Chi tiết tin tức Thái Bình: TT. Chân Quang nói pháp thoại về một đạo Phật đẹp như thế nào 15:52:00 - 24/09/2014
(PGNĐ) - Sáng ngày 20/09/2014, TT Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã về thăm và thuyết Pháp tại chùa Diên Phúc hay còn gọi là chùa Bơn (thuộc xã Hồng Châu – huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình) nhân dịp trùng tu, phục dựng ngôi chùa này.
Tại đây, Thượng tọa đã có buổi nói chuyện với các phật tử về chủ đề ĐẠO PHẬT ĐẸP NHƯ THẾ NÀO, nhằm giúp các phật tử hiểu và phát lòng tin sâu đối với Phật pháp, đồng thời giữ cái mối đạo này cho con cháu, cho quê hương mình đời đời. Tham dự buổi thuyết Pháp có Chư tôn đức Tăng Ni cùng đông đảo Khách chính quyền và trên 800 đồng bào phật tử tại địa phương cũng như các nơi quy tựu về. Vào đầu, Thượng tọa đã bày tỏ niềm vui của mình khi được về thăm chùa Diên Phúc nhân dịp hoàn thành việc trùng tu. Người khẳng định việc trùng tu, khôi phục chùa là một công đức rất lớn trong đạo Phật, mà công đầu thuộc về người đã đứng ra vận động, tổ chức và sắp xếp mọi công việc. Tuy nhiên, chùa cần có vị tu hành chân chính để dân làng được học hỏi, nương tựa tinh thần vào Phật - Pháp - Tăng và cho họ cảm nhận “Ngôi chùa” thật gần gũi, hữu ích, thân thiện, không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ai cũng biết vật chất, danh vọng phù phiếm rồi cũng sẽ qua nhưng tâm linh để nương tựa tinh thần thì kéo dài mãi mãi qua nhiều kiếp. Do vậy, trong ngôi làng có được nhiều ngôi chùa như thế thì rất là ấm cúng, sẽ không còn chỗ cho một tôn giáo mới nảy sinh và phát triển. Tuy nhiên, để tu tập tốt thì mọi người phải hiểu những căn bản, cái cốt lõi nhất của đạo Phật, đặc biệt là những đặc trưng cơ bản, là những nét đẹp riêng biệt của nó so với các tôn giáo khác là gì. Nói về đạo Phật thì chúng ta biết chùa là đạo Phật. Ông bà chúng ta theo đạo Phật nên mình cũng theo đạo Phật và cảm thấy mình không có duyên với đạo nào khác. Tuy nhiên, chúng ta lại không biết đạo Phật đẹp như thế nào, không biết cả thế giới tôn sùng đạo Phật ra sao. Chúng ta không biết cũng phải vì thế giới có nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo tồn tại, phát triển trong một vùng lãnh thổ và được truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, trong thời đại hội nhập quốc tế thì vấn đề giao lưu, chia sẻ thông tin lan truyền rất nhanh, nên việc tìm hiểu về các tôn giáo cũng tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng. Và trước sự đối thoại giữa các tôn giáo, con người hôm nay có nhiều quyền lựa chọn hơn. Việc nhìn và đối thoại trực tiếp sẽ giúp chúng ta thấy hết ưu, nhược điểm của mỗi tôn giáo. Ví dụ nếu có một tôn giáo mà họ có vẻ hung hăng, tàn bạo, hoặc tà bậy, sai lầm thì ngày nay cả thế giới nhìn thấy không che đậy được. Cũng vậy, trước sự săm soi của cả nhân loại thì đạo Phật cũng bị bộc lộ, phơi bày ra hết. Khách quan mà nói, đạo Phật trong quá trình đối thoại với các tôn giáo khác đã bộc lộ ra vô số điều dễ thương nên ta hạnh phúc khi theo đạo Phật. Niềm hạnh phúc này sẽ được truyền lại để con cháu ta cũng được hưởng. Thế giới khoa học ngày càng tiến bộ thì con người ngày càng ngả về đạo Phật, đặc biệt là những người tri thức. Họ so sánh các tôn giáo trên thế giới và thấy đạo Phật là một tôn giáo đẹp, tiến bộ, văn minh, dẫn dắt được tinh thần cho nhân loại về sau và đạo Phật là một đạo đang chinh phục thu hút hàng trí thức Âu Mỹ. Để chứng minh điều này, Thượng tọa đã chỉ ra một số nét đẹp cơ bản của đạo Phật như sau: - Thứ nhất, đạo Phật là một tôn giáo hiền lành nhất thế giới, vì Đức Phật đặt vấn đề không gây tổn hại đến muôn loài là cái giới luật hàng đầu. Theo đó, mọi người không được nói một lời để làm người khác buồn lòng, hay không đánh không bảo đánh và không giết không bảo giết. Nếu thấy cảnh cải vả, giết hại cũng không được hùa theo. Như vậy việc hiền lành của đạo Phật dựa trên cả ba trạng thái, đó là: tâm hồn, lời nói và hành động (tức hành động không có đánh giết, miệng không có xúi đánh giết, và trong tâm không hùa theo sự đánh giết đối với ai hết). Do đó, đạo Phật cực kỳ hiền lành. Chúng ta sống gần một người tu theo đạo Phật thì rất yên tâm vì họ chẳng bao giờ làm tổn thương ta dù là một lời nói. Tuy nhiên, trên thế giới có những quốc gia sự hiền lành của đạo Phật gần như cực đoan, khiến chùa chiền bị san bằng, kinh điển bị tiêu hủy đưa đến Phật giáo bị xóa sổ (Ấn độ), điều này chúng ta phải xét lại. Riêng đạo Phật tại Việt Nam thì sự hiền lành có chừng mực, có cái trung đạo và vừa phải. Biểu hiện rõ nhất là đời Lý - Trần - đạo Phật làm quốc giáo và qua hai cuộc kháng chiến thần thánh thời chống Pháp, chống Mỹ, nhiều nhà sư đã cởi áo cà sa, khoác chiến bào đi chiến đấu. Thời ấy đã có nhiều chùa là căn cứ cách mạng, là nơi nuôi giấu cán bộ. Biểu hiện đó cho thấy đạo Phật đã xác định lập trường của mình là đứng về phía dân tộc. Khi có một sự tổn hại đến quyền lợi của đất nước thì đạo Phật cũng đã rất anh dũng đứng lên cùng với nhân dân cả nước để bảo vệ cái độc lập tự do của đất nước mình. Có thể nói, đây là một sự điều chỉnh đáng khen của đạo Phật Việt Nam. Ngoài ra, đạo Phật Việt Nam còn nhiều cái độc đáo khác nữa. Ví dụ như ta có một Giáo hội là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Trong hiến chương ghi rõ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt, chứ không có tổ chức thứ hai. Tức là bao nhiêu hệ phái, bao nhiêu tông phái (Bắc tông, Nam tông, Tịnh độ, cư sĩ, v.v…) cũng đều nằm trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, chỉ vì tinh thần của đạo Phật là sống hiền lành, hòa hợp và không phân biệt. Chính tinh thần này mới đem lại hòa bình cho thế giới. Cho nên, đạo Phật là một tôn giáo hiền lành nhất thế giới và chúng ta tu theo đạo Phật thì cũng phải trở thành người hiền lành nhất. - Thứ hai, đạo Phật là một tôn giáo nói về Luật Nhân Quả công bằng, nhất thế giới. Đạo Phật đưa ra một Luật Nhân Quả tinh vi, cặn kẽ, sâu sắc, chi tiết nhất để dạy cho đời “Thế nào là công bằng”, và Thượng tọa đã phân tích nêu bật giá trị của Luật Nhân Quả này, đồng thời Người nhắc nhở: Chúng ta khi đến với đạo Phật thì phải tin và hiểu Luật Nhân Quả cho sâu sắc, kĩ lưỡng. Quả báo thường tàn nhẫn, khốc liệt lắm nên trước khi làm một việc gì, mọi người phải suy tư về nhân quả của nó, phải suy nghiệm tới quả báo về sau rồi hãy làm, hãy nói. Tu theo đạo Phật thì ta phải tin vào điều này để ứng dụng vào trong cái tư duy, cái suy nghĩ và hành động của mình vào mọi công việc hằng ngày. Thế giới cũng vậy, thử hỏi tại sao đất nước đó phải đi qua chiến tranh, tại sao đất nước kia hùng mạnh, tất cả đều có cái nhân quả sâu xa chứ chẳng có chuyện gì ngẫu nhiên cả. Trong Kinh Pháp Cú (câu 127), Đức Phật đã nói rõ “Không nơi nào trên đời này dù trên trời, dưới biển, hay trong hang đá mà người làm điều ác có thể tránh được hậu quả của hành động bất thiện”. Chúng ta phải tin rằng trong mấy điều cơ bản để bảo đảm cho con người được hạnh phúc, an lạc là phải tin sâu và hành động theo Luật Nhân Quả. - Thứ ba, đạo Phật là một tôn giáo nói về tình thương vô hạn nhất thế giới. Thứ tư, đạo Phật là một tôn giáo có lý giải về vũ trụ sâu sắc nhất không đạo nào bằng. Thứ năm, đạo Phật là một tôn giáo có mục tiêu tu hành kỳ lạ nhất thế giới, đó là mục tiêu vô ngã. Thứ sáu, đạo Phật là một tôn giáo có một đặc tính rất là dễ thương đó là đồng hành cùng dân tộc nhất. Thứ bảy, đạo Phật là một tôn giáo tiến bộ nhất trong các tôn giáo trên thế giới, vì những người tu theo đạo Phật cư xử với nhau không có mạnh được, yếu thua. Và Thượng tọa đã phân tích lý giải từng cái hay nhất đó của đạo Phật, hướng một nội dung dễ hiểu, dễ chấp nhận đến với mọi người đã làm cho đại chúng tỏ lòng cảm phục, xúc động và hiểu về đạo Phật hơn. Cuối cùng, Thượng tọa khẳng định đạo Phật rất dễ thương, đẹp như thế nhưng để thực hành theo thì cực kỳ khó vì ta phải chiến đấu với chính bản thân mình. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên đến chùa, ngồi thiền định tâm, diệt trừ bản ngã. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đủ bản lĩnh để đối diện với con người thực của mình. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để người phật tử học tập và tìm hiểu đạo Phật một cách cặn kẽ. Khi bắt đầu tu học, quan trọng nhất là sự hiểu biết chân chính để chúng ta không bị nhầm lẫn hoặc dễ bị chao đảo bởi những tư tưởng đối nghịch của những người ngoài đạo. Đó là nội dung chủ yếu của bài nói chuyện này. Thiết nghĩ, đạo Phật là đạo sống, do đó tu theo Phật thì chúng ta phải ứng dụng, thực hiện những gì mà làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn thì mới đúng là một phật tử chân chính có lòng yêu quý đạo Phật. Nguyện cầu Phật pháp trải khắp muôn phương và trường tồn mãi mãi. Sau buổi thuyết Pháp, nhà chùa còn tổ chức Lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 100 phật tử. Buổi Lễ do chư Tăng Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) chủ trì giảng giải về ý nghĩa Quy y Tam Bảo và phương pháp thọ trì Tam quy – Ngũ giới – Bảy điều nguyện./.
Tâm Trụ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |