Chi tiết tin tức

Đồng tu Phạm hạnh

21:26:00 - 16/07/2019
(PGNĐ) -  Tăng-già là một đoàn thể đặc biệt, cùng hướng đến một phương trời cao rộng, một mục đích giải thoát. Do đó, khi nói về Tăng, HT.Thích Nhất Hạnh ca ngợi: “Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui. Tu tập giải thoát làm an lạc cuộc đời”. 

An cu.jpg
Sinh hoạt quá đường trong mùa An cư của chư Tăng Phật giáo TT-Huế - Ảnh minh họa

Sống đời xuất gia được gọi là sống đời Phạm hạnh. Những người bạn cùng tu được gọi là đồng tu Phạm hạnh. Bởi “Phạm” (Brahman) là một mỹ từ đẹp nhất trong số những mỹ từ, nó có nghĩa là “tịch tĩnh, thanh tịnh, ly dục”.

Theo đó, Phạm âm là âm thanh mầu nhiệm của chư Phật, Bồ-tát; Phạm thân là Pháp thân thanh tịnh của Phật; Phạm sát, Phạm vũ, Phạm các là chốn Phật đường già lam; Phạm chung là quả chuông treo (hồng chung) của chùa viện; Phạm bái là dùng điệu nhạc để ngâm tán, tụng ca công đức Phật; Phạm học là Phật học… Còn Phạm hạnh (Brahma-caryā) là hạnh thanh tịnh, chỉ chung cho những người giữ giới, ly dục - cả xuất gia lẫn tại gia.

Trong văn hóa Ấn Độ xưa, Bà-la-môn giáo chia đời người làm 4 thời kỳ, trong đó, thời kỳ thứ nhất gọi là Phạm hạnh kỳ (Brahma-carin). Thời kỳ này, vị Bà-la-môn phải giữ giới không dâm dục, học Phệ-đà và các nghi thức cúng tế… Còn trong Phật giáo, hành trì các giới đã thọ nói chung, gọi là Phạm hạnh.

Mặc dù Phạm hạnh không phân biệt Tăng hay tục, nhưng ngày nay, khi nhắc đến từ này, người ta vẫn liên tưởng đến hình ảnh người xuất gia. Mặc định rằng, người xuất gia phải sống đời thanh tịnh. Trong Tam vô lậu học, Phạm hạnh thuộc về Giới, vốn làm thềm bậc, là nền tảng căn bản để thành tựu nên Định và Tuệ giải thoát. Nếu không có Giới, người xuất gia không còn là người xuất gia nữa.

Cùng một tâm nguyện giải thoát khỏi khổ đau, vượt ngoài sự chi phối của sanh tử, nhưng Đức Phật dạy có năm hạng người xuất gia sống Phạm hạnh (theo Đại kinh thí dụ lõi cây - Trung bộ, 20). Rằng, có hạng xuất gia chỉ “nắm lấy cành lá của Phạm hạnh”, do tham đắm lợi dưỡng, danh vọng; vị “nắm lấy vỏ ngoài của Phạm hạnh”, do thành tựu chút giới đức rồi trở nên khen mình, chê người; vị “nắm giữ vỏ trong của Phạm hạnh”, do thành tựu được thiền định nên sinh hoan hỷ, tự mãn; vị “nắm giữ giác cây của Phạm hạnh”, do thành tựu tri kiến rồi tự mãn, phóng dật, đau khổ. Chỉ có vị cuối cùng xuất gia với lòng tin sẽ chấm dứt đau khổ. Vị ấy tinh tấn tu hành, thành tựu phi thời giải thoát, tức giải thoát tuyệt đối - lấy được “lõi cây”, là tâm giải thoát bất động, chính là mục đích sau cùng của Phạm hạnh.

Như vậy, Phạm hạnh là con đường và cũng là đích đến của một người xuất gia. “Phạm hạnh này không phải vì lợi ích thành tựu lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Chính tâm giải thoát bất động này là mục tiêu của Phạm hạnh”.

Đức Phật khuyên các Tỳ-kheo không nên dừng lại ở các quả vị trung gian vì đây chưa phải là mục đích cứu cánh của Phạm hạnh.

Theo đó, mùa an cư kiết hạ, mỗi hành giả đều vì lợi ích thiết thực thành tựu Giới, Định, Tuệ nên nỗ lực tu hành. Việc sống chung, đồng nhất trú xứ an cư, là cơ hội tốt để “đồng tu Phạm hạnh” khi mỗi người đều vì mục đích cốt lõi mà bước chân đến “phương trời cao rộng”. Hẳn nhiên chúng ta không vì cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây mà quên đi lõi cây mới là thứ chúng ta tìm kiếm. Lợi dưỡng và danh vọng thực chất chỉ là những thứ khiến chúng ta đánh rơi Phạm hạnh của mình mà thôi.

Đăng Tâm

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin