Chi tiết tin tức Việt Nam chống Covid-19 thành công vì 'đi trước một bước' 22:08:00 - 16/06/2020
(PGNĐ) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam chống Covid-19 thành công vì đã chuẩn bị phương án từ trước Tết Canh Tý 2020 và quyết liệt cách ly tập trung.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác thông tin về chống Covid-19 chiều 16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân Việt Nam chống Covid-19 thành công. Thủ tướng khẳng định, 45 năm sau sự kiện thống nhất đất nước năm 1975, đến nay Việt Nam mới lại được báo chí thế giới ca ngợi nhiều trong chống Covid-19. Hai kết quả quan trọng Việt Nam đạt được là tỷ lệ bình quân số người nhiễm nCoV trên tổng dân số rất thấp và chi phí chống dịch rất thấp. "Điều thần kỳ hay may mắn của chúng ta là không có người tử vong, không gia đình nào phải mang vành khăn tang do Covid-19", ông nói. Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm, thể hiện tinh thần nhân văn với đồng bào ở nước ngoài khi tổ chức các chuyến bay đón người Việt về nước. Điều đó thể hiện khi Vũ Hán (Trung Quốc) còn là tâm dịch, chỉ cần 10 người tham gia chuyến bay đón người Việt về nước, nhưng đã có 40 phi công, tiếp viên tình nguyện lên đường. Hay khi bệnh nhân phi công người Anh cần ghép phổi, đã có hơn 50 người tình nguyện hiến phổi. Theo Thủ tướng, nguyên nhân quan trọng làm nên chiến thắng Covid-19 là Việt nam đã đi trước một bước so với thế giới. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp chống dịch cao hơn một bước so với thế giới, nhất là giãn cách xã hội và yêu cầu người dân đeo khẩu trang. "Từ trước Tết Canh Tý 2020, khi dịch mới xảy ra ở Trung Quốc, chúng tôi đã họp bàn đề ra cách chống dịch, dù lúc đó chưa hình thành tư duy một cách hệ thống. Nói như vậy để thấy Chính phủ rất chủ động, chứ nếu để ra Tết mới bàn thì nguy hại vô cùng", ông nói. Thủ tướng chia sẻ, khi về Đà Nẵng hôm 29 Tết được lãnh đạo địa phương cho biết, với các trường hợp có biểu hiện nhiễm bệnh như sốt, ho, việc tìm lái xe để chở ra bệnh viện rất khó. Ông đã hình thành ý tưởng phải huy động lực lượng quân đội tham gia chống dịch, bởi quân lệnh như sơn. Tư duy chống dịch như chống giặc cũng hình thành từ đó. Nguyên nhân tiếp theo góp phần vào thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 là Việt Nam đã cách ly tập trung trong doanh trại quân đội, trường quân sự tỉnh, quân khu. Lực lượng quân đội, công an không chỉ được huy động để cách ly tập trung những người nghi nhiễm nCoV mà còn làm nhiệm vụ khóa chặt các tuyến biên giới và tham gia khoanh vùng, dập dịch ở trong nước. "Những cán bộ y tế cơ sở đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ hay các cựu chiến binh cần mẫn đứng gác từng đường làng, ngõ xóm đã nói lên tinh thần của cuộc chiến chống Covid-19", Thủ tướng nói. Ngoài ra, báo chí truyền thông đóng góp quan trọng khi thông tin kịp thời chủ trương của nhà chức trách đến người dân. Việt Nam cũng thành công khi áp dụng công nghệ để truy vết ca nhiễm, người nghi nhiễm, khai báo sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh. "Chính phủ cám ơn các tầng lớp nhân dân, từ những người ở tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, lực lượng quân đội, tuần tra biên giới đến các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, báo chí...", Thủ tướng nói. Khi Chính phủ yêu cầu cách ly xã hội, các tầng lớp nhân dân đã chấp hành nghiêm túc. Trong những ngày này, các thành phố lớn đều yên lặng. "Có được tinh thần như vậy khó lắm. Đó là ưu việt của hệ thống chính trị nước ta mà các nước không có được. Nếu người dân không nghiêm chỉnh chấp hành thì chống dịch khó thành công", ông nói. Từ thực tế của Bắc Kinh phát hiện hàng trăm ca lây nhiễm, Thủ tướng lưu ý Covid-19 có thể kéo dài, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa tất cả dịch vụ trong nước. Ngành y tế và các địa phương không được chủ quan. "Nếu để dịch bệnh quay trở lại, chúng ta có trách nhiệm lớn với Tổ quốc và nhân dân. Cái giá phải trả sẽ rất lớn", ông nói. Về việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "làm thế nào để đảm bảo an toàn, không lây nhiễm ra cộng đồng". "Không vì mất đi 20 triệu khách mà chúng ta bất chấp để mở cửa. Phải có thời gian khởi động cần thiết trước khi mở", Thủ tướng nói. Tán thành quan điểm trên, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cũng cho rằng "từ sau năm 1975 đến nay, lần đầu tiên hình ảnh Việt Nam được xuất hiện thường xuyên, liên tục, kéo dài khoảng ba tháng trên các phương tiện truyền thông thế giới". Đến hôm nay, Việt Nam đã trải qua 61 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong tổng số 334 ca bệnh, 325 người đã khỏi, hiện chỉ còn 9 bệnh nhân đang điều trị.
Viết Tuân/vnexpress.net
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |