Chi tiết tin tức

Thuyết giảng Phật pháp trong thời hiện đại

15:02:00 - 23/06/2015
(PGNĐ) -  Đại học Harvard vừa tổ chức một cuộc hội thảo nội dung nhìn vào những thách thức phải trải qua khi đào tạo những người giảng Phật pháp để đáp ứng các nhu cầu hiện nay.

Trường Harvard được thành lập vào năm 1636 với mục đích tạo nên một “đoàn tu sĩ trí thức”. Gần 400 năm sau, khoa Tôn giáo học Harvard (HDS) định hướng phát triển một đội ngũ những tu sĩ được trang bị những kiến thức cho thời đại mới.

Tại hội thảo, Giáo sư Phật học Janet Gyatso đã đề cập lại sự đổi mới trong chương trình giảng dạy Tôn giáo học được đưa ra từ năm 2005, và điều đó đã trở thành một cơ hội để mở rộng phạm vi của chương trình như thế nào.

Bà nói: “Thực sự, tôi cho rằng đây có thể sẽ là một nơi tuyệt vời để bắt đầu việc đào tạo những tu sĩ Phật giáo có khả năng hoằng pháp theo cách tương tự mà những sinh viên theo Công giáo truyền thống được giáo dục. Nền tảng và mô hình cơ bản của toàn bộ khoa Tôn giáo học là đào tạo nên một đoàn tu sĩ trí thức…. Tại sao không áp dụng điều đó cho những sinh viên ngành Phật học?”.

pgnn 23.jpg
Ni sư Yifa, Giám đốc chương trình tại Dự án Woodenfish, phát biểu trong hội thảo

Buổi hội thảo “Giáo dục và Hoằng pháp: Đi về đâu - và tại sao?” được tổ chức như một cam kết mới cho chương trình Sáng kiến Thuyết giảng Phật pháp (SKTGPP). Hội nghị quốc tế đầu tiên của SKTGPP diễn ra trong 3 ngày, với sự tham dự của các học giả, sinh viên và các nhà sư phạm, nhằm thảo luận các thách thức, những hiểu biết, và những câu hỏi xoay quanh việc đào tạo nhân sự hoằng pháp, và nhằm khuyến khích sự cộng tác giữa các cơ quan và các cá nhân. Hội nghị đã nhận được tài trợ từ Quỹ Robert H.N. Ho Family Foundation.

Một số nhóm người tham gia hội thảo đã đặt ra câu hỏi quan trọng: Chuyên ngành Phật giáo được đưa vào nội dung chương trình để đáp ứng nhu cầu của đời sống tâm linh ở phương Tây, nó có bị biến thành một phiên bản trần tục của Phật giáo truyền thống, hay nó vẫn sẽ là một phương tiện hướng đến giá trị sự giải thoát?

Thảo luận về những thách thức, Janet Gyatso chỉ ra rằng những người thuyết giảng về Phật giáo ở phương Tây không ở một chỗ, họ đi đây đi đó và làm việc tại các bệnh viện hoặc trại giam, tiếp xúc với những người không phải là Phật tử. Thực tế này dẫn đến tình trạng những khái niệm về thực tập như tịnh tâm và từ bi sẽ bị khái quát hóa hoặc bị trừu tượng hóa. Điều đó có thể làm cho sự hành trì mất đi nét cốt tủy Phật giáo vốn có và đến thời điểm nào nó sẽ trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

“Một phần của những thách thức cho sinh viên là cách họ nắm bắt những hiểu biết từ nội tâm - trí tuệ đến từ những bối cảnh không nhất thiết liên quan đến Phật giáo. Một mặt, là chuyển biến chúng theo ngôn ngữ Phật giáo, mặt khác, là đóng góp những hiểu biết và tri thức mà họ thu thập được trên nền tảng Phật giáo của mình vào việc thực tập. Bởi vậy, ta có thể nói đó là con đường hai chiều”, bà giải thích.

Cheryl Giles - Giảng viên cao cấp của Trung tâm Chăm sóc và Mục vụ Francis Greenwood Peabody nói về việc thay đổi từ một tín đồ Công giáo thành một người thực hành Phật giáo.

“Chính nơi khởi nguồn đã hình thành hiểu biết của ta và điều đó ảnh hưởng đến việc thực hành thuyết pháp”, Giles cho hay. “Việc là một người đồng tính, người da đen, người có giáo dục, xuất thân từ một gia đình tầng lớp lao động, từng theo Công giáo và hiện thực hành Phật giáo Tây Tạng, tất cả những điều đó đều không quan trọng. Chúng là những hành trang trên cuộc đời mà tôi mang theo khi đến với Phật giáo và tôi hy vọng mình có thể trở thành một nhà hoằng pháp tốt”.

“Việc tham gia thuyết giảng Phật pháp không phải là một sự tu tập bắt buộc chung nhất cho mọi người. Nó gắn liền với những người nghèo, vô gia cư, thất học, bệnh tật, tâm thần, và tuyệt vọng. Là việc đến thăm những người bệnh tật, đang hấp hối, những người bị giam cầm. Là việc đấu tranh cho công lý. Là việc dạy dỗ những học sinh sẽ trở thành những lãnh đạo trong tương lai để đứng lên cùng với người nghèo, để tôn vinh lòng tự trọng của mỗi người, và để thể hiện tình yêu và lòng từ bi, không chỉ cho người khác, mà cho cả chính ta”, bà giải thích.

Một vài nhóm tham gia khác tập trung vào thảo luận câu hỏi về: Điều gì cần có để trở thành một người hoằng pháp?

Yangsi Rinpoche, Chủ tịch và là Giáo sư Phật học tại Đại học Maitripa, một trường đại học Phật giáo tại Portland, Ore đưa ra vấn đề về một số Phật tử phương Tây khi trở thành người hoằng pháp đã lo lắng và không thoải mái khi thực hiện các nghi lễ Phật giáo. Ông hy vọng rằng điều này sẽ được thay đổi để dựa trên những tuệ giác về nghi thức hơn là cách thức.

John Makransky, Phó Giáo sư tại Cao đẳng Boston và giáo viên tại Tổ chức Foundation for Active Compassion, chú ý tầm quan trọng của việc kết nối sinh viên với các giáo viên và cộng đồng Phật giáo châu Á. Nhờ đó việc giáo dục có thể sẽ không quá bị phương Tây hóa. Ông cũng nhận xét về tầm quan trọng của một người thuyết giảng Phật pháp như là một chìa khóa mở nguồn cho sự đồng hành giữa các tôn giáo.

“Rõ ràng điều đó rất quan trọng trong thời điểm và vị trí mà chúng ta đang sống. Rất nhiều người không phải Phật tử đã tìm đến Phật giáo, không hẳn chỉ để chuyển hóa mà là để học được những giáo lý sâu sắc, cho dù họ đang sống cuộc đời của một tín đồ Cơ Đốc, Do Thái giáo, hay các tôn giáo khác”, ông cho biết.

Các tham luận viên khác bao gồm Emily Click - thành viên của HDS, trợ lý chủ nhiệm khoa trong các nghiên cứu về giáo dục, và Charles Hallisey, Giảng viên cao cấp Yehan Numata về Văn học Phật giáo. Ngoài ra còn có sự tham dự của Ni sư Yifa, giám đốc chương trình tại Dự án Woodenfish. Dự án góp phần vào sự phát triển của các học giả mới nổi tại phương Tây - những người quan tâm đến Phật giáo Trung Quốc.

Bảo Thiên - Anh thư (theo Harvard Gazetty)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin