Chi tiết tin tức

Niềm tin tôn giáo và giáo dục mẫu giáo

20:37:00 - 16/10/2015
(PGNĐ) -  Từ xa xưa, người Việt vẫn biết rằng trẻ em cần được giáo dục càng sớm càng tốt và đã nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng phải “dạy con từ thuở còn thơ”. Điều này phần nào thể hiện ý thức của người Việt về tầm quan trọng của những nhận thức đầu đời trong việc hình thành nhân cách của con trẻ; vì lẽ việc dạy ở đây không phải là dạy về tri thức, mà là dạy về tình cảm, về đạo đức, về hành vi, về cách đối xử với tha nhân và môi trường, về lối sống…, nói chung là những nhận thức căn bản của đời sống con người. Như vậy, tổ tiên ta cũng đã hiểu rằng, tất nhiên, tri thức đến sau sẽ càng củng cố những nhận thức đúng liên quan đến đời sống tình cảm và tâm linh của con trẻ khi trưởng thành.

Những nghiên cứu mang tính khoa học về quá trình phát triển của con người càng khẳng định rằng trẻ em rất sớm thích nghi với môi trường để có thể nhận định rằng việc uốn nắn một cách khéo léo từ sớm đối với những trẻ em cùng một thế hệ sẽ có tác dụng quyết định trong việc xây dựng một lớp người mới. Hiểu được điều này, nhiều cộng đồng trên thế giới đã áp dụng những hệ thống giáo dục tiền học đường dành cho trẻ em chưa đến tuổi đi học bậc sơ học với mong muốn xây dựng những mẫu công dân phù hợp với định hướng phát triển của cộng đồng đó. Mặc dù ngôi trường mẫu giáo đầu tiên có vẻ là đã được thiết lập vào năm 1817 ở New Lanark bởi Robert Owen, một nhà cải cách xã hội người Tô Cách Lan, chỉ nhằm mục  đích giải quyết việc trông nom trẻ con cho những gia đình công nhân có con nhỏ yên tâm làm việc trong thời bắt đầu kỹ nghệ hóa, hệ thống trường mẫu giáo đã được nhiều cộng đồng phát triển quan tâm và dần dần trở thành một định chế giáo dục ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam ta cũng đã có cả một hệ thống nhà trẻ và trường mẫu giáo rộng khắp trên cả nước; gần đây, ngoài hệ thống nhà trẻ và mẫu giáo do nhà nước quản lý điều hành, đã có những nhà trẻ và trường mẫu giáo do các tổ chức tôn giáo và những cơ quan giáo dục nước ngoài mang tính quốc tế điều khiển. Điều cần quan tâm là mỗi hệ thống giáo dục đều có một mô hình văn hóa làm định hướng; do đó, việc xác định một mô hình văn hóa đóng vai trò định hướng trong việc giáo dục mẫu giáo là điều quan trọng.

Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, một nhóm học giả chuyên về giáo dục tiền học đường gồm Joseph Tobin, David Wu và Dana Davidson đã thực hiện một cuộc nghiên cứu đối chiếu về nền giáo dục mẫu giáo thuộc ba nền văn hóa khác nhau, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc mà kết quả là tác phẩm Preschool in Three Cultures: China, Japan and the United States được xuất bản năm 1989, đã mang lại những nhận thức mới trong việc xác định vai trò của mô hình văn hóa trong giáo dục mẫu giáo. Các nhà nghiên cứu về văn hóa cũng đã định nghĩa mô hình văn hóa là những mô hình tổng quát của thế giới được cho là hiển nhiên mà những thành viên của một cộng đồng cùng chấp nhận; những mô hình này đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích mọi hiện tượng của đời sống, cung cấp những giải thích cho mọi trải nghiệm của con người, đưa ra những giản đồ khái niệm hay niềm tin và những kịch bản hành vi mẫu mực. Cũng qua cuộc nghiên cứu dẫn trên, các học giả kết luận rằng mỗi nền văn hóa có những giải pháp giáo dục trẻ mẫu giáo khác nhau với những mục tiêu xây dựng những mẫu người khác nhau, và trong những chừng mực nhất định, các mô hình văn hóa khác nhau vẫn có thể có những thay đổi theo thời gian để đáp ứng được những mục tiêu của cộng đồng trong từng giai đoạn phát triển.

Khi Nhật Bản chịu cơn sóng thần năm 2011 quét vào miền Đông bắc nước này, cả thế giới đã sửng sốt trước những hành vi thể hiện tinh thần Nhật Bản trong việc đối phó với thảm họa, từ việc trật tự xã hội được duy trì ngay trong những lúc khó khăn nhất, đến sự nhẫn nại của người dân trong khi chờ đợi được cứu giúp và nổi bật là thái độ chia sẻ một cách trung thực và dũng cảm của cả những em bé đang có những nhu cầu sống thiết thực nhất. Thế giới đã thể hiện sự khâm phục trước tinh thần Nhật Bản, đồng thời nhiều người cũng tự hỏi rằng nhờ đâu mà ngay cả những em bé cũng có được thái độ bình tĩnh chịu đựng như họ đã thấy. Có thể thấy câu trả lời nằm trong kinh nghiệm Nhật Bản về hoạt động giáo dục mẫu giáo với niềm tin tôn giáo.

Theo một nghiên cứu về vai trò của niềm tin tôn giáo trong việc giáo dục mẫu giáo ở Nhật Bản của học giả Susan D. Holloway, hệ thống giáo dục mẫu giáo ở Nhật Bản có  phạm vi rất rộng lớn với trên 90% trẻ em Nhật Bản đã từng theo học ít nhất là hai năm tại những cơ sở gọi là ấu trĩ viên (youchien), nghĩa là vườn trẻ, hay bảo dục viên (hoikuen) nghĩa là vườn chịu trách nhiệm nuôi dạy. Các tài liệu về giáo dục ở Nhật Bản cho biết youchien thuộc hệ thống điều hành của Bộ Giáo dục trong khi hoikuen lại được quản lý bởi Bộ Y tế và An sinh xã hội; và nói chung, tất cả những cơ sở giáo dục đó đều có hoạt động chính là nuôi dạy trẻ em trong khoảng từ 18 tháng đến hết 5 tuổi, cho nên đều có thể coi là thuộc hệ thống giáo dục mẫu giáo. Những cơ sở công lập do chính quyền địa phương cai quản, thu học phí tương đối nhẹ và còn có nhiều hình thức giúp đỡ các bậc cha mẹ nằm trong hệ thống chính sách khuyến khích người Nhật sinh thêm con trước tình trạng xã hội Nhật đang ngày càng già đi. Tuy nhiên, theo học giả Holloway thì vẫn có tới xấp xỉ 80% trẻ em được đưa vào nuôi dạy tại các cơ sở mẫu giáo tư nhân mà trong đó có khá nhiều cơ sở giáo dục gắn liền với Phật giáo hoặc Thiên Chúa giáo.

Nghiên cứu của học giả Holloway cho biết ở Nhật Bản hầu như không thể tiếp cận với ban giám đốc các cơ sở giáo dục mẫu giáo nếu không có sự trợ giúp của một người trung gian; và do đó, khó mà có một ý niệm rõ rệt về số lượng những cơ sở giáo dục mẫu giáo có khuynh hướng tôn giáo. Bà cũng cho biết có khá nhiều trường mẫu giáo được thành lập bởi các tổ chức tôn giáo nhưng không hẳn đã chịu ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo đó. Mặc dù vậy, trong cuộc nghiên cứu kéo dài hai năm (1994-1995), bà cũng đã tiếp cận với một số trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo và một số trường mẫu giáo Phật giáo. Theo đó, mỗi tôn giáo có một mô hình văn hóa khác nhau để định hướng hoạt động nuôi dạy trẻ trong các trường mẫu giáo thuộc tôn giáo mình.

Ở những trường mẫu giáo theo Thiên Chúa giáo, các nhà giáo dục quan niệm rằng trẻ em là quà tặng của Thượng đế, và thông điệp của Thượng đế là tình thương; do đó, họ tuyệt đối tôn trọng tự do cá nhân của trẻ em và tạo điều kiện cho các em phát triển theo hướng tự do. Từ đó, một trong những hoạt động thường xuyên của trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo là việc chơi đùa tự do. Giáo viên chỉ giám sát hoạt động của trẻ và ít can thiệp vào hoạt động của trẻ. Nhà trường cung cấp các phương tiện phát triển năng khiếu và trẻ em tự chọn việc tham dự các hoạt động phát triển năng khiếu theo ý thích. Tuy nhiên, trong hoạt động giáo dục, họ vẫn hướng các em đến tinh thần trách nhiệm đối với tập thể. Họ khuyến khích các em bày tỏ quan điểm của mình về tất cả những gì các em đã tiếp xúc. Trong các buổi sinh hoạt chung, họ khéo léo hướng dẫn các em điều chỉnh thái độ của mình đối với bạn bè, với người khác và với môi trường. Một trong những mối quan tâm chính là hướng dẫn các em tự phục vụ. Điểm đặc biệt là các trường mẫu giáo theo khuynh hướng Thiên Chúa giáo quan tâm đến việc dạy chữ cho các em, trong khi quan điểm chính thức của Chính phủ Nhật Bản là dành việc dạy chữ cho học sinh khi các em đã bước vào bậc tiểu học. Do có cùng mô hình văn hóa Thiên Chúa giáo, các trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo ở Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng với trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo ở Hoa Kỳ, nhưng nét khác biệt nổi bật nằm ở chỗ mô hình văn hóa Thiên Chúa giáo cũng đã được diễn dịch theo mô hình văn hóa Nhật Bản, tuy có hướng trẻ em tới việc tăng cường khả năng tự phát biểu, nuôi dưỡng tinh thần tự biết về chính mình và trau dồi những mối quan tâm cá nhân nhưng các giáo viên cũng thể hiện việc giúp các em xây dựng các mối quan hệ và hình thành khả năng làm việc tốt trong môi trường tập thể. Tất nhiên, một trong những hoạt động của trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo là những buổi cầu nguyện hàng ngày vào sáng sớm và mỗi tuần tham dự một buổi thánh lễ. Sau này, ở một số trường, việc này không bắt buộc.

Những trường mẫu giáo Phật giáo thể hiện việc tổng hợp khéo léo những yếu tố truyền thống của tư tưởng Phật giáo với những ưu tư hiện đại cho việc chuẩn bị đưa trẻ em vào trường sơ học. Phật giáo quan niệm con người có mặt trong cuộc đời này là vì nghiệp; do đó, những kinh nghiệm tất yếu về cuộc đời sẽ là những kinh nghiệm đau đớn và khổ sở. Vì vậy, trẻ em cần phải được giáo dục sao cho các em có khả năng chấp nhận những đau đớn khổ sở của cuộc đời đồng thời tạo điều kiện để mình và người khác cùng thoát ra khỏi những đau đớn khổ sở đó. Triết lý giáo dục áp dụng ở đây là Tứ nhiếp pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Hoạt động giáo dục trong trường mẫu giáo Phật giáo nhấn mạnh đến tình thương; lòng từ bi không chỉ bày tỏ giữa người với người mà còn được thể hiện đến mọi sinh vật khác và cả cây cỏ nữa. Trong học trình của trẻ mẫu giáo, có việc nuôi thú cưng và trồng hoa trồng cây, săn sóc những thứ được nuôi trồng đó. Một điểm quan trọng phải xây dựng trong tâm hồn con trẻ là lòng biết ơn. Các em được gợi ý để nhận biết công ơn của cha mẹ, của môi trường sống. Cùng nhau cầu nguyện trước lúc thực hiện một hành động nào đó là cách thể hiện lòng biết ơn đối với Đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni và Đức Phật A-di-đà. Ngoài ra, yếu tố chính để con người có thể rộng lượng là con người phải mạnh mẽ; vì thế, việc rèn luyện thân thể là một trong những hoạt động chính của trường mẫu giáo Phật giáo. Vấn đề kỷ luật được các nhà giáo dục mẫu giáo Phật giáo coi trọng. Họ cho rằng người Nhật Bản có khuynh hướng không tôn trọng kỷ luật nếu không được nhắc nhở; vì thế, trong lúc tạo điều kiện cho trẻ em phát triển tự do, họ vẫn nhấn mạnh đến việc phải khép các em vào kỷ luật với những kỹ thuật “rất Nhật Bản” là để cho các em tự nhận ra những hậu quả của việc không tôn trọng kỷ luật. Quan niệm rằng trẻ em phát triển tâm trí mạnh mẽ nhất khi hoạt động theo nhóm, các lớp mẫu giáo Phật giáo thường có nhiều học sinh; đây cũng là một kỹ thuật để hạn chế tinh thần cá nhân chủ nghĩa của con người, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với tập thể mà lại có thêm động cơ cho việc cạnh tranh trên tinh thần tứ nhiếp pháp luôn được nhắc nhở. Mặt khác, trường mẫu giáo Phật giáo nhấn mạnh đến việc phát triển những nhược điểm của học sinh thay vì chạy theo phát triển tài năng thiên bẩm  của các em. Các nhà giáo dục mẫu giáo Phật giáo quan niệm rằng trẻ em cần được phát triển một cách hài hòa chứ không chủ trương đào tạo những thần đồng trong các lãnh vực chuyên biệt. Thế nên, những em yếu về âm nhạc chẳng hạn, thì lại được khuyến khích học nhạc.

Truyền thống Phật giáo Nhật Bản nhấn mạnh đến trí tuệ và niềm tin như chìa khóa của sự giải thoát; một trong những chiến lược phát triển trí tuệ là nghiên cứu kinh điển. Cũng giống như trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo, trường mẫu giáo Phật giáo quan tâm dạy cho học sinh biết chữ bên cạnh việc cho các em học thuộc lòng những đoạn kinh ngắn. Khi đã biết chữ, các em được khuyến khích đọc những bài thơ cổ. Một hoạt động đặc biệt là các em sáng tạo những bức tranh minh họa cho các bài hát hay các bài thơ cổ đã thuộc. Một phương pháp giáo dục của Thiền cũng được áp dụng cho học sinh mẫu giáo, đó là để các em tham gia vào những nghi thức tôn giáo một cách hình thức. Học sinh tham gia các nghi thức bằng cách lặp lại mà không cần biết ý nghĩa lẫn nội dung, là điều để sau này các em có thể tự khám phá. Một khác biệt quan trọng với trường mẫu giáo Thiên Chúa giáo là ở trường Phật giáo, học sinh phải tôn trọng uy quyền của kinh điển và của giáo viên. Mặc dù khuynh hướng thế giới hiện nay coi trẻ em dưới bảy tuổi như là những kho báu nhỏ cần được kiều dưỡng, các nhà giáo dục Phật giáo Nhật Bản vẫn đòi hỏi học sinh phải biết vâng lời, một thái độ có vẻ lạc lõng; nhưng phải chăng đây chính là môt thế mạnh của giáo dục Phật giáo Nhật Bản?

Qua những tìm hiểu về giáo dục mẫu giáo có liên quan đến tôn giáo ở Nhật Bản, người ta có thể thấy cả Thiên Chúa giáo lẫn Phật giáo khi vào Nhật Bản đã được biến cải khá nhiều theo tinh thần Nhật Bản. Cho nên, trong lúc người phương Tây vẫn nghĩ rằng người Nhật Bản ít tinh thần tôn giáo thì thật ra niềm tin tôn giáo trong tâm hồn đa số người Nhật Bản vẫn có sẵn và đã được hun đúc từ khi họ bước vào trường mẫu giáo. Chính những niềm tin đó đã đem lại cho họ tinh thần lạc quan, tính nhẫn nại, thái độ có trách nhiệm đối với cuộc sống, và giúp họ vượt qua mọi thảm họa một cách đĩnh đạc khiến loài người phải khâm phục.

Phải chăng những bài học Nhật Bản cũng cần được người Việt ta nghiên cứu thêm để xây dựng một nền giáo dục mẫu giáo thực sự “đậm đà bản sắc dân tộc” như những điều chúng ta vẫn mong muốn? ■„

 

TRẦN HỮU THIÊN

Tham khảo:

  1. Japanese Education in 21st Century; Miki Y. Ishikida, iUni- verse, Inc.; 2005.
  2. The Role of Religious Beliefs in Early Chilhood Educa- tion: Christian and Buddhism Preschool in Japan; Susan D. Holloway; Early Chilhood Research and Practice, Volume 1, Number 2; 1999.
  3. Moderated Discussion about Preschool in Three cul- tures revisited; edt2.educ.msu.edu/…/PreschoolIn3Cultures- Comparative.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 186

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin