Chi tiết tin tức

Kinh nghiệm viết bài báo đăng tạp chí nghiên cứu khoa học

21:23:00 - 24/01/2021
(PGNĐ) -  Trong quá trình công bố khoa học, làm thế nào để nhà nghiên cứu có thể thành công khi viết một bài báo đúng chuẩn và được chấp nhận đăng tải trên một tạp chí khoa học, đặc biệt là tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Bài viết này chứa đựng kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân của người viết bài, với tư cách là một nhà nghiên cứu, hy vọng gợi mở một số cơ sở tham khảo và hướng dẫn hữu ích cho các đối tượng đang theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học ở môi trường học thuật và đăng bài trên tạp chí khoa học.

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN KHI KHỞI SỰ

Khó khăn chung cho mọi nhà nghiên cứu là việc không tìm thấy ý tưởng cho bài viết. Thông thường họ sẽ đối mặt với những câu hỏi như tôi viết đề tài nào, vấn đề ấy liệu có tính mới mẻ, có khả thi hay không… Ngay cả khi có ý tưởng, nhiều nhà nghiên cứu vẫn gặp khó khăn vì thiếu tính đột phá.

Thông thường, một bài báo khoa học có khả năng công bố trên tạp chí khoa học trong nước hay quốc tế phải đảm bảo một nội dung quan trọng là tổng quan tình hình nghiên cứu. Nội dung này giúp người đọc xác định mối liên hệ giữa kiến thức mới và những kiến thức đã được nghiên cứu trước đây, từ đó xác nhận lại những gì chưa được nghiên cứu và đã được nghiên cứu trong kho tàng tri thức thuộc một lĩnh vực nhất định. Khi giải quyết vấn đề nói trên, các nhà nghiên cứu khó tìm ra tính mới mẻ nếu như đề tài được khai thác quá nhiều bởi các nhà nghiên cứu trước đây.

Ngay cả khi hoàn thiện đề tài xong, học viên/giảng viên/nhà nghiên cứu vẫn không biết chọn tạp chí nào gửi đăng, hoặc làm sao biết tạp chí đó có tầm ảnh hưởng cao hay thấp, khó hay dễ. Việc gửi bài cho một tạp chí rất quan trọng, bởi quá trình tiếp nhận, thẩm định, chỉnh sửa, đăng tải chính thức tốn khá nhiều thời gian, trung bình phải tính bằng tháng. Đối với tạp chí quốc tế uy tín thường là 9-12 tháng. Trong khi về đạo đức khoa học, một bài báo không thể gửi đồng thời cho nhiều tạp chí khác nhau.

Băn khoăn tiếp theo của nhiều nhà nghiên cứu khi gửi bài viết cho một tạp chí là khả năng bị từ chối (reject). Thực tế có nhiều bài viết xuất sắc và bản thân người nghiên cứu là chuyên gia đầu ngành nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tạp chí khoa học chấp nhận đăng. Khi đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế, tiếng Anh đối với nhiều giảng viên không chỉ là rào cản ngôn ngữ thuần túy mà còn hạn chế vì tính hàn lâm, ví dụ như các thuật ngữ pháp lý, cấu trúc câu, hình thức diễn đạt…

Việc bị tạp chí khoa học từ chối là sự nếm trải đau thương và không hề dễ chịu. Việc từ chối có thể khiến nhà nghiên cứu mất đi động lực, do tốn một khoản thời gian tương đối dài và không có sự lựa chọn thứ hai vì đạo đức khoa học. Tuy nhiên, bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Thực tế, có 75% bài báo bị từ chối do trục trặc nằm ở phương pháp. Sau khi chỉnh sửa lại, bài báo thường được công bố trên những tập san có yếu tố ảnh hưởng cao.

Cho nên, nếu bài báo bị loại thì nhà nghiên cứu không nên nản chí, nó sẽ phát đi những phản hồi hữu ích để bạn xem xét, tu chỉnh, gửi đăng đến một tạp chí phù hợp. Do đó, ngay cả khi bị từ chối, tác giả cần kiên nhẫn xem lại toàn bộ bài viết, từ cách đặt tiêu đề, đề mục đến nội dung chính.

CHUẨN MỰC CƠ BẢN KHI VIẾT MỘT BÀI BÁO KHOA HỌC LÀ GÌ?

Hình thành ý tưởng nghiên cứu là tiền đề quan trọng cho quá trình nghiên cứu. Cách thức tìm kiếm ý tưởng phổ biến có thể đến từ quan sát thực tiễn, chẳng hạn như quan sát sự vận hành của một quy định pháp luật liên quan đến một vấn đề xã hội nào đó, quan sát quá trình vận hành của nhiều tổ chức để rút ra những kết luận quan trọng về nguyên tắc quản lý. Hoặc xuất phát từ những tranh luận khoa học, so sánh giữa lý thuyết khoa học với thực tiễn cuộc sống. Khi có ý tưởng, câu hỏi nghiên cứu sẽ nảy sinh trong đầu, người viết có thể bắt đầu thu thập số liệu, định hình phương pháp, sắp xếp thời gian, cuối cùng là thực hiện nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu trước khi gửi bài viết đăng tạp chí thì cần xác định các câu hỏi: Tác giả muốn bài báo đạt được điều gì? Vấn đề khoa học mà tác giả truyền tải là gì? Tại sao người khác quan tâm và người quan tâm là ai, trình độ kiến thức họ thế nào?

Việc chọn đề tài và đặt tên đề tài nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo. Cách đặt tên càng làm rõ hướng tiếp cận, phạm vi nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu thì càng tốt. Kinh nghiệm cho thấy đề tài thể hiện không nên quá rộng vì khó có khả năng bao quát, cũng như không được quá hẹp, do khó tìm kiếm dữ liệu.

Viết bài báo khoa học, dù là theo tiêu chuẩn trong nước hay quốc tế đều đòi hỏi kỹ năng sử dụng Anh ngữ thuần thục. Nhà nghiên cứu phải đầu tư thích đáng vào việc hoàn thiện khả năng sử dụng tiếng Anh học thuật, riêng đối với nhà nghiên cứu chuyên ngành luật, cần chú trọng hơn nữa thuật ngữ pháp lý, cấu trúc câu trong viết pháp lý (legal writing), sử dụng văn phong, lập luận pháp lý.

Tiếp theo, bài báo khoa học ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đánh giá cao yếu tố phản biện. Đó là những phân tích, nhận định, quan điểm khách quan, đa chiều, thậm chí có thể trái ngược, tính đúng/sai đôi khi không quá quan trọng bằng lí luận. Lưu ý, những bài viết khoa học trình bày theo lối mô tả (descriptive) như diễn giải các tình huống, cung cấp thông tin thuần túy thường bị đánh giá rất thấp vì không thể hiện được tư duy của tác giả.

Tác giả cũng nên lưu tâm cấu trúc bài viết. Bài báo khoa học có tính chất như một bài luận (essay) ở mức độ uyên thâm. Ngoài phần cứng là giới thiệu vấn đề, thân bài, kết luận, người viết cần đảm bảo phần tóm tắt (abstract). Bài viết khoa học còn xem xét độ tin cậy và khả năng tổng hợp vấn đề nghiên cứu. Chính vì vậy, tác giả không thể thiếu nghiêm túc trong việc sử dụng các trích dẫn (citation and footnote) và danh mục tài liệu tham khảo (references).

Trích dẫn, tham chiếu tài liệu thường là nội dung ít được chú ý đối với truyền thống viết bài khoa học, thể hiện trong các bài báo vắng bóng các trích dẫn trọng yếu. Một bài báo có nhiều trích dẫn là chuyện bình thường và nên làm. Chúng là cơ sở loại trừ nguy cơ đạo văn (plagiarism).

Cấu trúc cơ bản của một bài báo khoa học gồm những phần như sau: (1) Tiêu đề có 10 – 18 từ phản ánh nội dung nghiên cứu, dưới tiêu đề ghi thông tin liên quan, (2) Phần tóm tắt 100 – 125 từ, thể hiện vấn đề nghiên cứu, phương pháp, thời gian, số liệu, kết quả, (3) Phần dẫn nhập nói về lý do, tầm quan trọng của đề tài, (4) Lược sử về nghiên cứu trước đây, mô tả kết quả nghiên cứu, những gì còn thiếu, sai lệch, bổ sung, (5) Phương pháp và số liệu nghiên cứu, (6) Phần kết quả và thảo luận, tác giả trình bày và giải thích nghiên cứu, phản biện hay bổ sung các nghiên cứu trước, (7) Kết luận tổng lược kết quả nghiên cứu.

Sau khi kết thúc bài báo khoa học, tác giả phải nhớ ghi danh mục tài liệu tham khảo. Xin lưu ý, phần này cần trình bày theo tiêu chuẩn mà tạp chí đưa ra. Hiện nay, trên thế giới có nhiều trường phái khác nhau về tiêu chuẩn viết tài liệu tham khảo như trường phái ĐH Chicago, ĐH Cambridge…

ĐỂ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRỞ NÊN BỚT NẶNG NỀ

Việc nghiên cứu sẽ bớt nặng nề hơn nếu người thực hiện có thể tận dụng các bài tham luận hội thảo. Cho dù những bài viết này không được coi là công bố quốc tế nhưng cũng là nền tảng đáng lưu tâm khi chúng ta tiếp tục phát triển công trình bằng cách bổ sung thông tin, dữ liệu, hoàn thiện ngôn ngữ và văn phong.

Một gợi ý khác là nhà nghiên cứu nên tận dụng cơ hội viết bài trong khuôn khổ các đề tài, dự án nghiên cứu quốc tế mà mình tham gia, bên cạnh việc rèn luyện lối tư duy bằng tiếng Anh và viết bằng tiếng Anh. Đứng quên các luận văn, luận án tiếng Anh đã được chỉnh sửa kỹ lưỡng, nó mở ra khả năng tham khảo to lớn về nội dung.

Chìa khóa quan trọng để bước qua cánh cửa công bố quốc tế là tinh thần “biết người biết ta”. Nghĩa là người làm nghiên cứu nắm vững quy trình và tiêu chí đánh giá một bài báo khoa học. Nhà nghiên cứu cũng cần có kịch bản đáp ứng nhu cầu của người bình duyệt.

Để vượt qua “vũ môn”, người nghiên cứu nên kịch bản hóa kết quả khoa học sao cho thu hút, lôi cuốn, gây chú ý cho người bình duyệt. Không phải bài báo có nhiều thông tin là bài báo tốt nhất, người bình duyệt đánh giá vào kịch bản chứ không phải lượng thông tin.

Những nghiên cứu có tính chất so sánh, ví dụ so sánh hai hệ thống kinh tế, hai hệ thống pháp luật, hai mô hình giáo dục…là một gợi ý tốt cho việc phát triển những đề tài nghiên cứu đáp ứng sự quan tâm của người đọc mà trước hết là thành viên thẩm định. Thực tế sinh động ở Việt Nam từ các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội,… đều có tiềm năng trở thành đối tượng nghiên cứu đa dạng, phong phú.

 

Như Thủy Nguyệt

Nguồn: TCVH

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin