Chi tiết tin tức Truyền thông Phật giáo và xử lý khủng hoàng truyền thông Phật giáo 22:04:00 - 06/01/2023
(PGNĐ) - Ngày nay, truyền thông Phật giáo càng có đóng góp to lớn vào quá trình hiện đại hóa Phật giáo, nhất là khi chúng ta bước vào kỷ nguyên công nghệ số.
Bối cảnh truyền thông ngày nay vẫn thường xuất hiện những câu chuyện khủng hoảng truyền thông. Truyền thông Phật giáo hiện đại cũng khó lòng tránh khỏi các tình huống tương tự. Đâu là giải pháp khả dĩ để bảo vệ hình ảnh của Phật giáo? ThS. Trần Xuân Tiến – Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến đã dành thời gian trao đổi với TCVHPG về vấn đề đang rất được quan tâm này. Thưa ông, đâu là cơ sở tồn tại và phát triển của hoạt động truyền thông Phật giáo? Có phải đến thời công nghệ 4.0, mới xuất hiện khái niệm này? Truyền thông là quá trình truyền đạt, trao đổi, tương tác các thông tin trong mỗi cá nhân (truyền thông cá nhân), giữa các cá nhân (truyền thông liên cá nhân), các nhóm (truyền thông nhóm) hoặc rộng rãi đến mọi người trong xã hội. Mục đích của quá trình truyền thông nhằm hướng đến việc thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội. Hiểu theo cách tiếp cận vừa nêu, các nhà nghiên cứu có cơ sở để nhận định lịch sử của truyền thông Phật giáo đã phát nguồn và tồn tại hơn 2.500 năm, kể từ khi Đức Phật đem sự giác ngộ giáo hóa chúng sinh lúc Ngài chứng ngộ, chọn cách sống an nhiên, theo điều hay lẽ phải trên đời. Từ đó đến nay, hoạt động truyền thông Phật giáo là một thành tố cấu thành của Phật giáo, là một trong những phương tiện hữu dụng để thực hiện công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Ngày nay, truyền thông Phật giáo càng có đóng góp to lớn vào quá trình hiện đại hóa Phật giáo, nhất là khi chúng ta bước vào kỷ nguyên công nghệ số. Thông qua các loại hình truyền thông đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức (như: báo giấy; audio, video; kênh truyền hình; trang báo/trang tin điện tử; thư viện số, mạng xã hội, sự kiện hội thảo tọa đàm…), việc tuyên truyền chính pháp được thể hiện rõ ràng, hiệu quả. Vậy cụ thể vai trò của hoạt động truyền thông Phật giáo là gì, thưa ông? Chúng ta dễ nhận thấy rằng, vai trò hàng đầu, cũng là vai trò truyền thống từ xưa đến nay của truyền thông Phật giáo là hỗ trợ truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với mọi người. Với sự phát triển của truyền thông đại chúng và bằng sức mạnh của trí tuệ, đức hạnh từ bi, việc hoằng pháp trở nên dễ dàng, tiện lợi. Phật tử, thiện nam tín nữ, và những ai quan tâm Phật giáo đều có thể tìm hiểu thông qua phong phú đa dạng các hình thức truyền thông đại chúng trăm hoa đua nở. Truyền thông Phật giáo giúp xiển dương, lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo trong các hoạt động hoằng pháp lợi sanh, các công tác xã hội, việc làm thiện nguyện. Đặc biệt, công tác truyền thông Phật giáo cũng giúp xử lý khủng hoảng truyền thông về Phật giáo. Trong thời đại của bội thực thông tin, hình ảnh Phật giáo không thể tránh khỏi việc bị phản ánh qua lăng kính, góc nhìn tiêu cực xuất phát từ nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Theo tâm niệm truyền thống thanh giả tự thanh, chúng ta thường lựa chọn lối ứng xử dĩ hòa vi quý, xem đó là phương pháp phù hợp với đặc thù tôn giáo. Tuy vậy, từ góc độ khoa học lý thuyết cũng như thực tiễn truyền thông chứng minh, cách xử lý này có thể dẫn đến tình trạng vấn đề khủng hoảng trở nên phức tạp khó lường, gây hệ lụy về sau đối với hình ảnh của Phật giáo, bởi sự thiếu hụt thông tin, khả năng leo thang và mất kiểm soát của vấn đề. Thế nên, thông qua các kênh truyền thông, công tác truyền thông Phật giáo trở nên có vai trò quan trọng, giúp giải tỏa dư luận, giải quyết khủng hoảng truyền thông. Để phát huy những vai trò đó, hoạt động truyền thông Phật giáo cần những giải pháp gì, thưa ông? Đã có nhiều giải pháp được các bên có liên quan quan tâm nghiên cứu và thảo luận trong những năm gần đây. Đầu tiên là cần tăng cường nhận thức vai trò, từ đó tạo điều kiện về chủ trương, cơ chế, nhân lực, vật lực, trang thiết bị công nghệ để công tác truyền thông Phật giáo được phát huy hiệu lực. Tư duy và cách thức truyền thông Phật giáo cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với bối cảnh phát triển của xã hội, nhất là những đổi thay về công nghệ, văn hóa đại chúng. Và điều quan trọng nhất là vấn đề nhân sự, nhân lực. Để nâng cao hiệu quả, những người thực hiện công tác truyền thông Phật giáo, ngoài việc am hiểu Phật pháp, cũng phải được bồi dưỡng bài bản, đào tạo chuyên nghiệp về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ truyền thông. Và sản phẩm truyền thông Phật giáo ngày nay, không chỉ đơn thuần với hình thức bài viết, mà còn phải tích hợp đa phương tiện, lại càng đòi hỏi yêu cầu nghiệp vụ cao. Ngược lại, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nếu muốn tham gia công tác truyền thông Phật giáo, cũng cần ý thức và có trách nhiệm cao đối với việc tìm hiểu Phật giáo để có thể truyền thông Phật giáo một cách đúng đắn, chân thật. Trở lại với câu chuyện khủng hoảng truyền thông Phật giáo mà ông đề cập ở câu trả lời trước, theo ông, đâu là phương thức khả dĩ trong hoàn cảnh hiện nay để bảo vệ hình ảnh Phật giáo? Trước hết, như đã chia sẻ ở trên, công tác truyền thông Phật giáo, đồng thời, ở một góc độ nhất định, cũng có thể là xem là hoạt động hoằng truyền giáo pháp. Thế nên, mỗi Tăng, Ni, Phật tử đều cần giữ giới hạnh của người xuất gia, của người theo đạo, của cá nhân công dân, cần giữ giới luật, tôn trọng đạo đức, và chấp hành nghiêm túc pháp luật. Hình ảnh Phật giáo không đâu xa, chính là hình ảnh của mỗi người thực hành tôn giáo mà nên. Khủng hoảng truyền thông, dù cố ý hay vô tình, cũng sẽ bị đẩy lùi, trước những sức mạnh chân thiện mỹ mà tập thể những người thực hành tôn giáo đúng đắn mỗi ngày đóng góp dựng xây. Bên cạnh đó, cần thực hiện công tác truyền thông Phật giáo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Chúng ta cần có những buổi chia sẻ thông tin, gặp gỡ báo chí như bất kỳ tổ chức, thực thể đoàn thể nào khác trong xã hội. Đây là dịp để chia sẻ, để thông tin một cách cụ thể, kịp thời, chính xác và minh bạch những vấn đề phát sinh trong hoạt động Phật giáo. Khi gặp những trường hợp thiếu chuẩn mực trong một số cá thể ngoại lệ tu hành, chúng ta cần thẳng thắn phân tích, và sẵn sàng nêu rõ những lộ trình điều chỉnh xử lý (nếu có). Rõ ràng, chúng ta không thể áp dụng phương án “im lặng”. Quy chế phát ngôn cần được thực thi, cần được thể hiện vai trò. Trên cơ sở đó, cần có một đội ngũ phát ngôn chuẩn mực. Đó là những người thực hiện công tác truyền thông Phật giáo có trình độ và chuyên môn về Phật giáo lẫn khả năng nghiệp vụ ứng biến truyền thông trong các tình huống.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |