Chi tiết tin tức

Tìm một giải pháp Phật giáo cho thời đại

17:11:00 - 14/05/2017
(PGNĐ) -  Lời người viết:Đức Phật đã ra đời cách đây 2.641 năm nhưng như có lần chúng tôi đã viết: “Người vẫn Đản sinh hàng ngày, hàng giờ trong đời sống chúng ta, trong mỗi chúng ta.” Nhất là khi quanh ta và trong ta còn bao điều phiền muộn, âu lo, thậm chí hoảng sợ về những nỗi bất an trong đời sống hàng ngày hay một tương lai bất định của nhân loại đang đắm chìm trong tham vọng của những cường quốc và nỗi nhọc nhằn của những dân tộc đang vật vã trong đói nghèo và nội chiến. Làm sao để nhân loại có thể sống yên vui với nhau, cùng nhau và cho nhau là một nan đề không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Hãy hướng về Đức Phật trong ngày Đản sanh lần thứ 2.561 này để hy vọng tìm thấy trong giáo pháp của Người một lối đi cho chúng ta và cho thời đại, nếu có thể.

buddha.jpg

Chúng ta đang sống trong một thế giới bất an

Thế giới hôm nay đang sục sôi với những ngọn lửa, không chỉ đến từ bọn khủng bố mà ẩn sau nó là nguy cơ bùng vỡ chiến tranh từ ba khu vực hết sức căng thẳng: (1) một là Trung Đông, cụ thể là Syria vốn đã tan nát vì cuộc nội chiến với sự góp mặt của nhiều cường quốc khác, gần đây lại bùng lên dữ dội, nhất là khi Mỹ bắn 59 đầu đạn Tomahawk vào căn cứ không quân Syria nhằm cảnh cáo việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền nước này với phe chống đối, dù bằng chứng còn chưa rõ (?), nên đã bị Nga phản đối kịch liệt; (2) tình hình bán đảo Triều Tiên mà những vụ thử hạt nhân đang gây căng thẳng cho toàn  thế giới. Mỹ đã cử một nhóm tàu sân bay chiến đấu tới Tây Thái Bình Dương để phô diễn sức mạnh, trong khi Triều Tiên cảnh báo sẽ giáng đòn tấn công hạt nhân đáp trả bất cứ hành động xâm lược nào. Các nhà phân tích quân sự cảnh báo Mỹ nếu tấn công Bắc Triều Tiên, tình hình sẽ nguy hiểm hơn Syria nhiều lần vì họ có hơn 5.000 tấn vũ khí hóa học và hàng nghìn đầu đạn nguyên tử, chưa kể hàng triệu quân tinh nhuệ; (3) ba là tình hình Biển Đông khi Trung Quốc bộc lộ mưu đồ bá quyền chiếm trọn, đã vấp phải sự phản đối của Việt Nam, Phillipines và cả Mỹ. Chưa kể đến tình hình Đông Âu hay Ukraina vốn cũng chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Nhưng có lẽ ba khu vực kể trên là đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng hơn cả.

Trong nước tình hình bạo lực cũng không hề thuyên giảm, thậm chí có chiều hướng tăng lên, đối tượng phạm tội trẻ hơn, xảy ra ở mọi nơi ngay cả trong gia đình, con cái giết hại, đánh đập cha mẹ, vợ chồng sát hại lẫn nhau  là những chuyện bỗng dưng trở nên “thông thường” trên mặt báo. Người ta sử dụng bạo lực bất cứ khi nào thấy cần: nhìn đểu, va qụet xe, giành chỗ xếp hàng...

 Vậy thì phải làm gì đây?         

Tâm an thế giới an

 Chúng ta vẫn nghe các bậc tôn đức dạy rằng “Tâm bình, thế giới bình”. Vì như kinh Pháp cú nêu rõ “Tâm làm chủ các pháp” hay như trong kinh Hoa nghiêm có bài kệ:

Nhược nhơn dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo.

Tất cả mọi việc do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Vì vậy, nhận ra tâm mình và làm chủ tâm mình, chúng ta không còn tạo ác nghiệp, thì không còn khổ và không còn sanh tử luân hồi.

Phiền não vốn không có gốc, nghĩa là chúng ta khổ vì tạo nghiệp vì thân mình mới là “bể khổ”. Nếu đoạn diệt được tam độc “tham, sân, si” thì tâm kia sẽ bình an, không sinh phiền não. Nhược bằng khởi tâm tham, muốn chiếm hữu của người khác, muốn đất đai biển cả là của mình, xua quân đánh chiếm như đang ấp ủ trong tâm của một số nhà lãnh đạo các cường quốc hôm nay sẽ gây ra phiền não cho bá tánh kể cả trong nước mình vì chiến tranh xảy ra thì nói như Chủ tịch nước Việt Nam, sẽ không có kẻ chiến thắng vì nước nào, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ bị thiệt hại. Chưa kể kẻ mang cuồng vọng nếu bị đánh bại tình hình sẽ còn tệ hơn nhiều. Gương xưa của Napoléon, Hitler còn đấy! Tương tự trên bình diện xã hội, lòng tham khiến xã hội bất an vì sinh ra lừa gạt, mưu hại lẫn nhau bất chấp nhân tính. Tham dù là tham danh, tham lợi hay tham ái đều bị che mờ bởi vô minh nên hành động sai trái mà không biết hay biết nhưng không đủ “thiện lực” kiềm chế.

Đức Phật đã ý thức được sự tác hại của tâm tham, nên Ngài đã sớm từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm đạo. Phật thấy tâm tạo ác, nhưng cũng tạo thiện, vì tâm làm chủ, cho nên Ngài dạy tu hành là chuyển đổi tâm ác thành thiện. Theo Vi diệu pháp, có 89 (hay 121) tâm  vương và 52 tâm sở. Trong tâm sở có 14 tâm bất thiện bao gồm: si, vô tàm, vô quý, phóng dật, tham, tà kiến, ngã mạn, sân, ghen tỵ, keo kiệt, hối tiếc, hôn trầm, thùy miên, hoài nghi... và 25 tâm tốt. Ngoài 19 tâm sở tịnh hảo như tín, niệm, tàm quý, vô tham, vô sân, bình đẳng xả, còn có 2 tâm sở vô lượng bi và hỷ.... Hòa thượng Trí Quảng giảng: “Tâm vương là chủ, nhưng không có tâm sở thì không làm được gì, cũng như làm vua phải có quan và tướng mới làm được. Trong quan và tướng có trung thần và nịnh thần, gian thần, nhưng gian thần và nịnh thần thì đông, còn trung thần chỉ có 11. Ngài ví gian thần như phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến là 6 tên quan nguy hiểm luôn đứng cạnh tâm vương. Vì vậy, khi vua bị lòng tham tác động nhiều thì nguy hiểm vô cùng, hoặc lòng sân hận, kiêu mạn, nghi ngờ tác động vô tâm vương mới khởi lên ác xấu. Nói chung là tánh ác xấu tác động khiến tâm vương khởi. Ta ngồi yên không có gì, nhưng nghe một người nói tốt, thì ta khởi ý tốt, nghe người nói xấu, ta khởi ý xấu. Trong 6 căn bản phiền não vừa nói thì 5 cái trước không quan trọng bằng cái thứ 6 là ác kiến và ác kiến cũng sanh ra thêm 5 cái  xấu nữa là thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ, tạo thành 10 triền, 10 sử. Tâm vương bị 10 triền 10 sử ràng buộc và sai khiến, nên khổ, ví như ông vua ngồi trên ngai vàng mà như là ngồi trên đống lửa.  Lửa này là 10 triền và 10 sử, nếu vua không sáng suốt sẽ bị cận thần chi phối, sai khiến, họ làm sẵn báo cáo sai rồi buộc vua ký tên vào.” (Tâm bình thế giới bình - giacngo.online).

Thế nên chúng ta phải dùng trí tuệ để nhận ra được tất cả những điều xấu ác trong tâm và cố gắng tạo điều kiện để kiềm chế hay chuyển hóa nó trở thành thiện. Vì vậy, trong mỗi con người đều có tốt và xấu, phải cải tạo mảnh vườn tâm mình cho hoa độc trái sâu không phát triển, đồng thời ươm các loại hoa thơm trái ngọt. Phật dạy giới định tuệ chính là phương pháp chính để loại trừ  phiền não và cải hóa tâm. Ngoài ra phải lưu ý luật nhân quả, tránh làm hại người, hại vật; vì làm điều ác thì sớm muộn gì, quả báo ác cũng tới.

Tóm lại, luôn áp dụng19 thiện tâm sở, thì sẽ có kết quả tốt đẹp hướng đến thành tựu quả vị Phật.

 Biện chứng Bát-nhã: con đường giải thoát

Thế giới đại loạn vì người ta chạy theo cuồng vọng tham, sân, si. Chúng ta luôn muốn nắm giữ quyền lực lớn hơn, nhiều hơn người khác, muốn điều khiển mọi người thì đó là tâm A-tu-la; hễ ai không nghe lời mình thì mình nổi sân. Và khi sống trong tâm ác và gây đau khổ cho người khác thì đó là địa ngục mà chúng ta tự tạo ra. Quan điểm “tâm bình, thế giới bình” dạy ta phải biết tu dưỡng thắng nhân. Nghĩa là phải biết “giới, định” để phát sinh “huệ” hay chính là Bát-nhã, giúp ta minh triết trong giải quyết rốt ráo mọi vấn đề, nhìn sự vật như nó thực là chứ không phải như bấy lâu ta tưởng nó là...

Từ một Bát-nhã sinh ra muôn vạn pháp đều không ngoài tâm. Phật dạy tự tâm bồ-đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ cần vận dụng tâm ấy tức thì thành Phật. Ni sư Thích nữ Trí Hải từng giảng “Bát-nhã là để mà sống, hành động, thể hiện, chứ không phải để nói suông. Nói mà không làm thì Bát-nhã trở thành huyễn hóa như sương chớp ảo ảnh, hay như người đói mà chỉ bàn về thức ăn, thì không thể no được. Miệng nói Bát-nhã mà vẫn sống và xử sự một cách ngu si, mê muội, thì không phải Bát-nhã. Chủ trương của Lục tổ là “Sống Bát-nhã: Sống Bát-nhã thì không thể khởi tâm tà vạy ô nhiễm, đó là Giới. Sống Bát-nhã thì tâm không thể tán loạn, đó là Định. Sống Bát-nhã tâm không ngu si, đó là Tuệ. Như vậy một Bát-nhã theo Ngài bao trùm cả tam học giới, định, tuệ nên không cần phải lập giới, định, tuệ làm gì (TNTH - Tìm hiểu kinh Kim cương).

Ứng dụng vào phạm trù triết lý và xã hội, nếu chính đề là duy tâm biện chứng và phủ đề là duy vật biện chứng thì tổng hợp đề nên là Bát-nhã biện chứng. Vì sao?

Nhìn lại lịch sử loài người với bao nhiêu chủ thuyết được đề ra cho phù hợp với tình hình lịch sử của từng thời kỳ luôn xoay quanh trục nhân bản; nhân chủ và nhân tính. Chủ thuyết nào, chế độ nào cũng bắt đầu với việc đem lại những giá trị “làm người” cho con người nhưng tiếc thay những chủ thuyết ấy đã va chạm với nhau trong thực tế bằng những cuộc cách mạng máu đổ đầu rơi. Oan khiên không vì thế mà vơi bớt vì ai cũng cho rằng mình đúng, mình nắm giữ chân lý chứ không ai nghĩ là mình đang rơi vào biên kiến, tà kiến... để quyết phủ nhận quan điểm của người khác, gây nên tranh chấp không chỉ trên bình diện học thuật hay ý thức mà giải quyết bằng chiến trường, bằng sự vùi dập những kẻ khác “quan điểm” hay “đạo”, khác chủ thuyết hay niềm tin với mình. Nhưng biện chứng Bát-nhã (BCBN) là một quan điểm phổ quát, một chân lý muôn đời, là “tập đại thành” những quan điểm tinh hoa của thế giới đem lại chánh kiến cho mọi người, hiểu và tuân thủ vì giúp người ta nhìn sự việc vào tận cùng bản chất của nó. Còn trên bình diện xã hội thì sao?

Áp dụng BCBN giúp ta xây dựng một xã hội nhân bản, phục hoạt những giá trị nhân văn, thực hiện “trung đạo” trong văn hóa kinh tế, nghĩa là một phiên bản “chủ nghĩa tư bản 3.0 nghiêng về những lý tưởng xã hội chủ nghĩa, mà hình ảnh sơ thủy đang dần hiện ra ở một vài nước như Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy hay ở Nhật Bản, một nước Phật giáo, nơi người dân được tiếp cận và hưởng rất nhiều phúc lợi và sống rất an vui. Tổng hợp đề của BCBN không duy tâm hay duy vật mà “duy nhân”, giúp con người hướng thiện và hướng thượng. Trong mối quan hệ tương sinh, tương tác giữa người với người. BCBN có cái nhìn nhất nguyên về con người, vô nguyên về vũ trụ và về một xã hội nhiều thành phần bình đẳng, không giai cấp nào là chủ đạo vì ai có phần việc của người ấy. Xã hội ấy không mê tín dị đoan, không thần hóa đấng sáng tạo và chắc chắn không gây khủng hoảng niềm tin cho bất kỳ ai. Xã hội ấy có cần tôn giáo không? Cần và không cần vì: “Tôi tin là không có điều gì cả với những người không theo đức tin tôn giáo. Bạn vẫn là một phần của nhân loại, bạn cũng là con người, bạn cần sự thương yêu của con người, và lòng từ bi của con người. Không có tình yêu thương của con người thì đức tin tôn giáo cũng tàn lụi. Tôi xem tình người và lòng từ bi là một tôn giáo chung” (Đạt-lai Lạt-ma - The Compassionate Life). 

Vậy đó, xã hội ấy sẽ luôn có tình người vì họ sống trong Bát-nhã. Còn như hôm nay thì như một bậc tôn đức ngày xưa đã từng viết: “Ngày nào nhân loại chưa giác ngộ, trút bỏ được tham vọng mê lầm thì ngày đó thân phận con người còn bi đát, xã hội còn bất công, lịch sử vẫn còn lạc hướng. Đạo Phật chắc chắn đủ điều kiện trao cho thời đại một nội dung cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Nhưng ai là người trao nó vào đời? Hẳn nhiên là Phật tử. Đạo Phật còn nở hoa kết trái hay không, không chỉ ở mấy tạng kinh điển mà là ở những người hoằng pháp hôm nay có đủ đức trí tài năng, có biết thích ứng với hoàn cảnh xã hội, để đưa đạo Phật vào thời đại, làm cho đạo Phật sống một đời sống, giàu mạnh trên mọi nơi, trong mọi lúc thích hợp với mọi người ở mọi trình độ tri thức, mọi giai cấp... Vì đạo Phật không phải là một tín lý, không võ đoán, không buộc ai phải tin theo rập khuôn như mình, đạo Phật chỉ là một lối hướng dẫn, hòng dắt con người từ trạng thái  tham lam mê muội sang trạng thái trung trinh siêu thoát” (HT.Đức Nhuận - Trao cho thời đại một nội dung Phật giáo - TS Vạn Hạnh, số 20, 1967).

Nhân Phật đản 2.561, hãy hướng về Đức Phật và trao cho thời đại hôm nay BCBN, với tất cả thành tâm và thiện ý!

Nguyên Cẩn

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin