Chi tiết tin tức Hà Nội: TT. Thích Chân Quang chủ trì lễ Phật đản tại chùa Phổ Quang 21:28:00 - 11/06/2018
(PGNĐ) - Sáng ngày 11/04/năm Mậu Tuất (nhằm ngày 26/05/2018), đông đảo phật tử tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã vân tập về chùa Phổ Quang (Tình Quang, Giang Biên, Long Biên, Hà Nội), tham dự Ðại Lễ Phật Ðản PL. 2562 – DL.2018
Buổi lễ đặt dưới sự quang lâm chứng minh, chủ lễ và thuyết giảng của TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT), Trưởng ban chấp pháp Chùa Phổ Quang. Tham dự Đại lễ có: đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, hàng nghìn phật tử đến từ nhiều nơi trên cả nước. Về phía khách mời có: Trung tướng Lương Đình Quý – cựu Sĩ quan Lục quân I Bộ quốc phòng. Về phía chính quyền địa phương có: ông Đặng Quý Vân – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Giang Biên – Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hoài – Đảng ủy viên, Chủ tịch MTTQ phường Giang Biên; ông Đoàn Văn Tình – Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UBND; ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó chủ tịch HDND; ông Vũ Thanh Sơn – nguyên Phó phòng PA88, Công an TP Hà Nội, cùng rất nhiều cán bộ, công chức, người dân của phường cũng đến tham dự. Mở đầu buổi Lễ, TT Thích Chân Quang đã có những chia sẻ hết sức chân thật, thú vị về cuộc đời, con người của Đức Phật. Qua đó, khẳng định việc xuất hiện của Ngài đã làm thay đổi cả thế giới, khiến nhân loại trở nên tốt đẹp hơn. Từ đây, các phật tử càng thêm tin tưởng vào con đường của Phật, vững vàng trước mọi khó khăn, quyết tâm đi đến sự vô ngã cuối cùng. Theo Thượng tọa, trong sự thăng trầm của lịch sử, số tín đồ của đạo Phật trên thế giới bị giảm sút. Tiêu biểu như tín đồ đạo Phật của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nếu tính ra, tín đồ của đạo Phật còn thua tín đồ của một vài tôn giáo lớn khác. Trong cái thế giới bị gọi là thiểu số đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày đản sinh của Đức Phật làm ngày Lễ hội tôn giáo và văn hóa thế giới. Đây là kết quả của cuộc nghiên cứu nghiêm túc trong nhiều năm, thông qua những lời kinh kệ. Điều này có nghĩa là, dù thế giới có nhiều khuynh hướng, nhiều quan niệm về tôn giáo khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau, nhưng lời dạy của Đức Phật về từ bi, yêu thương, nhân quả, về sự giác ngộ cao siêu,… vẫn không thể phủ nhận được. Thay vào đó, nó còn vượt lên trên tất cả những giáo lí, niềm tin phong phú để thuyết phục được những bậc trí thức siêu đẳng của thế giới. May mắn cho những người Việt Nam là từ thở xưa, ông cha ta đã chọn đạo Phật làm Quốc đạo. Ngay cả khi thống nhất, Đảng và Nhà nước ta vẫn ưu tiên, dành cho đạo Phật một chỗ đứng sâu sắc trong lòng dân tộc. Rõ ràng, trong bối cảnh thực hiện dân chủ, hội nhập thế giới, nhiều tôn giáo được phép cùng tồn tại thì sự đánh giá của nhà nước ta đối với đạo Phật vẫn là sự vượt trội, không thể so sánh được. Vậy nên, lúc nào trong nghi lễ của đạo Phật cũng có chào Quốc ca. Thượng tọa khẳng định, tất cả các tôn giáo đều mắc bệnh tự tôn giống nhau. Tức là tôn giáo nào cũng cho mình là trên hết, cao hơn mọi thứ trên trái đất này. Đạo Phật cũng không khác. Đạo Phật có con đường giác ngộ siêu việt, phủ trùm cả thế giới. Tuy nhiên, cái hay của đạo Phật là khiêm hạ, vô ngã, nhường nhịn, cống hiến, đóng góp. Chính cái đạo đức đó mà khi đến Việt Nam, bên cạnh cái tâm linh cao siêu, những người có thiện căn tu hành vẫn dạy đệ tử mình trở thành công dân gương mẫu, phụng sự, cống hiến cho đất nước. Không cần chứng minh, chỉ thấy nghi lễ Quốc ca xuất hiện trong ngày hôm nay đã đủ thấy đạo Phật đề cao Quốc gia ta ra sao. Lúc nào, đạo Phật cũng xem tình yêu nước hơn tất cả, xem sự đoàn kết của toàn dân là cao tột và không bao giờ tự cho mình là một tôn giáo cao siêu. Tinh thần này khiến đạo Phật trở thành cái trình tự nhẹ nhàng, hòa chung với trình tự của dân tộc bao đời nay. Vậy nên, các phật tử rất dễ trở thành người yêu nước. Điều này khó mà thấy được ở các tôn giáo khác. Ví dụ, một tín đồ của một tôn giáo khác muốn nói về yêu nước, coi chừng có hậu quả nhưng một người đệ tử Phật được khuyến khích phải yêu nước, phải đóng góp cho đất nước bởi đây là đạo đức của nhà Phật. Ta biết rằng, con người vốn tham, sân, si, khiến xã hội mất sự công bằng. Muốn tìm lại sự công bằng thì phải tìm cái đạo đức trong tâm hồn. Đặc biệt, cái này ta chỉ tìm thấy trong Luật Nhân quả mà Phật đã dạy. Cuối cùng, những con người chân chính lại gặp nhau nơi đỉnh cao của đạo đức. Hôm nay, chúng ta ngồi đây để tưởng nhớ lại sự xuất hiện của một con người phi thường trong lịch sử. Có những giai đoạn, người phương tây còn nghi ngờ về cuộc đời Đức Phật vì họ không tin trên đời lại có một người phi thường, hoàn hảo đến thế. Một vị Thánh hay thần linh, nếu chưa bao giờ xuất hiện thì có thể tô vẽ, nói gì cũng được. Còn với một người đã xuất hiện mà phi thường đến thế thì thật khó tin. Mặc dù có nghiên cứu kinh điển nhưng họ vẫn để một khoảng nghi ngờ với Phật Thích Ca. Thực sự, những diễn biến, những lời dạy trong kinh điển cực kì hợp lí, chính xác từng bước đi. Những hình ảnh được viết lại cũng rất gần gũi, thực tế khiến người ta khó mà có thể phủ nhận được. Nhưng không lẽ, trên đời lại có người cao siêu đến vậy? Những sự nghi vấn ấy dần được làm sáng tỏ khi các nhà khảo cổ liên tiếp tìm ra những dấu vết về Vua A Dục, về gốc cây ưu đàm – nơi Phật được sinh ra,… Người ta thấy rằng, chưa bao giờ một huyền thoại trong tôn giáo lại ăn khớp với lịch sử đến thế. Như vậy, Đức Phật là một người có thật trong lịch sử, là một đấng giác ngộ giữa cuộc đời này. Nói về cuộc đời và thần thông của Ngài, chúng ta không đủ thời gian cũng như trí tuệ để thấu hết. Nhưng ta hiểu rằng Ngài có đủ cơ hội và khả năng để trở thành thống lĩnh của tất cả các quốc gia. Vậy mà Ngài lại khước từ mọi vinh hoa, quyền lực để xuất gia. Đây là một điều đặc biệt mà hôm nay nhớ lại, nó thành bài học cho muôn đời. Rồi cảnh giới cao nhất mà Ngài răn nhắc là “vô ngã”, điều mà trước đó chưa được ai nói đến. Ngay cả sau Ngài, nếu không phải là đệ tử Phật thì cũng không ai nhắc tới. Đây là một trí tuệ, một hướng đi, một tôn giáo kì lạ mà tất cả chúng ta đều đi tìm để tô đắp cho bản thân. Ví dụ, muốn nhắc đến một đạo giáo thì đạo giáo đó phải cho ta cái lợi gì thì ta mới theo. Trái với các tôn giáo khác, làm cho ta tô đắp cho bản ngã của mình, chỉ có đạo Phật là hướng ta về vô ngã, giác ngộ, xóa bỏ hoàn toàn cái “tôi”. Thật vậy, trước Phật, đạo lý “Vô ngã” này không ai nói ra, cũng không ai dám nghĩ đến và mãi mãi sau này cũng vậy, trừ những đệ tử chân chính của Phật. Nói đến đây ta thấy, vô ngã là một điều rất kì lạ. Ngay cả những bậc thầy của Đức Phật cũng không đủ kiến thức để trả lời. Thế nên, Phật đành phải tự tìm con đường tu hành cho bản thân. Cuối cùng, Ngài đã tìm ra chân lí giác ngộ, phù hợp và đi trước cả khoa học, dạy con người ta thoát được vô minh, chấp ngã. Đến nay, những chân lí ấy vẫn xứng đáng là chân lí của toàn vũ trụ, chứ không phải riêng hành tinh này. Thượng tọa giả dụ, những người ngoài hành tinh là những người có trí tuệ cao tột, chỉ cần quét một vòng là có thể nhìn thấu mọi việc. Một ngày nào đó, họ chịu nói chuyện với chúng ta thì chỉ có thể là vì cái chân lí tối cao vô ngã, nhân quả mà hơn 2500 trước, Đức Phật đã nhắc đến mà thôi. Và sự giác ngộ, vô ngã đó đã biến thành sự yêu thương vô tận đối với tất cả chúng sinh. Bình thường, chúng ta vẫn yêu thương nhưng sự yêu thương đó rất nhỏ bé, chỉ giới hạn ở một vài người. Mà khi yêu thương, chúng ta đều có một tính chất giống nhau là hi sinh cái “tôi”, cái “muốn” của bản thân, vậy mới gọi là thương người khác. Đó là nguyên tắc tâm lí. Và người nào tuyệt đối quên mình thì người đó yêu thương được tất cả chúng sinh. Đức Phật chính là một Người như thế, vô ngã hoàn toàn. Ngài đã trở thành nguồn yêu thương vô tận đối với tất cả chúng sinh. Đến nay, Đức Phật đã nhập Niết bàn nhưng nguồn yêu thương đó chưa bao giờ tắt. Hằng ngày, chúng ta quỳ dưới chân Ngài để cầu xin những điều rất ích kỉ. Vậy nhưng, Ngài vẫn lắng nghe, vị tha và gia hộ cho chúng ta. Bên cạnh đó, cũng có những người cầu nguyện những điều rất cao thượng như: mong Quốc thái dân an, mọi người sống yêu thương, tử tế. Nhờ điều này mà tâm hồn họ được mở rộng, trở nên thanh cao, đẹp đẽ. Ngoài ra, chính những lời cầu nguyện cao đẹp đó đã góp phần dẫn dắt đất nước, hỗ trợ cho sự lãnh đạo của các vị cán bộ, giúp Quốc gia vượt qua những khó khăn, dần đi lên, bắt kịp thế giới. Vậy mới nói, dù Phật nhập Niết bàn nhưng sự yêu thương của Ngài vẫn tràn đầy, dạt dào không bao giờ tắt. Nhân quả mà Phật dạy ta rất mênh mông. Trong đó có nói, nếu ta có tâm kính trọng ai thì mới tiếp thu được lời dạy của những người đó. Giống như các cụ ta vẫn dạy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Nguyên tắc tâm lí ở đây là ta có kính trọng thầy cô thì mới học giỏi. Còn nói theo Nhân quả, ta kính trọng ai thì dần dần sẽ trở nên giống người đó. Ví dụ, ta ngưỡng mộ một vị tướng oai hùng, dũng cảm, có những lời thề cảm động thì dễ trở thành người giống vậy. Ngưỡng mộ một bác sĩ tận tụy khám chữa bệnh thì dễ lọt vào ngành y, trở thành người vị tha, nhân ái. Ai ngưỡng vọng Bác Hồ thì dễ trở thành Bậc lãnh đạo. Hay những người xuất gia được là vì kiếp trước đã cung kính, cúng dường một bậc cao Tăng hay bậc Thánh nào đó. Nhân quả là vậy. Nghĩa là, ta kính điều gì, thì thành tựu được điều đó. Và ngược lại, ta nói xấu, coi thường những bậc đáng kính thì ngày nào đó, tâm mình khởi lên những điều ác, thích làm những chuyện tội lỗi, rồi tự nó dắt ta đi mà ta không thể cưỡng lại được. Cuối cùng, vướng phải vòng lao lí, làm bại hoại thanh danh của bản thân, gia đình. Như hôm nay, ta ngồi đây tôn vinh Phật, đọc kinh kệ của Ngài thì tin rằng 20 – 30 năm sau ta sẽ được người đời ca ngợi, vinh danh mà không biết vì sao. Chỉ cần từ giờ đến lúc đó, ta cứ làm những việc tốt, cái phước từ đó được tích lũy lại, cho đến ngày ta được cộng đồng ca tụng, gia đình cũng được vinh dự lây. Người khẳng định, suy cho cùng, cái thôi thúc tâm ta làm việc thiện hay việc ác, đều bắt đầu bằng tâm tôn kính hay bất tôn kính. Cái then chốt nằm tại chỗ này. Tuy nhiên, thật khó mà nhìn thấy nhân quả. Nhưng hiểu được nhân quả, tâm ta mới được hạnh phúc. Và với các đệ tử Phật, niềm hạnh phúc cao tột chính là được quỳ dưới chân Phật để dâng lên lòng tôn kính tuyệt đối của mình với bậc Thánh siêu phàm của thế giới, vũ trụ này. Thượng tọa lí giải, quỳ dưới chân Phật mà khởi lên được lòng tôn kính tuyệt đối thì ta được cái phước lạc cực lớn ở mai sau. Nhờ có sự xuất hiện của Ngài mà trần gian này mới có những chân lí tuyệt vời, đúng đắn, khoa học, bác ái, từ bi đến vậy. Thêm nữa, có cái lẽ phải đã rất khó, việc giữ gìn nó còn khó hơn gấp hàng nghìn lần. Nguyên nhân là do cái bản năng của con người quá lớn. Có lẽ vậy mà Phật mới đến đây, cho chúng ta thấy lẽ phải không tự tồn tại và phát triển, mà nó cần phải được gìn giữ, bảo vệ hết sức vất vả bằng sự tu hành nơi các chúng sinh. Ta tin tưởng rằng, lẽ phải được lan truyền đến đâu thì nơi đó có tình thương và hạnh phúc.
Sau những lời chia sẻ của Thượng tọa, tiếp theo Ban tổ chức đã tiến hành các nghi thức quan trọng trong Đại lễ tại Lễ đài chính. Thực sự, những lời thuyết giảng của Thượng tọa đã khơi dậy lịch sử hơn 2500 năm về trước, phác họa lại cuộc đời, con người, đạo hạnh và trí tuệ của Đức Phật, đánh thức niềm tự hào nơi con tim mỗi người phật tử. Có thể nói, niềm tự hào ấy chưa bao giờ tắt nhưng chắc chắn cũng chưa bao giờ mạnh mẽ, sâu sắc như mỗi dịp Lễ Phật đản. Thêm nữa, chưa bao giờ những đạo lí của Phật lại cần thiết như ngày hôm nay, khi mà vật chất lên ngôi, con người vì chút lợi ích cá nhân trước mắt mà quên đi bổn phận, nghĩa vụ của mình với đất nước và những người xung quanh. Thay vì nhân ái, vị tha, con người dần trở nên thực dụng, mưu mô, độc ác. Đã có rất nhiều lời dự báo về chiến tranh thế giới thứ II hay ngày tận thế của trái đất. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa thành hiện thực bởi lẽ những đạo lí Phật dạy đang dần được lan tỏa rộng rãi, khiến chúng sinh nhận ra giá trị của tình yêu thương, sự hy sinh, phụng sự,… Do vậy, cần phải lan tỏa các đạo lí ấy mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa, trái đất mới mong tránh được bờ diệt vong. Đây cũng là thông điệp mà Thượng tọa muốn gửi đến tất cả các phật tử sau buổi Lễ này./. Bài, ảnh: Tâm Trụ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |