Chi tiết tin tức Hoằng pháp Phật giáo: Hướng đến tốt đời đẹp đạo 22:07:00 - 09/11/2014
(PGNĐ) - Trong nhiều năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chủ trương hoạt động Hoằng pháp Phật giáo hướng vào các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cùng với chân giá trị của Phật pháp để xây dựng lối sống tốt đời đẹp đạo trong cộng đồng phật tử.
Theo Đại đức Thích Giác Hoàng, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN, xuất phát từ chính cuộc đời tu tập mỗi vị xuất gia đều có chí hướng hoằng pháp lợi sanh, nhưng để làm được điều này đòi hỏi cần rất nhiều yếu tố. Đó là đức khiêm cung và có một tâm tu vững vàng,… Đại đức Thích Giác Hoàng chia sẻ: Việc Hoằng pháp rất cao quý nên cần thì thể hiện, còn không cứ lặng lẽ tu, do đó bản thân người tu hành cũng cần phải luôn nhìn lại bản thân để không rơi vào cái tâm ngã mạn, tự đắc, tự cao.
Nhìn nhận về đời sống Hoằng pháp trong cộng đồng thời gian gần đây, Đại đức Thích Giác Hoàng cho biết, dấu hiệu đáng mừng là thời gian gần đây nhiều khóa tu mùa hè của Phật giáo đã được cả cộng đồng đón nhận như một hiện tượng của đời sống đạo đức xã hội. Đáng chú ý, từ các khóa tu học của thầy Nhật Từ, thầy Thiện Huệ, rồi chùa Hoằng Pháp ở Hà Nội.., những câu lạc bộ Phật pháp ra đời… Qua đó, cho thấy giới trẻ đã đến với Phật pháp bằng nhiều cách khác nhau và đó là thành quả mà tư tưởng, giá trị Phật giáo đem lại cho xã hội.
Là người tình nguyện tham gia công tác tại vùng cao của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đại đức Thích Tâm Phương, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới chia sẻ, huyện A Lưới là một địa phương với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Do bà con còn lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày nên không có điều kiện để tìm hiểu đạo lý Phật giáo. Bên cạnh đó, đối với bà con dân tộc thiểu số thì tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào trong đời sống tâm linh, cùng với trình độ dân trí còn thấp nên việc tiếp nhận giáo lý Đạo Phật là một quá trình lâu dài. Đó là chưa kể, sự bất đồng về ngôn ngữ cũng là một trở ngại lớn để có thể Hoằng pháp ở vùng cao. Dù vậy, Đại đức Thích Tâm Phương vẫn nỗ lực cùng với Ban Trị sự GHPGVN huyện A Lưới và chính quyền địa phương quan tâm tổ chức các khóa Tu Bát Quan Trai và Niệm Phật; tổ chức thuyết giảng Phật pháp cùng các hoạt động tặng quà từ thiện, khám chữa bệnh, tổ chức Tết Trung thu cho các em, xây nhà tình thương, học bổng cho học sinh nghèo.
Đối với các khóa tu dành cho giới trẻ hiện nay, sư cô Thích Nữ Huệ Đức, Phó Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM đánh giá, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, giới trẻ đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Phật giáo cũng đã tham gia vào việc tổ chức các khoá tu dành cho giới trẻ, đang được đông đảo phụ huynh quan tâm. Sư cô Thích Nữ Huệ Đức cho rằng, giới trẻ ngày nay đang rất cần được sự quan tâm đúng mức của gia đình và một nền giáo dục mang tính toàn diện cao. Đối với các khóa tu của Phật giáo, định kỳ hàng tháng cũng nhắm đến mục đích "Gieo hạt từ tâm” với mong muốn là nơi lựa chọn lý tưởng cho con em Phật tử, cũng như cộng đồng tham gia nuôi dưỡng lý tưởng và nhận ra những giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc sống.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |