Chi tiết tin tức

Sự Thất Bại Của Tăng- Già Nhật Bản Và Những Bài Học

09:19:00 - 06/01/2014
(PGNĐ) -   Truyền thống Phật giáo không có sứ giả đứng ra tuyên bố đúng hay sai thay đức Thế Tôn về cách con người áp dụng giáo pháp của ngài.

Đặc điểm đó của Phật giáo tạo ra những giá trị riêng biệt mang sắc thái tôn giáo của riêng từng nhóm dân tộc.

Thế giới biết đến một Nhật Bản với những ấn tượng về một đất nước và con người mà ở đó, văn hóa và đạo Phật không thể tách rời nhau. Tuy nhiên những sự thật về hiện tượng “tân tăng” (theo tiếng Việt) thì luôn luôn là điều kín tiếng. Một cách tất nhiên, nhu cầu của người viết và người đọc thường hướng đến những điều mà khi bàn đến là để tìm ra cái có thể học hỏi, những thứ không nên học hỏi thì cũng không nên đọc và cũng không nên viết ra. Giá trị ấy dường như có chút thay đổi trong thời đại mà nhu cầu về cái biết của con người không chỉ là để học hỏi, nói một cách chính xác hơn, nhu cầu tri thức con người muốn biết đầy đủ cả hai mặt chính diện và phản diện, có lẽ một mặt để người ta học hỏi và mặt kia là để rút kinh nghiệm. Người viết bài này cũng đã bắt đầu như thế để tìm hiểu đề tài này. Xin chia sẻ nơi đây như là một chút dữ liệu (trong trình độ không chuyên) về thế giới quanh ta, hoàn toàn không bàn đến chuẩn mực nào để phán xét đúng-sai, hay-dở về văn hóa xứ người. Và hơn nữa theo người viết, văn hóa nước ngoài, là thứ để biết, để hiểu chứ không phải là thứ để học hỏi, ứng dụng và cần thiết để phân định đúng sai.

1. Những nguyên nhân then chốt


a. Từ bỏ giới Thanh văn, chỉ thọ giới Bồ-tát:

Có thể nói nguyên nhân sâu xa và then chốt nhất của sự biến mất truyền thống Tăng bảo trong Phật giáo Nhật Bản hiện tại là bản thể giới luật của Tăng không được coi trọng. Phật giáo được truyền vào Nhật Bản năm 552, thời Kimmei 13, từ ngã Paekche (Hàn Quốc ngày nay), tặng phẩm của quốc vương King syong-myong bấy giờ gửi đến Nhật Bản là một tượng Phật Thích Ca mâu-ni. Phật giáo tín ngưỡng ban đầu ấy sau nhiều sóng gió và cuối cùng bén rễ được vào thời Soga no Umako (588), một số kinh điển, các nghệ nhân, một vị Tăng, một vị Ni, một nhà khổ hạnh… từ Peakche được gửi đến Nhật. Đến thời điểm này Phật giáo Nhật Bản đã có đủ giáo thể, giáo học, giáo đoàn. Tuy nhiên, mãi đến năm 753, với sự thỉnh cầu từ phía Nhật, hòa thượng luật sư Ganjin (鑑真) và phái đoàn của ngài từ nhà Đường-Trung Quốc đến Nhật lập đàn truyền thọ đại giới, Tăng già từ đó thọ đại giới Tỳ-kheo, giữ gìn giới luật Tăng già và chính thức trở thành Tăng Bảo theo truyền thống Phật giáo. Kinh đô nước Nhật bấy giờ là Nara.

Giới luật được thiết lập không bao lâu thì Phật giáo nước này lại bước sang một bước ngoặt mới, sự có mặt của Saicho (最澄), tổ sư Thiên Thai tông Nhật Bản. Saicho tu học và thọ đại giới ở kinh đô Nara năm 785, sau hơn nửa năm du học ở Trung Quốc, tiếp nhận truyền thống Thiên Thai tông và trở về Nhật năm 805, mang về theo những pháp học chủ trương của tông phái này gồm Viên, Giới, Thiền, Mật. Tuy nhiên theo Saicho, về Giới, Nhật Bản không phù hợp với giới Thanh Văn, thay vì truyền thống ban đầu của Thiên Thai tông Trung Quốc là thọ trì cả hai giới Thanh Văn và Bồ-tát giới, ông chủ trương giới Thanh văn không phù hợp, chỉ cần thọ giới Bồ-tát và giữ gìn nghiêm mật là đủ tiêu chuẩn của một vị Tăng. Chủ trương ấy đã bị phản đối kịch liệt từ các vị Tăng thuộc lục tông Nara lúc bấy giờ. Tuy thế, vị trí và sự ảnh hưởng của Saicho trong giai đoạn này rất đáng kể. Một điểm đặc sắc của Phật giáo Nhật Bản là ảnh hưởng chuyển biến theo các vương triều. Sau khi Saicho từ Trung Quốc trở về, ông thành lập am tu hành ở Hieizan (比叡山) vị trí núi phía Đông Bắc thủ đô Kyoto. Nhằm lúc kinh đô chính trị từ Nara mới chuyển về, chính quyền Heian (794-1185) bấy giờ cho là ngôi chùa phía Đông Bắc này trấn giữ và đem lại điềm lành cho chính phủ, thế lực chính trị đã làm vị trí và ảnh hưởng của Saicho trở nên đặc biệt đối với các học Tăng đương thời. Và tất nhiên, tư tưởng từ bỏ giới Thanh Văn chỉ thọ giới Bồ-tát với tác phẩm “Hiển Giới Luận” được áp dụng ở Hieizan. Các tông phái Phật giáo Nhật Bản thành lập từ thời Heian trở đi, trừ Chân Ngôn Mật tông ở Koyasan (高野山), đều có chịu ảnh hưởng từ tư tưởng Saicho ở đây, nói đúng hơn hầu như các vị khai tổ về sau thuộc Thiền và Tịnh đều xuất thân từ Hieizan, tức không thọ đại giới Tỳ-kheo.

Có ý kiến cho rằng tư tưởng của Saicho là nguyên nhân then chốt nhất dẫn đến thế tục hóa Tăng già Nhật Bản, bởi từ việc không giữ gìn giới luật đến việc lập gia đình chỉ còn là khoảng cách của ý chí và thời gian. Tuy nhiên một câu hỏi có vẻ then chốt hơn là, ngoài yếu tố chính trị, tại sao tư tưởng Saicho được chấp nhận? có khả năng giới Phạm võng đã được truyền đến quá lâu trước giới truyền thống, và một điều nữa, hòa thượng luật sư Ganjin là người nước ngoài.

b. Sự xuất hiện của Tịnh Độ Chân tông

Một nguyên nhân vô cùng cơ bản thứ hai của vấn đề này là sự có mặt của Sinran (親鸞1173-1262) và tư tưởng của ông, Sinran là đệ tử của Honen (法然1133-1212) khai tổ Tịnh độ tông Nhật Bản. Hai thầy trò Honen và Sinran đều xuất thân từ Hieizan, nhưng cổ xúy thuần túy chỉ một pháp môn Niệm Phật, trong khi giáo học Thiên Thai tông gồm Viên, Giới, Thiền, Mật. Honen bị chỉ trích nặng nề và đỉnh điểm là năm 1207 chính quyền thuyên chuyển (đày) thầy trò ông tách nhau và rời khỏi thủ đô Kyoto.

Sinran rời Kyoto và cũng xa thầy Honen, đến Echigo ông vẫn giữ pháp môn Chuyên Tu Niệm Phật, Dị hành đạo (con đường dễ tu) với chủ trương chỉ niệm Phật thôi là đủ thì tất nhiên ông có thể lập gia đình. Năm 1211, lệnh thuyên chuyển thầy trò Honen được dở bỏ, Honen trở về Kyoto còn Sinran từ Echigo dời về Kanto. Sinran đến Kanto khi ông đã lập gia đình, nhưng vẫn chuyên tu niệm Phật và truyền giảng pháp môn này một cách tích cực, ảnh hưởng của ông rất đáng kể ở khu vực này. Với tư cách một người đang có gia đình và làm công việc như một vị Tăng, Sinran bị chỉ trích nặng nề từ nhiều phía, cả từ các tông phái khác và cả từ Tịnh độ tông, những huynh đệ đồng môn của ông. Từ việc này, một cách ngẫu nhiên, Sinran trở thành một nhân vật độc lập khỏi Tịnh độ tông của thầy mình. Với việc chuyên tu niệm Phật và hoằng truyền pháp môn này không mệt mỏi, ông đã có số quần chúng nhất định. Hậu duệ của Sinran, tất nhiên là với tư cách người cư sĩ, với tư tưởng chuyên Niệm Phật và để khu biệt với Tịnh độ tông, tông phái này tự nhận là Tịnh Độ Chân Tông.

Tông phái này của Sinran tồn tại từ thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ 19, trong khoảng thời gian dài đó, các tông phái khác của Phật giáo Nhật Bản vẫn lập tông, tồn tại và phát triển giáo học không ngừng, đặc biệt là sự phát triển và ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Thiền tông. Khi đề cập đến việc thế tục hóa Tăng già Nhật Bản nhiều người đã nghĩ ngay đến tông phái của Sinran, người viết cho rằng ông đã tạo ra một bước ngoặt trong Phật giáo Nhật Bản nhưng không phải là chính nhân làm thay đổi diện mạo Tăng già. Bởi vì, tông phái này tồn tại từ thế kỷ 13, các tông phái khác vẫn giữ được sự thanh tịnh của Tăng già và chùa viện cho đến cuối thế kỷ 19. Hơn nữa, tông phái này vẫn khẳng định rõ ràng mình là cư sĩ có gia đình, tu theo pháp môn “dị hành đạo”, không phải hình thức “người xuất gia”.

c. Chính sách mới của chính phủ và thái độ của Tăng già trước thời đại mới

Có thể nói, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là thời gian tạo ra nhiều sự biến đổi nhất của xã hội Nhật Bản trong đó có Phật giáo. Sau lệnh “Thần Phật Phân Ly” (1867) của Meiji Isin (明治維新), chính phủ này dọn đường cho một tôn giáo mang tính chính trị mới là Thần Đạo, lấy nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ thần trong nhân gian. Lệnh Thần Phật phân ly không chỉ đơn thuần tách tín ngưỡng nhân gian ra khỏi Phật giáo, mà dưới tác động của chính trị nghiêng về Thần đạo, đã dấy lên phong trào “Phế Phật Hủy Thích”, Thần Đạo thay vì chuyển mình từ tín ngưỡng sang tư cách tôn giáo thì đã trật vào hình thức chính trị. Hình thức tôn giáo chính trị này được các nhà nghiên cứu đánh giá là chính nhân đưa Nhật Bản bước vào tham gia chiến tranh thế giới.

Người ta đã cố gắng đi tìm một thứ gọi là quốc thể và cho là nó ở trong Thần Đạo, nhưng tất nhiên không thể đáp ứng được điều này, Phật giáo tất nhiên không thể là quốc thể của người Nhật, nhưng tách Phật giáo ra để đi tìm quốc thể là điều khiên cưỡng, bởi nền văn hóa và văn minh Nhật Bản được ghi nhận là bắt đầu từ thế kỷ thứ 6, nghĩa là kể từ khi Phật giáo được truyền đến. Thần đạo quốc gia tồn tại từ thời Meiji trải Taisho đến Showa thứ 20 (1945), sau khi Nhật thất bại thảm hại với hai quả bom nguyên tử, người ta nhận ra tôn giáo và chính trị cần phải tách bạch, Thần đạo quốc gia bị tuyên bố xóa bỏ, Thần đạo quay về ý nghĩa tín ngưỡng nhân gian vốn có, chấm dứt chế độ tôn giáo chính trị trong xã hội Nhật Bản.

Trong gần một thế kỷ, chính sách Thần đạo quốc gia đã gây ra nhiều biến động trong các ngôi tự viện, chùa chiền trở nên ít người lui tới, Tăng sĩ không còn được coi trọng như trước đây. Dưới làn sóng xao động của chính trị xã hội, người ta quan tâm nhiều hơn đến những thành quả kinh tế-vật chất, các vị Tăng đã hướng theo xu thế chính trị xã hội đương thời, không giữ được con thuyền qua con sóng dữ. Bên cạnh đó, Tịnh Độ Chân Tông với hình thức cư sĩ đã hoạt động tích cực vào các lãnh vực. Tu sĩ của các tông phái khác bắt đầu nghĩ đến thân phận của mình trước những trào lưu mới, thêm vào đó, họ không có giới luật để ràng buộc, không có kết quả thích hợp với họ trong sự khổ luyện nghiêm khắc, và đặc biệt là sự bàng quan của tín đồ tại gia.

Các tông phái thuộc Thiền tông vốn được coi là chuẩn mực trở nên cứng nhắc trong việc tiếp Tăng độ chúng và truyền bá Phật pháp trong thời rối ren, không linh hoạt trong thời đổi mới. Khi những tinh hoa của Phật giáo Nhật Bản bước ra cùng thế giới với những đóng góp đáng kể của các vị Tăng mang đến cho thế giới biết về một nền văn hóa Zen Buddhism đặc sắc của Nhật Bản, cũng là khi Tăng sĩ trong nước bắt đầu bước đến con đường thế tục hóa Tăng già và tự viện của mình.

Con đường thế tục hóa Tăng già tất nhiên khi nào ban đầu cũng với những lý do cao thượng, có thể đó là ý hướng “Phật giáo hóa xã hội”, nhưng ngõ rẽ này đã biến thành “xã hội hóa Phật giáo”. Và đã có sự khởi đầu thì ắt sẽ khó lòng quay lại. Người hảo tâm xuất gia ngày một ít đi, những ngôi chùa cần có người trông coi trở nên mặc nhiên chấp nhận hình thức Tăng sĩ mới. Khi tự viện không còn chúng Tăng, thay vì chùa là nơi tu học thì chỉ còn một chức năng cúng bái, trú trì chùa sẽ làm công việc này như kế sinh nhai, trong quy luật có cầu thì có cung của xã hội, tất nhiên kể từ đây vị trí xã hội của những thành phần này không thể còn có giá trị như xưa, người ta luôn kính Phật nhưng “kính Phật” không còn đi chung với từ “trọng tăng”.

Giai đoạn thế tục hóa Tăng già và tự viện cũng là lúc giáo lý Phật giáo được truyền đi bằng một phương hướng mới, khi giá trị đức hạnh của Tăng sĩ không còn, nhu cầu học Phật của người Nhật trong thời đại đã tạo nên một hướng đi mới cho Phật giáo đối với dân tộc có truyền thống Phật giáo lâu đời này. Thay cho tự viện là trường học, thay cho các buổi thuyết pháp là các ấn phẩm sách báo Phật giáo. Nhu cầu học Phật của người dân Nhật rất lớn và Phật học ở đất nước này là một ngành có ưu thế trong hệ khoa học xã hội và nhân văn.

 


2. Bài học nào có thể rút ra

Bài học của Phật giáo Nhật Bản cho thấy sự biến dạng của Phật giáo được xác tín rõ ràng nhất là thời kỳ xã hội biến động về chính trị và làn sóng đổi mới trong giai đoạn cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, trải qua cuộc thử lửa ấy Phật giáo đã không mất trong lòng dân tộc Nhật nhưng giá trị Tăng sỹ đã hoàn toàn thay đổi, giá trị biểu trưng sống động nhất của Phật giáo biến dạng thì tất nhiên giá trị Phật giáo trong xã hội mang một ý nghĩa khác.
Nói đến một bài học cho Phật giáo Việt Nam trong trường hợp này hẳn là điều khiên cưỡng, vì Việt Nam, với những yếu tố đặc sắc và cơ bản của mình thì chắc chắn không thể xảy ra một điều tương tự. Tuy nhiên, chúng ta có thể xác tín được một số yếu tố chủ chốt từ sự thất bại này.

a. Giới luật là thể tính của Tăng: Điều đầu tiên ta cần khẳng định, từ thế kỷ thứ 9, Tăng Nhật bản đã không thọ trì giới tỳ-kheo. Từ việc không hay biết, không thọ trì giới tỳ-kheo đến việc lập gia đình là khoảng cách hoàn toàn có thể giao nhau khi Phật giáo bước vào giai đoạn thử lửa.

b. Trân trọng, quan tâm và đáp ứng đủ nhu cầu cống hiến của giới cư sĩ tại gia: Đây một nguồn nhân lực lớn, cả tầng lớp cư sĩ trí thức và cả những thành viên không thể giữ trọn vẹn đời sống phạm hạnh của thiền môn. Sự chỉ trích, bài xích và mặc tẩn là cách nhanh nhất làm đoàn thể tứ chúng tan rã, tạo ra những giá trị trái chiều.

c. Mềm dẻo trong cách tiếp tăng độ chúng: thái độ cứng nhắc và khắt khe của quy luật tự viện trong xã hội quá sung túc và thoáng đãng đa nhu cầu bên ngoài tạo thành hai thế giới quá cách xa nhau, bên cạch đó, nhu cầu học vấn của Tăng sĩ trẻ là một nhu cầu rất cần thiết phải đáp ứng. Sự thua thiệt về mặt học vấn của tăng sĩ trẻ trong thời đại của tri thức sẽ đẩy các vị Tăng vào công việc may chay hơn là công việc hướng dẫn tinh thần.

d. Phật tử tại gia cần biết: bảo vệ quyền lợi cho con cháu và tôn giáo của dân tộc mình,  có trách nhiệm bảo vệ chánh pháp, lên tiếng đúng lúc để bảo vệ sự thanh tịnh của Tăng già đúng chánh kiến của người con Phật, không phải là sự thụ động và bàng quan.

Truyền thống Tăng già của đạo Phật Việt Nam theo cách hiểu nhân gian và cơ bản nhất thường có một khái niệm chung: đã là nhà sư thì ăn chay và giữ gìn đời sống thanh tịnh không gia đình. Để có được khái niệm cơ bản ấy trong xã hội là kết quả của một sự truyền thừa xuyên suốt hai ngàn năm. Quan điểm cơ bản về tăng già như thế là hoàn toàn chánh kiến, Phật giáo ấy là của dân tộc Việt, là niềm tự hào của Phật tử Việt Nam. Khi ta biết thêm về nhiều nền văn hóa khác có cùng nguồn ảnh hưởng từ Phật giáo, ta thấy có nơi nhà sư không ăn chay, và cũng có nơi lập cả gia đình, tất nhiên trong trường hợp này không thể hiểu như từ “nhà sư” trong tiếng Việt. Thế giới hiện tại mở ra cho ta thấy nhiều, nghe nhiều và kho tri thức ngày mỗi lớn thêm, tuy nhiên sự quảng kiến quảng văn ấy giúp ích hay làm tổn hại đến ta, là những bài học để ta nghĩ nhiều hơn về cái ta đang có hay là đồng hóa, ứng dụng để vong bản trước dân tộc. Đó là một quá trình thử lửa.

Bài học từ Phật giáo Nhật Bản cho thấy, Tăng già không chỉ giữ gìn giới luật để giữ sự trong sáng của Phật giáo, giữ hình ảnh và giá trị Tăng bảo, mà ngoài thế ra, dưới quan điểm xã hội học, giữ gìn bản thể giới luật thanh tịnh, trước tiên và quan trọng nhất, là cách giữ gìn cân bằng những trạng thái xã hội. Điều này người viết xin được điểm qua như dưới đây.

3. Sự thất bại của Tăng già và những mất mát trong xã hội

Một điều cần phải được khẳng định, sự thất bại của Tăng già không hẳn là sự thất bại của Phật giáo trong trường hợp Nhật Bản, một minh chứng rất rõ rằng đạo Phật là của tứ chúng, không phải chỉ là của Tăng. Phật giáo không biến mất nơi một đất nước đã được huân đúc nền văn hóa truyền thống từ đạo Phật vốn hiện hữu từ rất lâu đời, mà với sức mạnh ấy, người Nhật đã chuyển Phật giáo qua một hình thức mới rất thời đại! văn minh, hiện đại, khoa học hơn…Tuy nhiên, dẫu hiện tại có được giá trị mới nào đi chăng nữa, sự xói mòn giá trị truyền thống với cách đánh mất vai trò Tăng bảo là một mất mát, khó lòng hồi phục được. Mất mát ấy là một thiệt thòi lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Chưa nói đến vấn đề tâm linh hay giềng mối đạo đức nghe có vẻ cao xa, thực trạng nhức nhối nhất mà cường quốc văn minh và giàu mạnh ấy đang đối mặt rõ ràng có thể thấy được là sự cô độc của người già, nạn tự kỷ của thanh thiếu niên, tình trạng stress, căng thẳng của các tầng lớp lao động…, những vấn đề hoàn toàn không đáng có nơi một xã hội có truyền thống Phật giáo lâu đời.

Sự giàu mạnh về vật chất làm người ta tin rằng sẽ bảo đảm cho tuổi già, nhưng vật chất không có đủ sức mạnh để có thể làm chỗ dựa cho những tâm hồn mệt mỏi. Niềm tin tuyệt đối về thế giới cực lạc cho dù sẵn có nhưng điều đó là ở thế giới bên kia, thế giới của tình cảm con người hiện tại cần những điều cụ thể. Các cụ già những khi vắng con vắng cháu có thể đến chùa, nghe một thời kinh, tham dự một thời thuyết pháp, một ngày tu bát quan trai, ở đó có những người bạn già, có những vị Tăng mà cuộc đời họ không thuộc về quyền sở hữu của ai, có thể nghe các cụ một câu chuyện, hay một lời hỏi thăm… hay đơn giản hơn các cụ chỉ đến ngồi dưới bóng mát yên tịnh của mái chùa, một mái chùa đúng nghĩa không phải mất tiền mua vé vào cổng và không thuộc quyền sở hữu của gia đình nào.

Trong khi các nước có truyền thống Phật giáo giải đáp tốt được điều này thì xã hội Nhật bản hiện đại đã đánh mất vốn liếng quý báu của mình trong quá trình đổi mới. Mất đi giá trị truyền thống của Tăng tức mất đi một yếu tố Phật giáo đóng vai trò làm cân bằng cho xã hội hiện đại. Phật giáo, với đặc điểm đa phương diện vẫn hiện hữu ở đây, phát triển mạnh mẽ về phương diện tín ngưỡng, tích cực về phương diện tri thức nhưng thiếu những nhân tố làm cho nó trở nên sống động đúng với bản chất của một tôn giáo thực hành. Tầng lớp giáo sư, nhà nghiên cứu, các học giả uyên thâm là những nhân vật cần thiết, nhưng cầu nối để Phật giáo là chất liệu sống cho con người thì phải là sự thực hành, điều đáng lẽ ra được làm tốt bởi các vị Tăng.

Phật tử Nhật bản không còn đủ Tam Bảo để tạo nên thế đứng truyền thống của Phật giáo, nhưng thành công khác của Phật giáo nơi dân tộc hùng mạnh này từ bao đời nay vẫn đủ sức tạo nên một xã hội mà nhân cách con người đạt đến mức chuẩn mực. Khó có một xã hội văn minh nào mà người nhặt được của rơi luôn mang giao cho cảnh sát, người ta luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình, thế giới hẳn đã chưa quên và văn minh phương Tây hẳn đã giật mình khi chứng kiến cách cư xử của những con người đang đứng trước sự cùng cực ở nơi đây trong vụ thiên tai thảm khốc vừa qua.

Có những hướng đi hoàn toàn mới lạ và biểu hiện rõ tính độc lập tự chủ đáng nể đối với  Phật tử ở xứ sở này. Giá trị tăng già thay đổi điều đó không có nghĩa đạo Phật biến mất, truyền thống con Phật được khẳng định một cách thiết thực nhất là phong trào truyền đạo của các tôn giáo phương Tây, kết quả mà họ gặt hái được so với sự nhiệt tình quả là khiêm tốn.

Cơn gió hiện đại đã làm Phật giáo Nhật Bản biến thành một hình thức tôn giáo mới duy nhất chỉ có ở Nhật Bản. Phật giáo Việt Nam, cũng tương tự đối với một số nước có cùng nguồn gốc Phật giáo đang đối mặt với làn sóng xô bồ của hiện đại hóa, làm sao để thích ứng và phát triển, làm sao để giữ gìn đủ tố chất, làm sao để là chiếc cầu nối con cháu với tổ tiên, để văn hóa dân tộc sáng hơn và đẹp hơn trong thời đại... là những câu hỏi lớn luôn cần phải đặt lên hàng đầu. Phật giáo Việt Nam ngày sau như thế nào thì vẫn là điều đang nằm phía trước, khi ta đang đứng trước guồng máy xã hội hiện đại, quay rất nhanh và những điều khôn lường luôn luôn còn ở phía trước, ta đang bước vào thời kì mà mấy mươi năm trước Nhật Bản đã đi qua. Với những bài học về sự thất bại như ta đang thấy sẽ là những kinh nghiệm giá trị để con thuyền Phật giáo vượt qua cơn sóng gió. Có được điều đó nhất định không chỉ vài người mà tất cả mọi người, không chỉ Tăng già mà tất cả những người con Phật mang linh hồn dân tộc Việt.

Sử liệu tham khảo:

“The Role of the Precepts in Saicho’s thought”. In Paul Groner, Saicho: the Establishment of the Japanese Tendai school. Honolulu: University of Haiwai Press, 2000.

Richard Bowring: “The Religious Traditions of Japan, 500-1600”, Cambridge University Press, 2005.

Sueki Fumihiko: “Nihon shukyoshi”, Iwanami Shoten, Tokyo, 2006. (Việt dịch: “Lịch sử tôn giáo Nhật Bản”, công ty sách Alpha, Nhà xuất bản Thế Giới, 2011.)

Theo: Tập san Pháp luân 83

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin