Chi tiết tin tức Quan niệm về A-la-hán trong kinh điển Đại thừa Phật giáo 20:48:00 - 09/03/2023
(PGNĐ) - Trong quá trình phát triển, Phật giáo xuất hiện tư trào Đại thừa, nhấn mạnh lý tưởng Bồ tátđạo. Thông qua sự khảo cứu các kinh điển theo tạng Nikaya và các kinh điển Đại thừa Phật giáo, tác giả đã khái quát quan niệm về quả vị A-la-hán trong Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa. Từ đó cho thấy mặc dù có một số điểm khác biệt giữa hai truyền thống Nam truyền Phật giáovà Bắc truyền Phật giáo, nhưng tựu chung đều xác tín vị A-la-hán là bậc thánh giác ngộ.
VỊ A-LA-HÁN TRONG KINH TẠNG NGUYÊN THUỶ Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, Phật giáo phát triển và truyền thừa sang các nước lân cận thuộc phía Nam và phía Bắc, trong quá trình đó đã hình thành nên các bộ phái Phật giáo từ Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ. Đến khoảng đầu Công nguyên, đã phát xuất tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Triết lý, tư tưởng của Đại thừa Phật giáo thể hiện rõ trong các bộ kinh như: Kinh Bát Nhã Ba-la-mật, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa,… Trong đó, quan niệm Phật giáo Đại thừa đề cập về thánh quả A-la-hán là Thanh văn thừa và đề cao lý tưởng Bồ tát thừa hướng đến quả vị Phật. Nền tảng căn bản của Đại thừa Phật giáo vẫn có mối liên hệ với Nguyên thủy Phật giáo về quá trình tu chứng, hình thành tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Đại thừa Phật giáo chú trọng thực hiện lý tưởng Bồ tát là các Ba-la-mật, là những gì ứng dụng trong thực tế cuộc sống. Theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thủy, vị A-la-hán (Arhant) là bậc đã hoàn toàn giác ngộ. Danh từ gọi vị ấy có ba nghĩa: 1. Dịch là sát tặc, với nghĩa là giết giặc phiền não; 2. Dịch là Ứng cúng, với nghĩa là xứng đáng được nhận sự cúng dường của trời và người; 3. Dịch là Bất sinh, với nghĩa là mãi mãi vào Niết bàn, không phải chịu quả báo lần thứ hai. Các bậc Bồ tát khi giáng sinh xuống cõi trần vẫn phải thiền định lại mới đắc quả A-la-hán. Bậc A-la-hán đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả [1]. Trong Tương Ưng Bộ Kinh còn ghi lại lời dạy: “Này Rādha, khi nào Tỳ kheosau khi như thật biết rõ tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩnnày; vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi Tỳ kheo là bậc A-la-hán. Đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí” [2]. Trong Kinh Tương Ưng, Đức Thế Tôn nói như sau: Như Lai, này các Tỳ kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường(trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn nay, này các Tỳ kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu. Này các Tỳ kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác và bậc Tỳ kheo được giải thoát nhờ trí tuệ [3]. Như vậy, bài Kinh Tương Ưng của Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy điểm khác biệt giữa Đức Phật và các đệ tử chứng quả vị thánh A-la-hán. Đó cũng là yếu tố, cái nhân của sự tu tập trải qua thời giannhiều kiếp lâu xa mà có kết quả như vậy. Vì chúng ta là phàm phu, hay nhị thừa, hoặc Bồ tát, thì cũng chỉ chứng được quả mà chúng ta đã có từ đời trước. Từ quả vị A-la-hán mà tiến tu lên được quả vị cao hơn nữa có thể được, nhưng cũng không đơn giản. Người may mắn gặp được Phật, thì sự tu chứng nhanh hơn; chỉ trong một niệm tâm liền chứng được quả A-la-hán, như Ngài Xá-lợi-phất [4]. Truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền có một số điểm nhìn khác nhau về Thế Tôn. Chính điểm nhìn khác nhau này mở lối cho sự phát triển của Phật giáo về sau và làm phong phúthêm kho tàng văn học Phật giáo [5]. Phật giáo Nguyên thủy, Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ ghi nhận rằng, Thế Tôn và các Thánh đệ tử A-la-hán đều giải thoát khỏi sinh tử, nhưng vẫn còn một số điểm phân biệt giữa Ngài và các Thánh đệ tử ấy. Ngài là Giáo chủ duy nhất trong hiện kiếp, là một Thế Tôn duy nhất trong hiện kiếp, còn các đệ tử của Ngài chỉ có thể chứng A-la-hán, thực hiện con đường giải thoát [6]. QUAN NIỆM VỀ TAM THỪA TRONG ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma Puṇḍarīka Sūtra): Là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa. Các bản dịch của kinh từ ngôn ngữ Sanskrit sang ngôn ngữ Trung Hoa. Trong phẩm Phương tiện thứ hai có nhắc đến nhất thừa tức quả vị Phật, Đức Phật dạy rằng: “Pháp của Phật chứng rất sâu khó hiểu, tất cả hàng Thanh văn cùng Duyên giác không thể đến được” [7]. Trong một nghìn hai trăm vị A-la-hán cùng rất đông người khác, khi nghe Đức Phậtthuyết có khoảng năm nghìn người đứng dậy lễ Phật lui ra. Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Trong chúng ta đây không còn cành lá, rặt có hột chắc. Xá Lợi Phất! Những gã tăng thượng mạn như vậy lui về cũng là tốt. Ông nay nên khéo nghe ta sẽ vì ông mà nói” [8]. Đức Phật muốn chỉ Phật thừa mà không phân biệt thêm thừa nào khác. Đức Phật dùng phương tiện diễn nói các pháp, cho chúng sanh chứng “nhứt thiết chủng trí” được tri kiến của Phật. Đại thừa Phật giáo theo như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật phương tiện giới thiệu về Tam thừa tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa(Bích Chi Phật), Phật thừa và sau cùng chỉ cho Nhất thừa tức Phật thừa. Thanh văn thừa Đại thừa Phật giáo xem A-la-hán là Thanh văn thừa. Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy A-la-hán là quả vị cao nhất trong bốn Thánh quả. Sau Thế Tôn Niết bàn khoảng hơn 100 năm, nhân vật Đại Thiênđưa ra quan điểm 5 việc, trở thành nguyên nhân tranh luận của Tăng già, từ đó dẫn đến sự phân phái trong Tăng đoàn (Thượng tọa và Đại chúng). Các bộ phái tiếp tục xem xét những vấn đề có liên quan đến A-la-hán [9]. Thuyết Nhất thiết hữu bộ chia A-la-hán thành hai dạng: 1. Thời giải thoát A-la-hán (Samayavimutta- Arahant) chỉ cho các vị A-la-hán có thời gian giải thoát; 2. Phi thời giải thoát A-la-hán (A Samayavimutta- Arahant) chỉ cho các vị A-la-hán cũng có thời giankhông được giải thoát [10]. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thí dụ thứ ba, có đoạn: … Xá-Lợi-Phất! nếu có chúng sanhnào bề trong có trí tánh, theo Đức Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận ân cần tinh tấn, muốn chóng ra khỏi ba cõi tự cầu chứng Niết-bàn, gọi đó là Thanh-văn thừa, như các người con kia vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa [11]. Theo ý của đoạn kinh trên, Thanh văn thừa về việc tu tập lo tự độ, chứng được quả vị Niết bàn. Phật giáo Đại thừa hình thành quan điểm Tam thừa, Ngũ thừa. Quả vị A-la-hán xếp vào hàng Thanh văn thừa trong Tam thừa hay Ngũ thừa, quả vị cao nhất là Phật thừa. Có nghĩa là về phương diện tu chứng, Thanh văn thừa không đồng cảnh giới như Phật quả [12]. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, có đoạn: Phật, vì người cầu đạo Thanh-văn, nói pháp Tứ-đế [13] thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, cứu cánh Niết-bàn. Vì hạng cầu quả Duyên giác, nói pháp Mười hai nhân duyên [14], vì hàng Bồ tát nói sáu pháp Ba-la-mật làm cho chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giácthành bậc nhứt thiết chủng trí [15]. Đức Phật đã vì hàng Thanh văn khuyên tu pháp Tứ Diệu đế để chứng ngộ, đạt được quả vị Niết bàn A-la-hán, vì hàng Duyên giác khuyên tu tập quán chiếu Mười hai nhân duyên, giác ngộ giải thoát sanh tử luân hồi, vì hàng Bồ tát khuyên tu sáu Ba-la-mật, tự lợi lợi tha, cứu độ chúng sanh khổ, lợi ích chúng sanh, hướng đến thành tựu quả vị Phật. Các A-la-hán (Arahant) đôi khi được gọi là Phật Thanh văn (Savaka-Buddha). Các ngài thực hành theo những lời dạy của vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác để diệt trừ tham, sân, si và thực hiện trọn vẹn chứng đắcNiết bàn (Nirvana). Họ chứng ngộ những chân lý tương tự mà các vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giácđã chứng và thường chỉ dạy lại cho người khác, nhưng thiếu những kiến thức bổ sung mà vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác sở đắc, chẳng hạn như khả năng nhớ lại vô lượng kiếp (Thanh tịnh đạo). Bản thân vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác được mô tả như vị A-la-hán, nhưng còn hơn thế nữa [16]. Duyên giác thừa Quả vị Duyên giác, tức Bích Chi Phật (Pratyeka-Buddha) được dịch là Độc Giác, hay Duyên giác, tự tu tập giác ngộ không do Thầy. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có đoạn: “Nếu có chúng sanhnào theo Đức Thế Tôn nghe pháp, tin nhận, rồi ân cần tinh tấn, cầu trí huệ tự nhiên ưa thích riêng lẻ vắng lặng, sâu rõ nhân duyên của các pháp, gọi đó là Duyên giác thừa, như các người con kia vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa” [17]. Duyên giác thừa, tu tập tự giác ngộ pháp duyên khởi, chứng quả vị Độc Giác. Không giống với A-la-hán (arahant), vị Phật Độc giác là vị chứng đắc được sự giải thoát mà không do vị Chánh đẳng Chánh giác chỉ dạy, cũng sau một chặng đường hành đạo dài, nhưng vị Phật Độc giác được mô tả là “không tham ái, tự riêng mình chứng đắc sự tỉnh thức đúng đắn” và là “những vị đại tiên nhân đã chứng đắc được Niết bàn tối hậu”. Vị trở thành vị Phật Độc giác nhờ cái nhìn sâu sắc (quán chiếu) về vô thường và sự điên đảo của sự dính mắc (chấp thủ). Điều này phát sinh từ việc nhìn thấy những hiện tượng như lá khô héo rơi, cây xoài bị tàn phá bởi những kẻ tham lam, chim tranh nhau miếng thịt [18]. Đại thừa Bồ tát Bồ-tát (Bodhisatta, Bodhisattva): Phiên âm đầy đủ là Bồ-đề-tát-đỏa, còn gọi là Bồ-đề-tát-đỏa, Ma-ha-đế-tát-đỏa. Cựu dịch là Đại đạo tâm chúng sinh, Đạo chúng sinh… Tân dịch là Đại giác hữu tình, Giác hữu tình… nghĩa là người có đại tâm cầu đạo, nên gọi là Đạo tâm chúng sinh. Người cầu đạo, cầu đại giác gọi là Đạo chúng sinh, Đại giác hữu tình [19]. Bodhisatta (Bồ-tát) có nghĩa là một chúng sinh tha thiết đạt được sự giác ngộ. Liên hệ đến giáo lý Bồ tát, hệ tư tưởng ban sơ của Mahasanghika chủ trương chỉ có duy nhất một Bồ tát, đó là Gautama Siddhartha (Cù-đàm Tất-đạt-đa). Theo quan điểm của Mahavastu, trong đời sống sau cùng qua hình ảnh Tất-đạt-đa (Siddhartha), Bồ tát tự sinh (self-born) mà không phải do cha mẹ sinh. Đời sống Bồ tát không phải là giai đoạn trung gian, mà có thể xem như là một hình thái được hóa hiện (nirrmanakaya); tâm Bồ tát không hề có bất cứ dấu vết nào của tham, sân, độc hại, và hiểm ác [20]. Luận về quả vị, theo Đại chúng bộ thì có ba; đó là quả A-la-hán, quả Bồ tát và quả vị Phật. Đồng thời, lấy quả vị Phật làm mục đích tối hậu cho việc tu hành [21]. Hữu Bộ thì lấy quả A-la-hán làm mục đích, chủ trương “Phật và nhị thừa, đều giải thoát giống nhau, vì tam thừa Thánh đạo, mỗi thừa đều có sai khác”. Bồ tát là nhân hạnh của Phật – tức vị Phật chưa thành Phật. Bồ tát phải thành tựu sáu Ba-la-mật (paramita) mới chứng được Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammasambuddha). Sáu Ba-la-mật: 1. Bố thí Ba-la-mật, 2. Trì giới Ba-la-mật, 3. Nhẫn nhụcBa-la-mật, 4. Tinh tấn Ba-la-mật, 5. Thiền định Ba-la-mật, 6. Trí tuệ Ba-la-mật. Ba-la-mật là từ dịch âm từ chữ Phạn là paramita, có nhĩa là đáo bỉ ngạn, độ thoát, [22]… Thuật ngữ Paramita gốc từ chữ Parama gọi là Ba-la-mật, dịch là sự hoàn thiện, hoàn hảo, trạng thái cao nhất. Văn học Thượng tọa Bộ Pali đề cập 10 Ba-la-mật, trong khi văn học Sanskrit bộ phái Đại thừa chỉ đề cập 6 Ba-la-mật [23]. Bồ tát trong kinh điển Đại thừa đặc biệt chú trọng vai trò của trí tuệ Ba-la-mật như kinh Đại Bát-nhã-ba-la-mật-đa giải thích: “Này Xá Lợi Phất! Các vị Bồ tát cần phải an trú Bát-nhã-ba-la-mật-đa, lấy tâm vô trụ làm phương tiện (để độ sinh). Từ đó năng trụ sở trụ không còn”. Cùng ý này, Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh: “Bồ tát Quán Tự Tại khi thực hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, thấy rõ bản chất Năm uẩn đều là không, liền vượt qua tất cả khổ ách” [24]. Thuật ngữ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Đại thừa Phật giáo đặc biệt sử dụng từ này để hình dung ý nghĩa trí tuệ trong của Phật giáo Đại thừa, “Trí tuệ” đó đặc biệt nhấn mạnh đến phương diện đáo bỉ ngạn, tức trí tuệ đã giải thoát, không phải trí tuệ của Thanh văn, càng không phải tri thức thông thường. Do đó, Bát-nhã-ba-la-mật-đa là thuật từ chuyên môn trong Phật giáo Đại thừa [25]. Bồ tát thành tựu trí tuệ Bát-nhã-ba-la-mật tức tâm không còn phân biệt, dính mắc vào các pháp, thấy rõ được tánh không của các pháp như trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật, Đức Phật dạy Tu Bồ Đề như sau: “… Bồ tát theo đúng pháp, nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí. Tu Bồ Đề! Bồ tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng… ưng vô sở trụnhi sanh kỳ tâm” [26]. Phật giáo Đại thừa phát triển về giáo lý “vô ngã” và lý tưởng Bồ tát đó là hai công trình vĩ đại cho nhân loại, và phát triển Phật giáo. Bồ tát không phân biệt với các pháp, không chấp chặt, dính mắc một pháp nào, mà thực hiện lý tưởng của Bồ tát với nhiều hạnh nguyện để phục vụ, lợi ích cho chúng sanh. THANH VĂN THỪA ĐI ĐẾN NHẤT THỪA Đại thừa Phật giáo theo như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật phương tiện giới thiệu về Tam thừa sau cùng chỉ cho Nhất thừa tức Phật thừa. Trong phẩm, Thí dụ, thứ ba, có đoạn: … Khi đó Trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn, xe đó cao rộng, chưng dọn bằng các món báu,…dùng trâu trắng kéo… Đến phẩm thứ tám “Ngũ bá đệ tử thọ ký” thì năm nghìn Thanh văn mới giác ngộ, hiểu được lời Đức Phật dạy mà sám hối quay về lãnh lời thọ ký thành Phật của Đức Như Lai: “Chúng con nay mới biết mình thiệt là Bồ tát được thọ ký sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”. Cũng ví như kẻ ngu vô trí tìm được châu báu vô giá của người bạn cho sẵn trong vạt áo, mà do vì say nên không hay, nay chỉ cho châu được chút phần Niết bàn cho đủ chẳng cầu nữa, nay từ Phật nghe thọ ký Phật huệ Vô thượng đó mới là thiệt diệt [27]. Qua đoạn kinh của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta thấy chủ yếu Đức Phật muốn nói đến quả vị Phật nên hướng đến. Đức Phậtnhấn mạnh về phương tiện hành Bồ tát đạo lợi ích nhân sinh là căn bản của việc tu tập. Trong kinh luận Đại thừa như: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thí dụ và phẩm Tín giải giải thíchhàng nhị thừa Thanh văn chỉ là phương tiện, Phật thừa mới là chân thật. Do vậy, Bồ tát cần phải từ bỏ Thanh văn và Duyên giác thừa để thành tựu Phật thừa. Tam thừa trong kinh luận Đại thừa, như Kinh Kim Quang Tán Bát Nhã đề cập: “Thế gian liền biết có Thanh văn, Bích Chi, Phật thừa” [28]. Kinh Bất Thối Chuyển Pháp Luân và Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thuộc Đại thừa có điểm tương đối ôn hòa đối với Thanh văn thừa và xem Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa là phương tiệntừ Tam thừa đi vào Nhất thừa. Kinh Bất Thối Chuyển Pháp Luân có đề cập: “Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã phương tiện thiện xảo; vì muốn chúng sanh từ bỏ thế giới ngũ trược, cho nên phân biệt nói thành ba, để hướng dẫn chúng sanh đi vào Nhất thừa”. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa hàng Bồ tát, tất cả những gì Đức Phật thuyết giảng không ngoài mục đích vì chúng sanh khai ngộ tri kiến Phật. Này Xá Lợi Phất! Như Lai chỉ có Phật thừa vì chúng sanh thuyết pháp, không có các thừa, cho dù là hai hay ba thừa”. Thế Tôn phương tiện hình thành nói ba thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát thừa để chúng sanh từ Tam thừa tiến nhập vào Nhất thừa. Điều này mang ý nghĩa, Nhất thừa mới là chân thật, là mục đích tu tập trong Phật pháp; còn Tam thừachỉ là phương tiện [29]. Kinh Lăng Già A Bạt Đa La Bảo, giải thích Nhất thừa là các vọng tưởng về năng sở nhiếp được thấu rõ một cách như thật, nhờ vậy vọng tưởng không còn sanh khởi. Hàng Nhất thừa tức Như Laimới có thể nhiếp phục được vọng tưởng, còn ngoại đạo Phạm Thiên Vương hay Thanh văn, Duyên giác đều không thể nhiếp phục. Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm cũng cho rằng: “Vượt hơn hàng Nhị thừa, gọi là Đại thừa, Đệ Nhất thừa, Thắng thừa, Tối Thắng thừa, Thượng thừa, Vô thượng thừa” [30]. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Hóa thành dụ, phẩm này mang ý nghĩa Hóa thành là dụ cho hàng Nhị thừa Thanh văn, còn bảo sở dụ cho Nhất thừa. Vì vậy, Hóa thành là phương tiện không phải mục đích, muốn đạt được mục đích phải từ bỏ phương tiện [31]. Thanh văn thừa chủ yếu tu tập tự độ, tu tập hướng đến Nhất thừa. Nhưng Nhất thừa không phải bắt nguồn từ cái khác mà bắt nguồn từ Thanh văn mà thành. Nhất thừa, Phật thừa là cứu cánh của Phật pháp Đại thừa, còn Tam thừa, Ngũ thừa là phương tiện để đạt được Phật thừa. Như vậy nếu như quả vị tối cao của Thanh văn thừa là A-la-hán, như vậy đồng nghĩa A-la-hán trở thành phương tiện của Nhất thừa trong cách phân tích của Đại thừa. Đây là quan điểm trong Phật giáo Đại thừa [32].
Đại thừa Phật giáo đề cao tinh thần dấn thân thực hành Bồ tát hạnh để đem Phật pháp vào đời lợi ích cho chúng sanh. Tư tưởng Phật giáo Đại thừa phù hợp mọi đối tượng, căn cơ của chúng sanh. Đức Phật phương tiện nói đến Tam thừa: Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa, đến Phật thừa là cao nhất cũng là mục đích của sự tu tập. Nên Thanh văn thừa là phương tiện để tiến đến Nhất thừa tức Phật thừa. Dựa trên căn bản quả vị A-la-hán phát tâm hành Bồ tát đạo “Tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha”, Đức Phật dạy chừng nào chứng được quả vị A-la-hán mới tin cái tâm của mình, mới có trí huệ thấy biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm, đời sống đầy đủ phạm hạnhthanh tịnh. Như chư Phật, chư Tổ cũng từ địa vị Thánh quả mà phát tâm đại thừa vào đời “tùy duyên” hành đạo, hóa độ chúng sanh. Tuy là Đại thừa Phật giáo phát triển hành Bồ tát đạo phương tiện độ sanh, nhưng Phật giáo phát triển không xa rời cái gốc Nguyên thủy. Được như vậy, Phật giáo mới phát huy chánh kiến của mình, phát huy hết vai trò của mình vì sự lợi lạc của quần sanh. KẾT LUẬN Đại thừa Phật giáo quan niệm đến quả vị A-la-hán rồi còn phải trải qua quá trình tu lục độ Ba-la-mật, hành Bồ tát đạo trong nhiều kiếp sống rồi mới thành tựu được quả vị Phật. Quả vị A-la-hán trong kinh điển Đại thừa Phật giáo, mang tính chất căn bản và quan trọng để hành giả phát tâmhành Bồ tát hạnh với các Ba-la-mật lợi ích chúng sinh. Hành giả ý thức được tầm quan trọng của quả vị Thanh văn, bằng phương pháp tu tập và hành trì tiến tu Tam vô lậu học, thực hiện theo đúng Giới điều của Đức Phật chế cho một Tỳ Kheo, rồi nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ đạt đếnquả Niết bàn trong thực tại. Thực hành theo lời Đức Phật dạy: “Không làm tất cả những điều ác, thực hiện tất cả các việc thiện” đó cũng là việc thực hiện các Ba-la-mật để tiến đến quả vị Nhất thiết trí.
Chú thích: [1], [19] Viện nghiên cứu Phật học (2004), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.27. [2], [3] Thích Minh Châu (dịch, 2018), Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Bậc A-la-hán, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.47. [4] HT Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.73. [5], [6] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.40. [7], [8], [11]. [13], [16], [17], [27] Thích Trí Tịnh (dịch) (2017), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo, tr.123. [9], [10], [12], [22], [24], [25], [28], [29], [30], [31], [32] Thích Hạnh Bình (2019), Nghiên cứu khái niêm A-la-hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Hồng Đức, TP HCM, tr.609, tr.621, tr.625, tr.627, tr.629. [14], [15], [16], 18] Thích Nhật Từ (dịch, 2022), Phật điển thông dụng, Nxb. Tôn giáo, tr.45. [20] Thích Viên Trí (2009), Ấn Độ – Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.288. [21] Thích Tâm Trí (dịch, 2013), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Phương Đông, tr.219. [23] Thích Minh Châu (dịch, 1999), Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu thừa, Nxb. Tôn giáo, tr.183. [26] Đoàn Trung Còn-Nguyễn Minh Tiến (dịch, 2010), Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật, Nxb. Tôn giáo, tr.66-67.
Tài liệu tham khảo: 1. Đoàn Trung Còn-Nguyễn Minh Tiến (dịch), (2010), Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật, Nxb. Tôn giáo, tr.66-67.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |