Chi tiết tin tức

“Tăng Ni trẻ phải chính niệm khi sử dụng mạng xã hội”

21:37:00 - 26/12/2020
(PGNĐ) -  Hôm nay, 26-12, lần đầu tiên, Ban Hoằng pháp T.Ư tổ chức Hội nghị họp mặt toàn thể chư tôn đức Tăng Ni đã tốt nghiệp các khóa đào tạo giảng sư (từ khóa I đến khóa IX), diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Hội nghị Phật giáo của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương.

Trao đổi với BBT trước thềm Hội nghị, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư cho biết, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến và chia sẻ của Tăng Ni đã đi hoằng pháp ở các nơi về những thuận lợi và khó khăn, những kiến nghị về giải pháp cho công tác hoằng pháp hiện nay.

 

HT Bao Nghiem.jpg
HT.Thích Bảo Nghiêm - Ảnh: Bảo Trinh

 

Đồng thời, hội nghị lần này sẽ tạo sự kết nối giữa Tăng Ni tốt nghiệp các khóa đào tạo giảng sư cùng nỗ lực tham gia công tác hoằng pháp, tạo cơ hội phát huy sự đóng góp của Tăng Ni giảng sư trẻ và quy hoạch nhân sự cho một số đề án cho công tác hoằng pháp trong tương lai. Đặc biệt là phát huy hiệu quả đề án hoằng pháp online.

 

Cũng trong dịp này, Ban Hoằng pháp T.Ư cũng triển khai một số chủ trương, quan điểm về công tác hoằng pháp trong kỷ nguyên công nghệ để tạo sự nhất quán trong hoằng pháp -  thuyết giảng, đặc biệt là khi tham gia thuyết giảng trên mạng xã hội (MXH), một số kỹ năng khi sử dụng MXH và truyền thông mạng.

 

Có thể nói trong thời đại 4.0, với các tiện ích của MXH, những giảng sư nhanh nhạy và có năng khiếu về ăn nói sẽ dễ dàng nổi tiếng, được nhiều người biết đến; trong khi đó, nhiều vị giáo phẩm trưởng thượng, có chất liệu tu tập và hiểu biết sâu về Phật pháp lại dè dặt hoặc không nhanh nhạy với công nghệ bằng. Ban Hoằng pháp T.Ư có chương trình gì trong tinh thần vận dụng điểm 8 đã được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đề ra trong phương hướng hoạt động, để những nội dung thuyết giảng thực sự có ý nghĩa đến được với công chúng, bạch Hòa thượng?

 

- Ban Hoằng pháp T.Ư đã phối hợp cùng Phật sự online xây dựng đề án Hoằng pháp online, xây dựng phim trường ảo tại một số cơ sở của Phật sự online và tại cơ sở tự viện của quý Tăng Ni giảng sư ở các khu vực, cung thỉnh chư tôn đức giảng sư là hàng giáo phẩm, cây cao bóng cả của ngành Hoằng pháp nước nhà phát tâm thu hình thuyết giảng tại phim trường ảo hoặc tại tự viện của quý tôn đức giáo phẩm. Điều này nhằm tạo cơ hội thuận duyên cho quý tôn đức giáo phẩm niên cao lạp trưởng cũng có thể tham gia vào công tác hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số và truyền thông mạng. 

 

Qua đó phát huy hiệu quả nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII về nội dung: “Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử…” và “đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp”. Hiện chương trình này đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

 

Do thị hiếu của số đông, một số giảng sư đã vận dụng các câu chuyện cười, hài hước lồng vào nội dung thuyết giảng, thậm chí có người còn hát những bài nhạc chế… Có ý kiến cho rằng đây là việc không nên. Hòa thượng nhận định như thế nào về điều này?

 

- Ban Hoằng pháp T.Ư đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh và rất quan tâm về nội dung này. Việc đưa một số câu chuyện cười hay đàn hát… vào buổi giảng để tạo sự vui cười, tạo không khí thoải mái trong thuyết giảng trong một số trường hợp cũng cần thiết, nhưng phải biết khéo léo vận dụng nội dung của câu chuyện phù hợp với nội dung thuyết giảng (khế lý) và phù hợp thời điểm (khế thời), trình độ của hội chúng (khế cơ) cũng như không gian, địa điểm (khế xứ). Điều này sẽ góp phần tạo được hiệu quả chuyển tải nội dung đến hội chúng.

 

Tuy nhiên, hiện nay, do có nhiều vị giảng sư trẻ đã quá lạm dụng và đưa những nội dung chuyện cười hoặc trực tiếp đàn hát vào buổi giảng nhưng chưa đảm bảo được sự khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ, từ đó dẫn đến phản tác dụng. Đặc biệt, một số vị giảng sư mang tính tự phát, chưa qua các khóa đào tạo giảng sư, đã tự livestream thuyết giảng trên MXH, chạy theo thị hiếu và mục đích “câu view”. Trong hội nghị lần này, đây cũng là một trong những nội dung sẽ được triển khai thảo luận.

 

Hiện nay, nhiều giảng sư trẻ dường như chưa được định hướng rõ trong nội dung thuyết giảng dẫn đến việc xuất hiện nhiều quan điểm trái ngược nhau từ nhiều vị với cùng một nội dung, gây khó khăn cho Phật tử trong tiếp nhận. Ban Hoằng pháp T.Ư có giải pháp gì để hỗ trợ Tăng Ni trẻ giảng sư trong vấn đề này hoặc có định hướng về chủ đề của từng tuần, tháng, quý… hay không, bạch Hòa thượng?

 

- Chủ trương của Ban Hoằng pháp T.Ư từ trước đến nay và đặc biệt tại các khóa đào tạo giảng sư luôn đề cao tinh thần hòa hợp, nội dung thuyết giảng không được đả phá, phản bác giữa các tông phái cũng như cả với các tôn giáo khác, gây mất đoàn kết cũng như làm cho người nghe hoang mang, không biết phải nghe vị nào thuyết giảng mới đúng với Chính pháp. Ban Hoằng pháp T.Ư đã hình thành kênh Hoằng pháp online tại địa chỉ: www.hoangphaponline.com để cung thỉnh chư tôn đức giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư và các tỉnh thành thuyết giảng để cung cấp địa chỉ đáng tin cậy đến cộng đồng, tạo thuận tiện cho việc nghiên cứu và tìm hiểu Phật pháp. 

 

Ban  Hoằng pháp T.Ư cũng xây dựng kế hoạch triển khai nội dung này tại buổi họp mặt và đến trước mùa An cư kiết hạ năm 2021, Ban Hoằng pháp T.Ư sẽ tổ chức tập huấn cho các vị giảng sư, triển khai quan điểm, chủ trương và những nội dung mang tính định hướng. Đồng thời, Ban Hoằng pháp T.Ư sẽ hướng đến việc tổ chức họp giao ban online định kỳ giữa chư vị giảng sư ở các khu vực khác nhau nhằm kịp thời triển khai các chủ trương của Trung ương Giáo hội và của ngành Hoằng pháp, đặc biệt là khi có sự cố, khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo.

 

MXH tạo ra cơ hội để ai cũng có thể đăng tải nội dung thuyết giảng của mình rộng rãi trên không gian số, từ đó, tiếp cận, thu hút công chúng theo cách của mình. Với cương vị là giáo phẩm lãnh đạo cao cấp của Giáo hội, người đứng đầu ngành Hoằng pháp, Hòa thượng nhận định như thế nào về thực trạng trên?

 

- Thực tế nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy dù có mang lại sự lợi ích lớn lao trong hoằng pháp, nhưng những thách thức mà MXH đem đến trong việc quản lý và giáo dục Tăng Ni trẻ nhằm hướng đến hình ảnh mẫu người xuất gia hoàn thiện theo đường hướng của GHPGVN đã gặp không ít khó khăn.

 

Về những lợi ích lẫn thiệt hại mà Tăng Ni trẻ có được hay phải gánh chịu, chúng ta có thể kết luận rằng việc Tăng Ni trẻ thường xuyên sử dụng MXH là “lợi bất cập hại”. Như đã nói, chúng ta có thể thấy MXH rất lợi ích cho đời sống hiện nay và công tác hoằng dương Chính pháp nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn và thách thức vì chúng cũng còn rất nhiều mặt hạn chế, có thể dẫn đến tiêu cực khó lường nếu người sử dụng MXH thiếu kiểm soát và không tỉnh thức. 

 

Việc sử dụng MXH mất kiểm soát, thiếu tinh thần tỉnh giác sẽ làm bản năng thấp hèn của con người được kích hoạt. Người ta có thể nói ra bất cứ điều bậy bạ nào họ suy nghĩ mà không sợ bị phê phán; người ta có thể chửi mắng bất cứ ai họ ghét mà không sợ bị vạch mặt chỉ tên… bởi vì họ giấu con người thật của mình đằng sau những nickname và những hình ảnh không thật của họ… Một “quốc độ” như thế làm sao người Phật tử xuất gia có thể “nhập tịch” làm cư dân cho được? Tóm lại, sử dụng MXH một cách thiếu kiểm soát là một mối nguy hiểm cho bản thân Tăng Ni trẻ và là thách thức lớn cho Giáo hội các cấp trong việc quản lý và giáo dục thế hệ kế thừa sự nghiệp hoằng dương Chính pháp sau này.

 

Ngày xưa, Đức Phật hằng dạy các đệ tử không nên sử dụng thần thông một cách bừa bãi, bởi Ngài biết thần thông sẽ làm thui chột các đức tính chân thiện mỹ của người xuất gia cầu giác ngộ giải thoát. Nhớ lời Phật dạy, Tăng Ni chúng ta cần sáng suốt và bình tĩnh để làm chủ khoa học, thay vì làm nô lệ cho nó. Đó chính là điều mà tất cả những ai có trách nhiệm và tâm huyết với tương lai Đạo pháp cần tư duy quán chiếu thường xuyên.

 

Trong tham luận về Tăng sự toàn quốc năm 2020 tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), Hòa thượng có đề cập rằng 80% Tăng Ni trẻ hiện nay sử dụng từ 1 đến 3 MXH, có người sử dụng 1 đến 3 nickname. Thực tế đó đang diễn ra không thể kiểm soát và không thể cấm đoán, lãnh đạo Giáo hội các cấp phải mặc nhiên chấp nhận. Nhân dịp này, mong Hòa thượng có thể chia sẻ thêm những trăn trở và giải pháp cho vấn nạn đó?

 

- Hiện nay MXH không còn của riêng thành phần nào trong xã hội. Tuy chưa có thống kê chính xác nào được đưa ra, nhưng có thể nói rằng 80% Tăng Ni trẻ hiện nay đều có sử dụng từ 1 hoặc 2, 3 MXH cùng lúc hoặc sở hữu 1 hoặc 2, 3 nickname để ghi tên mình vào cộng đồng MXH. Trước vấn nạn “nghiện” MXH của một bộ phận Tăng Ni trẻ, theo tôi, có 3 giải pháp cho vấn đề này. Chúng ta có thể chọn một trong 3 giải pháp tốt nhất để thực hiện, hoặc kết hợp 2/3 hoặc cùng lúc thực hiện cả 3 giải pháp tùy theo hoàn cảnh cho phép.

 

Giải pháp đầu tiên là cấm hẳn Tăng Ni trẻ sử dụng MXH. Giải pháp này quá cứng rắn và không khả thi. Do đó chắc không vị lãnh đạo nào chọn giải pháp này.

 

Giải pháp thứ hai là cấm sử dụng MXH trong một số trường hợp nhất định. Giải pháp này có thể áp dụng trong các trường hợp như: trong 3 tháng An cư kiết hạ; trong phạm vi không gian và thời gian cho phép tại các trường Phật học; trong các thiền viện; trong các giờ học tập - công phu… Giải pháp này chỉ giải quyết tạm thời trong một trường hợp nào đó chứ không mang tính căn cơ bền vững.

 

Và giải pháp thứ ba là tăng cường giáo dục, giúp Tăng Ni trẻ có nền tảng đạo đức, làm chủ bản thân, sử dụng MXH theo tinh thần chính niệm, góp phần quan trọng trong công tác hoằng pháp lợi sinh của thời đại công nghiệp 4.0 và tạo nên không gian mạng an toàn.

Đây có lẽ là giải pháp khả thi nhất, tuy nhiên đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ trong thực hiện, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, làm chiếu lệ, hình thức. Nếu giải pháp này được thực hiện đầy đủ sẽ mang lại kết quả lâu dài, bền vững hơn là cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng MXH.

 

Đặc biệt, sau Hội nghị Tăng sự toàn quốc ngày 25-7-2020 tại chùa Tam Chúc, Trung ương Giáo hội cũng đã ban hành Thông tư số 206/2020/TT-HĐTS của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 19-9-2020 hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni, gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố; Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni và các nội dung có liên quan đến việc sử dụng không gian mạng. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế sự tiêu cực và phát huy tính tích cực về việc sử dụng MXH của Tăng Ni.

 

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

 

Như Danh thực hiện

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin