Chi tiết tin tức

Nghe vang lời hịch cha ông

14:51:00 - 04/06/2014
(PGNĐ) -  “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. (1)

Phat hoang.jpg
"Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: ‘Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác’. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu" - Trong ảnh: Tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông trên Yên Tử

Tuyên bố đanh thép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Manila (Philippines) ngày 21-5 vừa qua đang thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, khởi đầu cho một hướng đi của Việt Nam trong hoàn cảnh đối mặt với những thách thức, đe dọa giữa lúc nhà cầm quyền Trung Quốc đang có những động thái ngang ngược, gây căng thẳng trên khu vực Biển Đông, trắng trợn xâm phạm chủ quyền đất nước ta.

Lâu lắm rồi, dư luận rộng rãi trong và ngoài nước lại có dịp cùng biểu thị sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh lời phát biểu chân thành, thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Đây được xem là tiếng nói hợp ý nguyện lòng dân, là kênh đối thoại mang tính đối ngoại truyền thống của lịch sử các nhà nước phương Nam kể từ thời đại phong kiến đến nay, thể hiện tinh ba, khí phách hào hùng của một dân tộc bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược. Xa hơn, tuyên bố này phảng phất bóng dáng và hơi thở lịch sử của các lời hịch hùng hồn giữa ba quân tướng sĩ của biết bao bậc minh quân, danh tướng từng lập nên các chiến công hiển hách trước vó ngựa của đoàn quân viễn chinh nào những Nguyên Mông, Đại Minh, Đại Thanh… bách chiến bách thắng đã giẫm nát nhiều phần đất Âu - Á rộng lớn.

Những ngày này, một vùng Biển Đông sôi sục, nhức buốt… Giàn khoan “khủng” lừng lững như một lãnh thổ quốc gia di động, vây quanh cơ man là tàu to súng lớn, hung hăng đâm va, xịt vòi rồng trấn áp lực lượng chấp pháp Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền. Đội ngũ kiểm ngư, cảnh sát biển và các tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Việt Nam vẫn dũng cảm bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống, khẳng định biển đảo máu thịt của Tổ quốc là bất khả xâm phạm.

Những ngày này, các thế lực xấu ác, thù địch vẫn ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bẻ cong dư luận hòng làm đổi trắng thay đen thế cuộc. Bên cạnh mối đe dọa thường trực từ gã láng giềng khổng lồ nham hiểm, chúng ta nhất định không mơ hồ, ảo tưởng, quên đi những bài học xương máu ngàn năm, ra sức bảo đảm vững chắc độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Những ngày này, tổ huấn của Phật hoàng Trần Nhân Tông từ hơn 700 năm trước lại càng sáng rõ hơn bao giờ hết: “Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải.

Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới quy ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta. Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: ‘Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác’. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.

Huy Nhật

 

Lịch sử là sự sống còn mãi
 
(…) “Mất, còn, chết, sống: suy nghĩ về dân tộc chính là suy nghĩ trên những khái niệm ấy. Bởi vì một dân tộc là gồm cả người sống lẫn người chết, và người sống chỉ là một nhúm vô cùng nhỏ nhoi trong một tập thể mênh mông đã khuất từ bao thế kỷ. Tập thể ấy có bao giờ mất đâu? Họ không mất để cho người sống chúng ta được còn như là một dân tộc. Suy nghĩ đó lại hợp với tín ngưỡng của quần chúng Việt Nam. Nói lên tín ngưỡng ấy là bắc nhịp cầu giữa chúng ta hôm nay với anh linh của các chiến sĩ ngày trước.
 
dai-le-1_jpg.jpg
Ảnh: ĐD
 
Tôi nói “tín ngưỡng”; tôi không nói “tôn giáo”. Bởi vì đây không phải chỉ là niềm tin của Phật giáo; đây chính là niềm tin của quần chúng; hai niềm tin chập lại làm một, lấy triết lý của Phật giáo làm nòng cốt. Phật giáo, cũng như quần chúng, không nghĩ rằng chết là hết. Da thịt này có rữa nát, xương cốt này có tan thành bụi, vẫn còn một cái gì sống mãi, từ kiếp này qua kiếp khác, vẫn còn một cái gì sống mãi với người đang sống. Cái đó là cái gì? Linh hồn chăng? Không phải! Cái đó rất là vật chất, cụ thể: đó là lời đã nói, đó là hành động đã làm, đó là tư tưởng đã phát biểu. Lời đó, hành động đó, tư tưởng đó dẫn chúng ta đi, bỏ cái thân xác này để mượn một thân xác khác. Thân xác là khách; lời nói, hành động, tư tưởng mới là chủ.

Niềm tin này không phải chỉ hạn chế ở mức cá nhân; nó áp dụng cho cả tập thể. Bởi vậy mà tập thể có anh hùng. Bởi vậy mà Thánh Trần, Thánh Gióng bất diệt. Bởi vậy mà có lịch sử. Lịch sử không phải là những trang giấy chết. Lịch sử là sự sống còn mãi, lời nói còn mãi, hành động còn mãi, tư tưởng còn mãi”. (…)

Cao Huy Thuần

Trích phát biểu tại Đại lễ tưởng niệm anh linh đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh ở Biển Đông và biên giới Việt - Trung, Phật đường Khuông Việt (Pháp) tổ chức ngày 5-4-2014 (ảnh) - Tựa của GN)

____________

(1) Trả lời phỏng vấn các Hãng thông tấn AP (Mỹ) và Reuters (Anh) bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014 tại Philippines.

Nguồn: Giác Ngộ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin