Chi tiết tin tức

Phật giáo với công tác đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp

21:27:00 - 29/10/2021
(PGNĐ) -  Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp đòi hỏi phải biết tận dụng những ưu thế của truyền thông trong thời đại số, cũng như hóa giải những khó khăn, thách thức.

TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO ĐƯỢC TỔ CHỨC BÀI BẢN, QUY CỦ

Khái niệm truyền thông Phật giáo

Truyền thông là một phương thức trao đổi thông tin có từ lâu đời. Truyền thông (communication) là hoạt động liên quan đến các vấn đề về giao tiếp (communicate) và chia sẻ thông tin. Truyền thông là quá trình chia sẻ, truyền tải dữ liệu thông tin; khởi đầu bằng thông điệp từ người truyền thông tin đến người nhận thông tin. Thông tin được truyền tải trong quá trình truyền thông là sự trao đổi có mục đích. Quá trình truyền thông giúp người nhận thông tin cập nhật kiến thức về vấn đề được nêu ra, hoặc thay đổi nhận thức, kỹ năng, thái độ của người nhận thông tin về các vấn đề này. Bên cạnh đó, những thông tin thu nhận được qua truyền thông có thể góp phần định hướng, xây dựng quan điểm cá nhân, nhóm xã hội về một vấn đề cụ thể [1].
Truyền thông Phật giáo cũng là truyền đạt và chia sẻ thông tin đến cá nhân hoặc cộng đồng, là “truyền tải chính pháp của Đạo Phật đưa vào xã hội hướng đến phương châm Đạo pháp – Dân tộc; hướng dẫn Tăng, Ni trẻ và Phật tử gần với chân – thiện – mỹ, góp phần phục vụ cho Giáo hội; nhiệm vụ truyền thông Phật giáo là kết nối giữa Giáo hội và Tăng, Ni, Giáo hội với Chính quyền, giữa Phật giáo với xã hội” [2]. Đó là quá trình truyền tải, thông tin về nhiều mặt đời sống Phật giáo và Tăng đoàn đến xã hội. Truyền thông Phật giáo là một thành phần không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Do đó, Phật giáo cũng đã và đang sử dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại, nhằm đưa Phật pháp vào đời để chuyển hóa nhân gian, hướng chúng sinh đến sự an lạc.

Truyền thông Phật giáo có từ thời Phật còn tại thế, hình ảnh Đức Phật và Tăng đoàn đi khất thực đó là phương tiện truyền thông, hình thức truyền thông sơ khai của Phật giáo. Và đó chính là truyền bá trí tuệ, từ bi và hình ảnh chân – thiện – mỹ, làm tịnh hóa, hướng thượng cho nhân loại hướng đến. Mỗi khi Đức Phật chuyển Pháp luân, Tam Thiên Đại Thiên thế giới và mọi người đều cung kính lắng nghe, đó là nhờ oai lực của Đức Phật – bậc đã tự mình hàng phục Ma vương, diệt tận các lậu hoặc, tự mình tìm ra con đường trung đạo đưa đến Niết bàn tịch tĩnh. Tăng đoàn tập hợp chư vị Tỳ kheo cùng tu tập theo tinh thần Lục hòa cộng trụ là một đoàn thể hòa hợp chúng, là một trong ba ngôi Tam bảo cao quý. Tăng đoàn truyền thừa đến nay đã hơn 2.500 năm. Tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo pháp của Đức Phật, khiến cho gia tài chánh pháp của Ngài không bị mai một mà ngày càng thêm đa dạng và phong phú hơn. Tăng đoàn và các cư sĩ Phật tử đã hoằng pháp một cách hòa bình suốt từ bấy giờ đến ngày nay. Cũng vậy, truyền thông Phật giáo đã tồn tại một cách hòa bình, dựa vào sức mạnh của Bi – Trí – Dũng.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức truyền thông Phật giáo

Trong thời kỳ hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, truyền thông thực sự trở thành sức mạnh mềm trong các thiết chế quyền uy của xã hội.

Trong xu thế phát triển không ngừng của thời đại kỷ nguyên số, trước những thuận lợi, thách thức đối với quốc gia, dân tộc trong thời đại phát triển cuộc Cách mạng khoa học công nghệ, trên tinh thần nhập thế để Hoằng Pháp lợi sanh, Phật giáo cũng không thể đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đất nước nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng, xuất hiện nhiều vấn đề vừa là thời cơ, vừa là thách thức trên mặt trận truyền thông. Đặc biệt là đối phó âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Để bảo vệ và phát dương quang đại chân giá trị của văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, cuộc đấu tranh trên mọi phương diện nhằm lan tỏa triết lý từ bi, vô ngã, vị tha và hóa giải những tiêu cực cần sự chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thống nhất từ Trung ương đến các cấp cơ sở.

Nhận thức được tầm quan trọng của truyền thông, Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần VII năm 2012, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội các cấp cũng hình thành các ban chuyên môn về Thông tin Truyền thông. Ban Thông tin – Truyền thông đã có những đóng góp Phật sự rất to lớn với thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao.

Nghị quyết về chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) đã nêu bật trọng điểm: Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Đồng thời, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 đã tiếp tục khẳng định vị trí của Ban Thông tin – Truyền thông là một trong các Ban, để làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông Phật giáo. Đến ngày 12/6/2018, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Quyết định số 100/QĐ.HĐTS Chuẩn y nhân sự Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) gồm 97 thành viên, giúp kiện toàn nhân sự của ban, tăng cường khả năng quản lý, điều hành công tác.

TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO NHƯ MỘT KÊNH HOẰNG PHÁP

Báo chí Phật giáo là kênh hoằng pháp truyền thống

Lịch sử báo chí và truyền thông Phật giáo đã có truyền thống từ lâu và gần như đồng hành với báo chí cách mạng Việt Nam. Năm 1929, báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện Tạp chí Pháp Âm do Hòa thượng Khánh Hòa chủ bút. Tôn chỉ tờ báo là chủ trương “Từ bi, Bác ái, Tự giác, Giác tha”. Nội dung báo ưu tiên trình bày về các vấn đề Phật học, tín ngưỡng, quan điểm Phật giáo hướng đến xây dựng một nền Phật giáo phù hợp với nhân sinh, thời đại.

Năm 1932, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản Tạp chí Từ Bi Âm do cư sĩ Phạm Ngọc Vinh sáng lập, chủ bút là Hòa thượng Bích Liên. Tạp chí truyền bá Phật học, với các chuyên mục triết lý, luận lý, lịch sử, tiểu thuyết, văn uyển, phiên dịch kinh điển Phật giáo, tin tức Phật sự.

Năm 1933, khi phong trào chấn hưng Phật giáo hưng khởi ở Trung kỳ, báo Viên Âm ra mắt số đầu tiên vào ngày 1/12/1933 trực thuộc Hội An Nam Phật học. Chủ bút là bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Tôn chỉ tờ báo này trình bày chủ trương, đường lối hoạt động của Hội và hoằng dương Phật pháp trên nhiều phương diện. Nội dung thường trình bày về Kinh, Luật, Luận, xã luận, giảng giải giáo lý, văn chương, lịch sử, tin tức… Ngoài hai nội dung chính kể trên, Viên Âm thường cho đăng tải các chương trình học, tôn chỉ của Hội cùng các vấn đề liên quan đến lịch sử, giáo dục Phật giáo giai đoạn này.

Thời gian sau này còn có tuần báo Đuốc Tuệ (cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ) ra mắt năm 1935, báo Duy Tâm, Tam Bảo, Tiến Hóa, Pháp Âm, Bát Nhã Âm, Phương Tiện, Bồ Đề Tân Thanh, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa, Phật Giáo Việt Nam, Hải Triều Âm, Vạn Hạnh, Tư Tưởng, Thiện Mỹ, Giữ Thơm Quê Mẹ… mỗi tờ chính là cơ quan ngôn luận truyền bá chánh pháp cho nhân dân. Nhiều tờ báo ấn bản chỉ vài trăm bản, hoạt động lâu nhất là trên 10 năm thì ngừng do biến động nhân sự và thời cuộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, báo chí và truyền thông Phật giáo bước sang thời kỳ mới của lịch sử báo chí truyền thông Việt Nam. Báo Giác Ngộ là tờ báo đầu tiên của Phật giáo xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng. Báo phản ánh sinh hoạt Phật giáo yêu nước, đồng hành cùng với quá trình vận động, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Trong quá trình phát triển, báo Giác Ngộ từ bán nguyệt san, trở thành tuần báo, đồng thời có thêm nguyệt san – phụ trương nghiên cứu Phật học, phiên bản điện tử Giác Ngộ online, gần đây là Giác Ngộ TV, là tờ báo có sức sống lâu dài nhất cho đến thời điểm này. Nhìn chung Giác ngộ là kênh truyền thông báo chí có sức ảnh hưởng lớn trong lòng dân chúng Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước [3].

Đến năm 1985, Trung ương Giáo hội giao cho Ban Văn hóa Trung ương chịu trách nhiệm xuất bản tờ Tập Văn dưới hình thức tạp chí chuyên khảo nội dung Phật học và văn hóa Phật giáo nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu cũng như tu học của Tăng Ni, Phật tử trong thời kỳ đất nước hòa bình. Cư sĩ Võ Đình Cường là Trưởng ban Văn hóa đồng thời kiêm Chủ nhiệm tờ Tập Văn. Báo phát hành mỗi năm 3 số vào các dịp Xuân, Phật đản và Vu lan, mỗi số gần 1000 bản. Đến năm 2004, Cư sĩ Võ Đình Cường đề nghị Giáo hội xin phép Chính phủ chuyển đổi Tập Văn thành Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. Đến ngày 13/10/2004, Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định số 96/GP-BVHTT là mốc son ra đời của Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo với tiền thân là Tập Văn đơn vị chủ quản là Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Đến ngày 14/01/2011, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí số 1878/GP-BTTTT cho Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. Người có công điều hành Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trong gần 16 năm hoạt động là Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Đến tháng 7/2020, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn được bổ nhiệm làm Phó tổng Biên tập Thường trực kiêm Thư ký tòa soạn của Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo và tạp chí tiếp tục hoạt động ổn định đến ngày hôm nay với sự cộng tác của chư Tôn đức, Tăng Ni, nhân sĩ trí thức.

Từ tờ báo Giác Ngộ, Tập Văn (tiền thân của Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo), Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, rồi đến Tạp chí Phật Giáo Nguyên Thủy, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Hoa Ưu Đàm,… đến nay báo chí Phật giáo Việt Nam có rất nhiều ấn bản và không ngừng phát triển về nội dung lẫn hình thức, báo viết và báo nói, đặc biệt là hàng chục tạp chí chuyên ngành và báo, trang thông tin điện tử như phatgiao.org.vn, Giác Ngộ online, Phật Sự online và nhiều website của các Ban, Viện, Ban Trị sự tỉnh/thành, tự viện…

Truyền hình và mạng xã hội Phật giáo là kênh truyền thông Hoằng pháp thời đại công nghệ số

Trên lĩnh vực truyền hình, từ năm 2011, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành và gắn liền với Kênh truyền hình An Viên (Văn hóa Phương Đông – BTV9). Ngày 31/12/2019, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiếp nhận phát triển nội dung, làm phong phú Kênh truyền hình An Viên (Văn hóa Phương Đông – BTV9) với diện mạo mới: An Viên TV – B Channel.

An Viên TV – B Channel là nơi hội tụ của cuộc sống tươi đẹp đa sắc màu, những tấm lòng tốt, những sẻ chia và yêu thương, giúp chuyển tải thông điệp rằng chúng ta có quyền tự hào về truyền thống văn hóa bao dung, tử tế truyền từ đời này sang đời khác vượt qua những đổi thay trong thời hội nhập.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội khóa VIII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra sức đẩy mạnh công tác truyền thông mà cụ thể nhất là Ban Thông tin – Truyền Thông Trung ương và Văn phòng Trung ương Giáo hội vào ngày 28/3/2018 đã chính thức cho ra đời Kênh thông tin tổng hợp – Kênh truyền hình trực tuyến Phật Sự online (PSO).

Tại Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tổ chức tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng các lãnh đạo Phật giáo thế giới và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chính thức ra mắt Mạng xã hội Phật giáo BUTTA dành riêng cho cộng đồng Phật tử trong và ngoài nước.

Bên cạnh các kênh báo chí và truyền hình, mạng xã hội BUTTA, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn đẩy mạnh truyền thông qua các kênh mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Zalo… với hàng trăm nghìn người tương tác, đem lại hiệu ứng tốt đẹp trong công tác hoằng pháp và truyền thông nói chung.

Tất cả các loại hình báo chí Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nước ta, đồng thời tuân thủ theo tinh thần chỉ đạo của Giáo hội: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, những năm qua, các đơn vị truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp tốt với cơ quan nhà nước để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những Tăng Ni vi phạm đạo hạnh, có những hành vi vi phạm Hiến chương, vi phạm pháp luật, nội quy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoặc lợi dụng hình ảnh của Phật giáo, của các nhà sư để có các hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của Phật giáo Việt Nam. Qua những lần xử lý đó, thông tin đến dư luận xã hội để tránh các thế lực xấu, các thế lực thiếu thiện chí xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ trong nội bộ Phật giáo, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của đất nước [4].

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, Ban Thông tin – Truyền thông đã có những hoạt động thông tin, tuyên truyền tích cực đến Tăng Ni, Phật tử để thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan chức năng của địa phương, tham gia phòng chống dịch bệnh có hiệu quả tốt.

Vai trò Hoằng pháp lợi sinh của truyền thông Phật giáo hiện đại

Hoằng pháp lợi sinh luôn là mục tiêu mà Giáo hội đặt ra. Đây cũng chính là thực hành lời dạy Đức Phật: Hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư Thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Sự nghiệp hoằng pháp phải triển khai một cách thích hợp để mọi người có thể nắm bắt được ý nghĩa, áp dụng thực hành trong đời sống bằng cách giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.

Hoằng pháp không chỉ giới hạn trong việc truyền bá giáo lý của nhà Phật mà còn là làm sao để giáo lý ấy được đông đảo tín chúng thực hành, hướng thượng, hướng thiện, nếm trải pháp vị. Hoằng pháp cũng không tách rời với thời cuộc, vì truyền thống Phật giáo Việt Nam tồn tại và song hành cùng dân tộc đã hàng nghìn năm qua. Trong ý nghĩa ấy, hoằng pháp phải lan tỏa và lan tỏa bằng truyền thông như là một trong những phương tiện thiện xảo trong thời đại mới.

Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các loại hình truyền thông trong kỷ nguyên số hóa đã được tận dụng để phục vụ cho các hoạt động thông tin, tuyên truyền như: thông tin các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử; các kế hoạch, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương; hoạt động giáo dục, hoằng pháp, tổ chức từ thiện; hoạt động văn hóa, Gia đình Phật tử… Đặc biệt là những hoạt động kịp thời, mang tính thời sự và hộ quốc an dân sâu sắc như phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Truyền thông số hóa đã giúp lan tỏa những buổi thuyết pháp đến mọi ngóc ngách xã hội. Cũng chính truyền thông số hóa đã giúp Giáo hội giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng truyền thông về Phật giáo.

Với sự hỗ trợ của truyền thông, Phật tử mọi nơi có thể tham gia đa số các chương trình pháp hội. Nhờ đó, nhân duyên Phật pháp được gieo rộng khắp trong nhân gian, đặc biệt là ươm mầm cho thế hệ trẻ đến với Phật giáo. Nhiều kênh Facebook về Phật pháp nổi bật thường thu hút hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lượt like (thích). Mỗi chiến dịch truyền thông Phật giáo đạt được hàng nghìn lượt thích và chia sẻ, bình luận tích cực, vừa mang lại lợi lạc cho người đọc, vừa tạo dấu ấn cho truyền thông Phật giáo và uy tín của Giáo hội. Mạng lưới Phật tử được kết lập và củng cố bền vững nhờ vào sự tương tác thường xuyên, hiệu quả cao qua các kênh thông tin truyền thông của Giáo hội. Cần phải nói đến những chương trình tu học được tổ chức ngày càng bài bản và phù hợp căn cơ của từng đối tượng khác nhau và các kênh lưu trữ, số hóa Tam Tạng Kinh Điển đã giúp chiến lược Hoằng pháp được thực hiện tốt. Mạng lưới Phật tử còn là nguồn động viên, giúp đỡ Giáo hội trong một số công tác, nhất là thiện nguyện và lan tỏa thông tin chính thống của Giáo hội.

Một phương diện khác của Hoằng pháp lợi sinh thông qua truyền thông, đó là truyền thông Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa ở nước ta, cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Nhiều ngôi cổ tự đã được chính quyền và Phật tử, nhà hảo tâm gần xa góp tài lực, vật lực để tôn tạo, trùng tu. Nhiều nghi lễ Phật giáo được kịp thời bảo tồn, duy trì. Có thể kể đến những thông tin bảo tồn giá trị đặc sắc quần thể di tích của các tự viện, danh thắng Hương Sơn, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm,… trên các website thông tin của Giáo hội. Các giá trị đạo đức của Phật giáo là phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội hiện đại. Do đó, phát huy giá trị đạo đức Phật giáo cũng là một hình thức phát huy các giá trị đạo đức xã hội. Phật tử khi tuân thủ các chuẩn mực đạo đức theo Phật giáo sẽ được lợi lạc về thân và tâm, đạt đến hạnh phúc chân chính.

Các giảng sư có uy tín, thâm niên công tác và được đông đảo Phật tử kính mến đã xuất bản nhiều chương trình thuyết pháp trên các kênh Youtube chính thống và Trung tâm Hoằng pháp Online (trungtamhoangphaponline.com). Trung tâm Hoằng pháp Online là địa chỉ thuyết giảng trực tuyến của chư Tôn đức Tăng, Ni về các chương trình Phật học từ cơ bản đến nâng cao, học viên tham gia chương trình học Phật trực tuyến tại đây sẽ là cơ hội gặp gỡ và trực tiếp tương tác với chư vị giảng sư. Kênh được thiết lập với mục đích cùng chung tay chia sẻ và lan tỏa những giá trị tư tưởng “Hòa bình – Hòa hợp – Vị tha nhân ái” mà Đức Phật đã dạy để góp phần chuyển tải tư tưởng, chân lý Phật Đà cùng với nét đẹp văn hóa Phật giáo đến rộng khắp tha nhân các giới, góp phần vào công cuộc hoằng pháp lợi sanh của Phật giáo nước nhà.

ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

Những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với truyền thông Phật giáo

Có thể nói, làn sóng truyền thông hiện nay đang lặng lẽ những cơn sóng ngầm không chỉ tấn công vào đời sống xã hội, ảnh hưởng đến tầm nhìn và nhận thức của mọi người trong cộng đồng mà nguy hiểm hơn khi nó đã âm ỉ, len lỏi vào tận những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn và ý thức hệ của mỗi người, nhất là giới trẻ và đáng lo nhất là độ tuổi của các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng khi mà ai ai cũng có thể làm truyền thông, người người, nhà nhà đều làm truyền thông chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Nhất là một bộ phận “giới trẻ nhàn rỗi” thiếu lập trường và không có chánh kiến, thích tham gia “cơn sốt truyền thông” để giật tít, câu like và thậm chí là bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền và tư lợi cá nhân trên các trang mạng xã hội. Trên các kênh Youtube, Facebook đã xuất hiện thêm nhiều “nhà báo tự do” và “anh hùng bàn phím”. Trước các tin tức xã hội có nội dung tiêu cực về Phật giáo được dư luận phản ánh, nếu chúng ta cứ theo cách ứng xử như trước đây là “Nhẫn” và im lặng bằng góc nhìn “Dĩ hòa vi quý” rồi thôi kệ cho qua, với suy nghĩ cầu an là “Thanh giả tự thanh” thì không khác nào tạo tiền lệ cho kẻ xấu có cơ hội trong việc cố ý lợi dụng, xuyên tạc Phật giáo theo kiểu “Té nước theo mưa”, dẫn đến tốc độ lan truyền tin xấu trên mạng xã hội nhanh như chớp làm đảo điên thật giả, đúng sai đến chóng mặt và không thể kiểm soát được nữa. Cách xử lý như vậy có chân giá trị của nó, nhưng trong thời đại số, chờ đến khi vụ việc được làm sáng tỏ thì những thị phi, đàm tiếu, thông tin tiêu cực, phản cảm đã tràn lan, khó xóa bỏ được các “hình ảnh giả danh” và ngụy tạo, lắp ghép nhằm bôi nhọ và phỉ báng người tu, phỉ báng Phật pháp. Như vậy, có phải là chính ta đã vô tình tiếp tay cho “truyền thông bão mạng”, một “vấn nạn và nguy cơ tiềm ẩn” đang diễn ra nhức nhối hiện nay trên các luồng sóng trái chiều của dư luận hay sao?

Thời cơ, thuận lợi trong công tác truyền thông Phật giáo:

Phật giáo với chiều dài lịch sử trên hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc với tinh thần hộ quốc an dân, hiện có trên 18 ngàn cơ sở thờ tự, gần 54 ngàn tu sĩ. Trên 50% dân số có niềm tin và thiện cảm với Đạo Phật. Trong đó, có số lượng người tham gia sử dụng website, mạng xã hội làm truyền thông cho cá nhân hoặc cơ sở thờ tự là rất đông. Đây là thuận lợi cơ bản.

Phải khẳng định, vị thế của Phật giáo trong lòng dân tộc hiện nay vừa do quá trình lịch sử, vừa bởi địa vị pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Đảng, Nhà nước, pháp luật và toàn xã hội công nhận như ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Tính chính danh đó là uy tín trên hết, giúp cho mỗi Tăng Ni, Phật tử nhận được sự tôn trọng từ xã hội và từ các tôn giáo khác. Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua mỗi kỳ đại hội đã quy tụ được trí tuệ tập thể của chư Tôn đức Tăng, Ni và sự ủng hộ rộng rãi của xã hội, đề ra được những phương hướng hoạt động phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Từ việc tổng kết thực tiễn, nhạy bén với tình hình mới, Đại hội Phật giáo Toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) đưa vào Nghị quyết về phương hướng hoạt động tại điểm 8 là cơ duyên thuận lợi để phát triển mạnh về truyền thông Phật giáo từ Trung ương đến Giáo hội cấp huyện.

Ban Thông tin – Truyền thông là một trong 13 ban, ngành, viện của Trung ương Giáo hội và cũng là 01 ban ngành của Giáo hội cấp tỉnh và huyện, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp huyện, có nhiều vị Tăng, Ni trẻ nhiệt huyết với công tác truyền thông Phật giáo. Mối quan hệ giữa Ban Thông tin – Truyền thông với Ban Hoằng pháp gần gũi, khắng khít giúp khá đông tu sĩ có khả năng thuyết giảng và tự nguyện làm truyền thông để truyền bá chánh pháp, bằng biện pháp tự vận động kinh phí để phục vụ cho công tác truyền thông Phật giáo. Những Phật tử sử dụng mạng xã hội làm truyền thông đều cùng có một tấm lòng thiện lành là muốn truyền bá lời Phật dạy và làm công tác xã hội, từ thiện nhân đạo vì lợi ích cho xã hội và cộng đồng.
Con đường Hoằng pháp hiện đại không thể tách rời với bối cảnh kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn đổi mới. Với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nhân lực chất lượng ngày càng được nâng cao, các “Hoằng pháp viên” ngõ hầu có đủ thuận duyên để rèn luyện về chuyên môn công tác hoằng pháp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến công nghệ kỹ thuật số, đã tạo sự thuận tiện cho việc truyền và đăng tải hình ảnh tĩnh và động của video kỹ thuật số về các hoạt động Phật sự, Hoằng pháp. Số lượng Tăng, Ni, tín đồ Phật tử có thiết bị di động thông minh, am hiểu cách sử dụng và tự nguyện tuyên truyền hình ảnh hoạt động Phật sự, công tác xã hội, từ thiện của Phật giáo ngày càng đông đảo. Nhờ đó, không chỉ Tăng, Ni mà mỗi Phật tử còn có thể đóng góp công sức vào bức tranh truyền thông Phật giáo chung của Giáo hội, đấu tranh chống những luận điểm xuyên tạc, sai sự thật, thù địch, lan tỏa giáo pháp của Đức Phật đến mọi nơi, trở thành một “Hoằng pháp viên” của thời đại công nghệ kỹ thuật số, nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, hòa bình, hòa hợp của Đạo Phật trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước.

Khó khăn trong công tác truyền thông Phật giáo:

Có thể liệt kê một số khó khăn về nhân sự, nội dung, giáo dục – đào tạo và trang thiết bị trong công tác truyền thông Phật giáo.

Về nhân sự: Nhân sự là tu sĩ tham gia tác nghiệp truyền thông Phật giáo còn ít, mang tính tự phát, thiếu chuyên môn, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được trang bị kỹ thuật và kỹ năng nghề. Còn các cư sĩ có chuyên môn về truyền thông thì lại hạn chế về kiến thức Phật học và ngược lại.

Về nội dung: Các hoạt động thông tin – truyền thông chưa đồng bộ, một số vẫn còn nội dung mang tính cá nhân, tính tự phát truyền thông không có chủ đích và tập trung, thậm chí đôi khi đăng tải nhiều nội dung không đúng với tư tưởng giáo lý nhà Phật mang tính chủ quan và suy diễn của cá nhân.

Về giáo dục – đào tạo: Hoạt động Phật sự, Hoằng pháp thông qua truyền thông hiện đại chưa làm quen với chư Tôn đức niên cao lạp trưởng. Tăng, Ni trẻ làm truyền thông chuyên nghiệp thì chưa được khích lệ và tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập, nâng cao kiến thức thế học, kiến thức liên quan đến truyền thông ở cấp độ chuyên sâu, thuộc hệ đào tạo chính quy dài hạn.

Về trang thiết bị: Thiết bị kỹ thuật truyền thông chưa có sự đầu tư và đồng bộ thống nhất. Chưa thu hút được nguồn kinh phí từ các tín đồ Phật tử quan tâm, hỗ trợ, cúng dường để đảm bảo đủ trang thiết bị hoạt động.

Thách thức đặt ra với công tác truyền thông Phật giáo:

Bên cạnh sự phát triển thuận lợi, thì mạng xã hội đang bị một bộ phận nhỏ cố ý lạm dụng một cách tiêu cực nhằm khai thác mặt trái của các thông tin để “câu view”. Từ đó, dẫn đến việc mất an ninh trật tự chung, an toàn riêng đối với thanh thiếu niên khi tham gia mạng xã hội, internet. Đồng thời, ảnh hưởng đến niềm tin và uy tín của Phật giáo. 
Một số kẻ xấu lợi dụng mạng xã hội bôi nhọ, xuyên tạc đời sống phạm hạnh của Tăng, Ni. Họ lợi dụng triệt để mạng xã hội với hình thức cá nhân, tự do phát tán mà né tránh trách nhiệm. Cũng cần phải nói, một số trường hợp cá biệt Tăng, Ni thiếu kỹ năng sử dụng mạng xã hội, không cẩn trọng đã bị kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc. Kẻ xấu đã đăng tải nhiều thông tin thiếu tính chân thật và khách quan, cố ý bôi nhọ đời sống phạm hạnh của Tăng, Ni với ý đồ làm giảm uy tín của Tăng đoàn, Giáo hội và Đạo Phật, để người dân mất niềm tin và không còn thiện cảm, dẫn đến việc từ bỏ, xa rời Đạo Phật.

Quan ngại hơn, một số kẻ xấu còn lập website giả mạo Phật giáo, lập các tài khoản mạng xã hội giả danh Tăng, Ni, giả danh Phật giáo để xuyên tạc, rao giảng giáo lý trái với tư tưởng kinh điển Phật giáo. Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức cá nhân cũng lợi dụng danh nghĩa nhà Phật lập các trang từ thiện để kêu gọi quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thực chất là làm lợi riêng cho bản thân, gây mất niềm tin trong lòng Phật tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Phật giáo.

Một số giải pháp để đẩy mạnh truyền thông Phật giáo

Giải pháp 1: Tổ chức học tập, tập huấn, tọa đàm, hội thảo:

Cần tổ chức học tập Nghị quyết và triển khai phương hướng, kế hoạch hành động của Trung ương Giáo hội để mọi người hiểu rõ và chấp hành, tạo sự đồng thuận trong toàn Giáo hội. Đặc biệt, cần quan tâm đến sự đồng thuận của chư Tôn đức giáo phẩm niên cao lạp trưởng, đảm bảo tất cả đều được quán triệt về tư tưởng, quan điểm phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp của Giáo hội, để khái niệm “Truyền thông Phật giáo” nhanh chóng trở nên gần gũi đối với chư vị Tăng, Ni lớn tuổi. Đây là điều cần thiết nên thực hiện, vì trong thực tế công tác tuyên truyền những thành tựu hoạt động Phật sự của các tự viện thường gặp trở ngại, do hạnh nguyện tu tập không thích thể hiện thành quả hoặc e ngại lời ra tiếng vào cho là cầu danh, cầu lợi.

Giải pháp 2: Đẩy lùi các thông tin mang tính xuyên tạc với ý đồ làm tổn hại uy tín của Phật giáo và Giáo hội:

Tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho các nhân sự chuyên ngành của Ban Thông tin – Truyền thông Giáo hội các cấp, nhằm đạt hiệu quả tác nghiệp nhanh, chính xác, đúng sự thật và có năng lực sử dụng các ứng dụng liên quan đến mạng xã hội, website để kịp thời chuyển tải nội dung đến xã hội và cộng đồng mạng, định hướng dư luận và công tác phản biện. Khi cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để tránh được sự phá hoại bằng cách kích động, gây chia rẽ giữa Nhà nước và Phật giáo, chia rẽ nội bộ Phật giáo, chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta cũng phải bác bỏ những luận điệu của các thế lực xấu, tránh việc bị bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của chư Tăng, Ni nói riêng và của Tăng đoàn nói chung. Nhờ đó, chúng ta sẽ giữ vững được lòng tin của mọi người với Tam bảo.

Các tỉnh trong khu vực nên phối hợp, liên kết, hỗ trợ nhau về công tác truyền thông Phật giáo để trao đổi về kinh nghiệm, kỹ năng và kỹ thuật. Những vị lãnh đạo của Ban Truyền thông Phật giáo các tỉnh, thành trong khu vực nên tạo nhóm Zalo, Facebook để thường xuyên liên lạc, cập nhật, chia sẻ thông tin cho nhau về những nội dung đăng tải và kịp thời hỗ trợ, chia sẻ về những Website, Fanpage Facebook mình đang quản lý để tạo hiệu ứng lan tỏa nhanh, qua hiệu ứng tâm lý lan tỏa đám đông, đạt hiệu quả truyền tải thông tin hoạt động Phật sự và thuyết giảng đến với quần chúng nhanh nhất, đồng thời cũng để kịp thời định hướng dư luận đối với những vấn đề khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo.

Hình thành kênh truyền hình kỹ thuật số phát trực tiếp trên Fanpage của Facebook, Youtube và các trang mạng xã hội khác về các chương trình hoạt động Phật sự, hoằng pháp, từ thiện, an sinh xã hội để đạt hiệu quả cao nhưng giảm thiểu sự tốn kém về chi phí mua sắm trang thiết bị truyền hình trong giai đoạn hiện nay, Ban Thông tin – Truyền thông của các tỉnh cùng khu vực cần nối kết lại với nhau và hình thành một trung tâm xử lý dữ liệu. Kịp thời chuyển tải hoạt động Phật sự của Giáo hội đến xã hội và cộng đồng mạng nhanh nhất nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước.

Luôn cập nhật, đăng tải các chương trình hoạt động Phật sự và thuyết giảng theo các từ khóa có định hướng và chủ ý tại các ứng dụng công cụ tìm kiếm nhằm kịp thời đẩy lùi các thông tin xuyên tạc, cố ý đồ làm tổn hại uy tín của Tăng đoàn và Giáo hội theo phương châm “Ánh sáng đến đâu, bóng đêm bị đẩy lùi đến đó”.

Thường xuyên tuyên truyền đến Tăng, Ni, và Phật tử phải giữ gìn oai nghi người con Phật khi sử dụng mạng xã hội, đăng tải hình ảnh không nên tùy tiện đăng những hình ảnh mang tính giải trí, tự sướng (selfie), vui đùa thiếu oai nghi, đạo hạnh. Các hình ảnh này rất dễ bị kẻ xấu khai thác, lấy làm cơ sở để xuyên tạc đời sống phạm hạnh của Tăng đoàn và làm phương hại đến uy tín của Giáo hội.

Giải pháp 3: Xây dựng, đào tạo mỗi Phật tử trở thành một Hoằng pháp viên sử dụng điện thoại thông minh phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp:

Xây dựng ứng dụng xem hoạt động Phật sự, xem, nghe thuyết giảng trên thiết bị điện thoại di động thông minh và thiết bị nghe nhìn, ứng dụng số hóa Tam Tạng Kinh Điển để Tăng, Ni, Phật tử có thể dễ dàng truy cập trên thiết bị di động thông minh.

Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương kết hợp với Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử triển khai đến chư vị giảng sư có ý thức tuyên truyền, vận động tích cực lồng ghép tại các buổi thuyết giảng. Từ đó, tín đồ Phật tử có ý thức ứng dụng công cụ nghe, nhìn các chương trình về hoạt động Phật sự và thuyết giảng trên phương tiện giải trí, thiết bị nghe, nhìn hiện đại và điện thoại thông minh, có ý thức thường xuyên cập nhật, chia sẻ về trang website và fanpage trên trang cá nhân để giới thiệu với bạn bè và cộng đồng mạng.

Kết luận: Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội ngày nay. Truyền thông là một quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tình cảm, kỹ năng nhằm tạo sự liên kết lẫn nhau, dẫn tới thay đổi trong hành vi và nhận thức. Có nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau, phổ biến nhất là phát thanh, truyền hình, báo chí và internet, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông đại chúng có vai trò càng quan trọng hơn đối với đời sống xã hội. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp đòi hỏi phải biết tận dụng những ưu thế của truyền thông trong thời đại số, cũng như hóa giải những khó khăn, thách thức. Dân tộc đang rất cần sự bình an, rất cần đến từ – bi – hỷ – xả. Không ai khác ngoài chúng ta có thể làm được điều này. Không đạo nào khác ngoài Đạo Phật có thể giải quyết được những vấn đề này [5].

 

TT.TS. Thích Minh Nhẫn/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 376

 

Chú thích:

* TT.TS. Thích Minh Nhẫn.

[1] Thích Nữ Minh Đạt (7/2021), “Truyền thông và Phật giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, truy cập 28/8/2021.
[2] “Truyền thông Phật giáo qua cái nhìn Bát Chánh Đạo”, www.vuonhoaphatgiao.com ,truy cập 18/3/2021.
[3] Thích Phước Đạt (2021), “Truyền thông-Báo chí Phật giáo Việt Nam xưa và nay”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 369
[4] Anh Duy (5/2021), “Phát huy vai trò thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0”, Chuyên trang Infonet của báo Điện tử Vietnamnet, truy cập 28/8/202.1.
[5] Ngọc Chơn (7/2020), “Đạo Phật trong thời kỳ Đổi Mới”, Đạo Phật Ngày Nay, truy cập 28/8/2021.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu sửa lần thứ VI.
2. Văn kiện Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII.
3. Nhiều tác giả (2020), Kỷ yếu hội thảo nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam – Trung tâm nghiên cứu nữ giới Phật giáo.
4. Thích Nhật Từ (2012), Con đường chuyển hóa – Ứng dụng Bát chánh đạo trong đời sống, Nxb. Hồng Đức.
5. Nhiều tác giả (2019), Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0, www. vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=tin&op=tieng-viet/muc-luc-518.html, truy cập 28/8/2021.
6. Nhiều tác giả (2019), Các bài Tham luận Hội thảo Vesak 2019, www.vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=vesak-2019-tieng-viet/cac-bai-tham-luan-hoi-thao-vesak-2019-585.html, truy cập 28/8/2021.
7. Nhiều tác giả (2019), Các bài tham luận Hội thảo Sứ mệnh Hoằng pháp trong xu hướng Toàn cầu hóa, www.vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=page&op=tai-lieu-hinh-anh-hoi-thao-hoang-phap-tai-hue.html, truy cập 28/8/2021.
8. Nguyên Cẩn, “Tiếp cận Đạo Phật để xử lý khủng hoảng truyền thông trong thời đại ngày nay”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 307.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin