Chi tiết tin tức

Khánh Hòa: “Một ngày an lạc” tại chùa Linh Sơn Pháp Ấn

17:45:00 - 25/06/2015
(PGNĐ) -  Sáng ngày 25-6 (10-5 Ất Mùi), dù thời tiết nắng nóng oi bức nhưng hơn 300 Phật tử đã vân tập về chùa Linh Sơn Pháp Ấn (Suối Cát, Cam Lâm, Khánh Hòa) để dự khóa tu “Một ngày an lạc” theo định kỳ vào ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng.

Sau khóa lễ kinh hành niệm Phật, Thượng tọa Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Linh Sơn Pháp Ấn đã có bài pháp thại ngắn về công công đức hộ trì Tam bảo trong ba tháng An cư kiết hạ. Theo kinh điển, buông xả là một chuẩn mực đạo đức của người cư sĩ, cúng dường người xuất gia là một trong những cách thức thể nghiệm tâm buông xả. Hơn nữa, đã là một người đệ tử Phật, thì phải có trách nhiệm đến sự suy vong hay phát triển của đạo pháp. Sự hiện hữu của người xuất gia là sự hiện hữu của Tam bảo. Góp duyên để người xuất gia hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đồng nghĩa với hạnh nguyện hộ pháp. Đây chính là phương diện tích cực trong trách vụ hỗ trợ người xuất gia. đồng thời khuyên Phật tử luôn ý thức việc tu tập theo pháp môn Tịnh độ.

Tiếp đó, đại chúng trang nghiêm lắng nghe pháp thoại “Tu như thế nào để có được an lạc, hạnh phúc” do Đại đức Thích Giác Phổ, Phó Ban Hoằng pháp GHPG tỉnh Đắc-Lắc, trú xứ tịnh xã Ngọc Quang, thành phố Buôn Ma Thuột.

 

Đại đức giảng sư bắt đầu bài thuyết giảng bằng câu chuyện vào thời Thế Tôn, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika, có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, kính lễ Thế Tôn rồi thưa hỏi: “Chư thiên và loài người/ Suy nghĩ về hạnh phúc/ Ước mong được hạnh phúc/ Chơn hạnh phúc là gì?”

Thế Tôn đáp kệ rằng: “Kẻ si mê nên tránh/ Bậc hiền đức phải gần/ Cung kính người đáng kính/ Ấy là chơn hạnh phúc…”

Là Phật tử, chúng ta cần xác định rõ:

- Các pháp vốn vô thường, vật chất là của 5 nhà: giặc cướp, nước trôi, lửa cháy, con hư phá tán, nhà nước sung công; muốn biến tài sản thành chơn thường phải chọn nghề nghiệp đúng chánh pháp (chánh nghiệp). Trong số lợi nhuận có được nên chia thành 3 phần: Nhập vốn làm ăn; Hiếu dưỡng cha mẹ, lo cho gia đình con cái…; Cúng dường, bố thí.

- Phải buông xả, không tham đắm vào tài, sắc, danh, thực, thùy vì năm dục là tai họa. Theo thế gian hạnh phúc là được thỏa mãn những ham muốn của mình, nhưng theo đạo Phật càng ham muốn nhiều càng khổ nhiều vì ham muốn của con người là vô cùng vô tận mà sức lực của con người lại hữu hạn. Một khi ham muốn không được thỏa mãn thì đau khổ (cầu bất đắc khổ). Chỉ khi nào chúng ta tự biết đủ hay không còn chạy theo ham muốn thì chúng ta mới thật sự yên ổn nơi thân tâm.

- Sau khi đã quy y Tam bảo phải giữ gìn giới luật vì giới luật mà Đức Phật đã ban hành không phải là những điều răn tiêu cực mà rõ ràng xác định ý chí hành thiện. Những giới luật này là những quy tắc đạo lý nhằm tạo dựng một xã hội châu toàn bằng cách đem lại hòa hợp, thuận thảo và sự hiểu biết lẫn nhau giữa người với người.

Giới là  nền tảng vững chắc trong lối sống của người Phật tử. Người quyết tâm tu hành thiền  định để phát trí huệ, phải phát tâm  ưa thích giới đức, vì  giới đức chính là  yếu tố bồi dưỡng đời sống tâm linh, giúp cho tâm dễ dàng an trụ và  tĩnh lặng. Người có tâm nguyện thành đạt trạng thái tâm trong sạch cao thượng nhất hằng thực hành pháp thiêu đốt dục vọng, chất liệu làm cho tâm ô nhiễm. Người ấy phải luôn suy tư rằng: “Kẻ khác có thể  gây tổn thương, nhưng ta quyết không làm tổn thương ai; kẻ khác có thể  sát sanh, nhưng ta quyết không sát hại sinh vật; kẻ  khác có thể lấy vật không được cho, nhưng ta quyết không làm như  vậy; kẻ khác có thể  sống phóng túng lang chạ, nhưng ta quyết giữ  mình trong sạch; kẻ khác có  thể ăn nói giả dối  đâm thọc, hay thô lỗ  nhảm nhí, nhưng ta quyết luôn nói lời chân thật, đem lại hòa hợp, thuận thảo, những lời vô  hại, những lời thanh nhã  dịu hiền, đầy tình thương, những lời làm  đẹp dạ, đúng lúc  đúng nơi, đáng được ghi vào lòng, cũng như  những lời hữu ích; kẻ  khác có thể tham lam, nhưng ta sẽ  không tham; kẻ khác có  thể để tâm cong quẹo quàng xiên, nhưng ta luôn giữ  tâm ngay thẳng.

Bài pháp của Đại đức giảng sư tuy giản đơn bình dị song lại thâm thúy, chân thành đã khai ngộ cho đại chúng cần nỗ lực bỏ ác làm lành để không còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi.

Buổi chiều sau khóa lễ tụng Kinh Di Đà là chương trình Phật pháp vấn đáp, đại chúng lần lược nêu những câu hỏi xoay quanh chủ đề của bài pháp thoại buổi sáng và những thắc mắc trong quá trình tu học

Thời pháp khép lại trong niềm hoan hỷ của hành giả "Một ngày an lạc". Qua thời pháp nhũ này, hàng Phật tử có thêm tư pháp quý báu để làm hành trang vô giá trên bước đường đi đến giải thoát...

 

 

Tin ảnh: Quảng Ấn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin