Chi tiết tin tức

Phật giáo Trà Vinh: Phát triển trong tinh thần đoàn kết...

19:20:00 - 21/08/2017
(PGNĐ) -  “Trong 5 năm qua, Phật giáo Trà Vinh luôn phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp trong tổ chức nội bộ, trong công tác Phật sự, và nhất là sự đoàn kết hòa hợp một cách hài hòa, giữa các hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ trong toàn tỉnh, tạo nên sự tu học và sinh hoạt ổn định, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của Phật giáo tỉnh nhà”, HT.Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh cho biết như vậy, khi nói về những nhân tố tạo nên thành tựu của Phật giáo Trà Vinh nhiệm kỳ V (2012-2017).

Ngoài ra, Phật giáo tỉnh đã kế thừa những thành tựu đạt được từ những nhiệm kỳ trước, dựa trên tinh thần Nghị quyết Đại hội V của BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh, hoạch định phương hướng công tác Phật sự phù hợp với Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước, đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà. 
 

travinhtinh.jpg
Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội tại tỉnh Trà Vinh - ảnh: Trí Minh


Thành tựu nhiều Phật sự nổi bật 

Phật giáo tỉnh Trà Vinh hiện có 250 tự viện (nhiệm kỳ IV là 234 tự viện), trong đó Phật giáo Nam tông Khmer có 143 tự viện, Phật giáo Bắc tông có 94 tự viện, Nam tông Kinh có 4 tự viện và Khất sĩ có 9 tịnh xá, với tổng số Tăng Ni là 3.598 vị (nhiệm kỳ IV là 3.522 vị). 

Nói về những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ V, Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Trà Vinh cho biết thêm, trong thời gian qua, các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh phần lớn được trùng tu và xây dựng khang trang, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, góp phần vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Cụ thể, được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, việc trùng tu cơ sở tự viện của Giáo hội được nhiều thuận lợi. Phật giáo Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông Kinh có nhiều tự viện được cấp phép xây dựng, trùng tu, sửa chữa khang trang, nhiều cảnh chùa xây dựng theo kiến trúc truyền thống văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc.

 “Riêng Phật giáo Nam tông Khmer, các chùa trùng tu, xây dựng lại được 59 chánh điện, 134 trai đường, 225 Phật đường, 201 phòng học Pali và nhiều công trình phụ, cải thiện môi trường cảnh quan tăng thêm nét đẹp cổ kính nơi thờ tự”, Hòa thượng chia sẻ. 

Hiện nay hầu hết các tự viện trong tỉnh đều được công nhận cơ sở thờ tự, tôn giáo tín ngưỡng văn minh, 6 tự viện được công nhận di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, cách mạng cấp quốc gia, 12 tự viện được công nhận di tích lịch sử văn hóa kiến trúc, cách mạng cấp tỉnh. 

Từ khi thành lập BTS (1992) đến nay, công tác giáo dục đào tạo không ngừng phát triển về mọi mặt, thành tựu nhiều Phật sự quan trọng, trong đó việc đào tạo Tăng Ni trẻ có năng lực, trình độ Phật học luôn được chú trọng để có đủ trình độ phục vụ nhu cầu Phật sự của Giáo hội nói chung và Phật giáo tỉnh nhà nói riêng. Trong nhiệm kỳ V, toàn tỉnh có hơn 100 vị đang theo học các chương trình Phật học và thế học trong và ngoài nước. Có 45 Tăng Ni sinh tốt nghiệp khóa IV, khóa V và 60 Tăng Ni sinh đang theo học Trường Trung cấp Phật học tỉnh. Trường Trung cấp Pali Khmer tỉnh hiện có 95 Tăng sinh đang theo học, và đã tốt nghiệp ra trường 27 vị. 

Với đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer, các sư luôn có một vị trí đặc biệt trong cộng đồng, không chỉ là người hướng dẫn tín đồ, Phật tử về mặt tâm linh mà còn là người thầy giúp đỡ, hướng dẫn trong đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục…, lại được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong hoạt động văn hóa nên hàng năm có 100% các chùa mở lớp học khác nhau như lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, lớp học hè cho các con em Phật tử, lớp Pali - Khmer với số lượng cụ thể như sau: Ngữ văn Khmer mở được 5.086 phòng, có 114.848 học viên; sơ cấp Pali - Khmer mở được 639 phòng, có 14.816 học viên; trung cấp Pali - Khmer mở được 78 phòng, có 2.332 học viên. 

Lĩnh vực hoằng pháp tại các đạo tràng trong và ngoài tỉnh, nhất là ở các huyện, xã, vùng sâu vùng xa, và tại các lễ hội lớn như Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan, Chôl-Chnam Thmây, Sêne Đônlta, Ca-thi-na, Ok-om-bok...được chư tôn đức rất chú trọng và đều cử giảng sư đến thuyết giảng, “nhờ vậy đã phát huy niềm tin chân chính vào đạo pháp, ngăn chặn kịp thời những âm mưu của một vài cá nhân lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo gây chia rẽ truyền thống đoàn kết, hòa hợp của Phật giáo và dân tộc”, HT.Thạch Sok Xane khẳng định. 

Từ thiện xã hội được xem là một trong những công tác quan trọng của Phật giáo tỉnh, vì thế BTS thường kêu gọi Tăng Ni và Phật tử ủng hộ tài vật, cứu trợ đồng bào nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn đồng thời hỗ trợ nhiều ca mổ đục thủy tinh thể, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, xây cầu, đắp đường, cho xuồng, giếng nước sạch, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, hàng trăm tấn gạo, trợ cấp áo quan, trợ cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... 

Hiện nay, toàn tỉnh có 6 Tuệ Tĩnh đường, phòng phát thuốc từ thiện và phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc tại các cơ sở Phật giáo, hoạt động có hiệu quả, khám bệnh, châm cứu, bấm huyệt và bốc thuốc Nam giúp đỡ bà con nghèo trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Phật giáo tỉnh có Nhà dưỡng lão tại chùa Liên Bửu (huyện Châu Thành) và Trung tâm Bảo trợ xã hội, Nhà dưỡng lão tại chùa Long Hòa (huyện Trà Cú) nuôi và cấp dưỡng cho các cụ già và trẻ em cơ nhỡ... Trong nhiệm kỳ vừa qua, tổng kinh phí từ thiện đã thực hiện trên 181 tỷ đồng. 

Những hạn chế trong nhiệm kỳ

“Bên cạnh những thành tựu vừa nêu trên, BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh vẫn không sao tránh khỏi những tồn đọng trong nhiệm kỳ, đó là việc phân công, phân nhiệm đội ngũ văn phòng chưa rõ ràng, cho nên việc thụ lý và giải quyết hồ sơ có phần chậm trễ, chưa đáp ứng được nhu cầu của Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh”, Hòa thượng Trưởng BTS Phật giáo tỉnh cho biết. 

Hòa thượng nói thêm: “BTS các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo về Văn phòng BTS tỉnh chậm so với thời gian quy định, nên việc tổng kết công tác Phật sự của Giáo hội tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc gửi báo cáo về Văn phòng HĐTS và tổ chức hội nghị sơ kết và tổng kết cuối năm của Phật giáo tỉnh, có lúc chưa đúng với thời gian quy định.

Công tác giáo dục và đào tạo Tăng Ni kế thừa được quan tâm nhưng chưa đúng mức, nhất là sự quan tâm, hỗ trợ của các tự viện, Tăng Ni đối với các trường Phật học của tỉnh. Đối với Tăng Ni đi học ngoài tỉnh và du học ngoài nước chưa có sự hỗ trợ, vì thế Tăng Ni sinh còn gặp không ít khó khăn về vấn đề tài chính”. 

Từ những hạn chế trên, HT.Thạch Sok Xane kiến nghị: “Mong Hội đồng Trị sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục Tăng Ni; lãnh đạo tỉnh và địa phương quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến việc tạo điều kiện thuận lợi để BTS tỉnh được thành lập các cơ sở tôn giáo trực thuộc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo và tu học của người dân, của Phật tử ở những nơi chưa có tự viện”.
 

 

 

Nói về dự thảo phương hướng nhiệm kỳ VI (2017-2022), HT.Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh, cho biết:

travinhtinh.png

 

“Sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết hòa hợp, hoàn thành các công tác Phật sự do TƯGH giao phó và đại hội đề ra, hoạt động hữu hiệu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Củng cố nhân sự các ban ngành trực thuộc BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh, với thành phần nhân sự hài hòa giữa các hệ phái và Tăng Ni.

Tiếp tục quan tâm đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Phật học và Trường Trung cấp Pali Khmer của tỉnh. Mở nhiều lớp Pali giáo lý Phật học các cấp tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer, mở khóa đào tạo ngắn hạn về hoằng pháp, giáo dục, bồi dưỡng trụ trì, nghiệp vụ hành chánh văn phòng… 

Hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học và sinh hoạt đúng theo Hiến chương, Nội quy Tăng sự của GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Tiếp tục phát huy tốt mối quan hệ thường xuyên với các cơ quan, ban ngành tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và địa phương, đoàn thể các cấp và tôn giáo bạn, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi các vấn đề có liên quan. 

Tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng văn phòng làm việc của BTS GHPGVN tỉnh Trà Vinh tại chùa Lưỡng Xuyên. Trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ (2017-2022), Ban Thường trực Ban Trị sự phải hoàn thành việc xem xét, chuẩn y nhân sự và đề ra quy chế hoạt động của các ban ngành trực thuộc…”. 

 

 

 

Như Danh

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin