Chi tiết tin tức

Bàn về tâm từ trong Kinh tạng Nikaya

18:42:00 - 12/05/2023
(PGNĐ) -  Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ và Xả) là một lối sống cao thượng, nơi nương tựa của bậc thánh. Bốn tâm này nhằm đối trị với bốn tâm xấu ác để hướng con người đến đời sống cao thượng và hữu ích, phát triển những đức hạnh tốt đang ngủ ngầm trong tâm. Tâm từ (Mettā) khiến con người trở nên cao thượng nhằm đối chọi với tâm sân hận (Dosa). Tâm bi (Karuṇā) nhằm diệt trừ tâm hung bạo (Hiṃsā). Tâm hỷ (Muditā) để trị bệnh ganh tỵ (Issā). Tâm xả (Upekkhā) khiến tâm quân bình với những điều ưa thích và không ưa thích. Con người dù theo tôn giáo hay văn hóa nào đều có thể trau dồi Tứ vô lượng tâm để tạo nên điều phước lành cho bản thân và những người xung quanh.

 

DẪN NHẬP

Tâm từ được Đức Phật nhắc đến nhiều lần trong Kinh tạng Nikāya, đặc biệt có các bài kinh về tâm từ: Kinh Từ Bi, Kinh Upasena [1] thuộc Kinh Tương Ưng Bộ.

Tâm từ cũng được thực hành như phương pháp Thiền định, với đề mục niệm rải tâm từ. Có nhiều phương pháp niệm rải tâm từ như: phương pháp niệm rải tâm từ theo bài Kinh Từ Bi, Thanh Tịnh Đạo luận, Paṭisambhidāmagga… Phương pháp niệm rải tâm từ theo Thanh Tịnh Đạo đề cập đến niệm rải tâm từ theo tuần tự (đối tượng trước đến đối tượng sau; tâm từ của đối tượng trước làm nền tảng vững chắc cho tâm từ của đối tượng sau theo tuần tự: chính mình, hạng người thương yêu, hạng người thương yêu nhiều, hạng người không thương không ghét và hạng người thù địch). Ngoài ra, trong kinh tạng còn đề cập phương pháp niệm rải tâm từ đến từng hạng người (5 hạng người), mỗi hạng người có 4 cách tổng cộng gồm 20 niệm rải tâm từ.

Phương pháp niệm rải tâm từ theo phương pháp Paṭisambhidāmagga nhằm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, chia thành 12 nhóm, mỗi nhóm có 4 điều (averā hontu…) trong 10 phương, tổng cộng có tất cả 528 điều niệm rải tâm từ. Theo 3 phương pháp: niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh (anodhiso – 5 hạng chúng sanh), niệm rải tâm từ đến riêng một chúng sinh (odhiso – 7 hạng chúng sanh), niệm rải tâm từ đến chúng sinh ở các phương khác (disā – 10 phương hướng). Trong bài viết này, tác giả đào sâu vào phương pháp niệm rải tâm từ theo bài Kinh Từ Bi, thuộc Kinh Tương Ưng Bộ. 

KHÁI NIỆM TÂM TỪ

“Từ” tiếng Pāli là Mettā, Sanskrit là Maitri.

“Tâm từ” dịch nghĩa từ tiếng Pāḷi: Mettācitta. [2]

– Mettā: nghĩa là từ, thương, tình thương.

– Citta: nghĩa tâm, sự biết.

Tâm từ nghĩa là biết thương, tình thương cao thượng, tình thương đối với mình và tất cả chúng sinh; cầu mong sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho mình và tất cả chúng sinh đồng nhau không khác. [3] Theo Kinh Từ Bi: “Tâm từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, săn sóc, bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng”. [4] 

Trên thực tế không có ngôn ngữ nào diễn tả trọn vẹn nghĩa chữ “Mettā” trong tiếng Pāli, chỉ có các danh từ đồng nghĩa: thiện ý, từ ái, hảo tâm, bác ái. Tâm từ là tình thương nhưng tình thương có 3 loại:

– Tình thương với tâm tham ái (taṇhāpema).

– Tình thương trong gia đình (gehasitapema).

– Tình thương với tâm từ (mettā adosa), ở đây chúng ta chỉ xét về ý nghĩa tình thương với tâm từ.

Theo Abhidhamma (Vi diệu pháp), tâm từ không có tâm riêng biệt trong các loại tâm (có 89 hoặc 121 tâm) và tâm sở (52 tâm sở). Tâm từ đóng vai trò biết đối tượng của vô sân tâm sở (adosacetasika), khi đối tượng là chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính, thuộc chế định pháp. Vô sân tâm sở thuộc loại tịnh hảo tâm sở (sobhanacetasika) đồng sinh với tất cả tịnh hảo tâm (sobhanacitta – Tịnh hảo tâm gồm có 59 hoặc 91 tâm) có 6 đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, gồm có đối tượng chân nghĩa pháp và chế định pháp.

Nếu vô sân tâm sở đồng sinh với tịnh hảo tâm không biết đến đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì vô sân tâm sở ấy không gọi là tâm từ. Nếu vô sân tâm sở đồng sinh với tịnh hảo tâm biết đối tượng chúng sinh đáng yêu, đáng mến, đáng kính thì vô sân tâm sở ấy gọi là tâm từ. [5]

Tâm từ là một trong 4 đề mục Thiền định vô lượng tâm (appamaññā). Hành giả thực hành đề mục niệm rải tâm từ này có khả năng chứng đắc từ đệ nhất thiền sắc giới thiện tâm cho đến đệ tứ thiền sắc giới thiện tâm. Tâm từ là đức tính của bậc Phạm thiên (Brahmavihāra). Tâm từ đóng vai trò là một trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật [6] để chứng đắc thành Phật Chánh Đẳng Giác hoặc Phật Ðộc Giác hoặc bậc Thánh Thanh văn…

NGUỒN GỐC BÀI KINH TỪ BI (Mettāsutta)

Theo ngài Hộ Pháp, khi Đức Phật ở tại Sāvatthi, chư Tỳ kheo đến đảnh lễ Ngài và xin được truyền dạy về đề mục thiền định, thiền tuệ thích hợp. Trong đó có nhóm 500 Tỳ kheo, sau khi thọ giáo đề mục Thiền định dẫn nhau đến khu rừng thuộc dãy núi Himavanta, được cư dân ở đây thỉnh ở lại an cư nhập hạ trong ba tháng mùa mưa. Các Tỳ kheo trú ngụ tại khu rừng, ngồi thực hành dưới các gốc cây, do oai lực giới đức và tu tập của các ngài nên chư thiên ở trong lâu đài của mình trên cội cây không thể ở yên ổn được, họ phải xuống dưới mặt đất ở, bị mưa gió khiến cuộc sống rất vất vả và khổ cực. Nhóm chư thiên muốn khiến cho các Tỳ kheo rời đi khỏi khu rừng để được trở về lâu đài của mình trên cây nên đã hóa ra những hình ảnh đáng ghê sợ, âm thanh rùng rợn, mùi hôi khó chịu…

Các Tỳ kheo khi thực hành thiền định và thiền tuệ bị những chướng ngại này làm cho tâm số đông các vị bị dao động, không ổn định phát sinh tâm sợ hãi khiến thân hình gầy gò, khuôn mặt xanh xao, hốc hác, phát sinh bệnh, khiến tâm không an trú được trong đề mục thiền. Khi hội họp, vị đại đức trưởng nhóm đã hỏi các Tỳ kheo về việc trên, sau khi biết sự việc đại đức trưởng nhóm đã đề nghị chư Tỳ kheo rời bỏ trú xứ an cư trở về đảnh lễ Đức Phật và xin phép được an cư nhập hạ ở một nơi khác [7]. Đức Phật đã khuyên dạy các Tỳ kheo về lại trú xứ cũ, đồng thời dạy cho các vị ấy bài Kinh Từ Bi (Mettāsutta), là paritta bảo vệ cho các vị Tỳ kheo được an toàn, để làm đề mục thiền định và làm nền tảng thực hành pháp hành thiền tuệ.

Sau khi trở lại khu rừng, nhóm các vị Tỳ kheo thực hành theo lời Phật dạy khiến nhóm chư thiên trong khu rừng núi ấy cảm thấy mát mẻ, an lạc do năng lực tâm từ của chư Tỳ kheo nên chư thiên vô cùng hoan hỷ, hộ độ chư các ngài sống yên ổn thực hành pháp hành thiền định với đề mục niệm rải tâm từ, chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm làm nền tảng để thực hành pháp hành thiền tuệ. Trong mùa an cư nhập hạ ấy, toàn thể chư Tỳ kheo đều chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Tứ Thánh đạo, Tứ Thánh quả và Niết bàn, trở thành bậc Thánh A-la-hán; đến ngày làm lễ Pavāraṇā, tất cả chư Tỳ kheo đều làm lễ Suddhipavāraṇā: lễ thỉnh mời hoàn toàn thanh tịnh của chư bậc Thánh A-la-hán gọi là Mahapavāraṇā: đại lễ thỉnh mời thanh tịnh [8].

Ngoài ra bàn về tâm từ còn có bài Kinh Khandhasutta (Upasena): trong Kinh Tương Ưng, Thiên Sáu Xứ, Kinh Upasena đề cập khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Upasena trú ở Rājagaha (Vương Xá), rừng Sitavana (Hàn Lâm), tại hang Ðầu Con Rắn (Sappapon-dikapabbāra). Lúc bấy giờ, một con rắn độc rơi trên thân Tôn giả Upasena, khiến Tôn giả bị rắn cắn và chết đi. Sau khi các thầy Tỳ kheo trình sự việc lên Đức Phật, Ngài dạy rằng do vị ấy đã không rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa [9]. Sau đó, Phật đã dạy cho chư Tỳ kheo Kinh Khandhasutta để rải tâm từ đến bốn loài rắn chúa.

NỘI DUNG CHÍNH BÀI KINH TỪ BI VÀ CÁCH NIỆM RẢI TÂM TỪ

Giai đoạn thứ nhất:  

Phần đầu của Kinh Từ Bi đề cập đến niệm rải tâm từ (Mettāpubbabhāgapaṭipadā), gồm 15 pháp hành [10]:

1. Sakko: Khả năng, nghĩa là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tính chân thật, có sức khỏe tốt, tinh tấn không ngừng, trí tuệ, hiểu biết rõ về pháp học và pháp hành.

2. Uju: Ngay thẳng, chân thật, hành thiện pháp, không hề gian dối bằng thân, bằng khẩu.

3. Sahuju: Trung thực, hành thiện pháp bằng ý nghĩ.

4. Suvaco: Dễ dạy, khuyên dạy thế nào thì thực hành như thế ấy, không phải là người cứng đầu khó dạy.

5. Mudu: Tính nhu mì, tính hiền lành, thân hành động nhẹ nhàng mềm mỏng; khẩu nói lời êm dịu, dễ nghe; ý nghĩ những điều thiện, thương yêu, kính mến mọi người.

6. Anatimāni: Không ngã mạn, không tự cho mình hơn người hoặc bằng người, thua người; đối với người lớn hơn mình thì cung kính lễ phép; đối với người bằng mình thì sống hòa nhã; đối với người nhỏ hơn mình thì tận tình giúp đỡ.

7. Santussako: Biết tri túc trong của cải của mình. Tri túc trong của cải có 3 ý nghĩa:

– Hài lòng trong của cải mình đã có sẵn.

– Hài lòng trong của cải của mình đang có được.

– Hài lòng trong của cải dù tốt dù xấu (tâm không coi trọng đồ tốt, không coi khinh đồ xấu).

8. Subharo: Dễ nuôi, người khác nuôi dưỡng như thế nào cũng hoan hỷ như thế ấy, không hề lựa chọn, phân biệt.

9. Appakicco: Ít công, ít việc. Ðối với hành giả thực hành pháp hành thiền định, thiền tuệ, ít công việc chừng nào tốt chừng ấy; vì ít công việc thì mới có nhiều thời gian thực hành.

10. Sallahukavutti: Đời sống nhẹ nhàng; đi lại nhẹ nhàng. Đối với người xuất gia chỉ cần có 8 thứ vật dụng cần thiết hằng ngày, tam y che thân và có bát để đi khất thực nuôi mạng trong ngày.

11. Santindriyo: Biết thu thúc lục căn. Khi mắt thấy sắc đẹp hoặc xấu; khi tai nghe âm thanh hay hoặc dở; khi mũi ngửi mùi thơm hoặc hôi; khi lưỡi nếm vị ngon hoặc dở; khi thân xúc chạm cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh…; khi tâm biết các đối tượng đáng hài lòng hoặc không đáng hài lòng, biết thu thúc lục căn thanh tịnh không để cho phiền não tham, sân, si phát sinh, chỉ có thiện tâm phát sinh mà thôi.

12. Nipako: Có trí tuệ thông minh sáng suốt, hiểu biết rõ sự lợi ích cao thượng Niết bàn, chỉ mong thực hành pháp hành thiền tuệ để mau chóng chứng ngộ chân lý.

13. Appagabbho: Có thân, khẩu, ý được trau dồi thuần đức.

14. Kulesu ananugiddho: Không quyến luyến gia đình.

15. Yena viññū pare upavadeyyuṃ, na ca khuddamācare kiñci: Những bậc thiện trí chê trách điều ác nào, không làm điều ác ấy dù là rất nhỏ.

Giai đoạn thứ hai: 

– Niệm rải tâm từ, mong tất cả chúng sinh được sự tiến hóa, sự an lạc [11]. Gồm 3 phương pháp:

1. Niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh tổng hợp trong tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) gồm có 31 cõi (dục giới có 11 cõi, sắc giới có 16 cõi, vô sắc giới có 4 cõi), 4 loài (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh) không giới hạn, không ngoại trừ hạng chúng sinh nào. 

Mong cho tất cả chúng sinh có thân tâm thường được an lạc, bình an vô sự.

Hành giả thực hành niệm rải tâm từ khai triển trên ba phương diện: thân, tâm, cả thân và tâm.

Mong cho tất cả chúng sinh, thân thường được an lạc.

Mong cho tất cả chúng sinh, tâm thường được an lạc.

Mong cho tất cả chúng sinh thân tâm thường được an lạc. 

2. Niệm rải từ đến chúng sinh có 2 nhóm gồm 4 loại [12].

a. Tasa thāvara: Chúng sinh còn sợ và không còn sợ.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh còn sợ (hạng phàm nhân và bậc Thánh hữu học [13]; và hạng chúng sinh không còn sợ (A-la-hán), thân tâm thường được an lạc.

b. Diṭṭhādiṭṭha: Chúng sinh nhìn thấy được và không nhìn thấy được.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh nhìn thấy được và hạng chúng sinh không nhìn thấy được, thân tâm thường được an lạc.

c. Dūra santika: Chúng sinh ở xa và ở gần.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh ở nơi xa và hạng chúng sinh ở nơi gần, thân tâm thường được an lạc.

d. Bhūtā sambhavesi: Chúng sinh là bậc Thánh A-la-hán, bậc Thánh hữu học và hạng phàm nhân.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh đã trở thành bậc Thánh A-la-hán; và hạng chúng sinh còn phải tái sinh kiếp sau ‘bậc Thánh hữu học và hạng phàm nhân’, thân tâm thường được an lạc. 

3. Niệm rải tâm từ đến chúng sinh có 3 nhóm gồm 3 loại. 

a. Dīgha rassa majjhima: Chúng sinh có thân hình dài, ngắn, trung bình.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình dài, thân hình ngắn, thân hình trung bình “không dài không ngắn”, thân tâm thường được an lạc.

b. Mahantāṇuka majjhima: Chúng sinh có thân hình to, nhỏ, trung bình.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình to lớn, thân hình nhỏ bé, thân hình trung bình “không lớn không nhỏ”, thân tâm thường được an lạc.

c. Thulāṇuka majjhima: Chúng sinh có thân hình mập, ốm, trung bình.

Mong cho tất cả chúng sinh cả thảy đó là hạng chúng sinh có thân hình mập mạp, thân hình gầy ốm, thân hình trung bình “không mập không gầy”, thân tâm thường được an lạc. 

– Niệm rải tâm từ, mong chúng sinh không có sự thoái hóa, sự khổ não; chỉ có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc thường phát sinh đến tất cả chúng sinh [14].

Mong cho người này không lừa đảo làm khổ người kia.

Mong cho người này không khinh thường người khác bất cứ nơi nào.

Mong cho chúng-sinh đừng làm khổ lẫn nhau bằng thân hoặc bằng khẩu do tâm sân oán thù.

TÍNH CHẤT VÀ LỢI ÍCH CỦA NIỆM RẢI TÂM TỪ

Niệm rải tâm từ có tám tính chất [15] là:

1. Lakkhaṇa: Trạng thái; tâm từ có trạng thái biểu hiện qua thân, khẩu, ý bằng hành động, lời nói, ý nghĩ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cho tất cả chúng sinh.

2. Rasa: Phận sự; tâm từ có phận sự làm cho tất cả chúng sinh được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc thật sự.

3. Paccuppaṭṭhāna: Sự hiện hữu; sự hiện hữu của tâm từ làm tiêu diệt tâm sân hận.

4. Padaṭṭhāna: Nguyên nhân gần của tâm từ. Những điều tốt, những thiện pháp của tất cả chúng sinh thật đáng hài lòng; hoàn toàn không quan tâm đến những điều xấu, những ác pháp của chúng sinh, đó là nguyên nhân gần để phát sinh tâm từ.

5. Sampatti: Sự thành tựu; sự thành tựu của tâm từ là khiến cho tâm sân hận không thể phát sinh.

6. Vippatti: Sự thất bại; sự thất bại của tâm từ là làm cho tâm tham ái dễ phát sinh.

7. Āsannapaccatthika: Thù nghịch gần của tâm từ là tâm tham dục.

8. Dūrapaccatthika: Thù nghịch xa của tâm từ đó là tâm sân hận.

Trong bài kinh Mettāsutta, Ðức Phật dạy về 11 quả báu của tâm từ [16] hay 8 lợi ích theo AN [17]:

1. Ngủ được an lạc.

2. Thức dậy được an lạc.

3. Không thấy các ác mộng.

4. Ðược mọi người thương yêu, quý mến.

5. Ðược các hàng phi nhân thương yêu, quý mến.

6. Ðược chư thiên hộ trì.

7. Lửa hoặc chất độc hoặc các loại vũ khí…không thể làm hại được.

8. Tâm dễ dàng an tịnh.

9. Gương mặt sáng sủa.

10. Lúc lâm chung, tâm không mê muội (tâm sáng suốt).

11. Ðề mục niệm rải tâm từ có khả năng dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới thiện tâm (trừ đệ ngũ thiền); nếu chưa trở thành bậc Thánh A-la-hán thì sau khi chết, bậc thiền sắc giới thiện tâm sở đắc của hành giả cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên tương xứng với bậc thiền quả tâm của hành giả.

KẾT LUẬN

Đức Phật dạy rằng: “Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm từ mới dập tắt lòng sân” [18]. Tâm từ còn diệt trừ các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm từ không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không bao giờ sợ ai, cũng không bao giờ làm ai sợ. Tâm từ bao la rộng rãi, đồng đều, đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác ý đối với mình. Người thực hành niệm rải tâm từ sẽ thấy mình đồng nhất với tất cả chúng sanh, không còn chấp sự khác biệt giữa mình và người.

Ngày nay, chúng ta có đầy đủ vật chất và khoa học tiên tiến nhưng cuộc sống vẫn đối mặt với rất nhiều bất ổn, ít an vui, hạnh phúc, hòa bình. Vì vậy tâm từ là một nhu cầu cấp thiết của thế giới ngày nay. Bởi vì các mối quan hệ trong xã hội được xây dựng trên nền tảng niềm tin và sự chân thành nên việc thực hành niệm rải tâm từ sẽ cải thiện được các mối quan hệ giao tiếp với mọi người cho chính người thực hành nó. Từ đây chúng ta sẽ có được cuộc sống hạnh phúc thật sự, nhiều hỷ lạc nhờ đó tâm từ và định lực sẽ được kiên cố và vững bền hơn.

 

SC. Thích Nữ Viên Châu/TCVHPG408

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* SC. Thích Nữ Viên Châu, Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

[1] ĐTKVN, Kinh Tương Ưng, Tập IV-Thiên Sáu Xứ, Chương 1 (B)-Tương Ưng Sáu Xứ, VIl.Upasena, tr.137. (S.iv,40)

[2] Phạm Kim Khánh (dịch) (2003), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tôn giáo, tr.425.

[3] Sđd.

[4] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Chương I, phẩm rắn, Kinh Từ Bi (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.358. (Sn 25); ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tiểu Tụng, IX. Kinh Lòng Từ (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.35.

[5] Tỳ-khưu Giác Giới, Vi Diệu Pháp Sơ Cấp, Nxb. Tôn giáo, tr.118.

[6] 10 Ba-la-mật: 1.Bố-thí Ba-la-mật, 2.Giữ-giới Ba-la-mật, 3.Xuất-gia Ba-la-mật, 4.Trí-tuệ Ba-la-mật, 5.Tinh tấn Ba-la-mật, 6.Nhẫn nại Ba-la-mật, 7.Chân thật Ba-la-mật, 8.Phát nguyện Ba-la-mật, 9.Tâm từ Ba-la-mật, 10.Tâm xả Ba-la-mật.

[7] “An cư nhập hạ đầu: Kể từ ngày 16 tháng 6 cho đến 15 tháng 9 (âm lịch); An cư nhập hạ sau: Kể từ ngày 16 tháng 7 cho đến 15 tháng 10 (âm lịch)”; Mahāvagga, tập 4, Chương vào mùa mưa, tụng phẩm thứ nhất, Nxb. Tôn giáo.

[8] Tỳ-khưu Hộ Pháp (2019), Tâm từ (mettacitta), Nxb. Tôn giáo, tr.12-17.

[9] Bốn loài rắn chúa: loài rắn chúa Virūpakkha, loài rắn chúa Erāpatha, loài rắn chúa Chabyāputta, loài rắn chúa Kaṇhāgotama; Culla Vagga, tập 7, các tiểu sự, tụng phẩm thứ nhất, số 35, Nxb. Tôn giáo.

[10] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Chương I, phẩm rắn, Kinh Từ Bi (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.358. (Sn 25)

ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tiểu Tụng, IX. Kinh Lòng Từ (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.35.

[11] Nt.

[12] Bốn loại chúng sinh: 1.Tasa thāvara: chúng sinh còn sợ và không còn sợ. 2. Diṭṭhādiṭṭha: chúng sinh nhìn thấy được và không nhìn thấy được. 3. Dūra santika: chúng sinh ở xa và ở gần. 4. Bhūtā sambhavesi: chúng sinh là bậc Thánh A-la-hán, bậc Thánh hữu học và hạng phàm nhân.

[13] Bậc Thánh hữu học có 3 hạng: bậc Thánh Nhập lưu, bậc Thánh Nhất lai, bậc Thánh Bất lai.

[14] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Chương I, phẩm rắn, Kinh Từ Bi (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.358. (Sn 25)

ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tiểu Tụng, IX. Kinh Lòng Từ (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.35.

[15] Tỳ khưu Hộ Pháp (2019), Tâm Từ (Mettacitta), Nxb. Tôn giáo, tr.83-84.

[16] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tập, Chương I, phẩm rắn, Kinh Từ Bi (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.358. (Sn 25)

ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ, Kinh Tiểu Tụng, IX. Kinh Lòng Từ (Mettā Sutta), Nxb. Tôn giáo, tr.35.

[17] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi, Chương 8 pháp, Phẩm từ, (I)(1), VNCPHVN, Nxb. Tôn giáo, tr.290.

[18] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ, Kinh Sa-môn quả, VNCPHVN, Nxb. Tôn giáo, tr.76; ĐTKVN, Kinh Trung Bộ, Kinh Ví dụ cái cưa, VNCPHVN, Nxb. Tôn giáo, tr.164.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin