Chi tiết tin tức TT. Chân Quang thuyết giảng tại nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị 16:04:00 - 06/05/2015
(PGNĐ) - Tối ngày 25/04/2015 đã thuyết giảng tại đây về đề tài SỨC MẠNH CỦA MỘT DÂN TỘC TỪ ĐÂU, với sự tham dự trên 5 nghìn người, bao gồm phật tử các nơi và nhân dân địa phương. Mặc dù đêm tối nhưng hàng nghìn phật tử Bắc – Trung - Nam vẫn tới khu vực biên giới này trong tâm tình cầu nguyện và thính pháp.
Vừa qua, nhân Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích nhà tù Lao Bảo đã diễn ra trong 2 ngày 25 - 26/04/2015 (nhằm ngày mùng 07 – 08/03/năm Ất Mùi), TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh TW GHPGVN nhận lời mời của ĐĐ Thích Từ Luận - Trụ trì chùa Phước Bảo (thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị).
Nhà tù Lao Bảo cũng được mệnh danh là "Địa ngục trần gian", tọa lạc bên sông Sê Pôn, nằm trên địa bàn khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, được thực dân Pháp lập nên năm 1908 để giam cầm các nhà yêu nước, nhà cách mạng Việt Nam. Ban đầu chủ yếu giam cầm các sỹ phu chống Pháp trong phong trào Cần Vương, Văn thân. Từ năm 1930, nhà tù được mở rộng để giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Đây là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng nước ta như: Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Lê Chưởng, Trần Văn Cung, Lê Thế Tiết... Mặc dù bị giam cầm, tra tấn rất dã man bởi bọn cai ngục, song các chiến sĩ cộng sản và đồng bào ta không hề nao núng, khuất phục trước mọi bạo tàn của giặc, vẫn nêu cao nghĩa khí của những người yêu nước, chiến đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng. Nhà tù Lao bảo là một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương và được xếp hạng di tích cấp quốc gia sau ngày giải phóng (1991). Đến với Di tích Nhà đày Lao Bảo, qua những chứng tích còn lưu giữ và tôn tạo lại cho ta thấy rõ tội ác mà chính quyền thực dân Pháp đã từng gieo rắc lên đất nước ta. Qua đó ta càng thấy rõ hơn phẩm chất và khí tiết của những người yêu nước. Được biết, hơn 20 năm qua, Nhà tù Lao Bảo đã đón một lượng du khách không nhỏ trong và ngoài nước về tham quan, hoài niệm về một thời chiến đấu gian khổ của cha ông ta. Tuy nhiên, hiện nay khu di tích lịch sử quan trọng này đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Các khu nhà lao bị đổ nát trơ những khối bê tông lớn, cỏ mọc um tùm và cành cây khô bao quanh. Những khu còn lại cửa nẻo trống hoác không còn cánh cửa. Về mặt khách quan, có lẽ do thời tiết ở đây khá khắc nghiệt nên sự xuống cấp là không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ, việc trùng tu và bảo tồn Di tích Nhà tù Lao Bảo là việc cần được tiến hành sớm để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.
Về mặt tâm linh, kể từ năm 2011 đến nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, hàng năm T.Ư GHPGVN, BTS PG các tỉnh như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đều kết hợp để tổ chức Đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tại khu Di tích nhà tù Lao Bảo này. Anh hùng liệt sĩ sống vinh quang, chết cũng vinh quang nên hương hồn in đậm dấu ấn trong lòng người dân Việt từ quá khứ đến bây giờ và mãi về sau, là vậy. ĐĐ Thích Từ Luận cho biết: Mục tiêu chính của chương trình là cầu nguyện cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh do đấu tranh và sự tra tấn hà khắc tại nhà tù Lao Bảo, đồng thời cầu siêu cho các chiến sĩ hi sinh tại khu vực biên giới này. Theo TT.Thích Chân Quang, đại lễ Cầu siêu - Chẩn tế - Trai đàn bạt độ là nghi thức tâm linh rất quan trọng để chúng ta bày tỏ tấm lòng của mình đối với chư vị liệt sĩ đã đành, nhưng cũng là giúp cho họ vượt lên khỏi những chướng ngại trong cuộc sống mà thuộc về thế giới của cõi tâm linh đó. Cho nên những buổi lễ cầu siêu như thế này rất quan trọng đối với chư vị liệt sĩ, chỉ là mắt thường điều đó ta không thể nhìn thấy mà thôi. Thượng tọa mong rằng: Rồi sẽ có nhiều những buổi Lễ cầu siêu tương tự được diễn ra, với sự nhất tâm chú nguyện rất đông của Chư tôn đức Tăng Ni và phật tử đồng về hộ niệm, để chúng ta lấy cái tâm lực (tâm linh) của tất cả mọi người hòa vào, hướng về, mà cầu nguyện hương linh các chiến sĩ được xả bỏ oán kết, nhận chân vô thường để siêu sanh tịnh cảnh.
Để đi vào nội dung chính của bài Pháp thoại SỨC MẠNH CỦA MỘT DÂN TỘC TỪ ĐÂU, TT.Thích Chân Quang đã liệt kê những yếu tố mà làm nên sức mạnh của một dân tộc, đó là: - Thứ nhất, Nhà nước có năng lực tài chánh lớn, tức là tiền nhiều và dân cũng phải giàu như vậy. - Thứ hai, một quốc gia được gọi là hùng mạnh thì phải có quân đội hùng mạnh. Chúng ta sẵn sàng bảo vệ được độc lập của Tổ quốc mình. - Thứ ba, phải có được những nhà lãnh đạo tài giỏi. Đó là những người lãnh đạo thực sự có tâm, có tài, có đức, phải dám làm dám chịu trách nhiệm trước nhân dân mà lèo lái con thuyền của quốc gia vượt lên từng ngày. - Thứ tư, phải có một ngành ngoại giao tốt để lúc nào ta cũng giữ được cái tình đoàn kết với cả thế giới này. - Thứ năm, ta phải có một hệ thống hoạt động kinh tế hiệu quả, tức là ai cũng có công ăn việc làm, không bị thất nghiệp. - Thứ sáu, ta phải có hệ thống giáo dục hết sức là hiệu quả, tức thầy dạy giỏi và trò học giỏi thì đất nước đó tương lai sẽ hùng mạnh.
Ngoài ra, ai cũng biết một đất nước hùng mạnh không chỉ ở phương diện đất rộng, người đông hay nhiều tài nguyên, mà còn một yếu tố quan trọng ít ai nhìn thấy, đó là yếu tố tâm linh của một dân tộc. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015), là nguyên nhân, nguồn cảm hứng trực tiếp dẫn đến Thượng tọa đã chia sẻ về đề tài này, không ngoài mục đích gợi mở cho mọi người thấy sức mạnh của một dân tộc không chỉ có những yếu tố thuộc về vật chất, hay tinh thần như đã liệt kê ở trên mà còn một yếu tố vượt trên tất cả, đó là yếu tố tâm linh của một dân tộc. Nói đến yếu tố tâm linh của một dân tộc, nhiều khi ở vị trí của người dân chúng ta ít biết, nhưng những vị có trách nhiệm bảo vệ đất nước này, mà lãnh đạo càng cao họ càng hiểu “Tâm linh” là điều quan trọng đối với một dân tộc, vì có những điều mầu nhiệm đến với đất nước ta, giúp cho đất nước ta vượt qua biết bao nhiêu sóng gió, vượt qua biết bao sự chống phá vượt ngoài khả năng quản lý của ta, tức là ta có Thần linh, có Thần thánh, có Tổ tiên phù hộ cho dân tộc này. Sự thật, chính những yếu tố tâm linh bí mật nào đó đã tạo thành sức mạnh rất đáng kể, vận dụng vào công việc dựng nước và giữ nước của một dân tộc chứ không phải là không.
Nhưng tâm linh của một dân tộc là gì. Theo Thượng tọa gồm 3 điều: *Thứ nhất, là đạo đức của cả dân tộc. Nếu cả dân tộc này ai cũng là người sống có đạo đức hết thì dân tộc ta tự nhiên có một nền tâm linh hùng mạnh, từ nơi sức mạnh nội tại của từng con người và từ sự chiêu cảm phù hộ của Thần thánh trên cao. Nên nhớ, chỉ đạo đức thôi tự nhiên ta sẽ có sức mạnh đánh bại mọi kẻ thù, chỉ đạo đức thôi tự nhiên ta có sức mạnh xây dựng lại nền kinh tế hùng mạnh, vững chắc. Vào cái thời quân Nguyên Mông lấn chiếm gần hết thế giới này, cả một đất nước Trung Hoa to lớn như vậy mà chiếm sạch hết đất nước đó luôn, nhưng mà khi đụng tới nước Việt Nam ta thì ba lần thảm bại. Khi chiến thắng như vậy, ta đúc kết lại thì Trương Hán Siêu mới nói rằng “Để chiến thắng được ngay chính nhờ cái đức của các ông Vua”. Bởi vì triều Trần có những ông Vua là anh hùng chống ngoại xâm, đồng thời là Thiền giả uyên áo, hành sự không câu chấp. Ví dụ như Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Thánh Tông đều là Thiền sư ngộ đạo. Đặc biệt Vua Trần Nhân Tông là một Thiền sư ngộ Đạo, Ngài xuất gia lập ra một Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Và chỉ bằng gậy tre, chiếc áo nâu, Ngài đi về phương Nam cảm hóa Chiêm Thành mà mở rộng đất nước ta từ Quảng Bình về tới Quảng Nam. Chúng ta thấy, không một giọt máu, không một xác người phơi xuống mà ta mở rộng được biên cương ra vời vợi luôn, chỉ bởi cái “Đức” của một ông Vua thôi. Vì vậy, cái đạo đức của ta đã chiến thắng kẻ thù, đã mở rộng được biên giới. Nên nói đạo đức của toàn dân tộc tạo thành cái tâm linh của ta, là vậy.
* Yếu tố thứ hai sẽ tạo nên tâm linh của một dân tộc, đó là một tín ngưỡng chân chính của dân tộc. Tức dân ta theo được một tín ngưỡng mà tín ngưỡng đó không có mê tín, tín ngưỡng đó lý giải được hết mọi điều thực tế trong cuộc sống, tín ngưỡng đó lý giải được những điều huyền bí mà mắt người không nhìn thấy được, tín ngưỡng đó độ được người dương cả người âm, nhưng cực kỳ hợp lý, logic, không có mê tín và tất cả đều dựa trên đạo đức, trên nền tảng Nhân quả. Và may mắn ta có cái tín ngưỡng đó, đó là Đạo Phật. Cha ông ta đã chọn Đạo Phật đồng hành với dân tộc, ngày hôm nay ta được may mắn đi theo Đạo Phật, một tôn giáo chân chính đã kết thành sức mạnh tâm linh của dân tộc ta; đồng thời góp phầnxây dựng đạo đức lối sống cho con người Việt Nam. Vậy yếu tố thứ hai ta cũng có, vấn đề là ta phải làm cho Đạo Phật hưng thịnh, lan tràn khắp nơi, nhân dân ta ai cũng đồng lòng quy ngưỡng về Phật Đà, vì có nhiều nơi vẫn còn chưa có được tín ngưỡng chân chính như thế. Khi ta chưa có được một tín ngưỡng chân chính thì những đạo không chân chính sẽ len lỏi tràn ngập vào, họ lấy mất người, lấy mất linh hồn của ta.
Còn khi ta có được một tín ngưỡng chân chính rồi, ta sẽ giữ lại được linh hồn, giữ được lẽ phải, giữ được chính nghĩa cho chính mình… đó là ta góp được vào sức mạnh tâm linh của dân tộc. Cho nên việc chọn một tín ngưỡng chân chính để đi theo là một nhiệm vụ quan trọng, một sự cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và có trách nhiệm đối với tâm linh của dân tộc ta. Đây là sự sống còn của cả đất nước, chứ không phải là chuyện của cá nhân, nên ta không được đụng đâu cũng theo. * Yếu tố thứ ba tạo nên nền tâm linh của dân tộc là phẩm chất Thần Thánh của một dân tộc. Để hiểu rõ yếu tố thứ ba này, Thượng tọa phân tích câu nói “… Trải qua hai cuộc kháng chiến Thần Thánh của dân tộc.” Tại sao phải dùng hai từ “Thần Thánh”, Thượng tọa giải thích câu nói này thật vô cùng ý vị để nêu lên một bài học đạo lý, trong đó nhấn mạnh “Trong phẩm chất của người Việt Nam ta, ta có cái gọi là phẩm chất Thần Thánh. Chính phẩm chất Thần Thánh đó cũng tạo nên tâm linh cho dân tộc ta.
Hôm nay, chúng ta là những người còn sống, được hưởng một nền hòa bình độc lập hạnh phúc, ấm no như thế này là công sức của cha ông và xương máu của bao anh hùng đã nằm xuống để giữ gìn từng tấc đất cho quê hương, thậm chí còn biết bao máu xương đang vùi dập đâu đó vẫn chưa được quy tập về hết, nhưng chỉ có một điều để ta sống cho đúng lương tâm của mình là ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương đứng lên. Và để làm ấm lòng các anh, chúng ta cần có những buổi Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ thật trang nghiêm để cầu nguyện trợ giúp cho các anh được thăng tiến trong đời sống tâm linh của mình. Nói nền đạo đức của một dân tộc là cần cả một sự cố gắng nỗ lực từ những cấp Lãnh đạo cao nhất cho tới từng người cha người mẹ trong mỗi gia đình, cho tới từng người tu sĩ trong tôn giáo, tất cả đều phải hoàn thiện bản thân mình và hướng dẫn dạy dỗ cho mọi người chung quanh để cho cả dân tộc này là một dân tộc đạo đức, để từ đó, ta có được một sức mạnh tâm linh.
Còn khi nói về cái phẩm chất thần thánh có nghĩa là ta làm được những điều mà tưởng như không làm nỗi thì gồm những điều gì? Để góp vào phẩm chất thần thánh của dân tộc ta. Thượng tọa đưa ra một số đặc điểm cụ thể: - Thứ nhất là đất nước đó có những anh hùng tài giỏi đời đời được nhân dân kính ngưỡng. - Thứ hai là người dân tràn đầy lòng biết ơn đối với cái liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. - Thứ ba là người dân ta làm được những việc phi thường. - Thứ tư là dân ta biết sống vị tha tử tế và không chấp công. - Thứ năm, là mỗi người dân phải có tình yêu nước nồng nàn, và có trách nhiệm với thế giới, vì ngày hôm nay thế giới đã gần lại với nhau lắm rồi không còn cách xa nữa. - Thứ sáu, một đất nước sẽ giàu mạnh hay không giàu mạnh là tùy thuộc vào người dân trong nước đó thích cống hiến hay thích hưởng thụ. Với mỗi đặc điểm trên Thượng tọa đều phân tích, so sánh, chứng minh bằng nhiều ví dụ cụ thể để mọi người nhìn ra ý nghĩa của từng đặc điểm, trong đó có những điểm nhấn đáng suy gẫm như một vài bí quyết tạo thành sức mạnh của dân tộc ta. Và Thượng tọa răn nhắc các phật tử phải giữ cái bí quyết đó cho gia đình mình, cho dân tộc mình, đừng để mất cái truyền thống đó, bằng cách chúng ta phải nhắc nhau, dạy nhau và dạy cho con cháu mình, bởi vì sức mạnh của dân tộc ta; phẩm chất thần thánh của dân tộc ta đều nằm ở những nền tảng căn bản đó. Sau bài Pháp thoại, Thượng tọa mời tất cả phật tử cùng chắp tay trang nghiêm hướng về Lễ đài, đồng nguyện: Trên mười phương Chư Phật, xin gia hộ dìu dắt các anh linh liệt sĩ ở đây và cả đất nước này đi về cõi an lành, các anh được thăng tiến trong tinh thần trong trí tuệ và mãi mãi các anh hãy tiếp tục phù hộ, đóng góp, bảo vệ đất nước này được bình yên, được tiến bộ. - Nguyện mười phương Chư Phật, Quốc tổ chúng ta hãy gia hộ cho toàn dân Việt Nam biết yêu thương nhau, đoàn kết lại để xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước Việt Nam, để đất nước Việt Nam đủ sức đóng góp vào nền hòa bình cho nhân loại. - Nguyện cho nơi nơi, cho mọi người, mọi nhà, ai cũng biết quy kính về Tam bảo, ai cũng tin sâu nhân quả, ai cũng tu dưỡng đạo đức để cho cái thế giới này trở thành cõi Phật, bình an, thánh thiện.
Trong sự tịch lặng của không khí thiêng liêng, nơi mà ngày xưa biết bao nhiêu khổ đau, biết bao nhiêu sự chết chóc, nhưng mà cũng tràn ngập cái tinh thần bất khuất, oanh liệt của ông cha ta, của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, các phật tử được thưởng thức bài trường ca ĐẠI VIỆT OAI HÙNG do TT Thích Chân Quang mới sáng tác. Bài hát với thời lượng dài 13 phút đã làm lay động cảm xúc sâu thẳm trong tim của người nghe. Những ca từ trong bài hát như dòng sữa ngọt, nuôi dưỡng, bồi đắp lòng yêu nước cho con người, nhất là cho thế hệ trẻ, để không một ai được lãng quên trách nhiệm với đất nước. Từ nơi tác giả, tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn Tổ tiên, đồng thời là tiếng nói biết ơn, lòng tự hào dân tộc đã nhập vào cuộc sống, thấm vào hơi thở để thể hiện qua nghệ thuật âm nhạc một cách sáng tạo và xuất thần. Tác giả đã nâng cao khả năng thể hiện âm nhạc của mình. Đây có thể được xem là một dạng lao động nghệ thuật một cách công phu và nghiêm túc, nên tác giả cũng góp phần cho phẩm chất thần thánh của dân tộc ta, vì Người đã dốc lòng cho nền giáo dục Phật Giáo, là một nhà mô phạm mẫu mực, khiến cho biết bao nhiêu người khác nương tựa theo cùng tu tập tâm linh, đạo đức. Thật ra, chúng ta hãy nghe, hãy hát thì mới cảm nhận hết cái tình của tác giả đã gửi gắm qua ca khúc trường ca ĐẠI VIỆT OAI HÙNG. Phải chăng, nghệ thuật cũng tạo nên sức sống bền vững của một dân tộc từ những con người có lòng yêu nước chân chính và có tinh thần trách nhiệm cao với đất nước. Dưới đây là một vài trích đoạn trong bài ĐẠI VIỆT OAI HÙNG sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn về nội dung của bài trường ca càng làm mạnh thêm hào khí thiêng liêng của dân tộc do một nhà Sư sáng tác. Trời đất vang dậy kinh hoàng; tàn ác vó ngựa quân Nguyên; Lớp lớp vung gươm xông pha quật cường; Giữ lấy non sông uy linh Đại Việt. … Rừng sâu núi cao bày quân; Triều dâng sóng lên gài chông; Chương Dương vùi thây quân cướp; Thăng Long xóa sạch giặc thù.… Vua lên tận non cao; Thênh thang cùng trăng sao; Áo ca sa bay theo mây ngàn; Chuông ngân rền sông núi; Câu kinh mở muôn lối; Nước Nam ta có một Phật Hoàng.… Người ơi khi ta nghe câu thơ xưa những trang sách vàng; Lòng ta như bay lên trên quê hương cất lời hát vang; Tình yêu ôi mênh mông trong con tim khắp trời mây gió: Việt Nam ta bên nhau chung tay xây đắp đời tự do. Những hình ảnh của buổi Pháp Thoại tại nhà tù Lao Bảo, Quảng Trị:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |