Chi tiết tin tức

Truyền thông – Báo chí Phật giáo Việt Nam xưa nay

22:03:00 - 25/06/2021
(PGNĐ) -  Các nhà nghiên cứu nhận định rằng: “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền với Phật giáo”; diễn giải một cách khác là Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trên mọi lĩnh vực trong cuộc hành trình dựng nước và giữ nước. Điều này có nghĩa truyền thông, báo chí Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng vận hành, nối kết với truyền thông báo chí của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, để sánh vai các nước trong tiến trình hội nhập toàn cầu.

 

Đó cũng là câu trả lời vì sao hằng năm cứ đến ngày 21 tháng 6 là ngày toàn dân long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Báo chí Việt Nam. Vào ngày này năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên khởi đầu cho báo chí Cách mạng Việt Nam hình thành, phát triển. Mục đích kỷ niệm này là tôn vinh, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ và tài năng để mang lại cho độc giả những bài báo hay, có khả năng định hướng công chúng, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của báo chí và công chúng đối với xã hội. Đời sống và thực tiễn của công chúng chính là sinh mệnh truyền thông, là mảnh đất màu mỡ của địa hạt văn hóa dân tộc. Thế nên, Hồ Chủ Tịch huấn thị: “Văn hóa là một mặt trận, Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. 

Thực tế, từ kỷ nguyên thứ nhất, nhân dân ta đã nỗ lực cùng nhau đoàn kết chống lại sự xâm lược, sự đồng hóa, nô dịch văn hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc. Khi Đạo Phật truyền vào, Phật giáo được dân ta tiếp nhận và trở thành nguồn năng lượng tạo nên sức mạnh truyền thông, tập hợp quần chúng trong các ngôi chùa để nghe các Sư giảng giải về lời Phật dạy, về triết lý sống “thương người như thể thương thân”, để đồng lòng đứng lên giành độc lập, chung sống hòa bình qua ca dao: “Rủ nhau xuống bể mò cua, Lên non hái củi, vào chùa nghe kinh”. Đó cũng là cách ứng xử của người dân nước Việt trong bối cảnh thường xuyên đối diện các cuộc chiến tranh vệ quốc xảy ra, được các bà mẹ Việt dạy cho con từ thuở nằm nôi qua triết lý Duyên khởi bằng lời ru ngọt ngào:“Ru hời ru hỡi là ru, Bên cạn thì chống, Bên su (sâu) thì chèo”.

Nhờ vào sự truyền thông chính nghĩa đó mà vào thời Hai Bà Trưng, xuất hiện một loạt công chúa, nữ tướng của Hai Bà Trưng, tu hành phụng đạo tốt đời được tôn vinh trong lòng dân Việt như truyền thông thời đó lưu truyền: Tỳ kheo ni Bát Nàn là công chúa, nữ tướng, của Hai Bà Trưng, sau đó còn có nữ tướng Thiều Hoa sau chiến thắng quân Nam Hán, xuất gia tại chùa Phúc Khánh, tỉnh Phú Thọ; Tỳ kheo ni Vĩnh Huy tu ở chùa Cổ Châu, phủ Tiên Du, Bắc Ninh; Tỳ kheo ni Nguyệt Thái, Nguyệt Độ tu tại núi Thiên Thai vùng Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh và Yên Tử Quảng Ninh; Tỳ kheo ni – Công chúa Chiêu Dung, học đạo Thiền sư Đạo Uẩn ở chùa Hương Lan, Hà Tây; Tỳ kheo ni Hương Thảo, Tỳ kheo ni – Công chúa Phương Dung, nữ tướng xuất gia tu tại chùa Thanh Vân, Hà Nội sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết. Vậy là, thông qua lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, bằng sự truyền thông qua hình thức truyền khẩu (không có báo chí), những chân giá trị về tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, thành tín, hiếu đạo, nhân ái được truyền thông, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và tác động sâu sắc vào cách cư xử của người đương thời.

Báo Pháp Âm và Tổ Khánh Hòa – Sự ra đời tờ báo Pháp Âm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Khi nước nhà độc lập, các vương triều đầu tiên Ngô, Đinh, Tiền Lê bước đầu thiết lập thể chế chính trị, kiến thiết quốc gia, Phật giáo cũng đã nỗ lực truyền thông để hiệu triệu lòng dân sống theo nếp sống hiền thiện, hết lòng phụng sự quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, khi giới lãnh đạo nhà Tiền Lê, đứng đầu là vua Lê Long Đĩnh, đi ngược lòng dân, Thiền sư Vạn Hạnh đã dùng sức mạnh truyền thông, làm một loạt bài sấm nhằm tuyên truyền trong vòng ba tháng, người họ Lý ở hương Cổ Pháp đang giữ chức Thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ sẽ lên ngôi báu và hương Cổ Pháp sẽ đổi thành phủ Thiên Đức trong bài sấm Quốc tự: “Trong vòng ba tháng nữa, Thân vệ lên ngôi. Cây đa in chữ “Quốc, Đất Cổ Pháp này thôi, Gặp thánh hiệu Thiên Đức”. Kết quả, nhà Lý ra đời mở đầu cho thời Lý – Trần sáng ngời hào khí Đông – A của nước Đại Việt.

Dưới thời Lê – Nguyễn, Phật giáo không còn vị thế thượng thừa như thời Lý – Trần, tuy nhiên các vua chúa, lãnh đạo chính quyền phong kiến đã thực thi chính sách “dĩ Nho mộ Phật”, để củng cố lòng tin của dân. Các Thiền sư, Phật tử cũng tùy duyên để truyền thông nối kết mọi thành phần trong xã hội, thông qua việc tuyên truyền người dân hướng đến sự bình đẳng giải thoát trong việc xây dựng một thế giới tịnh độ nhân gian ở đời. Trong cuộc hành trình mở cõi phương Nam, vương triều nhà Nguyễn mở cõi đến đâu, hệ thống chùa chiền được xây dựng đến đó, để an dân và quản dân sống thiện lành, yêu nước chính là yêu đạo. Bằng nhiều phương thức khác nhau, các Thiền sư khai trường thuyết pháp, phổ biến giáo lý bằng văn vần, khơi gợi lòng yêu nước, yêu Phật bằng thi ca, phú đối để truyền thông hiệu quả. Những Thiền sư tiên phong tinh thần này phải kể đến Thiền sư Thích Nguyên Biểu ở miền Bắc, Thích Vĩnh Gia, Thích Tâm Tịnh ở miền Trung, các Hòa thượng Minh Khiêm Hoằng Ân và Minh Lương Chánh Tâm ở miền Nam.

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp vừa tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa vừa đàn áp những cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Điểm đáng nói nữa là người Pháp đã tạo điều kiện cho văn hóa phương Tây xâm nhập vào xã hội Việt Nam làm lung lay tín ngưỡng, truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt để dễ dàng thống trị. Thực dân Pháp dùng chữ quốc ngữ như là công cụ để cắt đứt liền mạch văn hóa giữa thế hệ hiện tại với văn minh quá khứ song song với việc xóa bỏ sử dụng chữ Hán, chữ Nôm. Đồng thời, chế độ thực dân tiến hành xuất bản báo chí để làm phương tiện tuyên truyền. Gia Định báo là tờ báo được lưu hành đầu tiên bằng chữ quốc ngữ vào ngày 1 tháng 4 năm 1865 ở Nam bộ, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành truyền thông từ đó về sau.

Nhận thức tầm quan trọng và sự hiệu quả của chữ quốc ngữ và báo chí quốc ngữ vô cùng quan trọng đối với việc tuyên truyền về lòng yêu nước, để chống lại sự đàn áp và nô dịch văn hóa thực dân, người Việt đã nhanh chóng chuyển sang tiếp thu, học hỏi và nhất là sử dụng chữ quốc ngữ trong việc truyền thông. Từ đó, báo chí Việt Nam ra đời và bước đầu phổ cập vào lòng dân chúng. Nhiệm vụ của báo chí nước ta bấy giờ là nâng cao dân trí, văn minh và khơi dậy lòng yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để giành quyền độc lập tự chủ cho đất nước.

Đó là lý do báo chí Cách mạng ra đời, tiêu biểu như tờ Người cùng khổ, tờ báo đầu tiên của người Việt Nam xuất bản vào năm 1922 ở hải ngoại, in bằng tiếng Pháp do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, với tên Le Paria (Người cùng khổ), rồi đến tờ Thanh Niên, ra đời số đầu tiên vào ngày 21 tháng 6 năm 1925 cũng do Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm chủ bút và quản lý. Nối tiếp tờ Thanh Niên, tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng xuất bản tờ Búa liềm, Ban công vận của Đảng ra tờ Công hội đỏ, Tổng Công hội Bắc Kỳ ra tờ Lao động, An Nam Cộng sản Đảng xuất bản tờ Báo đỏ. Sau đó, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho ra mắt báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản. Từ đây, báo chí cách mạng có nhiệm vụ tuyên truyền phát động cao trào cách mạng chống phong kiến thực dân, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh.

Báo chí Cách mạng trở thành mặt trận tuyên truyền đường lối Cách mạng gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các tờ báo tiêu biểu như tờ Dân chúng, cơ quan Trung ương Đảng, tờ Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra đời, rồi tờ Cờ giải phóng, cơ quan Trung ương Đảng xuất bản, sau đó là Tạp chí Cộng sản ấn bản… Những tờ báo này đã góp phần trong việc đẩy mạnh cao trào cách mạng và giành thắng lợi lịch sử tháng Tám 1945. Kể từ đó đến khi đất nước thống nhất, báo chí Việt Nam phát huy sức mạnh truyền thông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Tờ Cứu quốc xuất bản hàng ngày, trở thành tờ báo lớn nhất cả nước, sau này trở thành Thông tấn xã Việt Nam. Sau đó, nhiều tờ báo Cách mạng ra đời và đi vào đời sống tâm thức nhân dân ta phải kể đến tờ báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng bắt đầu xuất bản vào năm 1951, rồi đến Tạp chí Cộng sản, báo Quân đội Nhân dân ra đời, phổ biến chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong tâm thế mới, con người mới.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Đến nay, hệ thống báo chí nước ta đã có gần 700 ấn phẩm báo chí, 2 Đài phát thanh và truyền hình quốc gia, hơn chục Đài phát thanh và truyền hình khu vực, các đài phát thanh, truyền hình ở các tỉnh, thành phố cùng với hệ thống cơ sở phát thanh truyền rộng khắp các huyện thị thành trong nước đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ lịch sử đặt ra trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế.

Song hành với báo chí Cách mạng, vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, báo chí Phật giáo Việt Nam ra đời từ phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam với sự thành lập các tổ chức Phật giáo dưới mô hình các Hội. Mỗi Hội đều có tờ báo để nêu rõ tôn chỉ, đường lối hoạt động trong việc truyền bá Chánh pháp. Báo chí Phật giáo được khởi điểm từ Nam kỳ, sau đó lan tỏa đến Trung kỳ, Bắc kỳ và trở thành kênh truyền thông hữu hiệu xiển dương Chánh pháp, phá bỏ tà kiến, nhất là gắn liền diễn trình công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Nhiệm vụ báo chí Phật giáo bấy giờ không chỉ thúc đẩy, nối kết tinh thần học Phật, thực hành giáo pháp, hoằng pháp mà còn hướng đến xây dựng nền giáo dục Phật giáo thông qua việc cụ thể hóa hệ thống học đường, xây dựng văn học Phật giáo bằng chữ quốc ngữ, bảo tồn di sản văn hóa Việt, không để yếu tố ngoại lai xâm thực.

Tờ báo đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Phật giáo Việt Nam phải kể đến là tờ Pháp Âm, được xuất bản vào ngày 31 tháng 8 năm 1929. Chủ nhiệm là Hòa thượng Lê Khánh Hòa, người có công khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Tôn chỉ tờ báo là chủ trương “Từ bi, Bác ái, Tự giác, Giác tha”. Nội dung tờ báo ưu tiên trình bày về các vấn đề Phật học, tín ngưỡng, quan điểm Phật giáo hướng đến xây dựng một nền Phật giáo phù hợp với nhân sinh, thời đại. Điểm đáng nói, tờ báo này chỉ ấn bản một số rồi bị đình bản sau sự cố tờ báo này có liên hệ đến tờ báo Dân Cày – Tiếng nói của tỉnh Đảng bộ Mỹ Tho cũng được biên tập phát hành tại chùa Sắc tứ Linh Thứu. Sự ra đời tờ báo Pháp Âm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam và lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam. Kế đến là tờ Tạp chí Từ Bi Âm, cơ quan ngôn luận của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học xuất bản số đầu tiên vào ngày mồng 1 tháng 1 năm 1932 do cư sĩ Phạm Ngọc Vinh sáng lập, chủ bút là Hòa thượng Bích Liên, cùng với các bút danh Hòa thượng Trí Độ, Thiền Dung. Nội dung tờ báo là truyền bá Phật học, với các chuyên mục triết lý, luận lý, lịch sử, tiểu thuyết, văn uyển, phiên dịch kinh điển Phật giáo, tin tức Phật sự.

Khi phong trào chấn hưng lan tỏa đến Trung kỳ, tờ báo Viên Âm ra mắt số đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1933 trực thuộc Hội An Nam Phật học, ra số đầu tiên dưới sự chứng minh của Hòa thượng Giác Tiên, Hòa thượng Giác Nhiên. Chủ bút là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Tôn chỉ tờ báo này trình bày chủ trương, đường lối hoạt động của hội và hoằng dương Phật pháp trên nhiều phương diện. Nội dung thường trình bày về kinh, luật, luận, xã luận, giảng giải giáo lý, văn chương, lịch sử, tin tức… Ngoài hai nội dung chính kể trên,Viên Âm thường cho đăng tải các chương trình học, tôn chỉ của hội cùng các vấn đề liên quan đến lịch sử, giáo dục Phật giáo… giai đoạn này. Tờ này ấn bản được 78 số thì đình bản.

Trong thời gian Phật giáo chấn hưng, tuần báo Đuốc Tuệ trở thành cơ quan hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Tuần báo Đuốc Tuệ đã ra số đầu tiên vào ngày 10 tháng 12 năm 1935 do Hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm Chủ nhiệm. Nội dung gồm các mục Bàn luận về Phật giáo, Dịch thuật các kinh Phật, Lịch sử chư Tăng, chư Bồ-tát, Truyện các cao Tăng, Ký danh lam thắng cảnh, Văn thơ, Giải đáp, Chú thích, Tin tức trong nước và thế giới. Ngoài ba tờ báo tiêu biểu nổi bật cho 3 hội Phật của ba kỳ (miền) trình bày trên, Phật giáo Việt Nam từ thời chấn hưng đến khi nước nhà thống nhất vào năm 1975, còn có các tờ khác lần lượt ra đời như Duy Tâm, Tam Bảo, Tiến Hóa, Pháp Âm, Bác Nhã âm, Phương Tiện, Bồ Đề Tân Thanh, Giác Ngộ, Từ Quang, Liên Hoa, Phật giáo Việt Nam, Hải Triều Âm, Vạn Hạnh, Tư tưởng, Thiện mỹ, Giữ thơm quê mẹ… mỗi tờ chính là cơ quan ngôn luận truyền bá Chánh pháp, văn hóa dân tộc nước nhà. Đây là những Tạp chí được xuất bản trước năm 1975. Số ấn bản chỉ vài trăm, thời gian hoạt động chỉ vài tháng, lâu nhất là trên 10 năm là kết thúc theo thời cuộc.

Sau năm 1975, từ đây báo chí Phật giáo bước sang thời kỳ mới của lịch sử truyền thông – báo chí Việt Nam. Từ tờ Giác Ngộ, Tập văn (sau chuyển thành Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo), kế tục là Tạp chí Nghiên cứu Phật học, rồi đến Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy, Tạp chí Khuông Việt, Tạp chí Hoa Ưu Đàm, đến nay báo chí Phật giáo Việt Nam có rất nhiều ấn bản và không ngừng phát triển về nội dung lẫn hình thức, báo viết và báo nói theo tinh thần chỉ đạo của Giáo hội: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị Từ bi – Trí tuệ của Đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội các cấp trong sự nghiệp phụng đạo yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.

Báo Giác Ngộ là tờ báo đầu tiên của Phật giáo ra đời tại thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh đời sống sinh hoạt Phật giáo yêu nước, song hành cùng với quá trình vận động, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Trong quá trình phát triển, báo Giác Ngộ từ bán nguyệt san, trở thành tuần báo, đồng thời có thêm nguyệt san – phụ trương nghiên cứu Phật học, phiên bản điện tử Giác Ngộ online, gần đây là Giác Ngộ TV, là tờ báo có sức sống lâu dài nhất cho đến thời điểm này. Nhìn chung Giác ngộ là kênh truyền thông báo chí có sức ảnh hưởng lớn trong lòng dân chúng Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Đại hội Phật giáo kỳ II, Trung ương Giáo hội giao cho Ban Văn hóa Trung ương chịu trách nhiệm xuất bản tờ Tập văn dưới hình thức tạp chí chuyên đề, chuyên khảo nội dung Phật học, văn hóa Phật giáo nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu cũng như tu học của Tăng Ni, Phật tử (nhân sĩ trí thức) trong thời kỳ đất nước hòa bình. Cư sĩ Võ Đình Cường là Trưởng Ban Văn hóa đồng thời kiêm Chủ nhiệm ra mắt số đầu tiên vào năm 1985. Tập văn được phát hành mỗi năm 3 số vào các dịp Xuân, Phật đản và Vu lan, mỗi số gần 1000 bản. Trải qua 19 năm (1985-2004), Tập văn ấn hành được 56 số. Năm 2004, Cư sĩ Võ Đình Cường đề nghị Giáo hội xin Nhà nước cho phép chuyển đổi Tập vănthành Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo theo Quyết định của Bộ Văn hóa – Thông tin số 96/GP-BVHTT ngày 13 tháng 10 năm 2004. Cơ quan chủ quản là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người có công điều hành tờ Tạp chí này là Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn và sau gần 16 năm hoạt động Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo đã phát hành được 350 số báo, với sự cộng tác cùng nhiều nhà trí thức, nhân sĩ Phật giáo trong và ngoài nước.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và sự đa dạng, bùng nổ về thông tin, đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo cũng theo đó mà chuyển mình để bước sang một giai đoạn mới: hội nhập – phát triển chuyên sâu, đa dạng về hình thức và cả nội dung chất lượng chuyển tải văn hóa Phật giáo trên nhiều phương diện và từ nhiều góc nhìn. Từ số báo 350, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo sẽ chính thức hội nhập cùng hệ sinh thái số với nhiều ứng dụng công nghệ số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại những giá trị cốt lõi trong xu thế toàn cầu hóa.

Nỗ lực của Ban Biên tập, nhưng công đầu phải kể đến TT. Thích Minh Nhẫn – Phó tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn đã vận hành tờ báo đến tay bạn đọc với nhiều chuyên mục thường kỳ: Phật giáo và thời đại: 

1. Góc nhìn Phật giáo với các vấn đề của thời đại, thời sự;

2. Phật giáo -Văn hóa và Đời sống: Truyền tải giá trị văn hóa Phật giáo, văn hóa Việt Nam, văn hóa thế giới và Phật giáo liên hệ đến với các vấn đề đời sống;

3. Phật giáo – Khoa học và Triết lý: Chuyển tải các công trình nghiên cứu Phật học, khoa học Nhân văn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí. Điểm đáng nói, đọc giả không chỉ tiếp cận tạp chí dưới hình thức báo giấy mà còn được thể hiện qua báo nói, hòa nhập vào thế giới phẳng cùng các trang mạng xã hội như: website tapchivanhoaphatgiao.vn, Phật sự online, tạo Fanpage trên Facebook, kênh YouTube, Zalo, Viber. Tất cả đã nói lên tinh thần truyền bá Văn hóa là phụng đạo, phụng đạo là yêu nước.

Và như thế, truyền thông – báo chí Phật giáo Việt Nam đã thể nhập vào đời sống thực tiễn – tâm linh bạn đọc, đồng thời lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo chính là văn hóa dân tộc từ xưa đến nay. Đây chính là cội rễ, ngọn nguồn của Truyền thông – Báo chí Phật giáo Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy lịch sử truyền thông báo chí Việt Nam trong thời đại mới – thời đại 4.0. Thời đại Đất nước hội nhập, phát triển toàn cầu vì mục đích tối hậu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

* TT.TS. Thích Phước Đạt – Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin