Chi tiết tin tức Trò chuyện đầu năm 22:09:00 - 20/02/2021
(PGNĐ) - Mồng Một Tết. Một nhóm bạn trẻ đến thăm chùa như thường lệ mỗi năm. Chùa nhỏ, xa thành phố, Sư già, nhưng rất trẻ.
Trà nước. Mứt gừng, mứt sen. Lại có thêm cả mứt bí đao, mứt cà rốt, hạt điều, bánh cốm. Thế này thì trò chuyện lai rai cả buổi sáng rôm rả. Thầy thầy trò trò, tôi tôi bạn bạn, chuyện vui hơn pháo nổ. Đến một lúc, trà nước xoay quanh một chuyện ngụ ngôn, chuyện Con nhái và con bọ cạp. Một người kể: Một con bọ cạp muốn qua bên kia sông, đến nài nỉ con nhái: “Chị nhái ơi, chị cho em mượn cái lưng, em nằm trên lưng chị, chị bơi giỏi quá, qua sông mấy hồi”. Nhái vốn tốt bụng, nhưng cũng cảnh giác: “Ôi chao, em chích nọc độc vào chị thì chị chết mất. Nghề chích nọc là nghề của em mà!”. Bọ cạp trấn an: “Tại sao em chích nọc độc vào chị? Chị chết thì em sống được à?”. Lý luận hợp tai quá. Ừ, mình chết thì nó cũng chết giữa dòng, cả hai cùng chết cả, ngu gì mà nó chích? Nghĩ thế, nhái bằng lòng. Giữa dòng, nhái cảm thấy nọc độc chích vào lưng. Trước khi chết, nó thốt lên: “Ủa, sao em lại chích chị? Em đã nói em chích thì em cũng chết mà!”. Bọ cạp thản nhiên: “Tớ là vậy đó, bồ ơi, tớ không làm khác được”. Chờ mọi người im lặng một lát, một nhà văn nữ bình phẩm: - Thế mà cũng gọi là ngụ ngôn! Nhiều người ngạc nhiên: - Không phải ngụ ngôn thì là gì? Nhà văn cắt nghĩa: - Ngụ ngôn thường mang một ý nghĩa đạo đức, một bài học luân lý. Chuyện ấy chứa đựng đạo đức gì? Ngược lại, cái nhìn rất bi quan. Một con nhái nhân từ; một con bọ cạp dụ dỗ, nếu là ngụ ngôn thì kẻ ác phải chết, kẻ thiện cho bài học, đằng này, chết cả lũ, thiện cũng chết. Có tiếng cãi lại: - Thì phong dao tục ngữ của ta cũng bi quan như vậy, e còn bi quan hơn: “Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhơn, nhơn trả oán”. Người ngồi bên cạnh nhà văn giúp bạn chỉnh lý: - Không phải đâu! Tục ngữ của ta sáng suốt lắm, không phải như con nhái này đâu. Con nhái này tốt nhưng mà ngu. Tục ngữ của ta muốn nói: tốt nhưng đừng ngu. Hướng về phía vị sư, người ấy hỏi: - Có phải vậy không, thưa thầy? Có phải đạo Phật nhắc nhở hoài: có Bi thì cũng phải có Trí, hai cái hỗ trợ cho nhau. Mấy ông thầy của ta thường hay thương người, đạo hữu nhăn nhó, thầy ơi, đừng nghe bọn nịnh ca cải lương, Tam Tạng cũng phải có con khỉ họ Tôn theo phò trợ, nếu không thì lũ yêu cuỗm hết chuông mõ. Một thầy giáo hưởng ứng: - Bi và trí đúng là trung tâm điểm của bao nhiêu chuyện ngụ ngôn. Hồi nhỏ, tôi học chuyện người đi cày với con cọp, chắc ai cũng biết rồi, nên tôi xin kể chuyện một con cọp khác để mua vui.
Một con cọp bị sa bẫy, rơi xuống hố, lưới trùm lên đầu, càng vùng vẫy lưới càng vướng, mà hố thì vừa hẹp vừa sâu, không có thế để mà nhảy. Chợt con hươu đi qua, hai cái sừng cao nghệu. Cọp cầu cứu: “Này chú hươu, ta sa cơ thất thế, nằm queo dưới hố này đã ba ngày ba đêm rồi, bụng đói meo nhưng đầu biết tỉnh ngộ, biết phân biệt phải trái. Phải, là bọn bò tót, trâu rừng hung tợn, ta phải bắt; trái, là hươu nai hiền hậu, ta phải làm bạn, đời đời sống chung. Thề thốt như vậy đã ba ngày rồi, quả nhiên chú đi qua đây để làm chứng cho ta”. Con hươu nghe thế thì cảm động lắm, nói không ra lời: “Bác cọp ạ, giá như con người cũng biết phải trái như bác, thì ông thợ săn kia có đùng đùng giết hết thê thiếp của cháu đâu...”. Thấy con hươu sắp khóc, cọp an ủi: “Cái giống người là giống man rợ nhất, nó là lòng người dạ thú, khác với ta lòng cọp dạ nai. Tới gần đây chú hươu, ta nhờ chú việc này”. Con hươu tiến tới sát miệng hố. Cọp nói: “Ông trời sinh chú ra, tưởng sinh cặp sừng vô dụng vì chú có đánh nhau với ai đâu, đâu ngờ ông trời cũng có lúc thông minh, vì ông biết có ngày cặp sừng của chú là cứu tinh của ta. Cúi xuống, cúi xuống chút nữa, chú hươu, dùng sừng hươi cái lưới lên, rồi đưa sừng cho ta nắm, chú kéo, ta tống hai chân, vậy nhé!”. Con cọp ra khỏi hố. Vừa được giải phóng, nó đã khề khà: “Hươu này, ba ngày ta đói meo, đầu ta vẫn tỉnh ngộ nhưng bụng ta, giống như trái tim của con người, có những lý lẽ mà lý lẽ không biết...”. Nhà giáo nói chưa hết câu đã bị nhà văn nữ ngắt ngang: - Bụng với tim, tim với bụng, bạn kể dông dài quá, tôi nghe sốt cả ruột. Cứ nói phắt ra là con cọp xơi tái con hươu, phải không? Ngôn từ của nó y hệt con bọ cạp, phải không: “Bản năng của tao là thế, tao không làm khác được”? Một người phản đối: - Ấy ấy, cứ lai rai mà kể, ngoài kia mưa xuân cũng lai rai. Bụng với tim rồi, sao nữa? - Con hươu dông dài đấy nhé, không phải tôi đâu. Nó cứ thơ ngây. “Bác cọp à, bác cư xử như thế thì trái với đạo phải trái rồi. Bác không tin thì đi với cháu đến đàng kia, có con cáo già làm nghề xử kiện, ta nhờ nó phân xử”. Con cọp nghe nói xử kiện thì lạ tai quá, nó là chúa sơn lâm, nào có biết công lý là cái quái gì. Ờ, thì đi xem xử kiện là làm sao. Bác cháu đến gặp cáo, hươu kể lể sự tình. Cáo đằng hắng một cái rồi nói: “Xử kiện thì phải thấy cụ thể tận mắt, tận ngọn tận nguồn, chỉ nghe nói khơi khơi thôi thì thiếu phân minh. Vậy nguồn gốc ở đâu, bắt đầu thế nào, tớ phải đến tận nơi để thấy”. Cả ba cùng trở về chỗ cũ. Cáo phán: “Bác cọp sa hố làm sao, nằm queo dưới đó thế nào, bác diễn lại cho tường tận”. Nhà văn nữ lại nóng ruột: - Cọp nằm dưới hố, lưới trùm lên đầu. Cáo là trí, hươu là ngu, cọp là ác, ác giả ác báo, ngụ ngôn là vậy. Cô thân mật đặt tay lên vai người ngồi bên cạnh, giới thiệu: - Bạn tôi mới đến lần đầu, anh dạy Pháp văn, có lần tôi nghe anh ấy đọc cho học trò nghe một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, đại khái cùng một ý nghĩa, anh kể lại đi! Nhà giáo Pháp văn không để mời hai lần, không khí ở đây vui quá. - Vâng thì La Fontaine. Chuyện này lấy tên là Người nông dân và con rắn độc. Một người nông dân, trên đường về nhà, thấy một con rắn nằm giữa tuyết, bị đông cứng, chắc sắp chết. Động lòng thương xót, bác lượm lên, đem về nhà, đặt giữa sàn. Bên lửa rơm, được sưởi ấm, rắn sống lại, duỗi mình ra. Đầu ngẩng cao, miệng rít lên như gió Rồi uốn cong mình, rồi nhảy phóng vào Người ân nhân, người cứu mạng, người cha nó. Đồ bội bạc, mày trả ơn như vậy đó sao? Bác nông dân quẳng con rắn xuống đất, chặt hai nhát dao, cắt con rắn làm ba khúc, rắn vùng vẫy, cố nối ba khúc lại với nhau, không thành. Nhân từ là quá tốt hiển nhiên Nhưng với ai, vấn đề trên hết Với phường bội bạc, thì cho nó chết. Một người khác bình luận ngay: - Đúng là ác giả ác báo. Bởi vậy, ngụ ngôn thường nhảy từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ văn hóa nọ qua văn hóa kia, nhưng tựu trung cái ý “ác giả ác báo” vẫn giữ. Thế nhưng câu chuyện con nhái này chứa đựng nhiều ý nghĩa lắm, muốn bàn cãi thì tha hồ. Chẳng hạn, đây là một con nhái biết lý luận và lý luận rất hợp lý. Mình chết thì nó cũng chết... có gì hợp lý hơn? Con nhái ấy tượng trưng cho lý luận hợp lý. Nó là mỗi chúng ta. Chúng ta, bất cứ ở ngành nào, nghề nào, dạy học, doanh nhân, khoa học gia, kinh tế gia, chiến lược gia, bất cứ ai làm gì cũng đều phải tính toán, nghĩa là tính trước đường đi nước bước, mà tính trước thì phải tính cho hợp lý chặt chẽ. Thế nhưng, ô hô, dù chặt chẽ đến đâu, coi chừng, bao giờ cũng có thể có một con bọ cạp phi lý lủi vào phá đám. Con bọ cạp là tượng trưng cho phi lý. Hành động của nó là phi lý. Hợp lý? Phi lý? Có người bắt bẻ ngay: - Con nhái suy nghĩ hợp lý nhưng nó tính toán sai: Trong mọi tính toán, bao giờ cũng phải tính toán trước những yếu tố rủi ro, bất ổn, có thể xảy ra. Đáng lẽ con nhái phải suy nghĩ thêm: Hôm nay con bọ cạp nói thế, nhưng bản năng của nó là chích nọc độc, vậy làm sao tin lời nói của nó được trăm phần trăm? Tin là dại, là ngu. Phải tính cả rủi ro nữa chứ! Con nhái vẫn là con nhái ngu. Còn con bọ cạp, nó đâu có phi lý, trong gien của nó đã chứa sẵn hành động đó rồi, gặp dịp là chích thôi! Một nhân vật khác, mang kính cận dày cộm, chắc là triết gia, đưa tay phát biểu: - Nếu con nhái ấy là ngu thì thời đại này là thời đại của nó. Thời đại này là thời đại của tin giả. Mạng này mạng nọ, nào Tuýt nào Phây, tin trăm phần trăm vào tin giả phát tán tùm lum thì nào có khác gì là ngu. Vậy mà bao nhiêu đầu óc thông minh, thường ngày vốn suy nghĩ rất hợp lý, chẳng còn biết phân biệt giả thật gì nữa, trở thành những ống loa huyên náo của tin đồn, tin nhảm, tin ảo, tin vịt, vô lý đến cùng cực. Có lẽ nhà triết học còn muốn nói dài nữa, nhưng cử tọa không mấy hưởng ứng. Có người ngắt lời: - Chúng ta không nên đi xa quá, trở về lại với câu chuyện ngụ ngôn. Cứ cho là con nhái dại. Cứ cho là con bọ cạp hành động theo bản năng. Nhưng ta có thể tưởng tượng như thế này không: Thường ngày con bọ cạp chích nọc độc là vì nó ở trong một hoàn cảnh bắt nó phải hành động như vậy, hoặc để tự vệ chống đối phương hoặc để tấn công đối phương; bây giờ nó ở trong một hoàn cảnh khác mà bản năng sinh tồn mạnh hơn bản năng chích, khiến nó có thể không chích để mà sống? Nếu con nhái tưởng tượng được như thế thì con nhái đâu có ngu? Con bọ cạp mới là ngu. Anh ấy cười rồi nói tiếp: - Chắc tôi ngu nên mới tưởng tượng như vậy, nhưng tôi tưởng tượng như vậy là vì tôi muốn hỏi: Bản năng là gì, có thể biến đổi không, không phải trong vòng vài chục, vài trăm năm, mà là vài nghìn, vài trăm nghìn năm? Ông Darwin nói: mọi sinh vật đều phải biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh khác, môi trường mới, vậy bản năng cũng có thể biến đổi theo chăng? Con người ngày nay có cùng một bản năng với con người mà khoa học mai đây có khả năng làm biến đổi gien? Ui chao, cứ tưởng tượng mà sợ. Thầy giáo Pháp văn nhắc nhở: - Anh nói đừng đi xa, mà chính anh lại đi xa rồi. Anh nêu những vấn đề lớn quá, xin để dành cho một hội thảo khoa học, còn chúng ta chỉ trò chuyện vui chơi ngày Tết thôi. Vì vậy, ta tạm xem con bọ cạp nói “bản năng” hay “bản tánh” là như nhau. Tựa như đức Khổng nói “Nhân chi sơ tánh bản thiện”. Chắc cụ nói “tánh” với “bản tánh” là một. Ta là người, tánh của ta là thiện, nhân tính là thiện. Vậy con bọ cạp có tánh của nó không? Tánh của nó là ác? Là chích nọc độc? Mỗi con vật đều có một tánh riêng, khác nhau? Trong cử tọa, có một tiếng cười. Người biết cười ấy phát biểu: - Đúng thế! Mỗi con vật đều có một tánh riêng, đặc thù, khiến nó là nó, chẳng giống ai. Tôi có một chuyện xin kể để mua vui, chuyện này tôi đọc trong một quyển sách Pháp tập hợp những chuyện và ẩn dụ (“Contes et paraboles”) của Phật giáo. Có nhiều chuyện, tôi không biết họ trích từ kinh nào, đôi khi thấy lạ lạ, nhưng tin là trích đứng đắn, vì vậy mới dám kể. Tôi kể nhé: Một con rùa từ biển sâu bơi vào bờ. Mặt trời nóng, cát ấm, rùa hạnh phúc quá, nằm ngửa ra phơi nắng, miệng há to ra để hưởng gió biển thổi vào. Một con khỉ đi qua, thấy con rùa nằm trong một tư thế ngộ quá, có bao giờ rùa nằm trên mu, lại há hốc miệng ra với nắng gió? Khỉ nghĩ: chắc nó khát nước. “À, mày khát nước hả, tao cho mày uống nhé!”. Nhưng khỉ mà cho uống nước thì cũng cho khác thường, nghĩa là đặc biệt khỉ, đặc thù khỉ, không giống ai, cái tính thiên nhiên mà con người gọi là trò khỉ. Nó bèn... nói thế nào nhỉ, nó bèn... bèn đút của quý của nó vào miệng con rùa mà tè một trận. Con rùa phản ứng tự nhiên bằng cách ngậm chặt miệng lại, con khỉ đau quá, la làng la xóm, khọt khẹt vang lừng, nhưng rút không ra. Trời nắng, bãi biển nóng, bạn bè nó trốn tiệt trên cây, chẳng có ai đến cứu. Khỉ chỉ còn cách khệ nệ bưng con rùa, tìm đến cái am gần đấy để cầu cứu ông thầy chùa. Chẳng biết sư đọc thần chú gì mà gỡ con rùa ra được. Rùa bò ra bãi biển... Có người hỏi cắt ngang: - Con khỉ bị cắn đứt... đuôi? Rùa ngậm đuôi hỷ hả bò ra biển? Không trả lời, người kể chuyện nhẩn nha kể tiếp: - Con khỉ cám ơn ông sư, ông sư chỉ cười mà cảnh cáo: “Chú liệu hồn mà sửa cái tánh của chú, lần sau đừng làm trò khỉ nữa”. Làm sao mà sửa được, thưa sư? Khỉ là khỉ, trò khỉ là trò khỉ; cọp, beo, gấu thì có cái trò riêng, heo cũng vậy. Bởi vậy Tây Du mới dựng ra vai Trư Bát Giái, vô cùng linh hoạt tánh heo. Anh bạn triết gia tuy nghiêm trang nhưng có vẻ thích thú câu chuyện tếu, bởi vì tếu mà triết. Cho nên anh hỏi, hỏi mà chất vấn như thường lệ: - Thưa sư, đạo Phật có chấp nhận có bản tánh không? Buổi sáng qua mau, trời đã khá trưa, mà bị chích một câu hỏi bác học kiểu đó, ông sư toan tìm đường thối lui: - Tôi chỉ xin trả lời về bản chất. Đạo Phật không chấp nhận có một cái bản chất độc lập, tự nó mà có, các bạn ạ, tất cả đều tương quan với nhau mà thành. Nhưng mà... coi bộ nhà bếp đã sẵn sàng cơm nước... Không ai để cho sư kết luận một cách ngắn gọn như vậy, nên mọi người nhao nhao phản đối: - Không được, không được! Thưa sư, sư nói đạo Phật không chấp nhận có bản chất, tại sao lại nói ai cũng có “Phật tánh”? Vậy con bọ cạp có tánh Phật không? Ối giời, thế này thì sư phải tụng ngàn quyển kinh để trả lời. Sư lại xin ngắn gọn: - Tánh Phật không phải là bản năng hay bản chất, nhưng ai cũng có. Có như bơ nằm trong sữa. Đánh sữa lên thì có bơ. Không đánh thì không có, sữa chỉ là sữa. Nhưng nhìn sữa mà nói “sữa là sữa” thì chưa phải là cái nhìn rốt ráo, nhìn sữa rốt ráo thì thấy nó cũng là bơ. Cho nên đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Cứ nói một cách bình dân cho vui sáng mồng Một nhé: “Bơ là sữa đã thành, sữa là bơ sẽ thành”. Nhưng phải đánh. Đánh là năng lực ở ngoài truyền vào sữa. Không đánh thì không có năng lực. Thì làm gì có bơ? Cũng vậy, chính ta phải đánh cái năng lực ở trong ta mới thấy tánh Phật. Nghĩa là phải học, phải tu. Càng đánh thì bơ càng dậy, càng tu thì tánh Phật càng sáng, mình càng chắc niềm tin, càng tin chắc. Nói “tôi có tánh Phật” là nói “tôi tin chắc tôi có tánh Phật vì tôi tự thấy như thế bằng năng lực của tôi”. Các bạn có thể nói “tánh Phật là tánh giác ngộ” thì cũng được. Tưởng nói như vậy là yên bụng sáng mồng Một rồi, nhưng chưa xong. Vì hai ba người nhất định kéo sư về lại với con bọ cạp: - Vậy thưa sư, con bọ cạp có tánh Phật không? - Có chứ, sư trả lời. Có chứ, nếu nó tin chắc là nó có tánh giác ngộ. Tin chắc như vậy thì nó tự tạo năng lực, tự tu. Ngàn kiếp sau, nó sẽ thành người. Ngàn kiếp sau nữa, nó sẽ thành Phật. Con bọ cạp trong chuyện ngụ ngôn ấy nói: “Tôi là như vậy, tôi không thể làm khác” là nó nói theo bản năng. Nhưng ngay cả bản năng hay bản tánh, như các bạn vừa nhắc đến ông Darwin khi nãy, cũng phải biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh mới. Bởi vậy, nếu con bọ cạp tin chắc nó có tánh giác ngộ thì nó sẽ thành Phật. Nhưng bây giờ, thưa các bạn, cơm nước... Nhà triết gia bỗng nổi hứng, đứng dậy xin khoan khoan, khoan kết luận. Chàng nói: - Thưa sư, tôi thấy có thể suy nghĩ về con bọ cạp một cách gần gũi hơn, thời đại hơn. Từ nhỏ đến lớn, từ trường học đến xã hội, đâu đâu ta cũng nghe khuyến khích phải củng cố, phải phát triển cá tính, người có cá tính mạnh là người sẽ thành công, sẽ chỉ huy, sẽ cai quản. Thưa sư, như vậy là phải phát triển cái Tôi? Chuyện con bọ cạp là chuyện cái Tôi. Bao nhiêu người ngày nay, văn sĩ, nghệ sĩ, đạo diễn, chúng ta, mọi người đều có cái khẩu khí y hệt con bọ cạp: Tôi là vậy đó, tôi là tôi, tôi tôi tôi... , vũ trụ có sụp đổ tôi vẫn vậy đó. Cứ xem ông Trump là điển hình. Mà người ta mê chết bỏ. Con bọ cạp chích cái nọc, cái nọc ấy là cái nọc Tôi. Ông sư khoát tay: Thôi thôi, chuyện chính trị xin để ngoài chùa. Tôi là thầy chùa dân dã, chỉ nghĩ rằng ai có cá tính thì nên giữ, nhà chùa chỉ đặt câu hỏi: Cá tính ấy hướng về đâu, về ai, nhắm đến lợi lộc gì, cho ai? Nếu hướng về kẻ khác, nhắm lợi ích chung, thì tốt chứ. Đừng chích cá tính của mình vào người khác, lắm khi là cá tính độc, lôi họ chết theo. Nhưng mà... cơm nước đã sẵn, ta kết luận nhé: Nếu cái nọc ấy là cái nọc “Tôi” thì mình nên lấy ra bớt, làm vơi dần, đừng chích thêm cho mình mà cũng đừng chích cho ai. Vậy nhé. Nhà bếp kín đáo đi vào, nói nhỏ với sư: “Cơm nước dọn rồi, xin thầy mời khách”. Sáng mồng Một vui quá.
Cao Huy Thuần (Liễu Quán số 22)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |