đoạn mở đầu của một bài trên báo Le Monde ngày 13-11-2012, Allô, la “smart classe”? (a-lô, lớp học thông minh phải không?- tác giả chơi chữ smart, lấy từ smart phone”): “Ôn bài, học Tiếng Anh trên điện thoại di động ư? Ngày nay, ở Pháp không ai nghĩ đến việc đó, nhưng ở Chili, đó là hiện thực với 1,2 triệu học sinh trung học”. Chili chắc chắn là nghèo hơn Pháp, giáo dục Chili làm sao bì lại Pháp, chính vì thế cho nên chính quyền và các lực lượng xã hội phải nhờ cái hiện đại để giúp cho học trò khó khăn trên diện rộng lớn. Vậy thì, thiết bị hiện đại góp phần cải tiến phương pháp giảng dạy, và cũng tạo thêm cơ hội học tập cho những học sinh kém may mắn. Còn phấn và bảng, không có gì có thể thay thế hai công cụ này, bất cứ ở đâu trên thế giới. ■
CAO HUY HOÁ Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |