Chi tiết tin tức Nhân lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 10-3 ÂL: Nuôi dưỡng lòng yêu nước 18:53:00 - 06/04/2017
(PGNĐ) - Lòng yêu nước là một tình cảm tự nhiên và rất đỗi thiêng liêng của con người. Được tẩm ướp từ tình cảm gia đình, làng xã đến quốc gia xã hội, mỗi người lớn lên đều mang trong mình “tinh chất” của quê hương xứ sở. Tinh chất đó góp phần quy định nên tính cách của một con người, phân biệt với con người của một quốc gia khác. Đất nước, do đó, không đơn thuần chỉ là đất và nước, mà nó là hồn thiêng của dân tộc. Hồn thiêng được góp nên từ những mảnh tình gần gụi, từ những điệu hát ru, từ tiếng sáo diều, từ tấm áo nâu của mẹ, từ hình ảnh chân lấm tay bùn của bác nông phu…
Trong Tình ca (1952), Phạm Duy đã cụ thể hóa tình yêu đất nước thành tiếng nói, thành những con người…, tha thiết một cách tài tình: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi / Mẹ hiền ru những câu xa vời / À à ơi ! Tiếng ru muôn đời / Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui / Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi / Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi / Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi…”. Và: “Tôi yêu biết bao người / Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa / Những anh hùng của ngày xa xưa / Những anh hùng của một ngày mai…”. Cùng với dãy Trường Sơn, cùng với sông Cửu Long, sông Hương, sông Hồng, ông đã vẽ nên một dải đất nước nối liền. Với mỗi con người bình thường, quê hương đất nước gần gụi và giản dị thế ấy, nhưng nó là một phần của máu thịt, đi đâu cũng phải thương yêu, nhớ về. Nỗi nhớ, hẳn nhiên gắn với nỗi tự hào. Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui ấy, khởi từ Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần nông, kết hôn với Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục (Kinh Dương Vương); Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân, sinh ra Sùng Lãm (Lạc Long Quân); Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm con; 50 người con theo mẹ lên núi, người con trưởng làm vua, xưng hiệu Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Các vua Hùng đã dựng nước như thế, tiếp nối qua 18 đời. Biết bao con người “mình đồng da sắt” đã vừa cấy cày, vừa giữ gìn “non sông gấm vóc”… Dưới mái Đền Hùng, trên sườn Nghĩa Lĩnh, ngày 18-9-1954, Hồ Chủ tịch đã nói với các chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ấy chính là lời “hịch”, nhắc nhở về niềm tự hào dân tộc, về lòng yêu nước, giữ nước và cũng là một lời tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân. Yêu nước không chỉ đơn thuần thể hiện tình cảm đối với giống nòi, tổ tiên; không phải chỉ giữ nước khỏi sự tham tàn của ngoại xâm, mà phải dựng xây đất nước ngày thêm hùng mạnh. Nó là hành động. Hành động đó phải được cụ thể hóa qua những việc làm thiết thực để một quốc gia hùng mạnh thật sự cả “chất” lẫn “lượng”. Điều này đã được Đức Phật khái quát qua 7 yếu tố: một quốc gia mà người dân thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau; tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết; người cầm quyền không ban hành những luật lệ không nên ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân tộc; người dân biết tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão (tức những bậc đạo đức, trí tuệ) và nghe theo lời dạy của những vị này; không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình; tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp; bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán (các vị hiền thánh), khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc (theo kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ kinh). Một quốc gia nào làm được như thế, quốc gia đó ắt sẽ hùng mạnh. Cần phải nói rằng, Phật giáo đã có mặt ở nước ta từ thời Hùng Vương cùng với các vị Tăng và thương nhân Ấn Độ. Truyện “Nhất dạ trạch” trong Lĩnh Nam chích quái kể vào thời Hùng Vương đời thứ 3, vua Hùng có con gái là Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử là một chàng trai nghèo không một mảnh khố che thân. Tiên Dung và Chử Đồng Tử đã được một vị Tăng tên Ngưỡng Quang dạy cho phép Phật, cả hai đều ngộ đạo. Chử Đồng Tử, “người Phật tử đầu tiên” của ta ấy, đã góp phần đem đạo vào đời; dân ta hơn hai ngàn năm qua đã thấm nhuần lời Phật dạy. Lời dạy của Phật không chỉ hướng đến giải thoát giác ngộ, mà giúp con người sống hiền lương, yêu nước, giữ nước và xây dựng quốc gia hùng mạnh. Trong bốn ơn nặng mà bất kỳ người con Phật nào cũng phải tâm niệm, ơn quốc gia xã hội được đặt lên hàng đầu. Theo Phật giáo, mỗi con người sống trong đời này đều gắn với hai thứ quả báo, đó là chánh báo và y báo. Chánh báo chính là nghiệp quả tạo nên con người họ, và y báo chính là hoàn cảnh chung quanh họ. Hoàn cảnh ấy đâu xa lạ, chính là quốc gia, xã hội. Chánh báo và y báo ràng buộc chặt chẽ với nhau. Chánh báo cũng là mình và y báo cũng là mình. Cho nên, quốc gia xã hội cũng chính là một phần của mình, và chúng ta chia sẻ y báo đó cùng với dân tộc mình, tất cả đều là một phần của nhau. Giáo lý này đã dạy cho chúng ta biết yêu giống, thương nòi, dạy cho chúng ta biết yêu và bảo vệ giang san, tổ quốc. Tổ quốc lâm nguy, chúng ta đều có một phần trách nhiệm. Thay vì tủi hổ bởi sự yếu kém của quốc gia, dân tộc, chúng ta phải cùng nhau xây dựng đất nước, kiên quyết chống lại những cái “bất thiện”, bảo vệ cái thiện, tức bảo vệ những điều mang lại lợi ích cho mình và cho người. Đó mới là tinh thần yêu nước đúng nghĩa. Được sinh ra là con người Việt Nam, mang dòng giống con Lạc cháu Hồng, có một ông Tổ chung là các vua Hùng, chúng ta cần phải thương yêu nhau và cùng nhau bảo vệ tổ quốc, cùng tri ân những bậc tiền hiền để Việt Nam vẫn là Việt Nam hùng mạnh ngàn năm: Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba Khắp miền truyền mãi câu ca Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm. Quảng Kiến
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |