Chi tiết tin tức Từ một tiếng nói lẻ loi 10:06:00 - 20/02/2023
(PGNĐ) - Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877-1947) đã nêu ra bốn phương diện phải thực hiện nhằm tạo dựng nền tảng cho công cuộc này. Xuất bản báo chí là một trong những nội dung quan trọng đó.
Có thể nói, những gì chúng ta có được ngày nay, một phần lớn là thành tựu của thời kỳ lịch sử ấy, với quá trình nỗ lực kế thừa liên tục bởi các thế hệ, vượt lên những thách thức có lúc vô cùng khốc liệt như Pháp nạn năm 1963. Trong tiến trình vận động và phát triển của Phật giáo nước nhà, báo chí luôn giữ một vai trò quan trọng: thông tin, phản ánh, giáo dục, kết nối và phản biện để thực tế được nhìn nhận một cách khách quan, không mơ hồ, dù cho thực tế ấy có khi rất đau đớn. Đọc lại “Mấy lời bày tỏ” của Hòa thượng Thích Khánh Hòa được in ngay trang 2 trong tờ báo đầu tiên của lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam - tạp chí Pháp Âm, xuất bản năm 1929 tại Sài Gòn, sẽ thấy cái nhìn thẳng, thật ấy: “Bổn viện chúng tôi căn khí vẫn hèn, học thức lại ít, dám đâu so sánh những bậc cao minh, song xét lại bổn phận chúng tôi, ngậm răng đội tóc, cũng người đứng giữa hoàn cầu; đầu tròn gót vuông, cũng một người ở trong Phật tử. Thế mà bấy nay ăn ăn ngủ ngủ, bữa bữa ngày ngày, đội mão tỳ lư, mang y thất Phật, mai chiều lếu láo, hai buổi công phu tiền của tiêu dùng mười phương cúng thí, mượn cửa không để nuôi thân hoạn, đem Phật pháp ra làm nhơn tình; trau dồi sắc tướng, đối với người đàn-na, sắp đặt oai nghi, mong gặp những duyên ứng phú; trong tánh tình có kiêu ngạo sơn, ngoài đám tiệc không tư tưởng riêng; dầu tọa thiền cũng khô mộc tử ngư, dầu niệm Phật cũng tán tâm loạn tưởng; nào chơn thừa, nào liễu nghĩa, chẳng biết quăng vào thế giới nào. Xét thân tâm chúng tôi với đồng bào với nhơn loại dường như không chút nào can thiệp. Tu hành như vậy, thời lợi mình chẳng có, mà ích người cũng không. Vả lại riêng Phật, riêng chùa, riêng sân, riêng cửa, riêng môn đồ, riêng pháp phái, trăm riêng ngàn riêng, đem một góc chia năm xé bảy, xé nát xé tan không biết mấy phần”. Tiếng lòng đau đớn ấy của bậc cao đức không dễ có sự đồng thuận và ủng hộ, nếu không nói là còn đem đến khó khăn, phản kháng, thậm chí tẩy chay của nhiều sơn môn đương thời; trong “Hành trình nhựt ký”, Hòa thượng Thích Khánh Hòa từng tỏ bày việc mỏi mắt đi khắp nơi tìm đồng đạo cùng chí hướng. Nhưng rồi chính nhờ sự kiên định, nhẫn nhục, một lòng tin tưởng giáo lý thanh cao của Phật-đà gắn bó với nếp sống, tình tự của dân tộc qua mấy nghìn năm, cuối cùng cũng đã làm nên công cuộc chấn hưng trước sau chưa từng có của Phật giáo Việt Nam. Tiếng nói tưởng như lẻ loi trên tờ báo chỉ mới xuất bản được một số thì bị đình bản, đã hóa thành tiếng vang lớn lan khắp ba miền, kết nối chư tôn đức, kêu gọi nhân sĩ trí thức chung tay xây dựng lại một nền Phật giáo sinh động và vững vàng hơn. Kể từ Pháp Âm, hàng loạt tờ báo Phật giáo đã ra đời, tiếp nối sứ mệnh nói lên sự thật, làm tỏ lộ hiện trạng cần chấn chỉnh, giới thiệu những cái hay, cái mới cần áp dụng để làm xán lạn thêm nền Phật giáo của dân tộc: Từ Bi Âm ở miền Nam, Viên Âm ở miền Trung và Đuốc Tuệ ở miền Bắc. Hoàng Độ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |