Chi tiết tin tức TT. Chân Quang nói chuyện với 2000 sinh viên các trường Đại học 09:15:00 - 09/06/2015
(PGNĐ) - Vừa qua, sáng 30/05/2015, TT Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã có buổi nói chuyện thân mật với trên 2000 sinh viên các trường Đại học tại TP.HCM và các tỉnh khác cùng chúng thanh niên phật tử Phật Quang về chùa công quả phục vụ cho Đại lễ Phật đản PL.2559 – DL.2015, xoay quanh những quan điểm về người lãnh đạo với giới trẻ.
Trong phạm vi buổi nói chuyện, Thượng tọa đưa ra những phẩm chất cần có của người lãnh đạo và cách rèn luyện để có thể trở thành người lãnh đạo giỏi. Từ đó, trang bị thêm kiến thức và khơi dậy tiềm năng, ý chí phấn đấu trong mỗi người trẻ tuổi, để mỗi em tự có hướng phấn đấu cho riêng mình, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thượng tọa khẳng định: Mục đích của cuộc sống cũng chính là mục đích của công việc. Khi ta định nghĩa được “Chúng ta sống để làm gì”, chúng ta sẽ hiểu mình làm việc để làm gì. Vậy nên, ai chưa xác định được mục đích, lí tưởng sống thì nhiều khi công việc mình làm là sai lầm, nhỏ hẹp, có thể mất đạo đức, và sẽ không đóng góp xây dựng được gì. Do đó, trước hết chúng ta phải xác định mục tiêu cuộc sống rồi sau đó mới nói tới phẩm chất của một người chỉ huy là gồm những điều gì. Theo Thượng tọa, người chỉ huy phải có những phẩm chất sau: Yêu thương những người dưới mình; kết hợp được với những người ngang mình và trung thành với những người trên mình. Để làm được những điều đó, họ phải giỏi 3 điều: - Thứ nhất, họ phải thừa hành giỏi. Nghĩa là khi được giao nhiệm vụ, họ phải làm rất chu toàn, xuất sắc. - Thứ hai, họ phải chỉ huy giỏi. Điều này khó gấp ngàn lần so với việc thừa hành giỏi, vì họ phải sắp xếp, bố trí công việc sao cho phù hợp với khả năng, tâm lý, tính tình, thời gian của từng người. - Thứ ba, họ phải sáng tạo giỏi. Đây là điều khiến ta tốn rất nhiều năng lực của trí não nhưng chỉ có sáng tạo ra được những điều chưa có thì ta mới có thể cạnh tranh và tồn tại trong thế giới khốc liệt này được. Tuy nhiên, sáng tạo cũng rất khó vì hiện nay con người sống quá đầy đủ, mọi thứ luôn có sẵn. Hơn nữa, lấy đâu ra trí lực để sáng tạo mãi mà không bị cạn kiệt? Và làm thế nào để bảo đảm sức khỏe, tinh thần cho việc sáng tạo lâu dài? Tất cả những người lãnh đạo không phải sinh ra đã được mặc định làm người lãnh đạo. Đó là kết quả của một quá trình học tập, rèn luyện rất lâu dài, cộng với cái phước rất lớn từ kiếp trước. Vậy nên, ai cũng có thể trở thành một vị lãnh đạo giỏi nếu biết cách rèn luyện. Nói về điều này, Người chỉ ra rằng mọi người muốn giỏi, muốn sáng tạo thì phải biết thiền vì thiền giúp tâm con người tĩnh lặng, sáng suốt. Ngoài ra, còn phải sống hết sức đạo đức, tâm hồn luôn biết vị tha, yêu thương, tử tế thì mới có thể nhập thiền định, trí tuệ từ đó mới mở ra, giúp ta nhìn thấy được những điều mà trước đây chưa từng thấy, nghĩ được những điều mà trước đây chưa từng nghĩ đến. Không phải cứ cố gắng làm việc não bộ thì năng lực sẽ phát sinh mà phải lắng tâm trong thiền định hư vô thì tự nhiên năng lực huyền diệu sẽ xuất hiện. Lúc này, sáng tạo sẽ là vô tận. Vậy nên, ai dừng được hết hoạt động của bộ não thì người đó trở thành hư vô, trở thành một vị A La Hán. Ai có đầu óc, có tinh thần hư vô trong thiền định thì sẽ lãnh đạo, sáng tạo mãi và tương lai của thế giới nằm trong tay họ. Từ những phân tích, ví dụ cụ thể, Thượng tọa kết luận rằng: Thiền là tương lai của nhân loại, là phương pháp để nâng con người lên một giá trị mới. Nếu luyện tập khí công để nâng cao sức lực và nội lực thì thiền là để chuẩn bị cho năng lực, cho tinh thần. Nếu ai cũng có thể nhận thức và thực hiện tốt những điều này thì thế giới sẽ bước lên một tầm cao mới. Nhân đây, Thượng tọa cũng bày tỏ niềm vui và sự biết ơn trước tinh thần phục vụ, giúp đỡ chùa thực hiện đại lễ Phật đản của các em sinh viên và chúng thanh niên phật tử Phật Quang. Chính nhờ sự nhiệt tình, sức trẻ của các em, đã góp vào sự thành công của buổi đại lễ. Tuy nhiên, Người nhấn mạnh đây chỉ là một mắt xích nhỏ trong cuộc đời mỗi con người, vì mục đích sống chính của chúng ta sống là để cống hiến và phục vụ. Mà cống hiến, phụng sự chính là giúp cho mọi người hạnh phúc hơn, hiểu biết hơn, trí tuệ hơn bằng việc đem những đạo lý mình sống được, những bản lĩnh mình có được chia sẻ, hướng dẫn cho người khác vượt lên và giỏi hơn mình. Những điều này giúp chúng ta diệt được cái bản năng đố kỵ. Đây cũng chính là ý nghĩa của đạo đức. Cuối cùng, bằng những câu chuyện lịch sử, Thượng tọa giải thích cho chúng thanh niên phật tử hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của bài hát “ĐẠI VIỆT OAI HÙNG”. Bài hát gợi cho người nghe về một thời chiến đấu oanh liệt, chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền dân tộc của cha ông. Đồng thời, nhắc nhở các thế hệ sau phải gìn giữ, bảo vệ thành tựu mà những người đi trước đã đổ bao xương máu để giành và giữ được. Từ đó, mọi người biết cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài và thực hiện tốt phương châm đối ngoại “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Chúng ta luôn sẵn sàng yêu thương những cũng sẵn sàng chiến đấu. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, các em tập hát bài “ĐẠI VIỆT OAI HÙNG”. Bài hát như một lần nữa nhắc nhở về một thời quá khứ, cũng là nhắc nhở về nghĩa vụ của giới trẻ trong việc gìn giữ và xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay. Đây cũng là một cách học sáng tạo, để các em ghi nhớ được kiến thức lịch sử một cách tự nhiên trong tâm thế rất thoải mái, vui vẻ. Tuy trong thời gian ngắn nhưng những câu chuyện, bài học mà Thượng tọa truyền đạt cho các em sinh viên và chúng thanh niên phật tử rất ý nghĩa. Nó định hướng rõ ràng về mục tiêu sống để các em có mục tiêu làm việc đúng đắn, cống hiến và phụng sự được nhiều nhất, tốt nhất cho cuộc đời. Đồng thời, Người cũng chỉ ra những phẩm chất cần có để con người có thể tồn tại và đảm đương được nhiệm vụ mà thời đại mới đặt ra. Từ đó, mỗi người biết phấn đấu, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình./
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |