Chi tiết tin tức Triết lý đạo đức xã hội qua tác phẩm Bodhicaryavatara 15:03:00 - 25/11/2022
(PGNĐ) - Hiện nay, bên cạnh sự phát triển của văn minh vật chất lẫn tinh thần, nhân loại cũng đứng trước nhiều thách thức về đạo đức và các chân giá trị truyền thống. Nếu chúng ta áp dụng khái niệm cốt lõi của Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa Phật giáo với minh chứng trong tác phẩm “Nhập Bồ-tát hạnh” của Santideva nói lên chuẩn mực quy tắc đạo đức ứng xử để áp dụng vào đời sống hàng ngày thì hầu hết các thách thức có thể được giải quyết.
DẪN NHẬP Đạo đức rất cần thiết trong cuộc sống hàng ngày và quá trình giác ngộ. Phần lý thuyết về giáo lý Đức Phật đã dạy sẽ không đủ, nếu chỉ thực hành bằng cách đọc qua sách vở. Hơn nữa, ngay cả khi thực hiện các hành động đạo đức, con người phải có cái nhìn đúng đắn và hiểu biết tường tận để phán đoán, nhận định việc làm ấy của mình. Việc thực hiện một hành động không chỉ được coi là việc làm đơn thuần mà còn phải bắt nguồn vì lợi ích của tất cả chúng sanh, để thỏa mãn vật chất và tinh thần của họ cũng như nhu cầu nâng cao đạo đức. Như vậy, một vị Bồ tát thực hành sáu Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục,…) để phát triển cái nhìn vị tha thông qua trí tuệ và chính kiến. Bản thân tự nguyện làm các công việc lợi ích mang tính đạo đức cho tất cả chúng sanh thì không có bất kỳ mong đợi nhận lại sự trả ơn hay mang ơn đối với người được mình giúp đỡ. Không những thế, phải luôn luôn ghi nhớ những việc làm và cách cư xử của mình không được làm tổn thương tình cảm của người khác, dù đó là gia đình, nơi làm việc hay xã hội. Vì vậy, việc tuân thủ các hành vi đạo đức của Bồ tát có khả năng tạo ra sự hòa hợp. Hiện nay, bên cạnh sự phát triển của văn minh vật chất lẫn tinh thần, nhân loại cũng đứng trước nhiều thách thức về đạo đức và các chân giá trị truyền thống. Nếu chúng ta áp dụng khái niệm cốt lõi của Phật giáo, đặc biệt là Đại thừa Phật giáo với minh chứng trong tác phẩm “Nhập Bồ-tát hạnh” của Santideva nói lên chuẩn mực quy tắc đạo đức ứng xử để áp dụng vào đời sống hàng ngày thì hầu hết các thách thức có thể được giải quyết. KHÁI LƯỢC VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO Đạo đức Thuật ngữ đạo đức trong tiếng Anh biểu thị các nguyên tắc đạo đức, điều chỉnh hành vi của một người. Nó cũng chỉ ra hành vi của một cá nhân và cách người ta thực hiện công việc. Trong văn học cổ đại Ấn Độ, các thuật ngữ như: Acara, Dharma, Niti và Sila là nền tảng của kỷ luật đạo đức. Nhưng trong Phật giáo, thuật ngữ thích hợp hoặc gần nhất cho đạo đức là “Sila” để chỉ cho giới luật. Đạo đức trong các hình thức ứng xử ở Ấn Độ được xem là thượng tôn pháp luật, không bị giới hạn chỉ cho con người mà là tất cả chúng sinh: làm việc vì lợi ích và niềm vui cho tất cả. Tuy nhiên, khái niệm cơ bản của lý thuyết đạo đức dựa trên luật nhân quả. Hành động tốt luôn tạo ra kết quả tích cực và hành động tội lỗi tạo ra kết quả tiêu cực. Tuy nhiên, ngay cả khi cư xử có đạo đức nhất có thể, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực do nghiệp tích lũy. Để sống hạnh phúc, chúng ta cần hành động có đạo đức. Hành động tốt luôn tạo ra kết quả tích cực trong cuộc sống hiện tại hoặc tương lai. Những hành động nhân đức giúp hiện tại và tương lai ít khổ đau nhưng nhiều niềm vui hơn cho mọi người. Bên trong sự tương phản này, cùng một thái độ và hành vi, nếu nảy sinh bởi ham mê bản thân của con người, ảo tưởng và chấp trước, bị coi là hành động phi đạo đức. Đạo đức Phật giáo Đạo đức được coi là nền tảng của Triết học Phật giáo. Đầu tiên trong Phật giáo, chúng ta tìm thấy ba lời dạy chính của Đức Phật: Sila (Trì giới), Samadhi (Thiền định) và Pannya (Trí tuệ). Ba điều này là nền tảng cho toàn bộ lời dạy Đức Phật vì những điều này tạo thành con đường dẫn đến sự kết thúc đau khổ. Người ta nói, đây là những điều thiết yếu để tất cả chứng ngộ trong mọi thời đại. Có thể nói, trì giới là cơ sở của tất cả, vì nếu không có trì giới thì sự tập trung của tâm là không thể: “Người vững chắc trong giới, nếu người ấy trau dồi sự sáng suốt của mình và hiểu được, thì Tỳ kheo thông minh đó sẽ xóa bỏ mọi nghi ngờ và bối rối của mình, trong tình hình hoảng loạn” [1]. Đây là lý do mà những lời dạy của Đức Phật ảnh hưởng đến mọi người từ các xã hội, truyền thống, quốc gia và nền văn hóa khác nhau kể từ khi đạo Phật hình thành. Trong Phật giáo Đại thừa, đạo đức là một trạng thái của tâm trí khiến bản thân dừng lại, không tham gia vào bất kỳ công việc nào có thể gây hại cho chúng sanh. Đó là lý do tại sao trong truyền thống Đại thừa, “sự hiểu biết về khái niệm Sunyata củng cố cho rằng không có các yếu tố tồn tại độc lập, riêng biệt. Các nhận thức về vô ngã, tính không và sự phụ thuộc lẫn nhau dẫn đến một đạo đức của sự quan tâm đến tất cả chúng sanh và vạn vật” [2]. Thật là một biểu hiện cao quý! “Niết Bàn chính là sự xả bỏ hoàn toàn. Trước sau gì cũng phải xả bỏ, tốt hơn là nên bố thí, cúng dường cho tất cả chúng sanh” [3]. Do đó, mục tiêu chính của Bồ tát là loại bỏ những đau khổ và mang lại nhiều niềm vui cho chúng sanh . Vì vậy, bất cứ điều gì bản thân có thể thực hiện đều vì lợi ích chúng sanh, giảm bớt đau khổ và đong đầy hạnh phúc cho họ. Trong tất cả truyền thống Phật giáo, đạo đức chính là cơ sở hoàn thành mục tiêu giải thoát. Đạo đức cũng biểu thị hành vi đạo đức con người, cung cấp sức mạnh để tập trung tâm trí. Vì vậy, nó là nền tảng để đạt được mục tiêu. Một khi không thể tuân theo sự dạy dỗ của kỷ luật chính là không kiểm soát được tâm trí, không ổn định. Vì vậy, “người nào muốn giữ gìn giới hạnh thì trước hết phải biết giữ gìn cẩn thận tâm ý; nếu không giữ gìn được tâm ý thì sẽ không giữ gìn được giới hạnh” [4]. Tâm trí không được kiểm soát sẽ mang đến nỗi đau không thể chịu đựng như trong lời khuyên: “những con voi rừng, khi bị động cỡn, giày xéo phá hoại mọi vật những vẫn chưa bằng con “voi tâm” phóng túng nơi địa ngục” [5]. Mọi nỗi sợ hãi và đau khổ khôn lường chỉ bắt nguồn từ tâm trí, vì vậy nếu tâm trí được kiểm soát thì mọi nỗi sợ hãi và đau đớn có thể tan biến. Do đó, tâm trí có vai trò rất quan trọng trong tất cả các hoạt động sinh hoạt thường nhật của chúng ta. Santideva khẳng định nếu kiểm soát được tâm trí thì tất cả những ý niệm xấu đều bị kiểm soát, giống như “tất cả sư tử, cọp,… sẽ bị giam trói nếu chính tâm bị giam trói; hết thảy sẽ được điều phục nếu tâm được điều phục” [6]. Đây là lý do mà trong Phật giáo, hậu quả của một hành động dựa trên ý định quan trọng hơn là bản thân hành động. Điều quan trọng là phải kiểm soát tâm trí như thể tâm trí kiểm soát thì tất cả các hành động sai trái, không phù hợp với pháp và luật sẽ được kiểm soát. Đó là lý do tại sao trong Phật giáo trí tuệ được coi là sự nghiệp. QUÁ TRÌNH HOÀN THIỆN ĐẠO ĐỨC QUA BỒ TÁT HẠNH Trí tuệ là một sự nghiệp Các khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống chính là biết đúng đắn về nhân sinh và vũ trụ, với mục tiêu loại bỏ đau khổ và làm cho cuộc sống vui vẻ. Đau là đau cho dù thuộc về bản thân hay những chúng sanh khác. Vì vậy, cần phải có một hiểu biết về chu kỳ cuộc sống, hay nói cách khác là phải thấu triệt giáo lý vô thường sanh diệt của tự nhiên để bản thân không phải chấp trước vào mọi vật, mọi cảnh. Vì thế, trí tuệ được coi như một sự nghiệp. Điều này minh chứng thông qua hành vi đạo đức ở con đường kiểu mẫu của bậc đã và đang giác ngộ ở hiện tại. Các nguyên tắc đạo đức (giới luật) được thực hiện bởi các bậc đạo sư, Tỳ kheo hay thiện nam, tín nữ tu hành theo giáo lý Đức Phật nhằm dẫn đến các mục tiêu đó là sự nghiệp giải thoát và làm lợi lạc chúng sanh. Khi nhìn lại nội dung tác phẩm “Bồ-tát hạnh”, có thể thấy Bồ tát là một vị cứu tinh phổ quát của tất cả chúng sanh. Một cá nhân phải thực hiện được các hạnh lành khác nhau để trở thành một người chứng ngộ ở hiện tại. Sự phát khởi dõng mãnh của tâm bồ đề, tâm từ bi và những hành động đức hạnh để có thể trở thành một bậc giác ngộ là rất cần thiết để đạt được mục tiêu chính, dù đó là Phật quả hay hạnh phúc thế gian. Tuy nhiên, sự hoàn hảo trong việc thực hiện sáu Ba-la-mật phải thể hiện qua phải hành động. Do đó, sự hoàn hảo này là một tiêu chí thiết yếu để hoàn thành mục tiêu của Bồ-tát hạnh. Sẽ không có sự hoàn hảo nếu không hiểu biết đúng đắn về các lành Ba-la-mật. Chúng ta nên biết rằng tất cả chúng sanh đều có cảm giác đau đớn và vui vẻ, vì vậy phải nghĩ về việc giảm bớt nỗi đau của họ. Sự khôn ngoan, khéo léo được giải thích trong bối cảnh của một tâm từ bi và thái độ vị tha nghĩa là phải có tầm nhìn đúng đắn để xác định điều gì tốt và điều gì xấu. Vì vậy, trong khi thực hiện các hạnh lành, sự hiểu biết hoàn hảo là điều rất cần thiết. Nhưng, sự hoàn hảo chỉ đến thông qua thực hành nhất quán. Sự hoàn hảo của đạo đức trong tác phẩm được giải thích ở chương ba và bốn “Phát Bồ đề tâm và thực hành Bồ đề tâm”. Vấn đề chính và quan trọng nhất trong việc thực hiện sáu Ba-la-mật của bản thân là phát và thực hành Bồ đề tâm của mình. Không có hai điều này, hành giả sẽ không thể tập trung vào mục tiêu hành trì sáu Ba-la-mật. Chánh niệm và nhận thức đầy đủ Tâm trí có thể dễ dàng đánh lừa bất cứ ai. Mọi thứ, bao gồm cả kỷ luật đạo đức, xuất phát từ tâm trí. Tất cả các hành vi phụ thuộc vào tốt hay xấu đều do ý định mà nên. Như vậy, trong lý thuyết đạo đức, luân lý kỷ luật phụ thuộc vào tâm trí. Nếu tâm trí không hoạt động và không tập trung “dù tụng kinh, ép xác lâu ngày cũng đều vô ích nếu tâm tán loạn, chứa đầy tà kiến” [7]. Do đó, Santideva chắp tay cầu nguyện cho những người sẽ và đang thực hiện sáu hạnh lành “hởi những ai muốn bảo vệ tâm ý. Tôi xin chấp tay khẩn cầu: “Hãy hết sức giữ gìn chánh niệm và tỉnh thức” [8]. Tâm trí không được kiểm soát, không có chánh niệm và tỉnh giác hoàn toàn thì không thể có khả năng thực hiện hành động tốt. Chánh niệm không chỉ liên quan đến thiền định, mà là một trạng thái tinh thần của tâm trí, mang lại sự thông thái, tập trung và tỉnh thức. Do thiếu nhận thức đầy đủ, “có nhiều người thông thái, trí thức, sùng tín nhưng vì thiếu tỉnh thức nên đã lầm theo tà kiến” [9]. Thậm chí “sự thất niệm cũng giống như tên ăn trộm, luôn rình rập thừa lúc ta vô ý, nhảy vào đánh cắp tất cả công đức và khiến ta rơi vào khổ nạn” [10], phá hủy trạng thái hạnh phúc của cuộc sống của một người. Vì vậy, hãy tập trung tâm trí. Nhưng, nó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi tâm trí rất tinh ranh, người ta phải luôn luôn duy trì chánh niệm và ghi nhớ hậu quả đau đớn của khổ não. Tầm quan trọng của chánh niệm là tất yếu. Bất cứ điều gì là tốt nếu đó là một trợ giúp để đạt được sự cao quý phẩm chất của hành giả. “Con hạc, con mèo và kẻ trộm luôn bước đi nhẹ nhàng yên lặng nên dễ bắt được mồi. Bồ tát cũng nên tập như vậy” [11]. Để hoàn thành hạnh nguyện, hành giả bắt buộc phải giữ tâm trí mình luôn luôn trong trạng thái chánh niệm, trí tuệ thông thái và năng lực phẩm hạnh cũng là những điều kiện cần thiết để thực hiện sáu Ba-la-mật. Santideva lại khẳng định thêm rằng nếu chỉ phát Bồ đề tâm và thực hiện Bồ đề tâm không thì chưa đủ, chỉ thông qua hai điều này, hành giả không thể đạt được mục tiêu chính mà phải tham gia vào thực hành sáu Ba-la-mật. Chúng được gọi là Sadparamitas (sáu viên mãn), gồm: Viz dana (bố thí), Sila (trì giới), Ksanti (nhẫn nhục), Virya (tinh tấn), Dhyana (thiền định) và Prajnya (trí tuệ). Một vị Bồ tát là người thực hành sáu sự hoàn hảo ấy, nhằm trở nên hoàn hảo trong việc thực hiện các hành động đạo đức. Hành giả thực hiện hành động vì lợi ích chúng sanh, để xóa bỏ những đau khổ và mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của họ. ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO VÀ THUYẾT HÀNH ĐỘNG Trong Phật giáo, cả đạo đức và hành động về bản chất đều gắn liền với nhau. Do đó, cách hành động quan trọng hơn là hành động của chính nó. Ở đây, hành động có nghĩa là thực hiện các việc làm tốt hoặc xấu. Như vậy, hành động có nghĩa là hành động và cả kết quả của hành động đó. Trong bất kỳ trường hợp, ứng xử đạo đức là điều cần thiết. Bằng cách này, chúng ta tìm thấy hai hình thức đạo đức dựa trên lý thuyết về hành động; đạo đức nhân đức và đạo đức học nói chung. Đạo đức nhân đức (đức hạnh) có nghĩa là nghiêm ngặt các quy tắc đạo đức được tuân theo bởi các bậc xuất sĩ hoặc nam, nữ cư sĩ. Mặt khác, đạo đức nói chung có nghĩa là thái độ hoặc hành vi của một cá nhân trong khi người đó làm việc. Điều này xuất hiện dưới góc độ nghĩa vụ của một người. Chân giá trị của một người phụ thuộc vào lý trí, vì vậy, người ấy phải có sự hiểu biết đúng đắn về những người khác và đối xử nhân đạo với chúng. Do đó, người ta phải hành động và cư xử để quan tâm đến cảm xúc của người khác. Nguyên tắc chung của học thuyết về nghiệp là hành động tích cực cho một kết quả tích cực và hành động tiêu cực cho một kết quả tiêu cực. Vì vậy, chúng ta phải luôn thực hiện những việc thiện để cuộc đời bớt khổ đau và thêm nhiều niềm vui. Tác phẩm Bồ-tát hạnh nói rằng: “A! Phải giữ gìn nó để sau này làm mồi cho chó sói và diều hâu chăng? Thay vì dùng cái thân khốn nạn này vào việc tạo công đức, ngươi lại săn sóc luyến ái nó để cuối cùng tử thần cũng đến giựt của ngươi, vứt cho diều hâu ăn. Ôi, lúc đó ngươi sẽ làm gì?” [12]. Tuy nhiên, khái niệm về các hành động của Bồ tát quan trọng hơn nhiều so với quy luật chung của nghiệp lực. Để đạt được sự hoàn hảo khi thực hiện bất kỳ hành động nào, việc tuân thủ quy tắc đạo đức ứng xử là rất cần thiết. Đây là lý do Bồ tát luôn thực hiện những việc làm tốt vì bản thân và lợi ích của người khác. Hành động này có những giá trị cao trong bất kỳ nền văn hóa hay xã hội nào ở mọi thời đại. Sự dạy dỗ mà chúng ta học được từ đó là không tham gia vào các hành động phi đạo đức và luôn nghĩ tích cực về người khác. Santideva cầu nguyện, “bao nhiêu công đức góp nhặt được qua các hạnh lành trên, tôi hồi hướng nguyện sẽ làm người cứu khổ chúng sanh” [13]. Trong khái niệm của Bồ tát về dana (bố thí) không chỉ gồm bố thí vật chất của cải mà còn là sự từ bỏ những thành quả vất vả kiếm được từ lao động, sản xuất của bản thân để thực hiện những việc làm nhân đức. Một vị Bồ tát sẵn sàng từ bỏ toàn bộ tài sản của mình về vật chất và tinh thần, vì lợi ích của người khác mà không có bất kỳ sự kỳ vọng nào từ hành động cho đi sẽ được nhận lại. Do đó, nếu phải tuân thủ hành động nằm ngoài đạo đức quy tắc ứng xử, Bồ tát có thể thực hiện hành động đó vì lợi ích của tha nhân bởi tâm trí hoàn hảo, thánh thiện của mình. Hành giả hoàn toàn có đủ năng lực để hiểu các tình huống và hoàn cảnh trên. Tuy nhiên, trong tất cả những điều này, sự hoàn hảo đạo đức là cơ sở của mọi sự hoàn hảo. Ví dụ, trong khi thực hành sự hoàn thiện về bố thí, người ta phải có một thái độ vị tha. Đó là lý do tại sao, dù cả sáu hạnh lành đều quan trọng nhưng đạo đức là cầu nối để bảo vệ tâm ý không bị thoái chuyển. HOÀN THIỆN ĐẠO ĐỨC Có hai khía cạnh đạo đức là không làm hại người khác và kiềm chế làm những hành động tiêu cực có hại cho người khác. Chủ yếu có ba loại hành động tiêu cực: thể xác, lời nói và tinh thần. Chúng được phân loại thêm thành ba thể loại: 1. Ba hành động tiêu cực của thân thể: giết hại, trộm cắp và tà dâm, 2. Bốn hành động bằng lời nói: nói dối, lời nói chia rẽ, lời nói gay gắt và lời nói phù phiếm, 3. Ba hành động tinh thần: tham lam, ý định có hại, và tà kiến. Tuy nhiên, hành vi có đạo đức hay trái đạo đức phụ thuộc vào ý định tốt hoặc xấu của con người. Mọi thứ đều là sản phẩm của tâm trí nên việc thanh lọc tâm trí cần thiết hơn hành động hoặc lời nói. Dù vậy, đối với tất cả những điều này, cần có sự hiểu biết đúng đắn và tầm nhìn hoàn chỉnh để phán đoán tình huống, điều kiện và thời gian thích hợp để có hành động phù hợp. Tính độc đáo của đạo đức Phật giáo như giải thích trong tác phẩm là không có giới hạn về hạnh nguyện của một vị Bồ tát có tâm hoàn hảo, hiểu biết đúng đắn. Sự hoàn hảo này có được nhờ trải nghiệm lâu dài và hành giả phải tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt do pháp luật quy định. Tất cả những điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh, địa điểm và thời gian. Người ta phải luôn nghĩ đến lợi ích của người khác. Người có một tâm từ bi và một người luôn có xu hướng làm điều tốt cho người khác có thể hành động vượt ra ngoài quy tắc ứng xử của con đường kiểu mẫu nếu hoàn cảnh buộc anh ta phải làm như vậy để tạo lợi ích cho người khác. “Sau khi hiểu rõ điều trên, Bồ tát phải đem hết nghị lực làm việc không ngừng để lợi ích chúng sanh” [14]. Một người phải chia sẻ với những người bị áp bức hoặc trong tình trạng khốn khổ, bất lực hoặc không được bảo vệ. Hơn nữa, “Bồ tát sẽ phải chia sẻ thức ăn của mình cho kẻ đau khổ, cô thế và những tu sĩ khác. Bồ Tát xả bỏ hết, trừ ba y (cà sa)” [15]. Nhấn mạnh đạo đức phẩm hạnh, bởi một vị Bồ tát, người ta nói rằng Bồ tát không được thu hút người khác bằng cách giảng dạy sai lạc Kinh giáo (Sutra) và Mật giáo (Mantra). … Bồ tát cần phải học hỏi để giữ gìn, không làm những việc có thể gây tai tiếng” [16]. Đây là những định mức chung áp dụng cho tất cả. Nó rất hữu ích cho cuộc sống, hỗ trợ rất nhiều trong sự tu tập thực hành giới luật, làm giảm bớt những phóng túng, tập khí hàng ngày của chúng ta. Nó làm chúng ta trở thành con người tốt hơn, thánh thiện hơn trong đời sống. ỨNG DỤNG TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT Thái độ và hành vi Đạo đức dựa trên hành vi và cách cư xử của con người. Con người là một thân nghiệp dựa trên định luật nhân quả. Nếu chúng ta làm điều tốt, lợi ích cho người khác thì cuộc sống tương lai sẽ dễ chịu hơn. Vì vậy, hành vi của chúng ta đối với người khác phải tốt và tích cực nếu không muốn cuộc sống chịu nhiều đau khổ. Chúng ta sẽ thiếu niềm vui, sự yên bình và thanh thản trong tâm trí. Trong chương “Phát, thực hành Bồ đề tâm và giữ gìn tâm ý”, Santideva khẳng định những gì là thái độ, hành vi mà chúng ta phải tuân theo và những gì phải tránh trong đời sống hàng ngày. Ví dụ: “Bồ tát sẽ biết rõ những gì nên tránh và nên làm. Như thế, Bồ tát mới có thể hoàn tất chu đáo giới hạnh của mình” [17], “Hạnh của Bồ tát rất nhiều, không thể tính đếm. Nhưng có một hạnh tuyệt đối cần giữ gìn đó là luyện tập và thanh lọc tâm ý” [18]. Một hành giả trong khi hành động phải hết sức cẩn thận. “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận, dù nghịch, Bồ tát cũng đều nhớ thực hành những giới hạnh trên một cách tương xứng” [19]. Bằng cách này, một hành giả khi thực hành hạnh Bồ tát luôn thực hiện một cách xuất sắc những hạnh lành của mình. “Vì lợi ích (giải thoát) chúng sanh nên không có hạnh nào mà Bồ tát không làm. Và như thế, không có hạnh nào mà không đem lại công đức” [20]. Kỷ luật đạo đức quan trọng nhất là kiêng các hành động có hại cho thân thể, lời nói và tâm trí. Khía cạnh quan trọng thứ hai của các nguyên tắc đạo đức là trau dồi, bảo vệ và gia tăng đức hạnh của bản thân và những người khác. Như vậy, Bồ tát thực hiện hành động vì mục tiêu của người khác. Vị hành giả luôn quan tâm đến các vấn đề của những chúng sanh khác, vị ấy làm việc để làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân và những người khác ít hơn đau khổ, nhiều an lạc hơn. Tôn trọng người khác Việc tuân thủ đạo đức thuần túy tạo ra cảm giác tôn trọng con người trong cộng đồng. Loại cảm giác này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày dù ở gia đình, xã hội hoặc nơi làm việc. Vì vậy, tôn trọng mọi người là điều rất quan trọng theo khái niệm đạo đức Phật giáo. Đó là một biểu hiện tự nhiên mà nếu bạn tôn trọng người khác, họ cũng sẽ đối xử với bạn theo cách tương tự. Nhưng, đạo đức Phật giáo biểu hiện một ý tưởng tuyệt vời hơn nhiều, một vị Bồ tát hành động thân thiện ngay cả đối với kẻ thù của mình. Nó trình bày chính bản chất của đạo đức và là nền tảng của mọi bổn phận và nghĩa vụ đạo đức khác. Hành động và đạo đức thể chất Chúng ta làm bất cứ việc gì, không nên phá hoại lợi ích của người khác. Thái độ và hành vi của hành giả không nên tạo ra sự hoảng sợ trong cuộc sống người khác. Chúng ta phải tôi luyện lòng nhân ái và học các phương pháp bảo vệ cuộc sống con người, động vật, thực vật và các sinh vật khác. Theo Phật giáo, mỗi hành giả tu tập theo hay không theo Bồ tát hạnh đều nên thường xuyên tôi luyện tâm từ bi của chính mình. Vì vậy, không ai phải nghĩ đến việc giết, cũng như không để cho người khác và không ủng hộ hoặc xem nhẹ bất kỳ hành động giết hại mọi vật nào trên thế gian này. Chúng ta không nên ham mê bóc lột, bất công xã hội, trộm cắp và áp bức, chính nhờ điều đó, chúng ta sẽ đạt được sự hoàn hảo trong việc vun đắp tình yêu thương và lòng nhân ái, học cách làm việc vì hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Hành động bằng lời nói đạo đức Mọi người nên thường luôn ghi nhớ trong khi nói với ai đó rằng: lời nói có thể mang lại nỗi đau hoặc niềm vui cho người khác. Vì vậy, hành giả nên đạt được sự hoàn hảo để nói lời yêu thương từ bi và lắng nghe sâu sắc. Có bốn loại lời nói đúng, tránh nói lỗi người, kiêng lời nói vu khống, tránh lời nói thô lỗ và kiêng khỏi những cuộc nói chuyện vô bổ không cần thiết. Santideva nói rằng: “Lời nói của Bồ tát cần phải rành mạch, rõ ràng, thành thật, dịu dàng, ẩn chứa từ bi, vắng lặng” [21]. Sau khi hiểu rõ bản chất đúng đắn và không đúng đắn của lời nói, hành giả phải tránh nói sai. tránh nói dối và lừa dối tại nơi ở và làm việc của mình, vì phải đối mặt với nhiều loại vấn đề khác nhau do thái độ và hành vi phi đạo đức của người xung quanh. Khái niệm cốt lõi của đạo đức Phật giáo phải được áp dụng trong mọi việc, có lợi cho tất cả. Điều này bao gồm sự vu khống và lời nói, nó tạo ra những trở ngại lớn trong việc đạt được mục tiêu ở mọi công việc. Các lời ái ngữ, nếu sử dụng đúng cách, có thể truyền cảm hứng cho sự tự tin của bản thân, mang lại một môi trường vui vẻ, an lạc cho mọi người xung quanh. Vì vậy, hành giả không nên lan truyền những thông điệp sai trái, chỉ trích người khác hoặc lên án những điều không cần thiết. Hơn nữa, chúng ta phải tránh nói những từ có thể tạo ra sự hiểu lầm giữa các thành viên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tại nơi làm việc hoặc trong xã hội. KẾT LUẬN Vị Bồ tát, người có hiểu biết đúng đắn và tầm nhìn đúng đắn, có khả năng giải quyết các vấn đề vì bản chất vị tha của mình. Tương tác giữa con người với con người và những sinh vật khác là điều thiết yếu. Trên thực tế, sự kết hợp của văn hóa, ý tưởng, tư tưởng, tri thức, kinh tế,… giữa các quốc gia khác nhau tạo ra tương tác toàn diện và mở rộng với nhiều người. Bằng cách này, chúng ta sẽ có thể hiểu được sự thôi thúc của những người khác và nhu cầu của họ ở những nơi họ đang thiếu. Như vậy, thông qua sự hiểu biết nhu cầu của nhiều người mà chúng ta có thể mở rộng sự hỗ trợ để họ giảm bớt nỗi đau bằng cách thỏa mãn nhu cầu của họ. Những lời dạy về sự hoàn hảo của đạo đức hướng dẫn chúng ta đối mặt với các vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Sự hoàn hảo có nghĩa là mọi việc đều trở nên hoàn hảo trong các hành động. Santideva đề xuất phải áp dụng sáu hạnh lành theo quy chuẩn của đạo đức Phật giáo để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người chứ không phải nói suông, cũng giống như bệnh nhân chỉ biết đọc toa thuốc thì sẽ không thể chữa lành bệnh. Nếu làm việc với sự hiểu biết đúng đắn kết hợp hành vi đạo đức với việc thực hiện hành động, nó sẽ phản ánh hoàn toàn bản chất tính hướng thiện lành của chúng ta. Đạo đức Phật giáo có thể hiểu được bản chất thế giới thông qua phẩm chất trí tuệ. Đây là lý do mà Phật giáo đã phát triển và ảnh hưởng đến thế giới từ nguồn gốc của nó cho đến ngày nay và vẫn có thể ảnh hưởng thông qua các phẩm chất của nó để mang lại hạnh phúc cho nhân sinh. Thái độ vị tha của đấng Giác Ngộ là con đường kiểu mẫu, có thể đóng vai trò rất quan trọng trong mọi sinh hoạt của chúng ta hàng ngày. Chúng ta phải làm việc không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì lợi ích của tất cả chúng sanh đang hiện hữu xung quanh. Thái độ này hướng dẫn chúng ta rằng trong khi làm bất cứ việc gì đều phải quan tâm đến tình cảm của mọi người. Chúng ta phải luôn sẵn sàng giúp đỡ họ bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết. Sự hoàn hảo của lòng quảng đại, nếu được thực hành đúng cách thì thế gian có thể ít đau khổ và nhiều niềm vui hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh này, việc kiểm tra các nguyên tắc đạo đức cho thấy mọi người phải hiểu đúng nhiệm vụ. Nếu một người hiểu được bản chất thực sự của bổn phận, nó sẽ dẫn đến con đường hạnh phúc. Do đó, liên quan đến diễn biến đạo đức ở xã hội hiện tại, chúng ta cần áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức của Bồ tát để ngăn chặn các loại tệ nạn phổ biến hiện nay.
Tỳ kheo Thích Từ Kiến/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 401Chú thích: [1] Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tương Ưng bộ kinh, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM. [2] Robert E. Buswell (2003), Encyclopedia of Buddhism, Nxb. Thư viện Macmillan, tr.262. [3] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 3.11 Phát Bồ đề tâm, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.16. [4] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.1 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.25. [5] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.2 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.25. [6] Sđd, 5.4-5, tr 25. [7] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.16 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.27. [8] Sđd, 5. 23, tr.27. [9] Sđd, 5. 26, tr.28. [10] Sđd, 5. 27, tr.28. [11] Sđd, 5. 73, tr.32. [12] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.66-67 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.31. [13] Sđd, 3.6, tr.16. [14] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.84 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.33. [15] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.85 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.33. [16] Sđd, 5. 90-93, tr.34. [17] Sđd, 5.107, tr.36. [18] Sđd, 5.97, tr.34. [19] Sđd, 5.99, tr.35. [20] Sđd, 5.100, tr.35. [21] Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, chương 5.79 Giữ Gìn Tâm Ý, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr.32.
Tài liệu tham khảo: 1. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tương Ưng bộ kinh, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM. 2. Thích Trí Siêu (2015), Bồ Tát Hạnh, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM. 3. Robert E. Buswell (2003), Encyclopedia of Buddhism, Nxb. Thư viện Macmillan.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |