Chi tiết tin tức

Vai trò của truyền thông Phật giáo trong việc thông tin, phản ánh hoạt động, của Phật giáo trong và ngoài nước

09:08:00 - 10/11/2021
(PGNĐ) -  Trong bối cảnh hội nhập, thế giới liên tục biến đổi, truyền thông là lĩnh vực có nhiều đổi thay nhất; tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự… Với xu thế toàn cầu hóa, hiệu quả tác động của báo chí truyền thông đã và đang được toàn thế giới quan tâm, bởi nó ảnh hưởng đến các mặt đời sống xã hội, đến lợi ích của từng quốc gia và mỗi công dân. Trước tình hình phát triển chung ấy, Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ, cần hội nhập để tiếp thu các giá trị của thời đại và phát huy vai trò của truyền thông Phật giáo trong việc thông tin, phản ánh hoạt động Phật giáo trong và ngoài nước.

1. CƠ SỞ NGHIÊN CỨU:

1.1. Khái niệm Truyền thông và Truyền thông Phật giáo

Truyền thông là quá trình truyền đạt thông tin trong mỗi cá nhân (truyền thông cá nhân), giữa các cá nhân (truyền thông liên cá nhân), các nhóm (truyền thông nhóm) hoặc rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử trên nền tảng Internet.

Trong đó, đối với truyền thông đại chúng, nguồn truyền tin phải sử dụng các phương tiện trung gian là những công cụ kỹ thuật hay những kênh để qua đó tiến hành việc phổ biến, loan truyền thông điệp đến mọi người trong xã hội. Với đời sống xã hội, truyền thông được coi như “quyền lực mềm”. Tuy nhiên, truyền thông luôn mang tính hai mặt, và tính hai mặt này (tích cực và tiêu cực) tác động đến nhận thức và ứng xử của công chúng ở tất cả các phạm vi và cấp độ khác nhau, từ cấp độ Nhà nước đến đời sống của các cá nhân, từ cấp độ quốc gia, khu vực đến quốc tế, từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị, văn hóa – xã hội…

Truyền thông hiện đại cũng đề cao sự trung thực. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực.”

Trong khi đó, truyền thông Phật giáo có lịch sử tồn tại từ hơn 2.500 năm trước. Sau khi chứng ngộ, với lòng từ bi, Đức Phật đã mang sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh. Khi Đức Phật sắp nhập Niết bàn, thầy A Nan hỏi Đức Phật sau này ghi lại những lời dạy của Phật thì lấy gì làm bằng chứng cho người khác tin, Đức Phật dạy thầy A Nan nên bắt đầu mỗi bài kinh bằng câu: “Như thị ngã văn,” tức là “Tôi nghe như vầy” – là nghe Đức Phật giảng như thế nào thì tụng lại, ghi lại như thế đó, không thêm không bớt. Đây chính là bản chất của truyền thông chân chính, trung thực.

Truyền thông luôn mang tính hai mặt, và tính hai mặt này (tích cực và tiêu cực) tác động đến nhận thức và ứng xử của công chúng ở tất cả các phạm vi và cấp độ khác nhau, từ cấp độ nhà nước đến đời sống của các cá nhân, từ cấp độ quốc gia, khu vực đến quốc tế; từ lĩnh vực kinh tế đến chính trị, văn hóa – xã hội…

Truyền thông hiện đại cũng đề cao sự trung thực. Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các cán bộ tuyên truyền: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” [1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính “chân thực” bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết cũng đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Mỗi bài viết của nhà báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc.

Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã đề cập đến bản chất của truyền thông là sự chân thật. Cũng từ đó, công tác truyền thông được phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau qua mỗi giai đoạn, nhằm mục đích mang đến cho mọi người nhận thức đúng đắn về những lời chỉ dạy của Đức Phật, hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử sống đúng chánh pháp, hướng đến giác ngộ và giải thoát. Vì vậy, sứ mạng của truyền thông Phật giáo là mang đến cho công chúng những thông điệp về niềm tin và thực hành theo giáo lý Phật giáo, giá trị của Phật giáo, cũng như thông tin về cộng đồng Phật giáo.

Đồng thời, truyền thông Phật giáo còn mang trong mình trọng trách quan trọng trên mặt trận đấu tranh với những thông tin sai lệch về Phật giáo và cộng đồng Phật giáo. Tại Việt Nam, ngược dòng lịch sử, khi phong trào chấn hưng Phật giáo thập niên 1930 nổ ra, các tu sĩ đã nhận thấy vai trò của truyền thông phục vụ cho công cuộc chấn hưng, đã cho ra đời nhiều tờ báo như ở Nam bộ có Pháp Âm, Từ Bi Âm, Duy Tâm, Tiến Hóa, Bát Nhã Âm…; ở Trung bộ có Viên Âm, Tam bảo; ở Bắc bộ có tờ Đuốc Tuệ, Tiếng Chuông Sớm … Các tờ báo này đã mạnh dạn nêu lên những hoạt động không đúng chánh pháp như mê tín dị đoan; các Tăng, Ni chỉ lo cúng đám mà không sách tấn tu tập, học hành… Nhờ vậy, Phật giáo thời kỳ này chú trọng về phẩm hơn về lượng, nên sự nghiệp hoằng pháp phát triển như trăm hoa đua nở, từ đội ngũ Tăng tài đến số lượng đồ sộ kinh sách được soạn, dịch đã đáp ứng được yêu cầu của lịch sử: Đạo pháp – Dân tộc.

Truyền thông Phật giáo chính là truyền đạt và chia sẻ thông tin đến cá nhân hoặc cộng đồng, là “truyền tải Chính pháp của đạo Phật đưa vào xã hội hướng đến phương châm Đạo pháp Dân tộc; hướng dẫn Tăng, Ni trẻ và Phật tử gần với chân thiện mỹ, góp phần phục vụ cho Giáo hội; nhiệm vụ truyền thông Phật giáo là kết nối giữa Giáo hội và Tăng, Ni, Giáo hội với chính quyền, giữa Phật giáo với xã hội” [2]. Đó là quá trình truyền tải, thông tin về nhiều mặt đời sống Phật giáo và Tăng đoàn đến xã hội. Truyền thông Phật giáo là một thành phần không thể tách rời trong quá trình hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung. Do đó, Phật giáo cũng đã và đang sử dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại, nhằm đưa Phật pháp vào đời để chuyển hóa nhân gian, hướng chúng sinh đến sự an lạc.

1.2. Cơ sở pháp lý:

Theo hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) quy định, Hội đồng Trị sự là cơ quan duy nhất giữ quyền phát ngôn của GHPGVN, có trách nhiệm về nội dung phát ngôn do các cơ quan, cá nhân trong GHPGVN thực hiện; quản lý hoạt động thông tin truyền thông có liên quan đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các tổ chức, cá nhân phát ngôn, thông tin truyền thông có nội dung xuyên tạc, thiếu chính xác, thiếu khách quan liên quan đến Đạo Phật nói chung, và đến tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp và các thành viên [3]. Còn Ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN là cơ quan phát ngôn của GHPGVN, hoạt động dựa trên Hiến chương GHPGVN, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Báo chí, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và căn cứ vào nhu cầu, sự cần thiết cung cấp thông tin báo chí của GHPGVN.

GHPGVN cũng quy định rất chặt chẽ, rõ ràng tiêu chuẩn của người phát ngôn: Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn và trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên Phật giáo. Theo đó, người phát ngôn phải có đạo đức tốt, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo và am hiểu Pháp luật của Nhà nước; có năng lực phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin báo chí; có khả năng giao tiếp với các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Đối với cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên Phật giáo, GHPGVN yêu cầu Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên có trách nhiệm đăng, phát, phản ánh trung thực, khách quan, đầy đủ nội dung phát ngôn và thông tin do người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn cung cấp và phải chịu trách nhiệm trước các thông tin đăng tải của mình.

Những định hướng và nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Ban Thông tin Truyền thông được quy định cụ thể trong nội quy hoạt động như:

– Nhiệm vụ về thông tin: “Hộ trì Chính Pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật.

Đảm bảo mọi thông tin của Giáo hội ra bên ngoài, trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội theo nguyên tắc trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo tu chỉnh lần thứ V: “Sự thống nhất của Phật Giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”;

Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bảo đảm kỹ thuật và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh về thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng máy tính và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết, phù hợp với quy định của Pháp luật trong trường hợp an toàn, an ninh về thông tin nói riêng và uy tín danh dự nói chung của thành viên hoặc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị đe dọa bởi bất cứ mối nguy hại nào từ bên trong hoặc bên ngoài Giáo hội”.

– Nhiệm vụ về truyền thông: “Thực hiện truyền bá chính pháp thông qua việc ca ngợi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo Phật nói riêng, hướng Phật tử và đạo hữu cũng như toàn thể đồng bào cùng đến với chân, thiện, mỹ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa Giáo hội và các cá nhân, tổ chức bên ngoài để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa đạo và đời nhằm nâng cao vai trò của Phật giáo trong đời sống nhân dân, hộ trì hoằng dương Phật pháp, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc trên thế giới. Phối hợp với các cơ quan các cấp có thẩm quyền của Nhà nước hoặc của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền về Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc xử lý đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

1.3. Cơ sở lý luận Phật giáo:

Hoằng pháp lợi sinh là mục tiêu trong các hoạt động Phật sự, xiển dương giáo lý nhà Phật, giúp chúng sinh vững bước trên đường giác ngộ, gieo duyên lành với chúng sinh. Đây cũng chính là sự thực hành lời dạy Đức Phật: “Hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư Thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường)” [4]. Sự nghiệp hoằng pháp phải triển khai một cách thích hợp để mọi người có thể nắm bắt được ý nghĩa, áp dụng thực hành trong đời sống bằng cách giảng giải về phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ.

Hoằng pháp không chỉ giới hạn trong việc truyền bá giáo lý của nhà Phật mà còn là làm sao để giáo lý ấy được đông đảo tín chúng thực hành, hướng thượng, hướng thiện, nếm trải pháp vị. Hoằng pháp cũng không tách rời với thời cuộc, vì truyền thống Phật giáo Việt Nam tồn tại và song hành cùng dân tộc đã hàng nghìn năm qua. Trong ý nghĩa ấy, hoằng pháp phải lan tỏa và lan tỏa bằng truyền thông như là một trong những phương tiện thiện xảo trong thời đại mới.

1.4. Cơ sở thực tiễn:

Truyền thông Phật giáo là một trong những phương tiện để thực hiện công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Đặc biệt khi sức mạnh truyền thông đang trở thành một lực lượng vật chất quan trọng, có khả năng tạo nên những ảnh hưởng nhất định trong xã hội, thì vai trò của truyền thông Phật giáo ngày càng được chú trọng.

Từ khi GHPGVN thành lập 1981 đến nay, các hoạt động Phật sự ngày càng phát triển, lan tỏa và đối diện với nhiều thời cơ cũng như thách thức. Nhận thấy “sức mạnh mềm”của truyền thông, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin Truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi Phật sự và truyền bá chánh pháp. Từ đó đến nay, mỗi tỉnh thành cũng hình thành các Ban TT-TT trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo của địa phương mình, góp phần truyền tải nhiều thông tin Phật sự đến cộng đồng. Bên cạnh đó, các chùa, tự viện và cư sĩ cũng thành lập các trang thông tin điện tử, ấn tống kinh sách, băng đĩa để truyền bá Phật pháp cho Tăng Ni và tín đồ Phật giáo.

Đến Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 – 2022) thì Nghị quyết Đại hội lại xem: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp, phát triển các hoạt động từ thiện xã hội, giáo dục và nỗ lực phát huy tốt việc ứng dụng mạng xã hội trong việc tuyên truyền, chuyển tải hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni tích cực tham gia hoạt động Hoằng pháp lợi sanh, các công tác xã hội, hình ảnh cái về cái thiện và tinh thần Từ bi – Trí tuệ đến cộng đồng và xã hội. Truyền thông Phật giáo hướng đến mỗi một Phật tử có sử dụng thiết bị di động nghe nhìn, điện thoại thông minh trở thành thành viên truyền thông của Phật giáo, mỗi một Phật tử là một Hoằng pháp viên của thời đại công nghệ kỹ thuật số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra”. Đồng thời, “đẩy lùi các thông tin mang tính xuyên tạc, cố ý bôi nhọ đời sống phạm hạnh của Tăng, Ni với ý đồ làm giảm uy tín của Tăng đoàn, Giáo hội và đạo Phật, để người dân mất niềm tin và không còn thiện cảm dẫn đến việc từ bỏ, xa rời đạo Phật”.

2. CÁC KÊNH TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

2.1. Kênh truyền thông Phật giáo truyền thống

Hàng nghìn năm qua, truyền thông Phật giáo đã tồn tại không bằng vũ khí, phương tiện và công nghệ, không dựa vào một nguồn tài lực kinh tế dồi dào, mà đơn thuần chỉ bằng sức mạnh của trí tuệ, lòng từ bi và đức hạnh. Kinh Tương Ưng, Thiên Đại Phẩm Đức Phật dạy: “Hãy ra đi, này các Tỳ kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch”.

Nhiệm vụ về thông tin: Hộ trì chính pháp, bảo vệ Giáo hội, kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật.

Đức Phật đã cùng các thánh đệ tử của mình đi truyền bá giáo lý, vì lòng từ bi, vì trí tuệ phổ tế chúng sanh. Không có một nơi ở nhất định, một mình và không tiền của, những nhà truyền giáo đầu tiên ấy đi đây đi đó để truyền dạy giáo pháp. Tăng đoàn là đại diện của Đức Phật tồn tại ở thế gian. Đó là giáo đoàn gồm những vị xuất gia truyền thừa qua nhiều thế hệ, sống theo tinh thần giới luật của Phật chế định. Hơn 2.500 năm qua, Tăng đoàn đã duy trì và phát triển giáo pháp của Đức Phật, khiến cho gia tài chánh pháp của Ngài không bị mai một mà ngày càng thêm đa dạng và phong phú hơn.

Sự tồn tại của truyền thông Phật giáo lúc bấy giờ không phụ thuộc vào mạng kết nối (qua trung gian), bởi vì Tăng đoàn tượng trưng cho Tam Bảo, đã thừa hành sứ mạng, mang chánh pháp truyền thừa mạng mạch. Tăng cũng chính là hiện thân của những vị Thánh giả, những người đã giác ngộ chân lý tối thượng siêu xuất thế gian. Truyền thông Phật giáo chủ yếu bằng lời nói, hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm thánh thiện, những cử chỉ nhẹ nhàng dễ mến và bằng tất cả tâm lực để truyền tải giáo pháp đến cho mọi người “nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du, kỳ vi sanh tử sự, giáo hóa độ xuân thu”. Từ đó, kênh truyền thông Phật giáo truyền thống tiếp tục có những đóng góp quan trọng và cần thiết cho nhân loại. Kết quả này phụ thuộc vào chính những người làm truyền thông Phật giáo và các thế hệ tiếp nối. Người làm công tác truyền thông Phật giáo cũng chính là những người đang làm công tác hoằng truyền giáo pháp.

2.2. Kênh truyền thông Phật giáo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày nay truyền thông Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo, góp phần giúp cho Phật giáo thích ứng kịp thời trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay: truyền tải chính pháp vào xã hội, kết nối giữa Giáo hội và Tăng, Ni, giữa Giáo hội với chính quyền, giữa Phật giáo với xã hội. Vai trò của truyền thông Phật giáo đạt hiệu quả cao là nhờ việc sử dụng các loại hình truyền thông khác nhau như: Kênh truyền hình Phật giáo, Youtube, Zalo, Facebook, mạng xã hội Lotus (phiên bản Facebook Phật giáo Việt Nam), trang online, thư viện số, báo giấy, báo điện tử… Ngoài ra còn các trang cá nhân, chùa, các đạo tràng của người xuất gia cũng như tại gia tham gia vào công tác truyền thông.

Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không thể biết được chính xác có bao nhiêu website Phật giáo đang tồn tại trên thế giới mạng Internet. Tất cả những con số thống kê chỉ là tương đối vì các trang thông tin điện tử có thể phát sinh hàng ngày, hàng giờ. Đó là chưa kể hàng trăm ngàn trang Phật giáo trên mạng xã hội nhưng không được thống kê. Theo cuộc khảo sát gần đây nhất, hiện trên toàn thế giới có khoảng gần 515 website Phật giáo bằng tiếng Việt của các tự viện và cư sĩ được thống kê [5]. Thông qua những trang thông tin điện tử, mỗi ngày có rất nhiều thông tin giảng pháp, tin tức Phật sự, sách, bài viết… được liên tục chuyển tải đến tín đồ Phật giáo khắp nơi trên toàn thế giới, đồng thời giúp giới thiệu đạo Phật đến độc giả quan tâm tìm hiểu về đạo Phật.

Trong thời đại thông tin bùng nổ nhanh chóng như hiện nay, hệ thống các trang thông tin điện tử này đã góp phần quan trọng giúp cho đạo Phật bắt kịp với những tiến bộ mới của thời đại, đáp ứng được yêu cầu đưa những thông tin đến với cộng đồng. Đây chính là cơ hội để Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng dân tộc trong thời đại hội nhập 4.0. Việc tuyên truyền chính pháp trên các kênh truyền hình Phật giáo cũng như trên các trang web, các trang mạng xã hội đã giúp cho các tầng lớp trong xã hội tiếp cận Phật giáo một cách chính thống, và tìm hiểu đạo Phật một cách rõ ràng, cụ thể, để từ đó có chính kiến, cái nhìn chính pháp áp dụng trong đời sống hàng ngày.

3. MỘT SỐ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

Thứ nhất, truyền thông Phật giáo như một kênh Hoằng pháp. Hiện nay, hệ thống truyền thông Phật giáo ở nước ta có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc truyền bá tư tưởng đạo Phật đến với công chúng. Có thể kể đến kênh Truyền hình An Viên, Báo Giác ngộ, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Nghiên cứu Phật học… Các website, trang tin điện tử cùng hệ thống ấn phẩm băng đĩa đồ sộ được xuất bản có nội dung phong phú và hình thức đa dạng. Trên các trang báo điện tử Phật giáo đều có đề mục kinh, luật, luận. Mỗi trang đều có những tựa kinh khác nhau, thậm chí có phần lý giải kinh, luật, luận giúp cho tín đồ Phật giáo dễ hiểu hơn.

Nhiều bài giảng cũng được phát trực tiếp (livestream qua Facebook hay các công cụ khác) hay lưu trữ trên các trang web cho mọi người có thể truy cập nghe lại hay tải xuống nghe bất cứ lúc nào. Ở nơi làm việc hay ở nhà, chúng ta vẫn có thể nghe bài giảng của giảng sư. Chưa bao giờ việc học giáo pháp dễ dàng như hiện nay bởi người học có thể đọc tam tạng kinh điển Nam tông hay Bắc tông bằng tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác, có thể nghe bài giảng bằng âm thanh hay lẫn hình ảnh của rất nhiều giảng sư lưu trữ trên các trang điện tử.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa truyền thông và hoằng pháp hình thành ngay từ thời Đức Phật còn tại thế. Truyền thông khiến quá trình hoằng pháp trở nên đa dạng và sáng tạo. Hoằng pháp của Phật giáo trong thời hiện tại đã phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông. Truyền thông số hiện giúp các buổi thuyết giảng được chia sẻ rộng rãi và lan truyền nhanh chóng. Nhờ đó, tư tưởng Phật giáo lan tỏa đến được nhiều vùng chưa có dấu chân Tăng, Ni trực tiếp hoằng hóa. Với sự hỗ trợ của truyền thông, pháp hội tổ chức ở một nơi nhưng Phật tử nhiều nơi có thể tham dự, dù bất cứ khi nào cần nghe giảng cũng đều có thể. Nhờ đó nhân duyên Phật pháp được gieo rộng khắp.

Thứ hai, phát triển các hoạt động từ thiện xã hội. Truyền thông mang đến sự công khai, minh bạch, giám sát kiểm tra chặt chẽ đối với ngân quỹ từ thiện xã hội. Đây chính là giải pháp hữu hiệu tạo sự tin tưởng và hưởng ứng của người dân đối với hoạt động từ thiện xã hội. Khi truyền thông rộng rãi đến đông đảo công chúng, chính là chúng ta đã làm cho nhiều người được biết về những hoạt động từ thiện xã hội cụ thể của Phật giáo và gián tiếp tạo thuận lợi để nhiều người tham gia làm từ thiện, vì có biết thì mới quan tâm, ủng hộ, quyên góp, tham gia trực tiếp. Ghi nhận dồi dào về sự ủng hộ từ thiện xã hội và những người ủng hộ, đặc biệt là những người có vị trí xã hội cao: doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng,… sẽ góp phần thúc đẩy mọi người ủng hộ từ thiện nhiều hơn nữa.

Thứ ba, giúp chuyển tải hình ảnh tốt đẹp của Tăng, Ni tích cực tham gia hoạt động Hoằng pháp lợi sanh, các công tác xã hội, hình ảnh cái thiện và tinh thần Từ bi – Trí tuệ đến cộng đồng và xã hội. Truyền thông có nhiệm vụ nói lên tiếng nói của lương tâm Phật giáo, làm cho mọi người nhận ra Chân – Thiện – Mỹ của Phật giáo.

Truyền thông Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc duy tu, tôn tạo các di tích, di sản văn hóa ở nước ta, cũng như phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Nhiều ngôi cổ tự đã được chính quyền và Phật tử, nhà hảo tâm gần xa góp nhân tài vật lực để tôn tạo, trùng tu. Nhiều nghi lễ Phật giáo được kịp thời bảo tồn, duy trì. Có thể kể đến những thông tin bảo tồn giá trị đặc sắc quần thể di tích chùa Bổ Đà, danh thắng Hương Sơn, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Phật Tích, Tổ đình Vĩnh Nghiêm,… trên các website thông tin của Giáo hội. Nhờ vào hệ thống internet có thể lưu trữ và giới thiệu rộng rãi đến quần chúng nhân dân các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội qua các hiện vật còn được bảo tồn tại các cơ sở thông qua hình ảnh, số liệu lưu trữ.

Truyền thông số là công cụ đắc lực kết nối mạng lưới Phật tử Việt Nam. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, Phật tử trong và ngoài nước có điều kiện tương tác thường xuyên. Qua đó, mạng lưới Phật tử được mở rộng, hình thành nhiều loại hình cộng đồng Phật tử. Kết nối cộng đồng Phật tử từ nhóm nhỏ đến nhóm lớn trở nên bền chặt và gắn bó hơn nhờ sự chia sẻ thông tin và tương tác thường xuyên qua hệ thống mạng internet.

Thứ tư, xử lý khủng hoảng truyền thông về Phật giáo. Trong các câu chuyện về khủng hoảng truyền thông hiện nay, có lẽ khó tránh được phương diện mà Phật giáo bị đề cập một cách tiêu cực ở cách này hay cách khác. Điều quan trọng vẫn là cách tiếp nhận và xử lý trước những sự việc trên để kịp thời có những phản hồi cho phù hợp. Đây chính là nhiệm vụ của lực lượng làm truyền thông Phật giáo và hệ thống Giáo hội.

Thông thường, trước các nội dung tiêu cực về Phật giáo được phản ánh trên phương tiện truyền thông, thì phương pháp “dĩ hòa vi quý” của nhà Phật vẫn là im lặng cho qua với suy nghĩ “thanh giả tự thanh”. Hoặc giả nếu có phản ứng thì cũng chậm chạp và thiếu đồng bộ, không chính thống và có phần lúng túng. Những phản ứng kiểu này, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho rằng không nên và có thể làm vấn đề tiếp tục bị thổi phồng và bị lái đi những hướng khác khó tiên liệu.

Thông qua các kênh truyền thông, Giáo hội có thể nhanh chóng đưa ra ý kiến phản hồi trước, trong và sau mỗi vụ việc, sự kiện Phật giáo cũng như các vấn đề liên quan mang tính cấp thiết khác. Điều này vô cùng quan trọng và ý nghĩa, có tác động và quyết định độ ảnh hưởng đến số đông. Nếu Giáo hội có những phát ngôn kịp thời, thẳng thắn, rõ ràng, và được truyền thông phản ánh nhanh chóng thì sẽ góp phần giải tỏa dư luận và giải quyết các cuộc khủng hoảng truyền thông.

4. GỢI Ý PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO

4.1. Những vấn đề đặt ra đối với truyền thông Phật giáo ở nước ta hiện nay

– Về hình thức: Hình thức chung, các trang báo điện tử Phật giáo được khảo sát chưa thực sự thu hút độc giả. Trong số người truy cập có người vào tìm hiểu (do đó số lượng truy cập cao) nhưng nội dung không thu hút nên đã đăng xuất (thời gian trung bình người truy cập xem website quá ngắn). Các trang chính thống được nhiều người truy cập nhưng về hình thức và cả nội dung chưa được đầu tư về chiều sâu. Lẽ ra với thế mạnh là trang chính thống, các trang này cần đầu tư nhiều hơn để thu hút độc giả.

– Về cấu trúc nội dung phù hợp với tiêu chí của một thực thể tôn giáo, nêu đầy đủ về cái thiêng, về thực hành Phật giáo và cộng đồng Phật giáo. Đặc biệt các trang thông tin điện tử có dành nội dung cho giới trẻ nhưng chưa đi sâu vào đời sống, tình cảm của giới trẻ để thu hút lực lượng này gắn bó với Phật giáo.

Dù có hàng trăm trang tin có nội dung về Phật giáo, tuy nhiên hầu hết các trang tin đều lấy lại bài của nhau. Có rất ít trang online tự sản xuất bài hoặc tác nghiệp bài bản. Do đó, xét về tổng quan, nội dung cho độc giả đọc còn hạn chế, hoạt động thiếu chuyên nghiệp. Đây là một lý do khiến nhiều người không thích truy cập các trang thông tin điện tử Phật giáo.

Việc cập nhật tin tức không thường xuyên cũng là lý do rất căn bản khiến người xem không muốn truy cập trang. Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng: “Những người thực hiện trang tin đó (trang báo điện tử Phật giáo) nên hiểu đúng đắn rằng, thành lập một trang báo điện tử không chỉ là vấn để mở ra cho có, mà phải có sự cập nhật tin, bài thường xuyên. Tránh và hạn chế tình trạng sao chép tin, bài, ảnh tràn lan, cần tôn trọng các nguyên tắc hoạt động và những chuẩn mực trong lĩnh vực thông tin truyền thông.” [6].

Thông tin hiện nay được chuyển tải qua nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, sách báo, nhưng mạnh nhất phải kể đến các hình thức phù hợp với công nghệ mới, là website, blog, mạng xã hội, apps,… Tuy nhiên, hiện các chùa, tự viện, cư sĩ vẫn còn ít sử dụng mạng xã hội. Như vậy bản thân Phật giáo đã đánh mất một công cụ hữu hiệu để truyền bá Phật pháp. Tuy xuất phát từ lòng nhiệt huyết đối với Phật giáo, nhiều tổ chức, tự viện, cư sĩ đã thiết kế và điều hành hơn 500 website Phật giáo tiếng Việt. Chỉ có một số ít định hướng được đường lối truyền thông, định vị được bản sắc riêng. Đa số còn lại là sao chép tin bài và không có định hướng truyền thông. Làm truyền thông chỉ với cái “tâm” là chưa đủ trong môi trường truyền thông số như hiện nay. Đó cũng là một trong những lý do khiến các trang thông tin điện tử Phật giáo ít người truy cập và thời gian truy cập rất ngắn. Các trang thông tin điện tử Phật giáo nên phát triển theo đúng định hướng nội dung, tạo ra bản sắc nhất định; phải có đầu tư nhân lực, nguồn lực mạnh mẽ; truyền thông và giá trị của truyền thông không ở chỗ sao chép tin bài…

4.2. Khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của truyền thông Phật giáo ở nước ta

* Ban Trị sự các địa phương hết sức giúp đỡ, tạo điều kiện cho công tác truyền thông Phật giáo đạt kết quả tốt. Có như vậy việc truyền bá chánh pháp mới có thể đi vào lòng người. Có thể đầu tư cho một vài trang thông tin điện tử đúng chánh pháp, có kế hoạch truyền thông rõ ràng trở thành những trang thông tin điện tử đầu đàn của Phật giáo. Thực tế cho thấy, khi có sự kiện liên quan đến Phật giáo thì số lượng người truy cập vào những trang thông tin điện tử đúng đắn rất nhiều.

* Cần tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để xây dựng nguồn lực mạnh mẽ. Người làm truyền thông số cho Phật giáo phải am hiểu Phật pháp, biết viết tin bài, hiểu biết về mạng, biết kỹ thuật SEO (Search Engine Optimization – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), biết vài thủ thuật xử lý hình ảnh,…

Đồng thời, tập hợp đội ngũ cư sĩ giỏi nghề: vì nhiều vị cư sĩ có khả năng viết tốt, có kiến thức rộng. Bài viết của nhiều vị có chất lượng khá, có khả năng phát hiện, đề cập, lý giải và đề ra hướng giải quyết đối với nhiều vấn đề của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Với năng lực như vậy, một số cây bút cư sĩ Phật giáo đương nhiên có vai trò, vị trí quan trọng trong hoạt động thông tin truyền thông Phật giáo Việt Nam. Nếu ngành thông tin truyền thông Phật giáo quản lý, tạo môi trường thuận lợi, thường xuyên tác động thúc đẩy việc đóng góp bài viết, thì cống hiến của các cây bút cư sĩ Phật giáo sẽ rất lớn, ảnh hưởng tích cực đến cục diện thông tin truyền thông Phật giáo.

* Đối với người trực tiếp làm công tác truyền thông Phật giáo, phải am hiểu giáo lý của Đức Phật: Người trực tiếp làm công tác truyền thông Phật giáo trước hết phải am hiểu thật sâu sắc giáo lý của Đức Phật và các nghi lễ của Phật giáo. Có kiến thức Phật pháp sẽ giúp cho công việc viết, biên tập chính xác, đúng chánh pháp, không lạc đường như một số trang thông tin điện tử đã đề cập ở trên.

Đồng thời, phải có kế hoạch truyền thông: Làm truyền thông phải có kế hoạch và định hướng, có như vậy mới có thể nhìn thấu suốt trang thông tin điện tử của mình đạt hay chưa đạt. Nội dung còn thiếu phần nào, phần nào quá nhiều cần giảm bớt. Căn cứ vào chủ trương trang thông tin điện tử dành cho đối tượng nào, xem lại nội dung có phù hợp với trình độ của đối tượng hay không? Hình thức và cấu trúc trang mục phù hợp chưa, có dễ dàng để người xem truy xuất thông tin hay không?

Phần lớn các trang thông tin điện tử Phật giáo do các tự viện, tu sĩ và cư sĩ thiết lập đều muốn truyền bá ánh sáng Phật pháp đến muôn nơi. Tuy nhiên với truyền thông số, không chỉ với lòng nhiệt huyết là được, cần phải có kỹ năng, nghiệp vụ, phải có sự hiểu biết nhất định. Do đó đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản. Có thể sử dụng những ứng dụng mà nhiều người dùng như Facebook, Zalo để kết nối và truyền tải nội dung Phật pháp đến với những tín đồ. Cao hơn nữa có thể thiết lập phiên bản mobile và sử dụng kỹ thuật SEO. Có như thế lượng người xem các website Phật giáo mới có thể tăng nhiều.

5. KẾT LUẬN

Cách đây trên 2.600 năm, Đức Phật đã khuyến dụ giáo đoàn Tỳ kheo vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông hãy đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp, không nên đi hai người chung một đường. Đó là truyền thông Phật giáo thời Đức Phật tại thế.

Đến nay các vị tu sĩ không cần phải chân đất đầu trần để đi thuyết giảng giáo lý của Đức Phật. Chỉ cần một cú click chuột thì tín đồ có thể xem, nghe một bài pháp, một thông tin Phật giáo vừa xuất hiện.

Đến nay các vị tu sĩ không cần phải chân đất đầu trần để đi thuyết giảng giáo lý của Đức Phật. Chỉ cần một cú click chuột thì tín đồ có thể xem, nghe một bài pháp, một thông tin Phật giáo vừa xuất hiện. Chỉ vài phút lên Facebook hay Youtube, người ta dễ dàng tìm thấy các bài pháp thoại của các tu sĩ,… Hình thức thể hiện rất phong phú, từ sách điện tử, sách nói audio, rồi video pháp thoại, kể chuyện bằng hình ảnh. Với tinh thần “khế lý khế cơ” của Phật giáo, song song với những phương tiện truyền thông truyền thống như sách báo, băng đĩa, giảng pháp, các tự viện, các tu sĩ và cư sĩ đã tận dụng thời cơ trong việc ứng dụng Internet để truyền thông Phật giáo có những bước đi xa hơn trước đây.

Các trang thông tin điện tử Phật giáo cần đa dạng và chuyên môn hóa hơn nữa về các nội dung từ kinh, luật, luật, các nghi lễ, cách tu tập, lịch sử các ngôi chùa, cộng đồng Phật giáo các nước, cho đến những vấn đề đời thường của tín đồ đều được đăng trên trang thông tin điện tử. Việc đầu tư, nâng cấp cả về đội ngũ chuyên môn, kỹ thuật và cách thức làm truyền thông sẽ thu hút nhiều lượt Phật tử và góp phần quảng bá hình ảnh tốt đẹp của Phật giáo đến đông đảo người dân.

 

TT.TS. Thích Minh Nhẫn/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 377

 

Chú thích:

*TT.TS Thích Minh Nhẫn.

 

[1] Hồ Chí Minh (2000), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.151.

[2] “Truyền thông Phật giáo qua cái nhìn Bát Chánh Đạo”, www.vuonhoaphatgiao.com, truy cập 18/9/2021.

[3] “Hiến chương GHPGVN”, https://vbgh.vn/laws/detail/HIEN-CHUONG-GHPGVN-6/, truy cập ngày 18/9/2021.

[4] Indacanda dịch (2014), Đại Phẩm Tập 1, Tụng Phẩm Thứ Nhì, Hà Nội, Nxb Tôn giáo, tr.36.

[5] Vietnam Online Digital Usage and Behevior, 2015 – 2020 https://www.slideshare.net/VNguynThyDung/emarketer-vietnam-online- digital-usage-and-behavior-20152020.

[6] Thích Gia Quang, Cần nâng cao chất lượng các trang tin Phật giáo., http: //phatgiao. org.vn/van-de-quan-tam/201310/Hoa-thuong-Thich-Gia-Quanng-Can-nang-cao-chat-luong-cac-trang-tin-Phat-giao-12342/.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu sửa lần thứ VI.

2. Văn kiện Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII.

3. Nhiều tác giả (2020), Kỷ yếu hội thảo nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam – Trung tâm nghiên cứu nữ giới Phật giáo.

4. Thích Nhật Từ (2012), Con đường chuyển hóa-Ứng dụng Bát chánh đạo trong đời sống, Nxb. Hồng Đức.

5. Ban Văn hóa – Ban Nghi lễ Trung ương HĐTS GHPGVN (2016), Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội

6. Thích Minh Châu (2014), Kinh Pháp cú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.

7. Thích Minh Châu (2002), Kinh Tiểu bộ (tập Phật tự thuyết), Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

8. Vũ Thế Cường (2011), Bài giảng báo mạng điện tử, Đại học Hồng Bàng, TP. Hồ Chí Minh.

9. Lê Thùy Dương (2016), Báo Đuốc Tuệ với phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam đầu thế kỷ XX, Tạp chí Lý luận và Truyền thông, (số 5), tr.57-60.

10. Hoàng Thị Thùy Dương (2011), Luận văn Thạc sĩ: Hoạt động truyền thông về vấn đề tôn giáo trên báo in Việt Nam hiện nay (2005 – 2010), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

11. Nguyễn Khắc Đức (2008), Vai trò của Phật giáo Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (số 7), tr.44-48.

12. Nhiều tác giả (2019), Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0, www. vbgh.vn/index.p?language=vi&nv=tin&op=tieng-viet/muc-luc-518.html, truy cập 28/8/2021.

13. Nhiều tác giả (2019), Các bài tham luận Hội thảo Vesak 2019, www.vbgh.vn/index.p?language=vi&nv=news&op=vesak-2019-tieng-viet/cac-bai-tham-luan-hoi-thao-vesak-2019-585.html, truy cập 28/8/2021.

14. Nhiều tác giả (2019), Các bài tham luận Hội thảo Sứ mệnh Hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa, www.vbgh.vn/index.p?language=vi&nv=page&op=tai-lieu-hinh-anh-hoi-thao-hoang-phap-tai-hue.html, truy cập 28/8/2021.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin