Chi tiết tin tức

Gieo hạt mầm xuân

21:08:00 - 03/01/2023
(PGNĐ) -  Như những con thiêu thân đang lao mình vào trong lửa đỏ, những chúng sanh bị vô minh tham ái chi phối ngày đêm đang lao mình vào những dục vọng, đắm say, bị vây nhốt trong những tù ngục của những khoái cảm giác quan, bị đốt cháy bởi những tà kiến vô minh. Bằng sự rung cảm của trái tim từ bi và trí tuệ vô ngã, vị Bồ tát thấu cảm được những tiếng ai oán của nhân loại, từ đó phát tâm dõng mãnh, phát nguyện hành Bồ tát đạo, thực hành các công hạnh Ba-la-mật để cứu độ muôn loại đang lầm than. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cũng nhau tìm hiểu về công hạnh của vị Bồ tát nhập thế hành đạo, theo tinh thần Kinh Kim Cương. Cũng giống như những người nông dân cần mẫn, ngày đêm gieo trồng những hạt mầm xuân, cũng vậy, Bồ tát đi vào đời gieo trồng “những hạt mầm xuân” vào tâm thức chúng sanh những hạt giống từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha vào mảnh đất tâm giữa trời một trời xuân tuyệt đẹp.

TỔNG QUAN VỀ KINH KIM CƯƠNG

Sơ lược về lịch sử hình thành

Kinh Kim Cương hay Kinh Kim Cang, tên đầy đủ là Kim Cương Bát-nhã ba-la-mật-đa Kinh (वज्रच्छेदिकाप्रज्ञापारमितासूत्र /Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra; 金剛 般若 波羅蜜 多 經). Đây được xem là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng, nổi tiếng và phổ biến rộng rãi, nằm trong hệ tư tưởng triết học Bát-nhã tánh không. 

Nền văn học Bát-nhã là một nền văn học Đại thừa đồ sộ với tư tưởng và nội dung mà nó truyền tải. Thời gian, địa điểm xuất hiện của các bộ kinh Bát-nhã đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu. Theo đa số nhà Phật học, bộ kinh này phát xuất từ miền Trung và miền Nam Ấn Độ. Giáo sư Etienne Lamotte cho rằng Bát-nhã-ba-la-mật-đa khởi đầu từ miền Tây Bắc và Trung Á, do ảnh hưởng của nền văn minh Địa Trung Hải và Hy Lạp trong giai đoạn nảy sinh ra Đại Thừa. Nhưng theo Edward Conze, một trong những học giả uyên thâm nhất về Bát-nhã, điều này chỉ chứng tỏ rằng bộ kinh này được thịnh hành tại miền Tây Bắc trong triều đại Kouchan (thế kỷ I), mà không phải được ra đời tại đây. Theo ông, sự phát triển của Bát-nhã-ba-la-mật-đa kéo dài hơn 10 thế kỷ và có thể chia ra làm 4 thời kỳ: 1) Từ năm 100 TCN tới năm 100 là giai đoạn hình thành phần cơ bản của kinh. 2) Trong 200 năm sau, phần cơ bản này được tăng cường mạnh mẽ. 3) Trong 200 năm tiếp theo, cho tới khoảng năm 500, các ý tưởng căn bản được đúc kết lại thành những bài kinh ngắn (trong đó có Kinh Kim Cương), đồng thời những bài tóm tắt có vần điệu. 4) Giai đoạn cuối (khoảng năm 600-1200), ảnh hưởng của Mật Tông bắt đầu thấy rõ, với sự thâm nhập bởi các câu thần chú và làm giảm bớt ảnh hưởng của bộ kinh.

Tuy nhiên, có một số học giả không đồng ý với quan điểm này và cho rằng Kinh Kim Cương xuất hiện sớm hơn. Chúng ta chưa thể biết được thời gian chính xác xuất hiện bản kinh, tuy nhiên, người ta đoán rằng bản kinh này có thể được hình thành vào khoảng thế kỷ II và thế kỷ V. Tại Trung Hoa, Kinh Kim Cương được dịch sang Hán văn sớm nhất vào thế kỷ thứ IV.

Tổng quan về tư tưởng triết lý trong Kinh Kim Cương

Như trên đã nói về sự phổ biến và ảnh hưởng của triết lý trong Kinh Kim Cương, do đó, việc tìm hiểu và phân tích những ý nghĩa ẩn tàng sau mỗi câu kinh sẽ mở ra một khung trời trí tuệ khai phóng bao la và định hướng cho đường lối thực hành theo lời Phật dạy trong kinh.

Tìm hiểu về tiêu đề kinh

Kinh Kim Cương – Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra. Tiêu đề kinh sẽ cho chúng ta biết được một cái nhìn tổng quan nhất về những nội dung ý nghĩa của toàn bộ bản kinh. Trong đó, từ Kim cương hay Kim cang (金剛; वज्र-Vajra; Diamond) trong văn hóa Ấn Độ thời cổ nghĩa đen có nghĩa là: sấm sét (tia chớp) đặc biệt của thần Indra thủ lĩnh của các vị thần, được cho là hình thành từ xương của Ṛṣi Dadhīca hoặc Dadhīci; khoáng chất cứng nhất, không màu, bao gồm cacbon gần như nguyên chất ở dạng tinh thể mà chúng ta cắt thành những viên ngọc quý có độ sáng chói tuyệt vời; kim cương: có khả năng chặt đứt, hủy diệt;… [1]. Ngoài ra, kim cương (vajra) còn có hai nghĩa: tịnh và nhiễm. “Nhiễm”: kim cương được ví như phiền não, chỉ có trí tuệ Bát-nhã mới có khả năng đập phá phiền não cứng như như kim cương. “Tịnh”: kim cương được ví như trí tuệ bát-nhã có khả năng phá trừ các vọng tưởng, ngã chấp, dao động, bất an của chúng sanh. Đó cũng chính là ý nghĩa của từ Năng đoạn (chedikā) mà một số bản dịch sử dụng trong tiêu đề kinh, tuy nhiên ý nghĩa này đã được bao hàm trong nghĩa của từ vajra. Vajra còn chỉ cho một loại định kiên cố, gọi là Kim cương dụ định (vajra upama samādhi), loại định này có uy lực diệt trừ tự ngã (atman) được bọc bởi lớp vỏ vô minh vi tế để chứng đắc quả A-la-hán hay Chánh đẳng giác. Kim cương dụ định này cũng chính là Kim cương bát-nhã.

Prajñāpāramitā: được hiểu là trí tuệ hay sự hiểu biết siêu việt (prajñā), có khả năng đưa chúng sanh vượt qua bờ sinh tử, đạt đến cứu cánh viên mãn (pāramitā). Prajñā-pāramitā nghĩa là trí tuệ phương tiện đưa chúng sanh vượt thoát khỏi vô minh, phiền não sang bờ giải thoát, giác ngộ, đó là trí tuệ đáo bỉ ngạn hay trí tuệ toàn giác. Bởi vì trí tuệ ấy thoát ly thế giới ngã tưởng của khái niệm, đây được xem là Như lai trí hay Niết-bàn.

Như vậy, Kinh Kim Cương, hay Kim cương Bát-nhã ba-la-mật-đa là một ẩn dụ cho ý nghĩa phá trừ, hủy diệt mọi vọng tưởng, hý luận thông qua trí tuệ bát-nhã siêu việt; những giáo lý ẩn chứa trong nó cao quý như những viên kim cương và người thực hành viên mãn sẽ trở thành một viên kim cương quý giá, đạt đến sự giải thoát kiên cố, phá tan vô minh, tham ái, tỏa sáng dưới ánh nắng của giải thoát, thấu suốt vô ngại.

Khái quát nội dung tư tưởng chủ đạo trong Kinh Kim Cương

Kinh Kim Cương là một trong những kinh tiêu biểu nhất trong văn hệ Bát-nhã đồ sộ, với tinh thần khai phóng và phá vỡ mọi bám chấp vào ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Qua đó đã nói lên đầy đủ tinh thần Chân không – Diệu hữu, thật tướng bất nhị và bình đẳng của vạn pháp. Nội dung tư tưởng của Kinh Kim Cương là tinh thần vô ngã, bản chất Không tánh của các pháp. Vô ngã hay duyên khởi tính phủ nhận hết thảy ngã tính. Vì thế ngôn ngữ diễn đạt phủ định triệt để các khái niệm về các tướng trạng do khái niệm dựng lên. Tánh Không chính là một tính thực tại như thực ở ngoài vòng chấp thủ tướng mà không phải hoàn toàn xa rời thế giới này (Bất nhị). Thực tại chính là thế giới đang là và được nhìn với trí tuệ xa lìa ngã tướng. Kinh Kim Cương đi vào các lập luận mang tính chất biện chứng, logic, vừa phủ định vừa khẳng định với mục đích là diễn đạt đến được một trạng thái vượt lên trên ngôn ngữ. Tuy phủ nhận hết thảy mọi tham ái và chấp thủ (cuộc đời), mà không phủ nhận hoàn toàn các pháp (cuộc đời), ngôn ngữ diễn đạt ở đây được hiểu như là ngôn ngữ ly niệm của Bát-nhã.

Ngôn ngữ ly niệm của Bát-nhã là ngôn ngữ phủ định các vọng niệm, vọng tưởng mà không phải là sự chối bỏ hay chạy trốn sự thật thế giới (cuộc đời) như nó đang là. Không phủ nhận, chối bỏ thực tại mà nhìn nhận đúng với bản chất của các pháp với trí tuệ sắc bén của kim cương bát-nhã. Vì thế, Bồ tát thực hành theo con đường trí tuệ của kim cương bát-nhã là những vị mang tư tưởng tự độ và độ tha, vận dụng mọi phương tiện của trí tuệ, sức lực, thân mạng, tài sản giúp đỡ làm lợi lạc cho đời. Vị Bồ tát thực hành theo con đường bát-nhã là những vị sanh ra trong đời, sống giữa cuộc đời, đem chánh pháp đến cho cuộc đời và không bị cuộc đời đắm nhiễm. Bồ tát đem lý tưởng và mục đích giải thoát làm kim chỉ nam cho hành động và soi sáng thế gian.

HẠNH NGUYỆN BỒ TÁT VÀ CON ĐƯỜNG THỰC HÀNH THEO KINH KIM CƯƠNG

Lối vào Bồ tát hạnh

Sao khi nhận được ẩn ý vô ngôn của Đức Phật, tôn giả Subhūti với lòng đại bi vì mục đích đem lại lợi ích cho nhân thiên, ngài đã đại diện cho toàn thể tăng đoàn cung kính thưa hỏi Đức Phật về con đường thực hành của vị Bồ tát: “Bạch Thế tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát, khéo phó chúc các vị Bồ tát. Bạch Thế tôn, nếu có người thiện nam, thiện nữ phát tâm A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề làm sao an trụ, làm sao hàng phục tâm kia?” [2]. Vấn đề đã được ngài Subhūti đặt ra, đó là đối với những vị đang đi trên Bồ tát đạo (bodhisattvayānasaṃprasthitena), thì phải nên an trụ [tuân thủ, trú ngụ] (sthātavyam), phải nên hàng phục [hành động, tu hành] (pratipattavyam) [3], tâm (cittaṃ) phải nên được giữ gìn [hàng phục, nhiếp phục] [4] (pratigṛhītavyam) như thế nào? [5].

Đến đây, thuật ngữ Bồ tát (bodhisatvā) và Bồ tát đạo (bodhisattvayāna) bắt đầu xuất hiện, trong đó bodhi nghĩa là con đường của chư Phật (buddhamārga); sattva hoặc là chúng sinh hoặc là tâm trí vĩ đại. Bồ tát là người sẽ đạt được tâm bất hoại (aheya) và bất khả xâm phạm (acyuta) giống như núi kim cương (vajraparvata), của những phẩm tính (guṇa) trên con đường của chư Phật. Vì thế Bồ tát còn gọi là mahāsattva, tức là một con người vĩ đại với chí nguyện cao thượng. Hơn nữa, sat nghĩa là ca ngợi (stava) Thánh Pháp, tva nghĩa là bản chất cốt yếu (bhāvalakṣaṇa) của Thánh Pháp. Bồ tát được gọi như vậy vì từ tâm làm lợi ích cho mình và cho người [6]. Ngài cứu độ tất cả chúng sinh, vì biết rõ thực tánh (bhūtasvabhāva) của tất cả các pháp và đi trên Con đường giác ngộ vô thượng viên mãn (anuttarasamyaksaṃbodhi). Tại sao vậy? Trong số tất cả các thuộc tính (dharma), tuệ giác của Phật là quan trọng nhất và bởi vì vị Bồ tát mong muốn đạt được nó, nên Đức Phật thường được các vị ấy tán thán khát ngưỡng làm mục tiêu cho sự nỗ lực tu tập. Cũng chính vì thế mà ngài Subhūti đã tán thán, khát ngưỡng các công hạnh của Đức Phật vì lòng từ mẫn mà phó chúc và hộ niệm cho những hàng Bồ tát sơ phát tâm nhận diện và thực hành theo Bồ tát đạo.

Mở đầu của bài kinh, Đức Phật đã biểu thị một chân lý vô ngôn, thực tại như thực. Bởi vì Thế tôn đã rời khỏi hết thảy các chấp thủ, lậu hoặc, cho nên mọi biểu hiện đều rời khỏi hết thảy tướng về ngã, biểu hiện toàn vẹn thực tại của toàn giác. Chính bằng ngôn ngữ ly niệm đã nói lên một cách đích thực thực tại như thực, rời khỏi các chấp thủ, thể nhập vào các Ba-la-mật một cách viên mãn. Đó cũng chính là ý nghĩa của việc khất thực, bởi vì trong việc khất thực có ý nghĩa của trì giới ba-la-mật; thực hiện một cách điều đặn vì lòng từ bi cảm hóa chúng sanh, đó là nhẫn nhục và tinh tấn ba-la-mật; chú tâm vào tứ oai nghi của thân, hoặc theo dõi hơi thở, quán sát các pháp không gián đoạn, đó chính là thiền định ba-la-mật; chánh niệm tỉnh giác rời khỏi, xả bỏ hết thảy các chấp thủ đó chính là bố thí và trí tuệ ba-la-mật. 

Như vậy Thế tôn thường diễn thuyết Lục độ ba-la-mật, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhận ra, chính vì thế tôn giả Subhūti đã vì lòng đại bi mà cung thỉnh Đức Phật chỉ dạy thông qua ngôn ngữ khái niệm. Bởi vì ngài Subhūti biết rõ rằng, trong số những vị Bồ tát sơ phát tâm vẫn chưa lìa hết mọi chấp thủ về ngã, pháp, do đó vọng tưởng sanh khởi, kéo theo đó là tham, sân, si, sợ hãi dấy khởi thì tâm dao động bất an. Vì vậy, ngài Subhūti đã thưa hỏi Phật về phương pháp an trú và hàng phục tâm dao động ấy, khi tâm được huấn luyện, được an trú thì phiền não, dao động, bất an không sanh khởi. Tiếp theo, Đức Phật khai mở về con đường của vị Bồ tát (bodhisattvayāna-saṃprasthitena) và phương pháp an trụ, hàng phục, giữ gìn tâm đúng đắn (yathā ). [7]

Bồ tát đạo và con đường phá trừ chấp ngã – chấp pháp của Bồ tát

Đến đây, Bồ tát đạo đã được Đức Phật trình bày và đặt dưới ánh sáng của kim cương bát-nhã-ba-la-mật. Vị Bồ tát sau khi phát khởi đại nguyện (mahāpraṇidhāna) với tâm (citta) không lay chuyển (acala, akṣobhya) và nghị lực tinh tấn (vīrya) bất thối chuyển (avaivartika); Bồ tát đi vào con đường tự độ và độ tha, một con người với tâm nguyện vĩ đại, tự giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sanh, do đó được gọi là bodhisatvā mahāsattva. Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng: “Tuy độ vô lượng vô số các loài chúng sanh (sinh từ trứng, từ thai, từ ẩm ướt, do biến hóa; có hình dạng, không có hình dạng, có ý thức, không có ý thức, không có ý thức cũng không không có ý thức) bất kể chúng sanh được quan niệm như thế nào, thì tất cả chúng sanh ấy điều được Bồ tát đưa vào trong Vô dư niết-bàn. Tuy độ vô số chúng sanh vào Vô dư niết-bàn, nhưng không có một chúng sanh nào đắc Vô dư niết-bàn cả”. [8]

Tại sao Bồ tát độ vô số chúng sanh nhưng không thấy có chúng sanh mình độ, bởi vì Bồ tát không còn những tư tưởng quan niệm về tôi về những thứ thuộc sở hữu của tôi xem nó như là tự ngã, “nếu như Bồ tát còn có sự phân biệt về ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, thì chẳng được gọi là Bồ tát” [9]. Thế nào là ngã tướng (我相) tức là cho rằng có thực một cái ngã thường hằng, bất biến hoặc khởi lên kiến chấp năm uẩn là ta, là của ta. Tuy nhiên, bản dịch của ngài  Kumārajīva khác so với các bản Hán dịch còn lại và so với bản Phạn không thấy có từ ngã (ātman). Ví dụ, trong bản của ngài Huyền Trang: “Tại sao lại như vậy, Thiện Hiện, nếu chư Bồ tát ma-ha-tát khởi lên ý tưởng về hữu tình (有情想轉; satvasaṃjñā pravartate), thì không được gọi là Bồ tát ma-ha-tát…Vì vậy, chư Bồ tát ma-ha-tát chẳng nên nói là có khởi lên tưởng về hữu tình. Như là, mệnh giả tưởng, sĩ phu tưởng, bổ-đặc-già-la tưởng, ý sanh tưởng, ma-nạp-bà tưởng, tác giả tưởng, thọ giả tưởng, nên biết cũng như vậy. Tại sao? Thiện Hiện! Không có một chút pháp nào gọi là người phát tâm hướng đến Bồ tát thừa” [10]. Tại sao lại có sự khác biệt khi dịch “tướng” (相) và “tưởng” (想)? Tướng (相), Phạn ngữ có thể là từ lakṣana hoặc nimitta để chỉ cho các đặc điểm dấu hiệu bên ngoài; “tưởng”, Phạn ngữ saṃjñā, để chỉ cho một đối tượng nhận thức, một trong năm uẩn. Theo Kinh Đại thừa nhập Lăng-già, giải thích rằng: “Đại huệ! Trong đây “tướng” có nghĩa là cái do nhãn thức thấy gọi là sắc, do nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý thức mà có gọi là thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tất cả đó ta gọi là tướng; nghĩa là phân biệt đây là voi, ngựa xe, bộ hành, nam nữ v.v.. chứ không gì khác; làm rõ cái tướng của chúng. Ấy gọi là phân biệt” [11]. Có lẽ đây cũng chính là ý nghĩa mà ngài Kumārajīva dịch là “tướng”. Còn đối với đoạn dịch vừa dẫn ở trên của ngài Huyền Trang, ý nghĩa tương tự được tìm thấy trong Kinh Tạp A-hàm: “Vì mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức. Ba sự hòa hợp sanh ra xúc, thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc, bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người. Ở nơi những pháp này mà khởi ý tưởng là con người (manusa), là chúng sanh, na-la (nara, con người), ma-nậu-xà (manussa, con người trong xã hội), ma-na-bà (māṇavaka, niên thiếu), sĩ phu (puggala, con người, nhân xưng), phước-già-la (puggala, sĩ phu, con người), kỳ-bà (jīva, sinh mạng), thiền-đầu (jantu, sanh loại)” [12]. Như vậy, theo tinh thần của Kinh A-hàm thì bốn sắc ấm (xúc, thọ, tưởng, tư) do mắc và sắc (giác quan và đối tượng của giác quan) hợp lại mà có nhận thức về “con người” (人). Sở dĩ có quan niệm chấp thủ, sai lệch về “ngã tướng/ puggala tướng” tức là do nhận thức sai lầm về những ảnh tượng giác quan. Nói theo biện chứng của Kinh Kim Cương, thì con người, không phải là con người, mà con người là do các yếu tố nhân duyên tạo thành, nếu như chấp vào sắc, thanh,… là tôi, là của tôi tức đã xa lìa nhận thức chân thực của các pháp. Do đó cần có một Chánh kiến, tức là một vajra chặt đứt hết mọi vọng tưởng, chấp thủ, đó cũng chính là trí tuệ ba-la-mật.

Nếu như nói rằng, đạo Phật lấy con người làm trung tâm, lấy hạnh nguyện từ bi truyền bá Phật Pháp, đem đến niềm vui cho nhân loại, thì Bồ tát chính là một trong những người làm công việc quan trọng đó.

Tương tự như vậy, đối với chúng sanh/ hữu tình (sattva; 眾生; 有情), tức là bao gồm tất cả các loài có tình cảm, tâm thức, có kiến văn giác tri, ngược lại với loài vô tình (ngói sỏi, gạch đá,…); nhưng sattva trong Phạn ngữ, còn có nghĩa là một bản thể, sự tồn tại, cho rằng có một thực thể thường hằng chuyển sinh liên tục từ đời này sang đời khác. Nhân tướng tức là tin tưởng vào một cá thể độc lập, liên tục và liên tục ở các thời điểm khác nhau, có sự phân biệt giữa các cá thể với nhau. Thọ giả tướng (jīva) chỉ cho sự tin tưởng có một linh hồn bất tử của Kỳ-na giáo; quan niệm xem linh hồn (jīva) và thể xác là đồng nhất hoặc linh hồn và thể xác là khác nhau, hai quan điểm này điều được xem là thân kiến (sakkāyaditthi), Đức Phật thường bác bỏ luận điểm này và đưa ra con đường Trung đạo, tức là duyên sanh, cũng chính là nghĩa của tánh không [13]. Tìm hiểu về tứ tướng trong Kinh Kim Cương sẽ là một tiền đề căn bản, bởi vì nó được nhắc lại trong suốt bài kinh. Hơn nữa, tứ tướng còn mang ý nghĩa khai phóng, bởi nó sẽ là những chướng ngại mà trên con đường hành đạo Bồ tát sẽ gặp phải. Do đó, việc nhận diện và điều phục chúng là một tiến trình mà Bồ tát cần phải nỗ lực chinh phục.

Nếu như không hiểu bài pháp thực tướng bát-nhã vô ngôn của Đức Phật ở đầu bài kinh, thì thông qua lời dạy của Đức Phật, thính chúng có thể lãnh hội yếu chỉ của Bồ tát đạo. Đạo lộ mà Bồ tát đi vào thực tướng đó là sự song hành giữa lòng đại bi phát nguyện cứu độ vô số chúng sanh và rời khỏi mọi chấp thủ của các tưởng về ngã tướng. Bồ tát hành động với lòng vị tha vô ngã, lấy đối tượng là chúng sanh để thực hành việc cứu độ, nhưng không vì thế mà Bồ tát sanh khởi những tư tưởng chấp thủ về những thứ của tôi, do tôi làm ra, các thứ phụ thuộc vào tôi, tức xa lìa ngã tưởng điên đảo.

Nếu như nói rằng chúng sanh là do nhân duyên tạo thành, thì di nhiên cái gọi là chúng sanh cũng là do các yếu tố kết hợp lại với nhau, do đó không thật có chúng sanh, vậy thì Bồ tát sao lại phát nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh? Đến đây, Kinh Kim Cương bắt đầu sử dụng ngôn ngữ biện chứng của bát-nhã. Đức Phật dạy Bồ tát phát tâm độ vô lượng chúng sanh nhằm phá đổ trung tâm gây nên những dao động bất an của thính chúng. Bởi vì các vị Bồ tát bấy giờ đang lo âu, làm sao để độ hết chúng sanh thành Phật quả. Bởi vì lo âu ấy xuất phát từ tâm chấp thủ tướng, cho rằng thật có vô lượng chúng sanh, có việc cứu độ và tự thân phải lo cứu độ, tức là còn quan niệm về ngã và ngã sở. Chính vì tâm chấp thủ ấy dấy khởi, tác động mạnh mẽ khiến sanh khởi sự dao động bất an. Sơ khởi, Bồ tát phát khởi bồ-đề tâm, mục đích là dập tắt hết mọi tham ái, sân hận và chấp thủ, nhưng nếu như Bồ tát còn vướng mắc vào tư duy ngã tính. 

Do đó, Đức Phật dạy các bồ tát cần phải an trụ tâm, hàng phục tâm thông qua tứ tướng mà chúng ta đã phân tích ở trên. Bồ tát thấy rõ tính phi thực của ngã tướng thì xa rời chấp thủ, dao động tâm, tức là hàng phục vọng tâm, an trụ tâm. Chúng sanh với nghiệp duyên của mỗi người, do đó mà có sự sai biệt, Bồ tát chứng đắc vô ngã tướng thì mới có khả năng dẫn dắt chúng sanh đến Niết-bàn. Khi Bồ tát còn thấy chúng sanh được độ tức rơi vào các ngã tướng, vọng tưởng, Bồ tát phát tâm độ vô lượng chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ, trong đó độ chúng sanh tức là hạnh độ tha của Bồ tát, thấy không có chúng sanh được độ tức là sự giác tỉnh vô ngã, trí tuệ bát-nhã ba-la-mật, cũng chính là hạnh tự độ của Bồ tát. Bởi vì “hết thảy tất cả các tướng điều là phi tướng” và “hết thảy chúng sanh, tức là phi chúng sanh”. [14]

Như vậy, có thể nói, Bồ tát đạo khi đi vào hành trình vô trụ xứ, phải cần được đặt dưới nền tảng của Chánh tri kiến, hay đó chính là trí tuệ kim cương bát-nhã-ba-la-mật tiến hành phá trừ ngã chấp. Bởi vì nếu như không được soi rọi bởi ánh sáng của chánh kiến hay trí bát-nhã, Bồ tát rất dễ rơi vào các kiến chấp, tà kiến, lệch lạc đi ý nghĩa sơ khởi phát bồ-đề tâm lúc ban đầu, càng xa rời con đường đi đến Phật quả. 

Lục độ ba-la-mật và hành trình vô trụ xứ của Bồ tát

Nhận thức là một hoạt động chủ đạo của con người, do đó nhận thức đúng đắn sẽ dẫn đến hành động đúng đắn và mọi việc làm điều được thuận lợi không chướng ngại. Sau khi Bồ tát nhận thức được tính chất giả tạm của tấm thân năm uẩn và các pháp điều là không thật, Bồ tát phát bồ-đề tâm và tinh tấn thực hành các hạnh ba-la-mật làm lợi ích cho chúng sanh. Tuy nhiên, không vì thế mà Bồ tát sanh khởi sự bám víu, chấp vào những việc thiện mà mình tạo ra cho người khác. Đó chính là ý nghĩa: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là: “Bồ tát đối với pháp nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thí, gọi là chẳng trụ nơi sắc để bố thí, chẳng trụ thanh hương vị xúc pháp để bố thí…Bồ tát nên như thế mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao? Nếu Bồ tát bố thí chẳng trụ tướng thì phước đức không thể lường”. [15]

Trong lục độ ba-la-mật mà mỗi vị Bồ tát phải thực hành, thì bố thí (布施; dāna) là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh ba-la-mật-đa, một trong thập tùy niệm (anussati) và là một đức hạnh quan trọng nuôi dưỡng công đức (puṇya). Theo chiết âm Hán Việt, bố (布) = phân tán, ban phát cho khắp nơi, cho hết – thí (施) = giúp, cho. Bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ, biểu hiện của lòng từ bi và là phương tiện dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ. Thực hành bố-thí vô trụ, tức là không khởi lên tâm chấp ngã, chấp pháp, nghĩa là bố thí mà không khởi lên tư tưởng “tôi” và “của tôi” là có thật. Người đời bố thí mong cầu quả báo về hình tướng, Bồ tát đã thực hành đến tam luân (người thí, người nhận, vật thí) đều trống rỗng (không tịch), không còn sự vướng mắc nơi hình tướng, vượt ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tướng. Như trong Kinh Đại bát-nhã: “Các đại Bồ tát nên lấy vô trụ làm phương tiện, để an trụ bát-nhã-ba-la-mật-đa; vì sở trụ, năng trụ đều không thể nắm bắt được. Các đại Bồ tát nên lấy vô xả làm phương tiện, để hoàn thành bố thí ba-la-mật-đa; vì người cho, kẻ nhận và vật cho, đều không thể nắm bắt được” [16]. Bố thí đúng nghĩa, tức là rời mọi chấp thủ, khi đó Bồ tát thành tựu mục têu tự giác và giác tha, đạt được vô lượng công đức cao quý.

Có ba loại bố-thí: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí, tức là sự san sẻ tất cả của cải vật chất, tiền tài, cho đến vợ con, thân thể, tay chân, như trong các câu chuyện Jataka về tiền thân của Đức Phật, khi ngài còn là một vị Bồ tát. Với lý tưởng phụng sự nhân sinh, đem ánh sáng chân lý vào đời, vị Bồ tát không xa lánh, bỏ rơi cuộc đời, mà ngược lại, vận dụng hết mọi phương tiện về vật chất tài lực cùng với trí lực, góp phần xây dựng phát triển xã hội, đó mới là ý nghĩa chân chính mà Bồ tát đạo hướng đến, dung thông cả chơn đế và tục đế. Pháp thí, tức là sự chia sẻ giáo pháp hoàn hảo ở đoạn đầu và đoạn cuối, giáo pháp tức chỉ cho kho tàng trí tuệ của Đức Phật, là phương pháp để cắt đứt mọi vô minh phiền não. Vô úy thí, tức là ban cho chúng sanh sự không sợ hãi, thực hành theo đúng với chánh pháp sẽ khiến an trụ tâm, do đó tâm sẽ không còn dao động bất an. Đối với những vị xuất gia, thì dễ thực hành pháp thí và vô úy thí, ngược lại, đối với những vị cư sĩ tại gia thì tài thí là một thế mạnh và thường được Đức Phật khen ngợi sự bố thí trong sạch của các vị thanh tín cư sĩ. Tuy nhiên, sự phân định này cũng chỉ mang tính tương đối, bởi vì Bồ tát biểu hiện qua nhiều hình tướng, phương tiện thiện xảo khác nhau, do đó cư sĩ Bồ tát cũng có khả năng hoằng pháp, biện tài vô ngại, điển hình như ngài Duy-ma-cật.

Kinh Kim Cương tuy không liệt kê đầy đủ sáu hạnh ba-la-mật, mà ta chỉ thấy kinh văn đề cập xoay quanh trí tuệ và bố thí ba-la-mật. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rằng, nếu như Bồ tát thực hành bố thí đồng thời cũng thực hành các pháp ba-la-mật còn lại. Khi thực hành bố thí, Bồ tát phát xuất từ nhận thức chân chính, muốn đem lại an vui lợi ích cho mình và cho người, động cơ thúc đẩy hành động tạo thành một sức mạnh nuôi dưỡng tâm bồ-đề giúp cho Bồ tát tinh tấn nổ lực thực hành các chí nguyện cao cả, tức là tinh tấn ba-la-mật. Đức Phật dạy rằng, người phá giới sẽ khiến tài sản bị tiêu hao và danh tiếng của bản thân bị tổn giảm,… Do đó, Bồ tát muốn có được tài sản chân chánh, được thuận lợi đồng hành cùng mọi người, bắt buộc vị ấy phải là người trì giới, một vị mẫu mực, mô phạm, đó chính là trì giới ba-la-mật. Trong khi bố thí, Bồ tát không thấy có tôi và cái của tôi tạo ra, chấp nhận và chuyển hóa những điều bất như ý xảy ra từ những người khác mà tiếp tục chí nguyện cao thượng, đó chính là nhẫn nhục ba-la-mật. Vị ấy khi thực hành các hạnh Bồ tát một cách tinh tấn, xây dựng kiến thiết một xã hội thực tế, hòa bình, an lạc, bên cạnh đó Bồ tát không quên phần “tự độ”, tức là làm bất cứ thiện pháp nào điều đặt dưới nền tảng của vô ngã, vô sở trụ, quán sát các pháp như đúng bản chất của nó mà không sanh khởi những vọng niệm: “Tất cả các pháp hữu vi như giấc mộng, huyễn, bọt nước, ảo ảnh, như sương cũng như điện chớp, cần phải thường tác ý quán sát như vậy” [17], tức là hành thiền định ba-la-mật. Mục đích cứu cánh của Bồ tát là sự đạt đến trí tuệ viên mãn, đó chính là trí tuệ bát-nhã, là kết quả của sự thực hành các công hạnh trước đó, đó chính là kim cương báu, cắt đứt những chấp thủ, khái niệm bám víu, Bồ tát thành tựu tất cả các độ, nhưng không thấy mình có sự chứng đắc, cho đến Tứ quả, cả Phật quả, đó mới thực sự là Bồ tát vô sở trụ, vượt lên tất cả các ý niệm về pháp (pháp tưởng, dharmasaṃjñā), “bởi vì cái gọi là ý niệm về pháp được dạy bởi Như lai, thì không phải ý niệm, nó chỉ là cái gọi là ý niệm về pháp mà thôi, do đó được gọi là ý niệm về pháp” [18], siêu việt cả pháp và phi pháp; [19] đến đây Bồ tát không còn sự chấp ngã, chấp pháp và đạt đến trạng thái tâm an trụ trong vô trụ xứ. Tức là thành tựu tự độ và độ tha, đạt đến trí tuệ ba-la-mật, mà tất cả sơ khởi từ việc bố thí vô chấp.

BỒ TÁT – NGƯỜI GIEO HẠT MẦM XUÂN VÀO CUỘC ĐỜI

Lý tưởng Bồ tát, tinh thần nhập thế hành Bồ tát đạo chính là một trong những chủ đề xuyên suốt và quan trọng nhất trong suốt quá trình hình thành phát triển của Phật giáo. Tìm hiểu về hạnh nguyện của một vị Bồ tát đi vào đời cứu khổ độ sinh, thực hành tự độ và độ tha là một việc làm hết sức ý nghĩa và thiết thực. Nếu như nói rằng, đạo Phật lấy con người làm trung tâm, lấy hạnh nguyện từ bi truyền bá Phật Pháp, đem đến niềm vui cho nhân loại, thì Bồ tát chính là một trong những người làm công việc quan trọng đó. Kinh Kim Cương đã mở ra một khung trời bao la, vô tận của trí tuệ bát-nhã, một thứ ngôn ngữ ly niệm. Xuyên suốt nội dung chủ đạo của kinh, đó là sự khai phóng cá nhân ra khỏi tù ngục của mọi ảo tưởng về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả tướng; tức là giải phóng tư tưởng con người trần tục thoát ly những ảo tưởng vấy bẩn sự an tĩnh, vắng lặng của tâm và đưa tâm trở về với trạng thái an tịnh, rỗng rang mà sáng suốt vô ngại.

Kinh Kim Cương hoạch định một lộ trình tu tập theo lý tưởng của một vị Bồ tát vô sở trụ, theo đó lục độ ba-la-mật được ngầm ẩn định trong kinh, đó cũng là đạo lộ mà mỗi Bồ tát phải trải qua. Tu tập chuyển hóa nội tâm và thực hành các công hạnh cứu độ tha nhân (tự độ và độ tha), không đồng nghĩa với việc Bồ tát lấy đó làm tự mãn, chấp trước, hay kiêu ngạo về những gì mình đã tạo dựng. Hành trình vô trụ xứ hay đạt đến Niết-bàn vô ngã siêu việt giữa có và không, thoát ra khỏi mọi ảo tưởng về ngã chấp và pháp chấp.

Bồ tát khi đi vào thực hành trí tuệ bát-nhã, quán sát các pháp như thật tướng của nó mà không sanh khởi vọng tâm. Trí tuệ quán chiếu về ngũ uẩn là vô thường, duyên sanh, vô ngã, do đó phá trừ ngã chấp (tứ tướng). Tiến lên một bậc, Bồ tát nhìn sâu vào bản chất của các pháp phương tiện, bởi vì pháp được xem như là một chiếc bè dùng để qua sông, qua rồi thì để lại bờ, không có sự chấp thủ cả pháp học cho đến sự thành tựu của việc học pháp (pháp thành). Chân lý chỉ có một, nhưng đường đến đó có thể nhìn nhận và phán xét khác nhau, do đó không nên có chấp vào các kiến giải cá nhân, mà phát sanh những tư tưởng cống cao, ngã mạn, tự làm chướng ngại cho mình. Trong đời sống thường nhật, vị Bồ tát thực hành lục độ vạn hạnh, bốn nhiếp sự chính là phương tiện để Bồ tát gần gũi và khuyến dạy tha nhân. Trí tuệ vô ngã, luôn luôn khiêm hạ mình và tôn trọng người khác, bởi lẽ mọi người điều là Phật trong tương lai. Do đó, Bồ tát không có thái độ khinh thường, kiêu căng, xem mình hơn người, như thế mới thực là Bồ tát vì lợi ích cho nhân quần xã hội.

Bằng những hành động thực tế cùng với lý tưởng giải thoát cao thượng, Bồ tát đi vào hành trình vô trụ xứ, bắt tay vào xây dựng một tịnh độ, một cõi Phật cõi xuân bất tận giữa nhân gian, tinh cần ngày đêm gieo những hạt mầm xuân (trí tuệ, từ bi, vô ngã, vị tha,…) vào mảnh đất tâm của chúng sanh.

Bồ tát đi vào đời, dùng phương tiện thiện xảo mà hóa độ chúng sanh, do đó, sự nỗ lực xây dựng một môi trường sống lành mạnh là một điều thiết thực và cần thiết. Phật giáo không bi quan, yếm thế, trái lại dùng trí tuệ để kiến thiết cõi tịnh độ nhân gian. Ngoài việc thực hành các công tác an sinh phúc lợi xã hội, Bồ tát còn phải vận dụng trí tuệ để truyền bá chánh pháp, khiến cho mọi người điều được an vui, giải thoát. Với tấm lòng từ bi và trí tuệ cao cả, Bồ tát mở rộng tứ vô lượng tâm hướng về tất cả sanh chúng; thực hành nuôi dưỡng, bảo ban và sách tấn chúng sanh trên con đường tu tập. Với tâm từ bi rộng lớn, Bồ tát không làm thương tổn đến tất cả sanh loại, trái lại, dùng mọi phương tiện thực hành sự phòng hộ, bảo vệ và phát triển môi sinh, góp phần thiết thực vào công cuộc cách mạng xanh của trái đất. Bởi vì môi trường sống được trong lành, cây cối, sông ngòi trong sạch thì các loài sinh vật mới có thể sinh sống và phát triển một cách an bình, con người được khỏe mạnh và có môi trường trong sạch thuận lợi cho việc thực hành thiền quán, phát triển thiền định.

KẾT LUẬN

Hạnh nguyện Bồ tát theo tinh thần Kinh Kim Cương tức là con đường lý tưởng, là đạo lộ mà mỗi “chúng hữu tình hướng đến sự Giác ngộ” (Bồ tát) phải đi qua để đến với Phật quả. Tự độ và độ tha chính là hai phương diện không thể tách rời của Bồ tát. Bằng sự rung cảm của trái tim từ bi trước nỗi khổ của tha nhân, Bồ tát tự phát nguyện tự cứu độ mình và cứu độ cho muôn loài vượt qua khổ cảnh. Bằng những hành động thực tế cùng với lý tưởng giải thoát cao thượng, Bồ tát đi vào hành trình vô trụ xứ, bắt tay vào xây dựng một tịnh độ, một cõi Phật cõi xuân bất tận giữa nhân gian, tinh cần ngày đêm gieo những hạt mầm xuân (trí tuệ, từ bi, vô ngã, vị tha,…) vào mảnh đất tâm của chúng sanh./.

 

Tỳ kheo Thích Từ Thông/TCVHPG404

Chú thích:

[1] Vajra, Vajrā: 48 definitions, nguồn: https://www.wisdomlib.org/definition/vajra, truy cập 09/11/2022 

[2]《金剛般若波羅蜜經》(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 748c26-29)

[3] Bản dịch của ngài Huyền Trang

[4] Bản dịch của ngài Huyền Trang

[5] Kathaṃ bhagavan bodhisattvayānasaṃprasthitena sthātavyam | kathaṃ pratipattavyam | kathaṃ cittaṃ pratigṛhītavyam | 

[6] Mahāprajñāpāramitāśāstra, nguồn: https://www.wisdomlib.org/buddhism/book/maha-prajnaparamita-sastra/d/doc82327.html 

[7] Bodhisattvayānasaṃprasthitena sthātavyam | yathā pratipattavyam | yathā cittaṃ pratigṛhītavyam | 

[8]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 749a5-10)

[9]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 749a10-11)

[10]《大般若波羅蜜多經》: (CBETA 2022.Q4, T07, no. 220, p. 980b8-13)

[11]《大乘入楞伽經》: (CBETA 2022.Q4, T16, no. 672, p. 620b6-11)

[12]《雜阿含經》: (CBETA 2022.Q4, T02, no. 99, p. 87c26-29)

[13] Xem thêm S,XII,35

[14]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 750b24-27)

[15]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 749a12-16)

[16]《大般若波羅蜜多經》: (CBETA 2022.Q4, T05, no. 220, p. 11c15-19)

[17]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 752b28-29)

[18]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 752b22-23)

[19]《金剛般若波羅蜜經》:(CBETA 2022.Q4, T08, no. 235, p. 749b10-11)

 

Tài liệu tham khảo:

1. Majjhimanikāya, Kinh Trung Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020

2. Saṃyuttanikāya, Kinh Tương Ưng Bộ, Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021

3. Kinh Tạp A-hàm I,II,III, Tiểu Tạng Kinh, Việt dịch Thích Đức Thắng, Hiệu chỉnh & chú thích Tuệ Sỹ, Nxb. Hồng Đức, Hương Tích, 2019

4. Kim Cương gươm báu cắt đứt phiền não, Thích Nhất Hạnh, Nxb. Thời Đại, 2011

5. Kinh Kim Cương Phạn – Việt, Lê Tự Hỷ dịch và chú, Nxb. Hồng Đức, 2020

6. Ấn Thuận, Lịch Sử Tư Tưởng Phật Giáo Ấn Độ, Thích Hạnh Bình & Thích Huệ Hải dịch Việt, Nxb. Hồng Đức, 2021

7. Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021

8. Kimura Taiken, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021

9. Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021

10. Kimura Taiken, Tiểu thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021

11. Nalinaksha Dutt, Đại thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa, HT Thích Minh Châu dịch,Nxb. Tôn giáo, 2015

12. Śāntideva, Bồ tát hạnh (Bodhicaryāvatāra), Thích Trí Siêu dịch, Nxb. Phương Đông, 2008

13. Tư tưởng Kinh Kim Cương và Bát-nhã, HT Thích Chơn Thiện, Nxb. Phương Đông, 2012

14. CBETA, https://cbetaonline.dila.edu 

15. Vajracchedikā Prajñāpāramitā, https://www2.hf.uio.no/polyglotta/index.php?page=fulltext&view=fulltext&vid=1176

16. Kinh Kim Cang, HT Thích Thanh Từ dịch và chú giải, nguồn: thuvienpdf.com/kinh-kim-cang.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin