Chi tiết tin tức

Nam Định: Lễ giỗ Tổ Tuệ Tạng, vị Thượng thủ Tăng già toàn quốc đầu tiên, tại Tổ đình Vọng Cung

17:49:00 - 20/05/2015
(PGNĐ) -  Sáng ngày 20.5 (tức ngày 03/4/Ất Mùi), Ban Trụ trì Tổ đình Vọng Cung và cùng đạo tràng tứ chúng đã long trọng tổ chức Lễ Húy nhật lần thứ 56, ngày viên tịch của đức Thượng thủ đầu tiên của Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Thi đạo hiệu Tuệ Tạng.

Về chứng minh và tham dự buổi lễ có sự hiện diện TT.Thích Quảng Hà, PCT HĐTS GHPGVN, Phó ban TT BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; TT. Thích Thanh Huân, UV TT HĐTS kiêm Phó VP 1 TW GHPGVN; TT.Thích Thanh Giác, TT.Thích Tâm Thiệu, TT. Thích Thanh Định đồng UV HĐTS GHPGVN cùng chư Tôn đức lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội… và thập phương chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử về dự lễ.

 

Đại đức Thích Thanh Hải và ban Kinh sư cúng Phật

 

Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Thi, đạo hiệu Tuệ Tạng, thế danh Trần Thanh Thuyên, sinh năm Canh Dần (1889) tại làng Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Thân phụ Ngài là ông Trần Tín tự Phúc Châu, thân mẫu là bà Vũ Thị Tú hiệu Diệu Hòa.

Năm 14 tuổi (1903), Ngài đã phát tâm đầu Phật xuất gia làm đệ tử Hòa thượng chùa Phúc Lâm (Lương Xá thượng) thuộc xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, sớm tối chăm chỉ học tập, lễ bái hầu Thầy một lòng tinh tấn.

Năm 1905, Ngài được truyền Sa Di giới. Tuy ít tuổi nhưng tinh cần và khí phách trượng phu, Ngài được Sư trưởng cử đi trụ trì chùa Cồn (Quy Hồn), ấp Văn Lý, Nam Định.

Năm 1909, Ngài đăng đàn thụ giới Tỷ khiêu tại Đại giới đàn chùa Phúc Lâm. Hầu Thầy được hai năm thì Sư trưởng viên tịch. Từ đó Ngài tham phương tầm Sư học đạo: khi thì Tổ đình Vĩnh Nghiêm, lúc ở Tế Xuyên thiền viện... Ở đạo tràng nào Ngài cũng được thầy mến bạn yêu, tinh tấn tu học.

Trong Tam Tạng giáo điển, Ngài rất chú trọng về Luật Tạng, nổi tiếng nhớ Luật và trì Luật bậc nhất. Ngoài ra, cả ngoại khoa như Nho, Lão, Lý số Ngài cũng quán triệt, và văn chương thơ phú cũng rèn luyện tinh thông.

Năm 1920, Ngài cùng Sư Tổ chùa Dương Lai, chùa Duyên Bình, chùa Quế Phương tỉnh Nam Định lập Hội Tiến Đức Cảnh Sách để thâu nhận những Tăng Ni hữu học có đức hạnh, thành một đoàn thể không phân biệt sơn môn này hệ phái nọ; ngõ hầu sách tấn lẫn nhau trên đường tu học, làm đống lương cho Phật pháp sau này. Trụ sở đặt tại chùa Quế Phương, Sư Tổ chùa Dương Lai làm Hội trưởng, Ngài giữ chức giáo sư Luật học.

Năm 1934, miền Bắc dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo, Ngài rời chùa Quy Hồn cùng với Tổ chùa Trung Hậu, chùa Bằng Sở, hai Ngài Tố Liên, Trí Hải và cư sĩ Nguyễn Hữu Kha sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo, trụ sở Trung ương của hội đặt tại chùa Quán Sứ Hà Nội.

Năm 1935, Ngài giữ chức Giám viện chùa Quán Sứ để quản trị mọi công việc trong chùa.

Năm 1936, trường Tăng Học Bắc Việt thành lập đặt tại chùa Sở. Tổ Bằng Sở giữ chức Đốc giáo, Ngài là Phó đốc giáo kiêm giáo sư Luật học. Hai Tổ Trung Hậu và Bằng Sở nối tiếp nhau viên tịch năm 1940 - 1942, Ngài một mình gánh lấy trách nhiệm nặng nề: Giám quản kiêm Đốc giáo toàn trường.

 

Khóa lễ đại chúng

 

Trong những năm từ 1941-1945, do ảnh hưởng chiến tranh Pháp - Nhật trên đất nước, Ngài đã lãnh đạo dời đổi địa điểm trường Tăng Học Quán Sứ sang Bồ Đề, đến Trung Hậu, lên Cao Phong rồi Hương Hải, và cuối cùng lại về Quán Sứ, trải nhiều gian lao thiếu thốn trong thời chiến tranh, Ngài vẫn dìu dắt Tăng sinh vừa sản xuất (lương thực tiêu dùng) vừa tu học.

Năm 1945, nhận lãnh chức Hội trưởng Hội Việt Nam Phật Giáo, kiêm chánh trụ trì chùa Quán Sứ. Nhưng Ngài vẫn giữ trụ trì chùa Quy Hồn, nơi trụ xứ lúc thiếu thời Ngài đã gắn bó xây dựng. Cuối năm này, nhận thấy tuổi già sức yếu, cùng là để thích hợp với tư trào mới, Ngài ủy thác lại mọi việc cho các danh Tăng trẻ tuổi: Tố Liên, Trí Hải rồi trở về chùa Cồn ở Nam Định để tu dưỡng. Trọng tài mến đức của Ngài, Tăng chúng bốn phương từ Nam Trung Bắc qui về nơi Ngài an dưỡng để học đạo từ 1946 đến 1949, đạo tràng lúc nào cùng trên dưới sáu bảy mươi vị.

Năm 1950, Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt cung thỉnh Ngài trở về chùa Quán Sứ lần nữa giữ chức Đốc giáo trường Tăng Học Bắc Việt ở đây, kiêm chức Trưởng tòa kiểm duyệt Giáo lý Bắc Việt, đồng thời Ngài cũng nhận làm Chứng minh Đạo sư cho Hội Việt Nam Phật Giáo.

 

 

Năm 1951, ông Vĩnh Bảo, hội trưởng Chi hội Phật giáo Nam Định, lên chùa Quán Sứ (Hà Nội) cung thỉnh Ngài về trụ trì chùa Vọng Cung, ở trung tâm thành phố Nam Định. Ngài hoan hỷ thể theo nguyện vọng của Phật tử thành phố Nam Định, Ngài nhận chức trụ trì chùa Vọng Cung. Cũng trong năm này, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Từ Đàm Huế, Hòa thượng nhận ngôi Chứng minh Đạo sư cho Tổng Hội.

Năm 1952, đại biểu Tăng Ni toàn quốc tề tập về chùa Quán Sứ trong thời gian từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 để thảo luận; duyệt định “Quy chế Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc do ba Giáo Hội Bắc Trung Nam dự thảo, và bầu Ban Tổng Trị Sự Trung Ương. Ngài được toàn thể Đại biểu suy tôn lên ngôi Thượng Thủ Tăng Già Toàn Quốc (ngày 7-9-1952), làm thạch trụ cho hết thảy Tăng tín đồ toàn quốc quy ngưỡng. Năm đó Ngài được 63 tuổi.

 

Ban Kinh sư cúng Tổ

 

Năm 1953, Ngài đã soạn thảo và ấn hành “Lá Tâm Thư” đại ý kêu gọi Tăng tín đồ toàn quốc chung sức chung lòng trùng hưng Phật giáo như thời đại Lý, Trần xưa kia.

Từ năm 1954 trở đi, Ngài lui về Nam Định tịnh tâm tu dưỡng. Thế nhưng định luật vô thường rồi cũng đến, nguyện lực hoằng thâm đã viên mãn, thân tứ đại đến lúc trả về cho tứ đại, ngày 3 tháng 4 năm Kỷ Hợi, tức ngày 10 tháng 5 năm 1959, Ngài xả báo thân từ 70 năm qua tại Vọng Cung để nhập về thế giới Niết bàn, vô tung bất diệt, và công đức tu trì 50 hạ lạp.

Trên nửa thế kỷ từ lúc niên thiếu đến giờ phút cuối cùng cuộc đời, Ngài luôn nghiêm trì giới luật, hoằng pháp độ sinh, đào tạo Tăng tài bất kể hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi nào. Là một Luật sư uyên thâm, tiêu biểu nhất của Luật Tông Việt Nam, pháp âm của Ngài là nền tảng vũng bền cho mạng mạch chính pháp lưu truyền như di huấn của Phật Tổ.

Bút tích và tác phẩm Ngài đã soạn và dịch giải để lại :

- Tại gia tu hành.
- Kinh Phạm Võng giải.
- Sa Di luật.
- Lá tâm thư.

Và hàng loạt các sách Luật tạng mà Ngài đã giảng dạy ghi chú, tâm truyền cho những học trò kế tiếp đã là danh Tăng luật sư nổi tiếng sau này như: Hòa thượng Thiện Hòa, Kim Cương Tử, Bình Minh, và các học trò ưu tú khác như Hòa thượng Tâm Thông, Tâm Nguyện…

Có thể nói, cả cuộc đời của đức Thượng thủ là một tấm gương đạo hạnh, một vị chân tu, ưu đời mẫn thế, có một cuộc sống đạm bạc, trì giới, biết quý trọng từng hạt gạo cúng dường, một người sống khiêm cung, hòa đồng với Tăng Ni Phật tử, có đóng góp hết sức quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Bắc và cả nước. Ngài là người thông kinh luật vào loại số một và là vị danh tăng nổi tiếng về luật; có công trong phong trào cứu tế xã hội, cổ vũ phong trào Phật giáo cứu quốc đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc, có công trong sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, giữ nhiều chức vụ quan trọng của Tăng già Phật giáo Việt Nam, ở chức vụ nào Ngài cũng đều hoàn thành xuất sắc trên tinh thần hoà hợp tứ chúng đồng tu, lục hoà đồng trụ…

 

Tin: Hà Thanh Nam - ảnh: Phúc Định

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin