Chi tiết tin tức

Đồng Tháp: TT. Chân Quang giảng pháp tại Công ty Aseafood

15:02:00 - 03/08/2015
(PGNĐ) -  Sáng ngày 25/07/2015 (nhằm ngày 10/06/Ất mùi) TT Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN nhận lời mời của cô NGUYỄN THỊ NON – Giám đốc công ty CP ASEAFOOD CORPORATION, đã đến thăm và có buổi nói chuyện về chủ đề CHỈ CẦN NHƯ THẾ THÔI với sự tham dự bao gồm các Cán bộ nhân viên và hơn 1000 lao động đang làm việc tại đây.

Bài nói chuyện đã đưa ra những điều cần thiết, cơ bản, hướng con người về những giá trị sống đích thực. Đồng thời, nó cũng chỉ ra cách rèn luyện đúng đắn để mọi người có thể đạt được những giá trị sống đó.

Đây chính là một bài đạo lý hữu ích cho từng Cán bộ nhân viên trong ngành nghề, khi họ đang phải vật lộn với việc mưu sinh, để họ hiểu muốn thành công trong cuộc sống thì chính giá trị tinh thần mới là điều quan trọng. Từ đó, họ biết thực nghiệm những phương cách sống đưa con người đến sự hướng thượng.

Được biết, công ty cổ phần ASEAFOOD CORPORATION có trụ sở đặt tại ấp An Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là chế biến, xuất khẩu và nuôi trồng thủy hải sản. Sản lượng và chất lượng sản phẩm của công ty ngày càng cao, thương hiệu của công ty không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang ra cả thế giới (Châu Âu, Úc, Châu Á, Châu Mỹ ). Trong 2 năm liền (2013 & 2014), Công ty An Phú được Bộ Công Thương biểu dương là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” quốc gia của tỉnh Đồng Tháp.

Có được thành công như vậy là nhờ công ty có một người lãnh đạo tài ba, biết đưa ra những chiến lược kinh doanh tốt, biết quan tâm đến đời sống của công nhân lao động cũng như việc cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trong nhà máy.

Cô Nguyễn Thị Non - GĐ công ty cho biết: Sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân, đồng thời đẩy mạnh việc hiện đại hóa các trang thiết bị lao động để tạo ra môi trường lao động chuyên nghiệp, hạn chế hình thức lao động chân tay. Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, để mọi người bớt khó khăn, yên tâm làm việc, tạo ra hiệu quả lao động cao nhất.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây do đã thông hiểu Phật pháp thì cô Non luôn cảm thấy buồn lòng, bức rức khi nhận ra công việc mình đang làm không phải là chánh mạng. Dù ban ngày tất bật với công việc nhưng khi đêm về cô không ngủ được, cô cứ trằn trọc tự hỏi, “Để bảo vệ sự phát triển tâm linh của mình, mình phải làm gì bây giờ?” Câu trả lời là có rất nhiều chọn lựa kể cả việc bỏ nghề. Đối với cô việc nghỉ làm hay thay đổi nghề nghiệp có thể là một quyết định dễ dàng, nhưng đối với 1500 công nhân không có sự chọn lựa, họ sẽ rất sợ hãi khi nghĩ đến việc thất nghiệp, nhất là khi họ còn phải lo cho cuộc sống gia đình của họ.

Cô tâm sự, từ lâu với vai trò là Giám đốc của công ty An Phú, cô đã cố gắng hết sức để lo cho đời sống vật chất của Cán bộ nhân viên. Về mặt này cô làm rất thành công vì mức thu nhập của họ được ổn định, đời sống bắt đầu khá lên từ từ, nhưng cái mà cô không lo được đó là giá trị tinh thần của tất cả thành viên trong công ty mình.

Cô cho rằng cô mắc cái nghiệp với mãnh đất này, với những con em ở đây, cho nên quyết định chọn nơi này để khởi nghiệp. Và cô cũng hiểu rằng các em ở đây cũng có một cái nghiệp gắn bó với nhà máy An Phú. Mà cái nghiệp đó là vì cuộc sống, vì xã hội. Tuy nhiên, cô nhận ra mình làm cái nghề bị coi là cách kiếm sống không chánh mạng. Nhưng mới đây cô đã tìm được một lối thoát cho mình là vẫn có thể làm được nhiều thứ để hòa hợp công việc làm với cuộc sống tâm linh, và tinh thần của cô thoải mái hơn về sự lựa chọn này.

Do vậy, ngoài việc quan tâm đến khía cạnh đạo đức của công ty, giờ đây cô cũng muốn chia sẻ và tạo điều kiện cho tất cả công nhân của mình đồng có một cái nhìn và có một giá trị tinh thần thật sự an vui như cô vậy. Đó là lý do ngày hôm nay toàn thể Cán bộ nhân viên của công ty Vĩnh Phú long trọng cung đón TT Thích Chân Quang có buổi nói chuyện tại Hội trường này.

Và bước tiếp theo, cô đang thực hiện một kế hoạch cụ thể giúp các nhân viên của mình từ từ tin hiểu Phật pháp và tiến tới tu tập tâm linh, hy vọng đến giai đoạn nào đó mọi người sẽ đủ phước để chuyển sang việc làm tốt hơn. Đồng thời cô tự hứa với bản thân mình là phải tu tập làm gương trước. Không phải bây giờ cô mới phát tín tâm như thế mà ngay từ thưở còn nhỏ, lúc mới 10 tuổi cô đã lén cha mẹ đem tiền giúp đỡ người nghèo khổ khắp nơi, rồi còn ăn chay tháng 10 ngày trong khi cả gia đình cô không một ai ăn chay.

Lớn lên, khi làm điều gì cô đều nghĩ đến việc đem lại lợi ích cho người khác. Chẳng hạn, cô luôn nghĩ đến những người mà trong tầm tay của mình quản lý, mong làm sao cho người công nhân viên ở đây, ngoài việc ổn định đời sống rồi, còn phải nâng được giá trị tinh thần lên bằng đạo lý.

 Nhận thấy tuy cô là một Doanh nhân thành đạt nhưng với bản tính giản dị nên lối sống của cô cũng giản dị, dễ gần. Đối với việc dạy con, cô luôn nhắc nhở con mình phải biết nhường nhịn và thương yêu, dù các con cô được sống trong điều kiện tốt nhưng không sống cuộc sống thường thấy của những thiếu gia nhà giàu, mà chúng rất ngoan hiền, học giỏi. Qua tiếp xúc, được biết các con cô mong học thành tài mà có cơ hội đóng góp chút sức lực nhỏ bé cho đất nước, quê hương, để xã hội tốt hơn”.

Nghe qua những lời chia sẻ của cô Non, TT Thích Chân Quang nhận định cô là một Doanh nhân phật tử thuần thành, thấm nhuần đạo Pháp. Cô không chỉ tạo ra công ăn việc làm, tôn trọng những người lao động mà còn biết yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn cùng niềm vui với họ. Đây chính là đạo đức cơ bản mà một người Doanh nhân cần có. Với những gì đã và đang làm, cô xứng đáng là tấm gương của thời đại mà các Doanh nhân khác cần học tập theo.

Theo Thượng tọa, giá trị con người nằm ở tinh thần chứ không phải vật chất. Chúng ta có thể nghèo, có thể thiếu nhưng chúng ta không được quyền thiếu cái giá trị tinh thần làm con người, tức là ta phải có đạo đức, có kiến thức, biết hướng thượng để không bị coi thường. Và Thượng tọa đã dùng ví dụ, lập nên sự so sánh để chứng minh cho quan điểm: Cái chân giá trị con người của ta chính là cái giá trị tinh thần.

Do đó, việc cô Non đi tìm giá trị tinh thần cho công nhân viên của mình bằng đạo Phật, bằng Phật pháp là việc làm rất chính xác và sáng suốt, vì đạo Phật cho chúng ta giá trị tinh thần cao tột.

Thế giới ngày nay, những phát minh, khám phá mới trong khoa học đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của chúng ta từng ngày, rồi nhiều tôn giáo cạnh tranh nhau dữ dội, nhưng những người trí thức cao nhất của thế giới này, họ công nhận rằng “Đạo Phật thật sự là một tôn giáo dẫn đầu của nhân loại”, vì đạo lý của đạo Phật ngoài những giá trị đạo đức, tâm linh cao siêu còn là một khoa học mà đi trước khoa học.

Vậy nên, bất kể những ai khi đã đi theo đạo Phật thì giá trị của người đó được nâng lên rất nhiều lần. Ngược lại, nếu không có giá trị tinh thần của đạo Phật thì người dù giàu sang tột bậc coi chừng chỉ là ác quỷ trá hình, còn khi đã có giá trị tinh thần của đạo Phật bên trong tâm hồn mình rồi thì có khi chỉ là người quét rác bên đường, nhưng tâm hồn lại là một triết nhân, một hiền sĩ, một ẩn sĩ, một Bồ tát đâu đó…

Đi vào nội dung bài nói chuyện, Thượng tọa cho rằng cuộc đời này có nhiều cái ta cần lắm, nhưng trong phạm vi đề tài này, chúng ta nói với nhau những cái cần nó nhỏ, vậy mà đủ để ta sống một đời an vui.

Đầu tiên, cái ta cần là sức khoẻ để sống, để làm việc, để nuôi gia đình, để cống hiến, phụng sự. Cho nên sức khỏe coi vậy chứ quý giá, hiểu điều này ta đừng làm gì để tổn hại sức khoẻ. Nếu thiếu sức khoẻ ta trở thành người vô dụng và là gánh nặng ngược lại cho gia đình mình. Tuy nhiên, ngoài cái sống lành mạnh để giữ gìn sức khoẻ rồi ta còn phải tập luyện khí công, nhằm tạo ra một thứ khí lực tiềm tàng để cho ta bảo vệ sức khoẻ của mình. Chúng ta phải chú trọng đến sức khỏe ngay khi còn đang khỏe mạnh.

Thứ hai, chúng ta cần một việc làm ổn định để nuôi sống gia đình mình. Công việc ta làm có thể không phải là việc ta thích nhưng chúng ta cần biết buông bỏ bản ngã, buông bỏ cái tôi, cái muốn của mình xuống để sống thuận theo trời đất.

Dù là công việc gì thì khi đã đến với chúng ta, nó đã là một cái duyên, chúng ta đừng “Kén cá chọn canh” mà phải yêu nó thì mới có thể tìm được niềm vui và sự gắn bó lâu dài với công việc mình đang làm. Trong đó Thượng tọa phân tích “Ta sống thuận theo với đất trời” là như thế nào và đưa ra một câu kết “Yêu công việc mình làm, chứ không làm công việc mình yêu”, đây phải trở thành khẩu hiệu của mỗi người trong xã hội.

Đồng thời, Thượng tọa hướng về các nhân viên ngồi bên dưới ôn tồn nhắn nhủ, Người nhận biết công việc của họ rất vất vả, nhưng bù lại họ có một người chủ (Giám đốc) rất tốt, biết yêu thương nhân viên của mình, biết tôn trọng và tìm mọi cách để nâng tầm giá trị của nhân viên lên, chứ không xem họ như một công cụ làm giàu cho bản thân. Vậy nên, Thượng tọa mong muốn tất cả nhân viên nói chung, nếu sau này chúng ta được làm chủ thì phải yêu thương công nhân viên của mình và phải nâng giá trị của người đó lên, đừng bao giờ coi họ là một món đồ trong bài toán kinh doanh. Đây gọi là đạo đức nghề nghiệp của người quản lý hay người lãnh đạo.

Lại nữa, khi doanh nghiệp đi lên thì người chủ thưởng thêm cho ta là bình thường nhưng mà khi doanh nghiệp đi xuống, xã hội đang khó khăn, trị trường biến động mà họ vẫn chiến đấu để giữ gìn đời sống cho ta thì lúc đó ta cũng đi cùng người chủ mình để chịu đựng, cùng nhau nắm tay và đi qua giai đoạn khó khăn đó, chứ đừng có đòi hỏi.

Đây là cái điều thứ hai Thượng tọa muốn nói. Chỉ cần như thế thôi, tức chỉ cần một công việc ổn định để ta sống, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của ta. Và cái triết lý của câu từ “Chỉ cần một công việc thôi” tức là ta yêu công việc mình làm, ta yêu công việc mà trời đất mang đến cho mình, bất kể đó là công việc gì, chúng ta hãy an vui hạnh phúc và tận tuỵ với nó.

Thứ ba, chúng ta cần một chút tình yêu trong tim để sống. Để cuộc sống bớt buồn chán và tẻ nhạt, ta cần một chút tình yêu Tổ quốc để ta có phẩm giá làm người xứng đáng; ta cần một chút tình yêu gia đình để kiềm giữ bản thân; ta cần một chút tình yêu thương mọi người xung quanh để cuộc sống thêm ý nghĩa; ta cần một chút tình yêu thương nhân loại để chuẩn bị cho tư cách của một vĩ nhân ở đời sau, v.v… Có thể chúng ta chưa biết tu tập, nhưng khi ta gieo một chút tình cảm tốt đẹp ở trong tim mình thì chúng sẽ lớn dần lên, tạo ra những điều kì diệu mà ta chưa thể thấy ngay trước mắt.

Thứ tư, ta cần một chút bình yên cho cuộc sống đầy bất an, rủi ro này. Mỗi lần có sự cố, chúng ta lại trở nên căng thẳng, khổ sở.

Đây là cái nghiệp của ta từ kiếp trước, nên ta không thể đoán và biết trước. Vậy nên, trong cuộc sống này ta không hứng chí, không liều lĩnh, phải nhìn thấy trước được sự nguy hiểm sẽ xãy ra ở đâu mà cẩn thận với mọi điều trong cuộc sống này để bảo vệ sự bình yên cho bản thân và những người xung quanh.

Nhân đây, Thượng tọa gợi mở nhiều ý tưởng sâu sắc đáng để mọi người suy ngẫm mà giữ gìn sự bình yên cho cuộc đời mình mà cũng chính là bảo vệ bình an cho mọi người chung quanh. Nếu làm được vậy là ta có phước.

Thứ năm, ta cần một chút niềm tin để sống, để lòng ta bớt hoang mang, vô định và khổ đau. Có niềm tin, tâm ta có chỗ nương tựa để đi qua hết những khổ đau, bất trắc trong cuộc đời.

Chúng ta tin là tin vào Đức Phật; tin vào luật nhân quả, tin rằng mọi việc đến với ta đều do nghiệp báo, tội phước chứ không có ngẫu nhiên; tin rằng cuộc đời này còn rất nhiều bậc chân tu - những con người thiết tha đi tìm điều thiện cho chúng sinh. Song song đó ta cũng hết sức cảnh giác với con người, vì con người phàm phu thì ai cũng còn tham – sân – si, nay họ vậy chứ mai họ lật ngược lại. Cho nên ta đừng để bị lừa từ tiền bạc, công việc, danh dự cho đến cả tình yêu.

Thứ sáu, ta cần một chút sự kiềm chế, chịu đựng, cảm thông để đở phát sinh rắc rối hay hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, rất ít người có thể kiềm chế, giữ được sự bình tĩnh vì ai cũng sân, nhưng đừng để cái nóng nảy nó tàn phá tâm hồn mình. Chúng ta phải có phương pháp rèn luyện cho thành thói quen, sau này đụng chuyện mình kiềm lại được.

Và Thượng tọa đã diễn giải làm thế nào để biết kiềm chế, chịu đựng trước những tai nạn, cám dỗ, nghịch cảnh của cuộc đời mà đi thẳng tới ánh sáng, tới chân lý, có được cuộc sống bình an.

Thứ bảy, chỉ cần có một chút xoay lại, nhận lỗi về mình thì cuộc đời này biến thành mùa xuân mãi mãi. Nhiều khi mình tự nhận lỗi một cái thôi, vậy mà mình dạy dỗ, cảm hóa được một con người. Tất cả những bậc tu hành đều phải bắt đầu từ những bước đầu tiên là nhận lỗi về mình, rồi ta sẽ thấy cuộc đời bình an hạnh phúc lên từng ngày.

Thứ tám, mỗi ngày ta chỉ cần nói lên một lời ước nguyện tốt đẹp cho tha nhân, nguyện cầu cho con người biết yêu thương nhau; nguyện cầu cho mọi người được hạnh phúc. Chỉ cần mỗi ngày nguyện cầu một chút vậy thôi, tuy không biết cái lời ước nguyện đó có được thành hay không, nhưng tâm hồn ta đang hình thành một điều vĩ đại cho mai sau.

Sau cùng, Thượng tọa gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn bộ anh chị em công nhân viên chức và công ty. Người chúc mọi người ngày càng thăng hoa trong tinh thần; công ty thì ngày càng thành công, trở thành mô phạm cho mọi doanh nghiệp khác học tập.

Đáp lại, cô Nguyễn Thị Non rất xúc động khi bày tỏ lòng biết ơn đến Thượng tọa và nguyện hứa sẽ thực hiện những điều mà Người đã chỉ dạy hôm nay.

Bài nói chuyện của Thượng tọa không quá nặng nề về những khái niệm, triết lí sâu xa mà chỉ là những điều rất giản dị, nhẹ nhàng, gần gũi trong cuộc sống, nhưng nó chạm được đến tâm hồn của người nghe.

Mọi người hiểu rằng để có cuộc sống thật sự an vui, hạnh phúc thì không nên chạy theo những điều viển vông, cao xa mà hãy trân trọng những thứ gần gũi với mình.

Bài học CHỈ CẦN NHƯ THẾ THÔI không phải là những điều chỉ cần biết và học mà còn phải sống theo nữa, nhờ thế cuộc sống được tốt đẹp hơn. Đến với đạo Phật để thấy chứ không phải để tin, việc này chúng ta hãy tự nghiệm lấy./.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin